TM Thực hiện
Theo Báo Nghệ An số ra 16-03-2023
Tác giả Đức Anh sinh năm 1993. Xuất hiện trên văn đàn từ năm 2018, ngoài một số truyện ngắn và tiểu luận trên các chuyên san Văn học trong nước, anh đã ra mắt nhiều tiểu thuyết thuộc thể loại li kì như: “Tường lửa” (2019), “Thiên thần mù sương” (2019), “Đảo bạo bệnh” (2020), và “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” (2023). Anh cũng được biết đến với vai trò diễn giả của chương trình “Đàn Bà 30+” trên sóng phát thanh VOV. Năm 2020, Đức Anh đã nhận được giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tác phẩm “Đảo bạo bệnh”.
Người ta thấy Đức Anh rất bền bỉ theo dòng văn học trinh thám, vậy từ đâu có sự chọn lựa này?
Chọn một vạch xuất phát để lên đường trong nghề văn, có người thì là ngẫu nhiên, có người thì vô ưu vô cầu và có người thì là sự khôn ngoan. Tôi nghĩ trong mình có cả ba điều ấy. Chọn một ngả khó đi, không dễ được công nhận, lại còn phải là tiểu thuyết đòi hỏi một sự ngông nhất định. Song, vì sự thiếu vắng của trinh thám Việt Nam, và nhìn chung là thiếu vắng những cuốn tiểu thuyết thật sự biết kể chuyện, khiến tôi nhắm vào chỗ này. Trong lựa chọn của tôi, đến giờ này có cái đúng và có cái sai. Nhưng tôi nghĩ tuổi trẻ đẹp vì điều đó.
Viết trinh thám có những thuận lợi hay khó khăn gì với một nhà văn trẻ như Đức Anh?
Tôi trộm nghĩ viết trinh thám, hay bất cứ thứ gì là văn học, đều là khó khi ta còn quá trẻ tuổi. Cái chập chững ban đầu mà không vững, sau này không sửa đổi được nữa. Tuổi trẻ thường hay lấy cái tôi cô đơn và nổi loạn của mình để nhìn mọi người, cái nhìn ấy ít nhiều thiếu sự thông cảm nồng ấm cộng một chút dí dỏm thản nhiên của một trái tim trưởng thành. Nếu sự nổi loạn đi đến đích, coi như bạn sẽ bước vững. Còn sự nổi loạn nửa vời, văn chương sẽ chỉ là những câu chữ ẩn ức. Thật may văn học trinh thám có những cái nghiêm ngắn nhất định về logic, đã giữ cho tôi một chút gì đó bình thản. Giờ tôi nhìn lại thấy thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Có lẽ khó khăn đang đợi tôi ở phía trước, tôi đang vững tâm để nghe lời đáp trả của nó.
Trinh thám không phải là một dòng văn dễ tiếp cận độc giả, vậy các đầu sách của Đức Anh làm gì để đến gần với độc giả? Và phản hồi của độc giả như thế nào?
Chúng tôi có hội độc giả riêng. Sau đó những người thích phong cách của tôi sẽ tiếp tục đi theo tôi. Mặt khác tôi luôn kiếm thêm các độc giả ở những mảng khác nữa. Truyện của tôi nhìn chung không quá dễ đọc, tôi có ý đồ tổ chức một sơ đồ nhân vật lớp lang và đi sâu vào đời riêng của từng nhân vật, điều đó đôi khi đòi hỏi một chút kiên nhẫn. Bây giờ có thể nói, tôi đã xác lập một đường riêng, thể loại tôi đang viết không còn hẳn là trinh thám nữa. Nó đơn giản là tiểu thuyết li kì, tôi thích pha vào trong đó các giả tưởng để thuận tay "nghiên cứu" bản chất của con người.
Với “Nhân sinh kép” đâu là điều khơi nguồn để Đức Anh viết tác phẩm này, và mất thời gian bao lâu để hoàn thành?
Một lần tôi quá bận rộn nên không thực hiện được chuyến đi chơi mà mình thích. Lúc đó tôi ước tôi có một thân xác nữa để đi chơi, một cái xác kia thì chuyên đi làm. Ý nghĩ ấy tiếp tục quàng vào trí não tôi khi tôi quan sát mọi người thường thích biến mình thành kẻ khác hay dùng các app thay đổi nhân dạng trên mạng xã hội. Tôi nghĩ gần 80 nghìn chữ là hơi mỏng, nhưng tôi gắng viết ngắn gọn đủ để độc giả cảm nhận được câu chuyện, mở ra cơ hội viết phần tiếp theo. Vả lại, thời buổi này người ta không thích và cũng không dư thừa tiền bạc để mua những cuốn quá dày. Khi tôi viết tôi vẫn lùng sục tìm xem trên thế giới đã có ý tưởng nào như vậy chưa. Tôi tìm được bộ truyện tranh Lookism của Hàn Quốc và phim Cuộc đời đôi của Veronica - một bộ phim hình như của Bỉ. Cả hai đều có một chút tương đồng, nhưng tôi vẫn thấy cách triển khai ý tưởng của mình khác hẳn. Chính sự tương đồng về ý tưởng gốc làm tôi quyết định đi sâu hơn vào chủ đề vốn các bộ sách và phim kia mới chỉ dừng lại ở một giả tưởng thoáng qua. Và tôi yên tâm viết.
