Chuyển đến nội dung chính

Về những vùng lõm thực tại: khảo sát ý niệm “thế giới” từ lý thuyết Alfred Schutz (Phần 1)


 

Đức Anh Kostroma  (Viết từ Hà Nội)

 

Người đọc sẽ thấy tôi dẫn dắt liên văn bản đi xuyên qua các tác giả có vẻ không liên can gì đến lĩnh vực của nhau, khởi đi từ Berger đến Lotman, Eugen Fink. Tuy nhiên, bài viết này của tôi sẽ định hình một ý tưởng về một ý niệm quen thuộc là ý niệm  về các hệ thống, trong đó tôi chỉ tập trung khai thác cái ý niệm “thế giới” đã liên can thế nào cũng như cách mà nó có thể tách ra từ những ý tưởng trong các cuốn sách này.

 

Bài viết của tôi được triển khai theo ba phần:

-       Phần đầu: khởi đi từ Peter Berger, Schutz và James. Ba nhà lý thuyết này đều cùng đụng độ một ý tưởng về đa thực tại, nhưng ở mức độ quan tâm khác nhau. Từ việc phân tích sự tiến triển các khái niệm xoay quanh đa thực tại mà các văn bản của họ đưa ra, tôi sẽ xem xét rằng ý tưởng “đa thực tại” là một sự dẫn nhập để thám cứu ý niệm “thế giới”. Đồng thời tôi sẽ chỉ ra sự khác nhau của ba nhà lý thuyết trong ứng xử với ý niệm của họ.

-       Phần hai: tiếp tục với các văn bản của Lotman và Eugen Fink trong lĩnh vực ký hiệu học văn học và hiện tượng luận, chúng ta sẽ khảo sát ý niệm “thế giới” tồn tại trong các văn bản này, dựa vào lý thuyết “đa thực tại” mà Schutz đưa ra.  

-       Phần ba: chúng ta sẽ thảo luận về ý niệm “thế giới” khởi đi từ cái nghĩa common - sense của nó. Và kết luận rằng có thể lý giải ý niệm “thế giới” bằng sự kết hợp giữa ý tưởng của Schutz và ký hiệu học. Cuối cùng, bài viết này sẽ hình dung về hình thức tồn tại của các thế giới trong tương quan với thế giới đời sống (life-world), bằng cách chỉ định nó là một đối tượng của ký hiệu học, đồng thời đưa ra những khái niệm mới như “điểm nhìn”, “xâm nhập”, “cạnh tranh”... để triển khai những cách nhìn mới về “thế giới” trong lĩnh vực ký hiệu học

-       Trong một phần nhỏ là thảo luận ở cuối, có thể tôi sẽ chỉ ra những thiếu sót nền tảng trong việc triển khai ý tưởng của bài viết.

 

Vấn đề mà bài viết này quan tâm có lẽ không có gì mới với các ngành khoa học xã hội hiện nay.  Với tư liệu ít ỏi và hiểu biết hạn hẹp, mục đích cuối cùng của bài viết là miêu tả khung cảnh thế giới đời sống với sự tồn tại, cạnh tranh và xâm nhập lẫn nhau của các “thế giới”.

 

 

Peter Berger trong cuốn sách của ông năm 1966 [1] bàn về một nội dung quan trọng, mà theo ông là nền tảng của môn học gọi là Xã hội học nhận thức xuất phát từ Max Scheler: thực tại đời sống thường nhật. Theo Berger, bỏ qua tất cả những phản tư triết học (trong đó có việc đặt lại câu hỏi: thế nào là sự thực?) vốn chỉ là những thứ đến sau, lập luận rằng dù sao hữu thể người cũng đã tồn tại trước các ý niệm triết học này, trong một thế giới đã được mang đến sẵn, có ý nghĩa giống nhau với cả tôi và anh và cô ta nữa vân vân… tức là thế giới liên chủ thể. Không cần suy tư như Descartes, tôi vẫn tồn tại, vẫn sống, vẫn làm điều tôi cần, vẫn thực hiện những hành vi mà tôi thừa biết và tôi vẫn thừa hiểu tôi vẫn là tôi mà thôi. Cái thế giới mà Berger quan tâm ấy chính là thế giới của “đời sống thường nhật” hay nói gọn hơn: đời thường. Đó là một thế giới hoàn mỹ: nó là một sự tồn tại rất đương nhiên của hệ thống khổng lồ chứa sẵn nguồn cung về ý niệm, khái niệm, ngôn ngữ và ký hiệu để định vị, tọa độ hóa mọi thứ, trong đó có chủ thể con người và những gì liên quan đến con người. Không có một thứ gì thoát ra được sự giải thích của hệ thống khổng lồ này, kể cả việc chính chủ thể chưa bao giờ có trải nghiệm. Chẳng hạn, tôi không biết về nhạc giao hưởng, nhưng nó không phải là một thứ “xa lạ”, “dị hợm”; tôi vẫn hiểu rằng đó là một loại âm nhạc luôn luôn phổ biến ở các tầng lớp thính giả có thị hiếu cao trong xã hội.

 

Trong phần dẫn dắt của mình, Berger khẳng định ông không tiến vào lĩnh vực triết học. Ông bám vào một ý tưởng cốt lõi để đi hết chặng đường của mình, qua đó tái phối lại khung cảnh của môn “Xã hội học nhận thức”: “Trong số nhiều thực tại khác nhau, có một thực tại tự trình diện mình như thực tại par excellence [hoàn hảo]. Đó là thực tại của đời sống thường nhật. Vị trí ưu thế của nó khiến nó được coi là thực tại tối thượng. Sự căng thẳng của ý thức lên đến cao nhất trong đời sống thực tại...khó mà làm giảm đi tính chất áp đặt của nó” [2]

 

Hai điểm chính yếu trong ý tưởng của Berger là:

-       Có nhiều thực tại khác nhau (Multiple Realities)

-       Thực tại đời sống thường nhật là thực tại cao nhất.

