Tường Lửa (tiểu thuyết) - Chương 1






Chương 1  Ảo ảnh trong quán bar


"Thảo, mày đang có trong tay một thứ đáng mơ ước với nhiều người. Đó là khả năng quên. Đó là quyền được quên"


Ba mươi mốt ngày trước sự thật.


Tuấn vỗ vào tay trái của tôi và giơ một ngón tay ra hiệu hãy đợi chút. Như thể cậu ta đang chuẩn bị gì đó cho tôi. Nhưng chắc là không đâu, rất nhiều khách đang đợi. Đấy chỉ là động tác nhà nghề của một người phục vụ. 

Tôi hừ lên một tiếng, nghe âm thanh tan xuống cổ họng như viên đường hàng nhái bỏ vào trà nóng. Tôi hừ lên tiếng thứ hai và cứ thế lặp đi lặp lại như một người nấc, như thể tiếng hừ rất có nghĩa và sẽ sắp lại được thành một câu hoàn chỉnh. Làm như vậy tôi bình tâm và dễ chịu hơn. 

Tôi mở ví của mình ra, ngắm đi ngắm lại ảnh tôi trong thẻ căn cước. Và từ đó, tôi có thể giới thiệu rằng tôi tên là Lê Anh Thảo. 

Cái tên rất con gái, có thể là do bố mẹ tôi đã kỳ vọng sinh ra được một con vịt cái để dễ bề tống cổ đi khi đủ tuổi kết hôn. Nhưng bố mẹ tôi tống cổ tôi đi sớm hơn như thế nhiều. Và...? "Và mày sống với chú và dì" – Ảo ảnh của tôi, giờ ngôi bên phải trong chiếc ghế tím, gợi ý. Nhiều lúc tôi cũng không nhớ, và cái tôi kia nhớ nhiều hơn tôi. Nhưng tôi không chắc rằng nó có bịa chuyện hay không. 

Tôi đã sống với chú và dì của tôi đến năm 27 tuổi. Toàn bộ phần kí ức đó cũng tan như đường nốt. Bây giờ tôi sống với thằng cha ngồi bên ghế tím. Đó là gương mặt hiền từ nhất trong các phiên bản của nó:khi tôi nhìn thấy nó, nghĩa là tôi còn đang rất tỉnh táo, nghĩa là cái phần thông minh còn lại của tôi đang ở chế độ kích hoạt. Nhưng rồi nó sẽ hành hạ tôi bằng giọng trầm. Bằng giọng cao. Bằng giọng lớn. Bằng giọng nhỏ. Trong đầu tôi có một tay chơi trống Jazz, một gã thợ rèn, một tên kéo đồ thuê lúc nào cũng kỳ kèo tiền boa và một kẻ thông minh hơn tôi nữa, một kẻ hay chỉ định, hay cười nhạo, phán xét tôi. Nhưng tôi có quyền "hừ" lên và cứ như thế, tôi đoán được đâu là giọng nói thật của mình. Nếu cổ họng tôi ngứa, nghĩa là tôi đang nói. Tiếng nói trong đầu không bắt chước được những âm thanh không tạo nghĩa. 

Từ phía tối cạnh bên kia của quầy bar, tôi nhận ra Huy, gã ngăm đen gầy hơn cả nhân vật chính trong phim Thinner. Thằng cha đó rất buồn cười, không hiểu tôi lại nhớ gã hay bi quan về tình yêu và sự nghiệp của gã nhưng lại quá lạc quan về cái trí tuệ hạng trung bình của mình, hay uống rượu nặng và cần được động viên bởi mấy câu chuyện trích ra từ trang Sống Đẹp Mỗi Ngày. 

"Ta nói đến đâu rồi nhỉ? Sau đấy anh bảo với con mụ già rằng là nếu một chuyện gì đó xảy ra thì người liên can trực tiếp mới là người có quyền" – Thằng cha Huy gãi gãi đầu trông khá ngộ - "Đại ý là mụ bỏ ngay kiểu khóc thuê đấy đi". 

