Chuyển đến nội dung chính

kiến văn

 Dường như có một số nhà văn trẻ hồi ấy, chính bây giờ họ lại nói lại những gì mình từng bị nói ngày còn thanh xuân. Người ta không những chạy trốn mà muốn huỷ thể luôn cả con người ngây dại của mình ngày xưa, giống như Nguyễn Tuân muốn bắn vào hình dung của mình trên bãi nước tiểu của chính ông, lúc giác ngộ cách mạng.

Và giống như nhiều nhà văn đều căm ghét tác phẩm đầu tay, cái ngây thơ và thiếu tiết chế của nó, cái lãng phí năng lượng và chất thơ của nó vào những điều thật nhỏ nhặt - mà ngày trẻ thì ta ngỡ là quan trọng.
Vốn sống: chúng ta có một từ cơ bản là giải quyết được tất tật mâu thuẫn, nhưng không thấy ai nói đến, đó là “kiến văn”. Kiến văn là sự hiểu biết, dựa trên nghe, nhìn, tu học… Kiến văn rộng rãi là điều kiện đầu tiên của trí thức. Và tất nhiên là điều kiện cơ bản của người viết văn rồi.
Đi trên mặt đất khó hơn đi trên than hồng: để tồn tại, ai cũng phải vật lộn như nhau. Trước hết ta có cái miệng để nuôi và trách nhiệm cho những cái miệng khác. Tiếp đến, để sống, ta phải chịu nhiều cái nhục riêng tư mà không thể nói cho ai, nhiều khi cũng cắn bớt nhân cách của ta đi một miếng. Ta có những người thân mà nếu họ mất đi - cuộc đời sẽ bỗng chốc không có nghĩa lý gì cả. Nhưng là loài tinh tinh thứ ba, ta cũng có những nơi cần phải đi, phải xem cho thoả cái mắt thịt. Và ta cũng có một triệu những vấn đề và mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống phải giải quyết hằng ngày. Đấy là còn nói khi ta đang thành bình, không chiến tranh hay nạn đói. Ta cũng có sai lầm và có những sai lầm không thể nào chữa được, làm cái dáng đi của ta giữa đời cong xuống như đèn đường đêm. Ai cũng có những từng trải hết sức bi hài và độc đáo: chắc chắn, nhưng có nhìn trúng được nó hay không là chuyện khác.
Kiến văn được tích luỹ bằng nhiều ngả, bằng tất cả đọc, chất sống và suy tư cũng như đoán già đoán non từ đời người khác, lẫn cái nhạy cảm thuộc về tài năng đoạ đày. Cuốn sách ta đọc chỉ là chậu nước trong chiếu cái mặt ta ở trong đó: cơ bản ta hời hợt thì cuốn sách cũng hời hợt thôi. Chẳng có cái gì dễ dàng mà làm ta sâu sắc được hết, trừ tự thân vận động. Đó là điều hết sức đơn giản, nhưng sao không nói được nó trong mọi bài phỏng vấn?
Tất nhiên cái tự tin của tuổi trẻ làm cho nhiều người tưởng rằng sự sâu sắc là mãi mãi. Thực ra một nhà văn, hay một người bất kì, có thể trở nên cực kì tầm thường, đó là một sự sa đoạ chớp nhoáng tựa như từ từ nhìn tiền túi lao vào dốc đỏ chứng khoán.
Trái tim của ta có thể biến mất bất cứ lúc nào, mà không hề hay biết. Lời nói của ta - trước hết càng ngày càng ít giá trị hơn đối với gia đình hay cấp dưới của ta - rồi có thể chính ta không còn tin nữa. Thậm chí một lúc nào đó ta cũng không đủ sức để nói trọn một câu, và nghĩ là cái vế bỏ đi kia chứa nhiều sự im lặng vàng võ. Trong mọi lời nói của các nhà văn thế hệ trước trong mấy tranh luận gần đây, tôi chỉ thấy giá trị ở cái suy nghĩ ấy. Văn chương phần lớn đều là con đường dẫn đến thất bại. Người sâu sắc, kiến văn rộng sẽ hiểu ngay thất bại ấy, nó đã đến rồi và đấy là trải nghiệm khó tìm kiếm nhất. Nhưng tất nhiên không ai nói ra được. Đó là cái nhục riêng tư, kín đáo và thực ra đẹp đẽ.
Sống đến một tuổi người ta hiểu được cay đắng. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Nên người ta sẽ bảo những kẻ ít tuổi hơn: hãy sống đi. (ở phiên bản dài hơn, "tuổi trẻ ngày nay có ngoại ngữ và công nghệ", biết ngoại ngữ và có công nghệ thì cũng vui thật. Có điều tôi chưa bao giờ tin nó làm được gì cho văn chương, dù công nhận là phần mềm Pages trên Mac giúp viết văn tập trung hơn, thử đi)
Song tôi nghĩ không phải chỉ có mỗi cái chuyện đó. Đắng cay hoài làm sao được. Đừng có viết mãi về cuộc đời một viên chức bất mãn, hay ẩn ức tình dục, rồi nhờ người bạn làm phê bình làm cho một quả phê bình hiện sinh.
Đây là một thế giới có nhiều thang đo đạo đức đang được áp dụng. Ngay một vấn đề ấy thôi ta có thể viết được truyện.
Một hôm tôi về quê, bỗng nhiên nhận ra quê mình, ở cái bãi trước đây hay tổ chức đá bóng bởi mấy anh Đoàn - Đội gầy đét và ngây thơ, nó đã mọc lên một gì nhỉ, một TocoToco. Tôi ngạc nhiên hết sức khi các bạn phục vụ nói giọng Hà Nội - thay vì Thái Bình. Lúc đó tôi đã nhìn thấy khoảnh khắc của một cuốn tiểu thuyết mà tôi từng nghĩ là chưa đủ hay. Nhưng nó đã nhìn ra một số thứ, nó đã đi trước tôi rất lâu. Tôi nghĩ rằng tôi đã bừng tỉnh: một số nhân vật của phố huyện - dẫu trước đây là tốt hay xấu - đang chìm dần vào bóng tối, mà tôi phải lôi họ ra, trước khi mất hết toàn bộ bản sắc quê hương.
Cuốn tiểu thuyết không phải là câu chuyện của sự đọc tuyến tính. Mà nó là chuyện của tái sinh: nó sẽ trở lại vào những khoảnh khắc của cuộc đời. Đó là cách ta hút dưỡng chất của trí tuệ
Trong khoảnh khắc nào đó, vốn sống của ta được tăng lên, bởi sự hợp sức của đọc và sống

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...