Chuyển đến nội dung chính

TIÊU HOÁ ẨN ỨC CÁCH NÀO?

(Bài đã đăng ANTG cuối tháng 7/2021)
 
Sự khác biệt kinh điển giữa lý thuyết và thực tế luôn chỉ nằm ở một biến số: con người. Và đó là lý do vì sao, sau tất cả, mọi công cụ quản trị, mọi tư duy dù tốt đến đâu về một công việc cũng luôn luôn không “chọc” được vào cái chỗ bí hiểm nhất của sự sản xuất cũng như sinh tồn, đấy là sự khác biệt giữa từng cá thể. Vì thiên thời hay địa lợi đều có thể khái quát hoá được, còn con người thì không. 
 
Kết quả là, dẫu cho sách self-help tạm thời làm cho chúng ta tưởng rằng vẫn có công thức áp dụng cho việc thay đổi bản thân hay quản lý người khác nhằm tạo ra hiệu suất lao động, thì như bạn thấy đấy, cuối cùng chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ việc số đầu sách Self-help về đề tài đó cứ tăng lên mỗi năm. 

Chúng ta vẫn thường nói con người khác nhau ở những điều cơ bản tính cách hay sở thích, hay xu hướng...nhưng đứng đằng sau tất cả những điều ấy, ở một tâng cơ bản hơn, có một yếu tố chi phối và kích hoạt chúng. Yếu tố này tạo nên tính cách và suy nghĩ của chúng ta, tựa như một vận động địa chất ngầm tạo nên núi lửa, và động đất, những dòng hải lưu, những cơn bão và cả hình dạng của “đất mẹ”. Đó là những ẩn ức. 

“Ẩn ức” là một cái gì đó bị đè nén sâu trong tâm hồn, không thể hiển hiện, thậm chí chủ nhân của nó cũng không hiểu quá rõ về nó. Một cái gì đó tựa như một mặc cảm ngoan cố, đi bên ta từ lúc ta lớn lên đến khi vào viện dưỡng lão, thậm chí đồng hành một cách ráo riết trong những lời nói huyên thuyên khi ta bị lẫn lúc tuổi già... Đó là ẩn ức. Nhưng chính nó, chính cái ẩn ức nghe có vẻ xấu xa đó, lại là nguồn cơn của nhiều hành động then chốt trong đời người, mà rất nhiều khi tạo ra những kết quả xuất sắc vượt bậc.

Những ẩn ức biết rõ và những ẩn ức vô danh
 
Bạn tôi là một kẻ bại trận xuất sắc trong tình yêu. Và ai cũng rõ một người bị từ chối tình cảm quá nhiều lần, và thảm hại đến mức chưa từng được ai yêu trong đời, sẽ viết gì lên facebook hằng ngày. Bạn đang nghĩ đúng rồi đấy: chính những người đó thường xuyên lại hay thể hiện phong cách sống đa dạng của mình nhất. Chính những kẻ cô đơn đến tận tế bào ấy lại vô cùng hoà đồng, thích gắn thẻ bạn bè, bình luận mọi lúc, khoe ảnh sinh nhật, chó mèo hay buổi sáng ở công viên. Ảnh chân dung thì nhất định phải suy tư và lãng mạn. Và họ luôn nhấn mạnh về sự kết nối của tâm hồn. 



Khi nhìn vào những người này, các bạn bè của họ thường đã có sẵn một lý giải hợp lý: anh ta hoặc cô ta đang che giấu sự cô độc của mình, đối với người khác, và đối với chính anh ta. Điều này thường được gọi dân dã là “tim đen”. Như vậy, ẩn ức này không phải là không khó nhìn ra được.

Các lý thuyết của Carl Gustav Jung - nhà phân tâm học người Thuỵ Sỹ đã được khái quát thành một “bản đồ tâm hồn con người”. Theo đó, ẩn sâu dưới tầng của con người bên ngoài xã hội (persona), chúng ta có một “bóng âm” (shadow) là cụm những xu hướng hành động, những mong mỏi, và nói chung, là một con người mà chúng ta luôn luôn giấu che, luôn luôn từ chối thừa nhận, nhưng chúng ta có biết về nó, không hoàn toàn nhưng một phần.

Lý thuyết về dục năng (Libido) của Sigmund Freud, cũng nói về một bí ẩn tương tự: cái động lượng sống của chúng ta vốn được đem đến từ một cội nguồn sâu xa bị đè nén, và qua đó, giữa hàng triệu phút giây chúng ta sống hoàn toàn logic, hợp lý, thì vẫn có những khoảnh khắc lệch lạc lạ kỳ. 

Như vậy, mặc dù đang sử dụng một từ ngữ không có tính cách thuật ngữ khoa học như “ẩn ức”, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể đồng ý với nhau rằng: chúng ta không chỉ là chiếc mặt nạ tử tế bên ngoài xã hội, chúng ta vẫn có một con người khác phía bên trong, một con người ôm trọn những điều mà tế nhị chúng ta không biết hoặc không muốn thừa nhận.
 
Ẩn ức tạm thời có thể xếp thành hai loại. Loại thứ nhất là những ẩn ức chúng ta biết, nhìn thấy được nhưng không thừa nhận, hoặc chỉ thừa nhận một cách kín đáo, riêng tư, trong những khoảnh khắc mềm yếu. Loại thứ hai, khó hiểu hơn nhiều, là những ẩn ức vô danh, chúng ở nơi thâm sơn cùng cốc trong tinh thần, thuộc về khối khổng lồ những điều ta cần phải đào xới thêm về bản thân mình. Cả hai loại ẩn ức này đều được hình thành từ bản năng hay nỗi sợ hãi nguyên thuỷ, và quan trọng hơn, được đắp bồi trong quá trình sống, lúc trưởng thành và hình thành tính cách.

