Để nhìn nhận “một cách thuần túy văn chương” Nguyễn Thị Hoàng cũng dễ thôi: cần có một tọa độ.
Trục hoành: Khi trong trường hợp người ta đã đọc một loạt: Mai Thảo, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng đủ để thấy cái kiểu hành văn như nhịp nhạc, mang theo tâm tư rối của những trai gái thành thị một thời đem nỗi buồn chung của thời cuộc để tô lên những đổ vỡ riêng tư (Ngược lại, nếu không có bộ ba này, những gì còn lại là Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc - một thế giới khác), đấy là trục hoành
Trục tung, để hoàn thiện được trục tọa độ: đó là tiểu thuyết về tình yêu. Việt Nam có rất ít tiểu thuyết tình yêu lớn, vì thế các cuộc tình lớn sẽ ngay lập tức cho ra một tiểu thuyết lớn. Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) là một chuyện tình. Lan Hữu (Nhượng Tống) là mối tình bắt cá hai tay đẹp đẽ của tuổi mười bảy. Nỗi Buồn Chiến Tranh (Bảo Ninh), sau tất cả, là một roman kể về một yêu đương bi tráng. Càng ngày cái việc này càng thắt lại, càng ngày tìm mãi đếch thấy đâu tiểu thuyết tình yêu nữa, dẫu ngôn tình thì rất lắm (Ngôn tình thì có đặc trưng nằm nhiều ở chữ “ngôn” hơn là chữ “tình”).
Nhưng Nguyễn Thị Hoàng thì làm sao? Người ta luôn cảm thấy không có nhiều cái để nói về Nguyễn Thị Hoàng ngoài chuyện đời. Y hệt như trường hợp Lưu Quang Vũ. Thật ra việc người ta săn quyển “Nhật ký của im lặng” còn nằm ở một lý do nữa, đó là đi tìm một điều gì đó khác nữa mà người ta cảm thấy chưa nắm bắt hết ở Nguyễn Thị Hoàng. Quyển sách Nhật Ký Của Im Lặng nên là một quyển sách bí ẩn, không nên xuất hiện trở lại, vì nó đúng: cần có những quyển sách đóng vai trò huyền thoại để nuôi nỗi đói của thiên hạ.
Văn chương của Nguyễn Thị Hoàng là những viên ngọc trai lẩn trốn, thoạt nhìn thì bình thường, đọc lên thì lung linh, nhưng rất khó tra ra cái lung linh ấy ở đâu.
Không phải cách dùng từ, những ai nói Nguyễn Thị Hoàng dùng từ độc đáo, đó là do chưa đọc Mai Thảo.
Hơi thở của văn chương Nguyễn Thị Hoàng nằm ở nhịp.
Nhịp của Nguyễn Thị Hoàng, được tạo ra cố ý bằng sự mất cân xứng giữa các vế trong câu: các vế câu không đều nhau, tạo cảm tưởng nghiêng đổ, Nguyễn Thị Hoàng nói: “Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống”.
Những đoạn như sau rất Nguyễn Thị Hoàng:
“Những phút mà tất cả chìm rơi vào hư không, chỉ còn tiếng gió vi vu cuốn theo những ảnh hình trầm ẩn hiện chạy dài suốt còn đường ba trạm tương lai, hiện tại, quá khứ như chuyến tàu tốc hành băng qua đồng lúa bình yên…”
Cái nhịp đó rất rõ: ở vế thứ nhất trên cấu trúc bề mặt, “Những phút mà” - cụm từ chính thì rất ngắn, nhưng bổ ngữ thì dài suốt như một hơi thở xổ ra. Ở cấu trúc câu ghép, vế thứ nhất, khi tất cả chìm rơi vào hư không, “chỉ còn”, nhưng cái “chỉ còn” kia thì sâu hun hút.
Nguyễn Thị Hoàng viết, giống như những ý chính chỉ là một nhịp lấy hơi, trước khi trượt dài vào các phụ ngữ. Đó là một suy đồi hiển hiện trên bề mặt. Đó là văn chương huy hoàng của bế tắc và đi xuống.
Phụ ngữ là rèm nhiếp chính của Nguyễn Thị Hoàng: gần như ngay tắp lự, các tu từ (nhân hóa, hoán dụ và liên tưởng) của Nguyễn Thị Hoàng, chạy ngay trú ẩn vào các phụ ngữ, từ đó, từ cái chỗ không phải là sườn câu chính nó sáng lên rồi ẩn đi. Một văn chương lớn chính là ở đây: cho nên các bài thơ muốn hay thì hãy như Lưu Quang Vũ, đừng có cố phô ra tu từ, mà hãy biết giấu nó đi.
“Không một ai trong những tương giao hồi tưởng. Không một ai trong những mệt mỏi và thờ ơ gần như vô nghĩa của bây giờ”
Thêm nữa, để tạo nhịp, có rất nhiều cách, Nguyễn Thị Hoàng thường có những phách nhẹ như sau:
“Bên trong trống trải, lạnh tanh một vùng khí rỗng”
“Khí rỗng”, “Chuyến xe câm” là những đặc điểm thi thoảng mới có ở Nguyễn Thị Hoàng, tạo ra những cản lực cho một hành văn đang trượt đi: các tính từ đơn đi với những danh từ ghép, “bức tượng chói”, “chuyến xe câm”, “mặt trời chết”.
Tất cả chỉ có thế, tuy không dễ, nhưng nếu không nhìn nhận đúng điểm rơi, tất cả sẽ trượt dài theo những tán tỉnh lăng nhăng của phê bình văn học.
Nhận xét
Đăng nhận xét