(Bài đã đăng An Ninh Thế Giới Giữa Tháng - số tháng 05/2022)
Một trong những thuật ngữ của ngành khoa học tâm lý vốn đầy tính chuyên ngành: “Áp lực đồng trang lứa” (Peer Pressure) bỗng nhiên thịnh hành thời gian gần đây, nhận được sự quan tâm của cả phụ huynh lẫn các bạn trẻ.
Loại áp lực quen thuộc có thể gây hậu quả lớn
Áp lực đồng trang lứa nghĩa là một dạng sức ép tâm lý, dẫn đến các biểu hiện tiêu cực. Sức ép này có nguồn gốc từ việc bị chính bản thân mình hoặc người khác - nhất là gia đình - so sánh với bạn bè cùng trang lứa. Sự so sánh ở đây là về ngoại hình, của cải, năng lực (học tập, làm việc) lẫn xuất thân hoặc thành tựu, với tần suất liên tục, và hầu như là để dè bỉu, hạ thấp đối tượng.
Áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, tuy nhiên biểu hiện nặng nhẹ sẽ khác nhau. Trẻ mầm non, mẫu giáo dễ có biểu hiện tiêu cực như giận dỗi, thậm chí là gây gổ với những đứa trẻ khác, được cha mẹ chúng yêu thương hơn, thường là anh chị em họ trong gia đình. Với những học sinh, đó là việc bị bố mẹ đặt quá nhiều kì vọng, cho bằng bạn bằng bè. Nhưng nguy hiểm hơn cả, các em lâm vào tình trạng mê say với những cuộc ganh đua điểm số. Và khi không thoả nguyện, tâm lý của các em bị kéo xuống rất sâu. Người lớn chúng ta cũng có những cuộc đua vô hình với bạn bè đồng trang lứa, nhất là về địa vị, gia sản, thành công trong xã hội.
Sự so sánh với người khác không phải là điều gì đó bất thường. Chúng vẫn diễn ra như một phần tất yếu của cuộc đời. Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn ganh tị với những anh chị em họ của mình, hoặc phải chịu sự “nghỉ chơi”, “cho ra rìa” nếu mình hơn hoặc kém họ, vì không có một món đồ chơi, hay khiếm khuyến điều gì đó. Khi lớn lên, chúng ta thường tự ti, ngại giao lưu nếu như mình chỉ có một cuộc sống đủ ăn, trong khi bạn bè ngày trước đã phát triển vượt bậc - thậm chí họ cũng không học giỏi bằng ta trước đây.
Triều Dương (sinh năm 2001), một tác giả văn học ở thế hệ Z, cho biết: “Em nghĩ áp lực đồng trang lứa thì thế hệ nào cũng có, nhưng thế hệ em thì nhiều hơn vì có mạng xã hội nên lúc nào cũng thấy nhiều tấm gương con nhà người ta… Các bạn trẻ khá dễ rơi vào hội chứng sợ bỏ lỡ, vì thế hệ Z là thế hệ ưa trải nghiệm, rất sợ sẽ thua kém bạn bè vì không được trải nghiệm một điều gì đó. Và cũng vì có mạng xã hội, ngày nay các bạn trẻ có thói quen thẳng và thật hơn với cảm xúc của mình, đặc biệt với những người bạn ấy tin tưởng, chứ không giấu giếm trong lòng như trước đây”. Hội chứng sợ bỏ lỡ là một trong những phản ứng tự vệ trước nguy cơ thua cuộc với bạn bè. Người mắc hội chứng này thường sẽ say mê không dứt ra nổi với những gì đang “nổi rần rần” trong đám đông, và điều đó tình cờ làm cho áp lực của họ ngày càng tăng lên.
Biểu hiện tiêu cực chỉ đến khi những áp lực này lặp đi lặp lại với tần suất lớn, và đặc biệt, chúng ta phải chịu nó từ nhiều phía, trong khi không có ai hiểu mình cũng như chịu quan tâm chia sẻ. Chẳng hạn, hầu như những người đàn ông có hành vi vũ phu đều là người không thành công trong cuộc sống. Họ không đau khổ vì nghèo, mà đau khổ vì thua cuộc. Còn những học sinh trung học - đặc biệt là trong môi trường thành tích cao như các trường chuyên - sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ, một sự tồi tệ cộng hưởng từ nhiều phía, dẫn đến việc họ nghĩ rằng mình kém cỏi, đáng đời… Ở gần những nỗi buồn tủi quá lâu, người ta dễ nghĩ rằng đáy vực là nơi dung dưỡng được họ. Đôi khi họ cảm thấy phản ứng tiêu cực là một xu hướng phù hợp, thậm chí dễ chịu. Và đây có thể là khởi nguồn của bi kịch.
Những người rèm pha và tạo áp lực lại thường xuyên không ý thức được rằng hành động, lời nói của họ dù nhỏ cũng làm tổn thương người khác. Đặc biệt, khi chính họ cũng từng chịu những áp lực ấy, để rồi cảm thấy việc đó là bình thường, ai không vượt qua thì là kém cỏi. Ngày nay, không ít ông bố bà mẹ than phiền rằng họ cũng muốn con cái của mình bớt đi những sức ép học tập, song họ không thể làm khác được: phần vì bận bịu với công việc, phần vì chính những con cái của họ đã thiết lập được mục tiêu và lối sống riêng, họ không thể nào can thiệp được. Đôi khi, sự động viên đến không kịp thời, không đúng lúc hoặc không tinh tế, lại thành ra trao thêm một kỳ vọng khác, vô tình làm gia tăng sức ép.
Cần giải quyết áp lực từ gốc
Thực tế, “Áp lực đồng trang lứa” có thể chỉ là phần ngọn của những vấn đề lớn hơn, thuộc về văn hoá xã hội. Chẳng hạn như tư tưởng trọng nam khinh nữ lạc hậu. Bị dán lên vầng trán nhiều nhãn hiệu khác nhau như “làm đàn ông”, “là đấng nam nhi”, những người làm chồng, làm cha phải gắng sức ganh đua với cuộc sống và thể hiện bản thân bằng thành công vật chất, hoặc hình ảnh bên ngoài. Khi đến tuổi trung niên, có thể họ tưởng rằng đã thoát khỏi áp lực ấy, bằng cách điều chỉnh tâm lý cho trầm tĩnh hơn, nhưng thực tế chỉ là sự nén lại về mặt biểu hiện.
Với thế hệ học sinh, các môn thi và sức ép học tập không ngẫu nhiên mà đến: đó là kết quả của cả một định hướng giáo dục mong muốn ra lò những con người hoàn mỹ, và đôi khi đánh giá con người qua điểm số. Cũng không loại trừ việc không ít bậc phụ huynh sợ con trẻ bị bỏ lại phía sau, bị “ngược dòng nước”, đằng nào thì cuộc đời cũng là cuộc đua dai dẳng, đua sớm đi thì tốt hơn!
Việc một cụm từ như peer pressure bỗng trở nên được chú ý cho thấy xã hội đã nhận thức quan trọng của việc nhìn nhận theo khoa học các biểu hiện tâm lý của áp lực đồng trang lứa. Th.S Lại Vũ Kiều Trang (Khoa Tâm Lí Học, ĐH Văn Hoá) cho biết: “Trước đây, khi bước vào ngành tâm lý học, tôi cũng không nghĩ rằng giờ đây ngành này lại được quan tâm đến như vậy. Các trường trung học giờ đây cũng có phòng tâm lý riêng để tư vấn cho học sinh. Điều đó có nghĩa là các cơ quan ban ngành cũng như toàn xã hội đang quan tâm đến sức khoẻ tâm lý của thế hệ trẻ một cách rất nghiêm túc”. Còn nhớ trong những năm vừa qua, rất nhiều những tranh luận đã xoay quanh mặt trái của việc họp lớp - cái sự kiện luôn luôn diễn ra nhiều cuộc so đo của bè bạn với nhau nhất. Trong năm 2022, cũng đã có một số đề án dự kiến sẽ đưa nhiều môn học bắt buộc trở thành tự chọn, với lý tưởng, mong muốn thế hệ học sinh mới có nhiều hướng đi đa dạng hơn, không phải tốn sức để gồng mình lên trong trường đua khắc nghiệt vô hình mà người lớn chưa chắc đã hiểu hết. Chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai gần, nơi mỗi cá nhân đều được tôn trọng bởi tính cách riêng của họ.
“Ai trong chúng ta cũng bị so sánh với người khác. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện với mọi độ tuổi. Chính các bậc phụ huynh cũng bị so sánh với phụ huynh khác, khi con họ kém hơn, và nghĩ rằng do mình kém cỏi nên con cái không thể vươn lên. Thế nhưng việc con cái giỏi giang không phải là thước đo giá trị của con người. Mỗi người sinh ra đều có một đặc điểm riêng, không thể đánh giá con cá qua khả năng leo cây.” - ThS Lại Vũ Kiều Trang cho biết. Rõ ràng, các bậc phụ huynh đã đến lúc tìm cách giảm tải áp lực cho con trẻ, mà đầu tiên là chính họ cũng phải thoát ra khỏi những dây trói của áp lực xã hội. Nhưng điều này không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Trong thực tế, việc những ông bố bà mẹ có thể tâm sự với con cái để nói về những khó khăn của chính mình, và nhờ vào chính sự tư vấn của con cái là điều rất ít khi có thể thực hiện được.
Mỗi con người - ở bất cứ hoàn cảnh nào - cần có một thế giới tinh thần đa dạng. Con người cần nhiều hơn một niềm ham mê và thường xuyên khám phá thế giới xung quanh. Chỉ khi có những mối quan tâm khác ngoài cuộc sống đua chen, chúng ta mới được sống hết mình và đúng với bản thân mình nhất. Không gì hiện lên trong mắt con trẻ đẹp hơn là một ông bố mê địa lý hay luyện để thành cao thủ bóng bàn. Vì một điều vô tình nào đó, các ông bố bà mẹ không thể hiện ra với con trẻ, và với nhau, những thú vui cuộc sống của mình - dù họ đương nhiên vẫn có. Họ có thể đã vô tình mất đi tính sinh động trong mắt nhau và trong mắt con trẻ. Và lời nói hay sự động viên của họ bỗng không còn đáng tin nữa. Điều đó chính là vấn đề của một tổ chức lối sống, hay gọi hoa mĩ hơn, nhưng chính xác hơn, là một “văn hoá gia đình”.
Cuối cùng, áp lực đồng trang lứa - khi tần suất không quá lớn - thì không hoàn toàn xấu. Chính áp lực là động lực để con người vươn lên, làm được những điều phi thường và đào luyện được tính nghiêm khắc, kỷ luật với bản thân. Vì vậy, việc nhìn nhận đúng đắn và thấu hiểu về loại áp lực này trở nên một lối nghĩ quan trọng, và có thể chỉ qua việc tìm hiểu một thuật ngữ tâm lý học nho nhỏ, ta sẽ mở ra những suy tư lớn hơn, cẩn trọng hơn về ý nghĩa cuộc sống của mình cũng như của những người thân yêu xung quanh.
Đức Anh Kostroma
Nhận xét
Đăng nhận xét