Chuyển đến nội dung chính

Một người bạn viết bài trên báo Đà Nẵng

 



Những ngày đầu năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam công bố giải Tác giả trẻ năm 2023 được trao cho Đức Anh với tiểu thuyết 'Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời'. Có thể nói giải thưởng này sau 3 năm trao, đã gây tiếng vang mạnh mẽ bởi từ đấy các cây bút trẻ tỏa sáng và thêm nhiều niềm tin trên hành trình văn chương của mình. Khác với 2 lần trước, giải Tác giả trẻ thường được trao cho 2 hoặc 3 cá nhân, nhưng lần này chỉ duy nhất một mình Đức Anh được trao. Điều này nói lên sự khắt khe và quyết liệt vì chất lượng của giải thưởng sẽ là tiêu chí khẳng định giá trị của cây bút trẻ được trao.


Tác giả Đức Anh thuộc thế hệ viết 9X, sinh ra và lớn lên ở Nga thế nhưng khi quay về Việt Nam sinh sống và làm việc, chàng trai trẻ này lại bén duyên cùng văn chương. Xuất hiện trên văn đàn từ năm 2018, Đức Anh ngay lập tức được chú ý bởi các truyện ngắn với lối viết hiện đại và các tiểu luận văn học thể hiện tư duy mới mẻ. Cứ vậy, văn chương dẫn đường cho cây bút trẻ này đi một hành trình dài và có được những ấn phẩm liên tiếp như: “Tường lửa” (NXB Hội Nhà văn, 2019), “Thiên thần mù sương” (NXB Văn học, 2021), “Đảo bạo bệnh” (NXB Công an Nhân dân, 2021).

Với tiểu thuyết “Đảo bạo bệnh”, Đức Anh đã nhận được giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” lần 4 (2017-2020) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.

Năm 2023, Đức Anh tiếp tục gây bất ngờ và hứng thú cho làng văn với cuốn tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” (NXB Phụ nữ Việt Nam). Tiểu thuyết thể hiện lối viết tinh tế bởi sự đan cài chi tiết và tư duy hiện đại, văn phong gãy gọn cùng một cốt truyện gây bất ngờ. Tiểu thuyết này là sự kết hợp giữa giả tưởng và trinh thám, viết về thế giới của những người có hai thân xác nhưng chung một linh hồn, hay còn được gọi là “nhân sinh kép”.

Nhân vật Kiên ở Đà Nẵng, một thần đồng từ bé. Nhân vật Vũ ở Hưng Yên như một bản thể khác của Kiên, điều gì cũng kém cỏi hơn chính thể ngoại trừ giọng hát và sức khỏe cơ bắp. Câu chuyện mở ra như một dòng nhật ký ghi lại ngày mà chính thể - tôi, đến dự đám tang của bản thể mình, tức là Kiên đến dự đám tang của Vũ, cũng là chính mình ở một thể xác khác. Tôi đọc và mường tượng một vỉa tầng nghĩa của thời đại mạng xã hội được tác giả vận dụng thật tinh tế vào tiểu thuyết.

Chúng ta, những con người đang sống và hiện hữu bằng hình hài thực tại, ấy vậy mà trên trang mạng xã hội, chúng ta lại tồn tại bằng một hình hài ảo nhưng vẫn rất thực. Ảo - và thực đan xen với những hoạt động hằng ngày như đăng status, đi thả tim, đi chia sẻ và tương tác qua lại. Những con người trên mạng xã hội ảo là một bản thể và chúng ta dùng bản thể đó lại chính là người thực. Hệt như Kiên và Vũ, một linh hồn hai thể xác, cùng tồn tại ở không gian sống này, nhưng chiều kích khác nhau.

Cuốn hút độc giả bằng hành trình đi tìm chân tướng cái chết của Vũ, nhân vật Kiên bắt đầu lần giở những manh mối và mò mẫm chúng trong mớ bòng bong sự việc diễn ra, ngỡ là chẳng liên quan đến mình, nhưng kỳ thực lại luôn có sự dính dáng vào đó. Trên hành trình đó, Kiên được tác giả đi sâu khai thác nội tâm như một thủ pháp viết mà nhiều tiểu thuyết gia hiện đại trên thế giới hay dùng. Phân tâm học và Tội phạm học được tác giả khai thác triệt để ẩn vào từng chương, để độc giả cứ vậy mà kết chương này lại tò mò đến chương khác. Mỗi một nhân vật trong tuyến dàn bao làm nên một câu chuyện có độ dày và sự vạm vỡ của tiểu thuyết này luôn khiến độc giả chú ý và ghi nhớ vì biết đâu đó, ở một chương khác sự “lật miếng đánh” sẽ khiến nhân vật từ mờ nhạt chuyển thành đậm đà. Sự điều tiết cảm xúc của tiểu thuyết này chứng tỏ Đức Anh có một nội lực viết “thâm hậu”.

Chính bản thân tôi khi đọc cũng bị cuốn xoáy vào, có lúc ngỡ ngàng, có lúc thán phục, thậm chí có lúc hồi hộp và xếp trang sách lại để đoán. Đoán rồi lại mở ra để xem Đức Anh sẽ xử lý tình huống ra sao và lại mỉm cười với độ tinh quái lẫn cao tay của chàng trai trẻ 9X này.

Tôi nhớ mình gặp Đức Anh đâu đó cách đây 3 năm, trong một cuộc giao lưu giữa những cây bút trẻ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại một quán ăn vào buổi trưa. Lần đầu gặp nhưng lại thoải mái trao đổi và ngồi bên nhau cà kê đến độ Đức Anh cao hứng phiêu giọng hát qua những bài trữ tình Nam Bộ. Rồi cứ vậy mỗi lần tôi ra Hà Nội lại giành thời gian lê la cùng Đức Anh như một người bạn viết thân gần. Có khi ngồi ngêu ngao tận khuya ở tiệm Tiến Bộ. Lắm lúc giữa phố Cổ ngồi cùng ly bia hơi ngó chiều tan vào phố những âm trầm của mùa đông xứ Bắc.

Nhiều lắm những câu chuyện để tôi hiểu Đức Anh là một người trẻ đầy đam mê và dấn thân quyết liệt cho văn chương. Thứ văn chương của Đức Anh là hơi thở hiện đại trong quỹ đạo không gian đa chiều và thời gian dịch chuyển bất định. Một phong cách viết tiệm cận văn chương thế giới, đầy mới mẻ và như một dòng chảy lạ trong muôn vàn dòng chảy của văn chương Việt.

Những nhân vật trong tiểu thuyết này quy chiếu vào cuộc sống thực tại sẽ mang lại nhiều suy ngẫm cho độc giả. Như Tét, cô gái đã hướng dẫn hành trình của Kiên; như Ngọc, một giáo viên dạy văn tưởng chỉ là tuyến phụ nhưng lại âm thầm ẩn thân vào đầy đủ các sự kiện để dần dần trở thành một mắc xích quan trọng; như Cảnh, hung thủ gây ra cái chết cho Vũ, người đàn ông khao khát một bản thể tươi sáng hơn thực tại tăm tối. Trong một không gian đầy rẫy những chính thể và bản thể đan xen chằng chịt ấy, vẫn luôn có một khát khao sống đẹp với thân phận.

Với tiểu thuyết này, tôi tin độc giả gấp trang sách cuối lại sẽ tự hỏi lòng, mình muốn là ai trong bao la cuộc đời này?

TỐNG PHƯỚC BẢO


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...