Các hiệu sách cũ phổ thông (tức không phải là hiệu sách cũ rất cá tính và rất giàu truyền thống) có đang biến mất không nhỉ? Lâu rồi tui không ghé một hiệu sách cũ nào cả, cũng không lang thang một mình lùng sách (lang thang một mình là một loại năng lực: hoặc do không quen ai, hoặc phải tích luỹ đủ kỷ niệm, nhiều đến mức vô biên, nhiều đến mức hiểu ngay được một người bạn mới gặp mặt, phải có thế giới tinh thần và phải bao quát được cả không gian sống. khó đấy). Không có hiệu sách thì lắm lúc một người nào đó sẽ không biết phải đi đâu.
Với vô số nick facebook bán sách cũ kết bạn hằng ngày, tôi như kiểu nhận ra các hiệu sách cũ không còn nhiều cơ hội. Chỉ còn một số thực sự mạnh, hoặc ở một địa phương nào.
Nhưng xem sách cũ trên facebook rất là mất cảm xúc: ví dụ vô phúc lướt tay xuống sẽ gặp ngay những quả tin tức như kiểu Quang Linh Vlog (không hiểu sao ngày nào cũng hiện ra), lướt tiếp lại thấy ai đấy bức xúc về giáo dục, về vân vân…
Toàn bộ sự nhạy cảm ít ỏi của tôi về sách, thực ra lại không được tích luỹ khi làm trong ngành, mà lại có từ thời tôi bán sách cũ vỉa hè - một thời ngắn ngủi mà đáng nhớ. Thời ấy tôi trẻ, ngồi dưới gốc cây bàng già. Tôi gặp 3 loại người: những người đang vào pha đầu của ảo tưởng, đi nhanh, nói năng linh hoạt và cười rất đẹp. Những người vừa hết sạch sẽ mọi ảo tưởng thì đi chậm, nói ít hơn, không câu nào nói được hết mệnh đề. Bonus loại thứ ba thì như bị sách nguyền rùa, luôn luôn trông rất bẩn và hiểu biết, luôn luôn bế tắc trong đời nhưng rạo rực đam mê với chữ. Tôi cũng quen một ít giới chơi sách ở Hà Nội, tuy tôi chẳng có sở thích ấy, cũng không có tiền. Chẳng may tôi có gì mà họ cần tìm là tôi tặng bằng hết, không bao giờ bán lại sách.
Một người chơi sách lâu năm và biết chém gió để pass lại sách, luôn luôn nói: quyển này rất quan trọng. Không phải quyển này rất hay, mà là rất quan trọng, đẳng cấp của câu này cao hơn câu “quyển này hiểm phết”
Khi tôi còn trẻ, như thời ấy, cuộc đời đẹp không phải là vì tôi yêu đời, mà là vì chẳng ai thù ghét tôi. Chẳng ai bao giờ lại thấy một người hai mươi tuổi có hại gì, hay có cửa nào tranh miếng ăn của họ cả, thậm chí làm cho họ có cảm giác họ vừa chín, chưa già.
Khoảng thời gian ấy làm cho tôi sau này ở bất cứ một thời điểm nào, chạm vào một quyển sách là có thể cảm nhận được rất nhiều thứ vô hình xung quanh. Thực ra cái cảm nhận đó không có gì là thần thánh, và thật ra cũng không hoàn toàn nằm ở quyển sách: chỉ là khoảnh khắc rất hiếm mà tôi tin tưởng tuyệt đối ở bản thân mình, sự tự tin lớn đến mức cảm nhận được đời sống và số phận của đồ vật trên tay.
Nhưng nếu thực sự hiệu sách cũ phổ thông biến mất thì đó là thiệt thòi cho đời ta. Hoặc là, có thể thế này mới đúng: bằng cách nào đó, nó đang lẩn trốn đi đâu, trốn khỏi ta, cũng như nhiều thứ khác vốn từng là của ta nữa
————————————-
—————————————
Bạch Đàn Truyện ngắn ĐỨC ANH Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Anh Quốc (Đã đăng Viết và Đọc chuyên đề mùa hạ 2021 ) 1. Vào đầu tháng ba năm ấy, tôi mất đi Xuân, người vợ của mình. Đó là vì một vụ hoả hoạn. Và mãi tận cuối tháng tám năm ấy, tôi mới cho phép nỗi đau của mình, cùng những gì giả vờ nhất và chân thực nhất của nó, lui gót. Tôi bắt đầu kết thúc trạng thái đối phó với những kẻ lăm le động viên, những kẻ lúc nào cũng mang ánh mắt thương cảm lạc quan đến và tạo cho tôi cảm giác tôi đang giả vờ tuyệt vọng. Khi tôi thức dậy thì đã tà chiều, tôi dỡ báo giấy bọc kính cửa, mặt tôi trong kính trông như được tạc trên một cái chuông. Ngoài kia có giông, cây cối nghiêng đi trong trận gió điếc. Và nhờ những tia nắng nhút nhát cuối cùng đậu lại, xuyên qua lớp băng dính đã hết chất keo, căn phòng ánh lên một màu cá kho bóng lưỡng. Khung cảnh ấy hút hồn tôi một lúc lâu, tôi kiếm chiếc ghế và đầu tôi chỉ còn hai ý nghĩ: hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi phải sống kh...
Nhận xét
Đăng nhận xét