“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải là ở dạng tiểu thuyết chính thống kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng tiểu thuyết mua vui cũng được một vài trống canh: dạng tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết phiêu lưu, trinh thám hoặc cái gì từa tựa như thế.”
(Nguyễn Huy Thiệp, Giăng lưới bắt chim: “Thời của tiểu thuyết“)
Nhận được lời mời của tạp chí Zzz Review về đề tài không đơn giản này, chúng tôi đứng trước một vài lựa chọn. Một trong số đó là viết tổng quan văn học trinh thám dưới dạng bài báo chuyên sâu, viết như một người đứng ngoài quan sát. Nhưng điều đó không công bình, vì chính chúng tôi cũng là tác giả trinh thám Việt. Có nhiều điều không cho phép chúng tôi núp bóng một bút danh để tự đưa tên mình vào một guồng chảy lịch sử văn học, dẫu là một guồng nhỏ, thứ yếu. (Tuy phải nói đến việc, tương đối chính xác là, sự xuất hiện của thế hệ tác giả mới đã đánh thức một chủ đề xưa nay vẫn còn là chỗ trống mênh mông trong văn học Việt Nam: văn học trinh thám). Xét đến năm 2020, sau hai mươi năm đầu thế kỷ, văn học trinh thám Việt Nam đã sống trong một kiếp nghèo, một tình bơ vơ thực sự, với số lượng tác phẩm rất hãn hữu. Một người có trí nhớ tốt dễ dàng kể tên được vài tác giả, tác phẩm quan trọng nhất – mặc dù bản chất của sách trinh thám không phải để lưu danh lại, mà là để biến mất, đọc để quên đi. Thế nhưng, nếu nhìn vào số lượng khổng lồ các tác phẩm trinh thám ngoại bang đã tràn vào thị trường Việt Nam, giữ chân một lượng rất lớn các độc giả ngày đêm say mê, bằng sách giấy hay đọc lậu qua mạng, ta sẽ lập tức thấy ngay bối cảnh trinh thám Việt Nam bắt đầu có dáng dấp của một đề tài đáng quan tâm...
Tại sao đề tài ấy đáng quan tâm? Thứ nhất trinh thám – một thể loại chấn hưng các đơn vị xuất bản ở mọi nơi trên thế giới – đã có những thời điểm gần như không tồn tại trên văn đàn Việt Nam. Vấn đề thứ hai: mặc dù trinh thám Việt ít nhưng các yếu tố của nó vẫn tàng ẩn trong các tác phẩm khác như những gia vị thêm thắt; bóng của nó vẫn lướt qua trong những miêu tả kiểu như “mượn cốt truyện trinh thám để nói…” – nghe cứ như là một mặc cảm. Nói cách khác, trinh thám Việt từng có hồn, nhưng thiếu xác. Tình cảnh này đã kéo dài suốt từ những năm cuối thế kỷ XX, cho đến giai đoạn 2000 – 2020, thân xác của trinh thám Việt mới được định hình.
Từ chỗ trống này, các tác giả trẻ xuất hiện vào cuối giai đoạn được đề cập đã bắt đầu lấn sân vào thể loại trinh thám, với hy vọng không gì hơn là được thỏa mãn ước mơ sáng tạo: văn chương tuy ở đâu đó bị cho là phù phiếm nhưng nó cũng có hào quang của riêng mình, số người ước mơ làm nhà văn, so với ước mơ làm bác sỹ, dám chắc không kém hơn quá nhiều, có khi còn ngang ngửa. (Sự phù phiếm rất có thể chỉ mạnh nhất vào những thời kỳ người ta sống thực dụng nhất.) Nhưng bên cạnh hy vọng ấy, còn là một phép tính, khi tính chất thiểu số của văn học trinh thám Việt có khả năng cao sẽ chiếu cố cho người tác giả một khuôn mặt rõ nét, khỏi sợ mờ nhạt trong số đông quần hùng viết văn làm thơ. Hơn nữa, lượng độc giả yêu thể loại này khá lớn (và nhờ hồng phước của Internet, họ cứ như ở ngay kia, trước mặt ta). Còn gì sung sướng hơn một mục tiêu có sẵn để chinh phục, còn gì ấm no hơn khi thế giới văn chương vốn phức tạp và mênh mông, bỗng giản đơn, chân thành, dễ hiểu (cf. Lưu Quang Vũ) như một trận túc cầu: thi đấu, nỗ lực, giành điểm trước độc giả, và tốt nhất nếu có thể thì đừng nên quan tâm gì khác. Và ta sẽ còn thấy nhiều điều nữa vốn là ám ảnh muôn đời của văn học chính thống thì văn học trinh thám đã xác quyết nhanh gọn, sẽ trở lại ý này trong phần tiếp theo, nhưng một trong những điều ấy là: các tác giả trinh thám hình thành một mối quan hệ khăng khít với độc giả của mình, khiến cho hai bên chi phối nhau mãnh liệt. Như vậy ta đã thấy một con đường để làm rõ những gì còn khuất trong nan đề trinh thám Việt nam xuất hiện bằng cách đặt ra câu hỏi sau đây: người đọc trinh thám Việt Nam đọc sách như thế nào?
Như vậy, chốt lại, bài trình bày của chúng tôi sẽ phải xoay quanh các luận điểm lớn: (1) trinh thám là gì và trinh thám Việt là gì; (2) tiến trình văn học trinh thám Việt hai mưới năm đầu thế kỷ và (3) người đọc trinh thám Việt tiếp nhận như thế nào. Xem ra, tất cả đều là những đề tài không thuận lợi cho một bài viết nhỏ, hơn nữa, nếu ta không cảnh giác với độ rộng của nó, thì nó có thể loang đến vấn đề chung gần như tất cả các thể loại văn học khác (một điều đúng cho mọi, thì không còn đúng). Chính vì thế, chúng tôi sẽ trình bày lần lượt theo dòng suy tư của mình, đôi chỗ bỏ qua những lễ nghĩa không cần thiết của tinh thần nghiên cứu, kết hợp với những trải nghiệm của một tác giả trong cuộc, mong quý vị độc giả chiếu cố dành cho một sự kiên nhẫn. Bởi đó là cách tốt nhất để chúng ta cùng nhau suy tư.
Trinh thám là gì? Trinh thám Việt là gì?
Không khó để có được một định nghĩa tương đối đúng về văn học trinh thám. Đây là một trong số những thể loại nằm trong nhóm genre-fiction, tức là các tiểu thuyết giải trí. Trinh thám đứng cạnh kinh dị (horror), giả tưởng (Speculative – trong đó có Sci-fi và Fantasy), lãng mạn (Romance), phiêu lưu (Adventure)… để lập nên một dòng sách giải trí. Trinh thám có nhiều thuật ngữ tương đương: Fiction Noir, Detective Fiction, Thriller, Mystery v.v… Cách chỉ sử dụng một từ “trinh thám” cho tất cả chính là nguồn cơn của nhiều sự hiểu lầm về thể loại. Cũng giống như các genre-fiction, Trinh thám là một dạng văn hóa giải trí story-based, tức dựa trên kể chuyện.
Trinh thám như một thể loại thiên về kỹ thuật kể chuyện
Thể loại trinh thám ở dạng lỏng – tức yếu tố trinh thám – trước hết, đáng được nói hơn trước khi định nghĩa thể loại. Một tác phẩm ở bất kỳ thể loại nào cũng đều có thể có yếu tố trinh thám, chẳng hạn, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và Cổ Long. Tác giả Cổ Long tạo ra một thám tử giữa chốn giang hồ hiểm ác như Lục Tiểu Phụng, làm một động tác che giấu cốt truyện trinh thám ẩn phía dưới một tác phẩm kiếm hiệp. Trong khi đó, Kim Dung sử dụng các kỹ thuật của các tiểu thuyết Mystery như các bí mật về hành tung kẻ giết người xuyên suốt (Thiên Long Bát Bộ), thủ pháp MacGuffin mà Alfred Hitchcock (chúng ta sẽ bàn đến ở phần dưới) – người cùng thời với Kim Dung – đã gọi tên: chiếc đao Đồ Long, kiếm Ỷ Thiên hay bí kíp võ công trên Đảo Long Mộc (Hiệp Khách Hành) và đặc biệt là các yếu tố thriller, li kì lẫn bất ngờ [1]. Bản chất của yếu tố trinh thám có liên quan mật thiết đến điều mà Tzvetan Todorov đã gọi ra: “cái khiếm diện” của cốt truyện [2]. Yếu tố trinh thám được làm nên khi trong một tác phẩm hư cấu, người ta giấu đi một bí mật, nhưng đồng thời cũng gợi ý để kích thích tò mò: thay vì kể chính câu chuyện, người ta kể lại quá trình đi tìm cái khiếm diện kia.
Từ dạng lỏng đến thể rắn, tức để yếu tố trở thành thể loại, đương nhiên cần một cấu trúc. Cấu trúc vững chính là một trong những đặc trưng cơ bản rất ít được luận đến trong các bài nghiên cứu về văn học trinh thám. Tác phẩm trinh thám xoay quanh một bí mật được trì hoãn đến phút chót và nhiệm vụ của người kể chuyện là kể lại con đường đến với bí mật ấy. Ngay giữa trung tâm của bí mật là một đến nhiều cái chết: ai đã giết kẻ ấy? Vì lý do gì? Và kẻ đó làm điều ấy như thế nào? Con đường của trinh thám cổ điển thì giản dị và bằng phẳng: bí mật xuất hiện dưới dạng một câu đố với nhiều gợi ý. Song ở trinh thám hiện đại, câu đố ấy tiến hóa thành một trò chơi đa tầng: ở lớp tầng thứ nhất, người đi tìm bí mật (thám tử) phải vượt qua – dĩ nhiên – cạm bẫy, chắc chắn sẽ nhiều lần sai hướng và có khi phải trả giá; và ở tầng thứ hai là trò chơi thông tin giữa tác giả và độc giả, sao cho chính độc giả cũng sẽ phải thua cuộc trước bí mật kia. Nói đơn giản, ta có thể ví trinh thám như thế này: giống như chúng ta đang chơi một ván cờ, trong đó, những quân cờ cũng chơi cờ với nhau.
