“Logos như là lời nói có nghĩa là Deloun, khai mở cái mà Lời nói nói về trong lời nói. Aristotles đã cắt nghĩa một cách chính xác nhiệm vụ của lời nói như là apophainethais….Trong lời nói (apophansis) cái được nói phải trong phạm vi lời nói là đúng, được rút ra từ cái được nói về thể nào mà sự truyền thông bằng lời nói trong cái nó nói lên khai mở, và như thế làm người khác đạt được cái nó nói về…”
(Martin Heidegger, "Hữu Thể và Thời Gian", Trần Công Tiến dịch)
Thực tế chúng ta đối mặt với rất nhiều trường hợp tương tự như thế này. Đối mặt nhưng không thật sự gặp gỡ.
Chuyện là vậy: tôi có một người bạn, anh ta đang sống trong nỗi hân hoan. Cuộc sống với anh ta quả nhiên là một cơn mưa quà tặng, lúc nào cũng ở trong một trạng thái xúc động về tính viên mãn của thế giới xung quanh. Vì thế, anh ta mắc chứng cười lớn một mình giữa đêm.
Người ta cho rằng anh ta đang mắc bệnh hưng cảm, tức sướng quá. Anh ta đi khám bác sỹ và nhận được 2 kết luận sau:
BÁC SỸ A: Bật cười là một phản ứng tự nhiên. Chúng ta luôn cười vì một cái gì đó. Cười ban ngày về một cái nghe (nhìn) thấy hoặc cười trong đêm. về một điều nhớ lại. Nhưng cười với âm lượng lớn và tần suất bất thường như vậy thì đích thực là một tiếng cười của một chứng bệnh.
BÁC SỸ B: Không chỉ ý thức biết biểu lộ niềm vui, mà vô thức cũng vậy. Chúng ta thể hiện nó ra bằng rất nhiều hành vi đường đột: co mình nghiến răng thật chặt, nhắm tịt mắt và ép hai tay lại với nhau chẳng hạn. Ở đây là cười lớn trong mê sảng, nó nằm ngoài hữu thức.
Hai phát ngôn này đã được biên tập lại. Vấn đề của chúng ta trong bài viết này là kiến giải của bác sỹ nào thực sự là một lời chẩn bệnh.
Với một bệnh nhân như chúng ta, cả hai phát ngôn này đều khả tín, logic và khoa học. Nhất là khi nó được trình bày theo lối diễn dịch, với mật độ lớn những từ chuyên môn. Và muốn tăng nó lên, chúng ta có thể biên tập lại lần nữa. Chẳng hạn:
BÁC SỸ A: Bật cười là một phản ứng khả nhiên. Ban ngày thì do một tác động ngoài đời trùng phương với một kích thích nội tâm, ban đêm là do một ký ức quy chiếu về tác động đó liên hệ trở lại với kích thích cũ. Tuy nhiên, sự bất thường về tần suất và âm lượng cho thấy đây không chỉ là một nụ cười thông thường, đó là một nụ cười của một triệu chứng tâm lý.
Điều khác biệt duy nhất mà ta thấy khi nghe qua, điều này thuộc ấn tượng tâm lý, là lời của bác sỹ A có tính KẾT LUẬN cao hơn. Bác sỹ A chỉ ra cho ta sự tồn tại của bệnh lý, trong khi bác sỹ B nghe có vẻ một lời giải thích tường minh.
Nếu chúng ta biên tập như trên, cả hai lời chẩn bệnh đều có vẻ có giá trị phân tâm học. Bác sỹ A đi từ kích thích nội tâm (ta cứ giả sử ông này hiểu theo nghĩa của Freud, “Triebe” chứ không phải “Instinct” thông thường) được hoạt hóa bởi một ấn tượng ngoài đời sống (và dù là ký ức thì cũng là ký ức về đời sống ngoài đó). Bác sỹ B đi từ thuyết siêu tâm lý, tức những biểu lộ vô thức dưới dạng một hành vi bất thường.
