Chuyển đến nội dung chính

Tường thuật buổi Toạ đàm - Giao lưu, ra mắt tác phẩm "Nhân Sinh Kép: Sống Hai Cuộc Đời"

 (Tạp chí Văn Hoá và Phát Triển) Ngày 25/3 tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt tác phẩm “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của nhà văn Đức Anh. Chương trình được tổ chức bởi Linh Lan Books. Tại đây, nhiều vấn đề của diện mạo văn chương thế hệ 9x đã được phân tích dưới những góc nhìn thú vị. 

Buổi ra mắt sách quy tụ nhiều nhà văn tiêu biểu của “thế hệ Y” như Nhật Phi, Hiền Trang, Đinh Phương, Phạm Giai Quỳnh, Thục Linh cùng với sự dự khán, trao đổi của các nhà chuyên môn như nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, nhà văn Đỗ Bích Thuý, nhà báo Phan Đăng, nhà văn Tống Phước Bảo, hoạ sĩ Hoàng Đậu Xanh, tác giả - BTV Nguyễn Bảo Ngọc…. Đặc biệt, sự kiện thu hút hàng trăm độc giả ở mọi thế hệ, cho thấy được sức hấp dẫn chưa hề phai nhạt của văn học Việt Nam đương đại. 



 

“Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2023) là tác phẩm giả tưởng li kì viết về thế giới của những người có hai thân xác nhưng chung một linh hồn, hay còn được gọi là “nhân sinh kép”. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ chết trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang của… chính mình.Cuốn tiểu thuyết đi sâu vào vấn đề con người cư xử với linh hồn và thể xác của mình ra sao nếu như họ có nhiều hơn một lựa chọn. Nhà văn Đỗ Bích Thuý nhận định  là “Một tác phẩm hấp dẫn và thông minh”. Nhà văn Kim Tam Long - một tác giả trinh thám có số lượng sách bán và tái bản hàng đầu hiện nay - cho biết anh thường xuyên tìm được cảm hứng từ chính những ý tưởng sáng tạo từ thế hệ trẻ và áp lực cạnh tranh với thế hệ viết văn mới là rất lớn. 

Độc giả nhiều thế hệ  tham dự và trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: Đạt Cường

Đại diện cho đơn vị xuất bản Linh Lan Books, BTV Nguyễn Bảo Ngọc chia sẻ: “Đây là một thời kì đặc biệt khi các độc giả rất quan tâm đến tính chất thuần Việt trong sáng tạo văn chương. Chỉ cần bối cảnh Việt Nam, ăn nói theo kiểu Việt Nam, là tác phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường rồi. Có lẽ đã đến lúc các nhà văn sẽ tư duy toàn cầu, và hành động bằng bản sắc bản địa, thay vì chỉ đơn thuần bắt chước thế giới. Cuốn tiểu thuyết Nhân Sinh Kép đang tiên phong cho tinh thần đó. Và Linh Lan Books luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận những sáng tác của văn học trẻ để góp phần vào thành công của một tương lai văn học”

Áp lực, kì vọng và tính thuần Việt trong sáng tác

Cũng tại buổi giao lưu, các nhà văn, nhà báo đã thảo luận về chủ đề diện mạo văn chương 9x. Là một thế hệ lớn lên với toàn cầu hoá, nhưng phải đối diện với những độc giả có tầm vóc, được “đào luyện” bởi văn học dịch và lại khát khao tính bản địa trong sáng tác, rõ ràng văn chương 9x chịu rất nhiều áp lực xen lẫn với kì vọng.

 

Về những áp lực Chia sẻ tại toạ đàm, nhà văn Đức Anh cho biết: “Tôi gọi đó là áp lực ba chiều. Thứ nhất, chúng tôi viết dưới cái bóng những nỗi sợ - giống như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói - bởi nền văn học có quá nhiều nhà văn lớn và nhà phê bình giỏi. Thứ hai, chúng tôi lại phải cạnh tranh với rất nhiều phương tiện giải trí khác. Và thứ ba, về cá nhân, không ai thực sự sống được bằng nghề văn, nên nếu không có sự động viên và khát khao tự thân, rất dễ nản”.

 

Nhà văn Hiền Trang diễn giải về tính Thuần Việt: “Khi viết, chúng ta thường không nghĩ đến danh tính của mình. Mình là người nước nào, đàn ông hay đàn bà. Nhưng gần đây, khi bắt đầu viết thơ, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác. Tôi nhận ra việc làm chủ tiếng Việt rất quan trọng. Tuy nhiên, ám ảnh bản địa có ở mọi quốc gia, rất khó để nói - chẳng hạn - ai Việt Nam hơn ai”. Nhà văn Nhật Phi đồng tình với quan điểm: “Chúng tôi lớn lên với tiểu thuyết nên ở thế hệ chúng tôi, tiểu thuyết rất nhiều, và bị chê là viết như Tây cũng rất nhiều. Rõ ràng, tính chất thuần Việt đang được đòi hỏi có lẽ vẫn là thuần Việt mang màu sắc hiện đại. Ở các ngành nghệ thuật, chúng ta đang nhặt lại trong truyền thống những gì đẹp đẽ và gần gũi để kiến tạo nên một hình dung mới về Việt Nam và có lẽ họ đang bắt đầu đòi hỏi điều đó cũng diễn ra trong văn học. Và đó là nhu cầu mà độc giả muốn được đáp ứng”.

Nhà văn Hiền Trang giao lưu tại toạ đàm

 

Nhà văn Tống phước Bảo: “Chỉ cần độc giả thương nhà văn, chúng tôi còn nỗ lực, không nản chí”

 

Nhà văn Đức Anh và nhà báo Phan Đăng chụp hình lưu niệm

 

“Viết đến cùng thì sẽ thuần Việt thôi, vì chúng ta vẫn là người Việt và đang kể câu chuyện của Việt Nam. Và các bạn đang làm được điều đó, đang từng ngày đóng góp cho ngôn ngữ, cấu trúc câu tiếng Việt, giống như Tự Lực Văn Đoàn trước kia” - Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh nhận xét về thế hệ văn chương mới - “Tôi cảm thấy tự hào và thú vị khi quan sát các bạn văn ở thế hệ 9x. Đây thực sự là thế hệ đang thay đổi diện mạo văn học Việt Nam, có đủ năng lực để sáng tạo những tác phẩm tiệm cận văn chương thế giới, mà không mất đi bản sắc của nền văn học”

 

Buổi giao lưu còn nhận được rất nhiều trao đổi của các độc giả về chi tiết trong tác phẩm của Đức Anh cũng như bày tỏ cảm xúc, kì vọng về việc một ngày kia văn học Việt Nam có thể sản sinh ra những nhà văn thị trường nhưng có tầm vóc lớn như Higashino Keigo của Nhật Bản. Nhà văn Tống Phước Bảo giao lưu và kết luận: “Việc độc giả vẫn còn rất quan tâm, và đến với buổi toạ đàm như ngày hôm nay là một tín hiệu khởi sắc của văn học Việt Nam. Nhà văn Việt Nam sẽ còn viết, còn chiến thắng những khó khăn và áp lực, với sự thương mến và ủng hộ mạnh mẽ của độc giả”  

Hình ảnh bổ sung






































Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...