Chuyển đến nội dung chính

[xa hiên nhỏ] chương 8 và 9 - hiên nhà số 771

>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)

Chương 8 - Hiên nhà số 771
Nắng như thiêu đốt, xóa bay biến gần như tất cả những tín hiệu thẩm mỹ trong phố phường. Cái vỉa hè móp lại, bụi chẳng buồn bay. Người ta nhìn lên hàng cây cao bằng con mắt chiêm bái, khiếp hãi tưởng tượng về lượng dân cư của thành phố, về những chuyến xe nhà tù di động trở sinh viên nghìn nghịt đi trên những nẻo vô vọng, nhăn mặt nói với nhau rằng tháng 6 năm nay sẽ đi vào lịch sử.
Lịch sử thì đang réo ồn ã trên những kệ sách nhà số 771. Nó là loại sách duy nhất được phân loại, nằm hợm hĩnh trên những chỗ đẹp nhất, vừa mắt nhất của cả cửa hiệu. Bằng một cơ duyên nào đó, cái cửa hiệu hẹp hòi hôm nay lại được sắp xếp gọn gàng, thông thoáng, cứ như biết trước sẽ đón người đẹp. Có thể một đống rác rưởi nào đó đã được tống đi. Nhưng đó chỉ là về tổng thể. Những lộn xộn cỏn con còn lại cũng đủ tách nơi này khỏi hiện thực bên ngoài, tạo nên một hiện thực riêng: người ta sẽ đọa thân với sách, điên lên cùng sách, và nếu chết có thể giấu xác ở đây, an toàn tuyệt đối. Khi người đẹp ngước nhìn lên trên, những chồng sách bìa vải thuộc dạng thư viện thanh lý, xộc xệch cao đến tận nóc, như một bức tranh dã thú trong phổ màu xanh đen, chỉ toát lên một từ duy nhất: dồn ứ. Rồi đồng thanh kêu cứu vì chúng hiểu rằng nằm ở cái xó tối tăm này là cơ hội cuối cùng trong vòng đời khốn khổ của mình.
Chẳng thế mà người ta gọi cửa hiệu của lão Sâm là con mắt chột của khu phố.
“Lũ ngu đần không hiểu thế nào là mắt.” – Lão nói, giọng khinh bỉ - “Một ngày không biết bao nhiêu bọn khỉ ho cò gáy mò ra đây để nguyền rủa thư viện. Vì tụi nó biết là thứ gì không kiếm được ở ngoài kia, chỉ có thể mua được ở đây”.
Lão Sâm đáng tin trong câu nói này. Tài năng lớn nhất và duy nhất của lão trong hơn bốn mươi tuổi đời là khiến cho khách hàng – phần lớn là trí thức – căm ghét nhưng vẫn mò đến. Lão còn sáng kiến hủy luôn cái thang sắt nối vỉa hè, ngạo nghễ nhìn những khách hàng khốn khổ chồm lên như ngựa chứng mỗi khi tấp xe vào cửa hiệu. Nhưng không phải trường hợp nào lão cũng đúng. Hạnh đã nhìn rất kỹ: ở đây không có tạp chí Quyên, cũng không có những loại tạp chí bẩn thỉu hằng ngày vẫn nằm chồng đồng dưới sàn, xếp cạnh những giáo trình đại học, trong cùng một nhóm các loại sách hạ đẳng nhất theo sự phân biệt đặc trưng của nhà số 771. Mai Hạnh tự hỏi liệu có bàn tay sắt thép nào đã đến sớm hơn để hốt trọn niềm hy vọng của Cú Vọ? Hay chính sách kinh doanh mới của lão Sâm đã không còn bao gồm thể loại tạp chí nữa? Và tất cả những gì nhóm bạn trẻ có là món quà ngẫu nhiên của Tưởng Như kèm theo trí tưởng tượng ngây thơ của Hùng Panô, cùng một món nợ bằng đô la đầy rủi ro…
“Chú mày vợt được con bồ hạng khủng đấy.” – Lão Sâm, tướng nhà binh trong áo ba lỗ xanh lá và cái dây chuyền bạc to như vòng kim cô phiên bản thử nghiệm dành cho cổ, ghé tai Mai Hạnh trong lúc cậu uống lấy uống để nước trà bên ngoài cửa - “Cuối cùng thì quả na cũng phải mở mắt”.
“Anh nói ai cơ?” – Hạnh nuốt ực ngụm nước. Đắng ngắt. Cần cái gì đó tinh khiết hơn để pha loãng máu.
“Miếng nem tươi kia kìa. Nó dìu chú mày đến khía cạnh nào của thuyết libido rồi?”.
Hải Đường bận một chiếc áo phông bó, và váy xòe rất ngắn, trông như vừa bước ra từ tạp chí người mẫu. Mai Hạnh ngó ngàng, nhưng cậu hoàn toàn bàng quan. Chưa bao giờ cậu nghi ngờ vẻ đẹp tuyệt trần của người bạn. Nhưng cũng chính vì thế nó không còn mới, không còn bất ngờ.
“Ước gì phụ nữ được như sách cũ.” – Mai Hạnh buột miệng.
“Nó đã giúp chú mày phá giới rồi phải không?” – Lão Sâm cười nham hiểm.
“Chỉ là bạn thôi.” – Hạnh nhún vai, chặn đứng một cơn đỏ mặt không tương xứng với tuổi hai mươi ba – “Anh cứ hiểu như một người chị ấy”.
“Tao sẽ hiểu là một người chị phóng khoáng.” – Lão Sâm gật gù, với một tia nhìn châm chọc – “Mười năm nữa khi đã sưu tập được kha khá bệnh tật vào người, chú mày sẽ tự trách mình rằng tại sao lại sống phàm tục đến mức không vật ngửa bọn quỷ cái ra từ năm mười tám tuổi”.
