Chuyển đến nội dung chính

Tường Lửa (tiểu thuyết) - Mở đầu




MỞ ĐẦU




Thế mà tôi vẫn chọn ngồi trên ghế cao gần quầy bar. Một cái ghế sơn đỏ chót, rất thiếu thẩm mỹ, không có nơi tựa. Và với những cơn tê buốt bất chợt của tôi, với cái thứ nhạc crossover thời thượng (mà ông ca sĩ người Áo hát như vừa mới chui từ 2 mét dưới mặt ao lên...) với tất cả những náo động này, những ra vào, những đứng ngồi không yên thường thấy ở một quán bar nhỏ, tôi sẽ có nguy cơ bị ngã văng ra phía sau. Ngã ngửa, như một đứa trẻ tập ngồi và bị ấn ngón tay vào trán, nhưng từ độ cao đâu chừng hơn một mét, đi kèm đập đầu xuống sàn hoặc chệch xương vai. Nhưng tôi thích ngồi chiếc ghế đó, đặc biệt là cái cảm giác nửa đứng nửa ngồi nó tạo ra. 











Điều quan trọng nhất là vị trí của chiếc ghế ở gần Tuấn, cái anh chàng pha chế rượu với một cánh tay duy nhất còn lại, người hùng thầm lặng của khoảng 40 vị khách quen hay ghé quán. Bạn tôi. Niềm tự hào của tôi. Lẽ ra tôi mới là người mang theo cái cánh tay cụt đó. Nhưng bây giờ thì ngay cả cánh tay còn lại của Tuấn, tôi vẫn phải nhờ cậy. Cậu ta bảo tôi đợi. Tôi hài lòng với vị trí này. Tôi sợ hoàng hôn, nó làm ta teo lại trong ánh sáng. Hoàng hôn: tệ nhất là khi bạn luôn là người nhận ra nó đầu tiên, nhưng những người chịu trách nhiệm bật đèn thì luôn chậm mất ba mươi phút. Ba mươi phút và nắng tắt. Bắt đầu tối. Sự dừng lại của một cơn nghĩ ngợi, sự bắt đầu của một cơn đói, sự thức giấc của ma quỷ. Trong hoàng hôn, mọi người đều như... Phát cuồng lên? Không! Cô đơn hơn? Không! Tôi đang nghĩ, một từ khác: từ nào có thể bao quát hết những khuôn mặt ở đây, hãy nhìn quanh mà xem, họ dừng lại toàn bộ tiến trình, họ đi ra cửa, ra về, tìm chỗ khác, gọi thêm đồ hoặc nhún nhảy vì buồn đi vệ sinh (cái phòng WC của quán chỉ rộng có 4 mét vuông). Nói chung là đều xa lạ hơn, sợ hãi hơn. Văn minh dạy ta phải trốn khỏi nỗi sợ hoàng hôn bằng cách bật ti vi. Đấy là giờ vàng của quảng cáo. 


Bài luận của tôi về hoàng hôn chấm dứt khi tôi thấy vết sẹo bóng loáng của Tuấn hiện ra trong những đường sáng dội qua mấy cái ly treo. Có lẽ hôm qua có đánh nhau ở đây. Chuyện này xảy ra như cơm bữa. Tôi tiếp tục miên man nghĩ về vết sẹo, dài như nghĩ về hoàng hôn. Tôi đang nghĩ? Ừ, tôi đang nghĩ. Tôi chứ không phải ai khác. Dừng lại một chút để đi tiếp. Tôi đang nghĩ? Hoặc một cái tôi nào đó trong tôi đang nghĩ? Rất khó biết được, xin thứ lỗi cho tôi. Sự thông minh còn lại chút ít của tôi chỉ là một chút váng dầu, nổi trên cái bề mặt người ta gọi là logic hình thức. Nếu bạn là tôi (hoặc bạn là một tôi nào đấy của tôi), bạn sẽ hiểu: bạn vẫn giải được phương trình bậc 3, hoặc làm được bài toán con ngựa vằn gì đó của Einstein đăng trên VNExpress, nhưng bạn không thể nào nhớ được mình từ đâu đến và đã bao lâu bạn trong tình trạng nhớ nhớ quên quên thế này.


Thậm chí bạn không biết bạn là ai trong số những tiếng nói khác nhau trong đầu bạn. 


Nếu bạn là tôi, giờ hãy quay sang trái, bạn sẽ có thể thấy một chiếc ghế màu đỏ khác, đương nhiên là nhìn kém thẩm mỹ y hệt. Và một người ngồi trên đó: chính là một hình ảnh khác của bạn. Người đó, thông minh hơn bạn, cậu ta nháy mắt và nói: "Thêm tí chanh muối nhé". 


