Đã rất gần sông Hồng. Nhưng không sang bên kia sông, không đi về lối cầu Chương Dương lộng gió, nơi giống như một cây kéo lạnh tanh xuyên qua miếng vải kim tuyến, chia cắt hai mảng ngoại vi thành phố. Thay vào đó, đi về phía Lương Yên, một mê lộ buồn bã trườn về phía xa, bỏ lại thành phố sau lưng. Hùng Panô có cảm giác nếu đi tiếp chẳng chóng thì chày cũng mất hút vào bóng tối, rơi vào đường hầm thời gian. Nhưng nhóm bạn chỉ dừng chân ở đầu phố, khu vực sáng chói với tòa nhà Creative City ngập tràn màu sắc cơ bản, được bao quanh bởi một chiếc cầu thang bám tường màu đỏ ối, tựa một chiếc lưỡi dài tanh tưởi mọc lên từ mặt đất. Nhưng ở bên này đường, quán cafe Những Đứa Con Của Cá Mập hầu như chỉ dùng đèn bóng sợi đốt tròn, tỏa ánh sáng vàng vọt sưởi ấm hàng ngàn miếng gỗ ốp lên tường, cổng, cửa cùng chiếc cầu mô phỏng vắt qua một dòng sông mini. Và điểm xuyết vào đó là những tấm thảm bằng lá cây giả, những vòng nguyệt quế khổng lồ, những dây leo được kết y như thật, như bò ra trực tiếp từ truyện tranh cổ tích.
Nhiều lần Thức tự hỏi với phong cách quán xá kiểu này, chẳng rõ họ định kích động một niềm vui hay khích lệ người ta dấn sâu vào thói ưa sầu muộn. Với riêng Thức thì nó toát lên một sự buồn, nhưng là buồn kiểu tẻ nhạt, kiểu một ngôi nhà gỗ bên bìa rừng trong truyện dân thoại Đan Mạch, nhưng gã thợ săn nai hoẵng đi vắng, bác tiều phu cũng chẳng thấy đâu. Chỉ có một đám người Á Đông lạc lõng hoàn toàn với khung cảnh, gắng sức chờ đến buổi tối để cứu vãn không khí ảm đạm. Sự thật là Thức luôn đến đây hoặc là để tán tỉnh người đi cùng, hoặc để đánh bài.
Nhưng khi Thức đến, một niềm hào hứng bừng hiện trên khuôn mặt của Dế Mèn – gã thanh niên khẳng khiu gặp rắc rối với mụn trứng cá ngồi rũ thân bên ngoài cửa quán. Trông tay này tựa như một linh thể đã hai mươi năm sống trong bóng tối của các phòng chờ. "Ông bạn!" – gã reo lên và như muốn ôm chầm lấy Thức. Nhưng gã chỉ dừng lại ở việc nắm hai khuỷu tay của cậu, làm Thức có cảm giác như bị vây cá gại vào. "Ông bạn thất hứa đấy nhé!".
"Tôi bận quá!" – Thức vỗ vai Dế Mèn, nháy mắt đáp trả nụ cười lung linh của người bằng hữu – "Hôm nay tôi dẫn năm vị khách bù cho các quý vị đây".
Năm vị khách bao gồm Hùng Panô, Hải Đường, Khanh Stein và cặp Tưởng Như – Mai Hạnh đang đứng dính vào nhau.
"Không phải như thế!" – Dế Mèn lắc đầu nguầy nguậy – "Hôm sinh nhật tôi, cái hôm tắm trong bia. Chỉ thiếu ông bạn".
"Tôi sẽ bù cho cậu sau." – Thức đấm khẽ vào ngực Dế Mèn, rồi đưa cho gã một điếu Mond hương táo – "Tôi không đến là vì không ưa mấy tay nghệ sỹ rởm bạn cậu. Một lũ hẹp hòi, lý luận bừa bãi".
"Nhớ nhé!" – Dế Mèn nói, dồn hết chỗ linh hồn còn lại vào đôi mắt – "Đấy chỉ là việc nhậu thôi. Tôi không có bạn bè nào khác ngoài cậu".
Dế Mèn khẳng định đã đặt chỗ cho cả nhóm ngay từ lúc nhận được tin nhắn Zalo của Thức. Gã dẫn sáu người bạn vào góc bên trái cận sân khấu ca nhạc, trước khi biến mất vào vùng đêm tối phía sau cánh gà. Hùng Panô khều Thức: "Tên nào đấy? Người sót lại của Rừng cười à?".
"Gọi nó là Dế Mèn, một người bạn nhiệt tình hết sảy, tuy có hơi ngu ngốc. Nhưng ngu ngốc mới nhiệt tình".
"Dế Mèn? Nó sắp đánh nhau với Võ Sĩ Bọ Ngựa chăng?" – Hùng Panô cười khùng khục.
"Thằng cha đó là Bọ Ngựa mới đúng." – Khanh nhận xét.
"Còn trông cậu thì giống Dế trũi, Khanh ạ." – Thức hừ giọng – "Nó hâm mộ Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài. Nó kêu đó là kiệt tác duy nhất có thể làm nản lòng văn học nước ngoài. Tại vì nó thích tình tiết về xóm Ếch, cái lúc mà hai con dế vừa qua cơn đói khan rũ xác, nó cho rằng đoạn đấy ông Tô Hoài viết về những kẻ tương tự như ở trường đại học và tổ dân phố của nó".
Và Thức phồng má, bắt chước nhân vật Đại vương Ếch Cốm trong truyện: "Kèng kẹc! Du lịch! Kèng kẹc! Bỉ phu xin hỏi nhị vị tráng sĩ...".
"Bạn ấy nói chuyện với cậu cứ như là Gia tinh Dobby ấy nhỉ." – Hải Đường bình phẩm.
"Thằng cha chỉ có một loại cảm xúc thôi: vui. Hoặc là vui vừa phải, hoặc là vui tưng bừng. Tâm hồn của nó làm bằng plasma hay sao ấy".
"Nó hút Thần dược à?" – Hùng hỏi.
"Không!"
"Đập đá?"
"Không!" – Thức xì một tiếng – "Nó không có bạn bè gì cả, đấy là điều chính xác. Tất cả những gì về nó, nó trưng hết ra ngoài mặt rồi đấy, đừng quan tâm đến bọn mụn trứng cá. Không có trẻ tự kỷ nào sống sau cái vỏ ngoài đó cả. Chỉ là cách đây gần hai năm, nó chán chường tất cả mọi thứ, kiểu như hội chứng suy giảm ham muốn. OK, tớ biết cụm từ này dành cho ngành tình dục học, nhưng ở đây là một dạng mở rộng. Nó cụt hết năng lượng và gần như không muốn làm, muốn biết, muốn hiểu bất cứ điều gì về mọi thứ xung quanh. Tớ dẫn nó lên BG&BG và dạy nó chơi trò Smash Up. Tất nhiên nó đủ ngu ngốc để không chơi được trò này, nhưng rồi nó thích trò Đua Lạc Đà, có thêm cái xúc xắc bao giờ cũng dễ hơn đúng không? Từ đó nó nói rằng tớ là bạn thân nhất của nó, bằng một vẻ nghiêm túc thái quá. Tên thật của nó là Kỳ Vọng. Tớ không rõ giữa nó và những kỳ vọng từ gia đình bè bạn, bên nào phản bội bên nào. Chỉ biết là nó đã bỏ trường Nghệ Thuật Cộng Đồng, kèm với một lời nguyền rủa. Sau đó nó bế quan, lao vào tập Guitar như điên rồ. Nó là một nhạc công có hạng đấy".
"Sao bạn ấy bỏ học vậy?" – Hải Đường thắc mắc, cô có cảm giác đang truy cập trái phép vào Profile của một tên nghiện.
"Dính vào vụ Danh sách nâu. Bị kỷ luật. Rồi bỏ học luôn." – Thức nhún vai.
"Danh sách nâu là cái gì?" – Hùng hỏi, thay cho cả bọn.
Thức e hèm một tiếng, cậu bắt đầu thấy khô miệng: "Rất nổi tiếng trên mạng một thời mà không nhớ à? Một vụ đại để như là sưu tầm phim sex Nhật Bản. Nhưng ở một góc độ tinh vi hơn. Các cậu hãy tưởng tượng ra một tệp tin excel, gồm ba cột: link phim, tên diễn viên và tên một nữ sinh. Đấy là bản danh sách dài những đoạn phim bán chuyên có bản quyền chặt chẽ và ngặt nghèo, mua từ một tài khoản duy nhất, với các em gái có khuôn mặt giống với các nữ sinh trong trường Nghệ thuật Cộng Đồng. Và thằng Dế Mèn nằm trong đường dây phát tán. Nó cho rằng nó phải hứng chịu tất cả, trong khi chưa có luật nào quy định hoạt động của bọn sinh viên trên mạng, và trong khi đám bạn quý hóa thưởng thức miễn phí rồi lẩn mất".
Bỗng Tưởng Như lên tiếng, giọng thanh mảnh: "Sau đó thì sao hả anh?".
"Vấn đề là cái danh sách đó gây tranh cãi om sòm trên mạng. Thằng Dế Mèn trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, trong vai trò một thằng bệnh hoạn cần bị loại khỏi môi trường nghệ thuật. Nhưng bằng niềm tự ái cao vời của một thanh niên yêu phim sex, nó cũng tự làm điều đó. Nó gầm gừ rằng nếu các ông thầy thành thạo Internet thì họ tò mò cũng chẳng kém gì bọn con trai mới lớn." – Thức rung đùi, mơ hồ cảm thấy hơi nóng loang ra từ những bóng đèn sợi đốt – "Các em nữ sinh, một bên thì nhìn Dế Mèn khinh bỉ: nó đã xúc phạm phái đẹp, và xúc phạm chính tiếng đàn Guitar làm xao xuyến những trái tim kiêu hãnh nhất. Một bên thì tức giận vì nghĩ rằng đáng ra phải được so sánh với những nữ thần Nhật Bản xinh xắn và nóng bỏng hơn".
Hải Đường lè lưỡi. Còn Tưởng Như thì bật cười thú vị. Khanh chậc lưỡi: "Như vậy là chúng ta có một nghệ sỹ guitar nghèo, ốm yếu, hằn học, vừa trải qua một mớ những trầm luân èo uột phải không?".
"Gia đình thằng Dế Mèn, phải nói như thế nào nhỉ, không biết tiêu gì cho hết tiền. Và ông già nó cũng không có tí kiến thức nào để truyền đạt cho thằng quý tử duy nhất: với sự may mắn tột cùng về buôn bán đất đai, ông già nó hiểu rằng việc sinh ra một thằng đầu đất như nó là một trừng phạt bù trừ".
"Nó không hút hít, cờ bạc hay lên sàn gì à?" – Giọng Hùng Panô.
"Cái chuyện công tử hoang đàn chỉ có trong Văn nghệ chiều chủ nhật thôi. Nhưng theo ông bà già nó, đấy không phải là một loại may mắn. Hồi cấp ba, nó bắt đầu ôm mộng ca đàn. Và ông bà già nó nhìn nó như một tên đồng bóng bạt hồn bạt vía." – Thức xoay xoay ly trà khai vị - "Hình như đối với một số vị phụ huynh, có hai loại hư hỏng: loại thứ nhất là phá gia, loại này có mức độ và chữa được, thường là tự khỏi. Loại thứ hai, hiếm hoi hơn nhưng nguy ngập hơn, là máu nghệ sỹ. Xin lưu ý ở chữ máu nhé. Loại này là hỏng hẳn. Một đứa con trai phương trưởng, làm niềm tự hào của một gia đình thì không thể làm một nhạc công, một văn sỹ vân vân... Thằng Dế Mèn kể rằng dẫu có thái độ như vậy, khi khách đến nhà, ba mẹ nó thường khoe con biết chơi nhạc giỏi. Nó thường hiểu là đem nó ra để giao đãi láng giềng, và nó gọi đó là nỗi nhục tại gia".
Khi có vài người đi qua, cọ quần jean vào khuỷu tay Thức, cậu mới nhận ra quán đã bắt đầu đông nghịt. Ngoại trừ bộ salon nơi Tưởng Như và năm người bạn Cú Vọ đang ngồi, phần còn lại của quán, hầu hết là bàn ghế gỗ loại nhỏ, trong giống như bộ bàn ăn hằng ngày của Bảy chú lùn. Tất cả các vị khách cùng bàn ghế của họ đều hướng về phía sân khấu. Tất cả đều cố gắng nói thì thầm và chuyển động khẽ khàng, chờ đợi ai đó tắt phụt mớ đèn vàng khốn kiếp gợi nhớ về khoảng thời gian ban ngày mê mỏi. Bằng một sự bao quát có chủ ý, ta có thể tạm thời phân làm ba nhóm người: một là ăn vận hệt như khi đi làm trên công sở, hai là giống như đang quảng cáo cho son môi hoặc một nhãn băng vệ sinh và ba giống như vừa bước ra từ các bức họa chibi. Rốt cục chỉ có nhóm của Thức không thuộc về một dạng cụ thể nào cả. Thậm chí, trên tất cả những biểu hiện tẻ nhạt là Hùng Panô - người theo chủ nghĩa một điếu cần sa thì tốt hơn. Những điệu ballad hân hoan hay gào toáng lên trong niềm cô đơn giả tưởng hoàn toàn xa lạ với trái tim anh.
Mai Hạnh ngồi im như ngựa đá, nhưng Thức hiểu rằng tâm hồn của cậu bạn đang nhảy dây. Gã thư sinh đi lạc từ thập niên 90 vốn đã trừu xuất toàn bộ tâm tình về phía cô nàng ngồi kế bên. Tưởng Như! Nàng đang tỏ ra chú tâm mọi bề vào những chuyển động xung quanh. Ánh mắt nàng thông báo rằng nàng đang hòa mình vào với thế gian, trong vai một người quan sát có thiện ý. Chừng như nàng đang mải miết dò tìm một vẻ đẹp sâu kín chỉ có nàng mới phát hiện ra. Nàng sẽ không nói: "Những dải màu đó trông thật lộng lẫy". Không bao giờ như thế, mà luôn nói rằng: "Dải màu đó thật thích hợp. Em đã quan sát rất kỹ, nó là lựa chọn trang trí hoàn hảo nhất có thể, một nét đẹp vừa phải, chìm lẫn, lui về hậu trường, tôn vinh phối cảnh, không chiếm lĩnh cho mình vị trí trung tâm". Cứ như thế, nàng tiếp thu mọi cảnh vật, chi tiết trong tầm nhìn, rồi hút cạn ý nghĩa ban đầu của chúng, rồi điền vào đó một ý nghĩa khác do nàng tạo ra. Cứ như thế, nàng ngầm chiếm được thế giới của riêng mình, nơi nàng toàn quyền bồng bế hay vứt bỏ. Cuối cùng, nàng mời người khác vào thế giới ấy, cùng hưởng với nàng niềm hân hoan trong cuộc sáng thế tưởng tượng. Khi nhận thấy sắc diện phấn chấn của người tình, Mai Hạnh tưởng đâu cả hai tâm hồn đang hòa với nhau trong một điệu tango, trên địa đàng trung lập. Khi Mai Hạnh chạm vào tay nàng, nàng đã không rụt tay lại. Khi Mai Hạnh thu trọn vẻ yêu kiều của nàng vào mắt – một vẻ đẹp tỏa ra từ nàng mà có lẽ chính nàng cũng không biết được (khi nàng tưởng rằng nàng đẹp theo kiểu này, trên thực tế nàng đã đẹp theo kiểu khác, tức là trên khía cạnh nào đó, nàng – hay phụ nữ nói chung - thất bại trong ăn diện), cậu biết rằng cậu muốn chiếm trọn được nàng hơn bao giờ hết. Đó không chỉ là cảm giác căn bản của yêu đương. Với Mai Hạnh, đó là một tham vọng. Sâu trong tâm tưởng thầm kín nhất, Mai Hạnh biết rằng cậu đã mãi mãi nhận vai phụ ngay trong cuộc đời của mình. Thế giới sẽ gặm nhấm dần những gì cậu có, và gián cách cậu với những gì cậu muốn. Không phải là triệu chứng trầm cảm đâu: điều này đã xảy ra rồi đấy, ngay từ lúc cậu bắt đầu lớn lên, trí não tối tăm và chậm chạp của cậu đã bị xâm chiếm bởi một niềm tin mơ hồ rằng thời gian chỉ đem đến sự mất mát. Còn cái đam mê lớn nhất của cậu: quá khứ - là một vùng đất buộc phải độc hành, không bao giờ có thể cùng chia sẻ với người khác. Bây giờ Tưởng Như là một bù đắp? Hay cũng giống như tài năng, trí tuệ, sức mạnh...nàng đến để nối dài thêm danh sách những điều Hạnh chỉ có thể chiêm ngưỡng từ phía xa.
Ở một trạng thái ngược lại, Hải Đường dìu dịu trong chiếc váy ren mỏng, với đôi bông tai hình giọt nước. Cô đang nhấm nháp món bánh mứt dâu được bày ra cầu kỳ trên một loạt những chiếc đĩa nhiều hình thù, thích thú tản bộ trong những suy nghĩ vẩn vơ như thời đôi mươi. Đôi khi trong đời vẫn có những niềm vui đột khởi, không vì lý do gì, giống như một món quà bất ngờ từ bạn bè. Và Hải Đường đang tận hưởng nó. Không khí rộn ràng này không còn quyến rũ, bắt cóc tâm hồn cô như xưa nữa. Dĩ nhiên rồi, Hải Đường tiếp nhận mọi sự bằng nghĩa đen của chúng. Nếu không phải bận ăn bánh ngon, cô cũng sẽ bắt chuyện với người khác, hay trêu chọc Khanh Stein – người mà lát nữa đây sẽ làm vị khán giả yên ắng và nghiêm túc nhất bọn, luôn luôn là vậy.
Khi đèn tắt, Dế Mèn bước ra sân khấu trong chiếc áo phông đen, là áo đồng phục của nhóm nhạc in hình cái mõm lởm chởm của một con cá mập đỏ. Trông gã bớt xơ xác hơn, và khi những ngón tay khỏe khoắn ôm trọn và lướt trên cần đàn, gã bắt đầu có được thần thái mà đáng lẽ ra phải luôn luôn ngự trị vẻ bề ngoài của gã. Dế Mèn có phong cách chơi nhạc đĩnh đạc, thoải mái, không quá gầm gừ tê dại, cũng không lãnh đạm hay cố tỏ ra nhẹ nhàng. Gã rất giỏi làm chủ các hợp âm add9, và đôi lúc chơi mạnh mẽ với các hợp âm 5 – một sự ngang ngạnh đôi khi làm cho ca sỹ bực tức. Trong một vài đoạn chuyển ngẫu hứng, gã chạy những nốt trong thang âm ngũ cung của hệ Nhật Bản, không ăn nhập gì với ý tưởng ca khúc, nhưng dìu người nghe đến chỗ chênh vênh mù sương, kéo họ ra khỏi cảm giác an toàn chán nản vì đằng nào cũng phải "về nhà" với nốt âm chủ.
Chỉ có ba ca sỹ trẻ thay phiên nhau phục vụ. Một gã chải chuốt có đôi lông mày linh động, với thao tác lên xuống nhịp nhàng của đôi mày này, gã dễ dàng nấc lên những cụm từ ngữ mơ hồ, trừu tượng, mưa mưa phố phố. Cô ca sỹ thứ hai, nhỏ nhắn và tươi sáng, một hiện tượng trên youtube, sở hữu chất giọng bất cần đời không hiếm có, nhưng biết cách đan xen những đoạn rung nhả ve vuốt, biểu diễn khá hấp dẫn một ca khúc crossover của Mew Amazing[1]. Cô ca sỹ thứ ba, Thức và Hùng Panô ấn tượng hơn cả, nổi bật cùng mái tóc xù bạch kim úp lên trên khuôn mặt tròn trịa, có phần đa đoan, mang đến một cách hát tương đối uyển chuyển, nhưng day dứt mãnh liệt và lạm dụng kỹ thuật Legato arpeggio non nớt nên nghe như thể nôn thốc nôn tháo ra từ ngữ. Với giọng hát đó, các âm vị bị bóp méo tương đối nhiều và ca khúc coi như có thêm một dị bản. Chính cô gái này là người trình bày thành công bài hát Những Đứa Con Của Cá Mập.
"Lần đầu tiên nghe cái bài hát này." – Hùng Panô thúc nhẹ vào sườn Thức.
"Của một tác giả giấu tên. Nhưng hình như chế ra từ thơ Pháp và giai điệu một bài Celtic Rock. Rên ư ử, như kiểu Cranberries[2]ấy. Cứ vài ba đêm nhạc lại hát lại ca khúc này một lần, như là khẳng định thương hiệu của quán." – Có thể hình dung ra cái nháy mắt của Thức trong màn đêm nhung huyền – "Nhưng bây giờ ta biết chắc không phải chỉ là thương hiệu của quán".
Câu nói thu hút sự chú ý của Hải Đường: "Này, tớ vẫn chưa biết chúng ta đến đây để làm gì?".
"Tìm một người!" – Và để minh họa cho thông tin, Thức xoay ngang xoay dọc, làm một đường radar quét góc 360 độ. Đôi mày của cậu chau lại, lẩm nhẩm gì đó. Nhưng ngay sau đó khi nhìn về góc tay phải đối diện, cậu dừng khựng, khuôn mặt dãn ra.
Trong một cuộc hội thoại khác, Mai Hạnh quay sang Tưởng Như, giọng du dương: "Em hát đi". Nàng thoáng ngỡ ngàng trong khoảnh khắc, rồi tươi tỉnh: "Em vẫn đang hát đấy thôi".
"Không không phải, đấy là em đang nhẩm lời." – Mai Hạnh lắc đầu nhè nhẹ, âu yếm – "Hát cho anh nghe". Và nàng bật cười, khẽ nghiêng đầu về phía Mai Hạnh, và hát thầm vào tai anh theo nhịp điệu của ca khúc đang biểu diễn trên sân khấu.
"Có người của CIA ở phía đấy à?" – Hải Đường hỏi bằng giọng gió.
"Bà chủ quán. Mẹ kế của cái tiệm cafe này. Chỉ khi ngoài này biểu diễn bài Những Đứa Con Của Cá Mập bà ấy mới chịu chui ra khỏi tổ." – Thức gãi gãi trán – "Tên là Mộc, ờm, Mộc... gì gì đó".
Giữa túy hương của hơi thở và âm thanh mịn màng từ cổ họng người thiếu nữ, Mai Hạnh ngạc nhiên khi thấy mình không được...đắm đuối cho lắm. Cậu đã nhắm mắt, giả bộ như vừa nốc hai chai Cider, lắng nghe tim mình. Chẳng có gì cả, tim cậu nhất quyết giả bộ bí hiểm. Nó chỉ rộn ràng thôi, dĩ nhiên là nó vốn rộn ràng từ lúc mang xe đi đón nàng. Khi trộm ngắm gương mặt kiêu kỳ của nàng sáng vằng vặc bên vai mình, Mai Hạnh đã hiểu vấn đề: cậu đang phân vân giữa việc không làm gì cả hay là một nụ hôn bất chợt. Đôi môi hồng óng của nàng, một lối mơ hoa run rẩy đi ngang qua... Thôi, dẹp từ ngữ đi. Hãy hôn nàng...
"Tớ không thấy ai nổi bật ở phía đó cả." – Hải Đường ngó ngàng phía xa.
"Bà cô mảnh khảnh kia kìa." – Thức cựa quậy trên chiếc ghế ọp ẹp, tiếng acoustic đanh đót bắt đầu quấy nhiễu màng nhĩ của cậu – "Làm sao có thể lách qua hàng ngũ khán giả này để sang bên đó bắt chuyện. Đấy mới là vấn đề".
Một nhóm nữ tú hiếu kỳ đã tụ lên phía trên, che lấp góc nhìn và đối tượng của Thức. Cậu chắc mẩm nếu không đủ khéo léo khi di chuyển, rất có thể cậu sẽ làm đổ vỡ một loạt cốc chén xanh đỏ ở đây.
Nhưng khi Mai Hạnh vừa quyết định, Tưởng Như đã trở lại ngay ngắn ở tư thế cũ. Gương mặt nàng lại ngẩng cao, hướng về phía sân khấu, kiêu hãnh: màn phát quà chỉ đến đó thôi. Cậu hít một hơi đầy lồng ngực, xóa đi cảm giác hẫng hụt, rồi thì thầm sau tóc nàng: "Sắp đến phần giao lưu, em lên hát nhé". Ở bên cạnh, Khanh Stein chợt ngó sang, tán thành: "Mọi người cũng muốn nghe em hát". Chẳng hiểu bằng cách nào, nhà khoa học lại nghe được câu nói của Hạnh. Nhưng nàng không nói gì, chỉ se sẽ gật đầu.
Người đàn bà ở phía góc đối diện thu lại chiếc iPad Air trên bàn, có vẻ đã nhấp nhổm muốn trở vào.
Thức bắt đầu kéo ghế của mình nhích ra phía sau. Nhưng lúc cậu định lấy đà di chuyển, một dáng hình đã vụt dậy che khuất ánh sáng của cậu. Tưởng Như rụt rè bước lên sân khấu trong lời giới thiệu của người dẫn chương trình nghiệp dư. Nàng chuyển động nhẹ nhàng, ánh đèn rưới lên mái tóc xoăn nâu vàng một thứ mật óng ả. Đôi mắt kiêu trầm, nàng không có vẻ gì là hồi hộp.
Khi quan sát số đông những khán giả ngồi trong vùng tối, một nỗi quen thuộc dâng lên trong nàng. Những triền miên luyện tập, những đêm diễn sinh viên, những ánh mắt ngó nghiêng bình phẩm, những buổi về khuya bỏ ngang đám đông cuồng nhiệt... Năm ngoái, nàng đã rời nhóm hát ở trường đại học, ra đi trong im lặng nhạt nhẽo. Nàng nhận ra mình không thuộc về trò hát hò phù phiếm. Nàng có thể xử lý tốt một ca khúc ngay khi nó vừa đến tai, có thể nhả chữ buông lơi, có thể nức nở da diết... Âm thanh của nàng như những chiếc thẻ tre đan nối, từng chữ một gãy gọn, độc lập nhưng liền mạch trong một chất giọng mảnh mai, trong trẻo như những danh ca của Tam Ca Áo Trắng. Một giọng hát như thể nuốt những luồng hơi thừa thãi vào, và chỉ còn lại bề mặt ca từ tinh lọc. Nàng khác biệt. Chỉ có điều...
Nàng đã bắt đầu ca khúc không một vấp váp nhỏ. Tiếng vỗ tay không làm nàng phấn khích lên: nàng hát như tâm sự. Nàng đi tìm một ánh mắt phía dưới. Mai Hạnh đang nhìn nàng, vẻ mơ màng say đắm tin tưởng chưa bao giờ dứt. Chỉ có thế thôi. Nàng bắt đầu xử lý khác ở đoạn phiên khúc thứ hai. Nàng mường tượng ra diện mạo của mình trước số đông và nàng thấy mình có thể như một nhà ảo thuật lạnh lùng với con rối lơ lửng dưới chân. Một động tác xòe tay, một cái nhếch mép quyền năng, con rối bắt đầu tung tẩy, xoay vòng như trong chiếc hộp nhạc. Và nàng buông rung những chữ cuối cùng, không chỉ thanh quản, mà bằng cả đôi môi, vẽ ra một con đường hun hút của thanh âm. Khán giả hoàn toàn lặng yên. Trái tim nàng đã dấy lên một rạo rực. Nàng nhìn thấy đôi mắt của Khanh phía sau cặp kính trắng bóng.
"Con bé hát dễ chịu quá." – Hải Đường thỏ thẻ bên tai cậu bạn.
"Dễ chịu thì phải kể đến lời thì thầm vừa rồi của người đẹp." – Thức tủm tỉm cười – "Phải đợi con bé hát xong rồi ta mới sang bên kia được".
Nhìn dấu hỏi in trên trán của Hải Đường, Thức so vai: "Phép lịch sự thôi mà".
Tưởng Như không thể chịu được đoạn gian tấu quá lâu. Tên Dế Mèn đáng kiếp, hắn đã đi đâu trên phím đàn vậy? Tại sao hắn lại bay xa hẳn khỏi nốt chủ âm và đi sang gần như một hòa âm khác? Trông hắn như một kẻ tâm thần trợn trừng đang giết kiến liên tục trong nhiều giờ liền, và vào lúc ít ai ngờ nhất, hắn bước lùi một đoạn dài theo bước nửa cung một, với tốc độ dệt vải lanh, những âm thanh cứ xô lệch về phía nhau, nhúm lại trước khi dội về đích đến cuối cùng: âm chủ. Thật là phi lý điên cuồng. Một niềm xúc động không rõ nguồn gốc bật trào lên trong Tưởng Như, nàng bước vào phần hai của ca khúc bằng một lời thì thầm mọc ra từ thinh không, như thể đó là giữa ca khúc chứ không phải đoạn đầu. Và cả người đàn kẻ hát đi chậm lại, giọng ca êm ái trôi trên một băng chuyền lờ lững.
Thức đã nhỏm dậy, cậu sắp sửa quên mất những câu thoại soạn sẵn trong đầu. Cậu cúi người tiến về phía người phụ nữ mảnh khảnh. Phía đó, ở phía đó!
Giọng của Tưởng Như đã vượt ngưỡng của sự mềm mại. Tựa như bất ngờ chạm vào mũi loài mèo, ngọn sóng trong nàng dâng trào rồi tan đi rất nhanh. Nàng chợt có cảm tưởng không chỉ có khán đài ở trước mặt, mà còn ở bên trái, bên phải, phía sau: nàng trần trụi giữa vòng vây, hát lên những lời yếu đuối, bằng một kiểu xử lý ong bướm. Lại một lần nữa, như không biết bao nhiêu lần trong đời nàng, nàng tự nhìn ngắm mình trong mảnh gương xước xát tưởng tượng, rồi nhìn thấy những khuôn mặt tầm thường ở phía dưới. Những kẻ tầm thường! Không phải chỉ ở phía dưới, cả bên trái, bên phải, phía sau, cứ nơi nào con mắt tâm linh của nàng quét qua. Trí óc nàng tiếm ngôi và trái tim nàng thoái vị. Nàng thành con hát từ bao giờ? Nàng tránh mọi ánh mắt của những người bạn. Nàng bắt đầu hát với nhiều hơi hơn, trầm hơn và ít du dương hơn, đậu xuống khóe miệng một nụ cười. Và bài hát đang chuẩn bị đi về phía cuối, lao vào tảng băng trôi, kết thúc một màn chơi vô bổ.
Người đàn bà đã hiện ra ở trước mặt Thức, trông như một chậu quỳnh hoa nở muộn nép nhờ vào tường khuya. Chiếc áo phông cổ trễ là màu nâu chứ không phải màu đen như nhìn từ phía xa. Một bộ sưu tập những vòng tay, vòng cổ điểm xuyết lên thân hình mảnh mai. Mộc gì gì đó. Do không nhớ tên, chàng Lê Phong liền gọi thầm người đàn bà, rồi nhận được một ánh mắt thân thiện. "Chị còn nhớ em không, chị Mộc..." – Thức thì thào trong bóng tối – "Cái hôm mà chị giải trình về Blog Những đứa con của cá mập ấy".
Vẻ thân thiện biến mất. "Cậu là phóng viên, hay lại là đại diện truyền thông một cái trường học nào đó à?" – một cái khẩy môi đầy nghi hoặc, Thức đoán vậy. Cậu cười làm thân: "Em đúng là phóng viên, nhưng không liên quan gì đến cái blog đó đâu?".
"Hội đó tan rồi, toàn những thứ rắc rối thì lắng cặn lại xuống chỗ tôi." – giọng lạnh lùng, và người phụ nữ lại hướng lên phía sân khấu. Lúc này ca sỹ Tưởng Như đang loay hoay trong đoạn điệp khúc cuối cùng. Trong những tình huống như thế này, cần phải có sự kiên nhẫn. Đối tượng là một nghệ sỹ! Thức nuốt nước bọt, tưởng tượng ra một phóng viên sẽ ăn nói như thế nào: "Em đang viết một bài về tạp chí Quyên và thời kỳ nhóm các chị ở đó. Em được giới thiệu đến làm phiền chị giúp đỡ về mặt thông tin".
"Ai giới thiệu về tôi vậy?".
Thằng Dế Mèn chứ ai vào đây! Thức nghĩ.
Nhưng cậu lại nói: "Chú Lê Dương!" - Phát âm thật nhanh, như muốn xóa bỏ dấu vết của từ vừa nói ra. Một linh cảm mập mờ khiến cậu buột miệng ra cái tên này, phần còn lại là phụ thuộc vào may mắn, hoặc sẽ cần phịa ra một câu chuyện nào đó để chèo chống. Những phương án tiếp tục xoay lượn quanh phần còn lại trong não bộ của Thức, cái phần chưa bị tiếng nhạc khuynh loát.
Tưởng Như đã hoàn thành ca khúc. Hai tâm trạng như hai dòng hải lưu nóng lạnh xoay vần trong nàng: nàng bước xuống ghế với đôi chân run run, nhưng khuôn mặt nàng thì lại hoàn toàn thờ ơ lạnh nhạt. Về điểm này, nàng hoàn toàn giống tay Guitar Dế Mèn ngồi kế bên. Nàng nghe thấy tiếng vỗ tay rầm rì xung quanh và âm vang của chúng rơi rớt cả vào những tâm tưởng huyên náo của mình lúc này.
Đêm nay trái tim nàng đã nổi loạn khi không được phép!
Khi trở lại chỗ ngồi, nàng cười trừ với những lời khen từ Khanh và Hải Đường. Rồi khẽ tựa đầu vào vai Mai Hạnh.
Ở phía Thức, người đàn bà đưa một cái nhìn hớt qua hình xăm mũi tên trên tóc mai của cậu. Bốn giây sau, cô gật gù: "Sáng mai bạn có thể đến gặp tôi ở Boundaries Space, số 15 Phan kế Bính. Hai mươi phút thôi nhé!". Thức lí nhí cảm ơn, rồi hoan hỉ quay về phía nhóm bạn, định gật đầu báo tin mừng với họ.
Nhưng phía ấy, chẳng rõ một khuôn mặt, hình thù nào.
Không gian nghệ thuật Boundaries Space: đúng như cái tên, hễ bước vào là người ta có cảm tưởng chênh vênh như đứng ở giữa ranh giới hai miền tối sáng. Thức nhớ lại trước buổi nhạc tối qua, Dế Mèn đã nhắc đến địa chỉ này, trong trường hợp không hẹn được chị Mộc... ngay tại quán, tìm chị ấy, chị ấy là một nghệ sỹ có tiếng, hình như là một họa sỹ, hay cái gì phức tạp ngang ngửa như thế.
Nhưng đây là một địa điểm xa lạ với nhóm bạn, hay ít nhất là cho những cuộc gặp gỡ riêng tư: một không gian nghệ thuật dành cho những người biết kiệm lời. Nhưng không phải chỉ là nơi trưng bày nghệ thuật: chính nó là tác phẩm nghệ thuật cao cấp nhất ở mức độ tổng thể. Hai mảng màu đen sẫm và xám sáng bao phủ toàn bộ không gian, thoạt đầu nhìn có vẻ như không theo một quy luật nào, nhưng khi kết nối các đường viền uống lượn phân cách giữa chúng, người ta được một nét liền quệt qua tất cả các mặt phẳng, như thể được vẽ bằng một cây bút chì khổng lồ duy nhất tạo cảm giác như ấn tượng bẻ cong không-thời gian. Giữa gian phòng tầng một: một chiếc bàn gỗ mun trơ trọi nằm chính giữa, không ghế ngồi, không đặt bất cứ vật thể nào lên phía trên. Vây quanh nó là một dãy dài những bức tranh chân dung Monochrome có lẽ được sao chép khéo tay từ ảnh chụp, hiện ra đó bản mặt nham hiểm của những Alexandre Dumas, Alfred Dreyfus, Paul Cezanne, Feyhamann Duran, Bá tước St Germain... xen giữa những tranh vẽ các công trình xây dựng thấp bé theo kiểu như Izba của Nga, Trullo của phía nam Italia, các Igloo trên nền tuyết miền Bắc cực. Tất cả được thể hiện với độ tương phản rất cao và bóng rực một cách kỳ khôi, tựa như sống dậy từ một bộ phim kinh dị thập niên 60. Bước chân vào đây, bốn chàng trai Cú Vọ tưởng như đã cách Hà Nội rất xa.
"Tranh vẽ bằng muối!" – Khanh kinh ngạc thốt lên khi lại gần bức vẽ truyền thần St Germain. Hiện ra trước cặp kính sáng của cậu là hàng vạn triệu hạt li ti giống như các pixel đắp lên nụ cười gượng gạo của người đàn ông bất tử.
"Triển lãm của một họa sỹ Pháp gốc Việt." – Mai Hạnh đọc tờ quảng cáo dán hững hờ trên thành cầu thang. Rồi cậu ngước lên trên, mắt xoay theo những nét sơn vẫy vùng, tìm kiếm một hình ảnh gì đó dễ thẩm thấu hơn. Phía xa, một dòng người lao xao tiến vào, vây quanh một họa sỹ đang quỳ gối xuống sàn.
"Toàn vẽ dân Pháp. Định chế nhạo vụ biến Hà Nội thành Paris chăng?" - Thức cười khẩy, rồi nhún vai dấn bước.
Bốn người bạn lên gian phòng tầng hai. Chiếc cầu thang được làm với độ xoắn quá mức cần thiết, đặt cạnh bức tường gạch bóng lẫy, một quả chuông nhỏ bắt lên trần nhà cao ngất, được thả xuống đong đưa giữa những vòng xoắn, tựa như một trục xoay mỏng mảnh, gợi nhớ đến thí nghiệm Con lắc Foucault. Thức bâng khuâng tưởng tượng ra phân cảnh của một cuốn tiểu thuyết đen sẽ được thực hiện ở đây. Gì nhỉ? Một nhà trinh thám cố gắng trà trộn vào một giáo hội Satan mờ ám. Kết thúc truyện sao đây? Chính kẻ kề bên anh ta là thủ phạm chăng? Nhưng kiểu gì các tranh luận mang tính siêu hình cũng rời xa, để rồi phần động cơ gây án hoàn toàn chỉ liên quan đến những thứ nhỏ nhặt hơn như ân oán trong yêu đương, thừa kế, vân vân...
Nhưng Thức đã nhầm: không có gì quá bí hiểm ở phía trên không gian tầng hai. Chiếc cầu thang chia nó làm hai nửa: bên tay trái một khán phòng có lẽ dùng cho thảo luận, bên tay phải là những gian nhỏ xếp kề, sẽ trống hoác nếu không có những mẩu giấy cắt, những lông vũ giả bằng nilon, bìa các tông, những bình mực Acryllic trên khung cửa sổ sáng lóa. Tuy nhiên, sự lộn xộn không phải là ấn tượng mạnh mẽ nhất. Có một cái gì đó là biểu tượng của tính ngẫu nhiên ở đây. Cái đường viền chia hai nửa đen – xám trắng hồi nãy vẫn theo chân bốn người lữ khách, vươn lên từ tầng dưới và uốn lượn khoác lấy toàn bộ gian phòng tầng hai với mức độ cuồng bạo cao hơn, như một cơn bão đơn sắc thổi tung đám vật thể nhỏ nhoi. Một cơn gió tưởng tượng thấu suốt căn phòng, xuyên qua cả người đừng giữa nó: đường đi dọc dài từ bên trái ra bên phải gợi ý đến một hành trình ngắn ngủi trong khoảng trung gian giữa các cánh cửa địa ngục.
Không có tiểu thuyết đen nào cả, không gian này chỉ làm ra được một truyện dài lê thê mà nhân vật Tôi đang trình diễn văn bản: tôi ngồi tựa cửa, tôi cắt những mẩu giấy tròn, tôi nhảy múa mê tơi giữa một bầy ghế trống... vân vân. Cuối cùng, cái nhân vật tôi đó (kia rồi!) cũng dừng bước làm một việc thông thường: ngồi ghi chép gì đó trên chiếc bàn gần bục diễn giả của khán phòng.
"Chị Mộc..." – Thức cất tiếng, và vào khoảnh khắc thần kỳ đó, chữ cuối cùng còn lại trong cái tên đã bật ra – "...Miên. Chị Mộc Miên!".
Nhận được lời chào của người chủ nhà đang tỏ ra bận rộn, bốn chàng trai chọn hàng ghế đầu, ngồi trật tự nhìn người phụ nữ tứ tuần mảnh khảnh đang ghi chép. "Bút máy và đường cày." - Thức nói thầm vào tai Hùng Panô – "Hành trình chạy thoát sự phủ trắng từ giấy kẻ đến khuôn mặt". Khi trưởng nhóm Cú Vọ còn đang không hiểu cậu bạn nói cái gì, thì Thức đã nhoẻn cười nguy hiểm: "Nghệ thuật trình diễn!".
"Cậu tinh ranh đấy." – Người phụ nữ, lúc này tên là Mộc Miên lên tiếng trong khi vẫn chú tâm vào cây bút máy hiệu Aurora – "Nhưng tôi đang làm sổ thu chi thôi".
"Đấy là một genre nghệ thuật tuyệt vời mà chị!" – Thức trưng ra vẻ tán dương – "Giám tuyển Robert Rosenblum nói rằng quản lý tiền là một thứ nghệ thuật có thể xếp vào bất cứ loại bình dân cũng như tinh hoa nào!".
Mộc Miên lạnh lùng đóng bút và gập gọn gàng cuốn sổ. "Sáng nay tôi mới nhớ ra cậu. Cậu cũng có mặt trong buổi hôm đó. Cậu khuấy nước liên tục và yêu cầu các vị khách khác giữ trật tự".
Khanh Stein lên tiếng, nhằm ngăn chặn thêm một câu đùa vô duyên nữa của Thức: "Bọn em là một nhóm trong cùng tòa soạn. Bọn em đang kiếm tìm một cuốn tạp chí có tên là Quyên. Nghe bạn Thức nói chị đã từng sinh hoạt báo chí ở đó, nên tụi em tìm đến."
Mộc Miên che miệng cười: "Chính tôi nói điều đó và cậu Thức này chỉ nghe lỏm được thôi." – Và quay về phía Thức – "Trong buổi hôm đó tôi phải cám ơn cậu".
Hùng Panô và Mai Hạnh nhìn nhau.
"Số là, cách đây lâu rồi, xảy ra một vụ lời qua tiếng lại. Hai người đại diện từ một trường trung học đến tận quán cafe để tìm tôi, cáo buộc chúng tôi viết blog nói xấu ngôi trường của họ. Một vụ tấn công tình dục nữ sinh, lộn xộn trên báo trước đó rồi, có vẻ như được khơi ra bởi tác giả blog đó." – Mộc Miên chậm rãi – "Cậu Thức này ngồi bàn bên cạnh, yêu cầu những người đến từ môi trường giáo dục không nên làm ồn nơi công cộng và tỏ ra thiếu tôn trọng người khác. Một trong hai vị khách đó mặt đỏ lựng, yêu cầu gặp riêng tôi vào hôm sau".
"Còn phần em không nghe lỏm được thì sao ạ?" – Thức hỏi.
"Cậu muốn nghe phần nào?".
"Không dám phiền chị. Tụi em muốn chỉ muốn hỏi về tạp chí đó thôi." – Giọng trầm ấm của Hùng Panô.
"...Và vì sao chị dùng từ chúng tôi nữa?" – Thức nhanh nhảu tiếp lời.
"Hai cậu chỉ đang cùng hỏi một câu hỏi thôi. Nhưng mà tôi sẽ phải kể nhiều thứ đấy". Người phụ nữ tên Mộc Miên rời khỏi bục diễn thuyết, kéo ghế lại gần, đối diện với bốn gương mặt lúc này tựa như những đứa trẻ muốn nghe kể tiếp phần hai của Túp lều Bác Tôm. Chiếc đầm được may từ một mảnh lụa duy nhất quấn quanh thân hình dong dỏng gầy guộc. Một chuyển động tinh tế đánh thức những hình ảnh trong đầu Thức về buổi trình diễn có tên Thiên Nga của Mộc Miên cách đây vài tháng.
"Lại bắt đầu từ cái hôm đó đi. Tôi đã kể chuyện này vài lần rồi. Những Đứa Con Của Cá Mập là một hội, kiểu một hội kín ấy, nhưng mong các cậu lược đi cái ý nghĩa bí hiểm của từ đó. Chúng tôi đã kết thúc hoạt động từ rất lâu rồi và thống nhất không ai được quyền viết lách với cái bút danh đó nữa. Cái Blog mang tên đó cũng là mạo danh, hoặc của một thành viên quá khích nào đấy. Tôi đã liên lạc với chủ nhân Blog đó, yêu cầu họ không sử dụng tên Nhóm này. Ngoài kia có những kẻ rất tự ái và manh động, chúng tôi chỉ muốn giữ niềm vui của một thời chứ không muốn làm chính trị chính em gì cả."
"Nó liên quan đến quan điểm chính trị hay sao ạ?" – Hùng Panô nuốt nước bọt, anh thấy mình sắp đầm sầm vào một chủ đề quen thuộc, và lạt lẽo.
"Không." – Mộc Miên khẽ nghiêng đầu – "Tôi tưởng các cậu đều biết cả rồi".
"Tụi em đến đây với con số 0, bên trong đó viết một cái tên rỗng tuếch: tạp chí Quyên." – Thức cười khôi hài.
"Những Đứa Con Của Cá Mập chỉ là một cái forum bình thường, mang tính xã hội hơn là quan điểm." – Mộc Miên nói – "Chỉ có điều tiêu chí thành viên có khác. Bạn buộc phải từng là nạn nhân của học đường".
"Chống bạo lực học đường?" – Khanh Stein tỏ ra đăm chiêu.
"Cụm từ đó phổ biến quá rồi phải không? Lập thành một chuyên trang ngang với Thể thao được đấy chứ." – Mộc Miên xoay xoay cây bút trong tay – "Bạo lực là một phần nhỏ thôi, tụi nhỏ đánh nhau là chuyện cơm bữa. Thầy giáo tát lật mặt tụi nhỏ, cực kỳ nghiêm trọng, nhưng cũng không phải trường hợp làm nền móng cho Hội. Như thế thì chỉ tạo ra được một nhóm xã hội thù hằn, tồn tại qua việc chống lại cái gì đó".
"Nhưng chúng ta chẳng phải vẫn tồn tại vì chúng ta đối lập với cái gì đó, hả chị?" – Khanh Stein, như thường lệ.
Mộc Miên cười mím môi, một trong vô số những kiểu cười lạ lùng mà người ta có thể tưởng tượng ra trên khuôn trang của cô: "Đành là thế. Nhưng ta có lựa chọn khác. Với cả đối lập thì khác với đối đầu. Chúng tôi quan tâm đến chấn thương mà học đường mang lại nhiều hơn. Những vụ chịu mạt sát, ăn phải viên phấn bay, những khuôn mặt bị axit tạc cho một đường sau giờ thí nghiệm lộn xộn, những đứa phát tâm thần vì sụt giảm phong độ trong cuộc đua trên bàn học... vân vân... Một trong những cây viết tốt nhất của chúng tôi đầu năm 2003, là nạn nhân của một vụ bỏng hóa học mà nhà trường đã giấu nhẹm đi. Các cậu hãy tưởng tượng chỉ một năm trước đó chúng ta có một cô bé 17 tuổi đôi mắt to tròn và hình hài ngọc nữ, chứ không phải một con quỷ mặt sẹo, thù ghét tất cả mọi người. Những vết thương có thể hiển hiện, có thể âm thầm, nhưng không thể biến mất. Bi kịch hơn nữa, một số ca may mắn có thủ phạm chịu tội, còn lại thì hầu như lỗi là ở Chúa. Ai cũng cần một tinh thần khỏe khoắn để sống tiếp, nhất là với những người có tiền sử như họ. Và rồi họ trở thành con của cá mập".
Những lời kể đều đều, nhỏ nhẹ vẫn đủ sức cho bốn cái miệng cùng há hốc. Khanh Stein thắc mắc: "Làm sao để Hội có thể tìm ra được những người như thế?".
"Các cậu nhớ lại thời đi học đi. Và sẽ thấy sự thật là các cậu luôn quen biết ít nhất một nạn nhân học đường. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi không tìm kiếm họ, ngay từ đầu. Mà họ tìm thấy chúng tôi, nói đúng hơn, tạo ra chúng tôi".
"Qua tạp chí Quyên?" – Thức hỏi, ngập ngừng.
"Đấy, câu chuyện diễn ra từ đấy. Những Đứa Con Của Cá Mập, nhìn chung là một nhóm người hiền lành, cố gắng kết nối những kẻ yếu thế và tổn thương trong trường học." – Mộc Miên gật đầu hài lòng.
"Em có để ý Những Đứa Con Của Cá Mập có một vài bài viết châm biếm trường học rất mạnh." – Thức nói lửng lơ.
"Không phải một vài đâu. Kể từ năm 1997 thì số nào cũng có. Nhưng đấy chỉ là một phần hoạt động của cả Hội, lúc đó mới chỉ là một nhóm".
Đây mới là câu trả lời mà Hùng Panô muốn nghe. Anh toan hỏi hiện nay còn những ai đã từng hoạt động trong tạp chí, hay còn ai giữ những bản in lưu chiểu. Nhưng Thức đã kịp cướp lời: "Trước đó thì thế nào ạ? Năm 1996 ấy?".
"Có một mục nho nhỏ do chính tôi chịu trách nhiệm, đó là Tâm tư học đường. Xen giữa những bức thư không đầu không cuối kể lể tâm tình tuổi ô mai, phải có đến hai chục phần trăm là những câu chuyện đen. Các tòa soạn tuổi hồng khác lờ đi những thứ đó, nhưng Quyên thì không. Tụi nhỏ ăn thước gỗ vào đốt tay, chuyện đó có nhỏ hay không? Trên đời này có một số nỗi đau mặc nhiên được cho là lớn hơn nỗi đau khác, chỉ vì nó dính dáng đến những chuyện quan trọng hơn. Không hề là như thế, một đứa trẻ bị vặn tai và một người lớn bị lừa mất vài trăm USD, chấn thương có thể là như nhau".
Vô tình, những tờ tiền Mỹ kim lại bay phất phơ trong đầu Hùng Panô. Thức trầm ngâm, như thể có một ý tưởng nào đó vẫn còn mắc lại trong dòng suy nghĩ: "Đó là lý do tại sao em có cảm tưởng Quyên không phải là tạp chí dành cho học sinh sinh viên".
"Đã từng. Thoạt đầu Quyên nhắm đến thị phần của học sinh sinh viên. Nhưng đã có những cảm tình khác thay thế, những lối đi khác được mở ra, cuối cùng chỉ còn lại một cái tên là mang phong vị học đường. Thật tiếc là nó chỉ tồn tại được hơn một năm. Các cậu sẽ không bao giờ tìm được tạp chí nào có tính avant garde như thế. Hầu hết nhân sự quy tụ ở đó là những sinh viên về nước, những nghệ sỹ, nhà báo trẻ trung và tiên phong. Rất nhiều điều mới mẻ vượt qua cả thị hiếu những năm 90 đã được bày lên mặt giấy: nghệ thuật sắp đặt, thơ văn xuôi, chủ nghĩa Dada, những công cuộc nhặt sạn và vạch trần bọn nghệ sỹ ăn cắp ở trong nước... Chúng tôi đã làm nên những thứ đẹp đẽ và nguy hiểm. Mãi đến năm 2003, mới có những buổi tọa đàm về Nghệ thuật trình diễn đầu tiên, nhưng Quyên đã thực sự nghĩ đến nó từ năm 1997. Quyên là cả một kế hoạch dài hạn và có phần điên rồ muốn hiện đại hóa thị hiếu theo cách nhanh nhất có thể. Chúng tôi đòi cắn miếng bánh của tương lai và chúng tôi bại trận".
"Thật tiếc là tụi em không có đủ bộ để đọc những thứ đó. Nhưng em rất mê những bài tranh luận về Canto Pop." – Mai Hạnh nói.
"Quyên là viên ngọc trai bị chối bỏ của cuối những năm 90, và chỉ là cái vỏ trai vô dụng của thời điểm bây giờ. Đã hai mươi năm rồi các bạn trẻ. Nếu đọc được, bạn cũng thấy nó nhạt nhẽo như hàng đống blog hiện nay thôi. Các bạn không còn bị bất ngờ khi xem những phim như Usual Suspect[3], phải không? Mọi thứ cũ đi rất nhanh. Chẳng bao giờ đua được với thời đại".
"Vậy hồi ấy chị hoạt động trong tư cách nào, Những Đứa Con Của Cá Mập hay một nghệ sỹ thể nghiệm?".
"Một nhà báo." – Mộc Miên cười nụ - "Năm đó tôi 25 tuổi. Tôi viết ít hơn Thu Hà, một cô gái ghê tởm quá khứ ở trường Trung học phổ thông, rồi chủ trương biến đau thương thành hành động. Tôi chủ yếu thực hiện các hoạt động xã hội, thư tín. Chính việc này tình cờ tạo biến Những Đứa Con Của Cá Mập từ nhóm bút biến thành một hội kín".
Cái tên Thu Hà như một luồng điện xẹt qua trí não của cả bốn con cú vọ. Thức nuốt ực, đặt câu hỏi trong tư thế gần như bật khỏi ghế: "Chị có biết bây giờ nhân vật Thu Hà ấy ra sao rồi không?".
Mộc Miên lắc đầu, rồi dò đường trong trí nhớ: "Cô ấy chỉ hơn tôi hai tuổi, nhưng kinh nghiệm báo chí và bút lực hơn hẳn. Thu Hà viết báo ở Hà Nội Phố, Hoa Học Trò từ thời mười lăm tuổi. Còn tôi, nói thật nhé, tôi cũng chỉ là một phóng viên hạng nhãi nhép. Tôi mê những ý tưởng đẹp còn Thu Hà chỉ lăm lăm chữ chiến đấu, chiến đấu với kẻ thù học đường. Tôi còn nhớ như in cô ấy đã đắc ý thế nào khi thắng vụ tố cáo đường dây buôn bán trinh nữ của hai ông thầy đáng kính ở trường THPT Tây Thành. Các cậu thông cảm, tôi không thể tiết lộ chuyện gì đã xảy ra với cô ấy thời đi học, chỉ có thể nói rằng nhân cách của Thu Hà đã bị tổn thương. Nó đã quá xa rồi, một khoảng thời gian mà người ta thậm chí quên được cả tên mình nếu không thường xuyên gọi lên. Đến năm 2003, lúc tôi du học về và đã theo nghệ thuật, mọi người lập lại diễn đàn trên mạng lấy tên Những Đứa Con Của Cá Mập, chúng tôi có gặp nhau. Cô ấy trở thành bà mẹ đơn thân hay đau ốm, trông cô ấy buồn bã, cô ấy nói với tôi rằng quãng đời chiến đấu của cô ấy còn làm cô ấy hỏng nặng hơn cả quãng đời trước đó. Cuộc đời là gì vậy? Quỷ sứ thì đưa lối đúng, còn thiên thần thì lại chỉ đường sai. Không có lấy một người đàn ông tử tế ghé qua. Từ đấy chúng tôi không còn gặp nhau, nhưng tôi có một linh cảm mạnh mẽ là cô ấy sẽ sống nhàn nhã phần đời còn lại, thậm chí có thể có đôi chút hạnh phúc còm cõi nào đó mà chính cô ấy để sương mù che mắt không nhận ra".
Hùng Panô định nói gì đó với Thức nhưng cậu đã chặn người đội trưởng lại. Thức hỏi tiếp: "Tại sao chị và Những Đứa Con Của Cá Mập lại ngừng hoạt động?".
"Bởi một lẽ tất yếu rất tầm thường." – Mộc Miên đầu hơi cúi – "Diễn đàn không còn hiệu quả như mạng xã hội. Cái quan trọng nhất là báo chí đã làm phần việc của hội chúng tôi, hiệu quả hơn và có phần bạo tàn nữa. Về phần tôi, tôi chỉ xin lại cái tên có nhiều kỷ niệm trong tuổi trẻ của mình và đặt cho quán cafe. Tôi cũng may mắn hơn cả là theo đuổi được Nghệ thuật trình diễn. Bây giờ thì không ai nói chúng tôi là một lũ điên nữa. Tất nhiên chúng tôi vẫn hãnh diện được làm một lũ điên. Boundaries Space này là thành tựu lớn thứ hai mà tôi được góp tiếng, nó giúp bảo trợ các dự án đương đại, thực tình công trạng rất lớn là nhờ sự hiếu kỳ ở công chúng tuổi các bạn. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ rằng thời gian trước năm 2003 mới là lúc tôi sống mạnh mẽ nhất, còn quyết liệt hơn cả khi trình diễn giữa vòng vây khán giả. Nhưng cũng có thể là do tôi quyến luyến cái tuổi đẹp đẽ và điên cuồng, cái thời kỳ được làm con cái của loài cá mập".
Màn trình diễn Thiên Nga lại lãng đãng hiện về trong tâm trí Thức. Một cơn cuồng phong bay qua cuốn đi tấm lụa quấn quanh cơ thể của người phụ nữ đang ngồi trước mặt: Mộc Miên, gục xuống, bò lên hai mươi tám bậc cầu thang đọa đày, hoàn toàn trần truồng, lê lết đến tấm thảm lông vũ đã phết sẵn chất nhờn dính, rồi kiêu hãnh cuộn mình, nhẹ nhàng tung mình lên như loài thiên nga trong các vở nhạc kịch. Đám lông vũ trắng xóa cả một vùng không trung. Màn trình diễn gây ám ảnh cho Thức, đôi lần dính dấp vào cả những giấc mơ khuya. Rồi trí nhớ bào mòn. Điều còn ở lại với cậu, cuối cùng Thức đã rút ra, là cơ thể trắng lốp của người đàn bà qua tuổi bốn mươi.
"Em thấy cách trình bày không gian này..." – Khanh Stein ngó nghiêng – "...Gợi ra hình ảnh bát quái đồ".
"Chính tôi cũng liên tưởng đến điều đó. Hai màu đen và xám sáng cứ đan quyện nhưng không bao giờ hòa vào nhau phải không nào? Và không có màu trắng nữa. Nghệ thuật đem lại không gian tự do tối đa, đó là đích nhắm của tôi. Tùy theo từng người nhìn, họ sẽ tự khơi gợi ra một cái gì đó. Đấy là một dạng cổ mẫu luôn tồn tục trong trí não của con người. Màu đen là vĩnh cửu còn màu xám trắng là khoảnh khắc. Ta luôn đứng trên ranh giới giữa chúng, luôn phải phân vân giữa việc là một thực thể xuyên suốt qua thời gian và việc là một ngọn sáng lóe lên trong phút giây, giữa chuyện phải sống trong cuộc đời lâu dài bền bỉ hay sống say sưa dâng hiến cho khoảnh khắc hiện tại".
Tự do tối đa. Thức nghĩ rằng mình đã có một lựa chọn về buổi trình diễn kia, trong tự do của cậu. Mộc Miên trần truồng. Cái cơ thể và bờ mông ấy. Đó là tất cả những gì cậu đã lãnh hội, không có thêm một ý niệm nào khác.
Một tiếng chuông nhỏ từ điện thoại của nghệ sỹ Mộc Miên. Hai mươi phút đã qua. Có là gì, hai mươi năm cũng đã qua trong chớp mắt. Bây giờ thì những người đến từ quá khứ bước ra ánh sáng, đổ về tương lai. Còn nhóm Cú Vọ thì lại phải mò về một quá khứ không phải của họ để tìm Quyên.
"Cám ơn các cậu đã nghe." – Mộc Miên nhìn đồng hồ - "Bây giờ lại có người hẹn tôi rồi, tôi lại đổi vai người đi nghe chuyện đây".
Thức hỏi trong khi cả nhóm dợm đứng lên: "Một câu nữa thôi ạ. Chị có biết vụ mất tích của anh Ngọc Tầm không? Nó có liên quan đến việc đóng cửa tạp chí không ạ?".
"Lúc đó chưa có quyết định đóng cửa tạp chí nhưng vụ kiện nhạc sỹ Minh Tâm đã ngã ngũ. Tôi không biết gì hơn về vụ này, chuyên môn của tôi cách xa anh ấy. Nhưng Ngọc Tầm là đầu não của Quyên, một nghệ sỹ lớn ngay từ trong bản năng. Người ta kể rằng khi anh ấy biến mất, cuốn tạp chí vẫn để trên bàn, trong trạng thái đọc dở, đặt dưới cái chặn giấy hình con mã mà anh ấy vẫn ưa dùng. Anh ấy bỏ đi đâu chăng? Nhưng rồi năm tháng trôi qua, tôi cũng quen dần với cái bí ẩn ấy và không mấy khi nghe ai nói gì thêm".
Thức ngỏ ý cảm ơn và cùng nhóm bạn chào ra về. Nhưng vừa bước đi, cậu lại quay ngoắt lại, sực nhớ ra câu hỏi quan trọng nhất: "Chị có cách nào liên lạc với anh Dũng Khải Ninh không?".
Mộc Miên sững sờ trong vài giây. Rồi cô mở bút, ghi ghi vào trong cuốn sổ, trước khi xé ra đưa cho Thức. Một địa chỉ email dài loằng ngoằng như tên đầy đủ của một người Brazil. Mộc Miên kèm theo một cái nháy mắt mỉa mai: "Cậu là một tay cừ. Tôi biết là chẳng có Lê Dương nào giới thiệu các cậu đến đây hết. Nhưng lưu ý cho đừng nói tôi giới thiệu cậu với Dũng Khải Ninh. Anh ta và tôi không bao giờ nhìn mặt nhau".
Thức đồng ý rồi hân hoan nhét tờ giấy vào bao thuốc Mond xanh lá, rồi ấn vào túi ngực. Cậu đi giật lùi, vẫy chào người nghệ sỹ trong một điệu cười đắc thắng: "Nhưng không có nghĩa là tụi em sẽ không có một bài báo nào về Quyên".
Bước xuống cầu thang, Hùng Panô trách móc máu thám tử của Thức đã dẫn câu chuyện đi quá xa. Thay vì thế, giá mà có những câu hỏi trực tiếp hơn, về việc ai đang sở hữu nguyên bộ tạp chí và sẵn sàng bán nó khi được giá. Kỳ thực không phải như vậy, Thức biết điều đó. Nhưng cậu không bào chữa gì, chỉ thả mình trôi xuống chiếc cầu thang xoắn xoay quanh quả chuông treo đang đong đưa. Cậu bất ngờ nhận ra mặt phẳng giao động của quả chuông hình như không hề đổi thay, cứ như nó không hề biết đến góc nhìn của người xem đã thay đổi theo chiều trôn ốc. Chúng ta mới là con lắc Foucault của nó, vật thí nghiệm của nó. Chúng ta đang dao động. Thức mơ hồ nghĩ ngợi.
Phía dưới tầng một, các ông Cezanne, Dumas, Saint Germain đã tái nhợt đi, khuôn mặt phù thũng, đôi môi chảy xề xuống, bệnh tật, chết chóc. Hàng triệu hạt muối tinh thể đã tan xèo đi trong khí quyển mùa hè. Mai Hạnh thúc sườn Thức, nói nhìn kìa. Biết rồi, cái chuyện đang xảy ra: người họa sỹ gốc Việt đang trên đường hủy đi những bức tranh mà ông đã tỉ mẩn dựng lên trong hơn một ngày, chỉ sau hơn chục phút triển lãm. Khoảnh khắc đã dẫn trước, còn giờ Vĩnh cửu gỡ hòa. Một điểm cho người nghệ sỹ.
"Không phải chuyện đó" – Mai Hạnh nói, giọng thều thào – "Ở phía kia".
Thức phóng mắt theo cái hất hàm ý tứ của người bạn. Ngồi trên chiếc ghế băng gần đó một gã đàn ông rất quen mặt, ngỡ như ta đã thoáng gặp hàng trăm lần trên đường đi học, trong chiếc áo sơ mi khoác màu xanh quân đội, hàng ria con kiến, vêt bớt trên mặt. Một chi tiết tách hẳn ra khỏi bức tranh tổng thể.
"Cái gã đứng dưới sân hồi trước, mà ta đùa nhau là đang đặt camera ấy" – Mai Hạnh gợi ý.
"Nhớ ra rồi. Tình cờ quá nhỉ." – Thức so vai – "Trí nhớ tốt đấy Hạnh".
"Tại vì đây là lần thứ ba tớ thấy người này." – Mai Hạnh nói, lạnh băng – "Chắc ông này sống trong khu tập thể".
"Không phải đâu." – Giọng của Hùng Panô – "Tớ từng thấy gã này hôm gặp Thu Hà. Ấn tượng vì gu ăn mặc nhìn như nhân viên Cafe Cộng. Mà này, liệu Thu Hà mà chị Miên nói có phải là..."
Câu hỏi của Hùng bay hơi trong không khí. Một thoáng giật mình nhẹ sánh qua cơ vai của Thức khi cậu chạm phải ánh nhìn của gã đàn ông. Cậu đưa ánh mắt đi chỗ khác, rồi vỗ vai Mai Hạnh, kéo những người bạn về phía cửa Boundaries, miệng huýt sáo theo một bài nhạc của Noo Phước Thịnh. Nhưng Thức vẫn không tránh khỏi cảm giác một đôi mắt đang dán vào sau lưng mình.
Cảm giác đó chỉ tan đi khi bước ra ngoài cửa. Nắng trưa đã phủ ngợp Hà Nội, vã lên lưng người những mảng đẫm ướt mồ hôi.
[1]Mew Amazing (sinh 1990): Một nhạc sỹ và ca sỹ người Việt.
[2]Cranberries: một ban nhạc Ireland thành lập năm 1989, nổi tiếng với thể loại Celtic Rock
[3]The Usual Suspects: một phim Mỹ được phát hành năm 1995. Đoạn kết phim mang lại một cú lừa ngoạn mục cho các khán giả những năm 1990.
Nhận xét
Đăng nhận xét