 

Điểm thứ nhất, về lý thuyết multiple realities kể trên, Berger đặt nền tảng từ triết học Alfred Schutz.  Trong tiểu luận của mình về đề tài này [3], Schutz chỉ ra sự tồn tại của các “Finite province of  Meanings” (Địa hạt ý nghĩa hữu hạn) [4]. Cụm từ này định danh cho những “thực tại” khác với thực tại đời sống thường ngày với những đặc trưng như sau:

 

Đó là một sự chuyển dịch khái niệm từ “sub-universe” (tiểu - vũ trụ) của Williams James. Nếu chỉ đứng trong giới hạn tiểu luận của Schutz mà không truy hồi thêm triết học của James, thì bản chất sự chuyển đổi giữa các khái niệm “reality” (thực tại) - “multi-universe” và “province of meanings” là gì? Thoạt nhìn, nếu xếp chúng trong một lịch sử khái niệm, ta có thể thấy rằng cả ba đều cố gắng mô tả một sự phân chia vũ trụ (hay cái toàn thể) thành các “vùng đất” của ý nghĩa, tức là trước hết xác nhận sự tồn tại của thế giới sống (life-world), và sau đó tưởng tượng cái thế giới sống đó giống như một bề mặt có thể “cắt đất phân lô” thành các thế giới nhỏ hơn. Mỗi thế giới nhỏ hơn này tự thân nó có một nguồn từ vựng và ngữ cảnh riêng, giúp tự định nghĩa nó, tạo ra “luật chơi” và hiến pháp của riêng nó và giúp truy xuất ý nghĩa và cung cấp chủ thể tính [5] cho Hữu thể người đứng trong nó.

 

Nhưng dễ thấy rằng, nếu như thế ta chỉ cần đọc phần đầu của tiểu luận Schutz, ở đây ông sắp xếp và giải thích rất gọn các khái niệm của James vào phần dẫn nhập. Ngay từ đầu Schutz đã sử dụng lý thuyết của James để  xây dựng một khái niệm theo cách hoàn toàn khác. “Reality” của James theo như Schutz hiểu là: Những gì kích thích sự chú ý, và đứng trong mối quan hệ với chủ thể tôi, thì đều là thực tại (hàm nghĩa rằng chỉ cần nó cung cấp đối tượng nhằm thỏa mãn ý hướng tính?). Như vậy, ý niệm này đến với Schutz theo nghĩa rộng nhất [6] của từ “thực tại”: một cái thìa, một bài hát, một niềm tin tôn giáo, một ảo ảnh tâm thần phân liệt…. Tuy nhiên, những thực tại này đều đòi hỏi một phương cách nào đó để chủ thể tôi nắm bắt được chúng. Nghĩa là: 1/ Các thực tại này nằm trong một khu vực ý nghĩa nhất định, nơi chúng được ban phát ý nghĩa 2/ Khu vực ý nghĩa này cung cấp luôn cả cách thức để chủ thể tôi tiếp cận được nó và nhận ra thực tại tính của nó. Và cái “khu vực ý nghĩa” này chính là khái niệm “Sub-universe” (tiểu vũ trụ), theo Schutz, là sự sắp xếp của thực tại theo một phong cách đặc biệtriêng biệt của mình [7]. Những giấc mơ, thế giới người điên, thế giới khoa học, thế giới tôn giáo hay một tiểu thuyết… đều là một dạng sub-universe theo cách hiểu này.

 

Nhưng Schutz xây dựng luận điểm trên một mối quan tâm khác. Để trở lại và triển khai các khái niệm của James thì trước đó Schutz đã đặt mỏ neo của mình vào đời sống thường nhật - thực tại mà ông coi như một thực tại tối cao. Schutz xây dựng một hệ thống khái niệm xoay quanh “thực tại đời sống thường nhật”, rồi sau đó mới gieo trồng lên ý tưởng của James. Theo Schutz, đời sống thường nhật cũng là một sub-universe, nơi con người được đặt vào, đi đứng trong đó trong trạng thái hoàn toàn “tỉnh thức” (hàm nghĩa rằng anh ta không hề tạo ra một sub-universe chủ quan nào cả). Nhưng cần phải dành cho đời sống thường nhật một tư cách nền tảng, bởi lẽ đây là thế giới thường trực của con người, bởi tính chất liên tục và vô hạn của nó.

 

Và quan trọng nhất là những sub-universe khác được sản sinh trong lòng đời sống thời nhật này, được nhìn thấy, được nhận ra từ đây. Bằng cách nào? Thông qua những “kinh nghiệm”. Trước hết, Schutz nhấn mạnh tính liên chủ thể của đời sống thường nhật và thế giới đời sống thường nhật được đem đến cho tôi theo cách tự nhiên nhất. Bằng cách nào đó, con người đã hiểu biết về tồn tại [7], và khi đến với thế giới đời sống thường nhật trước tiên, họ chấp nhận sống trong đó, tức là chấp nhận tất cả những ý nghĩa mà nó mang lại, trong đó có việc con người phải đi đứng, làm việc, lo lắng, quan tâm… Và mối quan tâm của con người về đời sống, cộng với tính liên kết của hiện tại với quá khứ và tương lai (thời tính), khiến con người có kinh nghiệm. Kinh nghiệm như là cách để con người tồn tại trong các sub-universe, và kinh nghiệm này có nguyên mẫu từ đời sống thường nhật [8].

