Chuyển đến nội dung chính

Đường thoát: Sex Joke

(Để ảnh này vì ngày xưa Blog các cụ rất hay để hoa. Nó liên quan đến câu chuyện dưới đây)

Gần đây có vẻ nhiều người hào hứng với "âm hộ" nhỉ? Đa phần sinh trước năm 1995. Góp thêm một yếu tố vào sự quan sát thế hệ. 


Nhìn chung, sự "hí hửng với cái tục" đã có gốc rễ từ quá khứ, nhìn rõ nhất ở thế hệ lớn lên với văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ảnh gợi tình, gây ý nghĩ đen tối, bộ phận sinh dục, thơ có phụ khoa..., ẩn trong vẻ dí dóm hài hước, làm họ cực kì bị thu hút. Vì họ nhìn thấy ở đó một đường thoát. Yếu tố tục đưa các tác phẩm đến một chỗ đứng nhất định, tuy rất chênh vênh (nhưng đừng quên: phải cao mới chênh vênh được). Khoảng mươi năm trước, (cái thời Sách Đông Tây đi xuống còn sách Nhã Nam thì bắt đầu đi lên: tức là "lớp người đổi mới khác xưa"), người ta kháo nhau Phạm Duy có bảy bài tục ca (Gái lội qua khe nước từ rừng về, Em đ*t vua em đ*t chúa), ra chiều hiếm có lắm. (Hiếm, nhỏ, ít và dí dỏm: đó chính là những ma tuý làm say mê một lớp người  yếm thế). Nhưng 7 bài tục ca của Phạm Duy thì chỉ ở mức trung bình đến kém (trải rất đều), về tục tằn thì kém xa rap gangz của Khanh Nhỏ. Nhưng vấn đề lớn của nó, tục của Khanh Nhỏ là tục, một địa điểm, một chỗ đứng yên, còn tục của Phạm Duy   đứng đối gương với cái thanh (ca nhi đối gương u sầu riêng bóng), đứng ở hai đầu và tạo ra một đường thoát. 

Nên không lạ khi có tin cải cách chữ Tiếng Việt, người ta liên hệ ngay đến "con cac" và "cai lon" (vụ Lon này cũng có một quá khứ): vì mặt đã quay sẵn về phía đường thoát. 

Đường thoát ấy thoát khỏi cái gì?

Hồi sinh viên tôi có hay lang thang các tụ điểm của các thiền sư (các thiền sư ấy lại rất "máu" làm thơ, có nhã thú đánh chắn, lại xiển dương phồn thực). Một thiền sư - cao thủ chơi chắn - cảm thấy tôi có chút lắng nghe liền bàn về chuyện văn chương. Trong câu chuyện ấy, tỷ lệ những biệt ngữ về phụ khoa âm hộ tăng lên bất thường. Đầu tiên tôi  cũng giống thiền sư ấy - tưởng thế là hay - nhưng sau đó mới biết ở mọi yến tiệc của quần hùng, sex joke lúc nào cũng là ưu tiên. Vì đó là một đường thoát. 

Một đường thoát dễ đón nhận những luồng giao thông khác tràn vào. Các nhà thơ của giai cấp rất dễ đưa phụ khoa vào tác phẩm, còn các nhà văn của nhân dân thì không tả gì giỏi hơn là ẩn dụ "lòng trắng trứng gà". Đường thoát đưa họ đến chỗ đứng của bình dân, khi hết bình dân, tiếp tục đưa họ đến chỗ đứng của phản kháng. 

Hôm trước có một bài của Hồ Anh Thái, nhưng ít người nhận ra: chính Hồ Anh Thái từng có thời gian lấy ngôn ngữ lá cải của dân mạng, của vỉa hè và nói chung  của phe yếm thế làm nguyên liệu - một cách hứng thú là đằng khác - đọc SBC là Săn Bắt Chuột. Đến đây mới nảy ra một chuyện: khi có Facebook, các joke, các giễu nhại của văn chương thời ấy trở nên nhạt toẹt. Bối cảnh đó, có một nhà văn chân chính nhìn thấy chính mình của ngày cũ trong bọn dân mạng hôm nay: đó chính là nhà văn Hồ Anh Thái. 