Một người đàn ông tóc bạc bước ra khỏi cửa tiệm, chừng đã năm mươi tuổi, trong một bộ quần áo bò màu xanh biển, còn rất mới. Ông có một đôi tay dài, khuôn miệng rộng. Trông ông chẳng có vẻ gì là nóng bức, chẳng có vẻ gì là thua cuộc trước bãi chiến trường sách vở. Cũng đeo một dây chuyền to bản, nhưng nhẹ nhàng bay bổng hơn lão Sâm. Tất cả khuôn mặt ông chỉ toát lên một vẻ phong lưu lơ đễnh, pha lẫn một chút ngậm ngùi và có vẻ dễ tha thứ cho kẻ khác, thuộc tuýp hiếm có của thế hệ sinh ra và dậy thì vào thời bao cấp.
Ông hút thuốc luôn luôn và Mai Hạnh hiểu rằng để cầm một đóm lửa bước chân vào tiệm sách cũ mà không bị lão Sâm nguyền rủa, hẳn phải là một bậc anh hào gì đó mà lão Sâm phải tự biết đường xác định tư cách.
Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh 1974, ố một góc, đã mất bìa sau. Cái trống thiếc của Gunter Grass, giấy khá cứng và quăn do bị ngấm nước, nghe rõ tiếng lạo xạo. Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim, sách bìa cứng, một bản remake ngoài luồng với giấy ngà được đánh giá rất cao về độ tỉ mỉ trong từng mũi khâu. Dagestan của tôi, chỉ có tập hai, bản in của NXB Cầu Vồng, một sản phẩm đáng ngưỡng mộ đến mức vì nó người ta sẽ mãi mãi hoài niệm về Liên Xô cũ. Một đống sách giấy đen khác bằng song ngữ Pháp Việt. Hai người bán mua đều thản nhiên và kiệm lời, họ có lẽ quá hiểu nhau, như thể thanh toán chỉ là một thủ tục ngu ngốc cuối cùng của tiến trình văn hóa đọc. Không mặc cả, chỉ có tiếng tặc lưỡi: một bên nào đó đã nhận thua cuộc. Và cuối cùng mới đến lượt tiếng lạo xạo của tiền. Một trường hợp cũng hiếm hoi khi người chi tiền trông khá nhẹ nhàng còn người bán hàng thì cứ như là vừa nhận bản kiểm điểm của con trai thay vì là giấy bạc Polymer. Xong phần mậu dịch, người đàn ông ngồi xuống, rót một ly trà và nói chuyện với lão Sâm về một quyển sách bí ẩn nào đó ông đã truy tìm hơn nửa năm nay.
Chữ nghĩa làm Hải Đường khát khô cả cổ. Cô bước ra ngoài trong tình trạng mồ hôi đang ăn mòn cơ thể xinh đẹp, làm ướt tóc mai và vì thế trông cô như chân dung trên giấy lụa Nhật với những nét bút mềm mại đậm đà. Cô ngồi xuống cạnh Mai Hạnh, xin một cốc nước.
Lão Sâm, trong khi giữ nguyên tư thế quay về phía Mai Hạnh, đưa một cú liếc quyết đoán sang người đẹp. Lão toát lên một vẻ gì đó rất hài lòng, hài lòng một cách trịch thượng, giống như bọn vương giả xem múa Ấn Độ. “Thế nào? Rất nhiều thứ hay ho đúng không?”.
Hải Đường cảm thấy mồ hôi rịn ra từ đôi chân khép, cô ước gì cặp giò của mình không gầy guộc như vậy để có thể mặc quần ngắn. Rót nước cho tôi đi, cô thầm nghĩ.
Cô ngầm hiểu rằng lão Sâm không hy vọng gì bán được sách cho một kiều nữ mặc váy ngắn. Khi cô chìa ra cuốn sách bám đầy bụi, một tác phẩm chết chóc của Stephen King, lão xua tay, ngỏ ý không tính tiền.
“Coi như quà tặng cho bạn gái Mai Hạnh, nhân dịp các em qua chơi.” – Lão nói – “Vài cuốn sách remake cũng đủ lời lãi cho cả tuần. Cửa hàng cũng không quyết liệt giữ lại sách văn học thị trường làm gì cả”.
Đó là món quà thứ hai rồi. Có lẽ việc để cho Hải Đường ngắm nghía tiệm sách mà không cần phải chọn, theo lão Sâm, đã là món quà đầu tiên. Nhìn mặt lão là biết. Thôi thì cảm ơn. Hải Đường trả lại lão một nụ cười giai nhân, đoạn thản nhiên nhét quyển sách vào túi xách nhỏ. Sự hàm ơn không nên hiện diện ở đây. Mang về cho Thức. Cô nghĩ. Thật là dại dột nếu đánh giá thấp sách của Stephen King. Tiếng khóa kéo va vào vải dù khô nhắc nhở cho cô nhớ cơn khát đang xâm chiếm cổ họng mình, từng chút một.
“Anh không bán tạp chí cũ nữa hay sao?” – Mai Hạnh hỏi, trong lúc xắn tay áo.
“Vẫn.” – Lão Sâm đáp, lạnh lùng – “Nhưng bán theo bộ. Ngày nay chắc chỉ có dân sưu tập mới xơi món đấy. Tao vừa thanh lý tuốt tuột hơn ba trăm số tạp chí Khoa học xã hội cho cụ Vính. Chẳng ai ưa gì cụ nhưng ít nhất đấy là Bá Kiến của làng buôn sách. Ai mà chờ đợi được các giảng viên của chú mày xem từng số từng bài một rồi mới bỏ vài ngàn ra mua”.
“Họ sưu tập cái gì ở đấy nhỉ?” – Mai Hạnh tiếp tục, tự dưng có cảm giác cậu đang trong cuộc phỏng vấn.
