Chuyển đến nội dung chính

BOOK MARKETING


(Chắc phải làm được series về chủ đề này mất, nhưng thời gian rất eo hẹp hix, có ai đặt hàng không ạ)




Book marketing - gọi dân dã là PR sách (PR giờ đã trở thành một từ dân dã) - tất nhiên không phải chỉ là quảng cáo sách (theo cách hiểu: khen quyển sách, làm người ta hứng thú với quyển sách). Thậm chí nếu PR sách chỉ là khen sách và tạo hứng thú, hoặc bàn sâu về cuốn sách, thì rất có thể thành ra dẫn người ta đi thẳng đến chỗ khỏi cần phải đọc.

Book Marketing quan trọng đến mức bao trùm nhiều hoạt động, nhưng cũng có thể thứ yếu đến mức nó sẽ bị gạt qua, thường xuyên là bị gạt qua, khi người ta nghiên cứu văn chương. Tức là bỏ qua, không thèm nhìn mặt kẻ làm nghề truyền thông sách - bọn môi giới cho người viết và người đọc lẫn nhà phê bình gặp nhau. Nhưng may sao, hình như “Xã hội học văn chương” - một thuật ngữ mới thịnh hành gần đây, kể từ khi ra đời những khảo cứu về hoạt động xuất bản, báo chí của Tự Lực Văn Đoàn - sẽ là lĩnh vực nghiên cứu rất gần gũi và soi chiếu trực tiếp vào Book Marketing.

Book Marketing thì trước hết vẫn là hoạt động Marketing, chỉ là sản phẩm là sách. Nó vẫn bao gồm nghiên cứu thị trường, tối ưu hoạt động xuất bản, tối đa hoá lợi ích cho độc giả, marketing trực tiếp, marketing điểm bán, branding, xây dựng cộng đồng và chăm sóc độc giả cộng với khâu cuối cùng, truyền thông - quảng bá sản phẩm văn chương. Nếu hoạt động này được thực hiện đúng nghĩa thì nó quyết định cả một thị trường văn học.

Là người làm trong lĩnh vực này, tôi biết rõ sự lên và xuống của một tác phẩm văn học hoàn toàn có thể phân tích trên khía cạnh Marketing:
- Hoạt động RnD của sản phẩm văn chương
- Hoạt động quảng bá và chăm sóc của sản phẩm văn chương.
Trong quá khứ, hoạt động xuất bản đã từng bao gồm hoạt động quảng bá (tất nhiên): người ta - các ông chủ xuất bản - phân phối các nội dung truyền thông, giới thiệu sách của mình qua báo chí. Rất thường xuyên sở hữu luôn một tờ báo để đồng hành cùng sự in sách, chẳng hạn NXB Tân Dân thì có Tiểu thuyết thứ bảy hay Phổ thông bán nguyệt san. Ngay từ thập niên 1930, Book Marketing ở Việt Nam đã đạt được mức độ hiện đại đến mức đấy: tối ưu RnD, Direct Marketing, customer care, lập nick giả (tức bút danh) để seeding giới thiệu sách cũng có luôn. Nhờ có báo chí, đơn vị xuất bản nắm được nhu cầu thị trường để biết cần phải sản xuất sách gì. Và Tiểu thuyết thứ bảy tất nhiên có khác gì Nhã Nam Reading Club đâu, thậm chí cao cấp hơn.

Nhìn bằng lăng kính Book Marketing mới hiểu được một số thứ: chẳng hạn, Marketing điểm bán (Trade Marketing) với sách văn học bây giờ đã khác hơn xưa, các tagline (Nobel Văn Học v.v…) được in lên bìa 1 của quyển sách - hàm chứa cả một lịch sử biến động: ban đầu cái tagline ấy nó không ở bìa sách, mà ở bìa 4 của các cuốn sách cùng đơn vị xuất bản. Nhưng sự thay đổi cấu trúc các nhà sách đã khiến mỗi cuốn sách mang trong mình nội dung trade marketing rõ rệt hơn. Bìa ngày một nặng - không phải tự nhiên có cái tay gấp đâu. Các nhà sách thay đổi như thế nào? Đó là cả một vi sử về sự hình thành và chuyên biệt hoá các nhà phân phối sách, ngày càng rõ hơn. Từ năm 2004, Nhà xuất bản nhà nước không lo việc bán sách đến tay độc giả nữa. Từ năm 2014 (chắc là mốc này), đến lượt các công ty sách cũng không lo việc bán sách đến tay độc giả nữa. Việc đó giờ đã có Tiki hay Fahasa. Và Tiki Fahasa sẽ choành ra một hoạt động marketing mới: digital marketing và Thương Mại Điện Tử.

Một cuốn sách có thể được lợi từ Thương Mại Điện Tử thế nào? Câu hỏi này đáng để ngẫm lắm. Ta đừng bỏ qua vị trí cái bìa trên banner, trên các bài post của fahasa, trong các chiến dịch riêng của fahasa, từng email, app push, notification. Một cuốn sách được chọn thay vì một cuốn sách khác, số phận của nó sẽ khác, có thể như vậy đấy. 🌱🌱

Book Marketing ngày càng phức tạp hơn, không phải chỉ ở việc mọi đơn vị xuất bản năm nào cũng nháo nhào tuyển chuyên viên hay CTV truyền thông, mà tự thân Book Marketing đã đủ sức mạnh quay ra quyết định ngược lại hoạt động xuất bản. Xuất bản - hay nói nôm na, nội dung quyển sách - chỉ là một phần của toàn thể một chiến dịch Book Marketing. Thế nên hai năm nay, chúng ta thấy có những quyển sách vô cùng đắt, mà cứ đắt mãi, mà không dùng để đọc, bìa vàng bìa đỏ, vi quyển đại quyển, sơn mài sơn miếc cứ gọi là phấn hương thập thành.
Đẻ ra sản phẩm, Book Marketing cũng sẽ đẻ ra nhà văn phù hợp với nó.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...