Chuyển đến nội dung chính

Virus Corona là chính chúng ta

Lưu ý: Bài viết này lấy từ Blog của TS. Trần Ngọc Hiếu, có tính chất sưu tầm. Chúng tôi không hề có công sức gì ở đây, chỉ đăng tải lại.
Michael Marder là giáo sư triết học tại Đại học xứ Basque. Tôi chú ý đến ông khi quan tâm đến những động hướng phát triển của phê bình sinh thái. Ông là một học giả được nhắc đến nhiều trong nhánh nghiên cứu Critical Plant Studies với các chuyên luận như Plant-Thinking: A Philosophy of Vegetal Life (2013), The Philosopher’s Plant: An Intellectual Herbarium (2014), Through Vegetal Being: Two Philosophical Perspectives (đồng tác giả với Luce Irrigaray). Bài viết này của ông có lẽ mới là một phác thảo ý tưởng nhưng tôi cho rằng ông có tiếp thu tư tưởng của Gilles Deleuze về tồn tại: tồn tại tức là đang trở thành. Marder nhận thấy xã hội loài người trên thực tế đang ở trong quá trình trở thành virus. Và nhận thức này đòi hỏi con người trước hết phải nghĩ khác đi về chính mình và xã hội loài người.
ary3d-post-apocalyptic-cit-1-a618068b-1a58

*
Sự bùng phát của virus corona chủng mới (COVID-19), giờ đang có nguy cơ trở thành đại dịch chính thức, đã bắt đầu gây ra hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu, khiến một số quốc gia phải ban bố tình trạng báo động. Nó đã gieo rắc nỗi hoảng sợ, bóp thắt các thị trường tài chính, và đau đớn hơn cả, dẫn đến những tổn thất về sinh mạng. Cho đến lúc này, hầu như chúng ta chẳng có thời gian để suy tư và rất ít người dừng lại băn khoăn, rằng khủng hoảng này có thể nói điều gì về chính chúng ta – về thân thể, cộng đồng, hệ thống chính trị của chúng ta, về bản chất của tính kết nối tương thuộc giữa chúng ta vốn ngày càng tăng cường và vượt qua các biên giới. Nhưng tôi tin thứ virus này có những điều rất quan trọng để nói với chúng ta.
Ngay trước khi bệnh dịch này bùng phát, việc dựng nên những bức tường, phong tỏa các biên giới – giữa Hoa Kỳ và Mexico, Israel và Palestine, Hungary và Serbia cùng với Croatia, và ở nhiều nơi khác nữa – đang trở thành một xu thế toàn cầu. Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc vốn kích động xu thế này đã nuôi dưỡng chính mình trên nỗi sợ những kẻ di dân và định kiến xã hội, trong khi lại xưng tụng những lý tưởng bất khả về sự thuần khiến bên trong những tổ chức xã hội được xây thành đắp lũy bao quanh.
Việc đóng biên giới, hạn chế du lịch và các phương thức cách ly đang được áp dụng để đối phó với virus, trên bề mặt, là những biện pháp y tế, nhưng đồng thời chúng cũng mang ý nghĩa tượng trưng, theo cùng một logic cơ bản với việc dựng nên những bức tường vật chất vì những lý do chính trị. Cả hai kiểu hành động này đều nhằm đảm bảo an toàn cho công dân, trao cho họ một cảm giác về sự an toàn “giả”.  Cùng lúc đó, chúng không quan tâm đến vấn đề chính yếu – tình trạng tệ hại của việc quản trị và đưa ra các quyết định trên phạm vi xuyên quốc gia, điều cực kỳ quan trọng để giải quyết vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, bệnh dịch lan tràn và tội phạm kinh tế như trốn thuế.
Thuyết sinh tồn lúc nào cũng đi theo một quỹ đạo song song với chủ nghĩa dân tộc virus (virulent nationalism). Cốt lõi của nó là sự hư cấu về con người cá nhân tự lực, hoàn toàn độc lập và tự trị giống như Robinson Crusoe, một gã đủ thông minh và mạnh mẽ để có thể tự cứu mình và có lẽ gia đình của anh ta (việc dùng đại từ chỉ nam giới ở đây hoàn toàn không ngẫu nhiên). Theo lối mòn của học thuyết thần học về sự cứu rỗi vốn chỉ dành cho số ít được lựa chọn, ý hướng này trừu tượng hóa loài người, tách biệt loài người khỏi môi trường, cộng đồng, kinh tế và những bối cảnh khác của đời sống của họ.
Khi hoảng loạn bắt đầu phát sinh ở một chốn nào đó, việc đóng cửa biên giới của bản thân giống như một động thái chính trị bảo thủ: thực phẩm và thuốc men dược tích trữ trong khi đó một số ít những kẻ giàu có nhất thì chuẩn bị cho mình boong-ke xa xỉ chờ ngày tận thế. Song những gì mà chủng virus mới này cho thấy, trái ngược với những hư cấu về khả năng sinh tồn, các biên giới theo định nghĩa thông thường đều bị xốp, dù có được kiên cố hóa thế nào đi nữa, chúng vẫn giống như những màng sống hơn là những bức tường vô cơ. Cá nhân hay nhà nước nào càng cố gắng tìm cách cắt đứt mình với bên ngoài thì lại càng khốn đốn.
Còn hơn cả những sự bùng phát thi thoảng đe dọa chân trời toàn cầu tưởng như bình lặng, virus chính là sự hình tượng hóa thế giới chính trị và xã hội đương đại. (Ta có thể nói đùa theo kiểu dân lập trình rằng: virus không phải là virus mà là một tính năng.) Và trong trường hợp này, một biểu tượng mới, tinh tế hơn bức tường đã xuất hiện – vương miện.
COVID-19 thuộc nhóm virus RNA có thể truyền giữa người và động vật. Như thế, nó không tuân theo hệ thống phân loại tự nhiên và ranh giới giữa các loài. Con virus có bề mặt hình cầu, đầu nhọn giống như cây trùy này được đặt tên là corona, vốn xuất phát từ chữ Latin có nghĩa là “crown” (vương miện), còn trong tiếng Hy Lạp, korōnē, thì có nghĩa là “vành hoa”, “vòng hoa”. Đó hoàn toàn là một hình ảnh hoàn hảo về quyền uy tối thượng: một chiếc vương miện được trao cho một thực thể vi mô, xóa nhòa sự phân định giữa các lớp sinh thể khác nhau cũng như phạm vi của sự sống và cái chết. Vượt qua những biên giới cũ, thứ virus này trở thành hình tượng về quyền uy tối thượng trong thời đại của sự phân tán quyền lực. Để hiểu được nó hoạt động thế nào, ta phải nhìn vào cơ chế mà quyền lực hiện nay đang vận hành.
Một khía cạnh trong hoạt động của virus là nó có thể thâm nhập vào và sao chép lại các tế bào chủ và các chương trình máy tính. Một khía cạnh khác là nó có thể tự nhân mình lên càng rộng càng tốt. Trong thế giới của truyền thông xã hội, cả hai khía cạnh này đều thực sự gây thèm muốn: Khi một bức ảnh, một đoạn video, một chuyện cười hay một câu chuyện được chia sẻ và nhanh chóng lan tỏa giữa những người dùng internet và điện thoại di động, người ta nói nó đang trở thành “viral” (tính từ của virus). Một nội dung mang tính viral cao không chỉ cần đến sự nhân rộng với tỉ lệ cao, nó còn cần phải gây ra một tác động, có thể hình dung như khả năng nó sao chép văn bản xã hội mà nó đã thâm nhập vào được. Mục tiêu cuối cùng là phải khẳng định được ảnh hưởng của ai đó thông qua một hình ảnh hay câu chuyện được phát tán rộng khắp và chiếm lĩnh quyền lực ấy. Việc trở thành viral phản ánh một mức độ đáng kể của sự phức tạp trong mối quan hệ gần gũi giữa chúng ta với virus: nó là thứ vừa làm chúng ta sợ hãi khi có thể trở thành mục tiêu và vật chủ của nó; nó làm chúng ta thèm khát khi trở thành công cụ để khiến chúng ta có thể nhắm đến công chúng với quy mô lớn. Đem so sánh việc trở thành viral trên Internet với dịch bệnh do virus corona đang gây ra không phải là phép tu từ cường điệu. Quy mô toàn cầu của những dịch bệnh gần đây là hệ quả từ sự di chuyển ngày càng gia tăng và các mối liên kết tương thuộc theo ý nghĩa rất vật chất giữa các bộ phận của nhân loại khi tham gia vào các hoạt động như du lịch đại trà, trao đổi giáo dục và lao động, các mối quan hệ đường dài, các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế… Chính trên những du thuyền như trường hợp tàu Diamond Princess, trên máy bay, tàu xe, khách sạn, virus mới phát tán bên ngoài điểm nóng của nơi phát sinh – nói khác đi, trong những trường hợp như thế, virus lan tỏa khi chúng ta tự gửi chính mình đi, chứ không chỉ là hình ảnh hay thông điệp, ra đâu đó.
Dù thích nó hay không, tất cả chúng ta đều là vật chủ của những yếu tố vốn xa lạ với mình trên mọi cấp độ của tồn tại. Hơn nữa, vật chủ luôn nguy cơ bị làm hại bởi những gì mà nó chứa. Nguy cơ này là thứ không loại bỏ được. Thay vì dựa vào bóng ma của những nhà nước-quốc gia toàn quyền và những cá nhân tự trị, chúng ta phải học để sống trong một thế giới nơi tính chất kết nối của nó không chỉ mang tính chất “ảo” hay lý tưởng thông qua các công nghệ truyền thông mà còn mang tính vật chất, thông qua những tiếp xúc hiện thân. Nói tóm lại, chúng ta phải sống trong một thực tại mà ở bất cứ khoảnh khắc nào, nó cũng có thể trở thành viral.

(Hải Ngọc dịch)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...