Đức Anh KostromaTruyện ngắn
(Đã đăng tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 950 / 2020)
(Đã đăng tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 950 / 2020)
Trong cuộc đời lái taxi của tôi – mà phần lớn là vui vẻ (lát nữa tôi sẽ nói tại sao) – chưa bao giờ có một giai đoạn trầm buồn như năm ấy. Hay do hồi ấy tôi đã 33 tuổi rồi? Vì người ta nói – thực ra là một khách hàng của tôi trên đoạn đường qua ngã tư Đặng Thùy Trâm – chiều cao con người bắt đầu thấp dần từ năm 31 tuổi, là vì có một chiếc sừng mọc ngược vào trong, kéo chùng thân ta xuống. Đúng là vậy, tôi chỉ còn cao 170 cm so với cách đấy mấy năm (171cm). Nhưng quan trọng hơn: tôi không những lùn đi, mà hình như có một lớp polyeste vô hình nguội lạnh đã phủ khắp thân thể tôi. Những cơn ngứa, và nhất là những bức bối khó tả tựa như ai đó vừa xức lên một thứ dầu nóng bỏng vào các vùng không có lông, chỉ còn có thể giải thích theo cách ấy.
Năm ấy, tôi tưởng hạnh phúc đã vỗ cánh bay xa. Thứ hạnh
phúc của một tự do vĩnh viễn, không còn phân chia cuộc đời là thành công hay lụn
bại, thứ hạnh phúc của ngồi yên trên ghế lái, nghe thanh âm văng vẳng nồng nàn
của giọng hát Thanh Tuyền, trong một cơn giả tưởng thấy mình là một hồn phách
bay lên đang dạo chơi đô thị. Bởi vì bỗng một hôm nọ tôi thấy mọi thứ quanh
mình cứ trơ ra: mọi thứ, không có ngoại lệ. Không phải là trơ trọi, chỉ là trơ ra
mà thôi. Tất cả bỗng vô duyên đến cực điểm
(người, xe, nhà cửa, mùi hăng, tiếng nhạc, và nhất là con thỏ bông treo
móc chìa khóa) và tôi không hiểu sao lại thế.
Bài "Hoa Nở Về Đêm" của Mạnh Phát – đã từng
là một thánh ca của tôi, đã từng hồi phục tôi trong một cơn biến động thanh
niên, ai chưa từng lái taxi sẽ không bao giờ hiểu được bài hát ấy – cũng vì
chuyện nêu trên mà hết linh diệu. Những luyến láy vút cao của người ca sỹ không
còn chói sáng, chỉ còn là một tiếng gió the thé lùa qua cửa kính trơ ra trước
tâm hồn một kẻ ù một bên tai. Vì thế, hôm ấy tôi tắt phựt cái bài ấy đi. Chính
động tác này làm tôi nhận ra ông khách ngồi ghế sau tôi mặc áo vest màu vàng xỉn,
không phải màu nâu như tôi hằng tưởng.
Khi tắt nhạc đi rồi tôi mới phát hiện ra người đàn ông
có nước da của một mặt nạ bong tróc nọ từ nãy đến giờ vẫn đang nỗ lực chỉ đường.
Lại còn giọng Hải Dương nữa chứ, có thể là cùng quê với tôi chăng.
"Rẽ trái sang Hoa Bằng. Đi một đoạn nữa, tầm bốn
trăm mét, là phố Bà Triệu"
"Không,
không trên cơ!"
Cứ như thế....
Trong những lối đi chẳng chịt ấy, tôi phát hiện một
khoảnh khắc thân thuộc trong đoạn băng qua phố Trần Khát Chân, cứ như một phần
thể phách tôi đã gửi lại ở đấy vĩnh viễn. Trong một giây ngắn ngủi, niềm yêu đời
xưa kia của tôi bừng lên. Cơ thể râm ran những đường máu đã thông lại. Trong một
tích tắc qua mau, tôi sống lại mọi mơ ước ban đầu, vụt lên như viên lửa đỏ qua
tàn đóm. Rồi lại về như cũ, cứ như một bóng nắng trải qua kính cửa xe đã quét sạch
tất cả trong một lần dứt khoát. Và cứ như nước loang đi mau trên men gạch, bỏ lại
một thế giới khô hạn, những lớp bụi sần sùi.
Thế nên tôi có phần hơi bực tức khi không nán lại được
con đường ấy bao lâu, mà đã phải rẽ sang Trần Cao Vân. Một con đường buồn tẻ. Một
con đường hôn mê, suy sụp trong tàn chiều.
"Rẽ! Rẽ! Rẽ! Bên kia cơ mà".
"Cháu biết rồi chú!" – Tôi phụng phịu, rồi
băng qua ngã ba, tôi chọn một tuyến khác để tránh ách tắc – "Chú yên tâm
cháu đi xe bao năm nay rồi".
Người đàn ông chắp hai tay lên phía trước đầu gối, y
như đang ôm một chiếc cột vô hình và ngó nghiêng một trận quần vợt qua biển vai
người.
"Tao cứ nói thế cho chắc. Taxi là chúa sai đường".
"Taxi nào sai chứ cháu thì không nhé chú!" –
Tôi hơi tự ái.
"Ừ thế chú mày cứ cho tao đến ngõ tên là Thanh
Hương ở phố Trần Bình Trọng. Cái ngõ đấy bây giờ mất tên rồi, mà tao không nhớ
số. Chỉ biết ở đầu có một cái cột điện chuyên dán quảng cáo lớp dạy tiếng Thái,
nhưng hình như của hai trung tâm khác nhau. Số điện thoại đổi liên tục, một
trung tâm đầu tiên kẻ vẽ bảng hiệu rất tử tế, cái thứ hai trông hơi cẩu thả. Số
điện thoại để lệch hẳn về mép trái như kiểu bị đẩy lồi ra ấy".
Người đàn ông này còn nói rất nhiều, ban đầu nhỏ dần,
chìm dần đi như mê sảng, rồi lại đột ngột vang giọng. Vì khi ấy tôi tập trung
nghe giọng nói. Một giọng nói thân thuộc, nhưng xa xăm, tựa như một bài hát năm
cũ chợt nhớ lại trong mơ mà sáng dậy đã quên hoàn toàn thức điệu. Sau cùng của
cuộc suy tưởng này tôi mới ngộ ra cái giọng ấy nghe giống cái gì: rất giống chú
Hải quá cố của tôi. Chú Hải em bố tôi – một thời trộm cắp huy hoàng ở phố núi,
ra tù về ở nhờ nhà tôi trong sự căm ghét của mẹ tôi, nhưng đã mua cho tôi một
quả bóng da, đã dạy tôi bơm bóng da. Rất nhiều buổi chiều chú ngồi im lặng rất
lâu ở đầu hè, chỗ có một cây cau cảnh, rồi vụt đứng lên, dáng người cao lớn lồng
lộng, lướt qua rồi đoạt lấy quả bóng trong chân tôi. Ôi những ngày thơ hạnh
phúc không được bao lâu. Hơn hai chục năm qua đi, thế thời đã thay đổi: một hôm
tôi mở sách Tiếng Việt của cu Bi con tôi, thấy một từ mà năm xưa tôi học, nghĩa
đen và nghĩa bóng đã đảo cho nhau (từ ấy là "dịch" thì phải). Nhưng
trong lòng tôi luôn tin rằng, những ai nói giọng nói giống chú Hải đều là người
có thể làm bạn được. Cuộc đời tôi là một phép cộng của những niềm tin kỳ quặc
mà tôi cứ giữ chặt lấy trong vô thức, để thần phục dưới chân chúng mãi mãi. Mà
phần lớn những niềm tin ấy đều đúng (Về vấn đề không đơn giản này, lát nữa tôi
sẽ bàn tiếp).
