Chuyển đến nội dung chính

Triết

 

Dạo gần đây khi mất ngủ giữa đêm, tôi đâm ra đọc lại triết học. Đọc mỗi thứ một chút, nhớ ra gì đọc đó, cả đông tây, cả trên web. Cuộc đọc lần này không phải vì tò mò như của thời hai mươi, hay để đua với chữ cho bằng phân ai, cũng không phải là xem bản chất của bất cứ điều gì, đơn giản là đọc vì thấy cần thiết một hướng tìm ra cách suy tư vui vẻ và hài hoà về ý nghĩa sống của mình. Đúng ra thì con người chẳng cần phải đọc gì để có được chân lý của chính họ. Cho nên cũng chẳng cao siêu gì đâu: những kẻ còn phải đọc là vì còn khổ sở. Đầy người sống rất lạc quan và đơn giản. Hegel (hoặc Lương Kim ĐỊnh bịa ra) dùng một từ là “sự đau khổ của Civilisation Parlante”: tức là - trông thế thôi - đây là thời bi kịch của nền văn minh nói. Nhiều sách vở, lắm lý lẽ, con người lúc nào cũng hoảng hốt.
Cuộc đọc êm dịu vì diễn ra với đêm. Khổ nhất là phải đọc triết học bằng tinh thần nghiên cứu - điều tôi đã cố làm trong suốt tuổi trẻ. Nhưng tất nhiên, lúc ấy cũng có một kiểu hạnh phúc bồng bột của riêng nó. Tôi nhớ hồi đó tôi đã mê Gaston Bachelard và Heidegger như thế nào, cơ bản vì cái thâm hậu và cao siêu thắp sáng cả một quãng đời nhìn quanh chỉ thấy những thứ tẻ nhạt. Bước ra đời bằng những bước sợ hãi và đau tim khiến tôi ngay lập tức trú ẩn vào hàng trăm quyển sách mỗi năm. Sở hữu một vật đẹp đẽ như “Phê phán lý tính thuần tuý” hơn ngàn trang trên giá sách không khác gì có con đê trấn thuỷ trong tiểu quốc tinh thần, dù tất nhiên là đọc không hiểu, hoặc cố tình hiểu sang một lẽ khác. Năm mười chín, tôi đã mập mờ hiểu những thứ mà sau này được đọc từ Roland Barthes. Tuổi trẻ lang thang của tôi đã tình cờ đi đúng đường từ Kant đến Bachelard. Thi thoảng cũng hụt đích, một kỷ niệm xưa là TS. Nguyễn Mạnh Tiến chỉ cho tôi một cuốn dưới gầm tủ nhà sách Đông Tây của Paul Ricoeur, trong lúc hai anh em đi lùng sách cũ. Rất lâu sau này tôi mới hiểu đấy là cuốn sách thực sự hay, nhưng tôi đã qua cái lúc có thể hiểu được nó rồi, sách tên “Chính mình như một người khác”.
Nhưng cũng không bỏ qua một vài quyển sách triết học Phương đông mang tính Introduction và may sao lại nhớ đúng được một vài ý đơn giản mà đến nay tôi vẫn cho là quan trọng, chẳng hạn như người Ấn cổ xưa xem một số nghi lễ Shaman là cách để tiếp cận chân lý (Nguyễn Ước, trong cuốn Đại cương triết học Phương đông, bìa xanh như mặt trước của lá cây nhãn). Thế nghĩa là đọc và tư duy logic, vẫn còn những con đường khác? Hoặc chúng là một phần của nhau. Cái câu introduction ngớ ngẩn đó đã ở lại với tôi đến hôm nay. Những bạn trẻ trót có chữ nghĩa kiểu gì cũng rơi tõm vào một trước tác nào đó. Nhưng dù có đọc nẫu Kant, cũng phải mất nhiều năm để dịch chuyển giữa ba câu hỏi lớn của Kant, đi từ “Tôi có thể biết gì?” đến “Tôi có thể hy vọng gì?” là một quãng đường thật xa. Đấy là quãng đường của trưởng thành và nếm trải, và sợ sệt. Dẫu lý trí có thông minh đến mức nào, rồi những bức bách của đời sống ngắn ngủi cũng sẽ thúc người ta lên đường tìm một chủ đích sống để không toán loạn tinh thần. Triết học sẽ thực tế hơn, thông minh không là tất cả. Những thứ sau đây ở lại với tôi một cách giản dị: Kant, Khổng Tử, Thế Thân, Bachelard, Heidegger. Đó là những thứ lắm lúc rất tầm thường, như những người bạn đã dằn dỗi, nhưng rồi vẫn phải yêu quý, đã chửi ta và ghét ta, làm ta hiểu lầm, nhưng rồi cũng phải nhận đấy là bạn.
Rất đặc biệt khi người Việt Nam đọc triết học, vì phải đọc cả hai nền Đông - Tây, đọc xong phải dung hoà, mà khó nhất là nhiều khi nó đã có sẵn trong mình rồi. Chúng ta phải di chuyển không ngừng, không được kết luận. Nhiều bài thơ dở là vì ham kết luận.
Cuộc đời tôi cứ gặp đi gặp lại những mẫu con người giống nhau, như những archetype không sao thay đổi được. Cứ tránh né xong lại gặp một archetype y hệt ở cấp độ cao hơn. Đặc biệt là những người phân cực, hoặc cực kì lý tính phương Tây, hoặc Trung Dung kiểu Á Đông đến mức khôn lanh ngạo nghễ. Và vì thế, suốt bao nhiêu tuổi đời, vẫn mơ những giấc mơ giống nhau không thay đổi, đặc biệt là giấc mơ bị đuổi đi. Giấc mơ xa nhà và dạt bến đã đóng vai trung tâm giữa bát quái của đời tôi, ấy là một căn nhà đẹp đẽ nhưng lửng lơ không rõ lối đến, mà tôi là kẻ ở nhờ. Nên văn chương tôi buộc thiên di đến tận nơi của một phân cực nào đó, trước khi mới hồi tỉnh để gọi trở về. Văn của Nguyễn Huy Thiệp nói rõ được những cảm thức này. Thương nhớ Đồng quê từ Thành thị và huyền thoại phố phường cất tiếng từ sơ tượng của nông thôn. Đấy là giấc mơ xa nhà mà Nguyễn Huy Thiệp đã nói hộ nhà văn Việt Nam, những người phải đứng trước các độc giả khó chiều hơn hết thảy, hoặc tuyệt đối cả tin, hoặc tuyệt đối nghi ngại, dễ bị loè bởi phương Tây và lầy bởi phương Đông.
Số phận của chúng ta đều đã được miêu tả chuẩn xác trên con đường của chàng Chương trong Con Gái Thuỷ Thần.
———
Câu chuyện của tôi không có gì đặc biệt. Không đặc biệt hơn người khác. Tôi nghĩ ai cũng vậy. Chẳng qua tôi đã viết ra thôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...