Chuyển đến nội dung chính

TẠI SAO VIẾT VĂN LÀ MỘT LỰA CHỌN KHÔN NGOAN

 Sự thật là dù có bình đẳng về tính cách, sở thích hay quan điểm sống, thì phẩm chất mỗi con người là khác nhau. Có những người thông minh cực độ, và có những người thì lại quá chậm hiểu. Chỉ có những người ở vị trí trung bình mới hay thích dĩ hoà vi quý giữa những sự khác nhau về trí não ấy: những người này hay chơi môn thể thao kéo kẻ thông thái xuống cho bằng với người ít thông minh, và nâng những người ngu ngốc lên một tầm mà họ không còn thấy bình an như trước.

Nếu ở nhà quá lâu, dần dần ta không còn nhận thấy được sự đa dạng của thế giới nữa. Khi được nhìn qua màn hình, thế giới mất một bước để đến với não của chúng ta: trước hết, giả dụ nếu ta nhìn thấy con đường trên video, đầu ta sẽ tiếp nhận một ký hiệu, một dấu chỉ (“a, đó là con đường”) và sau đó bản năng của nó sẽ lục trong ký ức những gì liên quan đến con đường, để bù đắp thêm ý nghĩa chocon đường trên màn hình. Nó cồng kềnh hơn nhiều so với việc nhìn con đường ngoài đời thực và cảm nhận qua đủ năm giác quan.

Trong Seduction của Baudrillard, một tác phẩm tôi nghĩ là vẫn còn nhiều ý nghĩa, ông này nói rằng màn hình nuốt chúng ta vào. Rằng chúng ta chỉ xem chính mình mà thôi, chỉ đơn giản là làm một trò chuyển dịch các ý nghĩa của video sang các ký hiệu quen thuộc với não bộ.

Tương tự, con người nói chuyện cũng sẽ khác đi: nói chuyện trên Google Meet là một hình thức khác cao cấp hơn của tự lẩm bẩm với chính mình. Vấn đề này chắc là tâm lý học hành vi sẽ vào cuộc, hiển nhiên là trò chuyện trực tuyến sẽ nảy sinh các cơ chế tâm lý khác so với trò chuyện trực tiếp. Hai người nói chuyện trên google meet sẽ giống như bốn người: họ và hai cái bóng của họ phản chiếu.

“Không có tội lỗi nào để phạm / Không có cả một nỗi buồn để khóc” (Lưu Quang Vũ): không có biến động, chẳng có gì được lộ ra hết, rất nhiều người mất đi cơ hội để được đanh đá, ti tiện, ghen tuông hay bỗng dưng tốt bụng.

Có một tác phẩm tôi nhớ ra lúc này: “Palomar của Italo Calvino”: một hôm một anh chàng nọ quyết định khôn đọc nghe xem gì nữa mà ra ngoài ngắm đủ thứ và cố gắng quan sát mọi thứ trên đời thật kỹ theo cách không thiên kiến. “Đây là cuộc vinh danh đặc biệt mà mặt trời danh cho tôi” chàng Palomar nói như vậy. Tất nhiên, lúc ấy chàng không bị phạt hai triệu.

Thế giới chỉ thực sự biểu lộ ý nghĩa khi ta nhìn trộm. Mất đi cái khả năng đi nhiều nơi và gặp nhiều người, cũng là mất đi cơ hội nhìn trộm, mất đi khả năng nhìn thấy một cái ngách mà chỉ có mình mới có thể đi được, một cái khe tường mà chỉ mình mới nhìn được ra.  




Ngồi trong giãn cách, tôi nhớ đến ngôi nhà xưa đã mất, tôi nhớ đến một thế giới mà à giờ tôi mới hiểu là tôi không thuộc về nó, nhớ những đồ chơi xưa cũ và cách tôi tự lập ra cho chúng những quy luật riêng. Lần đầu tiên chúng ta chạm tới văn chương là khi không có ai chơi cùng và ta buộc phải bịa ra câu chuyện cho bản thân (cùng các đồ chơi).

Nhưng nếu như thế giới cần ký ức để bổ sung, thì ngược lại, ký ức cũng cần thế giới để kích động chính nó.

Viết văn là cách để giả lập thế giới, trong trường hợp không có phương pháp nào khác để tiếp xúc với thế giới thực.

Mặc dù người ta vẫn đánh bóng độ khó của văn chương nghệ thuật, nhưng lúc này (và lúc nào cũng vậy) viết văn là một lựa chọn khôn ngoan, trước hết ở mọi lợi ích nó mang đến với một cái giá khá rẻ.  Nghìn lẻ một đêm nhìn chung vẫn chưa kết thúc, Thế giới vẫn được bao phủ bởi các câu chuyện. Kể chuyện từ lâu trở thành một ngành nghề kiếm tiền (câu chuyện thương hiệu, TVC quảng cáo cho đến điện ảnh etc.).

Củng cố tồn tại của cá nhân, và được tham gia thế giới những người kể chuyên? Con đường nào là ngắn và hiệu quả nhất: đó chính là viết văn. Không tốn tiền, không ảnh hưởng đến ai, một mình bạn đi thu thập thông tin từ thế giới mang về nhào nặn và bạn cũng không phải lo là mình đã mờ nhạt.

Chừng nào văn chương còn sợ hãi co mình lại một chỗ để phòng vệ, trước những điều vô cùng hiển nhiên là thế giới đã rõ ràng rồi (và vì thế cần quái gì văn chương), thì người viết văn vẫn còn được no cơm ấm áo trong căn nhà giãn cách của văn chương.

Rất có khả năng là người ta không còn biết văn chương dùng để làm gì nữa: vì thế mới cần các Hội nhóm văn hữu và “giới văn nghệ”. Để bảo vệ cho một vài niềm tin mong manh, văn chương được khoác lên một vài tấm áo, và được vẽ đường biên, theo đó, cứ đúng nghi lễ thủ tục (chẳng hạn đăng lên báo Văn Nghệ) thì là yên tâm mình đã thuộc về văn chương. Ngoài ra thì nếu làm khác đi, có khi lại được cho là phá cách.

Vậy nên dẫu sao, theo một cách thực dụng nhất: viết văn là một lựa chọn khôn ngoan. Đừng từ chối điều này, đừng từ chối cái khả năng mà thiên ý sắp sẵn. Đừng từ chối chỗ trú thân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...