Có lần ngồi uống rượu với nhà văn Nguyễn Việt Hà, chú có nói về quan điểm “bốn cái không”. Trong đó có: không đấu với mệnh, không cãi với lý. Hai cái khác thì không hiểu sao mình không nhớ, chỉ nhớ được hai cái này. Không đấu với mệnh và không cãi với lý.
Ở vế thứ nhất, có những người sinh ra đã có lợi điểm (hoặc bất lợi) hơn người khác, nhưng vì quá nghiễm nhiên nên họ không nhận ra. Anh A có tính cách rất sợ mình vô dụng, sợ nếu không đóng góp gì thì tự thấy phiền toái và không mang lại ích gì cho người khác. Anh B, ngược lại, cha sinh mẹ đẻ đã biết cái lẽ đủng đỉnh thuận tự nhiên, có thì hốc hết và không thì thôi, ít dây ít phiền. Ở một góc độ, anh B tự nhiên đã lợi hơn anh A. Rồi cả hai đều sẽ làm đúng và làm sai. Một cách thuận lý, Anh A có thể gây thiệt hại vì nhiệt tình, còn anh B có thể chết vì thiếu trách nhiệm. Nhưng đấy là mệnh của họ, không ai dạy bảo hay tiêm vào đầu thứ đó, mà mã gene họ đã chứa sẵn. Sửa rất nhiều lần mà không được.
Không đấu với mệnh: nghĩa là từ chối được những gì không phải là mình. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, họ phải sửa đổi đủ nhiều, đủ sâu để nhận ra cái gì là không thể sửa được, chỉ còn cách chung sống và tìm hướng cư xử. Cái khâu biết mình này cực kỳ khó và mông lung.
Hồi trước, mình hay bị peer pressure: bạn bè hay người thân có cái gì là mình cũng phải nếm một tí. Bạn đọc Sienzkewic thì tôi cũng phải đọc được. Bạn có đầu óc tính toán, kinh tế thì tôi cũng phải ăn được 6,7 phần. Bạn có máu làm thầy, thét ra lửa thì tôi cũng tập làm người nghiêm khắc thử coi. Nhưng càng về sau, mình càng hiểu có những cái là giới hạn, ta phải chấp nhận và thậm chí, từ chối nó một cách quyết liệt. Chẳng ai được làm chính mình cả, nhưng ta có thể không làm những hình ảnh không là chính mình.
Không cãi với lý: dù học nẫu các khoá tranh biện, nhiều khi (không phải tất cả mọi khi) bạn phải chấp nhận rằng có bực mình thì người ta vẫn làm theo lý và theo cảm xúc của họ. Mỗi người một đạo đức. Lại trích Nguyễn Việt Hà: "Vả lại nghề đó cũng có cái đạo đức riêng của nó".
Nhận xét
Đăng nhận xét