Đã lâu rồi cho đến bây giờ, nhân loại này cần cửa kính. Cửa kính không phải là sự cách ngăn mà cửa kính thông báo một sự cách ngăn. Cửa kính thông báo những thế giới đang song song tồn tại, ít nhất là thế giới ngoài kia và thế giới trong này. Cửa kính sẽ vô dụng nếu như nó quá trong suốt (mặc dù đặc tính cách âm vẫn có thể còn nguyên) bởi như thế sẽ làm mất đi ngôn ngữ đích thực của nó: sự thông báo. Và cửa kính bao giờ cũng đẹp hơn khi có những giọt nước mưa đậu vào.
Người ngồi trong cửa kính – có thể chính xác hơn là “ngồi sau” hay “ngồi trước cửa kính” - là người đã đi tìm rất lâu một chỉ dẫn về với suy tư, là người đã từ lâu thèm khát được nhìn thấy thế giới không phải theo cách thông thường. Suy cho cùng, trong tất cả những động lực của phát ngôn, của hiểu biết thì có một động lực là: muốn thế giới kia không phải như thế - muốn nó xa lạ hơn, hoặc muốn nó là một ý nghĩa khác (chẳng hạn có lúc họ thèm tất cả những màu xanh trên đời đều là màu đỏ, hay cố tình lừa dối rằng đó là màu đỏ). Đó là một tâm trạng mang tính phản kháng: con người trong tiềm thức chống lại phân biệt đối xử của chính chúng ta đối với những sự vật quan trọng (cái bát, cuốn sách, cái ô) so với những sự vật nhược tiểu hơn (vết lằn trên tay, sự xộc xệch, những vết nhơ, cái bóng của cột đèn…). Phải đến khi mộng mị, sự công bằng mới được trả lại: màu cánh gián ghê tởm của cái bục diễn thuyết có thể sẽ được nhắc đi nhắc lại trong mơ còn nhiều hơn cả phút giây người ta đứng lên trên cái bục diễn thuyết đó - cái mà thường được xem là quan trọng hơn khi còn thức giấc. Trí tuệ và đôi mắt thực sự đã không hờ hững, chỉ có điều là lời nói ngôn ngữ hằng ngày đã kéo con người vào cuộc chơi. Trong đó, cái gì không gây được thành chủ đề thì bị loại khỏi tầm lưu tâm.
Người ngồi trong cửa kính trước đó là một con người bình thường. Anh ta luôn luôn tìm cách chiếm lĩnh sự vật xung quanh: anh ta nhìn, nghĩ, đánh giá, tính toán khoảng cách, lên kế hoạch, đụng chạm, sửa chữa, mô tả… Nhưng cửa kính đã tạo ra sự khác biệt. Nó cắt không gian của anh ta làm hai mảng, và chính cái ấn tượng về sự chia cắt vật lý ấy tạo ra cảm giác bất lực rất huyền hoặc. Trước tiên, người ta không thể với tới sự vật. Sau đó, người ta hiểu rằng thói quen chiếm lĩnh sự vật hằng ngày đã không còn nữa. Cửa kính đã hạn chế hầu hết khả năng của người kia, chỉ cho phép duy nhất một hành động: nhìn!
Người ngồi trong cửa kính đã rơi tự do vào trạng thái thôi miên. Anh ta không còn mảy may muốn vượt qua ranh giới. Anh ta chấp nhận ở trong tư thế ngoài cuộc và chỉ còn quan sát. Thế giới ngoài cửa kính, như vậy, trở thành thế giới xa lạ. Đó là thế giới của những hình ảnh – không phải những sự vật hằng ngày có thể chiếm lĩnh, cũng không phải là những hình ảnh chụp lại của quá khứ bất biến – mà là những hình ảnh của thời hiện tại được trình chiếu trên từng centimet vuông của ô cửa kính. Sự phân biệt đối xử hằng ngày giữa các vật thể dựa trên thang đo về tầm quan trọng không còn được áp dụng, hoặc bị hạn chế. Trái lại, những tiêu chuẩn về hình ảnh sẽ được áp dụng thay thế. Chẳng hạn, hình ảnh nằm chính giữa cửa kính – với màu sắc ấn tượng hơn – sẽ được lưu tâm hơn hình ảnh nằm bên mép kính. Bất kể đó là sự vật gì: có thể chỉ là sự lồng ghép của nắng hoàng hôn vào trong chiếc áo nilon ướt. Chẳng hạn nữa, nếu đó là cửa kính của một chiếc xe đang chuyển động tốc độ cao, người ta sẽ nhìn thấy những hàng cây đang di chuyển. Người ta không nhìn hàng cây: người ta nhìn sự di chuyển của chúng!