 

Như vậy, nhìn từ phía thế giới đời sống thường nhật, ta mới có thể thấy biên giới của các sub-universe khác. Xuất phát từ đời sống thường nhật, ta mới có thể đi vào trong các sub-universe khác. Nói cách khác, các sub-universe là một vùng đất khu biệt được bao quanh bởi một sub-universe lớn hơn: thế giới đời sống thường nhật. Kể từ đây, khái niệm này phát triển thành “infinite province of meanings” (địa hạt ý nghĩa hữu hạn) mà ngay bản thân chữ “province” đã phản ánh tính chất “tập con” đời sống thường nhật.

 

Đây chính là điểm thứ hai trong ý tưởng của Peter Berger. Nhưng khác với Alfred Schutz (chắc chắn rồi), điều Berger tập trung quan tâm lại là thế giới đời sống thường nhật chứ không phải các địa hạt ý nghĩa hữu hạn.

 

Tóm lại, ý niệm “đa thực tại” khởi nguồn từ James, thông qua Schutz và đến Berger đã được duy trì và biến đổi. Nhưng nếu xếp các triết lý của họ theo lịch sử ý tưởng đó thì ý niệm này đã không được triển khai. Bỏ qua sự khác nhau căn bản về mối quan tâm của các lĩnh vực mà họ theo đuổi (James chỉ xuất hiện trong văn bản của Schutz, trong khi đó Schutz đang theo đuổi hiện tượng luận Husserl, còn Berger chú tâm xây dựng một nhánh xã hội học); ta có thể thấy cách thức xử lý ý tưởng “đa thực tại” của ba nhà lý thuyết như sau:

-       James xây dựng lý thuyết về thực tại. Và sau đó là “đa thực tại”, các thực tại của ông bình đẳng về mặt phương diện mà nó hiện trình với chủ thể.

-       Schutz chấp nhận ý tưởng đa thực tại, nhưng ông đặt căn bản ột thực tại cao nhất là thực tại đời sống thường nhật. Và sử dụng nguyên mẫu thực tại này,các thực tại ý nghĩa hữu hạn

 

 

 

 Nói tóm lại, đi từ James đến Schutz và Berger - Luckmann, khái niệm "thực tại" đã trở thành khái niệm "địa hạt ý nghĩa hữu hạn" nhằm nhấn mạnh sự phụ thuộc của nó vào đời sống  thường nhật.

 

Từ khái niệm "địa hạt ý nghĩa" đến ý niệm "hệ thống"

 

Khung cảnh như trên là một đường hướng triển khai triết lý của James, kết cục là nó dẫn đến một nhánh triết học nghiên cứu về yếu tính của đời sống thường nhật. Như vậy xem như nó đã bỏ qua ý tưởng rằng cá thực tại - những "sub-universe" - là tương đương nhau về vị trí so với thế giới đời sống (life-world), thay vào đó, xem rằng các thực tại khác là những mảng nghĩa bị chuyển đổi (Schutz) từ đời sống thường nhật. Trong phần giá trị nhất của tiểu luận, Schutz đã xem xét cách thức con người tồn tại trong các địa hạt ý nghĩa ấy, như trường hợp thế giới của Don Quixote hay thế giới của các giấc mơ [9]. Tất nhiên, ông chú trọng vào cái gọi là những "cú sốc" khi con người nhảy vọt (leap) từ đời sống thường nhật (thực tại tối cao) vào bên trong các địa hạt ý nghĩa. Phần nội dung này đã được Berger và Luckmann tiếp tục triển khai (Berger và Luckmann 1960: 45). Theo đó, Berger coi những địa hạt ý nghĩa này là những cái lõm (enclaves) trong lòng đời sống thường nhật: chúng hữu hạn về mặt không gian, về thời gian và chúng phải sử dụng (theo nghĩa vay mượn) những hình mẫu kinh nghiệm của đời sống thường nhật để sản xuất những ý nghĩa trong hệ thống của chúng. Đằng nào thì con người cũng phải quay lại với đời sống thường nhật và sau này sử dụng những ngôn ngữ thông thường (Berger 1960: 45)  để lý giải (translate) những kinh nghiệm đã trải qua trong lòng cái lõm ấy. Lấy ví dụ về việc giải thích các giấc mơ sau khi thức dậy (việc người ta luôn luôn tin rằng những gì diễn ra giấc mơ có cấu trúc như một sự kiện, hoặc cố ý hiểu rằng các hình ảnh trong giấc mơ luôn mang ý nghĩa biểu tượng nào đấy - chẳng hạn - sự báo mộng), Berger cho rằng việc sử dụng những kinh nghiệm từ đời sống thông thường để chiếu rọi ý nghĩa vào những địa hạt ý nghĩa này luôn luôn chỉ có tác dụng bóp méo.

 

Tóm lại, nền tảng của tất cả những nội dung trên vẫn là đứng trên vị trí đỉnh cao của thực tại đời sống thường nhật để soi vào, để định nghĩa sự hiện tồn của các dạng thực tại "nhỏ hơn" (các sub-universe). Tuy nhiên, nếu giảm trừ cái vai trò "gốc tọa độ" của đời sống thường nhật, và chỉ duy trì ý nghĩa "đa thực tại" kế thừa từ James (nghĩa là: ta coi thực tại đời sống thường nhật cũng là một sub-universe), ta sẽ thấy triết lý của Schutz và Berger - Luckmann tạo ra một khung cảnh của các sub-universe hay các địa hạt ý nghĩa như sau:

 

1- Mỗi địa hạt ý nghĩa là một thực tại

2- Thực tại này tồn tại dựa trên các ý nghĩa do chúng tự sản xuất, và chúng cũng có một dạng ngôn ngữ riêng, cho phép trừu xuất các ý nghĩa liên quan đến chủ thể người (chủ thể, đối vật) nếu chủ thể người tham gia vào địa hạt đó. Như vậy nó có tính chất một hệ thống

3- Con người có thể di chuyển từ hệ thống của địa hạt này sang hệ thống một địa hạt khác. Đây là yếu tố mà Schutz và Berger dùng chữ "nhảy vọt" (leap)

4- Con người có thể sử dụng ngôn ngữ phía trong hệ thống địa hạt này để lý giải những kinh nghiệm đã trải qua trong hệ thống của địa hạt khác

 

Các nội dung số 1 và số 2 đều đã được chỉ ra trong tiểu luận của Schutz và Berger - Luckmann, nhưng dưới cái nhìn từ phía đời sống thường nhật. Nội dung số 3 nằm trong việc Schutz miêu tả một con người đi từ đời sống thường nhật đến một địa hạt ý nghĩa khác trong các cú sốc như thế nào. Nội dung số 4 chính là nội dung ẩn tàng trong việc Berger cho rằng các kinh nghiệm của đời sống thường nhật khi lý giải các địa hạt ý nghĩa (bằng cái gọi là ngôn ngữ thông thường) đều bị bóp méo: nghĩa là trước hết, không cần biết có sự bóp méo hay không, chỉ biết rằng có sự lý giải từ thực tại này sang thực tại khác!

 

Ý tưởng về các thực tại rút ra từ triết học Schutz gồm 4 nội dung ở trên là  đối tượng chúng ta sẽ xem xét trong bài viết này. Trước hết, nó là một cái gì đó có tính chỉnh thể, một cái gì đó tự định nghĩa, sau đó là một cái gì đó cho phép con người tham gia và phơi bày hiện sinh của mình. Một cái gì đó như vậy giống như là một hệ thống.

 

Ý niệm về một "hệ thống", theo cách hiểu của lương năng thông thường (common-sense), lưu ý cho chúng ta về tính chỉnh thể, tự vận động, khép kín (hữu hạn). Ở đây để nhấn mạnh các tính chất này của khái niệm "thực tại" mà chúng ta vừa sản xuất ở trên, bài viết này sẽ sử dụng chữ "hệ thống". Nhưng vấn đề của bài viết không phải là xây dựng một khái niệm dựa trên sự gom nhặt các ý tưởng rời rạc từ các văn bản, mà xem xét cái nội hàm của chúng trong các văn bản khoa học liên quan đến hiện tượng luận và ký hiệu học. Ta sẽ thấy ý niệm về một "hệ thống" như trên có thể được đọc ra từ các nhà lý thuyết khác. Họ đã từng giáp mặt với ý niệm hệ thống, đã  viết, theo các cách khác nhau, về một hệ thống này, hệ thống kia. Sau đó, ta sẽ cùng xem có thể nhìn nhận life-world như là một thế giới các hệ thống hay không.

 

Khung tranh của Lotman và trò chơi của Eugen Fink

Để khỏi bị lẫn lộn các khái niệm (khi sử dụng chúng để xâm nhập các văn bản khác) phần tiếp theo dưới đây sử dụng các thuật ngữ gốc “địa hạt ý nghĩa hữu hạn” từ Schutz, “sub-universe” từ James cũng tương đương với thuật ngữ “thế giới” mà bài viết này muốn trình bày. Dĩ nhiên, bài viết này theo đuổi ý niệm “thế giới” với cái nghĩa đã rút ra từ thuật ngữ gốc của Schutz. Các thuật ngữ từ văn bản của Schutz sẽ có vai trò để so sánh và tìm ra các ý niệm tương đương trong các văn bản khác.

Bên trong và bên ngoài các hệ thống

Phần này nói về những tương đồng trong triết học Schutz và khái niệm văn bản của Lotman. Lý luận rằng thế giới văn bản trong khoa học của Lotman là một dạng sub-universe, một “thế giới”.

 

Cái nhìn về một “địa hạt ý nghĩa hữu hạn” theo lý thuyết từ Schutz đến Berger và Luckmann đã được triển khai nơi Juri Lotman ()[10], một nhà ký hiệu học lừng danh - người có mối quan tâm đặc biệt trên phương diện ký hiệu học với các văn bản nghệ thuật. Hình ảnh “cái lõm” và “địa hạt” mà Schutz lấy làm minh họa cho sự khu biệt giữa một địa hạt ý nghĩa (hay một sub-universe) với thực tại đời sống tối cao, thì nó tương tự như một cặp khái niệm xuất hiện ở Lotman: Văn bản và Cấu trúc ngoài văn bản. Nghĩa là tồn tại một ranh giới! Bản thân ý niệm “văn bản - ngoài văn bản”  khoa học của Juri Lotman đã hàm ý rằng các văn bản nghệ thuật phải được xem xét từ các yếu tố nằm trong hệ thống của nó và cả sự tương quan với các hệ thống bên ngoài nó. Sự phân biệt này chống lại các quan điểm phi ký hiệu học nhìn nhận văn bản như một phần của thế giới “đời thường”, có thể được tiếp nhận và xử lý như một phát ngôn thông thường (tức văn bản là một biến thể của “lời nói” trong hệ thống khái niệm của Saussure), bằng kinh nghiệm ngôn ngữ thông thường [11].

