(Toàn văn Tham luận tham dự Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội 2019 tại Cúc Phương, Ninh Bình)
Ngày hôm nay, tôi rất hân hạnh và vui mừng được tham dự Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội 2019 với chủ đề "Vai trò của đội ngũ nhà văn trẻ trong sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước", được tổ chức bởi Hội Nhà Văn Hà Nội với sự đồng hành của UBND TP Hà Nội. Đây là một dịp quý giá để chúng tôi có cơ hội gặp gỡ giao lưu với các nhà văn thuộc nhiều thế hệ, cùng những người đại diện của các cơ quan hữu quan.
Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ lần lượt đặt ra một số vấn đề chính yếu và đáng quan tâm văn học đương đại Việt Nam. Trong đó, chúng tôi sẽ trình bày về các dòng tiểu thuyết thị trường (hay còn gọi với chính xác hơn với thuật ngữ Genre-Fiction), những ưu nhược điểm, thuận lợi và vướng mắc khi các tác giả trẻ Việt Nam đang chọn sáng tác các dòng sách này. Từ đó, chúng tôi sẽ nghiêm túc đặt câu hỏi Văn học trẻ Việt Nam là gì? Tầm quan trọng của nó đến mức nào? Và tất cả những tác giả trẻ (giống như chúng tôi), nói như nhà thơ Trần Thị Lam, rồi sẽ đi về đâu? Đồng thời đưa ra một số luận điểm cá nhân cũng như đề xuất. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh những ý kiến phản biện và đóng góp để có được một cuộc trao đổi lành mạnh, đúng tinh thần của cuộc hội thảo giá trị này.
Thưa toàn thể hội nghị, các câu hỏi: văn chương là gì? Nhà văn là những ai và họ làm gì? Không bao giờ là câu hỏi cũ. Cho dù đã bước chân vào hay vẫn còn ở trong phòng chờ của văn chương, rồi sẽ đến lúc những người cầm bút phải đặt lại toàn bộ vấn đề ấy. Nhất là khi, thời đại xung quanh chúng ta biến đổi ngày một nhanh chóng và mạnh mẽ. Có lẽ nào chúng ta đang biết ngày càng ít hơn về thế giới xung quanh mình hay không? Những lớp người ở thế hệ mới nghĩ gì? Rất nhiều những vấn đề phái sinh từ một câu hỏi duy nhất. Nhà văn là người quan sát thời cuộc, nhưng điều đó cũng luôn phải đặt cạnh sự cẩn trọng: cái vị trí quan sát của anh có thể sai bất cứ lúc nào.
Tuy chưa thể trả lời câu hỏi ấy, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng, sự đọc văn chương của một thời kì bao giờ cũng phản ánh đúng đắn tâm trạng của thời kì ấy. Sự đọc ấy là một quá trình va đập qua lại giữa nhà văn và độc giả, trên một cái sân chơi chung là thị trường. Thị trường không bao giờ là một yếu tính của văn học, nhưng thị trường lại là một thước đo không thể bỏ qua. Trong khi đợi chờ "Gô-đô" của Văn Học Việt Nam, tức là những tác phẩm rất lớn đi ra thế giới, thì chúng ta đương nhiên vẫn cần những sinh hoạt văn học ổn định. Một sự sinh hoạt ổn định và lành mạnh mới có thể tạo ra hy vọng cho các tác phẩm lớn (dù hy vọng đó, có thể luôn luôn đồng nghĩa với ảo tưởng đi chăng nữa). Thị trường văn học trong nước chính là nơi tạo ra những sinh hoạt đó: nơi các tác giả sáng tạo, thử nghiệm, nơi đọc giả đón nhận, được thể hiện quyền năng của bên bỏ công sức và tài chính để tìm đọc sách.
Ngày nay, gần như chúng ta khó có thể chờ đợi, ở một chung cư heo hút nào đó, một Marcel Proust hay một Kafka ẩn thân. Văn chương là câu chuyện của sự sàng lọc của thời gian, nhưng cũng lại là câu chuyện của thời điểm. Hầu như tất cả những tác giả trẻ ngày nay đều sinh hoạt trên thị trường Văn học Việt Nam.Họ khác biệt về quan điểm, chọn lựa, nhưng trải qua cùng một quy trình, một thiết chế: thiết chế của xuất bản. Xuất bản ngày nay gần như đồng nghĩa với thị trường, một sân chơi ngang vai trò giữa: các công ty sách lớn, có uy tín, các biên tập viên lành nghề, các nhà nghiên cứu và độc giả.
Như vậy các nhà văn trẻ ngày nay có thêm rất nhiều câu chuyện: lựa chọn về dòng sách, lựa chọn về thế đứng, lựa chọn về đối tác xuất bản và truyền thông.
Chúng ta có thể nhìn thấy sự trở lại của tiểu thuyết thị trường trong những năm gần đây. Có lẽ đã có nhiều thời sự văn chương của báo chí và các nhà nghiên cứu thống kê lại, nên chúng tôi xin phép không điểm lại lịch sử của nó. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào hai chữ "tiểu thuyết" bởi trong một thời gian dài Văn học Việt Nam là thời kì của những truyện ngắn, đặc biệt vào giai đoạn 1975 – 2000 và những nhà văn thành danh vì truyện ngắn, chúng ta đã từng mong chờ một giai đoạn của tiểu thuyết. Thì ở thời điểm hiện tại, ta có thể nói rằng: tiểu thuyết đang trở lại. Người đọc đang cần một thế giới văn chương rộng lớn, một câu chuyện dài hơi đủ để đắm mình vào, và tạm quên đi cuộc sống bên ngoài văn bản.
Các nhà văn trẻ Việt Nam, với ý thức mạnh mẽ về thị trường, đang có nhiều nhóm tác giả dấn thân sáng tác Genre-fiction, tức tiểu thuyết giải trí. Genre-Fiction là một thuật ngữ chỉ các nhóm tiểu thuyết có chung đặc trưng về đề tài, cách triển khai và có thước đo đánh giá riêng. Các nhóm tiểu thuyết này bao gồm: Tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết trinh thám, kinh dị, tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên, tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu thuyết du kí, tiểu thuyết lịch sử và kì ảo (fantasy).
Các dòng tiểu thuyết này đã từng được phân biệt với với literary fiction (văn chương chính thống) trong các đặc trưng:
- Genre-fiction không chú trọng mức độ khám phá / cách tân nghệ thuật
- Genre-fiction thường có những mô típ truyện quen thuộc
- Genre-fiction thường có công thức riêng biệt để sáng tác. Những nhà văn lớn của thể loại này là những người có thể sáng tạo và mài dũa những kĩ thuật viết rất "tinh xảo", ví dụ như nữ nhà văn Paula Hawkins (tác giả của "Cô gái trên tàu", "Vào trong dòng nước"), là người luôn viết xen kẽ điểm nhìn của tất cả các nhân vật.
Chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết thị trường đang có cơ hội để phát triển một cách cân bằng. Một thời gian dài, sau khi hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi các dòng sách ngôn tình, lãng mạn, thì khoảng bốn năm trở lại đây, chúng ta đã nhìn thấy các tác giả ở các lứa tuổi lựa chọn dấn thân vào các dòng sách khác. Dòng tiểu thuyết kì ảo nổi lên mạnh mẽ với các tác giả Nguyễn Đình Tú (Bãi Săn), Bùi Cẩm Linh (Chuyện bên rìa thế giới), Hoàng Yến (Săn mộ) hay một vài tác giả của cuộc thi Văn Học Tuổi Hai Mươi còn kết hợp nó với các đề tài lịch sử. Tiểu thuyết trinh thám li kì – vốn nghèo nàn về truyền thống - cũng đón nhận một vài khởi sắc kể từ năm 2017.
Tại sao các tác giả trẻ, hoặc mới cầm bút, lại lựa chọn các dòng sách này? Chúng ta cần phải điểm qua những ưu điểm của nó.
Thứ nhất, về mặt lựa chọn viết: người ta bao giờ cũng phải vượt qua câu hỏi Viết gì bây giờ. Thì việc lựa chọn các dòng tiểu thuyết được định hình chính là một phương án, tuy không tốt nhất, nhưng khả thi nhất để có một bệ phóng. Câu chuyện tiếp theo sẽ rất dễ dàng: thứ nhất, nghiên cứu về dòng tiểu thuyết mình theo đuổi, nghiên cứu về thị trường xuất bản và lên ý tưởng cũng như đặt bút. Những cá nhân có tài năng trong dòng sách họ lựa chọn sẽ không gặp mấy trở ngại để được tiếp nhận.
Thứ hai, về mặt tiếp nhận: chúng tôi không cho rằng tiểu thuyết thị trường – Genre-fiction – dễ đọc hơn các dòng văn học được gọi là chính thống; nhưng trong một chừng mực, sự tiếp cận nó luôn luôn dễ dàng hơn. Bởi lẽ, người đọc Việt Nam vốn đã thụ đắc kinh nghiệm với văn học nước ngoài. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều Công ty sách lớn, các Tạp chí Văn học và các cơ quan nghiên cứu Văn học sẵn sàng ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các tác giả trẻ Việt Nam.
Thứ ba, bản thân những dòng sách này đang ngày càng có sự phát triển thông qua quá trình sáng tạo không ngừng của các nhà văn lớn trên khắp thế giới. Ở lĩnh vực của riêng tôi, dòng tiểu thuyết trinh thám, giờ đây không còn là câu chuyện của thám tử và án mạng. Dòng tiểu thuyết trinh thám hiện tại (Neo-noir fiction) đã có rất nhiều nhánh nhỏ như Mystery (Bí ẩn), Suspense (Hồi hộp), Psychological Thriller (Kinh dị tâm lý), Crime (Hình sự)... Đặc điểm chung luôn là những bí ẩn liên tiếp dần dần được bóc tách và phá giải, rồi mang lại cho người đọc cảm giác li kì, hồi hộp, rồi ngỡ ngàng. Ở một số nền văn chương như Nhật Bản hay Pháp, các dòng tiểu thuyết đen ngày càng thu hẹp ranh giới với "văn họcchính thống": rất nhiều những giá trị văn chương, những viên ngọc về ý tưởng, nhân sinh quan lại có thể tìm thấy ở tiểu thuyết trinh thám. Đọc Fred Vargas (tác giả "Trong những cánh rừng vĩnh cửu"), ta thấy bà kể một câu chuyện trinh thám giống như những mảnh chuyện cổ tích rất nên thơ. Dennis Lehane (tác giả "Dòng sông kì bí") có văn chương đẹp đẽ và u buồn. Hay một nhà trinh thám hiện đại Pháp như Pierre Lemaitre (tác giả của "Ba Ngày và Một đời", "Hẹn gặp lại trên kia") đã đạt giải Goncourt năm 2013. Một tên tuổi lừng danh của khoa bác ngữ học như Umberto Eco cũng chọn trinh thám làm dòng sách khi ông đặt bút viết văn xuôi.
Sự tìm tòi của các nhà văn trẻ ngày nay và sự ngày càng khắt khe hơn của độc giả khiến Genre-Fiction Việt Nam có động lực để chấn hưng thị trường trong nước, cũng như nhìn về phía xa đó là ra khỏi biên giới của riêng Văn Học Việt Nam để đến với bạn đọc thế giới.Có một chủ đề quan trọng ta sẽ thấy ngay ở đây:Giống như điện ảnh các nước, Genre-fiction chính là một suối nguồn về ý tưởng cho điện ảnh Việt Nam.
Thứ tư, bản thân các nhà văn trẻ thế nào? Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng ngày nay các tác giả trẻ đã xuất hiện khác trước. Họ có thể mở một website, một kênh youtube, họ có thể là một blogger nhiều người theo dõi.. Nhưng họ cũng hoàn toàn có thể là bất cứ ai ngoài kia, bỗng một ngày xuất hiện với một cuốn tiểu thuyết gây chú ý lớn. Không ai biết họ là ai, không một tòa soạn nào từng gửi nhuận bút cho họ - vì họ đâu có viết tạp chí, hay đi học ở các trường lớp liên quan. Việc năng động với truyền thông đã khiến các tác giả trẻ có những không gian nhất định để quan sát và thúc đẩy tác phẩm của mình, một khi nó đã sống trên thị trường
Nhưng bên cạnh đó, những khó khăn và thách thức là không hề nhỏ.
Cuộc chơi của các nhà văn trẻ là một trò chơi xếp gỗ: ta phải giữ đươc cân bằng, trước hết, là cân bằng giữa năng lượng sáng tạo và năng lực tiếp nhận của thị trường. Sau đó là cân bằng giữa cuộc sống đời thường, và cuộc sống văn chương. Trong đó, chính yếu là sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong mỗi dự án sách. Ba điều kể trên thường xuyên gây vấn đề.
Khó khăn đầu tiên gặp phải nằm ở những điều kiện khách quan:
Thứ nhất, Genre-fiction Việt Nam đi sau thế giới rất lâu. Ngay cả ở trong nước, với sự lớn mạnh của văn học dịch, đương nhiên người đọc sẽ khắt khe hơn với sách Việt Nam. Ở trong sự khắt khe này có một mặt tiêu cực: nếu người đọc không đủ hiểu biết về thể loại (mà chỉ phóng chiếu những kinh nghiệm của mình vào đó) thì rất dễ phẩy tay mà bỏ qua một tác phẩm hay.
Thứ hai, nếu chúng ta nhìn xa hơn một chút: hãy nhìn về toàn cảnh cuộc sống ngày nay. Hãy khoan nhận xét mà hãy đặt câu hỏi. Các độc giả trẻ tiềm năng có cần đến văn chương không? Họ đã có phim ảnh, rất nhiều bài báo hay trên mạng, đặc biệt – một thể loại đang thay thế thơ ca – nhạc Rap. Mọi thứ đều miễn phí. Nhìn xa hơn nữa để tiến đến câu hỏi gốc: Văn chương thì làm gì? Nếu quý vị để ý, ngay trên thị trường sách, các dòng sách non-fiction với sự hỗ trợ lớn từ các ngành khoa học xã hội, đang nghiên cứu con người một cách rất cụ thể. Tất cả những đề tài mà ta tưởng chỉ có văn học mới chạm đến, thì nhiều các nghiên cứu khoa học xã hội đã và đang chạm đến rồi. Bây giờ thì chúng ta mới nhận xét: đó là một sự cạnh tranh khổng lồ. Chúng tôi luôn có một cảm giác rất không ổn: văn học trẻ Việt Nam đôi khi như thể lách qua một cái khe ngày càng hẹp hơn, mới đến được tay bạn đọc.
Thứ ba, về mặt thực tiễn cuộc sống. Tác giả Việt Nam rất khó sống chỉ bằng viết văn. Ngay cả tiểu thuyết thị trường cũng không thể mang lại cho họ một nguồn kinh phí đủ để có thể toàn tâm cho văn chương. Đương nhiên, đó là chuyện muôn thưở. Nhưng trong cuộc sống hiện đại – một cuộc sống với rất nhiều những thứ camera, rất nhiều sự dòm ngó, ngay cả trong gia đình – liệu ai đủ can đảm để tiếp tục làm nhà văn?
Thứ tư, điều này có lẽ không còn mới, và có lẽ trùng ý với một luận điểm phía trên: rằng Văn học thị trường đôi khi bị đánh giá quá thấp. Không những trong độc giả mà còn trong truyền thống phê bình văn học. Điều này sẽ gây ra một hệ lụy mà chúng tôi tin rất ít người chú ý: văn học thị trường Việt Nam sẽ thiếu đi những nhà nghiên cứu có chuyên môn dẫn đường, và sẽ sống bằng báo chí và truyền thông, trong đó, đương nhiên có truyền thông ảo, thổi phồng hoặc hạ thấp.
Tác phẩm bị nghi ngờ, tác giả bị phiền nhiễu bởi những hiểu sai, và sách ra đời thì thu mình trong một vạn những sản phẩm nghe nhìn khác. Đó là ba nguy cơ sụp đổ của trò chơi rút gỗ kể trên.
Về mặt chủ quan, các tác giả trẻ Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định. Điều này nằm ở phía bên kia của sự "trẻ": trẻ nghĩa là non trẻ. Hiện nay có rất nhiều tác giả trẻ trên thị trường, ít nhất ở những người chúng tôi gặp, chỉ phát triển sự viết chứ không phát triển sự đọc. Điều này sẽ nối thẳng câu chuyện của chúng ta về phía của giáo dục văn học trong nhà trường. (Đôi khi chúng tôi cũng tự hỏi, rằng liệu dạy và học văn trong nhà trường hiện nay có đang làm chúng ta hiểu ngày càng sai đi về văn chương không?) Tuy nhiên, gác lại chuyện đó, nhiều tác giả trẻ ngày nay ngây thơ với văn chương và ngây thơ với xuất bản. Ở vế thứ hai, tôi xin nhấn mạnh, có khá nhiều trường hợp tác giả gửi nhầm đứa con tinh thần cho các đơn vị xuất bản thiếu chất lượng, dẫn đến việc sách in chết non.
Từ những khó khăn thách thức cũng như những cơ hội nêu trên, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất những nguyện vọng của mình – với tư cách những người viết trẻ.
Thứ nhất, chúng tôi đề nghị Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Nhà Văn Hà Nội tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa mối quan tâm đến với Văn học trẻ Việt Nam; nhận thức đầy đủ về sự khác biệt về mặt bối cảnh của những tác giả và tác phẩm mới ra đời. Chúng tôi mong muốn có được sự giúp đỡ về mặt tổ chức và xã hội, nhằm nhìn nhận đúng giá trị của văn học trẻ, của tiểu thuyết thị trường Việt Nam (genre-fiction), cũng như bảo vệ quyền lợi của các tác giả. Chúng tôi hy vọng các đơn vị nghiên cứu văn học Việt Nam có cái nhìn cởi mở, khách quan hơn đối với genre-fiction và theo dõi sát sao sự phát triển của các dòng sách này.
Thứ hai, chúng tôi mong muốn các đơn vị, cơ quan hữu quan tạo điều kiện để Genre-Fiction Việt Nam có thể tiếp cận liên ngành với các môn nghệ thuật khác, như Kịch sân khấu, hay Điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi chủ quan nhận thấy, các môn nghệ thuật này có một sự gặp gỡ với Tiểu thuyết. Để làm được điều này, cần phải có thêm nhiều những dự án cộng đồng về tuyển chọn, chuyển thể, cũng như bồi dưỡng kĩ năng kiến thức bổ sung cho các tác giả thực sự có nhu cầu.
Cuối cùng, tôi tin rằng văn học thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc như nó vốn có. Vượt qua tất cả những khó khăn, niềm đam mê và bản năng văn chương sẽ tồn tục, nuôi dưỡng những tài năng cho văn học nước nhà.
Xin cảm ơn và xin kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Tác giả bài viết: Đức Anh
Nguồn: Hội Nhà Văn Hà Nội
Một tường thuật về sự kiện này: https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/co-hoi-va-thach-thuc-524184
Nhận xét
Đăng nhận xét