Chẳng phải vì thế mà yếu tố tục đã làm một số tác giả có thể gây sững sờ cho cả một thế hệ: Nguyễn Huy Thiệp, Vy Thuỳ Linh, Mở Miệng, Đỗ Hoàng Diệu (sau này còn nhiều người vẫn đi đường cũ: Nguyễn Khắc Ngân Vi). Nhưng họ thoát đi rất nhanh, chỉ có một vài người, nhất những người liên quan đến Thiền là còn bấu víu lại: Đặng Thân. Ở lại đường thoát làm gì? Đường thoát cũng chỉ là một con đường. Đường thoát này đặc biệt hữu dụng với các nữ sỹ vì họ tạm thời ra khỏi các định chế và sớm muộn cũng tìm được con đường khác, con đường rẽ ấy được miêu tả dưới đây.

Đứng ở chỗ chênh vênh rất khó, những ai đi được lên ấy chắc chắn đã có sứ mạng, bằng không sẽ ở lại đường thoát, hoặc rẽ sang hướng phụ cận. Samuel Beckett và Ionesco: hai ví dụ của chênh vênh, hai kẻ ấy đứng mãi ở vị trí đối gương với các định chế. Nên con đường thoát đi lên chỗ ấy có một vẻ đẹp thôi miên: những sex joke làm cho ta "trông có vẻ như" ra được khỏi yếm thế và mặc cảm, vì nó gợi đến việc con người chỉ là các loài thú bình đẳng, có một thân thể, một chiếc bóng, một ảnh gương và một dục vọng. Điều này làm ta trông cứ như là tiến thẳng đến nhân loại.

Dễ hiểu sao thơ ca một thời ở Việt Nam rất hay có cảm thức nhân loại. Không lạ khi một nhà thơ lại hay cảm thương rưng rức về chiến trận ở Afghanistan đến thế. Đặc biệt lại hay có trường ca, vì trường ca gợi ra hình ảnh của đi một con đường thoát. Và một nhà thơ viết về nhân loại thì kiểu gì cũng viết về mẹ. Bởi vì không chịu nổi chỗ đứng chênh vênh, thì buộc phải rẽ vào ngả khác: nối từ tử cung đến nhân loại, núp sau rặng cây của phê bình phân tâm học. 


Tôi không muốn nói đến những chuyện còn xa hơn nữa: sâu thẳm trong tâm hồn nhiều văn nghệ sỹ trí thức, nạn dịch của nhân loại mang đến một khoái cảm. Bên cạnh sợ hãi, sâu trong họ có một cảm thức lạ kì, thúc đẩy họ mong muốn những tai ương sẽ còn kéo dài thêm. Họ sợ hãi. Nhưng sợ hãi chính là ảnh gương của khoái cảm

Yếm thế khiến các nhà thơ ấy - trong thơ tình - sẽ chọn ngay vị trí đối diện. Chưa thử thống kê, nhưng các cây phê bình chắc chắn nhận ra công thức thơ quen thuộc:

"Em xyz
Tôi (hoặc "ta" cho nó đỡ mặc cảm) abc"

Chẳng hạn, tôi sẽ viết luôn thử một câu: 

"Em cúi xuống nhặt hoa khuya tháng sáu
Ta với tay chạm bóng đổ hoang tường" 

Những địa thế thấp đến như vậy tất nhiên làm các nhà thơ căm thù vẻ đẹp của phụ nữ. Đưa chúng vào joke là tiện nhất. Còn cao tay hơn, phải biết kéo dài đường thoát. Một nhà thơ của nhân dân đương nhiên sẽ tả mắt môi và vai thật là trữ tình, nhưng ở phía đầu đường kia, cũng chính thi sỹ ấy sẽ share bài thơ "âm hộ". 

Tất cả điều này được giải phóng qua đường thoát, và Freud không giải thích được gì ở đây hết: mặc cảm ấy là mặc cảm ngôn ngữ.

P/S: Bây giờ ta sẽ thấy một yếu tố khác làm nên Trần Thiện Thanh. Trong quả phổ thơ "Chiều trên phá Tam Giang" Trần Thiện Thanh thêm vào câu gì? Chính là: "Em ơi em ơi em ơi". Ít ai tâm tình thủ thỉ nhiều như Trần Thiện Thanh, nhưng lại  sòng phẳng và nghiêm ngắn ("Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời?"). 

Đấy mới là một thơ tình của Không Yếm Thế. Mới có thể vút lên được "trên đỉnh mùa đông" và "nên anh yêu mùa đông ôi mùa đông của anh"



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...