Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương đạt giải thưởng Hội Nhà văn, “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương đạt giải thưởng dành cho tác giả trẻ, và ở hạng mục lý luận phê bình, giải thưởng Hội Nhà Văn được trao cho cuốn sách “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” PGS-TS Trương Đăng Dung. Hầu hết các tác phẩm đạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam đều xuất hiện thầm lặng, nhưng lại của những tác giả đã có sự nghiệp lẫy lừng hoặc ghi dấu ấn đậm nét trong văn học Việt Nam đương đại. Nhìn kỹ vào những tác phẩm này, ta nhìn thấy những chuyển động không hề nhỏ của một thời đại, xoay quanh một câu chuyện giải thưởng
Từ bất cứ nơi đâu trên thế giới, ở bất cứ một lĩnh vực nghệ thuật nào, mỗi khi có giải thưởng hằng năm đều tạo riêng cho nó những diễn đàn xung quanh.
Giải thưởng văn chương luôn là điều cần thiết cho văn học nghệ thuật, ở những lẽ sau đây. Thứ nhất, giải thưởng văn học mang lại cho văn chương những lợi ích hữu hình. Song hành với giải thưởng là tiền bạc và danh vọng: với các nhà văn mới xuất hiện, đó là một sự công nhận và khích lệ; với các nhà văn đã thành danh đó là sự khẳng định. Mà nhiều khi, các nhà văn thành danh cũng cần khích lệ nữa, để tránh khỏi cái nguy cơ chán viết của một sự nghiệp đã đến đỉnh cao. Đó là các lợi ích hữu hình.
Nhưng thứ hai, xét về lợi ích vô hình, giải thưởng văn học là cái cớ để neo lại trong một dòng chảy văn chương, để công chúng và giới phê bình có thời gian nhìn nhận lại một đoạn đường đã qua. Cái dấu chân in lên của đoạn đường trước sẽ tạo nên hõm đất là điểm bật cho chặng đi tiếp theo. Sức lan tỏa của một giải thưởng đúng đắn sẽ đầy sức khơi gợi. Người vô danh nhìn thấy một ngọn đuốc nhận đường mờ tỏ, cũng bước ra khỏi bóng tối để thi thố chữ nghĩa.
Giải thưởng cũng giải quyết cái cô đơn hiển nhiên của một nhà văn: cần được công nhận, và cần được thấy rằng rồi cũng sẽ được công nhận. Đừng ai nói rằng hội hè đình đám trong văn chương là không quan trọng. Ta chỉ tìm thấy đúng bản thân mình trong thế giới bên ngoài mà thôi: cái tôi đích xác tồn tại cho một lẽ cộng đồng, với thứ bậc, vị trí, uy tín xã hội và muôn vàn mối quan hệ tương giao.
Trong văn chương, hào quang không phải là dĩ nhiên. Yêu mến văn học Việt Nam thì sẽ nhìn thấy ngay: chỉ trong hai năm qua, cuộc thi, cuộc vận động, giải thưởng… bỗng trở nên nhiều hơn, là để tìm kiếm một hào quang còn thiếu. Với những người làm công tác tổ chức sáng tác hay quản lý về nghệ thuật, họ kỳ vọng vào các cuộc thi / cuộc vận động và giải thưởng như những công cụ có thể giúp tìm ra những cây bút mới ngoài kia, nhất là khi không gian sinh hoạt văn hóa đã thay đổi nhiều so với trước đây, chứ không còn dồn tụ lại ở một vài tờ báo lớn. Không có cuộc thi hay giải thưởng, sinh hoạt văn chương mất đi một sinh khí, thậm chí là không có dáng hình. Ngày nay ai cũng có thể ra sách, và với một chút ngân sách tiếp thị, sự ủng hộ khéo léo mang tính bằng hữu xã giao, người ta hoàn toàn có thể trở thành một tác giả có nhiều người để mắt. Nhưng ai sẽ đứng bên lề ghi lại những chuyển động của một nền văn chương - cái mà không gì khác, chính là tâm trạng của một thời đại? Việc có các hệ thống giải thưởng văn chương làm cho nền văn học trở nên có xương sống. Xương sống tỏa nhánh ra từng đốt khâu, làm cho văn chương có hình hài và có quyền hy vọng được nâng tầm vóc.