Trở lại một chút với cấu trúc vững. Tiểu thuyết trinh thám là một dạng tiểu thuyết mà vì các đặc trưng hiểm hóc của nó, nó bỗng nhiên trở nên có mục đích khác với mục đích nghệ thuật ngôn từ. Một cái đích được dựng sẵn, một (vài) con đường được tạo ra xoay quanh những câu hỏi gần như muôn thuở của thể loại (thậm chí những câu hỏi ấy trở thành tên gọi tiểu thể luôn: whydunit và whodunit [3]), khiến cho nó buộc phải có một cấu trúc vững, cố định cho gần như mọi tác phẩm cá thể. Đó là cấu trúc ba hồi của: mở màn – nhập cuộc và giải đáp. Đó là kết cấu mạng nhện của hệ thống các manh mối, của hệ thống thám tử – nạn nhân – tình nghi – hung thủ. Cấu trúc ấy đã giữ chân bạn đọc. Mặc dù trinh thám là thể loại tiểu thuyết ngập tràn sự đe dọa, nhưng chính nó – trên khía cạnh đọc – lại an toàn nhất: ta biết chắc mình đang đọc cái gì và được cái gì, ta biết chắc mình đi vào một căn nhà ngăn nắp, chứ không phải vào mùa hè sa mạc của Albert Camus.
(Thế nhưng tất nhiên, không phải tất cả các tiểu thuyết trinh thám đều có hệ thống nạn nhân – thám tử – hung thủ, vì ta sẽ còn chạm mặt hai tiểu thể rất đặc biệt: Suspense và Psychological Thriller. Sẽ trở lại ở cuối bài viết.)
Xin chua thêm vài ý để rõ nét: có rất nhiều trường phái về cấu trúc của một tác phẩm trinh thám. Những cấu trúc này không những chỉ là đặc điểm, thậm chí nó còn trở thành nguyên lý sáng tác trinh thám. Truyện trinh thám, cũng giống như hầu hết các genre-fiction, sở hữu một năng lực độc đáo: đó là khả năng truyền nghề, tức người này có thể dạy người kia viết. Một người bất kỳ có tư duy ngôn ngữ tốt, đều có thể trở thành tác giả trinh thám nếu học chăm chỉ. Mới đây, Dan Brown (tác giả của những Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci) cũng bắt đầu mở lớp dạy trực tuyến [4]. Jane Harper – tác giả đạt giải Gold Dagger 2017 với The Dry – chính là sản phẩm của các khóa đào tạo [5]. Truyện trinh thám có thể công thức hóa là bởi cấu trúc vững vàng của nó. Chẳng hạn, trường phái của Stanley Williams với Story Diamond: sơ đồ cốt truyện có hình dáng viên kim cương, với bốn điểm chính yếu: (1) Điểm nhập cuộc của thám tử – (2) Cú ngoặt giữa truyện – (3) Điểm cận tử (tức khi nhân vật chính tuyệt vọng) và (4) Điểm cao trào. Toàn bộ tác phẩm phải xoay quanh một Moral Premise (Một định đề đạo đức?), chứng minh các khía cạnh của định đề ấy, chẳng hạn: Những kẻ ngoại phạm chưa chắc đã vô tội [6]. Một cấu trúc khác được đưa ra bởi một tác giả trinh thám đen Cornell Woolrich: miêu tả từng vụ án một, cho đến vụ án cuối cùng, khi kẻ thủ ác không thành công. Cấu trúc này đã ảnh hưởng lên một tác phẩm quan trọng của trinh thám Việt.
Xây dựng cấu trúc không thể không đi với các vi kết cấu và các mô-men động lực. Một đặc điểm nữa của tiểu thuyết trinh thám là vai trò rất lớn của các kỹ thuật kể chuyện (Không phải “Narration Technique” hay cái gì tương tự – những từ quá trừu tượng, mà phải là Plot device). Bắt đầu từ Agatha Christie, lịch sử của trinh thám – cũng như lịch sử của các genre-fiction – chính là lịch sử của các kỹ thuật (một yếu tố thúc đẩy, chúng tôi tin rằng, đó là phim ảnh). Ban đầu, mọi tác phẩm tiểu thuyết trinh thám đều luôn có một màn red-herring, tức phương pháp hướng độc giả sang một đối tượng tình nghi hoặc một đáp án khác. Agatha Christie sáng tạo ra một kỹ thuật mới: Unreliable Narrator (Người kể chuyện không đáng tin) qua Vụ ám sát ông Roger Ackroyd. Cliff-hanger – kỹ thuật câu kéo qua việc đẩy các tình huống truyện lên đỉnh cao và chuyển cảnh ngay – có lẽ là du nhập từ kỷ nguyên của phim ảnh. Trò chơi của trinh thám tiếp tục táo bạo hơn: Foreshadowing – một kỹ thuật tinh vi, ngầm dự báo phần kết truyện bằng một hình ảnh lướt qua, tựa như tiên tri – đã cho thấy hành vi cấu trúc bắt đầu ăn sâu vào nội dung văn bản: người ta không chỉ cần thấy những mối nối mạch lạc của một chuyện kể, giờ đây còn cần câu chuyện là một cỗ máy hoàn hảo, với những liên kết linh diệu. Điều này dễ tìm thấy hơn cả trong các dòng tiểu thuyết Mystery của Tây Ban Nha (Xin gợi ý một cái tên: Carlos Luiz Zafon). MacGuffin – khái niệm của Alfred Hitchcock, đạo diễn lừng danh của dòng phim Noir – là một vật thể, một cái đích cần thiết cho cốt truyện để làm động lực của các nhân vật (Ví dụ như trong tác phẩm Mật mã Da Vinci, MacGuffin chính là những truyền thuyết ẩn sau các bức tranh của Leonardo da Vinci).
Nhưng tiểu thuyết trinh thám cũng sẵn sàng dung nạp các kỹ thuật của văn chương hiện đại: những gì ta vẫn gọi là truyện lồng trong truyện, văn bản lồng trong văn bản hay tiếng nói đa thanh, hoàn toàn có thể tìm thấy ở Keigo Higashino. Trong một tác phẩm có tên Ác ý, người kể chuyện không tồn tại, mọi thứ chỉ là một pha thu thập các ghi chép cá nhân của các nhân vật rồi xếp chúng cạnh nhau, và qua đó, lộ ra độ chênh. Các nhà văn nữ của dòng sách Domestic Thriller liên tục hoán đổi các vai kể, tiêu biểu là một cuốn tiểu thuyết mà hẳn giờ đây đã trở nên phổ thông: Cô gái trên tàu của Paula Hawkins.
Càng ngày chúng tôi càng cảm thấy rõ, bằng linh cảm của những người sáng tác, rằng việc đọc trinh thám từ lâu đã thiết lập những luật lệ của riêng nó: người đọc ngày càng am hiểu sâu về kỹ thuật viết truyện, đòi hỏi các tác giả biết phô diễn nhiều hơn nữa. Điều này đã đúng với điện ảnh đương đại, và chẳng chóng thì chầy, sẽ đúng với tiểu thuyết.
Yếu tố trinh thám trong văn chương hiện đại Việt Nam
Yếu tố trinh thám đã từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn chương hiện đại Việt Nam. Và đây có thể mới là hướng tiếp cận cần lưu ý, chứ không phải từ truyền thống văn học trinh thám của Thế Lữ hay Phạm Cao Củng những năm 1930 hay Tô Nguyệt Đình, Hoàng Hải Thuỷ trước 1975, đó chỉ là một truyền thống được kiến tạo mà thôi. Một ví dụ: một người nối hai thời kỳ của văn học thị trường Việt Nam (trước và sau thế kỷ 21) là Nguyễn Nhật Ánh đương nhiên có đủ độ nhạy cảm để xử lý cốt truyện trong nhiều tác phẩm của mình bằng cách lợi dụng các yếu tố trinh thám. Nếu thời điểm sáng tác Kính vạn hoa được dịch chuyển sang đầu những năm 2000 thì một vài tập của bộ sách này như Thám tử nghiệp dư (Tập 3) hay Cỗ xe ngựa kì bí (Tập 23) chắc chắn là những tác phẩm trinh thám hiện đại đầu tiên ở xứ ta. Nó đảm bảo cấu trúc, lộ rõ các yếu tố kỹ thuật, nó đầy đủ các tham số phiêu lưu, sự li kì, một bí mật làm cốt lõi và đặc biệt, rất đặc biệt, nó có yếu tố bất ngờ, tức Plot Twist – một điều tiên quyết của trinh thám hiện đại. Cũng vì đặc biệt nhạy cảm với các kỹ thuật truyện kể, Nguyễn Nhật Ánh nhanh chóng đưa yếu tố li kì vào bộ truyện thứ hai: Chuyện Xứ Lang Biang.
Vì trinh thám vốn bị xem là cận văn học, hay bàng văn học [7] nên cứ tiếp tục tồn tại ở thể lỏng: nó không đủ khả năng vươn lên dưới sức nặng của các định kiến thẩm mỹ [8]. Vực gió của Phong Điệp – tác phẩm đạt giải một cuộc thi gần như duy nhất trên văn đàn Việt Nam về thể loại trinh thám [9] – là một ví dụ cho việc có mọi thứ mà không thể thành: vụ án, kẻ điều tra, thủ phạm và các ẩn tình. Tuy nhiên, trung tâm của câu chuyện lại là những giấc mơ hư ảo đưa nhân vật chính đến lời giải. Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, một tác phẩm khởi đầu hoàn hảo cứ như đã vang lên tiếng nhạc “có bàn chân lặng lẽ….” song cũng lạc hướng. Cũng từ đó, ta có một dòng sách điều tra hình sự và tâm lý tội phạm của các tác giả làm việc với NXB CAND, mà nhiều trong số đó tựa như một bài báo Hồ sơ vụ án viết dưới dạng tiểu phẩm [10]. Một số nhà nghiên cứu đã gọi đó là tiểu thuyết điều tra, tiểu thuyết vụ án, tiểu thuyết tâm lý tội phạm hoặc “văn học Công An”. Chúng ta cũng có thể gọi – một cách không chính thức – là văn học cận trinh thám.
Nhắc đến Đi tìm nhân vật ở bài này có lẽ gây khá nhiều bất ngờ. Nhưng vì chúng tôi linh cảm được sự quan trọng của tác phẩm này, nếu đặt nó chiếu gương với văn học trinh thám: tất cả nằm ở cái chết của nhân vật. Cái chết ấy sẽ quyết định tác phẩm ấy liệu sẽ đi theo con đường của trinh thám hay không. Cái chết của thằng bé đánh giầy mở đường cho sự gia nhập vào thế giới riêng của Tạ Duy Anh, trong đó, cái chết được nỗ lực giải thích dưới các góc cạnh triết học, nhân sinh. Nhưng với một tác phẩm trinh thám, cái chết là sự khởi đầu, nó kích hoạt một hệ thống liên đới trách nhiệm xã hội, nó kêu gọi con người ta phải giải quyết, thiết lập lại các mối nối, căng lại những đường tơ chùng. Người chết bao giờ cũng là nạn nhân, kể cả họ có tự sát: người ta sẽ lập tức kiểm tra ngay sự hiện diện của họ qua thẻ căn cước, tài khoản ngân hàng, các mối quan hệ xã hội. Thế giới chưa bao giờ rõ ràng đến như vậy, siêu hình học chẳng động được đến ai, Dasein hay zuhandSein không là cái gì so với chứng minh thư mười hai số. Chính vì thế giới sáng sủa, bóng tối mới được là bóng tối. Tiểu thuyết trinh thám chính là một trong những ước vọng của con người, một Utopia.
Nhưng đi xa hơn cả tìm nhân vật, ta không thể quên một chọn lựa rất có ý thức, về phía phản trinh thám, đó là nhà văn Thuận. Tác phẩm T. mất tích là một ví dụ trúng ngay khi cần nói đến một tiểu thể loại đặc biệt: anti-detective. Nhà văn Thuận – một người từng chuyển ngữ một vài tác phẩm trinh thám như Xạ thủ nằm bắn của J. P. Manchette – không thể không là độc giả yêu thích trinh thám. T. mất tích, đúng như cái tên, mời mọc đến với một bí ẩn diệu vợi ngay từ đầu: nhân vật T ấy đã đi đâu? Hay cô ta bị bắt cóc? Kế đến là những cuộc tường trình liên miên để rồi từ từ dẫn văn bản ra khỏi không khí của trinh thám. Từng câu chữ của tác phẩm ấy chống lại cái hữu lý của trinh thám, quyết liệt né tránh mọi xung động của một cuộc điều tra đang hối thúc. Bởi vì văn chương ấy quyết đối chọi với truyện kể. Những thao tác kể chuyện trong văn học Việt Nam bị xua đi mất từ ấy, đến nỗi giai đoạn gần đây, hình như người ta không dám nhận mình kể chuyện, cố gắng né sao cho cái hành vi kể chuyện nó không vấy vào áo, mà phải cho một nhân vật kể chuyện giùm: Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương hay Mối chúa của – một lần nữa – Tạ Duy Anh.
Trinh thám Việt Nam – vì độ ít ỏi của nó, mang lại danh tiếng cho một số tác giả, nhưng cũng vì vẻ ngoài yếm thế của nó, làm chìm khuất một số tác giả khác. Và hẳn nhiên có những nhà văn hoàn toàn không được biết đến hoặc chỉ tạo ra tên tuổi với những không gian phi-xuất bản. Rất nhiều số phận văn chương đã được nhìn thấy ở đây.
Chính vì thế, kể từ ngày thám tử – công an Phan Đăng Bách và Mai Thanh bước đi tra án, lần xét từng khung ảnh, kiên nhẫn chắt chiu từng cử chỉ ánh mắt của đối tượng để khám phá về cái chết của cô gái tên Lê Hoàng Mai, để rồi thấy mình đã đi sai hướng, trong tác phẩm Câu lạc bộ số 7 của Di Li; chúng ta mới bắt đầu thấy trinh thám Việt ở thể rắn. Nhưng mười năm trước đó, một lớp ngưng kết đã xuất hiện khi chúng ta nhìn thấy dáng dấp của một cuốn Thriller đầu tiên của Việt Nam: Trại Hoa Đỏ.
Ngay sau đây, lady and gentlemen, sẽ là phần của tiến trình văn học trinh thám Việt Nam.
Tiến trình văn học trinh thám Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ XXI
Cái tên to tát của phần này tất nhiên không làm sang lên được tình hình yếm thế của trinh thám Việt – ở mức độ rộng nhất của khái niệm, tức là gồm cả cận trinh thám.
Nhưng trước hết, một giai đoạn không thể được xác lập nếu không đặt cạnh các giai đoạn khác. Giai đoạn 1980 – 2000 không có tiểu thuyết trinh thám, nhưng được đặc trưng bởi tiểu thuyết điều tra và tiều thuyết vụ án. Trong “Nhận diện tiểu thuyết trinh thám Việt Nam”, tác giả Trần Thanh Hà đưa ra nhận định tương đối sắc nét, xin trích nguyên văn:
Sau chiến tranh, tội phạm hình sự trở thành một vấn đề bức xúc. Nó dẫn đến sự ra đời các truyện vụ án, các tiểu thuyết hình sự, phản ánh và nhận thức thực trạng tội phạm và cuộc chiến đấu chống lại tội phạm hết sức gay gắt của các lực lượng thực thi luật pháp. Sau năm 1985, là thời kỳ mở cửa, giao lưu rộng rãi với thế giới, kinh tế thị trường phát triển, những vấn đề đời sống ngày mỗi phức tạp lên, tội phạm xuất hiện nhiều và ngày càng trở nên tinh vi, khó nhận thức. Vấn đề tội phạm đã là một vấn đề xã hội nóng hổi. Văn học về tội phạm và chống tội phạm phát triển, chính là một tất yếu. Tuy nhiên ở Việt Nam thiếu sự phân định về mặt hình thức văn học, mà phổ biến là cách phân định theo đề tài. Mảng văn học viết về các vấn đề an ninh, trật tự, dù là hư cấu (fiction) hay không hư cấu (non-fiction) đều được xếp chung vào một khu vực: văn học về đề tài “an ninh trật tự”, hay như trong các cuộc thi văn học, trong các tổng kết, báo cáo người ta đã cấp cho nó một khái niệm: văn học “vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, thậm chí có người còn gọi đó là “văn học công an.”
Góc nhìn của nhà nghiên cứu Trần Thanh Hà dựa trên cơ sở xã hội học: tiểu thuyết trinh thám sẽ nảy mầm từ đời sống đô thị. Chúng tôi xin đặt một dấu hỏi cho giả thuyết này để quay lại ở cuối bài, và xin gợi nhắc đến một nhận xét rất đáng chú ý của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong Giăng lưới bắt chim, xin thứ lỗi nếu chúng tôi trích văn hơi nhiều, nhưng đây là đoạn cuối cùng:
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải là ở dạng tiểu thuyết chính thống kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng tiểu thuyết mua vui cũng được một vài trống canh: dạng tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết phiêu lưu, trinh thám hoặc cái gì từa tựa như thế. Thực tế, một khi xã hội ổn định, đời sống vật chất tinh thần tăng dần lên thì người ta sẽ không còn băn khoăn quá nhiều về lý tưởng hoặc chân lý gì nhiều nữa… Có thể nhìn rộng ra thêm ở các hoạt động âm nhạc biểu diễn để so sánh: các ca khúc thu hút giới trẻ (nhạc trẻ) vẫn thường ăn khách ở trong các tụ điểm vui chơi nhiều hơn ca khúc truyền thống. Sẽ là tương tự như thế, những tiểu thuyết best seller hấp dẫn người ta với những chủ đề vô thưởng vô phạt rồi đây sẽ chiếm thượng phong. Tôi cũng nghĩ rằng những nhà văn tiên phong hàng đầu trong lối viết này (nhất là ở giai đoạn đột phá) sẽ phải là những nhà văn tài năng số một. Việc ra đời hàng loạt các tờ báo, tạp chí sẽ tạo điều kiện để các tiểu thuyết feuilleton xuất hiện. [11]
Dòng sách này nối dài đến giai đoạn đầu thế kỷ XXI, không hề đứt gãy mặc dù đã có một cú hích mới làm nên đặc trưng của giai đoạn này: sự xuất hiện của các tác giả viết tiểu thuyết trinh thám đích thực. Văn học công an (Cận trinh thám) và tiểu thuyết trinh thám song hành, làm nên một phần diện mạo của văn chương trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI.
Thế hệ 7x: Di Li và Giản Tư Hải, sự nối dài của tiểu thuyết điều tra cận trinh thám
Một lịch sử nếu có được xác lập thì phải là bởi một ý chí. Ý chí trở thành nhà văn trinh thám đầu tiên xuất hiện ở bộ ba tác giả Vũ Khúc, Giản Tư Hải và đặc biệt là Di Li [12]. Không phải tự nhiên Di Li có vị trí đường hoàng trong lịch sử này, chúng ta phải kể đến cả sự xuất sắc nhất định của Trại Hoa Đỏ (2007) và Câu lạc bộ số 7 (2015) – những tác phẩm đúng tinh thần thể loại. Nhưng còn vì một tham tố nữa khó để ý hơn: Trại Hoa Đỏ không phải là một tác phẩm trinh thám, mà nó thuộc thể loại pha trộn giữa Horror và Thriller. Điều này cho phép các nhà phê bình và độc giả có linh cảm rằng Di Li là một trong số những tác giả đầu tiên có ý thức sáng tác genre-fiction. Và quả thực, con đường văn chương của Di Li chính là genre-fiction và còn rộng hơn thế: tất cả các thể loại hư cấu lẫn phi hư cấu ăn khách, mà phần lớn tác phẩm của nhà văn này đều đạt tiêu chuẩn thể loại.
Một thể loại tiểu thuyết được định hình trước từ lâu đương nhiên sẽ đòi hỏi một tác giả mới phải nhập môn: trước hết, có hiểu biết về thể loại và sau đó, có chiến lược sáng tác. Nhưng không có truyền thống sáng tác, lại trưởng thành trong sinh quyển của văn học chính thống (một cấu trúc vững khác, bao gồm bộ ba: văn học nhà trường – văn học trên báo chí, truyền thanh – hệ thống các tác giả viết văn xuôi hiện đại), các nhà văn Việt Nam buộc phải thử nghiệm bằng cách tự sáng tác theo những đường lối mà họ đã học được từ sách trinh thám nước ngoài hoặc các giai đoạn văn học trước đó. Ở khía cạnh này, Di Li một lần nữa xuất hiện như một nhà văn điển hình của trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Trong những diễn ngôn của cô trên một tọa đàm báo chí về Trinh thám Việt, không khó nhận ra ý thức của Di Li về việc đang viết tiểu thuyết trinh thám và khẳng định đó là con đường của mình [13]. Nói thêm một chút về tọa đàm này – “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li” diễn ra vào 18/01/2016: Di Li trở thành khách mời trung tâm của Tọa đàm sau khi Câu lạc bộ số 7 mới ra mắt công chúng một thời gian. Trong những chia sẻ của mình, Di Li có đề cập đến việc đọc Thế Lữ và Phạm Cao Củng (điều này cũng thường hiện diện trong các bài nói khác của Di Li): đây là một điểm quan trọng khi lần đầu tiên trong văn xuôi đương đại, có một nhà văn trinh thám viết với tinh thần tiếp nối một truyền thống. Các tọa đàm về Văn học trinh thám cũng song hành với đa số các tác phẩm trinh thám mỗi khi có sách mới ra đời, đó là biểu hiện của một sự kì vọng rất lớn. Chúng tôi sẽ còn quay lại với yếu tố truyền thông và báo chí, nhưng Di Li trước hết đã gây ấn tượng lớn. Ấn tượng này khiến cô được xếp vào một vị trí khác hẳn, có bóng dáng một minh chủ [14].
Nối tiếp nhau sau gần mười năm, Trại Hoa Đỏ và Câu lạc bộ số 7 tuy gần như khác dòng nhưng lại chung hệ thống nhân vật điều tra là Phan Đăng Bách và Mai Thanh. Cú ngoặt chuyển từ Psychological Thriller đến Crime Fiction ở Di Li ta sẽ còn thấy ở nhiều tác giả sau này, gần như là một hình mẫu: bắt đầu với tiểu thuyết nặng tính tâm lý kinh dị, sau đó thì cảm thấy cần phải chuyển mối quan tâm về những vụ án ở cuốn tiếp theo. Trong Trại Hoa Đỏ là cuộc phiêu lưu của Diên Vĩ và gia đình trong một cuộc nghỉ hè ở Đà Lạt, tại một trang trại kì lạ, nơi diễn ra nhiều biến cố kỳ khôi. Sau này thì chúng ta biết Diên Vĩ có những chứng bệnh tâm lý. Tại Câu lạc bộ số 7, thay đổi đến từ việc điểm nhìn người kể chuyện ngay từ đầu là nhân vật thám tử, câu chuyện là hành trình phá án, với bóng dáng một serial killer (sát nhân hàng loạt).
Âm thầm hơn, (và chính vì âm thầm hơn, nên ít được biết đến hơn) Giản Tư Hải là tác giả trinh thám hiện đại có thể nói là đầu tiên của kỷ nguyên mới. Xuất hiện từ năm 2005 với Ổ buôn người, Giản Tư Hải không những mang ý thức thể loại mạnh mẽ mà có xu hướng gây dựng phong cách riêng. Ba tác phẩm khác của Giản Tư Hải: Âm mưu thay não (2011), Mật mã Champa (2015), Minh Mạng mật chỉ (2016), đều xoay quanh các bí mật lớn đặt trong những bối cảnh rộng, những âm mưu của các tổ chức tội phạm cấp quốc gia, với tốc độ nhanh, nhiều hành động kịch tính. Không khó để thấy ảnh hưởng của Dan Brown hắt bóng trong thế giới sáng tạo của Giản Tư Hải: khám phá thân phận con người trong mối liên hệ mắt xích với những đại thuyết về thế giới, với quốc gia, tôn giáo và lịch sử. Ví dụ như trong Âm mưu thay não, Giản Tư Hải lấy bối cảnh một tổ chức khoa học xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia, nghiên cứu những lý thuyết sinh học tiên tiến, trong đó có việc thay não bộ của người này vào người kia. Đây là một tác phẩm mà Giản Tư Hải đã có dụng ý giăng một cái bẫy ngay từ đầu với độc giả, rằng nếu cuộc thay não thành công, thì liệu bản dạng của nhân vật có theo đó mà đổi thay. Hay nói cách khác, một bộ óc gắn vào một cơ thể mới sẽ trông như thế nào? Điều mà chúng tôi lưu ý ở đây: những ý tưởng ấy hoàn toàn có thể phát triển thành một tác phẩm khoa huyễn (Sci-fi) – đừng quên một tác giả có thể đứng trước nhiều chọn lựa: chẳng hạn như Thiên Linh Cái của Trương Thanh Thùy, xuất phát từ một vụ án có thật, nhưng đã đi con đường của tiểu thuyết Kinh dị. Song le, Âm mưu thay não lại thực sự là một tiểu thuyết trinh thám, với một bí mật duy trì từ đầu đến cuối, với những lần tìm, tra hỏi, và với những màn lật ngược cốt truyện gây nên bất ngờ. Nhân vật trong các tác phẩm của Giản Tư Hải đều có xuất thân từ các cơ quan hành pháp, nhưng tất nhiên Giản Tư Hải – ngoài việc không chọn Sci-fi, thì cũng không chọn nốt văn học công an. (Một trong những cách để Giản Tư Hải bay ra khỏi văn học công an, đó là viết những đề tài lịch sử: Mật mã Champa, với nhân vật chính hành nghề kỹ sư. Vào giai đoạn 2016 – 2019, lần lượt các tiểu thuyết của Giản Tư Hải được tái bản – và đó là một dấu mốc không kém phần quan yếu).
Bây giờ ta vòng trở lại với văn học công an tức dòng tiểu thuyết điều tra đã được nhắc đến đôi lần ở phía trên. Dòng sách này bước ra từ các cuộc thi cũng như dự án của NXB Công An Nhân Dân, là một sự nối tiếp giai đoạn 1980 – 2000, phát triển song song với các tác giả Di Li, Giản Tư Hải và Vũ Khúc, tựa như đôi dòng nước trên một khúc sông. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Hà chỉ ra các đặc điểm của dòng sách này như miêu tả các vụ án, tập trung vào tâm lý tội phạm và xây dựng hình ảnh nhân vật công an điều tra, góp phần biểu dương chiến công, phong cách tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của cơ quan hành pháp. Vào đầu thế kỷ XXI, dòng sách này bắt đầu đi vào các đề tài xã hội đương đại, khám phá các chứng bệnh tâm lý, các ẩn ức bất thường của nhân vật tội phạm trong một xã hội ngày càng thay đổi với tốc độ cao. Trong số rất nhiều tác phẩm, ta có thể chú ý đến Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn), Sát thủ online (Nguyễn Xuân Thủy) và Hồ sơ một tử tù (Nguyễn Đình Tú).
Rất tương hợp, khi một số tiểu thuyết văn xuôi hiện đại thì lại dung chứa yếu tố trinh thám, còn những cuốn sách có đầy đủ án mạng và hung thủ, thì lại không hề trinh thám, bởi thiếu một yếu tố căn cốt: tính chất trò chơi và những cú lừa.
Tác phẩm Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn xuất hiện năm 1999 và được chuyển thể thành phim truyền hình vào những năm sau đó, đã mở ra một giai đoạn mới cho văn học cận trinh thám. Không chọn duy nhất một điểm nhìn từ các anh hùng trong lực lượng an ninh, tác phẩm này có tham vọng trở thành cuốn tiểu thuyết tâm lý tội phạm đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, cuốn tiểu thuyết này lựa chọn đề tài Giới tính thứ ba, vì có vẻ như ở thời kỳ ấy, giới tính thứ ba gần nghĩa với lệch lạc tâm lý. (Khi cần một con đường để đến với lệch lạc, đã từng có những nhà văn chọn ngay con đường của giới tính).
Một con người như thế nào thì sẽ trở thành tội phạm? Tất cả đao phủ đều từng là nạn nhân, và mối liên kết này được làm sáng tỏ trong Hồ sơ một tử tù (2002) – Nguyễn Đình Tú và Sát thủ online (2010) – Nguyễn Xuân Thủy. Hai cuốn tiểu thuyết này được đặt cạnh nhau bởi nó tiêu biểu cho suy tư – nhưng đúng hơn là sự ngạc nhiên – của thế hệ nhà văn 7x về thời đại mới (Vì những nhà văn 7x có một chút khoảng cách để quan sát thời đại, chúng ta sẽ ngay lập tức nhìn vào những focus của họ thì sẽ thấy hiện diện của các vấn đề mà trước năm 2000 chưa từng có: chuyển giới, game online). Hồ sơ một tử tù đặt trong mạch văn chương của Nguyễn Đình Tú: tham vọng đi từ đời sống một cá nhân sa đọa cụ thể để phổ quát thành một nhân sinh luận, nhân vật chính của cuốn sách di chuyển giữa các thế giới của hiện thực, của tâm linh và ký ức. Nhưng văn chương ấy cũng là một ảo vọng của văn dĩ tải đạo. Ảo vọng này sẽ sớm kết thúc.
Sát thủ online trên bình diện văn học trinh thám, là một bước tiến rõ rệt hơn. Trước hết chúng ta có một sơ đồ: hệ thống đề dẫn và các thông tin báo chí ở cuối mỗi chương, như một đếm ngược. Chuyện kể về nhân vật Tí – một đứa trẻ có tuổi thơ không hạnh phúc – cùng một lúc phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của công an, vừa trên hành trình tìm người mẹ thất lạc. Phần kết của cuốn truyện này tương đối bi thảm, nhưng chính vì thế, nó có thân phận. Tất nhiên, người ta cảm thấy hoàn toàn hụt hẫng với sự dụng công của Sát thủ online: lẽ ra với một đề tài như vậy, một truyện trinh thám cần phải được xây dựng. Sát thủ online phơi bày câu chuyện và bi kịch quá sớm, và giống như mọi tiểu thuyết cận trinh thám, hoàn toàn “vắng mặt sự khiếm diện“.
Cả ba tác phẩm nêu trên đều đã được chuyển thể thành các bộ phim ăn khách và đều đạt giải tại cuộc thi “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức. Hồ sơ một tử tùcủa Nguyễn Đình Tú và Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn đạt giải mùa 1998 – 2002. Sát thủ online của Nguyễn Xuân Thủy đạt giải mùa 2007 – 2010. Đây cũng là ba trong số nhiều tác phẩm luôn được nhắc đến như những thành quả của cuộc vận động sáng tác này.
Thế hệ 8x: Kim Tam Long và giai đoạn 2018 – 2020
Trinh thám Việt đương đại, sau khi xuất hiện, thì bắt đầu biến đổi. Cần phải miêu tả một chút về một mốc thời gian: năm 2018.
Năm 2018, người lớn tuổi nhất của thế hệ 8x bước vào tuổi 38. 38 tuổi có thể cũng là một pha lấy đà, ông hoàng trinh thám Nhật Bản bắt đầu viết hai tác phẩm quan trọng nhất của đời mình: Bạch dạ hành và Bí mật của Naoko. Jeffery Deaver bắt đầu đi ra thế giới từ năm 38 tuổi, với Manhattan Is My Beat (1988). Năm 2018, phần lớn thế hệ 9x đã trên 20 tuổi – lứa tuổi bắt đầu đủ để có thể viết sách hư cấu, và những người sinh năm 2000 bước vào thế giới của các trường đại học, thế giới của đô thị, và góp mặt trong một không gian văn hóa đại chúng mới, trong đó chắc chắn có sự đọc.
Cũng năm 2018, series Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng xuất hiện trở lại trên thị trường nhờ nỗ lực của Phúc Minh Books và NXB Công An Nhân Dân. Đây là màn hợp tác duy nhất tính đến thời điểm viết bài này, giữa hai đơn vị, một bên là một công ty sách với dòng chủ đạo là trinh thám – giả tưởng và kinh dị, và một NXB truyền thống – như đã nêu – cống hiến cho văn học Việt Nam những tác phẩm “cận trinh thám”. (Về các công ty sách, chúng ta chắc chắn phải bàn với nhau một lần nữa, ở phần cuối cùng của bài viết này). Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất, bởi vì một trong những cuốn sách trinh thám được yêu thích nhất đã ra đời: Mặt Nạ Trắng (Kim Tam Long) [15].
Mặt Nạ Trắng giới thiệu một vụ thảm sát diễn ra trước năm 1945 với một sát nhân đeo mặt nạ trắng chuyên dùng búa để hành hình nạn nhân. Nhưng sàn diễn chính lại vào thời kì hiện đại, khi kẻ đeo Mặt Nạ tái xuất sau nửa thế kỷ. Nhân vật chính Họa Mi đóng vai trò như thám tử theo lùng dấu vết của kẻ này, và tất nhiên, rất mysterious, thân thế của cô cũng có liên hệ đến nhân vật này, thông qua các sự kiện năm xưa.
Kim Tam Long (sinh năm 1982) là nhà văn nổi bật nhất của thế hệ 8x lựa chọn viết trinh thám. Mặt Nạ Trắng là bước chuyển trong sự nghiệp của anh – xuất thân là một tác giả văn học bình dân với các tác phẩm kinh dị và hài hước. Tác phẩm này vẫn là một nối dài của truyền thống trinh thám 7x: có nhân vật công an (Nguyên), pha trộn nhiều thể loại (vì không xác định rõ). Từ Trại Hoa Đỏ đến Ổ buôn người (Giản Tư Hải) xuyên qua Câu lạc bộ số 7 (Di Li), Âm mưu thay não (Giản Tư Hải) để tới với Mặt Nạ Trắng (Kim Tam Long) ta đã hoàn thiện được một con đường, một con đường đã chạy qua mọi đề tài bí ẩn mà đặc trưng xã hội Việt Nam cho phép, và bất biến: các chuyên án hình sự, những bí ẩn từ quá khứ, lịch sử và các yếu tố ma quỷ tâm linh. Kể từ độ ấy, những pha dò đường kết thúc, văn chương trinh thám Việt Nam sẽ phải bắt đầu dung nạp những yếu tố mới, bắt đầu trả lời hoặc đặt ra những câu hỏi của chính thời đại của nó, để thực hiện thêm một vài nghĩa vụ văn chương khác. Một trong số những câu hỏi ấy được gợi lên từ nhận xét của nhà văn trinh thám Lưu Thủy Hương, rằng những thể loại cụ thể của trinh thám như Mystery hay Thriller sẽ không có cơ hội ở Việt Nam. (Lưu Thủy Hương xuất hiện ở đây sẽ rất đỗi gây ngạc nhiên cho các độc giả trinh thám thực thụ. Chúng tôi sẽ trở lại với Lưu Thủy Hương – một nhà văn đặc biệt không thể nào không nhắc đến, nhưng cần được xếp sang một phần khác).
Sau năm 2018, chính Kim Tam Long cũng thay đổi: anh là người duy nhất cho đến nay trong địa hạt trinh thám, thực sự chuyển dịch trong sự nghiệp của mình – dưới bàn tay điều phối của độc giả – chỉ trong hai tác phẩm. Ẩn Ức Trắng – tác phẩm thứ hai – được viết trong 40 ngày, với sự thừa nhận của tác giả: cuốn sách là kết quả của sự nghiên cứu gu đọc của độc giả Việt Nam. Tất nhiên, Ẩn Ức Trắng thành công. Pha dứt điểm ghi bàn nhanh gọn này đến từ độ nhạy cảm của tác giả: đã đến lúc cần, rất cần, phải xuất hiện theo kiểu khác – không phải là tái xuất – mà là định hình một con đường, một diện mạo mới. Vì Kim Tam Long đã nhìn thấy điều gì đó, khác với Giản Tư Hải, khác với Di Li, và nói chung, với thế hệ nhà văn 7x. Điều gì đó có bóng dáng của một thứ, mà sẽ ngày càng rõ rệt hơn, và đúng hơn với một thể loại văn học trị trường như trinh thám: một cuộc chạy đua.
Ẩn Ức Trắng xuất bản đầu năm 2020 (và lẽ ra đã có thể 2019, nếu không có một chút lùi lịch) – đây là thời điểm cuối cùng của giai đoạn chúng ta đang khảo sát. Tác giả Kim Tam Long cho thấy rõ ý đồ mở rộng sự nghiệp, khi tiếp tục Trắng: các series (giống như Series She Can… của Melinda Leigh) sẽ phác lên diện mạo một nhà văn trinh thám. (Chúng ta có nên lờ đi chuyện đặt tên tác phẩm không nhỉ? Những Trắng, Đỏ, Lửa là một phía, ở phía kia, là những Mật mã, Âm mưu, Bí ẩn, Hồ sơ – gợi lên điều gì? Thứ nhất, có thể là di sản của trường từ vựng dùng trong báo chí ngành an ninh – cho đến thế hệ 8x đó vẫn là nguồn cấp ý tưởng dồi dào nhất. Thứ hai, gần như tất cả đều là danh ngữ, một cái gì đó được gọi tên, một biểu tượng ở trung tâm: đó chính là cốt lõi của một cấu trúc). Ẩn Ức Trắng bắt đầu ngay giữa một cuộc (và đây chính là một kỹ thuật có tên In media res) truy tìm một kẻ tâm thần trốn viện. Câu chuyện tiếp theo mọi người đều đoán được: hắn sẽ đi trả thù các cô gái từng ruồng bỏ mình. Cuốn tiểu thuyết có cấu trúc như một nhà ống, các vụ án tiếp nối, được miêu tả kỹ càng ngay từ đầu, dưới dạng một truyện ngắn thriller, cho đến vụ án cuối cùng, có kết cấu và diễn tiến khác hẳn: một màn lật ngược những gì đã biết [16]. Từ Mặt Nạ Trắng đến Ẩn Ức Trắng, dung lượng chữ giảm đi một nửa, đó là lúc câu chuyện cần phải cân bằng với kỹ thuật. Các hình mẫu cốt truyện của Keigo Higashino và Cornell Woolrich xuất hiện ở Kim Tam Long, như chính anh công nhận, rằng mình chủ động khám phá và tiếp nhận bí kíp của họ [17]. Bởi vì những nhà văn ấy đang được yêu thích đông đảo ở Việt Nam. Sau cặp đôi Maurice Leblanc – Phạm Cao Củng, Dan Brown – Giản Tư Hải, ta dường như đã có cặp đôi thứ ba: Higashino Keigo – Kim Tam Long. Nhưng lần này các dấu gạch nối không còn chỉ mang nghĩa “ảnh hưởng” mà còn là tiếp nối và vượt lên. Hơn nữa, những Keigo còn ảnh hưởng lên độc giả chứ không chỉ tác giả. Kim Tam Long đã xóa điểm yếu của Keigo Higashino bằng cách nén dung lượng các khai phá nội tâm nhân vật, và thế vào đó là kiểu kể chuyện dồn dập như Cornell Woolrich. Không còn mong muốn trở thành một “X phiên bản Việt Nam”, câu chuyện của Kim Tam Long là câu chuyện của chinh phục thị trường văn học trinh thám đang có vẻ màu mỡ. Đến nhà văn này, ta mới có sự chi phối thực sự của người đọc lên tác giả.
Thế hệ 9x: Quang Vinh và Nguyễn Dương Quỳnh, những rẽ nhánh
Tại sao mốc năm 2018 lại đáng quan tâm? Vào năm 2015, một tác giả ở lứa tuổi 9x đang rộng đường đến cái đích trở thành một nhà văn trẻ đương đại được yêu thích, bỗng rẽ nhánh sang viết thriller. Đó là tác giả Quang Vinh. Quang Vinh mở màn sự nghiệp với cảm hứng đương đại rõ rệt: anh bắt đầu với truyện dài “Vết cắt, vùng mơ” hay “Búp bê máy, tôi và những chuyến hành trình”. Những tác phẩm này nằm trong trường đề tài rất phổ dụng ở thập kỷ 2010: thế giới những người trẻ tuổi. Đề tài ấy được triển khai tiếp đến Biến mất – một câu chuyện xoay quanh bí ẩn của một cô gái trẻ tự sát với cuốn tiểu thuyết của cô. Biến mất lại tiếp tục là một pha mượn trinh thám để nói chuyện khác (tức vừa muốn là trinh thám, nhưng cũng vừa muốn sang trọng hơn một chút – đây là điều các tác giả 9x thường xuyên mắc phải). Tuy nhiên, khác với các cú mượn trước đây, Biến mất – với tham vọng và dụng công kỹ thuật của nó: kể chuyện với hai ngôi kể và hai góc nhìn khác nhau – thực sự là một tác phẩm thuộc dòng Psychological Thriller (Tạm dịch: Tâm Lí Li Kì), là tác phẩm đầu tiên của Văn học Việt Nam thuộc thể loại này nếu không tính Trại Hoa Đỏ. Ngoài ra, Biến mất không còn mang một cái tên là danh ngữ. Nó là một chuyển động, đương nhiên mang theo kỳ vọng sống dậy một nền văn chương trinh thám có những gương mặt trẻ. Nhưng Biến mất cũng đã biến mất, vì sai thời điểm.
Năm 2018, sự việc tương tự diễn ra: một nhà văn trẻ đương đại có tên tuổi lại về với thế giới trinh thám. Nhưng khác với Quang Vinh, tác phẩm ấy không chìm đi. Vì nó đúng thời điểm, vì nó ra đời vào năm 2018 chứ không phải là 4 năm trước. Tại sao? Tại vì giữa 2014 và 2018 xảy ra một câu chuyện: đã có một làn sóng viết genre-fiction, bao gồm hai thể loại rực rỡ nhất: Fantasy và tiểu thuyết Lịch sử, với những tác giả được yêu thích như Đặng Hằng, Bùi Cẩm Linh, Hoàng Yến, tóm lại, những người bước vào và bước ra từ Cuộc vận động sáng tác Văn Học Tuổi 20 và cả các tác giả văn học mạng. Trinh thám có thể nói đã được hưởng sái.
Tác phẩm này là Thăm thẳm mùa hè, và tác giả ấy là Nguyễn Dương Quỳnh. Nguyễn Dương Quỳnh – một người trước đó không lâu đã bước chân vào địa hạt Fantasy (với tác phẩm Thỏ rơi từ mặt trăng). Cú chuyển ấy rất có thể liên quan đến xuất phát điểm này. Các đề tài về các nhóm bạn thanh xuân, những ảnh hưởng của văn học Nhật Bản tiếp tục được phát huy trong Thăm thẳm mùa hè. Đây không phải là một tác phẩm quá thành công trên thị trường văn học trinh thám, nhưng Nguyễn Dương Quỳnh thể hiện một nhà văn giàu năng lượng thể nghiệm và hướng đến việc trở thành một tác giả chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của Nguyễn Dương Quỳnh là một phách nhẹ xen giữa hai phách mạnh Phạm Cao Củng và Kim Tam Long, để hoàn thành một ô nhịp 2018. Ngoài ra, Nguyễn Dương Quỳnh là một tác giả nữ. Một nữ văn sỹ viết trinh thám dễ đem lại cảm giác “một Di Li thứ hai” [18]. Hiệu ứng truyền thông ấy khiến đề tài trinh thám Việt lại nóng lên.
Thế hệ 9x: Dòng Psychological Thriller, Phi Hành Gia và Tôi
Bây giờ tôi sẽ xin quý vị độc giả một phần trong bài viết này, hãy đừng hiểu rằng tôi chọn một vị trí riêng, hay có gì đó tương đương với các phần khác. Thực ra chẳng có gì quan trọng lắm đâu, vì vinh quang của tác giả trinh thám luôn chỉ nằm ở chiến thắng của anh trước số đông độc giả (và qua đó, kiếm được tiền). Một khi không kể được câu chuyện thì mọi tấm áo lòe loẹt khác (mà người ta hoàn toàn có thể dễ dàng khoác lên nhiều tác phẩm văn học đương đại) đều vô hiệu, thậm chí phiền phức là khác. Chỉ đơn giản là chúng tôi muốn viết một chút về những gì chúng tôi biết rõ nhất: chính mình. Chường mặt ra chốn đông người, không ngại trả lời bất cứ cuộc phỏng vấn nào, kể cả của những tờ báo tầm thường nhất đi nữa, đó gần như là một định mệnh của những người viết văn chương nhà ga. (Tôi đã lặp lại chính xác những công tác như thế, tức là như nhà văn Di Li, đã xuất hiện trên văn đàn – trong khi phần lớn các tác giả trinh thám khác không có xu hướng với danh môn chính phái – và đã tuyên xưng cho một dòng văn học. Bài viết này là sản phẩm của tinh thần ấy).
Tôi viết Tường Lửa từ năm 2017 sau một vài thử nghiệm thất bại. Trong cuốn tiểu thuyết này, ý tưởng ban đầu của tôi là cố gắng trả lời câu hỏi, một người có thể tồn tại hoàn toàn trên văn bản hay không, và nếu người viết bước ra, can thiệp vào văn bản thì sẽ như thế nào? Tường Lửa xoay quanh hành vi ghi chép của một người mất trí nhớ, và đương nhiên, đó là một văn bản ít nhiều không đáng tin.
Con đường ngắn nhất, tuy không hề dễ đi hơn tí nào, để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, đó là làm động tác viết truyện. Khép lại một cuốn tiểu thuyết là công việc khó nhất, nhưng kết một câu chuyện thì dễ hơn. Giai đoạn 2014 – 2018, chúng tôi hình như đã bỏ qua một yếu tố quan trọng nữa. Quãng ấy xuất hiện những bộ phim điện ảnh lớn: Gone Girl chuyển thể từ cuốn sách của Gillian Flynn và Inception của đạo diễn Christopher Nolan. Mặc dù điện ảnh không phải đối tượng chuyên môn của bài viết này, nhưng những tác phẩm này đã mở ra một con đường mới của tiếp nhận các tác phẩm trinh thám giả tưởng. Viết một cái gì đó cho một đối tượng độc giả nào đó, rất có thể, ta phải tự hình dung mình sẽ vào vai các tác giả đã từng chinh phục đối tượng độc giả ấy. Hai tác phẩm trên thuộc vào một thể loại mà còn rất mới mẻ trên thế giới, lẫn Việt Nam: Psychological Thriller (Tâm lý li kì hoặc Kinh dị tâm lý), một tiểu thể của văn học trinh thám. Đây là chỗ để ta có thể đi cùng với thế giới, không còn bị lẽo đẽo bám theo đằng sau.
Như vậy, không chỉ có tôi, mà còn rất nhiều tác giả 9x, đã xuất bản hay chưa xuất bản, chọn thể loại này. Đặc trưng của Psychological Thriller là khác với các dòng trinh thám hình sự, mystery, các nhân vật của thriller bị ném vào câu chuyện, bị sa lầy, vướng bẫy. Trái ngược với hình ảnh các nhân vật chính của các dòng trinh thám khác, rất chủ động bước vào cốt truyện, nói chung là đóng vai truy đuổi. Nhân vật của Psychological Thriller phải thoát ra, đương nhiên bằng cả trí và lực. Nhưng thử thách lớn lại nằm trong lãnh vực tâm trí, với những căn bệnh thần kinh hoặc chấn thương tâm lý hoặc lạm dụng chất kích thích vân vân… Thông thường chìa khóa của cốt truyện luôn nằm ở tâm lý.
Psychological Thriller ở Việt Nam đã có mặt từ Trại Hoa Đỏ. Nhân đây chúng ta sẽ nói về các con bệnh tâm thần trong văn chương trinh thám Việt Nam. Tâm thần đồng nghĩa với những cú lừa của lý trí, và đấy là một con đường mở ra những trò chơi tiểu thuyết. Từ Trại Hoa Đỏ đến (một phần nào đó) Âm mưu thay não, đến Tường Lửa, qua Con ảo (Phi Hành Gia) đến Thiên thần mù sương, Ẩn Ức Trắng: con đường của hình mẫu nhân vật này gần như đã được dùng hết. Mất căn cước, ngụy tạo trí nhớ và hiện thực, hay ở cấp độ cao hơn, phân thân thành nhiều nhân cách, hoặc bị xáo trộn trí nhớ: lịch sử các con bệnh tâm thần trong văn chương trinh thám Việt Nam đã tương đối hoàn thành sứ mệnh. (Kể từ “The System of Doctor Tarr and Professor Fether” của Edgar Poe, lịch sử trinh thám thế giới cũng kính cẩn nghiêng mình với các cấp độ giả lập của các con bệnh tâm thần. Chúng tiếp tục (và hoàn thành sứ mệnh) ở phim điện ảnh Inception. Người tiếp theo thực hiện chủ đề này là A. J. Finn với Người đàn bà sau cửa sổ thì đã thất bại. Còn Paula Hawkins hay Gillian Flynn và B. A. Paris tuy vẫn sử dụng hình mẫu bất thường về tâm lý, nhưng sẽ phải chuyển hẳn sang một thể loại khác: Domestic Thriller, với sự mở rộng về phía các vụ án gia đình. Sẽ trở lại với Domestic Thriller trong phần tiếp.
Ở đây tôi có thể nhận một chút gì đó về mình: trong dòng sách trinh thám, tôi là người đầu tiên xuất hiện với tư cách một người thực hành các lý thuyết sáng tác. Sáng tác và Thực hành sáng tác đôi khi khác hẳn nhau. Nhưng ấn tượng về một tác giả đề cao các nguyên tắc kỹ thuật đã khiến tôi được chú ý: vào một thời điểm nhất định nào đó, người ta chờ đợi những kẻ biết phát ngôn cho một dòng sách – công việc mà thực ra các nhà văn không nhất thiết phải làm, nhưng đôi lúc cũng có những nhà văn như vậy.
Phồn vinh đô thị tạo động lực cho văn học trinh thám phát triển theo ý của nhà nghiên cứu Trần Thanh Hà không sai, nhưng rõ ràng không hoàn toàn đầy đủ. Văn hóa đại chúng chứa trong nó những động lượng bí ẩn, khó để giải mã hết. Phi Hành Gia – một tác giả trẻ hoàn toàn rất không có khái niệm về chuyên ngành truyền thông – là người trả lời chính xác nhất, khi rơi vào câu hỏi khó của chúng tôi: “Tại sao bạn viết tác phẩm ấy?” Phi Hành Gia nói, anh ta không biết, chỉ vì anh ta bỗng rảnh rỗi (trước chuyển công việc) và bỗng thấy cần viết cái gì đó cho mọi người thưởng thức, giống như một bộ phim. Thực vậy, có nhiều tác giả sáng tác văn chương chỉ vì họ không thể làm phim. Văn chương trinh thám không hề có nhiệm vụ tiên quyết là phản ánh các đề tài xã hội, nó chỉ có một ham muốn duy nhất là thiết lập các mạng lưới trò chơi, “một cái gì đó cho mọi người thưởng thức”.
Con ảo của Phi Hành Gia kể một câu chuyện thoạt nhìn khá đơn giản: cô con dâu tên Hoa mới sinh nở được đưa về nhà bố mẹ chồng để săn sóc. Sau này ta sẽ biết cô gái này có vấn đề về tâm lý tựa như trầm cảm sau sinh, với một số điều có lẽ đã được tiết lộ ở cái tên. Nhưng bí mật chồng lên bí mật: cô gái tên Hoa còn là một con rối trên một sàn diễn khác.
Thiên thần mù sương được tôi viết và bán bản quyền in trọn vẹn vào năm 2019. Quãng từ Thăm thẳm mùa hè(Nguyễn Dương Quỳnh) đến Thiên thần mù sương (Đức Anh) là một quãng dày đặc các tác phẩm trinh thám mới, làm động lực cho Ẩn Ức Trắng (Kim Tam Long) ra đời. Định mệnh của văn chương trinh thám là không được ngừng viết, không khác mấy một môn thể thao thành tích cao. Ba năm không ra tác phẩm mới thì đồng nghĩa với mất hút. Sự sôi động của thể loại này ở Việt Nam đang là có thực và thời gian tới, dám khẳng định sẽ có nhiều tác giả đến mức một cuộc đào thải tàn nhẫn sẽ diễn ra, y hệt như các nền trinh thám phát triển trên thế giới.
Thiên thần mù sương là tác phẩm đầu tiên tôi chơi một trò chơi mới: tất cả những yếu tố lớn nhỏ trong một cuốn tiểu thuyết, sẽ liên kết lại một cách kỳ lạ ở tận cuối truyện. Cũng như Tường Lửa, cảnh đầu và cảnh cuối cuốn tiểu thuyết lặp lại nhau, khép kín một vòng tròn. Và đó gọi là kỹ thuật Bookend. Tôi cảm thấy cần bắt đầu với những gì phi lý, thế là tôi có một chuyến xe ma quái, và sau đó hàng loạt những vụ án. Song đó vẫn là một cuốn truyện quá phức tạp mà trinh thám Việt Nam chưa đòi hỏi đến, mà sau này, Ẩn Ức Trắng với kết cấu giản dị hơn sẽ giải quyết bài toán.
Tiểu kết: Tương lai tiểu thuyết Trinh thám Việt Nam
Người đọc trinh thám – cũng giống như nhiều thể loại khác – ngày càng có nhu cầu rõ rệt về phân biệt các dòng sách. Người ta không chịu được sự hỗn độn quá lâu, và cuộc sống của loài người là gì, nếu không phải là những nhu cầu phân chia và sắp xếp lại thế giới. Có rất nhiều phương án chia các dòng sách trinh thám. Cách phân chia của chúng tôi dựa trên bốn cột trụ: Crime – Suspense – Thriller và Mystery. Tất nhiên sẽ có những thứ khác: Classic Detective (trinh thám cổ điển), Fiction Noir (Tiểu thuyết đen). Khác với dòng sách ta vẫn thường biết là tiểu thuyết hình sự (Crime), ba dòng tiểu thuyết còn lại nhấn mạnh vào không khí căng thẳng và kỳ bí. Suspense được xây dựng dựa trên các nghi hoặc lẫn nhau, người đọc đi vào một câu chuyện tột độ căng thẳng và vô cùng lập lờ, không điểm tựa, không biết tin ai, và tất nhiên không một ai là kẻ vô tội: tất cả rồi sẽ đều có vai trò trong tội ác, dù vô tình hay hữu ý. Mystery khám phá một vụ án đã xảy ra từ lâu trong quá khứ nhưng có liên quan hiện tại, liên kết chặt chẽ với số phận con người và vùng đất trong bối cảnh truyện. Người điều tra không nhất thiết là thám tử chuyên nghiệp. Thriller nói về những biến cố đưa buộc nhân vật chính phải leo dốc, có liên quan đến một bí ẩn cần giải mã.
Nhà văn Lưu Thủy Hương, tác giả của những Bầu giàn bí đất (2010), Bờ bên kia (2014) đều là các tác phẩm đăng tải trên Internet có cách phân chia khác. Thể loại Mystery như cô nói, có vẻ giống với dòng con của nó là Gothic Mystery [19] nhiều hơn. Một tác phẩm như Vào trong dòng nước của Paula Hawkins rõ ràng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so những gì Lưu Thủy Hương miêu tả về thể loại Thriller[20]. Lưu Thủy Hương là một trong số ít các nhà văn Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng các dòng tiểu thuyết, tuy nhiên cũng khẳng định rằng không nhiều dạng sách có cơ may tồn tại ở Việt Nam và thậm chí độc giả Việt Nam sẽ không tiếp nhận được. Về Lưu Thủy Hương cũng như Vũ Khúc, chúng tôi xin hẹn ở một dịp khác, khi đã nghiên cứu đầy đủ về tác giả. Tuy nhiên, tác giả đang định cư tại CHLB Đức là một nối dài của văn học miền nam trước 1975, nhưng đã chọn địa hạt trinh thám. Đây là một điều đặc biệt.
Nhận định của Lưu Thủy Hương có khả năng không chính xác. Đến đây ta cần nói qua về câu chuyện của xuất bản: văn học trinh thám đã phát triển ở Việt Nam như thế nào? Có thể sớm kết luận: Sự du nhập rất đều đặn và cập nhật của các dòng sách trên thế giới đã thay đổi thị hiếu và thẩm mỹ của độc giả Việt Nam, qua đó tác động đáng kể lên những khoảnh khắc quyết định trở thành nhà văn của một số người. Kể từ Đổi Mới, nhiều tác giả lớn của trinh thám cổ điển lẫn hiện đại được giới thiệu trở lại liền mạch hoặc lẻ tẻ tại Việt Nam. Mở màn là Agatha Christie và Vụ án trên sân gôn được NXB Thể Dục Thể Thao in ấn năm 1986. Kinh cầu hồn ai của J. H. Chase được NXB Long An giới thiệu vào năm 1988. Sidney Sheldon là tác giả trinh thám hiện đại đầu tiên (?) đến với Việt Nam qua Nếu còn có ngày mai, NXB Văn Nghệ 1989. Robert Van Gulik với series Địch công kỳ án 16 cuốn cũng được NXB Pháp Luật in năm 1988. Cùng với nhiều bộ sách khác, các tác phẩm trên mở đầu cho một giai đoạn hưng thịnh các bản dịch sách trinh thám ở Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI, cú hích đầu tiên Dan Brown xuất hiện và gây kinh ngạc, kể từ Mật mã Da Vinci(NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005). Kể từ đó các công ty truyền thông sách như Nhã Nam, Bách Việt, Đinh Tị và đặc biệt là Cổ Nguyệt và Phúc Minh – hai đơn vị gần như sống bằng sách trinh thám – giả tưởng bắt đầu giới thiệu liên tục các sách trinh thám của các tác giả đương thời. Trong khi đó, các NXB nhà nước như NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ hay NXB Công An Nhân Dân… cũng chọn trinh thám làm một trong những dòng sách của mình. Các đơn vị xuất bản của Việt Nam một mặt chủ trương dịch thuật mới các tác phẩm trinh thám kinh điển và mặt khác “tiến cử” các cây bút mới xuất hiện khoảng 30 năm trở lại đây trên văn đàn thế giới.
Nhã Nam là đơn vị đã giới thiệu nhiều tác giả trinh thám Châu Âu như Lee Child (tác giả Kẻ thù), Keigo Higashino (Phía sau nghi can X, Bạch dạ hành, Ma nữ của Laplace v.v.) Hai tác giả dòng Gothic Mystery của Tây Ban Nha là Carlos Luiz Zafon (Bóng hình của gió, Tù nhân của thiên đường…) hay Arturo Perez-Reverte (Bí ẩn quân Hậu đen, Câu lạc bộ Dumas)… Điều đặc biệt là Nhã Nam cũng mang đến thị trường các tác phẩm trinh thám của các tác giả vốn có thành tựu ở văn học hiện đại hoặc các ngành khoa học xã hội như Umberto Eco (Con lắc Foucault, Tên của đóa hồng, Nghĩa địa Praha…), Orhan Pamuk (Tên tôi là Đỏ…). Ngay sau khi đạt giải Goncourt, Pierre Lemaitre liên tục được dịch ở Việt Nam: Alex in năm 2014 được xem là một tác phẩm thriller đáng nhớ.
Trinh thám Nhật Bản và Trung Quốc – những vùng có văn hóa được cho là gần gũi với Việt Nam – cũng chiếm lĩnh một lượng độc giả đông đảo. Phúc Minh và Cổ Nguyệt là hai đơn vị thường xuyên giới thiệu các nhà văn lớn ở hai nền trinh thám này. Đó là lý do sách của những Minato Kanae hay Keigo Higashino (Nhật Bản), hay Tử Kim Trần, Pháp Y Tần Minh, Ninh Hàng Nhất (Trung Quốc) được tái bản liên tục, tạo ra một cuộc đua, chiêu hồi cả những tác phẩm rất thứ yếu của họ. Dòng sách Mystery Bắc Âu với các tác phẩm của những tên tuổi cực kì xuất sắc: Stieg Larsson, Henning Mankell, Camellia Lackberg không còn xa lạ với một độc giả văn học bất kì ở Việt Nam, không cần phải là độc giả trung thành của sách trinh thám.
Dòng sách mới mẻ của thế giới là Domestic Thriller cũng về thị trường Việt từ những năm 2015, mở màn với Gilian Flynn (Cô gái mất tích), kéo dài đến B. A. Paris (Sau cánh cửa đóng) – một tác giả cũng mới chỉ bắt đầu sự nghiệp cách đây không lâu. NXB Trẻ năm 2019 cũng vừa giới thiệu một tác phẩm Domestic Thriller rất xuất sắc: Những thiên thần mất tích của tác giả Karin Slaughter. Domestic Thriller có đặc điểm là bối cảnh hẹp, ít nhân vật, xoay quanh biến cố của một gia đình, hoặc giữa những người hàng xóm, thường thay đổi điểm nhìn và ngôi kể dẫn đến các phiên bản khác nhau của sự thật [21]. Domestic Thriller ngay lập tức đã có được vinh quang mà mọi dòng sách trinh thám đều ao ước: trở thành một biểu tượng bất biến trên toàn cầu. Nó chứng minh rằng suối nguồn của trinh thám không bao giờ cạn và thứ bàng văn học này đôi khi khai mở được vài điều giản đơn mà danh môn chính phái loay hoay không làm nổi. Nhưng mà tất nhiên, bao giờ cũng vậy.
Không quá rình rang trong khâu truyền thông, NXB Phụ Nữ cũng mang đến những tác phẩm Mystery Châu Âu dày dặn của những Dolores Redondo (Vệ sĩ vô hình), Joel Dicker (Sự thật vụ mất tích nhà báo Stephanie Meier – dày đến hơn 800 trang khổ lớn hay Sự thật về vụ án Harry Quebert và chuyện nàng Nola – tác phẩm đưa Joel Dicker một bước lên đỉnh cao) hay Donato Carisi (Kẻ nhắc tuồng, Cô gái trong sương mù…) v.v. Các đơn vị Đinh Tị và Bách Việt tiên phong cập nhật các tác phẩm/series Trinh thám hình sự (Crime Fiction) hoặc Thriller có danh tiếng thị trường thế giới, trong đó Bách Việt tiến đến việc hoàn thiện các bộ sách Crime Fiction của Jeffery Deaver. Đinh Tị những năm qua đã và đang giới thiệu các series Lisa Gardner, J. D. Barker, Melinda Leigh, Sharon Bolton, Robert Dugoni… – đang là những nhà văn đang từng bước chinh phục đỉnh cao mới.
Nhìn chung sách trinh thám nước ngoài ở Việt Nam vô cùng đa dạng, có thể nói rằng bao quát được tình hình văn học trinh thám thế giới, trong một không gian nhỏ chúng tôi không thể liệt kê cho hết ý, xin hẹn ở một dịp khác. Thậm chí thị trường sách trinh thám Việt Nam đang hướng đến sự cập nhật: đã đến lúc phải đặt cược vào cả những tác giả mới, với những giải thưởng mà không nhiều độc giả Việt Nam quan tâm (Tới đây, theo chúng tôi biết, nữ tác giả Úc mới sáng tác là Jane Harper sẽ được giới thiệu). Và cũng đã đến lúc biểu dương một dòng sách trinh thám Việt Nam: công ty sách Bách Việt đang đại diện cho ý tưởng ấy, khi lần lượt chiêu mộ các tác giả Việt, đồng thời tái bản những tác phẩm cũ của Giản Tư Hải và Di Li liên tục vào giai đoạn 2016 – 2020.
Mạng xã hội tạo sân chơi gặp gỡ cho tác giả và bạn đọc, những câu lạc bộ sách ra đời và lớn mạnh đồng nghĩa với sự chi phối qua lại ngày một mạnh hơn. Sự chi phối ấy sẽ tồn tại dưới dạng những kỳ vọng lớn lao: ban đầu là kỳ vọng viết được, sau là đến kỳ vọng bản địa hóa, cuối cùng, rất có thể là kỳ vọng xuất khẩu. Nếu chuyện tiến ra thế giới của văn chương Việt Nam là có thật, thì trinh thám là một con đường.
Sau Ẩn Ức Trắng và các tác phẩm Psychological Thriller, tới đây văn học trinh thám Việt Nam sẽ gặp một thách thức cao hơn, vì đã chấm dứt một thời kỳ dòng sách ấy thuộc vào khu vực cần được thông cảm.
Không chỉ cần một vài tác phẩm được cấu trúc vững vàng, các độc giả khó tính sẽ còn yêu cầu các tác giả trinh thám Việt xây dựng các đề tài văn chương phù hợp với những vấn đề đương đại. Nội lực của các cây bút sẽ quan trọng hơn bao giờ hết trong việc khám phá những khu vực bí ẩn trong nội tâm người Việt, đồng thời nhìn thấy các dịch chuyển lạ lùng của đời sống đương đại. Ngoài ra, như một định mệnh, các tác giả trinh thám cần tự thiết lập trường phái của riêng mình, bằng cách – có thể – sáng tạo những kỹ thuật mới. Màn cao trào còn ở phía trước.
Đức Anh Kostroma
[1] Đỗ Long Vân về tiểu thuyết Kim Dung: “Ấy là một truyện tầm đạo trong phương thức của một truyện trinh thám” (Đỗ Long Vân, Vô Kỵ giữa chúng ta hay hiện tượng Kim Dung, Chương 5).
[2] Tzvetan Todorov, Thi pháp văn xuôi, NXB Đại Học Sư Phạm 2011, trang 110.
[3] Hamby, Anne và van Laer, Tom (2020), “Not Whodunit but Whydunit: Audiences Do Good Because of the Reasons Behind Story Characters’ Actions”. Liên kết https://ssrn.com/abstract=3429433.
[4] Dan Brown Teaches Writing Thrillers – MasterClass. https://www.masterclass.com/classes/dan-brown-teaches-writing-thrillers
[5] Jane Harper: “I wrote the manuscript that would become The Dry as part of a 12-week online novel-writing course in late 2014″ (Tạm dịch: Tôi đã viết bản thảo mà sau này trở thành quyển Mùa hạn kinh hoàng như một phần thực hành trong khóa học viết tiểu thuyết trong 12 tuần vào cuối năm 2014). Lauren Buffet phỏng vấn Jane Harper, “Hitting a home run with a ‘practice’ novel”. https://bookpage.com/interviews/20826-jane-harper-fiction#.XpbXUpA3uW8 (Truy cập lần cuối 12/4/2020)
[6] Stanley D Williams, The Moral Premise: Harnessing Virtue & Vice for Box Office Success, 2006.
[7] Rất nhiều nghiên cứu đề cập đến cách nhìn này. Ví dụ: Nguyễn Xớn, “Truyện trinh thám – nhìn từ hiện tượng”, Tạp chí Sông Hương số 234 – 08 – 2008: “Về thể loại truyện này, giới nghiên cứu văn học Xô Viết trước đây coi nó là cận văn học“.
[8] Lê Kỳ, “Nhận diện truyện trinh thám Việt Nam”, Tạp chí VNQĐ số tháng 10/2018: “Các nhà văn viết về đề tài trinh thám cần vươn tới những tác phẩm có tầm tư tưởng phổ quát về nhân sinh chứ không chỉ chạy theo thị hiếu độc giả, kể những câu chuyện giật gân hay ‘ăn xổi’ theo đơn đặt hàng. Từ đó kiếm tìm, thể nghiệm những hình thức biểu đạt mới phù hợp với sự phát triển của văn học thế giới, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Có như vậy, truyện trinh thám Việt Nam mới có cơ may tìm lại độc giả của mình, trước khi nói đến việc giành lại vị thế trên văn đàn.”
[9] Cuộc thi “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” xuất hiện từ năm 1999 và vẫn tiếp tục tại thời điểm bài viết này. Đây là một cuộc thi cung cấp nhiều tác phẩm cận trinh thám cho thị trường Việt Nam nhất trong suốt hai mươi năm đầu thế kỷ XXI.
[10] Nhận định này cũng từng xuất hiện trong một review về Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn). Trích nguyên văn: “Cảm thấy như đang đọc báo An ninh thủ đô, An ninh thế giới, mà thậm chí còn không hấp dẫn bằng.” Nguồn: Thiên Tư, Review Một thế giới không có đàn bà. Liên kết: https://obook.co/thien-tu/review-mot-the-gioi-khong-co-dan-ba-wr-by-bui-anh-tan-r15348 (Truy cập lần cuối: 11/4/2020)
Theo thiển ý của chúng tôi, không phải vì văn phong, mà là vì ngay từ đầu, lối viết tường thuật vụ án đã được lựa chọn.
[11] Nguyễn Huy Thiệp (NXB Thanh Niên, 2010) Giăng lưới bắt chim, chương “Thời của tiểu thuyết (1)”.
[12] Nhà nghiên cứu Trần Thanh Hà cũng đưa ra một nhận định quan trọng: “Nhà văn Việt Nam không có ý thức viết truyện trinh thám”. Trần Thanh Hà (ĐH KHXHNV 2005), “Nhận diện tiểu thuyết trinh thám Việt Nam”.
[13] Di Li: “Tôi kì vọng nó vượt trội so với Trại Hoa Đỏ. Tôi không so sánh với tác phẩm, tác giả nào trên thế giới cả. Mong độc giả đón nhận nó như một bước tiến của tôi. Tôi đã đầu tư công sức trong 6 năm. Nếu Trại Hoa Đỏ là một sự thử nghiệm thì với Câu lạc bộ số 7 tôi đã hình thành rõ rệt tư duy trinh thám, dù chưa thực sự hài lòng sau khi viết xong.” Ý Dịu ghi, “Nhà văn Di Li: Viết trinh thám vì thích đọc trinh thám”. Liên kết: https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/nha-van-di-li-viet-trinh-tham-vi-thich-doc-trinh-tham-20160303235354862.htm (Truy cập lần cuối: 14/04/2020).
[14] Tác giả Lê Kỳ, “Nhận diện truyện trinh thám Việt Nam”, Tài liệu đã dẫn, đã liệt kê rất đầy đủ các tác giả cả mới lẫn cũ – đáng ngạc nhiên là xếp Giản Tư Hải cạnh các tác giả cận trinh thám, trong khi đặt Di Li ở vị trí riêng.
[15] Có thể xem review về Mặt Nạ Trắng qua một tổng hợp của Trangtrinhtham. Liên kết: https://trangtrinhtham.wordpress.com/2019/10/25/mat-na-trang/ (Truy cập lần cuối: 17/04/2019)
[16] Về Ẩn Ức Trắng, xin xem kỹ hơn trong một bài viết của chúng tôi có tên “Ẩn Ức Trắng: Màn giao hưởng những cú turning”. Liên kết: https://www.ducanh.press/2020/03/an-uc-trang-man-giao-huong-nhung-cu.html.
[17] Tư liệu video: Trò chuyện với tác giả Kim Tam Long nhân dịp ra mắt Ẩn Ức Trắng. Liên kết: https://www.youtube.com/watch?v=VJu2jtQq3t8.
[18] Ngay từ năm 2014, đã có một bài báo xếp Nguyễn Dương Quỳnh cạnh Di Li và Nguyễn Thị Thu Huệ để làm bộ ba tuổi Ngọ. Sự vươn mình của các nữ văn sỹ đã gây ngạc nhiên trong hai thập niên qua. Liên kết: https://baomoi.com/3-nu-nha-van-tuoi-ngua/c/13011027.epi.
[19] Về thể loại này, xin tham khảo Christina Dodd, “Bringing back gothic mysteries to new readers”. Liên kết: https://strandmag.com/bringing-back-gothic-mysteries/. Một cách đơn giản, Gothic Mystery đưa ta khám phá những vùng đất có một lịch sử nhiều bí ẩn, nhiều truyền thuyết, cùng với đó là sự trở lại của nhiều motif nhân vật của Gothic Fiction (Đừng ngại chữ Lịch sử, vì trong rất nhiều tiểu thuyết Gothic Mystery, đó đơn giản chỉ là những vi sử. Một ví dụ: Maxime Chattam, Lời hứa của bóng đêm được Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2016 cho chúng ta biết về thế giới của những người chuột chũi, sống dưới hệ thống cống ngầm thành phố New York).
[20] Lưu Thủy Hương (2020), “Bốn Thể Loại Văn Chương”. Liên kết: http://luuthuyhuongblog.blogspot.com/2020/02/bon-loai-van-chuong.html
[21] Về Domestic Thriller, xin tham khảo Joyce Carol Oates “The Domestic Thriller is having a moment”, Liên kết: https://www.newyorker.com/magazine/2018/02/26/the-domestic-thriller-is-having-a-moment
Nhận xét
Đăng nhận xét