“Sớm hôm sau, tôi bỏ đi rời khỏi thành phố. Tôi không có ai để chào từ biệt.” (Nguyễn Huy Thiệp, Con Gái Thủy Thần)
Gần đây tôi mới để tâm đến một chuyện, chắc cũng có nhiều người nghĩ đến rồi, về chuyện các nhà văn xuất thân từ nông thôn và các nhà văn xuất thân từ thành thị. Nhưng phải phân chia thế này mới đúng: các nhà văn xuất thân từ nông thôn và các nhà văn xuất thân công giáo. Những nhà văn của công giáo làm được một số điều đặc biệt, vì họ luôn có một cảm hứng kỳ khôi mà xuất thân khác không có được.
Hoài niệm nông thôn và tỷ lệ quá lớn các nhà văn nhà thơ xuất thân từ làng (gốc gác của từ “làng văn”), tạo ra cho văn học hiện đại Việt Nam một khuôn mặt, như sau: rất nhiều văn chương yêu đất nhớ quê, giàu sự cảm động, nhiều tiểu thuyết viết ra để nói xấu nhau, nhưng cũng vô cùng chân chất và khí phách khi bình luận về triết học về bản ngã, rất thích “chất đời”, rất mê tố cáo địa chủ (Tạ Duy Anh), rụt rè và hiếu kỳ trước những văn chương kỳ lạ khác của quốc tế (có 5 nhân vật luôn mang lại cho “làng Văn” một sự rưng rưng to lớn: Kun-Đê-Ra, Phờ-Rớt, Ca-Muy, Đốt và Kafka). Những luận đề về thiện / ác, phần con / phần người, đạo / vô đạo… là những chủ đề rất được yêu thích bởi các nhà văn xuất thân nông thôn, lắm khi say mê chủ đề ấy quá, họ đọc truyện gì cũng quy về chủ đề đó. Để tránh bị chê là "Anh nông dân viết văn", một số cây viết hay vác vào người những thứ xủng xoảng Nobel Nô Biếc, nếu làm thơ thì bê thật nhiều siêu thực vào cho đỡ tiếc của, thi thoảng hay giả vờ quan tâm đến Nabokov cho nó đỡ lạc hậu.
Nguyễn Huy Thiệp, một người say mê tôn giáo, đi được một con đường: nối hai thế giới văn chương đó. Cái nhân sinh quan kỳ lạ cuả ông - có được từ chiêm nghiệm tôn giáo - đã mang đến cho các đề tài nông thôn, làng quê một cái nhìn khác. Kết quả ta có những tác phẩm lạ lùng trong văn học Việt Nam.
Nhiều cây bút xuất thân nông thôn rất yêu mến câu “Mẹ tôi là nông dân” của Nguyễn Huy Thiệp. Song Nguyễn Huy Thiệp lại không đại diện cho văn học nông thôn. Có lần tôi nói nghe hơi buồn cười khi đọc Nguyễn Huy Thiệp song quay ra đọc Harry Potter. Nhưng ở vài thời điểm, ngẫm lại thì thấy không hẳn.
Cuộc phiêu lưu của Protagonist (nhân vật chính) bị quăng ném, phải dấn bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, trong khi vẫn còn thắc mắc về: “tôi là ai?”, hay mối quan hệ của tôi và thượng đế, sự tồn tại của tôi vân vân… luôn luôn là câu chuyện được kể đi kể lại, khiến cho nhân loại say mê.
Vậy cái tính nhân loại của văn chương Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ đó: ở những “Con Gái Thủy Thần”, trên khía cạnh cốt truyện, ta thấy Nguyễn Huy Thiệp bỗng rất gần với Yann Martel (Cuộc đời của Pi) hay Paulo Coelho (Nhà giả kim). (OK, có nhiều người khinh thường best-seller Nhà Giả Kim, nhưng từ từ đã). Câu chuyện về sự lớn lên của cái tôi, cũng là sự lớn lên của nhân loại, khi nhắm mắt đưa chân con tạo xoay vần, khi nhân vật Chương bước vào đời, cũng giống như Picisne bước chân lên con thuyền giông bão với chú hổ Bengal. Chương và Pi không biết gì về cuộc đời, nhưng có chung một niềm tin đơn sơ về Mẹ Cả và Thượng Đế. Họ muốn đi đến đích trong cuộc phiêu lưu không biết trước, để gặp ý nghãi cuộc đời họ.
Trong một số truyện ngắn theo hướng này, Nguyễn Huy Thiệp kể câu chuyện chung của nhân loại bằng cách sử dụng khéo léo các yếu tố văn hóa Việt, các linh thần, nhân thần của Việt Nam, và đặc biệt, huyền thoại nông thôn trong tiềm thức Việt nam (đặc biệt: “Những bài học nông thôn”) để tạo ra một “new unexpected world” rồi xô nhân vật ngây thơ của ông vào đó.
Như vậy, một tầm vóc lớn của Nguyễn Huy Thiệp, còn nằm ở chỗ, ông tham gia vào nhóm không nhiều những nhà văn tạo ra những chuyện cổ tích mới cho loài người.
Nhận xét
Đăng nhận xét