Rồi máy hút bụi sẽ hút mọi kiếp nhân sinh, nhưng người đời nếu ai trót đến chốn Hàng Bông, vào một ngõ, chẳng may nhìn thấy một vết hằn vện lên trên mặt đường bóng của một trận mưa mù, thì đấy chính là cái dấu vết tuổi trẻ của tôi chì xuống. Hoặc cũng có thể là dấu vết của một ai khác tôi biết mặt. Và cái dấu vết dừng lại ở một quán rượu. Tôi đã uống rượu ở đó, rất lâu. Năm hai mươi ba tuổi, có một vĩ tuyến mười bảy chia linh hồn tôi làm đôi, trái tim tôi là lửa đỏ Mậu Thân còn trí não tôi trống rỗng như một mảnh đồi sau cuộc triệt thoái. Tôi từng ngồi đó, như nhiều người khác, nơi một khổ cửa sắt, đợi một kẻ vô hình không bao giờ đến.
Tôi chơi bời với những người lớn tuổi hơn, nuốt từng chén quá khứ của họ vào quá khứ của mình. Bắt được gì hay là tha lôi chúng về để xây một dĩ vãng đánh lừa. Tâm hồn bọn tôi là một sân ga những kẻ trốn vé. Vì có nhiều bạn bè nên có quá nhiều sân ga, chúng tôi xếp lại với nhau thành trảng đất rộng, khi dóng chén lên là có một chuyến tàu đi xuyên. Uống rượu lúc đó là để thủ tiêu một nỗi vị kỷ. Uống để làm chùng những dây nối với xã hội và làm căng lên một mảnh chỉ nối với chính mình ngày xưa. Uống chuội cả linh hồn xuống đế dép, để xếp sự ồn ào vào cùng một nhịp, và để chén sành và đĩa nhựa nói hộ một tiếng lòng từ lâu đã quay lưng với ngữ pháp thông thường. Uống để tuốt vỏ một lưỡi dao mịn trong trí não chán chường và yếu đuối. Và uống cũng chẳng để làm gì hết. Những kẻ không thật sự uống rượu thì không hiểu được mọi điều ấy. Chỉ có ở Tạm Thương, những ý chí ranh ma và thiển cận mới dễ dàng bị tạt đi như nước giặt khăn, còn tình yêu thì bỗng nhiên được hiểu đúng, rất rất đúng, tức là gần giống như Coca-cola: ngọt và lắm bọt.
Nhận xét
Đăng nhận xét