Đó là một thế giới khác, một thế giới xa lạ, một thế giới của mơ ước, của mộng mị. Cũng giống như thế giới siêu thực, thế giới ngoài cửa kính thỏa mãn ham muốn đào thoát thực tại – đến nơi mà con người vô can, không cần phải bận tâm về sự vật. Đó là thế giới người ta gặp gỡ sự vĩnh cửu và trải qua cảm giác trường tồn.
Có lẽ khi người ta nói về “lăng kính văn chương” thì ở đây không chỉ có ẩn ý về cái kính lúp (một kiểu thấu kính giúp soi rõ thực tại) - thậm chí đó cũng không phải là ẩn ý rốt ráo – mà như muốn nói về cái kính dạng đơn thuần, kính phẳng, cái kính thông báo sự cách ngăn và dẫn vào việc thông báo trạng thái quan sát, suy tư và mơ mộng. Đó chính là cửa kính! Và toàn bộ hành động viết văn chương có thể so sánh như hành động tạo ra cửa kính, ngồi trong cửa kính và đặt mình vào trạng thái của người ngồi trong cửa kính. Tác giả văn chương trình diễn hai thế giới tương ứng: thế giới bên trong (thế giới tư tưởng) và thế giới bên ngoài cửa kính (thế giới được miêu tả). Vì thế, thế giới được miêu tả trong văn chương, dù thuộc về chủ nghĩa hiện thực hay không, vẫn đã sẵn là một mộng mị.
Như vậy, nếu cửa kính là điều kiện cần, là luật chơi tối cao trước khi bước vào thế giới văn chương, thì những người chối bỏ điều kiện này và không chấp nhận luật chơi này sẽ coi văn chương là thứ giả tạo. Hầu như những người này bị coi là “phàm phu tục tử” không biết yêu văn chương. Nhưng chính sự tồn tại của những người ấy cũng góp phần thông báo bản chất của văn chương. Vả chăng, chính chúng ta – bọn yêu văn chương – cũng có không ít lần cảm thấy bị lừa dối: cảnh phố phường, cảnh thôn dã, những dòng sông lơ đãng trôi qua của văn học không tồn tại, dù chúng ta đã đến đó và đang sống giữa nó. Nhưng cũng chính vì thế khung cảnh ấy đẹp hơn: bởi nó tương phản với chính nó “ngoài đời” và đồng thời nó kéo chúng ta khỏi “ngoài đời”, tạo thế cân bằng giữa thực tại và mộng mị, giữa vĩnh cửu và thời gian đi qua.
Cái đẹp của văn chương như thế không lưu lại trong sự vật ngoài cửa kính mà lưu lại trong ngôn ngữ. Cụ thể: ngôn ngữ đã tiết lộ, đã thông báo quá trình biến thực tại trở thành thực tại ngoài cửa kính của tác giả. Người đọc không đắm chình trong cảnh sắc của Marcel Proust, mà người đọc trở thành Marcel Proust sống lại không gian của ông. Người đọc không say mê với triết lý rút lại từ truyện của Maugham, mà người đọc trở thành Maugham hăng hái bước qua những chuỗi sự kiện cắt ra từ trục thời gian. “Nàng mơ thân mờ tối” (Lorca) không phải là người con gái đẹp, mà là một câu thơ đẹp. Tất cả là vì người đọc trước tiên đã được đặt trong cửa kính, chìm trong mộng mị và thôi miên.
Marcel Proust đã dành cả đời mình viết về cửa kính. Ông đã miêu tả tất cả những hình ảnh đã trôi qua trên cửa kính của mình và đồng thời nhấn mạnh vào sự tồn tại của cửa kính: cái lưu giữ thời gian đã mất thông qua con đường hình ảnh. Có một Proust nhân vật tôi tham gia vào thực tại sau cửa kính và một Proust khác quan sát qua lớp cửa kính để ghi lại ngay cả “những vạch nắng trên cây, đóa hoa cạnh đường tàu”…
Nhưng điều quan trọng nhất, cửa kính của Proust không phải chỉ là một tiền giả định như mọi tác phẩm khác. Ở Proust, cửa kính chính là một nhân vật, thậm chí là nhân vật chính! Và, người đọc trong tình huống này được cung cấp thêm một lớp cửa kính thứ hai lồng lên, qua đó nhìn vào, chúng ta đang thấy Proust ngồi trước lớp cửa kính thứ nhất – đầy say mê và tư lự. Nói cách khác, chúng ta đã hô lên rằng: “tôi đang say đắm ngắm nhìn Marcel Proust cũng đang say đắm”. Hai lớp mộng mị ấy đã tạo nên tác phẩm vĩ đại của thế kỷ XX “À la recherche du temps perdu”
8/4/2015
Nhận xét
Đăng nhận xét