 

Văn bản nghệ thuật tồn tại trong sự tương giao của các hệ thống ký hiệu ở các cấp độ khác nhau: hệ thống của cốt truyện, hệ thống các âm vị, ngữ pháp, các hệ thống ngoài văn bản như trang sách, cỡ chữ, âm thanh… Và cấu trúc phức tạp này của nó khiến cho người tiếp nhận văn bản có thể hiểu theo các ý nghĩa khác nhau tùy theo việc họ sử dụng các mã [12] nào để xử lý văn bản. Vì thế Lotman cho rằng không thể loại bỏ yếu tố người tiếp nhận trong các định nghĩa về văn bản [13].

 

Người tiếp nhận (cũng như người truyền phát - tạo ra văn bản) văn bản là những con người tham gia vào thực tại của văn bản, nói cách khác “nhảy vọt” từ thế giới của đời sống thường nhật vào trong sub-universe văn bản. Họ đã tương tác với sub-universe này như thế nào?

 

Với người tạo ra văn bản, anh ta xây dựng tác phẩm nghệ thuật trong nỗ lực tạo ra các mô hình nghệ thuật. Các mô hình này không mô phỏng thế giới bên ngoài, nhưng là sự tương đương với kinh nghiệm của người tiếp nhận với các mô hình từ thế giới bên ngoài. Chẳng hạn khi đặt vấn đề về “không gian nghệ thuật” (Lotman 1979: 217), Lotman chỉ ra rằng các văn bản nghệ thuật cũng tạo ra các mô hình không gian riêng biệt, nhưng tương đương với các khái niệm về không gian của thế giới bên ngoài. Ông so sánh các tín hiệu “sinh động” - “ngủ” “trời” - “trần gian” trong thơ Fiodor Tiutchev, hay “cây cầu” - “miệng vực” trong thơ Dobolovskyi với trục thẳng đứng (cao - thấp) trong tư duy không gian, hoặc cặp đối lập thiện - ác trong mô hình văn hóa. Động tác tạo hình này giúp “vượt qua các nhược điểm của từ như một ký hiệu ngôn ngữ - khi mà giữa cái biểu đạt và nội dung còn liên kết với nhau tùy tiện” [14]. Nghĩa là nếu không để các tín hiệu nghệ thuật gần gũi với các mô hình văn hóa của đời sống bên ngoài, để người đọc có thể liên tưởng và giải mã văn bản, thì văn bản sẽ nằm trong sự nghi ngờ về tính chân thực của ý nghĩa. Bởi lẽ người tiếp nhận văn bản sẽ được tùy chọn các bộ mã để giải thích văn bản, điều này dẫn đến sự xuyên tạc (distort) [15], và qua sự xuyên tạc, xác suất rất cao là văn bản sẽ bị mất giá trị nghệ thuật.

 

Với người tiếp nhận văn bản, anh ta sẽ giải mã các tín hiệu nghệ thuật bằng các bộ mã mà anh ta chọn, nhằm đạt mục tiêu thẩm mỹ. Dĩ nhiên, điều này dẫn đến xuyên tạc [16], dù trong sự xuyên tạc này, vẫn có những hiệu ứng thẩm mỹ được tạo ra: bản chất của những sự xuyên tạc chỉ là việc anh ta sử dụng kinh nghiệm từ hệ thống bên ngoài văn bản để xâm nhập và lý giải ký hiệu bên trong hệ thống văn bản.

 

Nhưng điều phân biệt người tiếp nhận văn bản với người không tiếp nhận là ở việc anh ta hiểu các ranh giới giữa các hệ thống bên trong và hệ thống cấu trúc ngoài văn bản. Cũng là hai người đọc một cuốn sách tiếng Anh, nhưng một người Anh đang đọc và hiểu tác phẩm khác với một người Pháp đang đọc nó để rèn luyện tiếng Anh. Với người Pháp này, anh ta không phân biệt hệ thống ngôn ngữ (language) được thể hiện trong văn bản với yếu tính của văn bản là lời nói (parole) - mà Lotman xác định rằng một trong những yếu tố định nghĩa văn bản là tính biểu thị [17]. Người Pháp này chắc chắn không phải là người tiếp nhận văn bản nghệ thuật. Một ví dụ khác về sự phân biệt giữa người tiếp nhận với “những kẻ khác” được Lotman đưa ra: trong khi các nhà nghiên cứu hiểu văn bản theo các cấp độ khác nhau tùy theo việc họ bóc tách các hệ thống ký hiệu phía trong văn bản thế nào, thì người đọc (người tiếp nhận) chỉ hiểu văn bản nghệ thuật “như một thực tại duy nhất”, trong đó anh ta phân tích được hệ thống biểu nghĩa của văn bản để cảm thụ được thông điệp nghệ thuật với riêng anh ta. [18]

 

Tóm lại, người tạo ra văn bản và người tiếp nhận văn bản nghệ thuật có những cách riêng tương tác với hệ thống văn bản. Những tương tác này đồng thời cũng định nghĩa chính họ. Với tư cách một cá thể xã hội, tên tôi là James. Nhưng khi tôi đọc Faust của Goethe, James tôi được định nghĩa là một người tiếp nhận nghệ thuật: tôi đang ở trong hệ thống văn bản đó và sử dụng thứ ngôn ngữ nội tại của nó.

 

Điều này tương tự với mô tả của Schutz và Berger về trường hợp một người rời khỏi đời sống thường nhật và đi vào một sub-universe khác. Anh ta sử dụng những nguyên mẫu kinh nghiệm (trong trường hợp này là những bộ mã) để hiểu cái thế giới anh ta bước vào. Ngược lại, khi thoát khỏi nó, anh ta cũng có thể sử dụng ngôn ngữ thông thường để nhìn từ bên ngoài lý giải sub-universe, giống như việc tôi sẽ viết cảm nhận về tác phẩm tôi vừa đọc.