Trở lại câu chuyện, đúng là tôi đã nhầm đường thật.
Vì phố Trần Bình Trọng không nằm ở phường này. Quái lạ.
"Tao đã bảo rồi" – Người đàn ông cười nhạt –
"Ngày xưa tao lái taxi suốt".
Tôi vòng lại, nhưng phía ấy tựa như một trận cờ vây tua
nhanh, đã mau chóng kín đặc các phương tiện
"Thôi cứ từ từ đằng nào cũng thế" – Người
khách ấy có ý an ủi.
"Cháu xin lỗi!"
"Gọi anh thôi chú mày! Hồi xưa lái taxi tao mới
nhận ra là lái taxi mới dễ nhầm đường" – Qua gương tôi thấy gương mặt ông
ta giãn ra, cơ hàm ông ta chuyển động như đang nhai gì đó, tổng thể nhìn như tấm
bản đồ da dê ở cửa hàng đồ cũ – "Nhưng nhầm đường taxi thì không sao, nhầm
đường khác mới chết. Này nhé" – Ông ta bật chế độ giọng trầm, của những
người sắp tiết lộ những sự thật quái gở phía sau mặt nạ anh hùng – "Hồi bằng
tuổi chú mày tao oách lắm! Có xe đưa đi, người đón về!"
"Thế hả chú?" – Tôi lơ đễnh nói cho qua chuyện,
tôi đang ngó một phụ nữ mặc váy xẻ.
Giọng nói của ông ta biến mất trong một khoảnh vang động
còi xe. Tôi thầm đoán phía sau thành ghế lái, cái giọng chú Hải đó đang ôn lại
dĩ vãng một chiến tích nào đó trong đời. Thông thường thì là thắng lợi về bất động
sản, những tháng năm tuổi trẻ ở Đông Âu, một cuộc thắng kiện, những lần hút chết
hay một lần phá dỡ những lầm tưởng lâu năm... Vì hầu hết tất cả các khách trên
xe của tôi ở lứa tuổi này, đều không còn gì ngoài các chủ đề ấy.
"Nhưng cuối cùng thì ta cũng quyết bán cái của ấy..."
– Lúc này đã trở lại được ngã ba hồi nãy, tôi mới bắt đầu nghe lõm bõm được một
câu.
"Mảnh đấy á? Sao chú không giữ lại?" – Tôi vờ
hói vì đoán đó là một miếng đất.
"Mảnh nào cơ?"
Tôi khịt mũi: "Thì cãi hồi nãy chú kể ấy".
"Lạc mẹ chuyện rồi ông ạ" – Ông khách cười
khà khà – "Chắc mầy nghe bập bõm xong đoán ý chứ gì? Ta đang nói về cái
món đồ ta sưu tầm".
Tôi không nói gì, có ý để câu chuyện trôi qua, lạc đến
đâu thì lạc.
"Đến bây giờ thì ta đã bán, bán sạch. Chỉ giữ lại
vài ba cái nhãi nhép mang đi tặng đời cho vui".
"Chú tặng cháu đôi cái được không" – Tôi vẫn
đùa. Tôi vẫn nghĩ ở lứa tuổi của ông khách, người ta cần một người nghe chuyện
đến độ sẵn sàng chấp nhận và bao dung với bọn giả vờ lắng nghe.
"Cho chú em xem cái này. Đảm bảo thấy
oách!".
Bàn tay hào hứng ấy chìa ra một vật thể về phía hàng
ghế lái. Tôi giảm dần tốc độ. Đó là một hộp trà Lipston túi lọc màu vàng chanh,
có lẽ là loại dành cho dân không biết sợ bệnh tiểu đường.
"Có để ý cái chữ U ở góc hộp trà không?"
"Cái vết ở kia á chú?"
"Không! Cho chú em nhìn lại!" – Người đàn
ông có vẻ hào hứng.
Tôi cố ý vờ tập trung lái xe. Câu chuyện này có ý
nghĩa gì? Tôi chỉ muốn xong công vụ, tống tiễn người khách về phía cái ngõ hấp
hơi kia, nhận tiền và lùi về địa bàn thật mau. Tôi sẽ thay đĩa nhạc khác, khôi
phục lại niềm vui đã có. Nhưng cái vỏ hộp trà ấy óng lên một lần qua gương hậu.
"Cái chữ U in trên thân hộp cơ!"
"Một cái biểu tượng?"
"Đúng, cái biểu tượng ấy! Biểu tượng của hãng
Unilevers"[1].
Unilevers. Cái tên thuộc vào trong những tiếng động vô
biên, vừa quen vừa lạ, như lúc nào cũng thì thầm bên tai ta, nhưng ta không thể
nào biết nghĩa. Như một người ngoại quốc trò chuyện với ta hằng mười năm trời
mà ta không thể hiểu lấy một câu. Unilevers. Một từ đã trót lọt nhập cuộc vào
trong căn nhà trí nhớ tôi, chui trốn dưới một hầm thấp chất đầy những cụm từ mà
không có lấy một dấu vết ngữ nghĩa. Nó đến từ đâu? Từ một nghìn quảng cáo hay từ
một xúi bậy của bọn nhân viên tiếp thị nào đó. Hay từ một lưu ảnh trong võng mạc
tôi, từ một mảnh quảng cáo trên tường, hay từ chính một vỏ hộp như thế này?
"Biểu tượng thì sao hả chú?'
"Chú mày biết hãng Unilevers ấy không đã?"
"Cháu có nghe nhưng không rõ ở đâu".
"Trà, bánh, kẹo, kem, mỹ phẩm... đủ thứ. Chú mày
lật các đồ ấy lên là có ngay cái hình chữ U như thế kia. Đố chú em biết chữ U ấy
vẽ cái gì bên trong?"
Một chữ U với nhiều đứt đoạn. Nhưng tôi chỉ nghĩ thế,
không nói ra đằng miệng, chỉ lắc đầu.
