Viết năm mười chín


Năm mười chín, kể như tôi đã ly khai với gia đình về mặt quan niệm sống. Và hình như tất cả những người trẻ tuổi hướng ngoại đều như vậy. Tính hiếu thức của tôi không thuận lợi cho một lối sống chỉ quan tâm đến những điều nhỏ bé, chẳng hạn, lễ lạt. Tôi từ chối hướng nhìn cuộc sống của mẹ và như để phản ứng bằng hành động, tôi hòa nhập thái quá vào những sự nhìn nhận mới mẻ, trái chiều. Thậm chí chấp nhận rằng trong đó có nhiều phần vượt quá khả năng kiểm chứng. Hơn nữa, tôi mắc chứng kỳ thị số đông, sẵn sàng từ bỏ đội bóng mình yêu thích chỉ vì có 400 người xung quanh cũng yêu thicha nó. Đó không phải là một thứ tình cảm tự nhiên: hẳn là ở những người vốn dĩ nhu nhược nhưng không kém cỏi, cái khả năng phản khăng sẽ được nuôi nấng trong họ để tạo thành một thói quen, một phẩm chất. Nút thắt nằm ở chỗ ngay cả sự phản kháng của tôi cũng không được chấp nhận, tan trong hư vô. Vì mẹ tôi bận rộn và hơn nữa, xót xa vì tôi gầy yếu. Mẹ tôi chuẩn bị một món tiền lớn và lỉnh kỉnh đồ đạc trong lần tôi lên thủ đô học đại học, dặn dò trong nước mắt.


Bố tôi ở xa và tôi rất ít khi gặp ông, một trong những lần đó trùng với đợt trở lại thủ đô học đại học. Năm tháng cho ông những câu chuyện nhiều hơn những triết lý. Có thể không mấy khi quá bất ngờ về những biến cố trong đời khiến ông thay đổi đức tin, ông vẫn giữ liên lạc với những tình cảm truyền thống mà không cần chắt chiu một cách giả tạo. Bởi vậy, ông khuyến khích ở tôi tình cảm với họ hàng bên nội (mà tôi không nhớ hết tên những thế hệ gần nhất) bằng một phương pháp rất hồn nhiên: cứ coi như chúng tôi đã sẵn có những tình cảm thân thiết và giờ đây chỉ cần bồi dưỡng bằng cử chỉ hỏi han. Tôi chỉ yêu mến hai người chị họ và một đứa cháu nhỏ - những người cho tôi một thiện cản vững bền, do họ cũng trẻ trung và ít câu nệ. Không khí họ hàng chúng tôi lúc nào cũng nồng nhiệt và sặc mùi giới thiệu, quả thực nó chỉ là tập hợp những mối quan hệ được xây dựng dựa trên tham khảo gia phả. Tôi biết rõ người dân quê tôi khi yêu mến nhau thật sự họ nheo mắt và nói nhỏ nhẹ như thế nào, và cử chỉ đó vắng mặt nao nhiêu phần trăm trong các buổi họp họ hàng rộn rã. Nhưng bố tôi là người ly hương, tôi quên chưa nói điều này: ông sống cùng bà vợ cả và đứa con trai rất thông minh cùng những mối quan hệ phức tạp giữa các đồng hương đã định hình thành cách hành xử tại một thành phố nhỏ bé ngoài biên giới Việt Nam. Điều này khiến ông tránh xa không khí dễ làm biến đổi tâm tính con người trong nước, và được hưởng một đặc ân trong đời là thường trực âm ỉ nỗi nhớ quê hương để khi quay về cháy bùng ký ức. Những lần ly tán đã làm nên những bước chân tự do, một tâm hồn vụng về thuần khiết. Vì thế, tôi thông cảm cho sự thích thú của ông trong những buổi họp họ, sự lớn tiếng của ông khi nói về gia tộc cũng giống như niềm vui ngây ngô mà ai trong đời chẳng có với những gì mình yêu quý nhất. Nhưng ngày tháng đã cho ông cảm giác vội vàng và ông tranh thủ cả những kẻ hở rất nhỏ trong mọi giây phút kể cả khi đang xao xuyến một buổi tao phùng để suy tư. Mí mắt ông rất nặng khi cười hay đăm chiêu. Nó làm mắt ông hướng xuống trông có vẻ như ông đang cúi đầu. Đó là biểu hiện của những người đang suy tư bằng chất liệu của ký ức. Sở dĩ đó là giây phút cần trân trọng vì phần lớn thời điểm này không giành cho những thất vọng, những kỳ vọng hay là những hối tiếc quá khứ. Những yếu tố đong đầy thành kiến ấy chỉ tổ gây ra dằn vặt.