Tuy thế, hai phát ngôn này hoàn toàn khác nhau. Bác sỹ A chỉ ra một điều đột biến giữa những điều giải thích được, bác sỹ B rút một trường hợp cụ thể đi từ tổng quát. Bác sỹ A đã đưa ra vấn đề cốt lõi: “sự bất thường về tần suất và âm lượng” trong khi đó là điều bác sỹ B ngầm hiểu và giải thích hiển ngôn.
Phân tích Logic hình thức của hai phát ngôn
Với người bệnh, anh ta sẽ cố gắng kết nối hai phát ngôn và nhìn về biểu hiện của mình. Quan hệ giữa phát ngôn và người bệnh là quan hệ dụng vật (zuhanden). Chúng ta không phải là người bệnh, vấn đề của chúng ta là tìm ra mâu thuẫn hay đồng hợp giữa hai phát ngôn ở trên, và xa hơn tìm ra một cơ hội được thấy những điều nghịch lý ẩn sau những phát ngôn có vẻ khoa học. Bắt buộc chúng ta phải làm chậm lại tiến trình suy tư của chủ thể phát ngôn và làm điều đó với căn cứ duy nhất là những lời nói hiển ngôn của ông ta.
Bác sỹ A với phát biểu của mình đã ngầm giả thiết: con người ta có “cười”, sự “cười” là một hành vi tập quán. Nó được giải thích bởi một tình trạng kích động nào đó. Toàn bộ điều này là CÓ THẬT. Ông ta đã phân tích hành vi của bệnh nhân qua những chặng giảm trừ sau:
1. Cười lớn bất thường giữa đêm2. Cười giữa đêm / Cười lớn bất thường3. Cười
Ông ta giải quyết ngược, theo cách đi từ tổng quát đến riêng biệt từng chặng một. Ban đầu là sự cười, sự cười này CÓ THẬT và HIỂU ĐƯỢC. Sự cười giữa đêm là bước tiếp theo, nó kế thừa bản chất của sự cười, vì thế cũng cái nhiên. Còn lại, vơi sự CƯỜI LỚN BẤT THƯỜNG, ông ta gọi nó ra ánh sáng dưới dáng vẻ một biểu hiện trái ngược. Và đó là toàn bộ nội dung diễn từ của bác sỹ A.
Hành vi của bệnh nhân với bác sỹ A đã bị kết luận là mang những biểu hiện trái ngược (lớn - bất thường) với các đồng loại của nó (cười ban ngày, cười giữa đêm) nằm trung trong một tập hợp các hành vi Cười. Tiền đề cho kết luận này là một giả thiết ngấm ngầm: Sự CƯỜI (smile - theo nghĩa thông thường) là có thật, hành vi của bệnh nhân đúng là hành vi CƯỜI và mang tính chất của CƯỜI (smile).
Bác sỹ B khởi đi ngay từ tính bất thường của hành vi mà không quan tâm đến dáng vẻ của hành vi (người bệnh có thể nhận được câu trả lời y hệt ngay cả khi hắn thay vì cười lớn giữa đêm là hay nghiến răng và lảm nhảm). Sự bất thường này là CÓ THẬT và HIỂU ĐƯỢC (!!?). Chúng ta hãy giả sử tính chất (bất thường) của hành vi người bệnh (gọi là X), câu chuyện bác sỹ B diễn tiến như sau:
1. X được hiểu là bất thường2. Sự bất thường đó là do điểm khác biệt giữa biểu hiện ý thức và biểu hiện vô thức về NIỀM VUI3. X thực ra là sản phẩm của biểu hiện vô thưc4. Có rất nhiều biểu hiện vô thức giống như X và cũng được hiểu là bất thường (đường đột)5. X là một trong số đó, tất cả chúng đều thuộc về vô thức, nằm ngoài hữu thức6. Chẳng qua X mang dáng vẻ hành vi là Cười lớn7. X là hành vi hiểu được
Bác sỹ B chủ yếu hóa giải tính (được cho là) bất thường của hành vi bệnh nhân bằng cách quy cho nó một trường tri nhận là Những biểu hiện hành vi vô thức. Ngoài ra, ông NGẦM chấp nhận nó là hành vi Cười với toàn bộ động lực tự nhiên của nó (Niềm vui)
