Chuyển đến nội dung chính

Quãng đời ở Đà Nẵng (I)




"Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối
Soi bóng chung đôi mà ngỡ chia phôi"



Ở Đà Nẵng, tôi sống bồng bềnh trên không, như một con nhện đen bám vào một sóng lụa. Ở đấy đời đẹp không phải vì biển hay núi, mà ấy là lần đầu tiên tôi hiểu ra nhiều thứ. Vì nơi ấy tôi có tất cả, tất cả mọi thứ đẹp đẽ nhất ở đó. Có ảm đạm đèn đường, có hun hút xóm khuya, có vắng quán đêm và nhỏ ngõ. Chỉ cần một lần được ở đó, được đi bộ men lối từ Ngã tư Nguyễn Chánh, giữa quốc lộ 1A, qua Bệnh Viện Tâm Thần, phóng mắt nhìn suốt về một đô thị tinh vân bí ẩn, và quay lại là những mảnh đồi Hải Vân kì vĩ sau lưng, nhưng rồi lại không lựa chọn gì cả, lại chọn lựa rẽ thẳng vào cái kiệt sứt sẹo nhất, mỗi bước lại một chùn xuống, những nhà cửa thấp bé đời đời nói lời từ chối khách và những đôi mắt duyên hải trung bộ tò mò nhìn lên, ta bỗng rùng mình khiếp sợ cái tính hợp lý của đời sống này. Chẳng phải tất cả đã rõ ràng rồi sao? Rằng cuộc đời là phép cộng của những gì đúng chỗ, ta còn đi tiếp để làm gì?

Nhưng cũng suốt một con đường ấy, ngày nào người ta cũng mở bài Phố Đêm, Nửa Đêm Ngoài Phố và Sương Lạnh Chiều Đông. Ba ca khúc cứ như thể chính là để hát về vùng ngoại ô Đà Nẵng. Lần đầu tiên những bài hát ấy là của chung, không còn hát cho riêng từng số phận. Đó chính là sứ mệnh của Bolero. Phố Đêm thì không hề tả phố, thậm chí hình như cũng không tả đêm nốt. Một từ ấy thâu tóm tất cả. Chưa bao giờ những giai điệu ấy lại mãnh lực như vậy, suốt một tháng trời tôi không hiểu gia đình nào phát ra những ca khúc đó. Đấy thực sự là một ý chỉ, một sấm truyền.

Quãng đời ngoại ô của tôi thì rất ngắn, nó ngắn vì nó đằng đẵng những lặp lại, ngày nối ngày đêm nối đêm. Ở ngoại ô, tôi là thanh niên Bắc Kì ngày ngày mặc quần đùi đi ăn mì Quảng, hủ tiếu. Tôi thực sự viết tiếp Tường Lửa ở quãng đó. Quán cafe 222 ngày nào cũng thấy một khách lạ, ngồi khuất sau đám chơi bài, với một cái máy tính nhỏ, và Cocacola chanh, giọng thì Hà Nội. Tôi viết cho đến khi hoàng hôn xuống. Sáng ra, tôi chạy bộ ra cửa biển Nguyễn Tất Thành, đất ở khu vực ấy được phân lô đều như cắt bánh. Bầu trời có màu vàng đục của một ánh lửa nhìn qua tờ giấy pơ luya. Hoang sơ và trù phú xếp cạnh nhau, tự do và tù đày xếp cạnh nhau, làng mạc hoang vu xếp cạnh đô hội mê cuồng, biển khơi xếp cạnh núi đèo hung hiểm và ở giữa của những đối xứng ấy, ngay chính trung tâm, là Bệnh viện Tâm thần – kim chỉ nam của các shipper mỗi lần họ gửi đồ cho tôi. Cấu trúc bền vững ấy tựa như một lâu đài vĩnh cửu, ta chỉ việc chân sáo rong chơi. Tôi nhớ mãi những ngày đầu tiên, khi ngồi trên chiếc ghế gập và uống nước dừa (chắc chắn không phải nước mắt quê hương), nhìn lên vòm trời khổng lồ để cố đoán xem cái vệt khói thẳng đứng ở phía kia có thể là hệ quả của hiệu ứng khoa học gì đây, một tôi trong số rất nhiều cái tôi của tôi nói rất khẽ rằng, đây chính là đời ta đây rồi.

Nhưng đa phần người ta đến Đà Nẵng để nhận ra rằng đấy không phải là cuộc đời của ta, không phải đâu ạ. Cuộc đời của ta là văn phòng buồn tẻ và hạnh phúc giả vờ. Là niềm vui dối trá của một đời riêng đã tan hết vào tập thể. Những đóa hoa chết, những ngục tù nhìn nhau qua kính cửa Eurowindow của tầng mười hai... (Và một trừng phạt nữa là những chuyến du lịch cùng cơ quan đi biển Mỹ Khê, sau khoảng một giờ bay từ Hà Nội, người ta sẽ làm một trò gọi là team building. Trò này đặc biệt hữu hiệu vì nó nhắc nhở rằng chúng ta không phải là người đâu).

Ở đấy tôi có một người bạn tốt. Anh chia sẻ cuộc đời trầm lặng của mình cho tôi, không có món quà nào lớn hơn thế. Phòng chúng tôi tràn đầy âm nhạc, lũ gián có lẽ cũng đã thuộc bài Xóm Đêm của Phạm Đình Chương, bọn muỗi thì không lạ gì Trầm Tử Thiêng Đưa Em Vào Hạ, nỗi sầu chinh phụ của Tạ Từ Trong Đêm đã vỗ về giấc mơ của loài thạch sùng. Đêm, gió biển nhấn chìm những tấm thân trót mang chí cả, chúng tôi uống thật say: thành phố kia không rõ là mơ hay thực.

(Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện ngắn] Bạch Đàn - Đức Anh

  Bạch Đàn Truyện ngắn ĐỨC ANH Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Anh Quốc  (Đã đăng Viết và Đọc chuyên đề mùa hạ 2021 )   1.    Vào đầu tháng ba năm ấy, tôi mất đi Xuân, người vợ của mình. Đó là vì một vụ hoả hoạn.   Và mãi tận cuối tháng tám năm ấy, tôi mới cho phép nỗi đau của mình, cùng những gì giả vờ nhất và chân thực nhất của nó, lui gót. Tôi bắt đầu kết thúc trạng thái đối phó với những kẻ lăm le động viên, những kẻ lúc nào cũng mang ánh mắt thương cảm lạc quan đến và tạo cho tôi cảm giác tôi đang giả vờ tuyệt vọng. Khi tôi thức dậy thì đã tà chiều, tôi dỡ báo giấy bọc kính cửa, mặt tôi trong kính trông như được tạc trên một cái chuông. Ngoài kia có giông, cây cối nghiêng đi trong trận gió điếc. Và nhờ những tia nắng nhút nhát cuối cùng đậu lại, xuyên qua lớp băng dính đã hết chất keo, căn phòng ánh lên một màu cá kho bóng lưỡng. Khung cảnh ấy hút hồn tôi một lúc lâu, tôi kiếm chiếc ghế và đầu tôi chỉ còn hai ý nghĩ: hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi phải sống kh...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...

Ngõ Tạm Thương

Rồi máy hút bụi sẽ hút mọi kiếp nhân sinh, nhưng người đời nếu ai trót đến chốn Hàng Bông, vào một ngõ, chẳng may nhìn thấy một vết hằn vện lên trên mặt đường bóng của một trận mưa mù, thì đấy chính là cái dấu vết tuổi trẻ của tôi chì xuống. Hoặc cũng có thể là dấu vết của một ai khác tôi biết mặt. Và cái dấu vết dừng lại ở một quán rượu. Tôi đã uống rượu ở đó, rất lâu. Năm hai mươi ba tuổi, có một vĩ tuyến mười bảy chia linh hồn tôi làm đôi, trái tim tôi là lửa đỏ Mậu Thân còn trí não tôi trống rỗng như một mảnh đồi sau cuộc triệt thoái. Tôi từng ngồi đó, như nhiều người khác, nơi một khổ cửa sắt, đợi một kẻ vô hình không bao giờ đến.   Tôi chơi bời với những người lớn tuổi hơn, nuốt từng chén quá khứ của họ vào quá khứ của mình. Bắt được gì hay là tha lôi chúng về để xây một dĩ vãng đánh lừa. Tâm hồn bọn tôi là một sân ga những kẻ trốn vé. Vì có nhiều bạn bè nên có quá nhiều sân ga, chúng tôi xếp lại với nhau thành trảng đất rộng, khi dóng chén lên là có một chuyến tàu đi xuyên....