Đương nhiên giải thưởng văn chương cũng có những mặt trái của nó. Giải thưởng cố định và hạn chế tác phẩm, vì dẫu sao, giải thưởng vẫn là những giá trị được khoác lên dựa trên quan điểm của một hệ thống ban giám khảo. Những giải thưởng cũng sinh ra những tác giả sống vì giải thưởng, vì ở họ, cái khát khao vui vầy trong một thế giới của những người cùng đam mê thì lại mạnh hơn khát khao sáng tạo. Người đạt nhiều giải thưởng thường tư duy văn chương như một màn tiến thân: chinh phục cuộc nhỏ rồi mộng mơ những cuộc lớn. Giải thưởng làm cho họ ngấm những khôn khéo kỳ cuộc, lại chuốc vào mình nụ cười mãn ý và hơi thở khinh bạc của kẻ hiểu sự, và rồi dẫu tỉnh ra nhưng không sao khác được, họ quên mất rằng sự nghiệp của một nhà văn là phải xây dựng thế giới quan đặc sắc và tìm ra chân lý riêng tư của những điều họ đặc biệt quan tâm. Cái bẫy danh vọng thì ở đâu cũng có, nhất là khi thế gian quá nhiều cuộc thi sẵn sàng trao cho nhà văn những tấm kỷ niệm chương chói lòa.
Nhưng đến đây, các điểm yếu của những giải thưởng sẽ được bù lại bởi những tranh luận xung quanh nó: công chúng có cơ hội phản biện lại giải thưởng, đọc những tác phẩm bị loại và tái xếp hạng các tác phẩm theo quan điểm của riêng họ. Giải thưởng tạo dịp vui cho giám khảo trở thành độc giả và kích thích các độc giả trở thành giám khảo. Thế nên, việc xây dựng một giải thưởng văn học với quy trình minh bạch, quan điểm rõ ràng cũng như phong cách sắc nét là điều tối quan trọng của những nhà tổ chức. Chúng ta đang nhìn thấy rõ nét một nỗ lực mang đến một hệ thống giải thưởng như vậy trong cả cách phát động, tổ chức lẫn truyền thông sau sự kiện của hệ thống giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm nay.
Mọi nhà văn đều không thiếu khôn ngoan để tránh những bẫy. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến chiến lược tồn tại của một cây bút: một nhà văn giỏi sẽ biết khi nào họ thực sự cần giải thưởng, còn khi nào thì không. Họ cần giải thưởng vì họ cần một động lực để hoàn thành một tác phẩm nhọc nhằn. Họ cũng có thể cần giải thưởng vì điều đó sẽ mang lại những mối quan hệ mới, và mở ra cho họ một cánh cửa đi vào thế giới khác, giúp họ có thêm hơi thở đời sống để bật ngọn lửa sáng tạo. Mọi điều ấy đều quan trọng và chỉ có những cây bút hoặc với tài năng quá lớn hoặc với một mặc cảm của sự không được công nhận mới đi bỉ bôi các giải thưởng.
Thế nhưng những giải thưởng luôn có nhịp của nó. Chọn lựa của nó, phán quyết của nó không hẳn chỉ tác động đến sinh thể tác phẩm hay mạch ngầm của văn học Việt Nam, mà chính nó có lúc phải tiến lên táo bạo, sẵn sàng gây tranh cãi, hoặc lùi lại để chờ đợi, hoặc tìm một chỗ víu thật vững trước khi nhấc gót chân viễn du. Với sứ mệnh là một trong những giải thưởng lớn nhất, mang tầm vóc của quốc gia và cho thấy lăng kính của một nền văn học, giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam là điểm cao trào cuối của một những công cuộc thầm lặng diễn ra trong suốt một năm. Cái công cuộc ấy không phải chỉ là sáng tác, mà là nhìn nhận. Chừng nào giải thưởng còn mang lại một cảm giác chờ đợi và khai phá, chừng đó người ta còn tin tưởng vào một nền văn học lành mạnh.
Kể từ năm 2021, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt nam) xây dựng thêm các hạng mục giải thưởng cho Văn học Thiếu nhi và Văn học trẻ, là một động tác lấy lại thế đứng và điểm tựa cho một cú phóng đi trong tương lai gần. Những mơ ước (xen lẫn đùa cợt) về việc xuất khẩu văn học Việt Nam cũng như đưa tác phẩm tiệm cận đến các giải thưởng xuất bản lớn trên thế giới hẳn không phải là một tầm nhìn thấp. Đó không phải là ước mơ về một đổi mới hay cải cách: đó là hoa tiêu của việc tái ổn định. Bất cứ một xạ thủ nào muốn bắn vỡ tan một đích ngắm khát khao thì trước tiên cũng cần phải chọn chỗ thật đúng, lựa dáng đứng chuẩn lý thuyết và bình ổn tinh thần. Sau những mùa trao giải ít nhiều tranh cãi và chê bai, giải thưởng của năm 2021 thật sự gánh chịu nhiều áp lực. Đây không phải là một năm văn học Việt Nam nở rộ: người ta đi giữa khu vườn văn học Việt Nam, thấy xung quanh nhiều đốm sắc màu của một thứ kì hoa mới nở, nhưng đưa tay ra hái thì khó ngắt được một bông nào đã xòe cánh.
