Những cuộc nghe nhạc - nhất là (nhưng cũng không hẳn "nhất là") nhạc Trịnh tạo cho cuộc đời những dấu ấn. Không gì giúp người ta ghi nhớ bằng các mốc điểm đã qua trong cuộc đời như là một cuốn tiểu thuyết hay một bản nhạc. Nếu ai không có may mắn ấy, tức đã từng yêu một âm nhạc hoặc đọc những quyển sách, nhất định cuộc đời sẽ rơi vào một cái khung của tiểu sử, sẽ rất dễ cảm thấy đời mình không phải là của mình, mà như là một ai đó đọc từ wikipedia mà ra. (Càng những người ra sức làm Thương hiệu cá nhân, lại càng sống cuộc đời bất định hơn nữa, đến mức tưởng là rất ổn định, thế nên thời đại này người ta rất ham muốn có được cá tính - vẫn quên chưa viết về câu chuyện về cá tính). Một giai điệu cũ bay qua, thế là cả một thời gian sống dậy, tất cả những cảm giác và sự sống ta từng có, ở một buổi sáng hay buổi chiều nọ. Vì cách hành xử của âm nhạc không giống như ngôn ngữ: âm nhạc là thu vào, còn ngôn ngữ là lọc ra. Nhạc Trịnh thì lại rất nhiều dấu mốc: một đêm, một hôm, một ngày, đôi khi, có đôi lần, từ độ... Ta thấy thời gian được đúng nghĩa là thời gian, chứ không phải là thời gian biểu nữa.
Hồi ấy, (bây giờ tôi đã bắt đầu có quyền nói về hồi ấy), tôi cũng thuộc những nhóm thanh niên 8x cuối 9x đầu mê nhạc Trịnh và thơ Lưu Quang Vũ - những tác giả được nhiều thế hệ yêu thích đông đảo (đương nhiên sau này tôi không còn mê họ như xưa, nhưng vẫn kính trọng). Hồi ở Phố Huyện, tôi đã biết uống say, đã biết nghe Ru Ta Ngậm Ngùi (Khánh Ngọc hát) và thấy nó rất lớn, từ đó bắt chước người lớn cũng chuốc buồn vào thân. Hồi đại học tôi nhớ nằm trên một cái gác đợi đúng 27 Tết để về nghe Dấu Chân Địa Đàng và Yêu Dấu Tan Theo liền mấy hôm - chỉ đơn giản là vì quên không tải nhiều bài hơn. Hai năm sau trong căn nhà nhiều gỗ và sách cũ, chúng tôi bỗng hiểu ra những gì buồn nhất của tuổi trẻ qua Tình Xót Xa Vừa. ("Xin đứng yên trong chiều / Trên môi thở khói quạnh hiu").
Cũng lại một cái gác nữa (Nhưng không hiểu tại sao lại cứ phải là Gác? Nhà Trịnh ở Huế cũng đặt thành quán cafe Gác Trịnh. Bởi vì ở gác, người ta bắt buộc phải ngồi, bởi vì ở gác có đủ bóng tối và ta buộc phải nhìn phối cảnh đời sống của mình từ phía trên cao xuống), không biết em còn nhớ hay em đã quên, chúng ta tình cờ nghe thấy hàng xóm mở Chuyện Đóa Quỳnh Hương - mà lúc ấy không thực sự ý thức đó là nhạc Trịnh. Buổi chiều ấy bão nổi lên, gió siết cổ tôi lại, từ sau đó không bao giờ gặp lại cô ấy. Thêm một gì đó đã trôi qua, giống như là "Một đôi lần đến như người tình".
Trịnh Công Sơn là một hình ảnh đẹp, sẽ còn đẹp hơn nữa vì người ta còn tiếp tục phóng chiếu cách hiểu về một nghệ sỹ đẹp vào hình ảnh Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là một cụ thể trở thành phổ quát, tương tự như cách cứ nhắc đến nhà văn, ta nghĩ luôn đến Victor Hugo. Ông sinh ra và mất đều trong giai đoạn cuối của một mùa xuân, chớm sang hạ. Âm nhạc của Trịnh là âm nhạc của những linh cảm và là âm nhạc đặc biệt cho mùa xuân: phải mùa xuân ta mới nghe được những nét nghĩa đầy đủ của ca từ Trịnh, vì mùa xuân chúng ta nhìn thấy nhau, và luôn có những khoảng rất rỗng, chúng ta nhìn lại đời mình.
(Mùa xuân chính là một gác nhỏ. Bởi thế bước chân về gác nhỏ mới nhớ đóa hoa tường vy. Đấy là linh cảm của Trịnh.)
Bản acoustic Em còn nhớ hay em đã quên
Tôi đặc biệt yêu thích bản Dấu Chân Địa Đàng này
Ừ thì cũng show chút nhé
Nhận xét
Đăng nhận xét