 “Cũng y hệt như sách thôi: thời gian, độ hiếm, hình thức bên ngoài và tư liệu bên trong.” – Lão Sâm đẩy cốc nước sang Hải Đường, kịp đưa một ánh nhìn xẻ dọc cặp chân mịn màng – “Có điều là có ít thứ giá trị như sách. Với cả chúng phải đồng bộ, thiết kế đẹp. Với cái kiểu trưng hình gái đội nón lá lên bìa và in quảng cáo tội vạ ngày nay thì ta nên bán cho bọn đầu bếp hoặc dán tường quán cafe”.
Từ cốc nước trà, một mùi đàn ông hôi hám xộc thẳng vào vị giác Hải Đường. Phía thành cốc: những vệt vàng xỉn loang lổ xếp thành những hoa văn bẩn thỉu, sản phẩm của không biết bao nhiêu đôi môi trần thế. Cô chỉ nhấp một ngụm, đắng quắt, ghê tởm như vừa hôn một gã ăn mày. Cô lướt nhìn đôi môi của hai gã đàn ông còn bõng nhớt trà, rồi vờ quay mặt đi, nhìn xuống chân mình.
Khi ngước lên cô lại gặp ánh mắt mê thú của lão Sâm. Nhưng lão cũng rất nhanh giấu diếm nét thèm thuồng xuống dưới hai hàng mí mắt. Mí mắt của lão rất nặng, nhìn như bị ong châm, khi cụp xuống tựa như chìm vào trong một phức cảm xa vời. Một chút gì đó của sự thông minh, của cam chịu, của đơn độc và thù hằn.
Hải Đường nở một nụ cười giữa đường môi khô khốc và lấy từ trong túi xách một cuốn tạp chí Quyên, chìa ra cho lão Sâm, ngọt ngào: “Anh có biết mấy quyển này chứ?”.
“Biết. Nhìn khá lạ so với các loại tạp chí cùng thời.” – Lão Sâm trả lời theo bản năng con buôn.
“Nó có giá trị sưu tập gì không?” – Hải Đường trưng ra vẻ ngây thơ.
“Cái này không rõ.” – Bây giờ khi nhập cuộc, lão mới nhìn Hải Đường – “Bìa theo anh là xấu. Chắc nó định tái hiện phong cách trước năm 86. Nhưng cái gáy ghim thì không thể khen được.”
“Gáy ghim sao ạ?”.
“Nó làm mất giá trị sưu tập. Trừ thư viện, chẳng ai dựng một đống tạp chí mỏng tang không có tên ở gáy lên tủ sách gia đình”.
Cái áo thun bắt đầu chật ních. Nước! Nước trắng...– Hải Đường nghĩ – đóng chai nữa. Cô gạt một lọn tóc, bây giờ thì cần gì sự quyến rũ. Vỉa hè như cái nồi hấp và cô bắt đầu muốn cởi giày.
“Liệu có ai đấy sưu tập cái thứ này không?”.
Lão Sâm nghĩ vài giây rồi gõ gõ ngón tay xuống thành cốc trà: “Lúc đầu tưởng là không. Nhưng gần đây thì khác”.
Hải Đường và Mai Hạnh nhìn nhau. Cơn khát thôi cào cổ họng, Hải Đường hỏi dồn: “Vẫn có người tìm mua hả anh?”.
“Hôm kia có một gã râu kẽm, giọng lơ lớ như người Hoa. Không có vẻ gì là chữ nghĩa thật hay chữ nghĩa rởm cả.” – Lão Sâm hồi tưởng, và đó là cơ hội để khua ánh mắt vào trong cạp váy mỏng manh của người đẹp – “Nhưng đành làm hắn thất vọng vậy thôi. Hắn dặn đi dặn lại là cứ tìm, nếu thấy thì báo giá. Giá nào hắn cũng mua”.
“Kỳ lạ nhỉ”.
 “Tuần nào tháng nào cũng có vài ba tên lạ hươ lạ hoắc đến hỏi những thứ ngoài hành tinh. Hơn một nửa trong đó rơi vào khả năng là một lũ chim lợn, giả vờ rằng thị trường cần một cái gì đấy để bọn này chui đầu vào rọ. Chiêu trò trước đây của cụ Vính”.
Một thoáng im lặng. Lão Sâm chợt ngó Hải Đường, thân thiện: “Em tên gì vậy?”.
“Em á? Một bông hoa. Như kiểu Quyên.” – Hải Đường nhún vai, cơn khát đã quay trở lại, không rõ từ phía trên cơ miệng hay từ phía dưới cổ họng – “Em tên Hải Đường”.
“Đường. Ngọt ngào nhỉ.” – Lão Sâm đá mắt sang Mai Hạnh – “Nếu Đường định tìm loại tạp chí này thì phải nói là bây giờ nó đã đắt hơn rất nhiều rồi đấy”.
“Đắt hơn so với cái gì ạ? Có phải ai đó đã làm sốt giá...”.
“Không. Không thuộc trường hợp ấy đâu. Nói sao giờ?” – Lão Sâm tìm từ vựng – “Có những cái không thể lường được trong tư duy của bọn sưu tập. Chẳng hạn, có những tay mua sách chỉ để đốt đi, cho đến bản cuối cùng, là bản duy nhất mà hắn giữ. Hoặc giữ lại hai bản, một bản cắt ra từng phần, đóng khung chia cho thiên hạ. Vân vân... Tóm lại thế này nhé thằng cha hôm vừa rồi có thiện ý mua thật, bởi vì ngay hôm trước đó cửa hàng này đã bán đi nguyên một bộ Quyên”.
Hai khuôn mặt sửng sốt. Mai Hạnh nuốt ực: “Nguyên một bộ? Bán cho ai ạ?”.
Lão Sâm lắc đầu, cười rung bần bật: “Nguyên tắc nghề nghiệp là không tiết lộ. Tôi sẽ để ý hơn đến bộ tạp chí này, sẽ gọi ngay cho các cô cậu nếu cần”. Rồi lão vờ nghiêm nghị: “Mà lặn lội chợ sách lâu năm rồi, chưa bao giờ thấy trường hợp nào khách lũ lượt đến săn mấy quyển tạp chí ráo riết như săn thư tay của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thế cả. Các vị là lượt thứ tư rồi nhé”.