"Nó là ghép lại từ rất nhiều hình vẽ li ti. Chính
xác là từ hai mươi sáu hình vẽ. Ái chà, ta tưởng trẻ tuổi thì biết rõ ba cái
chuyện này chứ"
"Ồ, cháu không để ý mấy đâu" – Tôi lại vờ vịt
thốt lên, đến câu này thì tôi nhận ra, trước đến nay tôi chỉ toàn vờ vịt chuyện
trò. Những cuộc hội thoại với tôi chưa bao giờ quan trọng hết – "Bây giờ
nhãn hàng thương hiệu nọ kia vô thiên lủng. Cái nào cũng nhận mình tinh tế".
"Để ta nói cho nghe... Thông thường biểu tượng
hãng này có hai mươi sáu hình vẽ uốn lượn khác nhau. Cũng đơn giản thôi. Nghĩa
đen cả ấy! Trên đỉnh là một cái tia – nói như thế nào nhỉ - chóe ra, chành ra,
đấy là mặt trời. Bên đối diện cũng là một tia lửa khác, kế đó là một con chim.
Đấy là biểu tượng của khởi sinh, có nguồn sống, có sự sống và có tự do. Tầng dưới,
là hình con ong và một cái tế bào ADN, đấy là sức sống và sự sống. Nữa, cái cây
thì rõ rồi, ba cái xòe ra phía dưới con ong, là mái tóc, và bên trái mái tóc là
bàn tay. Con người được ban cho hai thứ có thể đan được vào nhau thì chính là
hai thứ này. Một mái tóc là biểu thị cho cái đẹp, bàn tay là để khai phá nó.
Con người bắt đầu có thân thể. Một bông hoa rất nhỏ chuội đi giữa hai biểu tượng
ấy. Phía gần đáy chữ U có cái tô ở trong cùng, một cái thìa và vòng xoắn là chỉ
một loại sốt, hoặc một loại tương. Đấy chắc để nói về nguồn dinh dưỡng. Xuống đáy
ta sẽ có hình vẽ của biển, con cá và củ cải...vân vân"
"Hay quá chú nhỉ! Vậy thì từ một cái nhỏ xíu mà họ
vẽ ra bao nhiêu là thứ, nhưng chắc cũng liên quan đến các sản phẩm mà hãng làm?
Chẳng hạn tóc, có thể là do công ty con làm dầu gội?"
"Chú mày nói có phần đúng. Nhưng thế quái nào
cũng được Vì ta đâu có quan tâm lắm chuyện chúng nó bán gì. Ta muốn hỏi chú mày
một câu: thế hai mươi mấy cái hình vẽ đó xếp theo thứ tự nào?"
"Cái đấy cháu không rõ. Chắc...từ trái qua phải".
"Vừa ở trên ta kể theo thứ tự đấy đấy. Nhưng có
thể nào kể ngược lại được không? Ta đảm bảo luôn là chắc chắn được. Nếu kể từ
bên trái sang như vừa nãy coi như ta kể hành trình của con người, nào là từ khởi
nguyên, đến lúc có cơ thể, rồi nhận thức về khoa học, và sự vị kỉ, rồi thèm muốn
trở lại thiên nhiên, rồi hòa hợp và tự do. Nhưng kể từ bên phải ngược lại, là
đi từ sự hoang sơ của một vùng ôn đới giá lạnh, đến đời sống biển khơi rồi vòng
ngược xuống vùng nhiệt đới nóng bỏng. Chẳng hạn như thế... Nhưng ta muốn nói là
thực ra nó chẳng có thứ tự gì sất. Thứ tự của nó chính là cái hình như anh em
ta thấy. Tự nó làm quy luật cho nó".
Cuối cùng tôi cũng tìm được đường ra. Chắc tôi phải tiễn
ông khách này càng sớm càng tốt. Nhưng trong phút đãng trí tôi lại quên mất tên
cái ngõ ấy.
"Nhưng chú em biết không, cái biểu tượng mà chú
em nhìn thấy, có một điều rất đặc biệt. Đó là một số hình ảnh bị đảo vị trí cho
nhau. Người bình thường không để ý thì không bao giờ thấy. Nhưng ta đã có duyên
với nó. Suốt cuộc đời ta đã không ngừng tìm kiếm, thu thập, cho đến khi một sự
việc xảy ra khiến ta phải bán toàn bộ bộ sưu tầm cho đối thủ. Chỉ còn giữ lại
vài cái. Những cái như cái hộp trà này thuộc hạng thấp, dạng bình thường nhất
mà tất cả những bọn thợ săn nhập môn
phải có. Ta từng có những cái đặc biệt hơn nhiều, như là...là...Ấy ấy, đến ngõ
rồi kìa".
Tôi nhìn thấy cái ngõ Thanh Hương đó. Bây giờ nó đổi
thành một con hẻm có đánh số. Không hiểu sao mắt tôi chiếu vào cái tấm phông quảng
cáo trung tâm ngoại ngữ Tiếng Thái. Số điện thoại bị in lệch hẳn so với hàng chữ.
Người khách vội vã xuống xe, không lấy tiền thừa của tôi và tặng tôi cái hộp
trà mà ông ta cho là quý báu đó.
Những ngày tiếp theo tôi vẫn chưa thoát được cảm giác
tiêu cực. Tôi bắt đầu uống cafe, mỗi lúc một đậm dần, và mỗi loại cafe tôi chọn
lại rẻ tiền đi dần, bởi tôi đi tìm một hóa chất có thể làm mê muội đầu óc mình.
Để tạm trú chân vào một cảm giác lâng lâng. Nhưng thế giới này ngày càng trở
nên sắc nét đối với tôi: cứ như tôi đang nhìn đời qua một cái màn hình – một
cái màn hình độ nét cao mà càng ngày càng được nâng cấp về công nghệ. Thế giới
sáng bừng lên, những cạnh sắc mỏng manh nhất cũng chi tiết và rõ nét đến cực độ,
những vết nứt và bóng đổ bỗng mịn màng lạ thường. Tôi thấy tôi mất dần bản sắc
cá nhân và đối với mẹ con cu Bin, tôi cứ như thể chỉ là điền vào chỗ trống một
người đàn ông nào đó. Một biến số ngẫu nhiên. Một cài đặt tùy hứng. Tối nào tôi
cũng tìm từ khóa "trầm cảm", nhưng không tìm được gì khác ngoài các
bài báo mạng dịch xào xáo, từ cùng một nguồn. Báo mạng đã mua toàn bộ Google,
tôi kết luận thế.
Chỉ đến một hôm
nọ, tôi mới nhìn ra một chữ U in trên hộp cafe của mình. Sực nhớ ra một câu
chuyện, tôi đem so sánh nó với cái hộp trà giấy được tặng. Nhìn chúng thật lâu,
tựa như thôi miên tôi mới nhận ra quả thật, chữ U trên cái hộp trà, hình trái
tim và mái tóc được đảo vị trí cho nhau. Mái tóc ấy thu nhỏ đi, xoay sang hướng
ngược lại, tựa như một cây đinh ba mất cán.