 

Về các ranh giới giữa các hệ thống con trong hệ thống văn bản, trước hết phải trở lại với điều mà Juri Lotman luôn nhấn mạnh: phải xem xét văn bản không chỉ từ các hệ thống bên trong nó, mà còn mối liên hệ của nó với cấu trúc ngoài văn bản [19]. Việc minh định các mối quan hệ ngoài văn bản có thể hiểu là một công việc giúp nhận ra ranh giới giữa cái gì là hệ thống tín hiệu nghệ thuật so với cái gì nằm ngoài chúng. Về điều này, Lotman thêm một yếu tố định nghĩa văn bản là tính phân định ranh giới (demarcation) (Lotman 1979: 52, 212) [20]. Theo đó, nhìn chung hệ thống văn bản nghệ thuật là sự tương quan giữa các hệ thống tạo nên nó chứ không phải là phép cộng các hệ thống, hay bản thân một hệ thống nào. Nó đối lập với các hệ thống ký hiệu không thuộc nó, và nó cũng đối lập với tất cả các hệ thống mà không có đặc trưng phân định ranh giới. Văn bản nghệ thuật chắc chắn khác với giấy mực quyển sách (hệ thống không thuộc nó), nó lại khác với thứ tiếng thể hiện trong đó (là một hệ thống không phân định ranh giới), nó khác với cả lớp vỏ ngôn từ (chẳng hạn: giọng đọc), dù hai hệ thống này đều có trong văn bản [21]. Một tiểu thuyết lịch sử cũng theo cách đó, phân biệt với các sự thật lịch sử liên đới - vốn thuộc về hệ thống sử liệu dù cho nội dung này - nói một cách nôm na - được sử dụng trong tiểu thuyết lịch sử. 

 

Người tiếp nhận văn bản có xu hướng nhận biết các ranh giới (trong thực tế thì tính phức tạp, đa nguyên và chồng chéo lẫn nhau của các hệ thống ký hiệu trong chỉnh thể văn bản, công việc này cũng không hẳn là dễ làm). Các ranh giới luôn tồn tại: việc một ký hiệu có thể được nhận biết lúc thì ở trong thế giới văn bản, lúc thì nằm ở thế giới ngoài văn bản không có nghĩa là chúng vượt qua ranh giới, mà là do chúng tồn tại cùng một lúc trong hai hệ thống thế giới, giống như trường hợp kết thúc một quyển sách cùng nghĩa với kết thúc nội dung tiểu thuyết. (Lotman 1979: 53) [22]

 

Sự chồng lấn giữa các hệ thống ký hiệu cùng tồn tại trong một thực thể văn bản, khiến người đọc phải xác định đâu là văn bản, còn đâu thì ở ngoài văn bản. Và nó dẫn đến một tình huống mâu thuẫn: “Trong một tác phẩm nghệ thuật, mọi thứ đều là hệ thống (tức là không gì là ngẫu nhiên, mọi thứ đều có mục đích cả) nhưng mọi thứ trong một tác phẩm đều có thể phá rối hệ thống” [23]

 

Sau khi đã xem xét tính tương ứng của thế giới văn bản nghệ thuật (Lotman) so với khái niệm Địa hạt ý nghĩa hữu hạn hay Sub-Universe của Schutz, có thể hệ thống hóa các khái niệm tương tự giữa Schutz và Lotman như sau:

 

 

Alfred Schutz

Juri Lotman

Địa hạt ý nghĩa hữu hạn, Sub-universe, Thế giới

Văn bản nghệ thuật, Cấu trúc ngoài văn bản

Chủ thể người

Người đọc, người tiếp nhận

Ý nghĩa

Hệ thống ký hiệu văn bản

Nhảy vọt (leaping)

Tiếp nhận văn bản

Hữu hạn - tính hữu hạn (infinite)

Ranh giới - tính phân định ranh giới (demarcation)

Đường biên (borders)

Khung khổ (frame)

Đời sống thường nhật (life of work)

Thế giới ngoài tác phẩm (the world which lies outside the work of art)

Sử dụng Ngôn ngữ thông thường để lý giải (translate) các sub-universe

Giải mã (decode) văn bản dựa vào các bộ mã chẳng hạn như các mô hình văn hóa

Bóp méo (distort)

Xuyên tạc(distort)

 

 

Nhìn chung ý tưởng triết học rằng thế giới các địa hạt ý nghĩa hữu hạn của Schutz tồn tại nhờ lấy những mẫu kinh nghiệm từ đời sống thường nhật, cũng đã được thực thi trong ký hiệu học của Lotman rằng thế giới của văn bản đã lấy mô hình của đời sống bên ngoài.

 

XEM TIẾP PHẦN 2

 



[1] Berger, P. L. và T. Luckmann (1966), “The Social Construction of Reality”, Garden City, NY: Anchor Books. Dịch từ tiếng Anh: “Sự kiến tạo xã hội về thực tại”, Trần Hữu Quang dịch, NXB tri thức 2016. Bản gốc theo chế bản điện tử:


[2] Berger, P. L. và T. Luckmann 1966, “Sự kiến tạo xã hội về thực tại”, Trần Hữu Quang dịch từ tiếng Anh, NXB Tri thức 2016, trang 39


[3] Philosophy and Phenomenological Research, Vol. 5, No. 4 (Tháng 6/1945), trang 533-576; Bản điện tử công bố trên website Marxist.org, https://www.marxists.org/reference/subject/philosophy/works/ge/schuetz.htm


[4] Khái niệm này được dịch và chú thích nghiêm cẩn bởi dịch giả Trần Hữu Quang. Xem Berger, P. L. và T. Luckmann 1966, trang 292, sđd


[5] Chủ thể tính (subjectivité) nghĩa là hành động với tư cách là chủ thể.


[6] Xem phần chú thích phân biệt giữa “thực” và “thật” của dịch giả Trần Hữu Quang


[7] Nguyên văn: “Our primitive impulse is to affirm immediately the reality of all that is conceived, as long as it remains uncontradicted. But there are several, probably an infinite number of various orders of realities, each with its own special and separate style of existence.”. A. Schutz, bđd, Philosophy and Phenomenological Research, Vol. 5, No. 4 (6/1945), trang 533


[8] Nguyên văn: “The world of working in daily life is the archetype of our experience of reality. All the other provinces of meaning may be considered as its modifications” (tạm dịch: Thế giới hằng ngày là nguyên mẫu của kinh nghiệm về thực tại. Tất cả những địa hạt ý nghĩa hữu hạn đều chỉ là sự chuyển đổi của nó”). Alfred Schutz, bđd


[9] Trường hợp Donquixote được Alfred Schutz miêu tả như sau:





[10] Juri Lotman (28/2/1922 – 28/11/1993) nhà ký hiệu học thuộc trường phái Tartu. Trong sự nghiệp của mình, ông minh định khái niệm các văn bản nghệ thuật bằng ký hiệu học văn hóa. Trong đó ông quan tâm đến ranh giới giữa các hệ thống ký hiệu, mà văn bản được xét như một thực thể được xây dựng bởi sự chồng lấn các hệ thống ký hiệu này với nhau - cần được làm rõ nhờ xác định tương quan các hệ thống. Với Lotman, một hệ thống ký hiệu không thể được hiểu nếu tách chúng khỏi mối quan hệ với thế giới bên ngoài chúng, và bản thân cái “thế giới bên ngoài” ấy cũng là một hệ thống của các hệ thống ký hiệu, gọi là ký hiệu quyển (semiosphere).


Về Lotman, xem thêm cuốn Iu.M. Lotman (2015), Kí hiệu học văn hóa, Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong và Trần Đình Sử dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.


Trong hạn chế của bài viết này, tác giả chỉ đưa ra những luận điểm khái quát của Lotman để rút ra mối quan hệ giữa những ý tưởng của ông và ý niệm “địa hạt ý nghĩa” đã được triết học Alfred Schutz định dạng.



[11] Лотман Ю. М. – Избранные статьи. Т.I, Таллин, 1992.- стр 129 – 132. Juri Lotman (1992), Ký hiệu học văn hóa và khái niệm văn bản, Lã Nguyên dịch, đăng trên website:


http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-va-cac-khoa-hoc-giap-ranh/2061-yu-m-lotman-ky-hieu-hoc-van-hoa-va-khai-niem-van-ban.html


Truy cập lần cuối: 14/6/2016


Trích đoạn từ bản dịch này:


“Trước hết, khái niệm văn bản sẽ phải thay đổi về cơ bản. Những định nghĩa khởi thuỷ về văn bản – loại định nghĩa thường nhấn mạnh bản chất thống nhất của ký hiệu, hoặc sự thống nhất không thể chia tách của các chức năng trong một ngữ cảnh văn hoá nhất định, hay những phẩm chất khác nào đấy – đều có ý muốn nói một cách kín đáo hay công khai, rằng văn bản là một phát ngôn trong một ngôn ngữ bất kỳ nào đó. Quan niệm ấy lộ ra ngay sự khiếm khuyết của nó khi phải xem xét khái niệm văn bản trên bình diện ký hiệu học văn hoá. Người ta đã phát hiện ra rằng, một thông báo nào đó để có thể được xem là một “văn bản”, ít nhất, nó phải có hai lần được mã hoá. Chẳng hạn, một thông báo được xem là một “đạo luật” khác với đoạn miêu tả trường hợp phạm tội hình sự nào đó ở chỗ thông báo ấy vừa thuộc ngôn ngữ tự nhiên, vừa thuộc ngôn ngữ pháp luật, bởi lẽ, trong trường hợp thứ nhất, thông báo ấy sẽ sắp xếp một chuỗi ký hiệu có những ý nghĩa khác nhau, còn trong trường hợp thứ hai, đoạn miêu tả lại tổ chức ký hiệu có đôi chút phức tạp với một ý nghĩa duy nhất.”


[12] Xem thêm Jean Yves Tadie, “Ký hiệu học văn học của Yu. Lotman”, Đỗ Lai Thúy dịch, Tạp chí VHNN số 1-2000, trang 211 - 213: “Ngôn ngữ nghệ thuật là một tôn ti phức tạp của những ngôn ngữ tương tác lẫn nhau, đến mức ở trong mỗi nhóm độc giả khác nhau, văn bản lại cung cấp một thông tin khác, và ở mỗi lần đọc lại, chúng ta lại thu nhận một lượng thông tin khác. Lý thuyết thông tin dẫn đến sự tra vấn về tính đa nguyên của các mã nghệ thuật: hoặc là cả người phát và người nhận đều sử dụng một mã chung, hoặc là các mã khác nhau”


[13] Juri Lotman 1979, The Concept of text: The Hierarchism of the Concept of Text,The structure of the artistic text , Ronald Vroon dịch từ tiếng Nga, Ann Arbor trang 55.


Trích: “It is obvious that the definition of an artistic text cannot be complete without additional classification that takes the addresser and addressee into consideration” (Tạm dịch: Rõ ràng là định nghĩa về một văn bản nghệ thuật không thể hoàn thiện nếu không thêm vào sự phân loại trong đó nhận diện người truyền phát và người tiếp nhận).