“Anh cũng không thể tiết lộ nguồn nhập ở đâu à?” – Một câu hỏi trực tiếp và có phần ngu ngốc, vì thế, Hải Đường làm điệu bộ một cô nhóc tì thất vọng vì quà sinh nhật.
“Mấy ngày qua mớ tạp chí này phải tăng giá gấp đôi rồi. Ta bán bộ vừa rồi quá rẻ, chẳng qua cũng là thiếu bốn cuốn.” – Lão Sâm nhún vai, không hề nao núng trước kiểu làm nũng của người đẹp – “Cứ ghi số điện thoại vào đây và cô em sẽ được gọi đầu tiên nếu gặp bộ tiếp theo. Hứa đấy”. 
Mẹ kiếp cái nguyên tắc của ông – Hải Đường rủa thầm. Nhưng cô biết kiểu trò chuyện này sẽ đi đến kết quả có lợi. Chỉ cần kiên nhẫn một chút thôi. Ôi, nước. yếu ớt quay quanh tìm kiếm một cửa hàng tạp hóa gần đây. Mãi tận bên kia đường! Phải băng qua dòng Tô Lịch huyền bí đen tuyền, “dòng sông thanh tẩy” của cả thành phố.
“Rất khó đấy.” – Người đàn ông tóc bạc trong vai khán giả nãy giờ, thình lình lên tiếng – “Nếu còn một bộ Quyên, thì đó có thể là bộ duy nhất còn lại. Và tay khách hàng của cậu đã mua mất rồi”.
Ông nhìn lão Sâm, chừng như không muốn quấy quả vào cái giao diện tự tin thạo đời mà người bán sách đang trưng trổ ra: “Nó bị đình bản cuối năm 1997. Không kèn không trống. Các cậu không biết cũng phải thôi”.
“Như vậy thì phải độc giả trung thành lắm mới giữ được toàn bộ số tạp chí hả chú?” – Mai Hạnh đặt câu hỏi trong một nỗi mơ hồ: giọng nói cậu vừa nghe thấy rất quen thuộc, nhưng không nhớ là ở đâu.
“Bộ đó tôi kiếm được là sách vỡ tủ, bán kèm một đống sách Nga lùng nhùng khác. Chuyện thường ngày ở huyện: ông chồng yếu đau hoặc đi xa, bà vợ ngứa mắt thanh lý luôn tủ sách.” – Lão Sâm nói, không hiểu lão định khẳng định điều gì với thông tin này.
“Chỉ có thể là trường hợp đấy thôi.” – Người đàn ông mỉm cười, trầm lắng – “Và cũng không phải độc giả nào đâu cậu bé. Tạp chí đó là bán nguyệt san của tờ Hà Nội Phố, kinh phí eo hẹp nên in rất ít, tất nhiên cũng có mặt ở các sạp báo học đường, nhưng chủ yếu phổ biến trong giới báo chí”.
Lần thứ hai trong buổi chiều Mai Hạnh và Hải Đường trao ánh mắt ngạc nhiên cho nhau. Người đẹp cố lựa ra một câu hỏi khôn ngoan, nhưng bất thành: “Như vậy là một nhà báo thời kỳ đó đã giữ lại toàn bộ số tạp chí đúng không chú?”.
“Các cháu có làm báo chí không?”
Mai Hạnh và Hải Đường, hay nói chung, Cú Vọ có làm báo chí hay không? Mất vài giây, hai cái đầu cùng lắc.
“Ta hơi ngạc nhiên.” – Giọng trầm ấm của người đàn ông tóc bạc – “Hai mươi năm sau lại có mấy cô cậu thanh niên hỏi về Quyên. Đã thế lại còn có vài người đến sớm hơn hỏi mua”. 
 “Bọn cháu không làm báo.” – Mai Hạnh thành thật – “Nhưng có việc cần đến những quyển tạp chí đấy. Cháu đã từng có duyên sở hữu vài cuốn, nhưng trót bán đi mất rồi. Chỉ có thế hệ chú mới biết được về nó”.
“Tất nhiên là biết. Sách vở có duyên cả đấy. Chính ta cũng sẽ mua Quyên, với mọi giá, nếu như may mắn gặp phải”.    
Luôn sáng bừng một điếu thuốc trên tay ông, nhưng không giống kiểu hút như đốt lửa cầu cứu kiểu Thức và Hùng. Với ngọn đuốc nicotin không bao giờ tàn ấy, người ta dễ liên tưởng rằng ông sẽ viết thơ lục bát vào mùa đông, đốt nhà kẻ cường hào vào mùa hạ và cô đơn đi về trên những ngõ lầy vào những đêm không trăng.
“Tại sao in với số lượng ít như vậy mà nó lại bị đình bản ạ?” – Hải Đường mở màn, và bằng động tác xoay ghế về phía người được hỏi, cô như muốn tuyên bố tống khứ lão Sâm khỏi vòng quan tâm. 
“Hết tiền.” – Giọng Lão Sâm – “Hoặc lệnh trừng phạt”.
“Gần như cả hai lý do.” – Người đàn ông vẫn tiếp tục với chất giọng đều đều, như thể kể một kỷ niệm cũ – “Đã xảy ra một vụ kiện”.
Liếc nhìn ba khuôn mặt hóng chuyện, ông nhấp một ngụm trà, rồi nhìn xa xăm: “Lật bìa sau thì sẽ thấy ghi thông tin Tổng biên tập là Trương Hồng Nghi. Nhưng lão Nghi này là Tổng thư ký tòa soạn báo Hà Nội Phố, nên kiêm luôn vị trí cao nhất ở Quyên. Chỉ là thể loại ô dù thôi. Người thực sự đứng đầu nhóm chủ trương là Ngọc Tầm, hồi đó còn là một cây viết rất trẻ và nhiệt huyết. Nhưng đã xảy ra một vụ kiện sau một loạt bài tố cáo một loạt các ca khúc đạo nhạc. Đinh Tâm, Hùng Biên – những người được gọi là thần thái của giới trẻ thời Hà Nội đó, những người làm ra một thứ piano ballad dịu dàng ve vãn dựa trên những cung trưởng và những ly điệu rất thiện nghệ  – đối nghịch hẳn với không khí vũ trường, nổi loạn và Hồng Kông của Sài Gòn; hóa ra là một bọn ăn cắp tinh tế của nhạc Bắc Âu và Celtic. Bài “Mắt Nhung”, theo đó chẳng qua là các nốt bè bậc ba vụng về của bài Pending trong CD của nhóm Formynder, được viết thêm một đoạn chuyển thứ nữa. Nhưng Quyên thua kiện, chịu bồi thường. Kèm theo một loạt nguyên nhân khác, tạp chí bị đình bản”.
Mai Hạnh nhẩm lời bài hát. Có một thưở mờ xa, nó được phát đi phát lại giữa giờ nghỉ các trận bóng đá. Tiger Cup năm 1998. Nhưng phải hơn mười năm sau, cậu mới bắt đầu yêu ca khúc này, nhận ra nó giữa lãng quên của mình, và nhận ra mình ở trong những mảnh hình của nó. Mắt nhung của phố những chiều vội vàng – Dừng chân hoa ướt bóng hinh dịu dàng – Ngày mai tôi đi nỗi buồn mất dạng... Nhưng có lẽ cậu yêu cái cảm giác mê say một thưở gắn liền với ca khúc nhiều hơn, cái đã chịu trận trước thời gian, trước sự trưởng thành, tỉnh táo chết tiệt của đầu óc.
“Theo cháu biết thì năm 2003 cũng có tranh cãi tương tựtrên báo Sài Gòn Tiếp Thị.” – Giọng Mai Hạnh.
“Chính người khui ra trên báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng không hề biết rằng mình đã lỗi thời 7 năm”.
“Ban đầu cháu cứ ngỡ Quyên là tạp chí dành cho học sinh sinh viên...” – Hải Đường nói trong khi nuốt mồ hôi mặn, bây giờ cô đã quen cơn khát, chấp nhận hình ảnh của mình giống như một con ngốc yêu phải một gã tàn bạo. Một khoái cảm lạ thường từ sự khô khan cùng kiệt.
“Thực tình mà nói, thời điểm đó khá phù hợp để cho ra một tạp chí như thế.”
“Nó không cạnh tranh được với Mực Tím hay Hoa Học Trò hay sao ạ?”.
“Nguyên nhân quan trọng hơn là những người tham gia nhóm Quyên gần như xa lạ với giới trẻ. Họ là một nhóm nghệ sỹ, nhà báo theo kiểu tiên phong. Chỉ có một vài tác giả trẻ trong nhóm Những Đứa Con Của Cá Mập là viết về học đường, nhưng trong đó có một số bài chỉ trích giáo dục rất nặng nề.”
Với cụm từ Những Đứa Con Của Cá Mập hết sức thân quen, Hải Đường hết sức ngạc nhiên. Cô nghiêng mình nhìn vào vầng trán người đàn ông bí ẩn: “Hiện nay chú còn biết ai đã từng hoạt động trong nhóm Chủ trương của Quyên không?”.
Ông mỉm cười: “Phần lớn họ đã ra nước ngoài. Những câu chuyện của ngày đó là một tai biến, nhưng bây giờ nhìn lại, chỉ còn là một giai thoại cũ rích, có khi chẳng ai buồn nhắc đến, mà họ cũng chẳng nhớ nữa. Ta thấy những gì diễn ra từ năm 98 đến nay còn đáng ghét hơn nhiều. Bản thân ta đã ngừng đọc báo từ năm 2009”.
Ông hút một hơi sâu, rồi như chợt nhớ ra gì đó: "Ngoại trừ một chuyện. Ái chà, cũng kỳ bí lắm".
"Chuyện gì ạ?"
"Ngọc Tầm biến mất ngay sau vụ kiện. Không một tăm hơi. Ta nghe những người trong cuộc nói, thậm chí khi ông ấy mất tích, một cuốn Quyên đọc dở vẫn còn mở trang trên bàn".
"Sau đó thì sao ạ?"
"Chẳng có gì xảy ra. Chỉ là ông Ngọc Tầm từ đó đến nay không ai nhìn thấy hay biết tin gì về Ngọc Tầm. Lâu dần người ta cũng thấy chuyện bí ẩn đó hết sức bình thường".
Cảm thấy người đàn ông rất hiểu biết về Quyên, Hải Đường và Mai Hạnh ngỏ ý xin liên hệ, nhưng người đàn ông xua tay: “Các cháu cứ tìm kiếm rồi sẽ có câu trả lời. Chịu bỏ tiền ra nữa thì chắc chắn có ngày mua được nó. Cứ vui đi, cái đích chỉ là một phần nhỏ của con đường”. 
Kiểu triết lý Quà tặng cuộc sống đó dĩ nhiên không làm Hải Đường hài lòng. Nhưng trong lúc kéo xe máy ra khỏi cái vỉa hè bấp bênh không thang nối, người đàn ông ghé tai Mai Hạnh, nói rất khẽ: “Các cháu có thể tìm Dũng Khải Ninh. Nhớ cái tên dài đó nhé. Dám chắc là tay Sâm đã bán nguyên bộ cho hắn”, và nháy mắt “nhớ chuẩn bị tiền”.
Mai Hạnh bần thần: “Cháu chưa biết tên chú ạ?”.
“Tên của chú đơn giản lắm. Dương”.
Mai Hạnh nghe thấy giọng mình hòa vào tiếng xe máy nổ rầm rì  “Có phải chú là người đã đặt mua Thế Giới Mới và năm cuốn Quyên của cháu không?”





Chương 9 - Trong trí nhớ nhỏ nhoi



Lần trước khi dầm mình trong khói thuốc mê loạn, Hùng Panô đã không ngắm nhìn được kỹ càng nhân ảnh của người đàn bà mang tên Thu Hà kia. Bây giờ gặp lại giữa quán cafe thưa vắng ven hồ Nam Đồng, trong âm vang những bài không tên đánh số của Vũ Thành An vốn chưa bao giờ hợp với những trưa Hà Nội ngột ngạt, anh biết rằng vì sao mình lại nhận giao kèo nhanh đến vậy. Thu Hà thuộc về một mẫu nữ nhân dường như xuất hiện từ không trung, ngồi xuống lặng lẽ bên đời chúng ta và cắt đứt chuỗi sự kiện tẻ nhạt ngày thường của chúng ta để biến nó thành truyện ngắn. Cái cảm giác lần đầu gặp gỡ đã trở lại vẹn nguyên.
"Bây giờ các bạn đã hiểu vì sao Quyên đáng săn tìm rồi chứ. Mà tôi không có năng khiếu điều tra hay tìm tòi gì cả. Hình như tôi luôn mê những cái gì đã khuất nẻo. Thế mà những thứ tôi đeo đuổi cứ lẩn tôi hoài, rồi nhiều khi chúng xuất hiện ngay vào cái lúc oái oăm nhất, khi mà tôi đã an vị với những lựa chọn khác." – Giọng nói của người phụ nữ, nhỏ dần như muốn trườn sâu vào một tâm tưởng riêng tư.
"Tụi em đã mò ra được khá nhiều thông tin, nhưng chị có thể phải chờ đợi thêm một thời gian ngắn nữa. Nếu đúng như đang có một người nào đó sở hữu những cuốn tạp chí này giữa Hà Nội, hẳn phải là người có chút tiếng tăm." – Hải Đường nói – "Và nghĩa là ta có đầy rẫy hy vọng".
"Tôi tin tưởng các bạn. Tôi đã làm mất thì giờ của các bạn, nhưng tôi cũng không thể nhờ cậy ai khác. Tôi chỉ tin những người trẻ thôi. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng qua tuổi hai mươi bảy là người ta không còn đáng tin nữa. Tôi chỉ có rất ít thời gian, tôi sẽ về Sài Gòn ngay tối nay, vả chăng ở Hà Nội ngoài công việc ra tôi cũng không muốn đi đâu cả".
Son phấn nhạt phai giữa tóc lòa ròa, Thu Hà giống như một góa phụ buồn hiu, một trái dấu với Hải Đường đang như một nhành hoa buông trổ. Và điều này đưa Hùng Panô vào tâm sự. Phải trần tình thế nào về số tiền 800 USD đã lỡ tiêu mất kia? Nó nằm trong hạng mục nào của thương vụ này? Một khoản ứng trước, hay đó là toàn bộ chi trả? Trước mặt người đàn bà, những câu hỏi đó trở nên hết sức vô duyên, như một tiếng búa kẻng thô lậu vào giữa điệu nhạc u trầm, một vệt than quệt lên gương mặt quyên tú.
Không khí này cần phải thay đổi. Tuổi đó qua rồi. Hùng Panô uống một ngụm lớn cafe. Tuổi lãng mạn qua rồi. Đây là một vụ kiếm chác.
"Em nghĩ rằng chị đã trả công cho tụi em khá cao." – Hùng Panô nói liền một hơi – "Trong trường hợp không thể tìm ra và mua lại Quyên, vâng chị biết mà, một trường hợp mà phải hết sức hạn chế, tụi em sẽ hoàn trả bảy mươi phần trăm số tiền lần trước".
"Không cần phải vậy đâu em." – Thu Hà lắc đầu, giọng quyết đoán – "Đó chỉ là một món quà nhỏ để nói rằng tôi hoàn toàn nghiêm túc khi nhờ cậy các bạn. Tôi sẽ gửi thêm để các bạn mang đi thương lượng".
Người đàn bà ngừng một giây, rồi hạ giọng: "Nếu các bạn giúp tôi thành công, tôi sẽ tiếp tục hậu tạ".
Có chữ nếu. Và Hùng Panô, Hải Đường hiểu rằng đôi mắt vương sầu kia hoàn toàn đứng dưới chướng một bộ não tỉnh táo.
Hải Đường mở chiếc túi xách in hình logo đội Liverpool và lấy ra bốn cuốn Quyên, đặt gọn gàng lên trên mặt bàn. Cô mỉm cười: "Đây là bốn con tôm đi lạc mà tụi em tóm được. Bài toán trở về dạng làm sao để lần ra và bắt được số còn lại. Để chúng khỏi lạc bầy".
Nhưng thay vì xúc động, một nét ngạc nhiên rạn ra trên khuôn mặt người phụ nữ trung niên.
"Kỳ lạ quá em ơi, hình như không phải tạp chí này." – Thiếu một nửa cung nữa, đó sẽ là một lời thốt lên.
Và sự ngạc nhiên có tính lây truyền. Hùng Panô chau mày: "Em không hiểu ạ? Đó chính là Quyên giống như trong bài báo của Mai Hạnh".
Thu Hà ngắm qua lại bốn cuốn tạp chí, cô lần dở từng trang, đôi lúc sột soạt bạo tàn. Một lúc sau cô nói: "Chị nhớ nhầm rồi chăng?".
"Chắc là không có tạp chí khác cùng tên đâu chị." – Hải Đường góp ý.
"Đúng là nó rồi. Tôi xin lỗi." – Thu Hà thở hắt ra – "Nhưng trong trí nhớ của chị Quyên chỉ có bìa màu tím thôi, mỗi tháng ra một số".
Thoáng ngờ vực dấy lên trong Hải Đường. Đến lượt cô xem xét "hiện vật" trên bàn. Rồi cô nói, chầm chậm: "Bọn em thì nghe được thông tin rằng nó là bán nguyệt san, mỗi tháng hai số".