Tôi đã không hy vọng vào những chuyến đi rằng sẽ thui rèn được tính dạn dĩ và mong hiểu nhiều hơn về bố tôi. Tôi đã bị cuốn đi trong những giai điệu trong đầu mình mà tôi gán cho cảnh vật, con người, mọi thứ... Một thứ âm nhạc trong trí nhớ đã đi dìu tôi vào năm hai mươi tuổi, và tôi tưởng như nhờ nó cuộc đời phiêu đãng và bớt trơ trẽn hơn. Bởi vì giờ đây núi non hay bãi sông dài chẳng còn khiến cho con người ta dưng dưng xúc động được nữa, có chăng, cũng chỉ là ngộ nhận thôi bởi người ta đã sống quá lâu trong một môi trường sáng quắc, cây cối nhà nhà hằn rõ những hình thù lì lợm, tránh xa sự yêu đương ngô nghê. Và rồi mặt người mòn mỏi như kêu gọi một thứ hiện thực nghiêm túc sòng phẳng. Ngày hôm nay thật đau khổ khi phải nói với nhau rằng tất cả những gì chúng ta cứ tưởng là có giá trị văn hóa tinh thần thực ra chỉ là biểu tượng của một niền an ủi sâu xa, giống như không gian trà đạo trong một quán hàng đắt đỏ Hà thành và tệ hơn là giống như người ta đi du lịch miền núi để tự huyễn rằng thuwowr xưa tình yêu thiên nhiên đã bồi dưỡng trái tim con người. Còn những gì thật sự là "tôi" nhất giờ quá huyền mờ dù chúng ta vẫn sống trong lòng mình như nhân gian thâu dồn trong một lời kinh. Không phải vì quá xa mà đòi hỏi nỗ lực vươn tới, mà quá gần đến độ chẳng nhìn ra.

Mặc dù vậy sau bao năm, tôi vẫn chăm chú tìm niềm khoan khoái bên kính cửa những chuyến xe đêm. Điều đó là chắc chắn có liên hệ dù không minh chứng được với những cung bậc tâm hồn. Biết miêu tả thế nào những chuyển động ngoài kia? Chỉ có một thứ ánh sáng rất mờ ảo đong đưa xung quanh mình, kích hoạt tiềm thức bao la. Cảnh vật không còn mang dáng dấp thường hằng đã làm cho thị giác bớt chủ quan và tâm hồn bắt đầu biết nghe lắng. Một ánh sáng mờ phía xa gợi lên hồi ức tuổi thơ ngắm những ngôi sao trên trời và tìm thấy trong khoảng tối nhờ nhờ mênh mông có với ta những bí mật thầm kín, không phải những "ước mơ bay cao" như sau này do bí từ mà ta gọi. Hơn hết, đó lại là những giờ phút rất trung thực, không cần phải cứ đi sâu vào phần tâm hồn kỳ vĩ, mà có thể nghĩ về chuyện đời, hát vu vơ. Trong lòng tôi tìm được sự mến mộ với những nhạc sỹ đã viết lên những ca từ mơ hồ, u uẩn thay vì tìm cách diễn đạt sáng rõ: ta phải thấy qua những tác phẩm của mình, họ đang cố gắng nói cho ta cái bí mật tận cùng mà họ trót biết.

Đông 2012



Nhận xét