Và như thế nghĩa là không phải một lỗi in ấn.
Một buổi sáng trong vắt, tôi tình cờ gặp lại người
khách nọ. Lần này tôi đón ông ta ở một con phố xa biệt. Ông ta có vẻ rất khoái
khi nhìn thấy cái mặt thộn của tôi:
"A ông em tài xế biển số xe 97R-12808. Khỏe không?
Sao hôm nay lại nghe Aerosmith thế? Thanh Tuyền đâu?"
"Cháu chào chú"
"Sao mà uể oải thế, cho ta ra ngoại ô nhé. Địa chỉ
ghi trong ứng dụng ấy".
Đi được một đoạn, tôi bỗng nhận ra đầu óc mình không
thể tránh được cảm giác tò mò về cái hộp trà hôm trước. Thế nên, tôi quyết định
trò chuyện với người khách. Cũng có sao đâu.
"Chú hỏi về cái gì ấy nhỉ? À cái hộp trà đó. Thôi
bận tâm làm gì, lại mất cả đời để bận tâm đấy. Cái món Unilevers chỉ là một
trong nhiều bộ sưu tầm của ta thôi. Vả lại ta không phải cao thủ món ấy. Có tin
đồn rằng ngoài 26 biểu tượng con, có một biểu tượng số 27, nhưng ta chưa bao giờ
nhìn thấy. Ta còn có một bộ sưu tầm đáng tự hào khác là vỏ lon Pepsi in thiếu
tên một nguyên liệu. Loạt ấy được sản xuất năm 2005 do một nhà máy địa phương ở
Anh. Nhưng vấn đề là gì? Trong số một loạt in chỉ có đúng 9 cái lon bị như thế."
"Cháu từng nghe nói người ta cũng hay sưu tầm những
thứ lạ thường" – Tôi nhớ lại một bài báo mạng – "Có một ông ở Thụy Điển
chuyên sưu tầm đồ chơi khủng long. Xong gì nữa? Ông thằng cha chuyên ăn cắp biển
báo cấm hút thuốc để mang về sưu tầm. Hắn sưu tầm được hơn một nghìn cái từ năm
mươi đất nước".
"Bọn điên" – Ông khách phì cười –
"Chúng sưu tầm mấy cái đấy làm gì nhỉ? Trong giới của bọn ta trước đây
cũng có vài triệu phú sưu tầm cái nọ cái kia, cứ tưởng thế là sẽ có danh tiếng.
Toàn thứ vứt đi. Vì chúng nó có hiểu cái gì đâu? Chúng nó không hề biết rằng
căn cốt của vấn đề không phải là sưu tầm cho bằng nhiều, cho bằng độc lạ".
Tôi hơi ngạc nhiên về phản ứng của ông ấy.
Tôi nghĩ mãi trên gần một cây số đường tiếp theo. Cuối
cùng tôi tạm kết luận rằng giới nào cũng có tinh hoa của nó. Chẳng phải thế
sao? Trong đội lái taxi của tôi cũng có những kẻ quái kiệt và những tên gàn dở.
"Tại sao lại có thể in sai cái nọ cái kia trên
bao bì sản phẩm nhỉ? Cháu tưởng người ta có mẫu sẵn và cứ thế chạy máy chứ?"
"Khó giải thích lắm. À đấy, đấy chính là một
trong các lý do của sưu tầm. Đấy là để trả lời cho một số câu hỏi, giống như
câu hỏi ấy của chú em. Này ta đố chú em nhé, loài chim có phổi hay không?"
"Có chứ! Nó là động vật có xương sống. Không thì
thở sao ạ?"
"Chắc chắn không?"
Tôi ngừng lại mất một giây, rồi nhấn giọng:
"Chắc chắn".
"Chú mày nói cứ như là đã mổ hết tất cả nội tạng
của bọn chim ra rồi ấy!"
"Cháu chưa mổ hết, nhưng cháu biết là..."
Ông khách xua tay:
"Ta chỉ giả dụ thế thôi. Nhưng chú em hiểu vấn đề
ấy chưa: làm sao chắc chắn cái X cái Y cái Z khi chưa biết hết tất cả các trường
hợp. Cách nhìn của người đời là cứ suy nghĩ chung chung như thế, từ cái chung
suy ra cái riêng. Nhưng này, cái hộp trà với cái logo không chuẩn đã xuất hiện
trên cõi đời, là để chỉ cho chú em thấy toàn bộ thế giới không vận hành theo kiểu
chú em hay nghĩ".
Ông khách nói chậm lại, như là thầm thì với chiếc ghế
chứ không phải với tôi, thầm thì một bí mật giữa họ với nhau:
"Bọn sưu tầm cả đời khổ nhọc để đi trả lời câu hỏi
ấy. Phải đánh mất, tận hiến, hy sinh mới may ra có thể hiểu được vài ý nghĩa của
đời. Ta không có đọc sách. Vì ta bị khó đọc từ bé, chỉ đọc được những gì ngắn
ngắn. Nhưng ta đã học qua một loại sách đặc biệt, đấy là tất cả các biển quảng
cáo ta từng gặp, tất cả các nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, rồi ta phát hiện ra một
thứ, khiến ta kinh sợ...."
*
CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI KHÁCH
(Dưới đây là đoạn tôi ghi âm được khi người
khách kể chuyện. Ghi âm ấy lúc trục trặc lúc rõ tiếng nên tôi cố gắng chép lại
gần đúng nhất có thể, đồng thời tôi cũng nhờ một người bạn văn hay chữ tốt viết
lại cho dễ đọc. )
Tôi là Thảo Trường. Hồi bé tôi ốm yếu như một con mèo
mắc chứng rụng lông từ lúc lọt lòng. Đã thế mặt tôi lại còn ngơ, mắt tôi còn lồi,
sự xuất hiện của tôi giống như một nguyền rủa đối với người đối diện. Tất nhiên
hồi bé tôi không sao hiểu được điều ấy. Tôi nghĩ rằng tôi là một cục phèn vứt
đi. Bố tôi là bộ đội về hưu. Ông luôn tận dụng đồ đạc quân đội để làm y phục
cho tôi đi học, trong đó, có một cái áo mưa không tay. Tôi rất ghét cái áo mưa ấy.
Tôi rất ghét đồ đạc của ông, từ cái quần vải bạt lấy ra may lại cho tôi trở đi,
từ cái cặp sách bằng vải mưa quân đội trở lại. Nó làm tôi xấu, tệ hại, trước mặt
bạn bè. Vì mắt tôi lồi, bọn con gái gọi tôi là Trường điên. Thưở ấy, chúng nó đố
nhau xem đứa nào dám lại gần, lấy cái thước dí dí vào lưng tôi. Thi thoảng tôi
cũng muốn làm chúng nó vui, tôi banh miệng đuổi theo khiến chúng nó chạy toán
loạn, cười đến mệt nghỉ. Một trong số đám con nhà tử tế ấy cho tôi một viên tẩy
có mùi thơm mà tôi hằng mơ ước. Tôi sướng đến mức không bao giờ dùng viên tẩy
đó. Tôi vui đến nỗi ngày nào tôi cũng đọc đi đọc lại cái nhãn in trên tẩy, toàn
chữ Trung Quốc.
Tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm như thế. Cho đến ngày kia
tôi nhận ra những gì viết trong sách càng ngày càng lạ lùng đối với tôi. Mắt lồi
tôi hớn lên bảng, mà không sao hiểu được cái này nghĩa là gì và cái kia nghĩa
là gì. Cô giáo bảo tôi học dốt, cử một đứa kèm tôi. Nhưng con bé thơm phức đấy
chỉ được cái chửi tôi là giỏi. Một hôm tôi quên bài tập được giao ở trang bao
nhiêu, sang nhà nó hỏi. Nó đứng trên sân tầng ba nói vọng xuống là bài số 8
trang số 8. Tôi lẩm nhẩm hai con số 8 ấy trên suốt quãng đường về nhà. Kết quả
là cuốn sách giáo khoa trang 8 không hề có bài số 8.
Tôi bị phạt từ hôm ấy. Cuộc đời học trò của tôi là
liên miên những buổi chép phạt. Ban đầu là phạt trực nhật. Hôm nào tôi cũng đi
giặt giẻ lau bảng. Giặt mãi, giặt mãi cuối cùng tôi nghĩ mình có nhiệm vụ sống
còn là giặt giẻ lau bảng thật. Đều đặn hằng hửng sáng hay trưa muộn, tôi vác
cái giẻ ấy ra bể nước phía bên kia sân trường. Tôi bắt đầu nhận ra những điều
diệu kỳ đầu tiên trong đời mình. Rằng trong mỗi học kỳ sẽ có ba chiếc giẻ mới
được mang đến, đều đặn vào các sáng thứ hai đầu tiên của một tuần nào đó bất
kì. Những chiếc giẻ ấy ở đâu ra nhỉ? Còn bọn giẻ cũ sẽ vứt đi đâu? Chỉ biết là
khi tôi bắt đầu công việc của mình, đã thấy nó nằm trên góc bàn ngay ngắn.
(Đoạn này băng rè)
Tôi không bao giờ đi vào cái lối cầu thang bên kia ấy.
Không hiểu sao tôi tin rằng, cầu thang phía đó thuộc về một thế giới khác. Khi
lớn lên tôi mới hiểu không giỏi về tư duy không gian. Nhưng có phải hoàn toàn
là thế không? Cả cuộc đời đi học của tôi, tôi chỉ có một lối duy nhất là cầu
thang số một, đi thẳng lên lớp. Mà chúng tôi lại không bao giờ đổi phòng học. Hồi
lớp bốn, tôi đã mấy lần rón rén muốn bước vào vùng tối nhòe chiếc cầu thang đó.
Nhưng mãi đến hồi lớp năm tôi mới có đủ can đảm. Tôi – Trường điên – đưa ra quyết
định lớn đầu tiên trong đời là sẽ đi thử lối đi đó trong lúc đi giặt giẻ lau bảng.
Con đường tăm tối, như thúc người ta vào hầm chứa bí mật.
Tôi thấy một cửa xếp han rỉ. Tôi bước qua đó, và kết quả là tôi đi ra một cái
vườn sau. Cái vườn này rất bẩn thỉu, rất nhiều thứ rác rưởi mà sau này tôi hiểu
đó là băng vệ sinh. Nhưng cũng lại có rất nhiều thứ đồ chơi nhiều màu được chôn
xuống một nửa.
Tôi chạy một mạch lên trở lại lối cũ, từ ấy không bao
giờ bước xuống đó lần thứ hai. Hôm đó tôi vào lớp muộn. Cô giáo phát điên vì không
có giẻ lau bảng, bắt tôi viết năm mươi lần chữ "con chim sẻ" lên bảng
(bởi trong một bài tập làm văn hôm trước, tôi đã viết thành chim xẻ). Chiếc bảng
cao vời vợi, tôi phải vươn tay lên để lấp đầy các dòng chữ. Tôi rất thạo chép
phạt. Trong các hình phạt của cuộc đời tôi, chép phạt và giặt giẻ là hai món dễ
chịu nhất. Giá mà tôi cứ chỉ phải chép phạt và giặt giẻ để cứu chuộc cho mọi lầm
lẫn trong cuộc đời. Có lần tôi đã ý thức được điều ấy, nên chấp nhận đổi việc
chép phạt bài văn điểm 9 của con Linh lớp phó, thay vì ăn ba roi vào bắp chân.
Tôi là tưởng mình là người duy nhất trong đời hiểu ra giá trị của môn nghệ thuật
vĩ đại chép phạt. Chép phạt nghĩa là tái tạo một cách điên cuồng, một cách mất
sạch lý trí một bản gốc nào đó. Chép phạt là dâng hiến tình yêu cay độc cho chữ.
Chép phạt là từng bước tước đi nghĩa của mọi từ, gột rửa sạch những mảng bám, phế truất thế đứng của
khung câu. Chép phạt là đi càng ngày
càng xa việc viết đúng, viết hay. Một từ đi ra đằng trước, kéo theo một từ lẽo
đẽo đằng sau, như bị trói trên cùng một xích sắt trường thiên, như những cá thể
bỗng phải chung thân trong một nối kết linh diệu. Thế nên ngày càng chép phạt,
tôi càng đọc kém đi, và học dốt đi. Vì tôi lờ mờ nhận ra, các chữ có thể giao
tiếp với nhau theo một phương thức bí ẩn, có thể nghiêng ngả, có thể hất lên,
có thể chào nhau và vươn tới nhau.
Cũng chính vì lẽ
này, chính cái hôm ấy, khi tôi ngước lên bảng, tôi đã nhận được điều kì diệu thứ
ba trong đời mình, sau cái giẻ lau và cái cầu thang: dòng chữ nhãn hiệu của tấm
bảng ấy bị viết sai chính tả ở một từ.
Không, tôi hoàn toàn học dốt. Tôi đọc rất kém và lên lớp
năm tôi vẫn phải chật vật đánh vần. Tôi không biết phải chấm câu ở đâu. Môn
Toán lại càng lạ lùng với tôi nữa – những ký hiệu của một chủng người khác.
Nhưng chép phạt đã lâu, tôi sở hữu một bản năng nhạy bén để phát hiện ra những
điều không ổn trong một đoạn văn bản. Vì tôi biết các chữ giao tiếp với nhau: nếu
chúng cãi nhau, tôi sẽ nghe thấy. (Các bạn sẽ không bao giờ hiểu cảm giác này của
tôi, nhưng cứ thử chép phạt hàng nghìn lần bài văn của con Linh lớp phó, các bạn
sẽ chia sẻ được với tôi).
Và điều ấy đã xảy ra: khi tôi đang bị phạt bởi một từ
sai chính tả, thì tấm bảng đang giáng hình phạt xuống tôi cũng đã từng và đang
phạm cái tội lỗi ghê tởm ấy.
Kể từ đó, tôi biết rằng cuộc đời mình đúng hướng đi.
Tôi không phải là phế thải, không phải là cục phèn vứt đi. Rất có thể tôi cũng
không phải là Trường điên (nhưng việc không
phải là một cái gì đó, mãi đến khi lớn lên và già đi tôi mới hiểu nổi).
Tôi chật vật vượt qua được những năm tháng học hành.
Tôi bỗng thi đỗ và lên lớp, mà không hiểu tại sao (nhưng có thể là do trường
tôi không muốn có học sinh đúp). Một đôi lần tôi muốn bước qua cái cầu thang ấy
lần thứ hai, nhưng tôi thầm nhủ hãy để việc ấy khi tôi thực sự lớn lên, đủ sức
mạnh. Sách cứ dày dần lên, chữ cứ nhỏ đều đi. Còn tôi mãi mãi không thể hiểu ý
định của những quyển sách giáo khoa ấy, ngoại trữ việc hầu hết đều đúng chính tả.
Năm mười tám tuổi tôi bắt đầu biết mặc đẹp. Tôi vẫn
chép đi chép lại mọi thứ, từ hóa đơn tiền điện ở nhà, đến bìa sau tạp chí. Đọc
trực tiếp thì tôi cũng có hiểu được đôi chút nhưng chỉ khi chép tôi mới được sống
trong những dòng chữ bí hiểm ấy. Tôi giã từ sách dày, tôi quay lưng với tranh
truyện, tiểu thuyết. Hằng ngày tôi chỉ say sưa đọc các nhãn hàng quảng cáo. Tôi
biết phông chữ của Bột giặt Vì Dân giống với phông chữ của bột giặt Tide hồi đầu
mới ra thị trường. Ngày ấy, Việt Nam bắt đầu có nhiều siêu thị. Tôi lang thang
trong thế giới của siêu thị như lạc vào vườn Đào tiên, mê say nắm bắt những thần
chú viết lên bao bì. Tôi đọc ngấu nghiến mọi thứ có trên các sản phẩm và nếu có
thời gian tôi sẽ chép lại nó. Nhưng tôi cũng không bỏ qua một hộp cá ngừ chỉ vì
nó giống hệt hộp cá ngừ khác. Minh triết của chép phạt dạy tôi rằng mọi bản sao
đều không giống nhau, và ý nghĩa đích thực của bản sao chính nằm ở chỗ không giống
nhau.
[Đoạn này bị rè]
Tôi có đang sống cuộc đời quá khác thường không à?
Không, tôi hoàn toàn bình thường. Chỉ là tôi đã dành tuổi trẻ của mình làm bạn
những chi tiết li ti bé bỏng mà cuộc đời thường lướt qua. Bây giờ đã ngần này
tuổi tôi hiểu rằng đấy là cách tôi khám phá ra thế giới này, đấy là con đường
tôi lĩnh hội được một cái gì thực sự lớn lao trong đời. Thế giới không phải cứ
thế khơi khơi ra trước mắt. Thế giới chỉ ẩn trong một vài thứ mà thôi.
Năm ấy tôi thi đỗ vào một khoa biên tập xuất bản. Cuộc
đời rất chiều tôi, vì sự kết hợp giữa kiên nhẫn (thi mấy năm liền), quay cóp
bài và thiếu chỉ tiêu đã đưa một đứa đủ điểm sàn như tôi vào được đại học. Tôi
học hai năm ở đấy rồi thôi. Vì tôi tưởng – tôi đã sai lầm chỗ này – rằng biên tập
nghĩa là sửa chính tả. Nhưng hóa ra có lúc tôi phải làm lại ngữ pháp cho mấy
câu. Mà tôi ăn không nên đọi viết không nên hồn, làm sao có đủ khả năng? Tôi bỏ
học, về làm cho công ty của một người chú. Công ty này sản xuất bao bì. Ở đây
tôi được đánh máy và làm in ấn, dù cũng hơi khó, nhưng tôi lại được làm việc với
các chi tiết. Tôi say sưa so sánh, đối chiếu, giải mã các bí mật vô cùng trong
sự sai sót của các văn bản. Công ty hết việc thì tôi đi kiểm tra mã hàng sản phẩm,
dù đấy không phải chuyên môn của mình. Nhưng do tôi quá chú tâm và cũng xuất sắc,
ông chú hay giao cho tôi tham gia kiểm tra lỗi sai sản phẩm. Mỗi năm tôi phát
hiện ra hàng trăm lỗi lớn nhỏ nên dù lương rất thấp nhưng tôi được tôn trọng. Mặc
dù sau đó tôi hiểu ra rằng mọi người thương hại tôi và cho rằng tôi ngu si nên
tốt nhất cho làm mấy việc đơn giản, máy móc. Cũng không sao hết. Tôi có cần gì
đâu ngoài một công việc?
Nhưng rồi tôi vẫn là gã đàn ông, khi chưa ràng buộc
gia đình, tôi vẫn có chí lớn. Đêm tôi nằm mơ thấy các bao bì được in ra, tôi mơ
thấy các hộp bột giặt trong siêu thị một thời niên thiếu năm xưa. Thế rồi cái
ngày ấy cũng đến: tôi phát hiện ra một vỏ lon trà bí đao vứt ở vỉa hè, bị in
hoa dòng chữ "Thành phần", khác với tất cả các vỏ lon cùng lứa với
nó. Chuyện ấy làm tôi kinh động. Làm sao có thể như thế được nhỉ? Như một thì
thầm xa xôi huyền bí, tôi biết rằng tôi đã đặt được một chân lên con đường tôi
phải đi. Chính là nó. Cái điều bất khả cuối cùng cũng có thể xảy ra.
Tôi bỏ làm ăn. Tôi bỏ nhà cửa. Cầm hết tiền đi lùng
cái nơi đã làm ra lon trà bí đao ấy. Có thật nhiều câu chuyện phía sau các quá
trình sản xuất, nhượng quyền thương hiệu, dẫn đến việc một nhà máy nước tư nhân
trông rất tầm thường ở ngoại ô chính là nơi đã sản sinh ra dòng sản phẩm ấy.
Chính người phụ trách cũng bất ngờ vì sản phẩm in chệch của mình. Nhưng họ nghĩ
rằng tôi là bọn nhà báo đi bóc mẽ doanh nghiệp, nên tìm mọi cách xua tôi đi. Dù
sao tôi cũng có được câu trả lời tôi cần. Rằng những chuyện liên quan đến giải
thích cho một cái gì đó, đều hoàn toàn không quan trọng bằng chính cái sự việc
kia. Tôi không tin sản phẩm ấy chỉ là của một nhà máy. Nó chỉ là nó thôi, một tồn
tại cho chính nó, một ý muốn của Chúa trời.