"Có nói câu thứ hai không?" – Tuấn lắc lắc cốc rượu một cách chậm rãi, trong khi chào những người khách mới đến. 

"Ý là cái câu.." – Tuấn tiếp lời, bây giờ mới nhìn vào mặt Huy – "Khóc thuê ấy". 

Không. Huy lắc đầu. Gã bặm môi lại và hít một hơi vào lồng ngực. 

"Lỗi của anh bao giờ cũng là dài dòng." – Tuấn nhăn mặt – "Anh chỉ nên vào đề bằng một câu thôi. Câu thứ hai nói toàn bộ luận điểm của anh luôn, ít từ nhất có thể." 

"Khó đấy. Mụ ấy là mẹ vợ anh". 

"Kiểu như..." – Tuấn xoay cổ tay như trong một điệu múa vỡ lòng – "Hôm nay đi sinh hoạt Câu lạc bộ vui không mẹ? À mà nhân tiện đừng xía vào chuyện của con nữa". 

"Mụ ấy không xía. Mà là làm phiền anh" 

"Ừ thì làm phiền. Mẹ ơi, con không phản bội con gái mẹ. Đừng bám theo con như một con đỉa già nữa". 

Thằng cha Huy có vẻ không thích đùa. Nhưng tôi nghĩ gã cân nhắc chuyện có dùng câu của Tuấn hay không. 

Trở lại vể uể oải, Huy rót một ly và phình miệng lên. Đó là nuốt rượu, không phải là uống. Huy nhận ra tôi và mắt anh ta sáng lên. Anh ta vời tôi sang bên đó. Tôi chỉ nhớ là gã rất quý mình, nên đem cốc nước lọc theo. Gã nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh thương hại. Tôi nhớ gã vì đôi mắt này, nó giống đôi mắt bạn khi được nghe thần tượng của mình hát một ca khúc thuở ấu thơ. 

"Vẫn kiêng rượu hả cậu?" – Huy vỗ vai tôi và nhìn lướt xuống ngực, rồi lướt lên – "Trông khỏe ra so với hồi trước. Ê có làm theo bài tập mà anh chỉ hôm nọ không? Nhiều thằng không tin vào dưỡng sinh đâu cho đến khi..." 

Tuấn gõ ngón trỏ vào cốc của Huy, kéo anh ta lại chủ đề cũ: "Thế mụ mẹ vợ anh còn dậy lúc 4h45 và khua loạng choạng vào xoong nồi và chửi bà Lan gì đó ở chợ đầu mối không?" 

"Anh kể chuyện đó rồi à?" – Huy lại gãi đầu, như kiểu chấy rận đã hút hết kí ức của anh ta, qua đường máu da đầu – "Chưa nhỉ?" – rồi liếc sang tôi – "Cậu biết không? Anh thích mấy cái câu lạc bộ của mấy mụ già ngồi lê đôi mách. Một người già có ích sẽ biết cách chuyển năng lượng căm thù đời của mình sang bên đó. Người ta bảo người già về cuối đời hay chiêm nghiệm, không phải đâu, họ dùng kinh nghiệm để chửi đổng nhau". 

"Em bây giờ cũng lú lẫn như mấy mụ già rồi." – Tôi nhún vai với Huy. 

"Nhớ tất cả mọi thứ, hoặc quên sạch. Thì anh sẽ chọn cái thứ hai" – Huy nâng ly với tôi rồi hướng ly về phía Tuấn. 

"Uống vì cái gì?" – Tuấn hỏi, nhưng cậu bạn tôi đã đưa lon bia lên miệng và uống được phân nửa. 

"Vì cậu em lúc nào cũng nhớ chuyện của anh". 

Tuấn cười trong một cái khịt mũi: "Nếu anh được ông giời chọn để đứng đây 12 tiếng một ngày, anh sẽ chẳng nhớ cái gì sất ngoài mặt của khách hàng. Vấn đề là khách hàng kể đi kể lại một câu chuyện trong suốt một năm, kể rất rời rạc. Tai người lại hoạt động theo quy tắc nghe rời rạc, nghe câu thứ nhất, nhảy sang câu thứ năm và thứ mười." 

"Cũng vì con mụ đó ngày nào cũng hành hạ anh. Mới đây mụ còn lục xem tin nhắn, mụ tưởng tượng ra một con Hoa nào đấy thời đại học vẫn còn đang dây với anh". 

"Vụ đó đầu năm anh kể rồi ạ." – Tuấn bình thản. 

"Hôm nào cũng thế đó em ạ. Cái con mụ gầy đét, đi đi lại lại quanh nhà chậm như một con thạch sùng, vừa đi vừa sụt sịt. Mụ bị xoang. Cuộc đời mụ là một cơn lẩm bẩm kéo dài bảy mươi năm. Chuyện một năm trước cũng chỉ như là hôm qua". 

Ngày hôm qua. Luôn chỉ là ngày hôm qua. Khi quý vị và các bạn đang đọc dòng này nghĩa là tôi không còn đang ở Twins Bar của Tuấn. Mọi nguyên tắc của kể chuyện là: tôi làm gì đó và tôi kể lại. Hẳn nhiên là nó phải xảy ra rồi tôi mới có thể kể được. Mọi chuyện ở hôm qua. Cái "đang" của tôi trong những gì tôi viết là "đã đang", trong tiếng Anh là thì quá khứ tiếp diễn mà tiếng Việt không có. Khi quý vị đọc cuốn sách này, tôi đang ở đâu đó, đó mới là cái "đang" của hiện tại.. 

Cuộc sống là một chuỗi những ngày hôm qua. Ngày hôm qua của tôi là gì? Tôi ở đây từ lúc nào và những chuyện này có nghĩa gì? Tôi không tài nào nhớ được. Tôi là một chiếc ba lô đeo ngược trên lưng kẻ đang chạy, khóa hờ và cứ rụng dần những thứ trong nó. Hao hụt, cạn kiệt dần. 

Tuấn khua khua ngón tay trỏ: "Anh nên cẩn thận đừng để mụ ta đứng sát mình nếu không muốn nhiễm độc chì. Những người đi bộ buổi sáng gần chợ đầu mối đều như thế hết. Người ta bảo bây giờ lượng chì trong không khí của thành phố này gom lại và cô đặc có thể sản xuất đủ lượng bút để đào tạo một thế hệ họa sĩ." 

Huy cười như đứa trẻ con: "Trên mạng người ta bảo rằng lượng người chết vì ô nhiễm hình như đã gần bằng tỷ lệ tự tử..." 

"Khó đấy" – Tuấn khẽ lắc đầu – "Ngay cả khi chỉ so lượng người tự tử trên giấy tờ. Người Nhật tự tử nhiều mà vì chỉ lặp đi lặp lại có đôi ba cách tự tử hết sức là công cộng. Rồi tất cả số liệu đều được ghi vào hồ sơ. Người ta tưởng Nhật vô địch về tự sát, nhưng chúng ta mới là nhiều hơn". 

"Hôm qua tớ đọc báo thấy có đôi tình nhân mười lăm tuổi mua một chai Mirinda, bỏ thuốc chuột vào rồi ra công viên chết bên nhau" – Tôi nói, sau mấy tiếng hừ, giọng tôi vẫn khàn đặc, lớp đờm trong cổ đã dày như bánh đậu xanh. 

"Vấn đề là ở chỗ..." – Tuấn nhìn cả tôi và Huy, kê cánh tay cụt lên mặt phẳng quầy bar – "Tại sao lại cứ phải là Mirinda? Hãng đó quảng cáo chắc là tốt lắm. Tại sao không đến Twins Bar uống rượu cho đến chết giống như các ông anh ở đây có phải hơn không?" 

Huy cười phá lên. Tôi nghe thấy một tiếng cười khác, trong đầu hoặc sau lưng trước ki tai mình ù đi đáng kể. Tôi bắt đầu thấy nặng đầu và có cảm giác chiếc ghế đang ngồi bất thình lình sụt đi mất 20 xăng-ti-mét. 

"Tại sao lại phải tự giết mình nhỉ?" – Dứt cơn đùa, Huy xoa cằm, ngước nhìn lên đám ly treo, mắt như được phủ sương. Ngoài việc chửi mẹ vợ ra thì anh ta là người hay bị sa chân vào triết lý. 

Tôi nhìn vào đồng hồ, chiếc Fedrique Constant của tôi, một kỷ vật. Mắt hơi nhòe, tôi chỉnh lại nó cho đúng giờ, đối chiếu với chiếc đồng hồ treo tường của quán. Tôi thấy một bàn tay chụp nhanh mặt của nó, kéo ra. Lắc đầu một cái hình ảnh biến mất. À, anh bạn của tôi đã quay lại: Tôi- ảo ảnh, tôi của thời sinh viên trong áo sơ mi lam thẫm. Gã thì thầm vào tai tôi, tôi thấy hơi gió lướt nhẹ qua màng tai tựa như đang lắng nghe một con mèo Nga thở. 

"Bởi vì họ đã mất từng phần". 

"Mất gì?" – Tôi hỏi lại, và nhận ra nửa thân dưới của mình lại tê buốt. 

"Từng phần." – Câu nói đập vào mấy cái ly, dội lại. 

Tôi nghe thấy tiếp một tiếng lấy hơi thật mạnh. Tuấn có vẻ chú ý và cậu tiến lại gần tôi, gương mặt nhòa dưới ánh đèn vàng vọt. Một bóng mờ khác tiến đến gần tôi từ phía sau, nó dùng ngón trỏ xoáy vào sườn của tôi, bình thường thì tôi đã kêu rú lên. Ngoài chó săn thỏ Đức, ổ điện và phim Đài Loan thì tôi còn ghét bị cù nữa. Nhưng phần dưới của tôi đã tê buốt, đủ để chỉ cảm thấy một cú gãi và sự khiếm nhã của hành động đó. Đó là thằng Minh tóc dài. Nhưng trước khi nhìn thấy nó, có lẽ tôi đã (tôi cũng không rõ) thấy một vài gương mặt cố nhân lướt qua trong đầu, vô tình choán lấy cái khoảng da thịt hôi hám dưới mái tóc đuôi ngựa của gã bằng hữu cũ. Khi Minh cất lời, cái miệng đó cũng cử động, cứ như một tà thuật. Tôi lắc mạnh đầu. 

"Từng phần. Con người giống như được làm bằng bột. Nó tan đi từng chút một theo thời gian. Như cái tay thằng Tuấn" - Tiếng nói lúc này chuyển vào trong đầu tôi. Nếu bạn nghĩ rằng nó vang vang lên như trong phim ảnh thì cứ việc tưởng tượng. Còn đối với tôi, nó chính là giọng của tôi. Chúng ta không bao giờ nghe thấy giọng mình từ bên ngoài, nó đi từ họng lên thằng màng nhĩ. – "Khác nhau là ở tần suất. Có những người mất hết cả trong một lúc. Họ tự tử." 

Mắt mỏi và họng cháy khô. Miệng Minh tóc dài vẫn hấp háy không ngừng. Tôi dốc cạn ly nước, bắt đầu nghe thấy âm thanh đời thực trở lại. 

"Khi đời xuống dốc thì chỉ có anh bên mày thôi. Những thằng cô đơn" – Minh tóc dài đung đưa người theo một điệu nhạc trong đầu gã. Rồi gã lại nhìn tôi, bây giờ chính là cái mặt của gã, đôi mắt tố cáo một lý trí được vớt lên từ chum rượu. Minh cười khùng khục, bật ra cả tiếng ho, lảo đảo: "Thôi nào ông ơi, ối giời cái gì mà luật luật... Tẩy chay tao hả? Cô ruột tao mở ra hội này nha thằng chó"... 

Tôi xua tay, ra hiệu không hiểu mấy câu mà gã ợ ra. Khi não bạn giật giật như thể dây thần kinh được buộc vào chuông, bạn cần gì quan tâm đến mấy tên đã tiêu hết tuổi trẻ vào rượu rượu ở quán Twins Bar tồi tàn? Tuấn đưa tay ra đỡ vai của Minh tóc dài, nhỏ nhẹ: "Nước chanh nhé ông anh". 

"Chanh gì, mày vui tính từ bao giờ đấy Tuấn." – Minh nhìn Tuấn, và tôi thấy đó là ánh mắt nể nang. 

"Thế thì hết bia đi ông anh." – Tuấn cao giọng – "Uống nhiều mới có men tiêu hóa". 

Minh tóc dài lắng lại được vài giây, vẫn lắc lư theo giai điệu. Rồi như nhớ ra điều gì đó, gã lại nhìn sang tôi. "Nước lọc hả mày?" – gã gãi vào bắp tay tôi – "Bia đi chứ em, mừng hội ngộ". 

Tôi vẫn lắc đầu, cục đờm to bằng bánh đậu xanh chặn họng nên tôi nghĩ là cần vận khí mới nói ra được câu gì đó. Xung quanh, bóng tối đã lùa vào quán. Đèn đóm buông tỏa một thứ ánh sáng héo hon và thiếu thốn, làm bóng lên một vài cái đầu hói, những chai thủy tinh và dây chuyền bạc ta. Âm nhạc ướt đẫm trên vai các bà mẹ đơn thân nghiện rượu hay đúng hơn là nghiện không khí của rượu. Sự im lặng vào lúc 7 giờ, kéo dài hai tiếng để ấp ủ cho những náo động lúc 9h. Những cái bật dậy của tuổi trẻ đã tàn đi trong rượu, những người anh người chị của thế hệ trước tôi. Chắc là tôi cũng có quen mấy người, trong cái quá khứ bùng nhùng không còn rõ rệt của mình. Nhưng dù thân quen chốn này, chưa bao giờ tôi hết sợ những gì cựa quậy trong những trái tim của đêm tối. Tôi biết có nhiều vụ choảng nhau "giao hữu" ở đây. 

Minh ôm một chục chai đặt trước mặt tôi, một trong số đó lăn xuống đất vỡ tan tành. 

"Qua bên đây này Minh" – Huy mở giọng át đi tiếng động mà Minh tạo ra – "Uống với tôi nè". 

"Tao sẽ tính với mày sau, Huy ạ" – Minh cười ha hả, hắn có đôi mắt tít, sẽ rất đẹp nếu như không xệ mí xuống vì đồ uống có cồn. 

Tắt nụ cười hắn quay sang tôi. Dí sát cái miệng nồng nặc vào má tôi: "Làm vài ly đi em. Chuyện gì cũng bỏ qua được". 

Huy kéo tay hắn nhưng Minh gạt tay rất mạnh. Tiếp tục dí sát tai tôi: "Tao sẽ bỏ qua chuyện của mày. Tha thứ. Sạch một trăm phần trăm. Hàn gắn. Mày chẳng còn cái mẹ gì đâu. Luật với chả luật? Nước lọc hả?" 

Minh cầm ly nước inox của tôi giơ cao lên, đổ từ từ xuống mặt bàn quầy bar, một phần làm ướt quần tôi. Đầu tôi đau dữ, rất nhiều hình ảnh rối loạn. Không sợ, bạn, một cái gầm dày vào đầu gối là nó đi tong. Ảo ảnh của tôi nói như vậy, tôi thấy anh ta ngồi ngay ngắn bên cạnh mình, búng búng ngón tay cái. 

"Tao sẽ quên chuyện cũ, mày chơi hết chỗ này. Làm lành" 

Cấu mạnh vào ngực nó sau đó nó sẽ vung tay đấm chúng ta. Sẽ có người can dự. Chẳng ai ưa thằng này 

"Tao sẽ quên sạch những gì mày đối với tao." – Minh nhổ bãi nước bọt – "Chưa bao giờ tao chấp những thằng như mày" 

Quá hiền lành. Chỉ thích chế nhạo chứ không đấm nhau. Bây giờ mày phải khác 

"Mày sai khiến tao?" – Bất giác tôi nói ra đằng miệng. 

"Mày đang xưng hô với ai thế?" – Câu nói lọt vào tai Minh. Mắt gã long lên – "Nghe này, Thảo. Tao ghét mày từ nhỏ, tao ghét mày từ cái tên trở đi, từ hình dáng và cách mày hiện diện trở lại. Tao ghét cái mùi của mày và tao ghét bất cứ thằng nào trông giống mày". 

Một cú đạp, rất khó ngờ từ một khoảng cách cực kỳ gần như vậy. Nó trúng đùi tôi và tôi ngã bật ngửa ra phía sau. Rơi vào cái máy xay cà phê sơn màu tím, một mảnh chai chết tiệt cắm vào lưng tôi. 

Hai cú đạp nữa, tôi đỡ được một cái. Một cú dẫm vào khớp gối. Có thể thêm một nhát nữa trong tư thế với của Minh. 

Trong mắt tôi, tất cả đều nhòe đi trước khi tôi nhận một mũi giày vào quai hàm bên trái. Đầu tôi bị quăng phải ổ máy xay. Thằng chó. Không rõ tôi đang chửi nó hay đang bị chửi. Minh hét rất to và lao đến, với một cái chai. Tất cả đều nhòe đi. Ánh đèn vàng vọt tan chảy và cô lại thành giọt. Tôi thấy tôi đứng bên kia, ngay sau lưng thằng Minh bạo động. Hai tay tôi túm lấy hai vai nó và giật lại. Nó đã bị hạ, thằng đuôi ngựa khốn kiếp. Nhưng có một kẻ khác tách ra từ thân thể của Minh, cái khuôn mặt nhăn nhúm, cái dáng hình gầy gò chậm chạp nhưng lúc này lừng lững và ngược sáng giữa không gian vàng sậm bệnh hoạn. Tôi nhận ra mặt hắn, rất nhanh trong một phần tư giây. Trong một phần tư giây phút ngắn ngủi, tôi đã tin rằng mình hoàn toàn tỉnh táo, mọi kí ức đã được hồi phục và tôi chợt thấy rằng mình chẳng bị làm sao cả. Tôi vẫn là Lê Anh Thảo của công ty ấn phẩm quảng cáo Red Production, tôi đến công ty không sớm nhất nhưng cũng thuộc top 5 về mẫn cán. Tôi hiền lành và chăm chỉ, tôi đã kiên nhẫn dạy con bé trợ lý phần mềm Excel. Năm nào cũng thăm lại trường trung học của mình và nói rằng tôi yêu những thứ đi qua trong đời tôi, dù chỉ là một ly chè đậu đen nhỏ của dì tôi những mùa hè năm cũ. Tại sao Minh lại căm thù tôi? Tôi nhớ ra tên vợ mình và mọi người thân thuộc, món gà xé trộn lá chanh cốm vằm của nàng thơm trên đầu môi mỗi sáng khiến tôi thậm chí không muốn lau miệng dù bản tính tôi ghê tởm mỡ động vật. Vâng, tất cả diễn ra trong một phần tư giây, mọi thứ về cuộc sống hiền lành tôi đã có. Còn thiếu gì? Trước khi bóng đen ập tới. Tôi nhớ ra gã là ai, tôi biết mọi chuyện về gã, về sự có mặt của gã trong đời tôi và ngược lại. Nhưng cái chai đã kịp đập vào cánh tay tôi. Điều cuối cùng mà tôi thấy là chiếc tay cụt của Tuấn, ở rất gần mình. Một lần nữa nó lại là người hùng của tôi.

Nhận xét