Chuyển đến nội dung chính

“Tinh anh phát tiết” hay Ẩn ức trong nghệ thuật



 

(ANTG Giữa tháng số tháng 9/2021)


Giữa nghệ thuật và những ẩn ức cá nhân có một mối quan hệ không hề dễ khái quát. Mối quan hệ ấy phức tạp hơn cả cách hiểu đơn thuần là cái này làm nên cái kia, hay ngược lại. Vì thế, so với con người bình thường xưa nay đã mang một nhân tâm đầy rẫy bí ẩn, thì thế giới của “con người nghệ thuật” còn kì bí hơn gấp nhiều lần.

Ẩn ức có quan trọng với nghệ thuật?

Tại sao một số nhà văn lại viết và nghĩ quá nhiều những chuyện không phải của họ, những hoạ sỹ lại vẽ điên cuồng, những diễn viên sa đoạ vì không thoát nổi vai diễn và có những người sẽ tự sát nếu không được chơi nhạc? Tại sao đại văn hào Áo Thomas Bernhard lại có thể nguyền rủa, mỉa mai trong suốt mấy trăm trang dài trong “Diệt Vong” như vậy, trở thành một kiệt tác của sự căm thù? Trong dân gian luôn lưu truyền cái nhìn rất ngộ nghĩnh về những nghệ sỹ: họ khác đời, họ lập dị và họ “hâm”. Nhưng cái hâm của họ chứa một chút gì đấy siêu nhiên và hấp dẫn. Thật ra, như bài viết “Tiêu hoá ẩn ức cách nào?” số trước đã nói: mọi con người đều chứa bên trong mình một căn buồng tối bí ẩn, đó chính là những ẩn ức bị kìm nén. Điều khác biệt chỉ là, ở các nhà văn hay nghệ sỹ là họ đưa căn buồng tối ấy ra, làm cho công chúng cảm thấy vừa gần gũi lại vừa kì quái. Và một số nghệ sỹ lớn, khi có những căn buồng tối mênh mông không thể kiểm soát, họ trở nên cực đoan và vĩ đại, hoặc sa đoạ và thảm hại một cách phi thường.

Trong số nhiều quan điểm nghệ thuật phổ biến, có hai dạng quan niệm về nhu cầu làm nghệ thuật sau đây: hoặc, nghệ thuật là một nhu cầu tự thân, hoặc nghệ thuật là một công cụ, để phóng chiếu bản ngã cá nhân, khai phá và giải toả ẩn ức tinh thần của người nghệ sỹ. Thực ra hai quan niệm này không đối nghịch nhau như bề ngoài. Bạn sẽ không hiếm gặp các nghệ sỹ nói: tôi không hiểu vì sao mình lại làm nghệ thuật. Thậm chí, anh ta tự nhiên cảm thấy phải viết, mặc dù không có nỗi đau gì cụ thể, mặc dù đã đủ cơm ăn áo mặc, tình cảm và bạn bè, thậm chí danh tiếng cũng có luôn. Vâng, Haruki Murakami từng trả lời New York Times trong một bài phỏng vấn năm 2020 y hệt như vậy. Họ viết vì có nhu cầu được viết, họ chơi nhạc vì cảm thấy việc đó là việc duy nhất thú vị. Tức là không có gì bí mật phía sau cả. 




Ở quan niệm thứ hai, chúng ta cũng sẽ thấy một điều hiển nhiên: rất nhiều nghệ sỹ trở thành nghệ sỹ vì họ có niềm riêng. Có lần tôi hơi bất ngờ khi tự thống kê các bạn bè làm  nghệ thuật đương đại của mình: gần như tất cả, không trừ một ai, có vấn đề về tuổi thơ và gia đình. Họ cần xây thế giới tinh thần của họ để trú ẩn, và đột nhiên, nếu họ có một tài năng thiên bẩm về sáng tạo, họ sẽ kết hợp cả hai thành nghệ thuật. Đồng thời, họ chia sẻ nghệ thuật ấy với công chúng, không phải để nổi tiếng, mà trước hết vì họ cần những sợi dây tinh thần. Nhu cầu được công nhận hay nổi tiếng sẽ đến sau.