Một lần nữa, tôi lại đúng đường: đi lùng tất cả những
sản phẩm in sai đó. Tôi bán căn nhà bố tôi để lại, và chuyển ra ở trọ. Tôi
nhanh gấp mười lần một người bình thường trong việc nhận ra những nhãn hàng, những
món đồ sai lệch. Thế nên, các nỗ lực của tôi không uổng. Đời tôi lên hương. Các
nơi ở trọ của tôi cứ to dần lên cho đến khi tôi hiểu rằng phải mua một căn hộ lớn
để chứa các bộ sưu tầm của mình. Nhưng trước khi việc đó diễn ra, thế giới của
tôi đã thành hình: nhờ Internet phủ sóng, tôi biết rằng khắp nơi trên thế giới
này có những nhà sưu tầm như tôi. Tôi đã bán đi bộ những vỏ hộp kẹo bị in với
phông chữ khác biệt, và một vài món độc đáo khác. Mua đi bán lại, chúng tôi dẫn
hình thành một cái chợ, và rồi một vài kẻ may mắn như tôi cũng kiếm được tiền từ
nó. Lần trúng đậm nhất của tôi là một trăm nghìn đô la cho một giao dịch. Tôi
mua được nhà.
Nhưng năm bốn mươi tuổi, tôi nhận ra mình đã sa ngã
vào trò mua bán, đua tranh sưu tầm. Đấy đâu phải mục tiêu đời tôi. Tôi nhìn lại
các bộ sưu tầm vô giá của mình, chúng vẫn lung linh, vẫn mang một vẻ đẹp thôi
miên, nhưng chúng không còn nói lên những điều kỳ diệu thánh thần như trước đây
nữa. Các dòng chữ vô hồn. Những mã số im lặng bặt tiếng, trông còn tệ hại hơn cả
những thứ được in đúng. In đúng và in sai, đấy cũng chỉ là một ảo tưởng. Có
khác gì nhau đâu? Sự đặc biệt, thiểu số của một bản in sai đâu có quan trọng.
Tôi dần bán chúng đi. Bán luôn cả bộ sưu tầm Unilevers
độc đáo bậc nhất của mình cho một cao thủ về món đó. Trong đầu tôi dần hình
thành một ý chí, rằng tôi phải tìm lại bằng được tấm bảng năm xưa. Ít nhất là
phần nhãn hiệu của nó. Vì tôi đã nhiều năm kiểm tra thông tin: đó là tấm bảng độc
nhất vô nhị bị in sai chính tả giữa hàng ngàn tấm sản xuất dây chuyền.
Cứ như một phép màu.
Không, ta phải nói cho gãy gọn và chính xác hơn: cứ
như có bàn tay của quỷ nhúng vào.
*
Khi taxi đi gần đến địa chỉ, tôi mới hỏi ông khách:
"Bộ Unilevers ngày ấy chú đã sưu tầm được đến đẳng
cấp ấy mà vẫn chưa lên đỉnh cao được sao?"
"Ừ. Đã buôn chuyện rồi thì ta cũng kể nốt luôn với
chú em. Cái mẫu xếp lộn xộn ấy là của một nhà thiết kế người Nhật Bản. Người
này là một nghệ sỹ, ông ta cố ý xáo trộn một vài chi tiết nhỏ trong biểu tượng
của hãng, dẫn đến các doanh nghiệp mua nhượng quyền thương hiệu bị hố. Tất
nhiên, ông ta đã qua mặt cả một hệ thống lớn, vì chẳng ai kiểm tra cả. Người
nghệ sỹ ấy sau vụ đó đã tự sát. Chỉ có bọn trong giới sưu tầm mới biết được sự
vĩ đại của ông ta. Thế nhưng một hôm nọ, chuyện này kể ra thì dài lắm, đại khái
là ta biết được rằng thế gian này không chỉ tồn tại một nhà thiết kế vô danh ấy.
Có những sản phẩm khác đã bị cố ý làm sai, bằng nhiều lý do khác nhau, phần nhiều
là để bỡn cợt cuộc đời. Bỗng nhiên một tin đồn xuất hiện về hình vẽ thứ hai
mươi bảy trong biểu tượng hãng Unilevers".
"Hình vẽ thứ hai mươi bảy á?"
"Ừ. Hình vẽ ấy được tạo ra năm 2010. Loạt sản phẩm
của nó sau này bị phát hiện và hủy đi, nhưng bọn ta bằng sự nhạy cảm của thợ
săn, biết rằng vẫn còn ở đâu đó trên trái đất rộng lớn, cái hình vẽ thứ hai
mươi bảy. Hình vẽ theo tin đồn là vẽ cái tem, dùng để tặng riêng cho các nhà
sưu tầm" – Người khách thở dài – "Mà thôi, ta cũng giải phóng hết xừ
cái chỗ đấy rồi. Nếu có duyên thì gặp. Không thì chịu. Ta cũng đã được nhìn thấy
đủ thứ: in thiếu, in dày, in đảo vị trí, kể ra là cũng hòm hòm cho một sự nghiệp".
"Sau đó chú có mua được tấm bảng đen đó
không?"
"Bảng đấy màu xanh lá chứ. Có. Nhưng từ tay một
người sưu tầm khác. Hôm đấy xảy ra một chuyện làm ta cứ nghĩ mãi đến tận bây giờ".
Xe đã dừng lại ở địa chỉ cần đến. Tôi nhận ra mình đã
đi quá xa thành phố. Mưa nhỏ bay lất phất kín trùm khoảng không gian mênh mông
của vùng ngoại vi, tựa một tấm lưới mảnh.
Một lần nữa người khách lại không lấy tiền thừa. Ông
ta ghé vào kính cửa ghế trên, cố gắng kể hết câu chuyện bằng giọng nói đã khàn
đi một chút:
"Người sưu tầm cái tấm bảng đó là một chuyên gia
sưu tầm gỗ. Hôm đó hắn tặng ta một món quà. Đấy là quyển sách bài tập năm xưa.
Nó có trang 8 bị in ngược mặt. Và nó có bài tập số 8. Hắn làm ta tởn đến tận
bây giờ. Ta cứ bị vương vất một ý nghĩ, rằng hắn có phải là cô bạn dạy kèm ta
năm xưa không. Tất cả bọn chúng có phải chỉ là một người?"
*
Đấy là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi với nhà sưu tầm vĩ
đại ấy trong tuổi trẻ của tôi.
Đến năm tôi ba mươi tám tuổi, tôi hiểu ra rằng giai đoạn
trước tôi vẫn còn trẻ chán.
Phần đời tiếp theo của tôi đã không còn mấy niềm vui.
Tôi đã mất những chuyến lái thú vị, tôi đã hỏng hoàn toàn cái tinh thần mơ mộng
của ngày xưa.
