Chuyển đến nội dung chính

Viết chữa lành hay Văn chương của hướng nội





“Thôi cũng đành cúi xuống

Cho mộng đời thoát đi”

(Vũ Thành An)


Đối với những người đã hiểu quá rõ nỗi đau hay niềm trống vắng vô biên bên trong cá nhân mình, và dành cả đời đi đào bới thế giới tinh thần với hy vọng để lấp đầy cái nỗi đau ấy, đối với những người như thế, thời sự văn học không có một mảy may ý nghĩa. Sẽ rất vô nghĩa nếu chúng ta nói với họ rằng ở đâu đó, chẳng hạn Nga, chẳng hạn Đan Mạch, có một nhà văn lớn, uy tín lắm, có từ hai đến ba kiệt tác đảo điên sắp lộn trái cả ngôn ngữ nhân loại y như bít tất, và đang chuẩn bị chìa tài khoản để nhận tiền giải Booker.


Họ không quan tâm đâu. Vâng, mang căn cước những kẻ hướng nội - họ là những kẻ dửng dưng độc đáo, họ ý thức về cái đẹp và hơn ai hết là những kẻ rất mực nhạy cảm với nghệ thuật, nhưng không văn chương nào đến được với họ theo cách thông thường. Họ là một thế giới đóng cửa, đổ keo vào ổ khoá, để một khe hẹp cho một số dạng văn chương chui vào, rồi họ nuốt lấy. Họ hấp háy đôi mắt hiếu kỳ trước những giá trị thẩm mỹ, nhưng nhanh chóng quay về góc tường riêng mình, đếm vết rong rêu và xước xát. Có thể một văn chương nào đó không có cái mà họ tìm: cái này thì tốt quá, tức là nếu bạn kể cho những người này về giải Nobel gần nhất, họ hào hứng đưa ngay vào danh sách những gì đỡ phải đọc. Và có thể, một văn chương khác, lại có họ, thì họ vẫn quay lưng: họ sợ nỗi đau của chính mình, và họ sợ cái kiểu hài hước tọc mạch của văn học. Tốt nhất một tác phẩm văn chương nên là một cái khe, để thi thoảng họ nhòm vào, thấy chính mình đang ở trong đấy, rồi lè lưỡi quay ra, gập sách lại.


Khi họ viết cũng như vậy (có thể không phải là nhà văn nhưng họ vẫn viết, để “chữa lành”): họ mô tả máu cuồng và hồn điên, xong thường xuyên thành Hàn Mặc Tử phiên bản ít nỗi đau hơn, nên không gì khác ngoài một văn chương than thở và nhồi cho lắm ẩn dụ. Họ tưởng tượng mình đang đi lảng vảng, một chân thì dép cao su còn một chân thì giày sneaker, đi lang thang hôn mê trong rừng thiêng và suối đỏ, đuổi theo một ngọn lửa nhận đường. Họ đau, họ buồn, họ thấy hư vô hiện rõ lên như kiểu không-hề-hư-vô. Họ thấy mình mang thân hình một trẻ mồ côi, má dính nhọ, ngồi co quắp bên lửa lạnh và vỏ hạt dẻ do sóc vứt lại. Trong tư thế ấy, họ “nghe tịch lặng rơi nhanh”, họ rầm rì đọc kinh cầu nguyện. Tôi chợt nhận ra họ chính là Đức Chúa của bản thân mình: còn gì bất hạnh hơn thế phải không? Và về dạng văn chương này, tôi gọi đấy là văn chương của nhím.


Tôi mê những người hướng nội, đầu tiên là ở chỗ họ bỏ khá nhiều tiền mua sách văn học và ít có review chửi bới. Nhưng rõ rệt hơn: cái thế giới kín mít trưng ra những gì buồn chán và tẻ nhạt nhất, những tâm hồn thường xuyên phải tô vẽ để đỡ phải phô ra bức tranh chì bên trong. Ta không chạm được vào họ, mọi văn chương của ta - những tiếng hót ngà ngọc, những gió thơm, nắng chang và giếng thẳm, những nỗ lực của ta nhằm khai phá thế giới đầy rẫy bí ẩn kia, những người bạn lạ lùng, những linh hồn xếp lớp, những mô thức xã hội hay khoảnh khắc tuyệt giao gay cấn… mọi thứ không quyến rũ được họ. Họ nhìn ta như một thứ gì phiền toái và nhiễu chuyện. Sau đó họ quay ra ca ngợi những văn chương của nhím.


Nhưng oái oăm thay, để trở thành một nhà văn, nhất thiết luôn có một bước tiến hoá lớn lao là bắt đầu bỏ đi mọi ảo tưởng về giá trị phổ quát, nhìn thấy cái tình thế đối chọi của một vũ trụ chung và hàng triệu vũ trụ riêng. Như vậy, ta là kẻ mang theo hộ chiếu giả, luồn lách và lươn lẹo đi qua các thế giới, trốn vé, giả danh tính, khai gian lịch trình, bằng mọi cách nào ở lại được vũ trụ của kẻ khác, để run lên vui sướng khi thấy được chân tâm của họ, rồi nhanh chóng thất vọng quay về. Bởi có cách nào để đến với nhau?


Những người hướng nội là những kẻ mất cân bằng: trên bập bênh của đời, họ ngồi một bên, và bên kia là nước mưa đọng. Trò chơi bắt đầu: họ thắng, quần thì ướt. Để lấy lại cân bằng, họ cần phải là kẻ tổ chức cuộc chơi thay vì ngồi đó. Với tư cách những độc giả hướng nội, họ cần một văn chương đại diện cho mình, một thứ văn chương quyền uy ngợi ca sức mạnh linh diệu của Dasein: tồn tại ở đây và ngay bây giờ, trong mỗi hơi thở, mỗi thoảng hương và mỗi giây biết ơn sự sống. Ở nơi đó, họ không phải thấy cân bằng, mà họ thấy mình đã phủ lên thế giới một sự công bình cho tất thảy: trong mỗi khoảnh khắc nhỏ, ai cũng có giá trị ngang nhau, từ kẻ mạnh đến người yếu thế. Đó là văn chương đi liền với Phật tính. Ta cứ nhìn vào cộng đồng hâm mộ Hamvas Béla là rõ thôi. Và một số người hướng ngoại, khi nhìn vào những thứ này, họ la lên: Sao lắm viết để chữa lành thế?


**


Tôi là một người hướng ngoại. Tôi cũng là một nhà văn, nếu không có gì thay đổi - chẳng hạn không hỏng Macbook đột xuất, tôi chuẩn bị viết ra một kiệt tác. Tôi biết rất rõ là có hai bước để làm việc này: một là tưởng tượng mình sẽ vinh quang ra sao với một đại kiệt tác và bước hai, là hiện thực hoá điều đó. Thường tôi làm rất tốt bước một. Tôi đang ngồi đây, ngay giữa bước thứ hai, hiếm khi thời gian trôi chậm thế này. Tôi sống giữa một thời đại nhiều lý tưởng: đâu đó người ta nói rằng con người cần yếu tố A, yếu tố B để thành công, chúng ta phải đoàn kết, đội nhóm phải hiểu nhau, môi trường phải chuyên nghiệp, quyền lợi phải công bằng trong mỗi hợp tác v.v… Vì là một công dân tiêu biểu của ngành Marketing, trong lòng tôi sáng ngời một nỗi sốt ruột kinh niên với thế giới, vì cuộc đời không quá dài, và bao gánh nặng khôn kham, làm sao để tính toán tốt để đạt được mọi thứ.


Sau cùng, trên một chặng dài vinh quang và ướt áo đọc rất nhiều sách self-help để phục vụ những quý ông quý bà khách hàng của mình, tôi phát hiện ra hai chân lý như sau. Một là mọi câu trả lời ta cần trong cuộc đời này thường đã có ngay ở câu hỏi, nếu ta có súng, và quay ngược lại chĩa súng vào kẻ hỏi ta. Điều này thì bạn không cần quan tâm lắm. Nhưng điều thứ hai thì liên quan đến đề tài ta đang bàn: nỗi bất hạnh là một tài sản. Thế này nhé: bí quyết thành công trong đời là càng bất hạnh càng tốt, sách self-help đã nhầm khi nghĩ rằng chỉ mỗi tư duy và kỷ luật là đủ. Một nỗi bất hạnh đủ khéo để sao cho nhất quyết là tiền không bù đắp được, và như thế, buộc người ta phải đi kiếm một thứ khác, tiến ra ngoài cái đời cơm áo chung. Một nỗi bất hạnh rõ rệt, đóng trên đài trán như một cú chơi khăm của tiền kiếp, ngày lại ngày bằng cái giọng vừa nhổ răng xong, nỗi bất hạnh thì thầm vào tai ta y như quảng cáo thuốc bổ thận, thúc ta phải đi kiếm một phi lý nào khác ngoài kia.