Đánh đổ vị trí trung tâm của ngữ nghĩa ngôn từ trong một phán đoán khoa học
Sự gặp gỡ của một bác sỹ và một bệnh nhân nằm trong quan hệ người hỏi - người giải thích với trung gian là ngôn từ. Ngôn từ của người hỏi quy về bệnh của mình, ngôn từ của người giải thích quy về ngôn từ của người bệnh, chúng là Metalanguage (siêu ngôn ngữ). Điều này rất quan trọng: rằng nếu không rõ ràng về phân biệt này, hội thoại sẽ thất bại. Sự thất bại của hội thoại nghĩa là cả hai cùng thống nhất được một lời đáp chung cho vấn đề, song nó dường như không có ý nghĩa đối với người cần được giải thích (người bệnh). Người bệnh mong chờ ở bác sỹ một cuộc phá dỡ ngôn từ; một câu trả lời để làm câu hỏi trở nên vô nghĩa, đưa câu hỏi (vấn đề) của người bệnh trở về đúng nguồn gốc của nó, đó là sự hiểu lầm của người bệnh về hiện thực bệnh lý khi quan sát. Và đó là một bước của việc chẩn bệnh, ở bước còn lại, diễn ngôn của bác sỹ nhắm vào hiện thực: nơi khởi phát (nguyên do sinh học, tâm phân học) của bệnh lý và các triệu chứng của nó đã xuất hiện ra sao dưới con mắt của người bệnh.
Nơi gặp gỡ của bệnh nhân và bác sỹ A: chữ Cười đã bị lạm dụng. Điều cần có trong phát ngôn của bác sỹ A không phải là Cười là một hành vi như thế nào. “Cười” đối với bác sỹ A không phải là chữ “Cười” của người bệnh mà là chữ “Cười” được công nhận rộng rãi về mặt ngữ nghĩa, được cấp nghĩa cho bất cứ một hành vi nào có dáng vẻ của một động tác cơ miệng, xuất phát từ một khích động tâm lý.
Việc diễn giải ngữ nghĩa này trong các câu tiếp theo là thừa thãi, ngay cả khi đã bổ sung được động cơ của “cười trong đêm” là do ký ức cũng không gia tăng được bao nhiêu giá trị khoa học. Kiến giải của bác sỹ A chỉ là một phán đoán thuần túy dựa trên ngôn từ: chỉ ra sự xuất hiện hành vi người bệnh giữa một tập hợp hành vi ngôn ngữ (một tập hợp hành vi có cùng tên gọi). Như chúng ta vẫn thường nói: ông ta chỉ xét đến biểu hiện bề ngoài. Quan trọng hơn, đó không phải là một phát biểu giải thích cái đã biết thông qua cái chưa biết, một phát biểu khoa học.
Trong phát biểu của bác sỹ B chúng ta cần một ít kiến thức Freud, về vô thức và hữu thức. Nhưng điều này không quan trọng, cái chính là bác sỹ B đã đánh đổ khả tính ngữ nghĩa của các cụm từ “bất thường” “cười”, những từ vốn đã hiện ra trước đó với người bệnh, bằng cách giữ nguyên kích thước ngữ nghĩa của chúng (cười) và giải thích siêu ngôn ngữ về chúng (bất thường).
Sự dịch chuyển ý niệm về hành vi bệnh lý của mình đối với người bệnh sẽ chuyển đi từ “cười lớn bất thường” sang “hành vi vô thức diễn tả niềm vui”. Tuy sự khó hiểu vẫn còn nhưng tính chất hiện tượng của triệu chứng đã tiêu biến, thay vào đó, hành vi bệnh lý của người bệnh có cơ hội được diễn tả mình trong một trường tri nhận mới, mà người bệnh có thể hy vọng am hiểu chúng với sự dẫn đường của bác sỹ B.
Đức Anh
Thu 2013
Thu 2013
Nhận xét
Đăng nhận xét