Vợ tôi nói rằng tôi không xứng đáng là một người đàn
ông có trách nhiệm với gia đình. Tôi kiếm được quá ít tiền cho nhu cầu học hành
ngày càng lớn của cu Bi. Sách cu Bi cứ nhiều dần lên. Một lần tôi thấy vợ tôi
đi cùng taxi với một người bạn cũ của nàng. Sau đó mọi chuyện diễn ra trong lẳng
lặng. Những tan vỡ hóa ra cũng giản dị, chỉ như một cái cốc nứt ra khi bị rót
nước sôi. Vợ tôi nhận nuôi cu Bi. Họ sớm có một người đàn ông khác thế chân
tôi, một biến số khác.
Năm tôi bốn mươi hai tuổi, tôi nghĩ rằng cuộc đời của
mình không còn nhiều niềm vui, nhưng cũng không đến nỗi quá buồn tẻ. Tôi chỉ bị
ám ảnh mãi câu nói của vị khách lạ lùng nọ. Tất
cả bọn chúng có thể chỉ là một người? Ừ, cũng có thể. Vợ tôi, mẹ tôi, các bạn
bè cả tử tế lẫn đểu cáng của tôi, cũng chẳng ai đối xử với tôi đặc biệt hơn ai.
Tất cả chỉ có thể là một người: những người chung quanh ta, khác thể xác và
cùng một linh hồn.
Một lần dọn nhà, tôi vớ được lọ dầu của vợ tôi. Tôi chỉ
biết đó là một cái lọ dầu trong muôn vàn chai lọ của phụ nữ. Nhưng nó là một sản
phẩm của hãng Unilevers. Bây giờ những niềm tin vô thức của tôi lại được kích
hoạt, tôi mang nó ra so với các biểu tượng khác. Không có gì quá đặc biệt, chỉ
là bộ hai mươi sáu hình vẽ bị đảo đi một chút, và xếp với nhau không đẹp lắm, cứ
như thiếu hẳn một mảnh ghép.
Tám năm liên tiếp, tôi bắt đầu học đòi sưu tầm đồ đạc.
Có quá muộn không nhỉ? Đằng nào tôi cũng đã uổng phí phần lớn cuộc đời vào những
chuyện không mấy ý nghĩa.
Năm năm mươi tuổi, khi trải qua một cơn tai biến, tôi
chỉ còn cao 167cm nhưng lại bỗng ăn ngủ được hơn xưa. Cái cảm giác khó chịu dày
vò tôi suốt gần hai mươi năm qua đã lỉnh đi đâu mất. Cu Bin đã lấy vợ rất sớm.
Tôi có cháu nội. Rồi con bé cũng bắt đầu đi học. Nó rất quý tôi. Năm ấy, tôi
dàn hòa với người vợ đã bỏ tôi. Mở quyển sách giáo khoa của con gái cu Bin, tôi
ngạc nhiên phát hiện ra cái từ năm xưa đã được trả lại nghĩa đen và nghĩa bóng
giống như hồi tôi đi học.
Một năm sau đó, một hộp sữa của cháu tôi có một biểu
tượng Unilevers kì lạ hơn những gì tôi đã có trong bộ sưu tầm.
Tôi chợt nhớ đến người khách nọ.
Mất mấy tháng lang thang ở ngõ Thanh Hương, nhờ vào
cái ảnh chụp card visit vẫn còn lưu trên iCloud, tôi mới tìm được địa chỉ của
ông ấy. Một căn hộ bẩn thỉu tăm tối, ông nằm trên một đống giẻ rách. Một bên cơ
mặt đã không còn cử động được. Giọng nói Hải Dương ấy tôi không còn được nghe
thêm một lần nào trong đời nữa.
Tôi hân hoan cho ông xem hộp sữa ấy. Tôi nâng đầu ông
dậy và soi cho ông xem chiếc biểu tượng.
"Cái này không phải" – Ông cụ có vẻ thất vọng
rõ rệt, giọng thều thào – "Đấy là in lỗi hình tế bào ADN, không phải là
hình cái tem. Ta từng có cái này rồi".
Rồi ông nhìn tôi, cười như mếu:
"Chú mày có biết mình vừa làm việc gì
không?"
Tôi lắc đầu.
"Chú mày đã trở thành món mới nhất trong bộ sưu tầm
vĩ đại nhất, bộ sưu tầm các nhà sưu tầm của Unilevers. Ta ngờ rằng trò chơi
trong đời mình đã kết thúc. Ta thua cuộc. Chú mày cũng thế".
Ông cười bắn hết cả miếng vào người tôi. Tôi buông ông
cụ xuống. Nhưng bỗng bằng một sức mạnh kinh người, ông ghì chặt cổ tôi, nghiến
răng:
"Chú mày có phải là nó không? Là con bé ngày xưa
kèm ta học đó, là tay đã sưu tầm tấm bảng, là tất cả những kẻ khác trong đời ta
không? Trả lời đi chú mày có phải là bọn nó không?"
Mặt ông giống như chiếc mặt nạ làm bằng men rạn. Đôi mắt
ông ta trợn trừng lên và đài trán móp lại. Tôi phải mất rất lâu thời gian mới gỡ
được đôi tay ông lão ấy ra khỏi người. Tôi kinh hãi chạy một mạch về phía cửa.
Tôi không còn trẻ nữa, tôi đã mất hoàn toàn tốc độ. Phía sau lưng tôi còn tiếng
gọi giật giọng:
"Đừng đi vào cái cầu thang ấy".
Tôi chỉ kịp hiểu sau khi ngã gục xuống. Lần ấy tôi bị
trật khớp gối và dãn dây chằng chân phải.
Nhưng tôi đã không chết, mà còn, rất khốn nạn là sống
rất thọ. Đến bây giờ, tuy không còn đi lại được bình thường, nhưng vẫn còn minh
mẫn để kể câu chuyện này với tất cả mọi người.
Không, tôi chỉ có một mong ước duy nhất, đó là kể ra
cho thỏa. Vì năm sáu mươi tuổi, khi tất cả đắng cay và hạnh phúc lùi dần vào mớ
bùng nhùng dĩ vãng, tôi đã nhận ra điều kì diệu cuối cùng trong đời mình. Nhưng
tôi không còn có thể kể với nhà sưu tầm ấy được nữa. Tôi nghĩ chắc ông ta đã
vĩnh viễn không còn trên cõi đời.
Hình vẽ thứ hai mươi bảy không phải là một cái tem. Nó
là một khoảng trống. Người ta không hề in thiếu cái gì hết vì nó là một khoảng
trống, nó chính là cái hình bị in đảo lộn và dày chi chít khó hiểu trên lọ dầu
của vợ tôi. Nó đã xóa tan cuộc đời các nhà sưu tầm.
Tháng 4/2020
[1] Ở đây cố tình viết chệch
đi vài cái tên, nhằm tôn trọng các thương hiệu thực ngoài không gian hư cấu của
truyện.
Truyện hay lắm. Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóa