Cái quyển Thiên Thần Mù Sương sau mấy năm vẫn được bạn đọc chịu khó đọc hết và review. Đây có lẽ vẫn là cuốn sách có cốt truyện hoàn bị nhất mà tôi xây dựng được. Nhưng tất nhiên thời gian làm người ta thay đổi đi, tôi đọc lại cũng không còn thích thú, thấy chỉ còn sự non nớt và hồn nhiên của một tuổi trẻ dĩ vãng.
Cái năm nay là năm của sống nhanh, sự sốt ruột của thân phận đã đòi hỏi bàn tay nhỏ quật roi mà thúc đời sống đi lên. Muốn về được một nếp nghĩ thư thái, đủng đỉnh của ngày trước thì cần nhiều động tác tinh thần, tựa như đến lúc phải bồi thuốc bổ cho phủ tạng hoạt động theo chức năng của tuổi mười bảy. Tôi đâm ra cảm mến các nhà thơ, lúc nào họ cũng bắt thời gian ngưng lại được, lúc nào cũng nghe ra được cái mát mát của gió mới thổi phù qua ngón tay nhấm nước để hờ trên đầu lọc thuốc lá. Còn giờ đây với tôi, muốn bình tĩnh lại thì phải trẫm mình một lát vào bóng cây trước sân nhà, chắc là một bóng cây bàng, hoặc cây vối, hay đại loại hoa sữa, quanh năm không bao giờ để ý đến, nhưng chờ nó sẫm dần thành một bãi đen dưới ngọn đèn mật ong hỏng. Chờ tiếp một tiếng đồng hồ nữa cho đến khi đích thị là sắp có một người giống hệt mình tìm vào, như trong truyện của Dostoevski. Nhưng chừng nào cái chờ ấy giúp ta hình thành hẳn một kỷ niệm, tôi ngờ rằng có thể tìm ngay ra một lối đi vào thế giới văn chương quen thuộc mà hằng ngày sục sạo trên trang giấy mà không nhìn thấy. Dưới đêm tối, một câu chữ gì đó loé lên, một sự gì đó bắt đầu. Trước đây tôi hay so sánh sự loé đó như một ánh chớp màu cam viễn xứ, nhưng bây giờ, phù hợp hơn cả, là tiếng xèo tự do và khinh bạc của thuốc cháy dụi xuống một giọt sương.
Trong phần đời nho nhỏ phía trước, nếu thực sự đời có lựa chọn, thì tôi đã tick thẳng tay vào tất cả những phương án khó nhất. Tôi không làm bất cứ một điều gì dễ chịu cả, vào lúc chỉ cần có thể gạch một nét xổ phấn bình thường thì tôi lại vẽ cho kì được dây tầm gai, và vào lúc phải tinh tấn tinh thần để đến một nấc thang thăng hoa, thì tôi ngừng và quay đầu lại. Cái ương bướng bản năng của tôi là để phản ứng với một cuộc sống sắp sẵn, thế nên có lúc nó tự phản ứng với chính nó luôn, cho nên chung quy lại về lý trí thì tôi vẫn ước mơ một nếp đời bình thường. Bao nhiêu bạn bè quay mặt được với cái mực thước, và lờ đi được những cái tầm thường để được tự do thì tôi lại từ chối những nét nghĩ nông nổi mà thú vị kia, để đến lúc bạn bè văn nghệ thấy bực vì tôi sống “hơi bị lý lẽ”. Thì cũng vì điều kiện sống đâu có cho phép: cái hào sảng bên ngoài bù sao được cái thua thiệt trời phú cho. Cũng đành.
Nhận xét
Đăng nhận xét