Sau dòng này, Lotman lấy ví dụ về sự khác nhau trong các cách cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật của những người tiếp nhận (như một vở nhạc kịch): khán giả có thể thấy các tác phẩm này giống nhau vì chúng cùng được định nghĩa trong một thể loại, nhưng nếu nhìn theo cách khác mà xét riêng từng tác phẩm thì lại thấy các tác phẩm khác nhau bởi các đặc trưng riêng của nó.


[14] Nguyên văn “Verbal art begins with an attempt to overcome the fundamental property of a word as a linguistic sign - the arbitrariness of the connection between the planes of expression and content; it constructs a verbal artistic model according to the iconic principle, as in the fine art” ( Tạm dịch: Nghệ thuật ngôn từ bắt đầu bằng nỗ lực vượt qua nhược điểm lâu nay của từ xét như một ký hiệu ngôn ngữ: sự tùy tiện trong việc liên kết biểu hiện và nội dung; nó [đòi hỏi - người dịch] xây dựng nghệ thuật ngôn từ bằng các nguyên tắc của nghệ thuật tạo hình). Juri Lotman 1979: 55, sđd


[15] [16] [19] Lotman viết, ngay sau đoạn văn ở chú thích 14, “ where the coding semantic system is enmeshed in the life of society, the signs can easily prove false....The tendency to battle with the word, the recognition that it can deceive, is rooted in its very essence. It is as constant a factor in human culture as is the tendency to bow before the power of the word.”. (Tạm dịch: Nơi mà hệ thống mã hóa ngữ nghĩa được móc nối vào trong đời sống xã hội, tín hiệu sẽ dễ dàng trở nên sai lệch...Trong xu hướng tranh đấu với từ ngữ, cái ý thức rằng từ ngữ có thể dối lừa cắm rễ rất sâu. Nó là một hằng tố của văn hóa nhân loại cũng tương đương với xu hướng tôn thờ từ ngữ”) Juri Lotman 1979: 55 - 56, sđd


Về sự “xuyên tạc”, trang 50, mở đầu chương “The concept of text”: “A work of art, which is a particular model of the universe, a message in the language of art, simply cannot exist apart from that language, just as it cannot exist apart from all the other languages of social communication. It meaning is extremely distorted for the reader who is trying to decipher the work with the help of arbitarary, subjectively chosen codes; but it has no meaning whatsoever for the man who would like to deal with the text totally apart from all its extra-textual relations.” (Tạm dịch: Một tác phẩm nghệ thuật - như là một mô hình vũ trụ cụ thể, một thông điệp bằng ngôn ngữ nghệ thuật - đơn giản là không thể tồn tại ngoài ngôn ngữ của nó, cũng không thể tồn tại ngoài các ngôn ngữ khác của xã hội. Nghĩa của nó sẽ bị xuyên tạc bởi những người đọc - những người mà cố gắng giải mã các tác phẩm bằng các bộ mã được lựa chọn chủ quan tùy tiện; nhưng nó cũng sẽ vô nghĩa với những người mà đặt văn bản ra khỏi các mối quan hệ ngoài văn bản của nó), Juri Lotman 1979, “The concept of text”, sđd trang 50.


[17] Theo Lotman, văn bản có ba yếu tính, trong đó có tính biểu thị (expression). Tính biểu thị này cho biết “In terms of the Saussurian antinomy of language and speech the text always belongsto the province of speech” (Tạm dịch: Trong cặp đối lặp giữa ngôn ngữ và lời nói của Saussure thì văn bản luôn luôn thuộc địa hạt lời nói). Juri Lotman 1979, “The concept of text”, sđd trang 52


Theo ngôn ngữ học Saussure (mà Lotman là một nhánh kế thừa), sự phân biệt ngôn ngữ và lời nói là cơ sở của ký hiệu học:



Ngôn ngữ là một hệ thống những đơn vị vật chất phục vụ cho việc giao tiếp của con người và được phản ánh trong ý thức của tập thể một cách độc lập với ý tưởng, tình cảm và nguyện vọng cụ thể của con người, cũng như trừu tượng hoá khỏi những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng đó.



Lời nói là kết quả của việc vận dụng các phương pháp khác nhau của ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, kêu gọi người nghe có hành động tương ứng.

(Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H., 1998, trang 311–314)


[18] Nguyên văn: “We should stress, however, that the reality of the researcher's description does not completely coincide with the reality of the reader's perception. For the one doing the describing, the hierarchy of the texts is real, almost as though one text were inserted into the other; for the reader, only one text is real - the one created by the author. We can treat a genre as a single text, but it is impossible to make it an object of artistic perception. In perceiving the text created by the author as the sole text, the receiver of information views everything superimposed on it as a hierarchy of codes which reveal the hidden semantics of one actually given work of art” Juri Lotman 1979, “The concept of text”, sđd trang 55



[20]


[21] Trang 3 bài dịch Lã Nguyên “Trật tự thứ bậc của khái niệm văn bản”


[22] Nguyên văn của ví dụ này: “The boundary which tells the reader that he is dealing with a

text and which callsupin his consciouness the whole system of corresponding artistic codes is located in a structurally strong position. Sirtce some of these elements are signals of one boundary, and others are signals of several boundaries coinciding in the text (when the end of a chapter is the end of a book, for example), and since the hierarchy of levels allows us to speak of the dominant position of certain boundaries (the boundaries of a chapter hierarchically dominate the boundaries of a strophe, the boundaries of a novel dominate the boundaries of a chapter)”. Juri Lotman 1979, “The concept of text”, sđd trang 52-53



[23] Nguyên văn: “"in a work of art everything is system (nothing is accidental, everything has a purpose)" and "everything in a work of art is a violation of the system."” Juri Lotman 1979, “Text and system”, sđd trang 59

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...