"Tôi tin chắc mình không nhớ nhầm." – Thu Hà làm dường như đang ngước nhìn những hình ảnh của ký ức treo lửng lơ trên trán. Nhưng rồi cô khẽ lắc đầu, dịu giọng: "Mà thôi. Tôi sẽ kiểm tra lại. Đây đúng là Quyên, nhưng cảm giác ấy đúng với hai cuốn bìa tím này hơn. Tôi xin phép giữ chúng lại. Các bạn cứ tiếp tục giúp mình khi có thời gian".
Một nụ cười đon đả tiễn đưa những nghi ngờ vừa chớm. Rồi nụ cười lại vụt tắt, trả về khuôn trang ảm đạm. Người đàn bà trung niên thu dọn túi đồ, và đeo lại mắt kính, vội vàng cúi chào ra về như thể đang vụng trộm với tình nhân.   
Hải Đường gõ ngón tay vào vai Hùng Panô, thì thầm: "Bạn có để ý không? Có mấy thứ rất lạ". Hùng chỉ lắc đầu. Anh đang dòm theo người đàn ông đeo kính Rayban, khoác chiếc sơ mi xanh quân đội từ một bàn khác, đang tiến lại gần Thu Hà. Có lẽ để làm quen.
Ngay chiều hôm đó, những người bạn trẻ tụ họp tại cafe Đinh ven hồ Hoàn Kiếm, nơi mà dường như Thức, trong chiếc áo sơ mi trắng mà lâu lắm cậu không lôi ra, đã ngồi tựa cửa đốt thuốc gần một nửa thế kỷ, giữa nhân gian lổn nhổn kẻ bắc người nam, giữa những thanh niên đồng trang lứa chen chúc qua chiếc cầu thang ẩm mốc, đi tìm một kiến giải thi vị cho đời sống nhùng nhằng công việc và những mối quan hệ mong manh. Hải Đường nguyên trong bộ đồ lúc sáng nhưng cô vẫn như một tĩnh vật óng ả lạ thường trong bức tranh ngập tràn chuyển động. Có những ánh mắt quanh đây, Hải Đường cảm giác rằng nếu đội nhiên bóng tối trùm lên cái quán cafe não nùng này, sẽ là cả bầy sói vây lấy cô với đôi mắt đèn pin. Cô cuốn váy và lắc mông khi ngồi xuống, như để xua đuổi những khán giả không mời, hoặc có thể là xua đuổi cả ảo tưởng trong chính bản thân cô, trước khi nó xen vào những cảm xúc lẫn lộn. 
"Chị ấy không quá xinh đẹp, nhưng nồng nàn khuynh đảo. Tớ đã nói là cậu nên đến buổi hẹn, ít nhất cũng lãnh được vài ý tứ mang về." – Hải Đường nói với Thức.
Nhưng cậu ta phun khói như rồng, nhăn mặt vì lại vớ phải bao thuốc Mond hàng nhái: "Người tình lớn tuổi nhất của tớ hơn Hải Đường ba tuổi. Và chị ta phải giả bộ làm thiếu nữ trốn nhà làm tớ nhịn cười đến mức phát ốm. Phụ nữ hai mươi chín tuổi mà vẫn nằm mộng về các thiên thần hoạt náo, những chuyện giăng sao Tự Lực Văn Đoàn, không phải là thuốc bổ đâu".
"Đấy là cả một thành tựu. Cậu đừng phán xét vội vàng." – Hải Đường chậm rãi – "Ba năm nữa nếu tớ giữ được sự hồn hậu, như bây giờ các cậu đang thấy, tớ sẽ khao các cậu một đêm huyền diệu".
Thức so vai, theo kiểu chúng ta hãy chờ xem. Rồi cậu chuyển hướng đề tài: "Thằng Mai Hạnh cũng đồng ý biếu món quà của bạn gái nó, à không, nàng thơ của nó, cho một nàng thơ khác bằng tuổi Mỹ Tâm à?".
"Cậu ấy cắt ra và giữ lại những trang có chữ ký tặng." – Hải Đường nháy mắt – "Phương pháp như lão Sâm nói. Chia trang ra rồi đóng khung lại".
"Có điều chị ấy bảo..." – Hùng Panô lên tiếng – "Chị ấy nhớ là Quyên có bìa màu tím chứ không hề có màu khác".
"Lạ nhỉ." – Thức nói, rồi húp cafe như húp canh sấu dầm – "Nếu chị ta có cái ký ức đó thật, thì Quyên hẳn phải được phát hành trong tận Cần Thơ. Hoặc chị ta từng ở Hà Nội".
Còn Hải Đường bật ngón tay cái: "Tiếp tục đi, Lê Phong".
"Nhưng chị ấy nói rằng...chưa bao giờ quen với thời tiết Hà Nội." – Hùng Panô nói, hơi vấp.
"Phụ nữ xinh đẹp, u uẩn và thành thật đã rất hiếm kể từ thời Tự Lực Văn Đoàn. Cậu hãy nhìn đây." – Thức giơ hai cuốn tạp chí màu xanh lá và hồng còn lại ra trước mặt Hùng, theo kiểu thám tử Lê Phong sắp chỉ ra một vệt máu bất ngờ chưa bị lau đi – "Hai cuốn này, một số in vào ngày 4/2 và một số vào ngày 19/2. Như vậy cái ông Lê Dương mà các cậu kể nói đúng, nó là bán nguyệt san".
"Vậy là chị ấy nhớ nhầm. Cũng lâu rồi mà".
"Nếu đây mà là bằng chứng ngoại tình của người yêu thì bà ấy sẽ nhớ suốt đời." – Hải Đường gật gù – "Điều ngờ vực là bà ấy dường như khăng khăng với ý tưởng đó. Đến mức bà ấy chỉ giữ những quyển màu tím thôi. Còn hai quyển này cứ như là đồ giả ấy".