Trước hết, mặc dù chúng ta có “Lý thuyết chấn thương” trong triết học - chẳng hạn như E. Levinas hay Hanna Arendt, nhưng thực ra cũng không có các nghiên cứu xã hội học nào xác thực nổi việc vì đâu một cá nhân lại đổ đốn ra làm nghệ thuật. Nhưng có thể chắc chắn rằng: ẩn ức không hẳn đóng vai trò tiên quyết và then chốt trong nghệ thuật, nhưng nó là một trong những thành tố không kém quan trọng thúc đẩy tài năng nghệ thuật được “phát tiết”. Nếu chẳng ai có nỗi đau riêng, rất dễ một nửa số nghệ sỹ yêu quý của chúng ta sẽ chơi điện tử thay vì sáng tác.

Ba tác động qua lại của ẩn ức và nghệ thuật

Mối quan hệ giữa ẩn ức và nghệ thuật vẫn còn rất phức tạp. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài báo nhỏ, chúng ta sẽ tạm thấy một số điều sau: thứ nhất, ẩn ức thúc đẩy nghệ thuật. Thứ hai, nghệ thuật giúp giải toả một số ẩn ức cá nhân, giúp con người nghệ sỹ tìm được cân bằng. Thứ ba, điều này đáng chú ý:  nghệ thuật giúp ẩn ức đó được khai phá thêm các tầng bí ẩn của nó. Cả ẩn ức và nghệ thuật đều là những hành trình, chúng không đứng yên một chỗ, mà di động và tương tác qua lại với nhau.

Ở điểm thứ nhất, câu chuyện về việc có ẩn ức, rồi biến dạng, trở thành một phi thường luôn là câu chuyện gây được tò mò. Hàn Mặc Tử có thể nói là kết tinh từ cô đơn tột cùng và những nỗi đau bệnh tật thể xác - suy cho cùng có cả vĩ đại lẫn tầm thường để đạt đến những kiệt tác. Hồ Xuân Hương như thế nào lại có những vần thơ ấy? Và Joker, một nhân vật hư cấu, trở thành niềm yêu thích của không ít bộ phận công chúng, với những độc tố tích tụ trong tinh thần - biến hắn thành một biểu tượng của ngông ngạo. Trịnh Công Sơn cũng không thoát khỏi cái nhìn “ẩn ức luận”.

Những câu chuyện ấy hấp dẫn công chúng vì đó cũng là phiên bản của câu chuyện tái sinh trong huyền thoại: vút lên từ tro tàn, con phượng hoàng bay lên. Chúng ta có thể thấy trong các chuyện trên, không chỉ ẩn ức thúc đẩy nghệ thuật, mà bản thân người nghệ sỹ bay xa hơn khỏi mục đích giải phóng ẩn ức ban đầu, để tiếp tục đi đến các tham vọng nghệ thuật cao hơn. Đồng thời, cao lên cũng là lúc sâu xuống. Nghệ thuật càng bay cao thì ẩn ức càng được đào sâu tiếp: Hồ Xuân Hương không chỉ có ẩn ức dục tính, ở tầng tiềm thức hơn, đó là khát vọng của phụ nữ trong xã hội.

Ẩn ức không chỉ có tác dụng trong nghệ thuật, mà còn ở nhiều nghề khác. Bản chất ẩn ức là một vùng bí ẩn và khó kiểm soát: nó được bung vỏ theo cách ngẫu nhiên, tình cờ phóng chiếu vào chỗ nào thì con người phải chịu ở chỗ ấy. Đối với nghệ thuật, ẩn ức không chỉ có tác động trực tiếp như trên mà thậm chí quan trọng hơn cả là các tác động gián tiếp. Ẩn ức phát triển cho người nghệ sỹ những cá tính xã hội riêng, làm cho họ trở nên quan tâm với vấn đề này thay vì vấn đề kia, và giúp họ mài sắc một cái nhìn cá biệt có thể áp dụng cho nghệ thuật. Và vẻ đẹp là ở chỗ đó: những ẩn ức dẫn những người nghệ sỹ đến các phong cách khác nhau, dù có chung một lĩnh vực.