Các ẩn ức này dẫn chúng ta đến đâu?

Các ẩn ức góp phần tạo ra những bề mặt mà ta vẫn thấy: sở thích, suy nghĩ, tính cách và hành động. Đôi khi là xấu, đôi khi là tốt và đôi khi thì không thể phán xét được.
Ẩn ức dễ thấy nhất khi chúng tạo ra các sở thích. Những gã đàn ông sau khi đã ổn định về kinh tế, ngay lập tức sẽ trở lại với ước mơ bị cản trở ở tuổi thơ: mua những chiếc máy chơi game đắt tiền, đồ dùng công nghệ, hay quay lại họp lớp, cố gắng để những thầy cô giáo đánh giá thấp họ năm xưa phải ngạc nhiên vì thành công của họ. 

Khi thường xuyên không được đối xử tốt, ẩn ức của con người biến thành một loại mặc cảm và dần dần chúng có nhu cầu được giải phóng. Rất nhiều người đã trở nên xuất chúng, đã làm việc với một sự tận tuỵ đáng kinh ngạc, bởi họ sợ sự không hoàn hảo. Ẩn ức không đẩy chúng ta đến thế cân bằng trong cuộc sống, và điều đó, vô tình tạo ra sự thất bại hoặc thành công, thậm chí tạo ra các ẩn ức mới. Ngược lại, ẩn ức có thể tạo ra sự bất mãn vô cùng lớn trong tình thần, khi nó cứ bị đè nén mãi. “Kẻ bị tổn thương thì thích làm tổn thương người khác”, là bởi anh ta cần phải thấy mình độc ác, để xua đi một phức cảm nào đó anh ta không dám đối diện. Rất nhiều người vì những ẩn ức riêng tư, nhất là ẩn ức về tình dục, đã trở thành những kẻ vô cùng khó chịu: họ không tự yêu thương bản thân mình được nữa, chứ chưa nói đến yêu thương người khác.
 
Ngoài ra, một số loại ẩn ức vô danh thường tạo ra những suy nghĩ hoặc thói quen kỳ quặc. Một người bạn của tôi vốn rất nổi tiếng là một diễn giả, nhưng anh ta thích chui vào chăn và quây gối quanh mình khi đi ngủ. Sâu trong anh ta đang sợ hãi sự hiện diện của chính mình trên cuộc đời này, với thế giới xung quanh. Còn một số người thì không thể giải thích nổi: chẳng hạn một cô gái ưa sạch sẽ nhưng lại vô cùng thích cắn những vật bằng vải len mềm mềm.


Cư xử với ẩn ức
 
Trước hết, không phải mọi ẩn ức đều nhìn thấy và gần như không có công thức chung để trung hoà các ẩn ức, vì nếu có chúng ta đã không có hệ thống bác sỹ tâm lý và xã hội đã không có những gia đình đổ vỡ, những vụ xô xát khó hiểu, và không có những thiên tài xuất chúng.
 
Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng bản thân ta có những ẩn ức nhất định. Và đôi lúc, nguồn năng lượng xấu của chúng ta đến từ những ẩn ức không lường được. Có một cách nhỏ để đối phó đó là: luôn khách quan nhìn lại bản thân, lắng nghe ý kiến của những người khác, đừng bảo thủ theo kiểu “họ không từng trải qua thì chưa từng biết” và quan trọng hơn hết là mở rộng kiến văn. Nghệ thuật và văn chương là những con đường tốt nhất để tiễu trừ những ẩn ức xấu, bởi chính âm nhạc và nghệ thuật cũng được vận hành bởi những “nguồn nước ẩn” trong tinh thần người nghệ sỹ. Nhiều người trở thành công chúng của âm nhạc thay vì làm một người buồn chán. Nhiều người đã tìm được những cách cân bằng trong cuộc sống, thay vì cứ nhìn mãi hoặc hoàn toàn lờ đi cuộc đời thất bại của họ để trở thành kẻ suốt ngày đổ lỗi và phàn nàn.
 
Cuộc đời sẽ thú vị biết bao nếu chúng ta hiểu cơ chế của các ẩn ức, và nhìn chính mình cũng như mọi người theo cách đó. Và với một lòng bao dung nhất định, ta sẽ hiểu rằng ai cũng bị điều khiển bởi một cái tôi khác của họ. Mà họ cũng đâu có giấu chúng ta, khi mà các hành động cả ý thức lẫn vô thức của họ đều phần nào đã tiết lộ. 

Tôi cũng tin rằng, có những người chấp nhận để ẩn ức điều khiển mình, là vì họ đã nhận ra không còn cách nào khác. Đó là cách họ cư xử với ẩn ức của mình, một cách hoà bình nhất. Chẳng hạn như anh bạn cô độc, không có tình yêu trong câu chuyện ở trên. Sự cô đơn đã đẩy anh ta vào một lối sống khác? Không, tôi tin rằng anh ta đã chủ động lựa chọn cách cư xử ấy, với số phiếu cao nhất nếu như toàn bộ thành viên trong "bản đồ tâm hồn” của anh ta được quyền bỏ phiếu. Và cuối cùng, với nỗi cô đơn vĩ đại ấy, anh ta vẫn là người tích cực nhất, lãng mạn nhất, không làm hại đến ai, không làm cho ai vì anh ta mà phải nghĩ cuộc đời xấu đi và chắc chắn cũng là người hiếm hoi còn giữ được ánh nhìn trong trẻo nhất với tình yêu, trong khi ngoài kia biết bao nhiêu cuộc ly hôn đổ vỡ.


ĐỨC ANH KOSTROMA

Như thường lệ, phiên bản báo giấy:








Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...