"Hải Đường không biết là sách cũ có thể làm giả được à?" – Thức vuốt lọn tóc của cô bạn, trong một cử chỉ âu yếm bông lơn.
"Không phải trường hợp này." – Hải Đường lắc đầu, qua đó xô ngón tay của Thức ra ngoài.
"Thôi nào mọi người. Suy nghĩ giản tiện thôi. Một vụ giao kèo khác với một vụ án." – Hùng Panô hắng giọng – "Khác ở chỗ câu hỏi duy nhất cần đặt ra là đối tượng có sòng phẳng hay không?".
"Vậy đối tượng có sòng phẳng hay không?" – Thức gãi mũi.
"Rất chịu chơi. Rất Sài Gòn." – Hùng nhún vai – "Chị ấy nói rằng 800 USD chỉ là khoản ứng trước".
Hải Đường cười khe khẽ: "Có một chi tiết này nữa. Trong câu chuyện Quyên của chú Lê Dương, tớ nghe thấy một cái tên rất quen thuộc".
Hai ánh mắt nhìn dồn về Hải Đường, không phải nhìn sắc đẹp mà là sự lãng mạn ly kỳ cô vẫn hay tạo ra, bằng cách phát quang những thông tin quan trọng vào thời điểm những gã đàn ông thấy câu chuyện đi vào đoạn đường đang sửa. Rồi cô gẩy cuốn tạp chí màu hồng cho Thức, ra hiệu hãy xem. Cậu lần dở rất nhanh từng trang như để kiếm một tờ tiền bỏ quên, ngón tay thoăn thoắt băng qua các chuyên mục Sinh viên hôm nay, Nghệ thuật mới, Điện ảnh và giới trẻ, Thư phòng văn chương, cách chia đầy tính chuyên biệt. Một trang in màu những tác phẩm nhiếp ảnh không có trong những quyển khác, nhưng dường như chúng liên quan đến nghệ thuật sắp đặt nhiều hơn. Một chuyên trang đăng những truyện ngắn dịch, với sự méo mó cố ý để tạo ra trò chơi bắt lỗi cho độc giả. Một trang đăng truyện cười, và trò giải đố mẹo, nhưng sự thách đố thực sự nằm ở chữ in rất nhỏ như thể phao thi của thằng Ốc Bút.
"Trang mười bảy." – Hải Đường nói – "Cậu chú ý tác giả".
Đó là chuyên mục "Nhìn về phía học đường", nơi dung chứa một bài báo dạng bình luận đả kích theo phong cách cợt nhả và khinh thị về một vụ tống tiền giữa hai giáo viên, đã lùm xùm trên báo Hà Nội Phố cách đó vài hôm. Ký tên tác giả: nhóm Những Đứa Con Của Cá Mập.
Đến bây giờ, Thức mới rõ Hải Đường muốn nói đến điều gì. Cái tên như một nhát kim loại gõ vào cái chuông khánh mơ màng trong ký ức của cậu: Những Đứa Con Của Cá Mập – tên của một quán cafe, nơi ấy từng một cuộc tán gẫu, một người đàn bà thanh mảnh, một câu chuyện vốn chưa bao giờ là của Thức nay đã quay lại khoác một chiếc áo quen. Thảo nào, ngay từ ngày đầu tiên nghe đến giao kèo, cậu đã thấy ngờ ngợ vì cái tên Quyên. Nhưng điều mà cậu thực sự nghĩ đến, trong dòng chảy rất nhanh của liên tưởng, là hình như cậu đang rơi vào một câu chuyện trinh thám vụng về, nhưng đầy đủ các yếu tố như trong sách: nơi mà mọi thứ nhỏ nhặt xung quanh đều toát lên một ký hiệu, một ẩn ý. Rồi chúng có thể liên kết một cách lạ kỳ, tạo ra một luật chơi riêng, đầy ý nhị.
"Những Đứa Con Của Cá Mập là gì thế? Nghe quen quen." – Hùng Panô thắc mắc, lúc này trông anh ngây ngô nhất bọn.
"Tên một quán cafe quen thuộc ở gần Creative City." – Thức nói, như ngâm nga.
"Cafe! Lại thêm một quán cafe tên lạ hoắc. Thành phố này sắp thành phiên bản của Sài Gòn hay sao thế." – Hùng Panô so vai.
"Tên nó được đặt theo nhóm tác giả này đấy. Bây giờ thì đang có người đợi ta đến phỏng vấn." – Thức nháy mắt với Hải Đường, cười khì khì – "Với cả lâu rồi cả hội chưa đi nghe đêm nhạc".
"Vậy ta không tìm cái tay Dũng Khải Linh gì đó à?" – Giọng Hùng Panô chới với.
"Khải Ninh. Chữ N ngắn ấy." – Thức tưng tửng – "Cứ đi đi. Rồi anh em ta sẽ có cách mò ra hắn mà không phải cầu cạnh lão Sâm".
Khi cả ba rời khỏi quán Đinh, một người đàn ông với phong thái thị dân trong chiếc mũ phớt xám tro tiến lại gần, tặng cho Hải Đường một bức tranh chân dung vẽ bằng bút chì. Trong bức tranh, tóc cô xõa bay như đứng bên biển cả, và gương mặt đầy tư niệm, buồn rầu. Người đàn ông cố gắng tạo ra một cử chỉ lịch thiệp với điệu cười thân thiện, hiền hòa, không tình ý. Vì thế, Hải Đường đón nhận món quà và cúi đầu chào rất nhanh. 
Khi xuống đường phố, cô toan cất món quà vào trong túi xách, nhưng rồi khựng lại hai giây, chậc lưỡi. Cuối cùng, cô gập tư bức họa, vuốt thẳng một đường, nhét vào túi áo ngực của Thức, làm tay thám tử bất ngờ.
Và cô cũng tỏa một điệu cười thân thiện, hiền hòa, không tình ý.



>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...