Một câu chuyện khác thường là tranh luận trong nghệ thuật: thông điệp nghệ thuật quan trọng hơn hay bản thân biểu hiện nghệ thuật, cái nào quan trọng hơn? Thông điệp nghệ thuật thường đại diện cho mặt lý tính của tác giả, và ngược lại, các biểu hiện nghệ thuật lại được kết tinh từ tiềm thức sáng tạo. Người ta nói rằng nhà văn lớn ở chi tiết chứ không lớn ở cả câu chuyện. Và đây là điểm có thể thấy, các ẩn ức cá nhân riêng, thông qua tiềm thức sáng tạo, sẽ giúp một nghệ sỹ có thể kiến tạo ngôn ngữ riêng như thế nào.

Ẩn ức và nghệ thuật: bạn và thù

Ẩn ức và nghệ thuật gặp gỡ nhau và có với nhau những mối quan hệ bất ổn định. Một ẩn ức tiêu cực, tức là một mặc cảm, nếu được phóng chiếu đúng cách bằng một tài năng nghệ thuật, vẫn sẽ thành một tác phẩm lớn. Câu chuyện ganh đua của John Lennon và Paul McCartney trong ban nhạc The Beatles là ví dụ điển hình. Những công kích ngấm ngầm, thậm chí những sáng tác hướng về nhau, quyết ăn thua với nhau của họ đã tạo nên nhiều nhạc phẩm lớn, nổi tiếng nhất về mức độ “nói toạc” có lẽ là Jealous Guy (Kẻ ganh tị).

Ngược lại, nghệ thuật có thể làm cho ẩn ức trầm trọng hơn. Ta không lạ gì các diễn viên không thể thoát được vai diễn: vấn đề không nằm ở các vai diễn hay bản thân kịch bản, vấn đề ở chỗ, sẵn trong người diễn viên ấy có hình ảnh của nhân vật, và khi được sống với nhân vật, anh ta hoặc cô ta trong một giờ linh ngắn ngủi được làm chính mình. Và không tài nào quay lại sống đời bình thường được nữa. Chúng ta vẫn thường biết câu chuyện của diễn viên Hoàng Hồng Nhị trong “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, đã không thể tựu thành trong phần đời tiếp theo, chỉ vì vai ca sỹ lấy từ biểu tượng danh ca Khánh Ly ấy đã ám ảnh cô quá nhiều. 



Nghệ thuật là những gì kì vĩ và phi thường. Ẩn ức cũng vậy, nếu nó đủ kì vĩ và phi thường, tức khắc nó sẽ tìm đến nghệ thuật, và hai bên đưa ra một thương lượng lịch sử: bên nào thắng thì nghệ sỹ sẽ chịu kết quả tương ứng. Ẩn ức của những kẻ giết người hàng loạt quá lớn, dẫn đến họ sắp xếp các vụ án rùng rợn của mình thành các tác phẩm nghệ thuật theo quan điểm của riêng họ. Đó là trường hợp mà tham vọng nghệ thuật cũng như ẩn ức đã vượt xa ranh giới đạo đức trở nên khủng khiếp.

Không ít nhà văn viết truyện để công kích nhau hoặc giải phóng những ẩn ức tầm thường ở bên trong họ, khiến cho văn chương phải thoái nhường cho những phô diễn phi nghệ thuật. Và ẩn ức tiếp tục lên tiếng bào chữa: viết cảnh sex, nhưng gọi đó là giải thiêng. Viết để hạ bệ người khác, nhưng gọi đó là nhìn vào mặt tối xã hội.

Như vậy, việc thoát khỏi ẩn ức, hoặc có một mối quan hệ hoà nhã với nó, thậm chí lợi dụng nó để giúp đỡ cho nghệ thuật của mình, chính là một lý tưởng quan trọng của người nghệ sỹ. Chính nghệ thuật, chứ không phải gì khác, chính cái nhu cầu tự thân đối với nó, sẽ giúp con người hệ thống hoá các ẩn ức của mình. Và nghệ thuật không phải chỉ để giải phóng ẩn ức, mà là giúp con người nhìn thấy, từ một khoảng đủ xa, lòng đại dương tăm tối vĩnh cửu trong linh hồn của chính mình.



Đức Anh Kostroma

 


 



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...