Tôi lắc đầu: "Không. Không. Nước lọc thôi". 


Nhưng người trả lời là Tuấn, tôi nghe thấy tiếng cậu ta từ phía bên tai phải, trầm hơn mọi khi: "Cần nước hả?". Và rất nhanh tay tôi có một cốc nước bằng inox – loại tôi rất khoái – đặt trên bàn. Âm thanh khiến người bạn của tôi – một tôi khác – tan biến. Nhưng chỉ vài phút sau, anh ta – một tôi khác đó – lại ở sau lưng tôi, nói thầm thì rất trầm. Tôi rùng mình khi anh ta vỗ vai tôi và nói rất nhiều thứ: "Nhớ Minh tóc dài không, thằng đó sẽ chường mặt ra vào 9h tối khi đã nôn xong ở T-Shirt Bar, thằng đó sẽ gầm ghè chúng ta bằng cách giả vờ ra chạm cốc, hỏi một câu rất khốn nạn là quan điểm của chú em về nghệ thuật, đặc biệt là màu sắc trong hội họa chẳng hạn. Cái thằng chờ chúng ta thốt ra một từ khóa nào đó và chộp lấy rồi biến thành chủ đề. Nó không có bạn đâu và nó học quá nhiều lớp giảng đạo của bọn ẩn sỹ bỏ vợ, bãi nôn của nó chắc cũng bốc mùi như mấy thứ đó...".


"Hôm nay nó đến sớm. Nó ngồi ở góc cửa, đang tỏ vẻ thọc tay vào túi xách lấy ra cái gì rất quan trọng. Chúng ta sẽ không quên nó. Chỉ có lão Hương tóc bạc mới trị được thằng này, nếu nó đến gần, hãy tìm và ngồi uống với lão ấy, thằng này sẽ tự động lẩn đi như gặp phụ huynh".


Tôi gạt tay anh ta ra khỏi vai. Nhẹ như phẩy bụi. Nhưng rồi chợt nhớ ra trong hai câu cuối cùng của đoạn thoại vừa rồi, tôi mới là người nói. Chính miệng tôi đã nói hai câu đó. Và tôi: kẻ ngồi trên ghế đỏ. 


Tuấn nheo mắt soi vào mặt tôi như khi người ta ngờ ngợ một người quen. "Sao? Chóng mặt hả cưng?". Trong mắt Tuấn không có nhiều vẻ thắc mắc như giọng điệu của cậu ta. Chứng tâm thần của tôi không ai rõ hơn Tuấn, chỉ là cậu ta không thể hỏi: "Lại lên cơn hả?". Phần thông minh trong tôi thấy vậy. 


Phần tôi - ảo giác – quay trở lại trên chiếc ghế đỏ bên trái. Không, tôi đã nhầm lẫn ngay từ đầu: chiếc ghế ấy màu tím. Ánh hoàng hôn chết tiệt! Anh ta rất trẻ - chắc chắn là trẻ hơn tôi, tóc rẽ ngôi lệch, khuôn mặt sáng sủa, lãng tử, đó là tôi thời sinh viên. Nhưng tôi không chắc là trông tôi như thế: tôi tưởng tượng ra anh ta, thì đương nhiên đó phải là hình ảnh đẹp nhất. Bạn không biết bạn trông thế nào đâu.


"Và bạn cũng không biết là tiếng mình nghe như thế nào" – Tôi nói, hoặc anh ta nói, âm thanh một phần rung lên từ cổ họng và trào lên não tôi, nhưng nó không đi vào phần ngôn ngữ ngay mà còn cố tình đập một nhát vào bên thùy thái dương làm tôi hơi choáng. Có chắc là tôi tưởng tượng ra anh ta? Phần thông minh của tôi nghĩ: hay ngược lại?


Bất giác thế nào, tôi cúi xuống nhìn chiếc ghế của mình. Nó màu tím. Và chiếc ghế đỏ mà tôi nói từ đầu, thì lại ở bên tay trái tôi. Một tiếng thét thất thanh vang lên trong đầu làm tôi phải nhắm tịt mắt trong mười lăm giây.


Tôi khẽ bước xuống bằng bàn chân tê dại, đưa tay dịch cốc nước của mình, di chuyển sang bên ghế đỏ. 


Tôi nghĩ tôi phải thắng nó, đã đến lúc tôi phải dành lại chính tôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...