Văn chương trinh thám hay nhất năm (2019) qua là J.D Baker, còn chi tiết ấn tượng nhất? Chắc mọi người đều đoán được: con mèo bị giết trong Ác Ý. Ở đây, tôi sẽ cho thấy một khía cạnh khác của chi tiết này.
Trong ảnh bài post, ngoài con mèo của Keigo, ta sẽ thấy một con mèo thứ hai: nó xuất hiện trong phim Superman 1978. Khác với mèo của Keigo, chú (nhưng khả năng là cô) mèo Mỹ kia cũng đi lang thang ("và giờ đây sao con miu ơi đi hoang nơi nào") rồi được cứu bởi Clark Kent (Kal-El): anh chàng siêu nhân bay xuống giải thoát con vật trên cây cho cô chủ nhỏ tóc vàng. Chi tiết này được lặp lại trong phim hoạt hình Superman Doomsday. (1)
Một con mèo bị giết và một con mèo được cứu, cùng ở đầu tác phẩm.
Chúng giống nhau ở chỗ nào? Cùng là một chi tiết nhỏ và cùng tiết lộ tính cách của nhân vật, tuy con mèo Nhật Bản là một cú lừa, nhưng trước tiên hiệu ứng là như thế đã.
Cứu Con Mèo không phải là một scene vu vơ trong một bộ phim nào đó. Đây là một truyền thống của phim ảnh và tiểu thuyết Mỹ. Một cảnh kinh điển trong phim hoạt hình Aladdin (2): chàng trai và con khỉ chia bánh mỳ cho hai đứa trẻ nghèo đói. Đó là chi tiết ở đầu phim, khi chưa ai giới thiệu nhân vật.
Lấy một phim khác nhé: Three Billboards 2017 (3) do Martin Macdonalds về một con mụ hắc xì xằng, nhưng bà ta - cũng đầu phim - cứu một con bọ bị lật ngửa. Tất cả những chi tiết này được gọi là "Save The Cat Moment" (Khoảnh khắc cứu mèo), một chi tiết nhỏ để đạt hiệu quả tối đa trong việc show tính cách và để các khán giả lựa chọn đứng về phe nhân vật hay không, mà không cần kể lể nhiều. Tiểu thuyết cũng nhiều đấy, đặc biệt các tác phẩm độc lập.
Higashino đã giết con mèo. Hành vi này căn bản vẫn nằm trong Save the cat moment, nhưng chi tiết ấy cuối truyện được giải mã một lần nữa. Nghĩa là, vượt qua chức năng thông thường như các tác phẩm Mỹ, con mèo Nhật Bản này bắt đầu tạo ảnh hưởng vào cốt truyện và giúp định hướng (sai hoặc đúng) vụ án.
Mr. Keigo đến với văn học Mỹ và tạo ra sự ngạc nhiên lớn: nhiều người gọi ông là Stieg Larsson mới (4), cho đến khi Alexander O. Smith - dịch giả của Keigo - bác bỏ so sánh này, và bày tỏ sự ngạc nhiên lớn với Keigo cũng như trinh thám Á Đông (5): mọi thứ đều chậm rãi, ít hành động, nhưng cấu trúc chặt chẽ, nhiều câu chuyện phía sau mỗi chi tiết.
Keigo vượt xa những gì mà chủ nghĩa cấu trúc Âu Mỹ đề cao. Với trinh thám Mỹ đương đại, mọi cảnh đều diễn ra với một tính năng riêng, gọi là một beat (nhịp truyện). Đương nhiên, những gì muốn tồn tại lâu thì phải giống như Kim Tự Tháp: có cấu trúc vững. Cấu trúc mới tạo ra trường tồn: thực chất chính tiểu thuyết Trung Hoa từng cho thấy những gì tiêu biểu nhất của một cấu trúc, trong tiểu thuyết chương hồi.
Higashino Keigo tạo ra một kết cấu riêng, giống như Nghìn Lẻ Một Đêm, mỗi chuyện là một mắt lưới, lần ra một đường khác, rồi lại trở lại bện vào nhau. Một tác giả lớn hơn tất cả tác giả lớn khác, còn là vì tạo ra một cấu trúc riêng. Chúng ta sẽ sớm có cái gọi là lý thuyết về công thức của Keigo.
(Các độc giả bình dân có lẽ ít nhiều biết đến phê bình cấu trúc học của V. Propp - người chỉ ra các công thức của truyện cổ tích)
Bây giờ là luận điểm cuối cùng: với pha giết mèo, Higashino Keigo - một người đương nhiên đọc nhiều trinh thám Âu Mỹ - đã chơi đùa với cấu trúc trinh thám Âu Mỹ. Nhưng chi tiết nhỏ ấy cũng phân định hai thế giới của trinh thám Đông - Tây, một bên coi trọng các huyền cơ và một bên đề cao dụng năng.
Đặc biệt khi Cứu Con Mèo chính thức được lý thuyết hoá, trong một cuốn sách gối đầu giường của giới biên kịch. Cuốn cẩm nang ấy có tên "Save The Cat" của Blake Snyder.
P/S: Con mèo rất hay đi lại lung tung trong văn học Nhật. Quý vị còn nhớ hai con mèo trong "Nhóc Maruko"? Đặc biệt là những con mèo của Haruki Murakami. Trong truyện ngắn Kino, Murakami đã cho thấy con mèo quan trọng thế nào: nó đi lại giữa các thế giới, và giữa các vũ trụ của văn chương Murakami.
P/S (nữa): Nếu đã đọc Tường Lửa của tôi, quý vị sẽ thấy một Save The Cat Moment: nhân vật Tuấn có cơ hội để dội nước sôi vào một con gián. Nhưng anh ta không làm như thế. Tuấn không thể là nhân vật phản diện.
(1) https://youtu.be/pcEyWVQZFPI
(2) Phim Aladdin 1992 - phút thứ 8 trở đi https://youtu.be/Ebhu2KXbtoM
(3) Phim Three Billboards - http://www.phimmoi.net/phim/ba-bien-quang-cao-ngoai-troi-o-missouri-6560/
(4) Richard Lloyd Parry, The Times, "Meet Keigo, the Japanese Stieg Larsson" https://www.thetimes.co.uk/article/meet-keigo-higashino-the-japanese-stieg-larsson-tvhhkhgmk82
(5) Patrick Sheriff, The Devotion of Subject Alex: An interview with ace Keigo Higashino translator Alexander O. Smith https://patricksherriff.com/2017/11/30/the-devotion-of-subject-alex-an-interview-with-ace-keigo-higashino-translator-alexander-o-smith/
Nhận xét
Đăng nhận xét