Bài viết của Hà Thủy Nguyên chẳng sai, ngược lại: quá đúng. Vì quá đúng nên chẳng gợi ra thêm cái gì, giống như hòn sỏi ném vào hư vô không vọng động.
Vì tác giả lờ đi một điều: Văn hoá là sự trượt nghĩa. Sự trượt nghĩa của các yếu tố thường hằng: một người thực hiện một hành động, không hẳn là vì mục đích hành động ấy, mà còn là vì cơ chế văn hoá đứng sau xúi bẩy anh ta. Người ta có thể hoàn toàn không hiểu mình đang làm gì. (Cũng theo cơ chế trượt nghĩa: có chuyện phổ biến là các từ ngữ chấp nhận bị đọc sai, một cộng đồng bản xứ nọ có thể đọc trại tên một vị thánh, đâm ra tạo hẳn ra vị thánh mới, sau một độ lùi thời gian không còn ai muốn truy gốc - trừ các nhà nghiên cứu). Cái này rất gần với “Thất nghĩa nhi hậu lễ” của Lão Tử Đạo Đức Kinh (mất nghĩa rồi mới có lễ).
Tôi đã từng chứng kiến - thật ra cái này ai cũng sẽ chứng kiến trong đời - một người đàn bà khóc trong một đám tang. Tiếng khóc ngân nga theo một nhịp bất thường, gần gũi hơn cả với nhạc bát âm. Từ đó tôi hiểu ra tất cả: đó là tiếng khóc không hẳn của một phụ nữ mất người thân, đó là một hành vi văn hoá, nó đã chạm đến ngưỡng không còn phân biệt được là bản năng, hay cố ý. Nói mỹ miều hơn: đó là tiếng khóc trồi lên từ một bản năng văn hoá, đã từ lâu ẩn mình rất sâu trong người đàn bà thôn dã.
Văn hoá thì không đúng cũng chẳng sai, văn hoá chỉ là trượt nghĩa. Trượt nghĩa đủ lâu thì tạo nghĩa mới, những hoàn cảnh sinh hoạt mới. Tết thì dễ có nhiều hành vi mà nếu nhìn theo một góc lộ ra trượt nghĩa, nó sẽ trở nên vô cùng hài hước (Quán quân về mục này là các bài báo về Tết). Trong những cơn giao tế của lễ Tết, thật không mấy khó khăn để nhận ra những người thân của mình đang nói một câu chuyện không đầu đuôi, thậm chí trong một quán tính của sự gật đầu, họ ậm ừ đắc ý với cả những câu nói hoàn toàn không có một chút ngữ nghĩa hay thông tin nào. Đó là chuyện bình thường (Bình thường đến mức tôi cho rằng trưởng thành là khi bắt đầu nói nhiều hơn những câu lờ mờ bỏ lửng, cộng với nhiều cười trừ). Nhưng đó là một cơ chế. Ngoài ra trong hoạt cảnh của họ hàng, các cuộc giao tế chúc tụng, dòng chảy của tiền tệ và kinh tế vẫn được lưu thông, nhưng bằng mạch nước ngầm của biếu tặng.
Cuộc đời tiến lên theo cách của một con ngựa thồ, bởi lực thúc từ một bàn tay mê tín. Nếu thích ta có thể dứt dây cương mà chạy đi, tạo nên ngựa hoang còn in những vết thù, nếu thích ta có thể căm ghét mọi thứ như Thomas Bernhard, không họ hàng gì sất.
Và nếu để tất cả những thứ phù phiếm (và rác rưởi) đi, theo ý hướng của tác giả, thì ta có thể bỏ Tết, bỏ thêm vô số thứ, thậm chí cả tiệc cưới, mà cô dâu chú rể chỉ cần cho số tài khoản là xong. Ta cũng có thể bỏ luôn chuyện chào hỏi, vì tôi rất ghét phải chào một số người, và một số người ghét tôi đỡ phải chào tôi làm gì. Cũng khỏi những ngày thành lập các cơ quan đi vì thực ra nó chẳng có nghĩa quái gì cả. Vân vân.. Và điều này - nếu làm được - thì rất liên hệ với một thứ, chắc ai cũng biết, là “Cách mạng Văn hoá” của Mao Chủ Tịch.
Nhận xét
Đăng nhận xét