Khi một cô / cậu bé không lớn lên cùng đầy đủ cha mẹ, họ vẫn lớn lên bình thường nhưng sẽ có những trải nghiệm khác thường. Một, do phải tự chăm sóc thế giới tinh thần, họ thường sống cảm xúc hơn, mạnh mẽ hơn, hơi liều, ít sợ những biến cố, họ có thể bực mình vì cái nhỏ nhặt chứ không có năng khiếu suy sụp vì chuyện lớn. Hai, do không được học những bài học “thử và sai” cần thiết mà cha mẹ nào cũng dạy con, họ thường tự vấp ngã, ngã thường đau, hoặc thậm chí tiên đoán được cả vấp ngã, để dẫn đến thay đổi rất chóng mặt.
Và ba, điều này Nguyễn Thúc Thùy Tiên nói, đứa trẻ ấy kinh qua một tình thế là: phải cố gắng làm gì đó cho người khác để cảm thấy mình có giá trị và nhận được hồi đáp. Kể cả khi những người họ hàng nuôi đứa trẻ bằng tình yêu thương vô điều kiện, về mặt tự nhiên họ vẫn có trải nghiệm đó. Trải nghiệm ấy thường đưa họ đi rất xa, trở thành một người lo nghĩ, săn sóc và lắng nghe mọi người, kể cả người chưa thân lắm, nên dễ đạt thành công, nhưng thường đặt cược tình cảm vào mọi sự, trong một vài khoảnh khắc có thể phiền toái cho cả mình và người khác. Tất nhiên không cần hoàn cảnh thì nhiều người cũng bị vậy, song điều ấy xảy ra ở 100% đứa trẻ lớn lên xa cha mẹ.
Cho đến một ngày, một ngày nào đó, họ hiểu ra một cái lẽ quá cơ bản mà người đời hiểu từ lâu rồi: ta không cần phải có một công trạng để được vui và được mọi người hồi đáp. Niềm vui là tự thân. Niềm vui là chọn lựa còn những vọng động ngoài đời chỉ là bối cảnh tham khảo. Và đôi khi ta cần giúp mọi người ở chỗ: hãy mặc kệ tự nhiên. Tự nhiên thông minh hơn người đời, và tự nhiên biết cách sắp xếp, người đời cũng phải tự biết lo và tìm chân lý cho bản thân họ. Cái vỡ lẽ này ở Thùy Tiên vào đúng lúc thời điểm bạn thi hoa hậu: bạn bước vào top, bạn không thấy ngạc nhiên vì khoảng trống trong lòng quá lớn để đón nhận bất cứ điều gì, và bạn nghĩ rằng việc của mình là chiến thuật để chiến thắng.
Nhận xét
Đăng nhận xét