Độc giả tìm thấy một Đức Anh của “Nhân sinh kép” khác với Đức Anh của các tiểu thuyết trước đó ra sao?
Có độc giả nói rằng tôi đã tiến xa hơn. Nhưng tôi thì thấy bóng dáng của cuốn tiểu thuyết đầu tay vẫn còn hằn lại. Chỉ có điều "Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời" không hẳn thuộc thể loại trinh thám. Vậy đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi thực sự là tiểu thuyết. Không nhãn mác. Tôi cũng thoải mái hơn để thi triển văn phong và lội sâu vào những vùng đời của nhân vật. Kinh nghiệm từ truyện trinh thám khiến tôi giữ được sự cân đối, không bị lê thê. Đây có thể là một bài luyện tập tốt để tôi tích luỹ kinh nghiệm viết lách.
Viết và xuất bản toàn tác phẩm đi theo dòng trinh thám, vậy theo Đức Anh dòng văn học trinh thám đang nằm ở đâu của dòng chảy văn chương hiện nay?
Tôi thấy chúng chẳng nằm ở đâu cả. Rất buồn là như vậy. Văn học giải trí của Việt Nam hiện tại hoàn toàn có thể trở nên sung túc, đủ đầy với các tiểu thể kinh dị, lịch sử, hay dòng truyện tuổi mới lớn. Bắt lấy những khoảnh khắc kì diệu và tiếp tục khám phá con người, đó có lẽ là con đường của tôi, văn học trinh thám là một công cụ tốt. Song song, tôi vẫn ước mơ viết một cuốn trinh thám thật sự ra trò, chừng nào tôi chín chắn hơn, chừng nào tôi tìm ra cái điểm giao cắt của nó với tinh thần độc giả Việt Nam.
Với sự đa dạng phương tiện giải trí hiện nay, văn chương cũng bị ảnh hưởng, vậy theo Đức Anh dòng văn học trinh thám phải làm gì để tạo dấu ấn thu hút công chúng tìm đọc?
Trước hết, một tác phẩm trinh thám lớn thì phải là một tác phẩm trinh thám hoàn thiện đã. Khi nó là một cuốn trinh thám hoàn thiện, với đủ các âm mưu, sự gọn ghẽ, tốc độ, bất ngờ và đầy thuyết phục, nó mới có quyền để nghĩ đến những thứ lớn hơn. Thứ lớn hơn ở đây là các đề tài. Ở Việt Nam, tôi nghĩ có nhiều tác giả tư duy từ đề tài trước rồi mượn trinh thám, tôi cũng bị thế thôi. Song, con đường duy nhất trinh thám Việt Nam đi được đó là "đúng trước, hay sau".
Còn nếu không quá nệ hai chữ trinh thám, các tác giả buộc phải lớn hơn chính mình để trở thành một nhà văn đích thực. Văn học Việt Nam hay nói những câu chuyện về làm sao để trở thành nhà văn lớn, nhưng vấn đề nên đặt ra hơn cả là làm sao để trở thành nhà văn đích thực.
Những dự định của Đức Anh trên con đường văn chương sắp tới là gì?
Thời mới viết ta thường hỏi: mình có nên làm nhà văn. Bây giờ sau một chặng đường nhỏ, câu hỏi ấy đã đến lúc quay trở lại, giọng trầm hơn, nghiêm túc hơn. Trở thành một nhà văn hay trở thành một tác giả? Nếu trở thành một tác giả, anh làm tất cả để thể hiện năng lực kể chuyện xuất sắc của mình, duy trì nhịp viết, độc giả và cố gắng tiến đến việc thấu hiểu con người qua tác phẩm. Nhưng một nhà văn thì khác. Ngần ấy thứ mới chỉ là vạch phấn thứ nhất kẻ trên đường chạy tương lai của anh. Hai chữ nhà văn ăn vào cuộc đời anh và khiến anh cúi xuống vì nó, ngẩng cao đầu cũng vì nó.
Khi vào tuổi "băm", người ta bắt đầu nghiệm lại những thứ mình làm, và rút ra bài học. Nhưng văn chương thì lại không phải là bài học: văn chương là sân khấu của những nghịch lý. Vậy, tôi phải sống trẻ hơn và cảnh giác với chính cái thói hay rút ra bài học của tôi hơn nữa. Đấy chính là dự định của tôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét