Chuyển đến nội dung chính

Tiếng gọi ngàn

Đoàn Giỏi (1925 - 1989)


Khi đọc xong Tiếng Gọi Ngàn, tôi chợt nảy ra hai ý nghĩ. Ý nghĩ thứ nhất, lờ mờ nhưng lại rõ ràng: tôi đã từng đọc nó, vào khoảng năm 2008 hay 2010 - ở một tiệm sách cũ, thời điểm đó, gần như không có ấn tượng gì lắm. Ý nghĩ thứ hai, một điều gì đó lôi tôi về trang đầu của tập truyện ngắn cùng tên. Tôi cảm thấy cần phải đọc tất cả các truyện trong tuyển tập đó: Cây Đước Cà Mau, Chim Bay Trên Trời Hà Nội, Chuyến Xe Thổ Mộ Ngày Giáp Tết và Rừng Đêm Xào Xạc. Và tôi đã linh cảm đúng, Tiếng Gọi Ngàn có một vị trí khác, nó gần như không đại diện cho tập truyện. Nó chẳng đại diện cho điều gì cả, ngoại trừ chính giá trị văn chương của nó. 

Bởi vì, Tiếng Gọi Ngàn liên quan mật thiết đến sự bóc tách. 

Trước hết, Tiếng Gọi Ngàn kể về con Vá – một con lợn rừng cái được thuần dưỡng (xin đọc truyện). Câu chuyện là một loạt những sự tách ly: về một con vật bị tách ra khỏi núi rừng, sau cùng, nó bị tách ra khỏi người chủ, người chủ thì bị bóc tách khỏi quê hương bản quán: ăn mặc theo lối Pháp. Nhưng ở bối cảnh rộng hơn, bản thân câu chuyện tách mình khỏi tập truyện. Ngay trong tên gọi, nó không chứa bất cứ một từ nào liên quan đến địa phương (như Thổ Mộ, Cà Mau, Hà Nội). Và Đoàn Giỏi, người viết câu chuyện này năm 1982 – khi bối cảnh thực sự của nó đã đi xa, cần được đọc trong sự bóc tách khỏi Nam Bộ - thậm chí khỏi bối cảnh Việt Nam, điều đã gắn chặt với ông. (Những pha dán nhãn kiểu như vậy, thường xuyên làm người đọc phóng chiếu tưởng tượng sẵn có của mình về một vùng đất lên văn chương đích thực của tác giả). 

Tiếng Gọi Ngàn không chỉ là một câu chuyện diễn ra ở Kèo Nèo. Giá trị nhân văn của nó nằm ở chỗ: nó vẫn thực sự hấp dẫn nếu chuyển hẳn bối cảnh đi một nơi khác trên thế giới. Điều này, Milan Kundera gọi là "bối cảnh nhỏ" và "bối cảnh lớn". 

Không có cách đọc nào là tuyệt đối chính xác. Nhưng tôi nhận ra một cách đọc 

Tiếng Gọi Ngàn đã vượt thoát khỏi khung khổ địa phương của mình như thế nào? 

Có ba thiết chế tồn tại trong Tiếng Gọi Ngàn: 

- Thiết chế của không gian văn hóa Nam Bộ: thị trấn Kèo Nèo. Ta có ngay những người thợ săn "võ dõng", một ông Giáo được trọng vọng (nhưng rất khỏe mạnh và yêu động vật, khác hẳn với bạn Lão Hạc). Ta có ngay sông nước, rừng thiêng, những tổ trứng trích, trứng le le thơm sực mùi cỏ khô lót trong lau sậy, tiếng ca vọng cổ của khách thương hồ buồn rã rượi... 

- Thiết chế của một An Nam mất nước: Không gian những năm 50, Thầy Giáo Bảy chống đối chính quyền Pháp, Sở thú Pháp Quốc bỏ tù những con vật (và đương nhiên, đó là điều tàn ác. Sự Tàn Ác này là yếu tính của phía Pháp trong Văn học Cách mạng). 

- Thiết chế của những mối quan hệ nhân văn: giữa con người và tự nhiên, giữa nhân tính và cầm thú. 

Ba thiết chế này hiển hiện và xuyên suốt, trở thành ba mặt của một cái tháp, lồng câu chuyện của chúng ta vào trong. Ở đâu ta cũng nhìn thấy ẩn dụ. Những ẩn dụ của Tiếng Gọi Ngàn rất lồ lộ: lúc nào cũng mời gọi người đọc nhìn câu chuyện theo các thiết chế nêu trên. Ta luôn có cảm giác chơi vơi, lúc nào cũng có thể sa chân vào những câu chuyện của bối cảnh nhỏ. Câu chuyện về mất nước, câu chuyện về một Nam Bộ bị thực dân hóa. Bởi lẽ, con Vá – tên con lợn rừng trong truyện – được đặt vào trung tâm của ẩn dụ. Nó có thể là bất cứ cái gì, chẳng hạn: là ẩn dụ cho tinh thần tự nhiên, bị những lồng cũi văn minh của Thực Dân Pháp úp xuống. Chẳng hạn, Con Vá là biểu trưng cho một thành quả văn hóa của Nam Bộ (sự thuần dưỡng luôn là thành quả của văn hóa), dù bị tàn phá bởi Pháp, nhưng không tiêu diệt được tâm hồn của nó. Quả có vậy. Và quả là ta đã trở lại thời học trò: tập làm văn. 

Như thế, tôi đọc Đoàn Giỏi trong sự hồi hộp. Sự hồi hộp ấy là một phức cảm, một niềm lo sợ bị rơi vào những bẫy của lối đọc. Nhưng nhà văn đã cứu tôi khỏi điều đó. Ông chạm vào tất cả các chiều kích, nhưng không rơi vào chúng. Khi ta tưởng rằng con Vá sẽ trở lại với thú tính mà "ngàn" ban cho, nó lại trở về. Khi ta dợm thấy bóng hình của Thực Dân Pháp, câu chuyện lại quay về đúng chỗ của nó, thân phận của một con vật, một nhân tính. 

Ta dễ thấy câu chuyện là sự mở rộng (tăng dần) của bối cảnh: nó đi từ đối lập giữa rừng núi Nam Bộ – con người Nam Bộ, đến với đối lập của Nam Bộ - Thế lực Ngoại bang. Câu chuyện là một sự lớn lên của chữ "Ngàn", thoạt tiên chỉ có nghĩa là rừng núi, nhưng sau đó đã trở thành hẳn một bối cảnh văn hóa: một chốn quê hương. Con Vá, trải qua những thử thách cực độ cả ngoại cảnh lẫn tinh thần, đã bảo vệ được phần nhân tính mà con người Nam Bộ dạy cho nó. Sự đào luyện này, có sự tham gia của đầy đủ các yếu tố trong thế giới nhân văn: Tự nhiên (rừng núi, với bản năng và tự do), Xã hội (Ông chủ - tức thầy Bảy), Quốc gia (Nam Bộ - thực dân Pháp). 

Nhưng chỉ có dzậy thì nói làm chi! Yếu tố lớn và then chốt nhất là Bi Kịch của con vật. Bi kịch ấy không ngẫu nhiên: Đoàn Giỏi có sự chuẩn mực của một nhà văn giỏi kĩ thuật, khi dự báo mọi thứ ở đầu truyện. Chính bi kịch đã đưa Vá trở thành một nhân tính. 

Tiếng Gọi Ngàn là một sử thi về nhân tính, thậm chí là một sử thi với cấu trúc năm hồi hoàn chỉnh. Nó là những gì nhân loại hiểu về nhân tính. Hay, dự phóng về nhân tính. 

Bất cứ một nhà văn nào có tham vọng viết một sử thi về nhân tính, đều là một nhà văn lớn, hoặc ít nhất, hướng đến sự lớn. 

Đoàn Giỏi, sinh năm 1925, là nhà văn với những trang viết góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. (Chế Lan Viên). Bây giờ tôi mới quay trở lại ý nghĩ thứ nhất: tôi đã đọc nó vào quãng năm 2008 – 2010. Chính xác là 2008, vào tháng bảy. Và cũng có - trong một tờ báo khổ lớn - đoạn trích trên của Chế Lan Viên, 

Bây giờ tôi đọc lại tất cả. 





(Bài đã đăng trên Chuyên san Viết và Đọc - NXB Hội Nhà Văn - Chuyên đề Mùa đông 2019)











Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...