Thế giới vừa biến đổi kỳ lạ lại vừa quay ngược vào trong, mỗi cá nhân nhìn vào thâm tâm mình: đây là một giai đoạn vàng, chúng ta hãy chú ý. Han Kang đã đúng. Và hội đồng giải thưởng Man Booker đã đúng khi trao cho “Người ăn chay”. Đó là nơi ta sẽ gặp gỡ cả văn chương của hướng nội và văn chương của hướng ngoại cùng một lúc: chuyện kể rằng một ngày kia người bạn đời của chúng ta - dẫu vẫn đột nhiên làm nhiều thứ - thì hôm nay đột nhiên quay ra ăn chay một cách cực đoan. Không ai biết đến cái vũ trụ tinh thần của cô, trong đó tự thân cô thấy hạnh phúc với quyết định kỳ quặc nhìn từ bên ngoài. Mọi sự đều hữu lý nếu nhìn cả từ vũ trụ bên ngoài cô gái này và vũ trụ bên trong, nhưng xung đột vẫn xảy ra, nhưng mãi mãi hai vũ trụ bên trong và bên ngoài không gặp nhau. Hạnh phúc của cô là một hạnh phúc trơ lỳ, một vẹn toàn ích kỷ được chỉ đạo bởi một toàn năng tự thân. Quan tâm đến tồn tại của thiện ác, nhân bản chủ nghĩa hay lịch sử không khó. Viết một thứ dông dài của niềm tự kỷ cũng dễ thôi. Nhưng làm sao ta có thể đi qua lại dễ dàng với hộ chiếu giả, giữa thế giới bên trong bí ẩn và thế giới bên ngoài cũng bí ẩn nốt, của một tha nhân?


Tưởng dễ, tôi hăm hở bắt tay vào cuộc. Văn chương của hướng ngoại là một thứ dung dịch sánh đặc vô tận đổ bừa bãi khắp nơi, vây lấy mọi thứ, quyết tâm giải thích, quyết tâm chõ mũi vào chuyện của kẻ khác. Các nhà văn hạng C sẽ dừng lại ở chỗ trào phúng, các nhà văn hạng B - khá hơn xíu - thông cảm và tán đồng, hòa nhập không hòa tan, nhưng cũng đồng thời chĩa ngay mũi dùi vào mỗi lúc đối tượng thẩm mỹ lơ là cảnh giác. Còn các nhà văn hạng A thì sẽ mô tả nốt nhà văn hạng B và hạng C trong bối cảnh chung này, theo cách “đời nhìn gần là bi kịch, nhìn xa là hài kịch” - triết lý ăn khách của Charles Chaplin. Cuối cùng, A, B C ở đây xếp theo thứ tự tệ bạc.


Quay lại câu chuyện của tôi: chúng ta có một thế giới mà nỗi bất hạnh là một tài sản. Tôi sẽ điều ngay các nhân vật của mình tổ chức một dạ hội gọi là yến tiệc của nỗi đau, với những cốc bia tươi to như cúp Europa League, ở nơi đó, kẻ nào càng bất hạnh thì càng có địa vị cao, và đứng đầu nấc thang danh vọng riêng biệt ở nơi đây. Tôi sẽ tạo ra một nhân vật chính, kẻ được tác giả ưu ái hơn cả: một kẻ không có gì trong tinh thần của mình, hoàn toàn bình thường với tâm hồn không thủng một lỗ nào, vì một việc gì đó mà lạc vào cái xã hội ấy.  Đầu tiên tôi định để cho anh ta đau răng, y như nhân vật chính của Bút Ký Dưới Hầm (Dostoievski) nhưng tôi sẽ không làm cái việc tầm thường như thế (thời buổi này đã không còn là thời của Dostoievski: để cho một nhân vật đau răng là con đường ngắn nhất dẫn nhà văn đến chỗ cũng chỉ còn biết đến đau răng). Nhân vật này tất nhiên bỗng trở nên mặc cảm vì không có nỗi đau nào riêng biệt. 


Nếu dừng lại ở đó, tôi sẽ viết được một cái gì đó kha khá, tựa như Táo Quân 2015. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thành một cây bút nghiêm túc nếu như không đi vào thế giới hướng nội. Tôi nhớ đến các độc giả hướng nội của tôi, và tôi tự hỏi rằng họ muốn đọc được điều gì ở văn bản này, thay vì chỉ là một câu chuyện ẩn dụ nực cười. Một lần nữa họ lại ngồi im, đóng kín cửa. Y như mỗi lần ta viết văn mà muốn chạm đến họ.


Nhưng bạn nhớ không? Mọi câu trả lời đều đã có ở chính câu hỏi, nếu ta có súng, và chĩa súng vào kẻ hỏi. Nếu có súng, tôi sẽ lập tức quay họng súng vào mặt mình. Một số nhà văn sẽ bóp cò. Còn một số nhà văn, như tôi, đã hiểu ra một chuyện: tôi không có cách nào khác là quay lại thế giới hướng nội của chính bản thân mình. Thế giới của tôi vẫn còn đó, cần được xới lên y như cách những kẻ hướng nội đã làm. Vì vậy tôi quyết định trước mỗi bình minh dậy sớm, không xem bóng đá mà nằm nghe tiếng nước vòi nhỏ giọt trong mịt mùng yên lặng của một tàn canh.


**


Không có nỗi đau còn chán hơn cả không có tiền: chúng ta nhanh chóng bị lừa, bị lâm vào tình thế dùng văn chương để tự xỏ mũi mình. Quá nhiều giá trị thẩm mỹ, thừa mứa nghệ thuật và quá nhiều nhân văn đắp vào tâm hồn hòng che một chỗ khuyết khó thấy.


Chính vì thế, ngoài môi trường trung học phổ thông, có một chỗ còn nhiều văn mẫu hơn tất thảy. Đọc một cuốn sách phê bình văn học đắt tiền, tôi thấy buồn chán bởi nhà phê bình viết y chang nhau, không có cái gì riêng biệt từ nội tâm của họ, một cái gì đó mà ta thấy họ bỗng nhiên liều lĩnh và hưng cảm lạ thường, làm cho ngay giữa văn chương của họ trồi lên một chiếc gai xanh. 


Con đường của văn chương lắm ổ gà ở chỗ là thường xuyên vào một chiều vàng nọ, có người tìm đến trao đổi về việc viết văn thế nào cho hay, mà thường là ta bị đưa vào thế phải nghe họ chứ không nói nổi lời nào trước muôn trùng đạo lý nghệ thuật. Đến đây tôi gặp một thế giới thứ ba, kỳ khôi không kém: những kẻ cả hướng nội lẫn hướng ngoại, những “inextrovert” trong thuật ngữ tiếng Anh. Những người này có một lỗ trống hoác to như cú đấm của Dwayne Johnson trên tấm voan tâm hồn (ý tôi là nếu Dwayne Johnson đeo nhẫn), và họ cũng viết để chữa lành, cũng gay go lắm. Song điều khác ở chỗ, họ không biết mình đau đớn, hụt hẫng ở chỗ nào, và tên nỗi đau ấy là gì. Thậm chí họ còn sợ là nỗi đau không có thật, có khi chẳng qua là họ lười chảy thây từ thuở hồng hoang.


Trong trường hợp là tác giả, họ hay đứng về phe thứ yếu, họ thích những điều cảm động nhỏ bé và tốt lành trong đời người. Họ thích bàn tay nhăn nheo của bà ngoại, và ánh mắt người mẹ quê bỗng nanh sắc lạ thường - dẫu tay vẫn run và chân đi đất - giữa một bệnh viện nguy nga lúc tất bật dò hỏi khi nào con trai tôi được phẫu thuật. Và thi thoảng có người hiền lành đến hỏi tôi làm sao miêu tả được người con gái lạc thân giữa thành thị. Đang bận viết kiệt tác bất hủ, tôi độc địa gợi ý: “Thế đã đến đoạn đi đến hồ rồi thấy yên bình giữa dòng đời xô bồ chưa? Xong đoạn đấy thì nên viết đến nỗi nhớ não nùng tuổi thơ và ca dao. Và tất nhiên là đoạn thương tiếng chổi tre đêm khuya nữa”. Tôi không ngờ người hiền lành ấy gửi bài lại cho tôi, y rằng đập vào mắt tôi là nỗi nhớ thống thiết mái tranh lam chiều tuy quê cô ta ở thị trấn. Tôi không kịp nói lời xin lỗi rằng tôi chỉ đùa thôi thì người ấy đã gửi bài lên báo. Cứ thế, chúng ta mất một nhà văn tiềm năng.


**


Văn chương của hướng ngoại: giá trị phổ quát, thông thái linh hoạt, nỗi niềm hiểu được, đầy rẫy vấn đề thức tỉnh lương tâm, quan tâm đến con người trong thế giới. Văn chương của hướng nội: tu từ riêng biệt, ích kỷ, cá nhân, bí hiểm và luôn là một đớn đau cụ thể có căn cước hình hài, quan tâm đến thế giới trong con người. Đó là khác biệt thứ nhất, và rành rọt. Từ đây, chúng ta có những nhà văn của hướng nội và hướng ngoại. Chúng ta có những cây bút thuyết trình ở mọi nơi, và có những kẻ khước từ độc giả. Họ không hiểu nhau, khinh bỉ nhau, họ cùng đi tìm hai điều cao cả khác nhau của thế giới, chôn vùi ở những chân tường khác nhau. Tôi xin chúc cho họ đi đến tận đường, và tôi xin tiết lộ: cái chân tường nơi chôn điều họ tìm kiếm chính là bức tường phân ngăn, nằm ở giữa cả hai thế giới.


ĐỨC ANH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...