Thế nhưng, để hiện thực hóa cái ước muốn khai phá thêm những tài năng mới, hoặc chỉ để lạnh lùng thầm thì rằng diện mạo của chúng ta đã khác rồi, cần phải có một năm bản lề.
Luôn luôn có những chuyển động rõ nét nếu ta thực sự muốn nắm bắt. Những quyển sách được trao giải - tất nhiên dù có được xác quyết bởi bàn tay của những người chấm giải - nhưng tự thân nó ẩn chứa tâm thức của thời đại và diện mạo cũng như tinh thần hiện có của một nền sinh hoạt nghệ thuật. Khởi đi từ một (hay nhiều) cái chết, “Nắng thổ tang” (giải Tác giả trẻ) và ‘Một ví dụ xoàng” (giải thưởng dành cho Văn xuôi) bám lấy câu chuyện của những vụ án để từ từ khai mở những chuyện về đời sống trong thế giới hiện đại (Một ví dụ xoàng) hay trong quá khứ xa (Nắng thổ tang). Cả hai tác phẩm, tất nhiên được viết trước năm 2021, trở về với lớp lang của tự sự thuần thành: không còn là cuộc chơi của mã hóa văn bản, các tác phẩm ra đời với những cái tên giống như là ngón tay của tác giả chỉ định đích danh (một ví dụ, Thổ Tang). Những sự kiện đã từng có thật, những phiên tòa, với địa điểm đích xác, không mơ hồ làm trung tâm, các nhà văn đưa ra diễn giải của mình và cho thấy bản chất xã hội của con người có thể giải thích được ở mức độ nào. Truyện mang nhiều tính hiện thực, vắng đi những cuộc chơi ngôn ngữ hay manh tâm muốn chọc đến các tầng bí hiểm của ký ức và chủ nghĩa phi lý. Dưới ánh nắng sáng lòa của bối cảnh Thổ Tang, ta đã thấy được diện mạo của hai câu chuyện buộc phải đọc hết đến cuối để nắm được toàn bộ ngữ cảnh, xen giữa những câu chuyện chương hồi, những góc nhìn khác của người trong cuộc (bằng các hình thức như ghi chép, miên thoại với người chết, hay độc thoại nội tâm) - sẽ không có hoặc ngày càng ít đi những chỗ cho những giằng xé giả tạo, làm dáng chữ nghĩa hay phê bình thù tạc.
Vẫn ở những mức độ tham vọng nghệ thuật cao, nhưng hai tác phẩm đạt giải đưa văn học về với chỗ đứng nguyên thủy của nó: truyện kể, vừa đủ lớn để trở nên bao quát cho một biến động lớn hơn nữa của toàn bộ nền văn học, những gì đang được nhìn thấy: rằng không gian hư cấu đang trở lại, với sự trỗi dậy của nhiều tác phẩm văn học giải trí, hay tiểu thuyết li kì. Đã hết thời Việt Nam rụt rè bước ra hoàn cầu, và rồi choáng ngợp trước những đổi thay của cả nội tại lẫn ngoại giới, để rụt rè nhìn lại bản thân, đặt lại câu hỏi về đạo đức, bản ngã và danh tính cũng như nhút nhát thử nghiệm một vài dạng thức văn hóa mà hoàn cầu đã phổ biến. Và đã đến thời nhìn nhận và giải thích lại bản thân theo con đường của một lý trí sục sạo, không ngừng nhìn và chịu khó đưa ra cái nhìn. Thời của “Thiên thần sám hối” và “Những đứa trẻ chết già” mạnh mẽ đặt vấn đề, thời của “Một ví dụ xoàng” lạnh lùng giải quyết vấn đề. Kể câu chuyện của đao phủ và kẻ tội phạm có xuất thân học thức, hai tác phẩm chọn hẳn một chỗ đứng không mập mờ. Rằng cái bóng tối trong tâm hồn người Việt không phải là những phi lý âm thầm như người Nhật hay Hàn Quốc, mà là những xung năng có thể giải thích được, gồm những mảnh nhỏ của mặc cảm và sự lười biếng chống lại những lý luận tàn ác và hung hăng… Cũng như vậy, người ta dần thấy nền phê bình bỗng nhiên tràn đầy những lý thuyết nhập khẩu (nhiều, quá nhiều, đến mức trở nên nói sao cũng có thể thành nghiên cứu văn học và tạo điều kiện quá thuận lợi cho những “giả phê bình” bấm lấy những chữ nghĩa và thuật ngữ lung linh mơ hồ) thì nay phải nhìn lại bản thân mình, không phải vì đã có thêm nhiều gương mặt văn học mới, mà là vì nhu cầu của nền văn chương giờ đây tiếp tục cần nhà phê bình phải nhập cuộc hết mình và kể được câu chuyện của họ, dẫu là một câu chuyện nhỏ. Nhưng cũng vì thế, tập sách phê bình tuyệt vời nhất, “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” được giải thưởng vinh danh.
“Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” không có gì lạ: đó là hơn hai mươi tiểu luận khác nhau được viết trước năm 2010 (phần lớn là 2004 và 2006) của PSG TS Trương Đăng Dung, nghĩa là đã có những vấn đề chỉ còn nóng ở thời điểm cách đây mười lăm năm. Thời điểm được trao giải, trong hai năm qua có rất nhiều tập sách phê bình được ra đời, trong đó có những cuốn sách xuất chúng xen lẫn cả những sự xuất hiện xem ra là vội vàng để được góp mặt trong một không khí gì đó đang sôi động chung, mà chính họ có thể không hiểu hết những sôi động ấy. Tuy nhiên, ta có thể thấy bàn tay sắp xếp của người viết sách (và điều này mới xứng đáng làm nên giải thưởng: viết văn học và đọc văn học là gì nếu không phải là những động tác sắp xếp) cẩn trọng đến chừng nào. Xuyên suốt hai mươi sáu chương, ta nhìn thấy một người đang nhẫn nại làm rõ mồn một những hỗn loạn bây giờ của lý thuyết: khoa học văn học là gì, đối tượng của nó là gì và có nên nhầm lẫn đối tượng của lý luận văn học với phê bình hay không, chủ thể là gì và tại sao ta phải quan tâm đến cả chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể tiếp nhận. Văn bản - đối tượng của lý thuyết và tiếp nhận - là gì và không phải là gì, nó có thể chuyển động như thế nào và giới hạn của chúng ta đến đâu khi cố gắng xử lý nó. Tiếp đó, chúng ta mới đi đến những hệ thống mỹ học khác nhau trước khi tấn công vào một thế giới văn bản cụ thể: Franz Kafka. Con đường lớp lang này xoay vòng quanh một trụ cột “Sự bất ổn của nghĩa” một cụm từ sinh động và chắc chắn rồi, xung động, gây tò mò cho những người háo chữ. Thật khó để giải thưởng xướng tên một tác phẩm khác có tham vọng dò dẫm và khai mở một con đường mới, vì chưa phải lúc. Những bất ổn của nghĩa - thực ra cũng là bất ổn của phê bình văn học và diện mạo văn chương của một thời chưa qua hẳn - được tái định bởi tác giả Trương Đăng Dung, người hẳn đã cách đây mười lăm năm - cầm bút dưới bóng tối của những niềm cảnh giác không để rơi vào chủ nghĩa hư vô.
Câu chuyện chúng tôi vừa kể trên không phải là về những tác phẩm đang xứng đáng có một giải thưởng tốt, mà là về “một giải thưởng xứng đáng có được một tác phẩm tốt”. Trở lại, minh định, sàng lọc, sắp xếp và nhường phần tuyên ngôn cho tương lai: đó là ba tác phẩm đã được trao giải thưởng của Hội Nhà Văn năm 2021. Ba tác phẩm tồn tại độc lập, nhưng gặp nhau ở một sự kiện thượng đỉnh của văn học Việt Nam phần nào tạo ra một mỏ neo vững chắc cho những hy vọng sắp tới của một nền văn học đang chuyển mình. Trên một tờ báo, sau sự kiện giải thưởng, có độc giả nói như thế này: “Rất mừng là thời gian gần đây những giải thưởng cho văn học, cho sách đã ít nhiều tiệm cận giá trị chứ không phải là trao lấy được như những năm trước. Hãy xem lại những giải Nhất văn xuôi của năm ngoái, năm kia, và năm kia nữa nữa, thực sự chúng lướt qua tầm mắt người đọc mà chẳng để lại một mảy sóng”. Như vậy giải thưởng cũng có thể tạo ra những ấn tượng mất giá, và điều đó khởi lên những nghi ngờ - suy cho cùng thì không phải là vô lý. Song giờ đây, chắc chắn trong tương lai gần ta sẽ nhìn rõ hiệu quả của những màn trao giải, chọn lựa đúng đắn và hợp lý của giải thưởng Hội Nhà Văn 2021.
Đức Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét