Trong cuốn sổ thực dụng của tôi về tiểu thuyết, một cuốn tiểu thuyết lớn, thường được hình dung như một toà nhà với cấu trúc bốn tầng. Ở tầng hầm B2, thấp nhất, là những gì khởi nguyên con người gửi vào những truyện kể. Tầng này chứa thể tính của chân lý, và những cánh cửa khải huyền lý giải hoặc kiến tạo thực tại. (Người ta thường nhầm với triết học hay tư tưởng - mặc dù cũng liên quan và cùng mục đích - nhưng văn chương thật ra đi một con đường khác). Đây là tầng vô hình nhất mà không nhiều nhà văn chạm đến.
Tầng hầm B1, là những gì ta thường gọi là chủ đề. Tầng này là những gì ta đã biết về thế giới, nhưng được tiểu thuyết gom lại và soi sáng, qua hệ thống ám dụ. Chẳng hạn, về tôn giáo, thiết chế xã hội, về tình yêu, thân phận của ABC trong XYZ. Tầng này thu hẹp cái mênh mông của vũ trụ vào một ngả đường gọn hơn. Tầng trệt là câu chuyện. Tại đây những chủ đề được kích hoạt và phát triển, nhưng không bằng tiểu luận, mà bằng sức sống của nhân vật. Và tầng lầu là văn bản, với văn phong, các chi tiết, cách nhìn chung là đến đây sân khấu mới sáng đèn để tiếp độc giả.
Ngoài bốn yếu tố nội tại trên, còn một yếu tố là ngoại lai: bản thân bối cảnh văn hoá của tác phẩm, hay nói cách khác, thân phận của nó. Cái này thì nằm ngoài năng lực của tác phẩm, nó là trò may rủi, hên xui, hay là vận hạn của cuốn sách: được in, bị đốt, tác giả nổi tiếng hay một giai đoạn nào đó bỗng nhiên được quan tâm do một sự kiện lịch sử.
Và các yếu tố thì không phải là không có nguyên tắc. Trước hết như sau:
- Bất kỳ một tác phẩm nào làm tổng hoà cả bốn tầng nội tại thì đều là tác phẩm lớn. Khi nó có thêm yếu tố ngoại lai, tức là trúng xổ số, thì trở thành kiệt tác. Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có đủ các tầng.
- Nhưng các tác phẩm lớn không nhất thiết có đủ bốn tầng. Nếu một yếu tố bị yếu, những yếu tố còn lại phải mạnh đến mức che mờ điểm yếu. Thậm chí có những tác phẩm chỉ được một tầng, nhưng yếu tố ngoại lai lại quá mạnh, dẫn đến nó vẫn là tác phẩm lớn. Các tác phẩm làm tốt một hoặc hai tầng, là những tác phẩm giỏi, nhưng không lớn.
- Các tầng / các yếu tố nằm trong một chỉnh thể, bản thân chúng không đối nghịch nhau. Và vì thế không phải cứ văn chương khó đọc thì mới là có tư tưởng lớn, mà đơn giản chỉ là không có tầng lầu. Chủ nhà đãi khách ngay hầm gửi xe. Yếu tố ngoại lai cũng không có gì đối nghịch: ồn ào hay lặng lẽ không liên quan gì đến kiệt tác hay sách dở. Trong lịch sử, người ta luôn gắng sức tác động đến các yếu tố ngoại lai: trở thành một thần tượng, đánh trúng vào những yếu huyệt và làm cho đời sống của tác phẩm trở nên ồn ào hơn.
- Hành trình của một nhà văn luôn là đi qua đủ bốn tầng, kết thúc ở tầng B2. Tuy nhiên, các xuất phát điểm là khác nhau: có người ở tầng lầu, có người từ tầng trệt, và có người ở sẵn tầng B2 nhưng phải vất vả trèo lên, để rồi quay về.
- Hành trình của người đọc cũng vậy. Chỉ có điều người đọc luôn có quyền tự do: ở lại luôn tầng lầu, hoặc đi lung tung khắp nơi tuỳ thích.
Nhận xét
Đăng nhận xét