Chương 12 - Biến cố Al-fino
Loài cá hồng két đỏ xị, có cái đầu bươu nom rất ương bướng, tu luyện một ngàn năm thì sẽ tiến hóa thành Linh Cảm Đại Vương, theo như nhận xét của Thức. Hùng Panô mang về sáu con, thả vô bình nước hình cầu, đặt ngay trên bàn tiếp khách rồi choãi mình ngắm chúng phình ra nhỏ lại theo quy luật khúc xạ. Anh vừa quyết định đóng cửa facebook một thời gian với lý do những câu chuyện trên đó đã quá nhàm chán. Hơn năm năm rồi, bọn người lớn mãi một giọng điệu cũ, bọn trẻ con chẳng chịu mọc ra, còn bọn thanh niên cứ im lặng dần rồi biến đi đâu mất. Trong bốn năm nữa, sẽ chỉ còn một hội bán áo quần, mỹ phẩm nhìn nhau.
"Nhưng cái trò nuôi cá này cậu lại học trên facebook chứ gì?" – Hải Đường nháy mắt.
Hùng Panô không phủ nhận. Rằng kể từ khi tìm Google, bọn cá cứ bám theo quảng cáo truy đuổi trên màn hình của anh. Nhưng anh còn nghĩ đến một điều khác hơn.
"Các bạn ạ, bây giờ tớ đã hiểu niềm vui thú của thằng Khanh. Tĩnh lặng, khép mình, ăn ít chất béo, dậy sớm và đọc những thứ nó muốn đọc để làm vệ sinh não. Chả có gì vui hơn kiểu sống như thế." – Hùng Panô kê chân lên bàn, đu đưa.
"Chả có gì vui hơn thế." – Thức vỗ vai anh bạn hơn tuổi – "Nhưng có ối thứ vui ngang ngửa".
"Cái hội Cá Mập kia té ra lại phức tạp đến vậy cơ à?" – Hải Đường nói trong khi tô lại son môi. Trông cô thực sự nhợt nhạt, có phải do nắng hè không?
"Bao giờ nguyên liệu của một câu chuyện cũng có một ít tưởng tượng vun vào." – Thức bình thản – "Tớ biết rõ mấy ông bà nghệ sỹ. Hoặc là họ nói chuyện lạt như nước ốc. Hoặc là họ làm đối phương say sưa, rồi chính họ tự ngửi thuốc mê của mình".
"Thế mà hôm qua cậu ra sức hỏi hết câu này đến câu kia. Cái điều quan trọng nhất thì chẳng hỏi." – Hùng Panô chế nhạo.
"Đứa bị cuốn vô chuyện là Khanh chứ không phải tớ." – Thức khẽ lắc đầu – "Các bạn thừa biết là nó không có trải nghiệm nào khác ngoài sách, gia đình và mấy đứa bạn nghèo khó ở Cú Vọ. Còn chuyện kia, đương nhiên là tôi phải thu được những gì cần thu rồi".
"Nhưng cậu nghĩ sao về cái tên Thu Hà mà bà Mộc Miên nhắc đến?" – Hải Đường hỏi, làm Hùng Panô bật dậy.
"Tớ vô cùng thích giả thiết đấy nhé. Tức là Thu Hà đã từng làm ở đó, cùng nhóm với Mộc Miên, trải qua một đống những đốn ngộ này đến tiệm ngộ khác, rồi quay về kiếm lại tạp chí năm xưa làm kỷ vật." – Thức bật ngón tay – "Karl Jasper gọi đó là cứu lấy ý nghĩa hiện sinh cuối cùng".
"Thảo nào bà ta chi đậm thế." – Hùng Panô gật gù. Anh mò mẫm tìm lại những chi tiết trong mớ diễn thuyết của Mộc Miên. Nhưng giờ đây chỉ còn lại cái khung sườn và mấy thông tin chính.
Thức bật cười: "Câu chuyện vô cùng là hay. Nhưng mà rất tiếc nó gần như không thể xảy ra. Bà Mộc Miên hồi đó 25 tuổi, kém Thu Hà 2 tuổi. Nghĩa là bà Thu Hà kia đến nay phải 47 tuổi rồi".
"Vẫn kém tuổi Jennifer Aniston[1]cơ mà." – Giọng Hải Đường khan khan.
"Tớ quên mất là Hải Đường vừa đăng bài tổng hợp những mỹ nhân không tuổi. Nhưng ta mới chỉ gặp Aniston trên Twitter thôi. Tuổi đó ngoài đời không thể có nhan sắc làm các bạn khen nấy khen để được". Rồi Thức hắng giọng: "Dù Thu Hà của nhóm Cá Mập và madame Thu Hà kia có phải là một hay không, cũng chẳng quan trọng gì hết. Thậm chí nếu cần ta lấy ảnh chụp mà xác minh. Bây giờ chỉ cần biết đến một người duy nhất là người đã thuê chúng ta".
Hùng Panô hào hứng đồng tình: "Chính xác. Tớ chỉ mong ta tập trung vào cái này, thật nhanh lên". Rồi búng vào tay Thức: "Cậu thôi tò mò thám tử rồi hả?".
"Nhầm đấy. Một trong nhiều phương pháp của Sherlock Holmes là tập trung vào những điều căn cốt nhất. Còn ở đây vẫn có cả núi chuyện tồn nghi. Với những người trong cuộc, câu chuyện đã cũ. Thời gian giữ lại cho họ những gì đẹp đẽ nhất và làm mòn vẹt các sự kiện, chi tiết liên quan – đôi khi với chúng ta nó lại là mạch truyện chính".
Hải Đường như sực nhớ ra điều gì, cô nghển cổ hỏi Thức với biểu cảm sốt sắng thấy rõ: "Làm sao cậu biết được Mộc Miên có liên hệ với Dũng Khải Ninh?".
Thức tủm tỉm trong im lặng. Cậu rất muốn các cử tọa phải nhún nhảy trên ghế trong khi chờ câu trả lời được ném ra nhỏ giọt, từ từ như khi cho cá ăn. Nhưng rồi chính cậu cũng không chịu đựng được niềm vui thú được tiết lộ những điều thông minh.
"Bây giờ tớ biết học đại học cũng có nhiều ích lợi đấy." – Thức chậm rãi – "Ta được nhắc đi nhắc lại là tuyệt đối bám vào giáo trình, vào văn bản. Nhưng ta luôn quên mất".
Phía dưới tay Thức, cuốn Quyên bìa màu hồng, dừng tại trang 18, chuyên mục "Vấp ngã đầu đời", bài viết "Chớ để ngày mai". Ký tên: nhóm Khải Ninh.
"Lần trước Hải Đường kiếm được manh mối ở trang 17. Nhưng rất nhiều lúc manh mối này có thể nằm kề bên manh mối khác. Tớ đoán ngày trước họ hay lập các nhóm bút để lập thành một ê kíp làm việc theo một tiêu chí chung, kiểu như ban nhạc. Còn nhóm Khải Ninh là ai, xin mời theo dõi trang tác giả ở gần bìa cuối." – Thức giở sột soạt, và đọc liền lù – "Nhóm bút Khải Ninh, từng công tác ở Chuyên san Đại học Cộng Đồng Hà Nội. Chủ bút: Bùi Thanh Duy. Các cây viết: chuyên mục Nghệ thuật mới - Lã Minh Anh, Đoàn Thu Giang, Vũ Hải Bình, chuyên mục Đời sống sinh viên, Vấp ngã đầu đời – Bùi Linh Linh, Nguyễn Hoàng Hải Đăng, Đào Văn Huy, Trần Thị Cẩm Vân, biên tập viên: chuyên mục Đời sống sinh viên Ngô Minh Dũng, Nguyễn Cao Khải, chuyên mục Văn học: Trần Vũ, Thiết kế: Mai Ngọc Quý Dương...".
"Như vậy Dũng Khải Ninh là Ngô Minh Dũng?" - Hùng Panô chau mày.
Thức lặng lẽ rút tờ giấy nhắn từ bao thuốc lá Mond đưa cho Hùng, bên trong ghi nguệch ngoạc địa chỉ thư điện tử dungngominh.thepentahouse@vivirhanoi.net.vn.
"Ta đã gặp may mắn. Cũng không rõ vì sao bà Mộc Miên có địa chỉ email hành chính kiểu này, trong khi khẳng định là đã cắt đứt quan hệ với Dũng Khải Ninh." – Thức nói gần như lẩm nhẩm – "Bây giờ trưởng nhóm sẽ quyết định ta làm gì tiếp theo".
Hùng Panô chụp lại hình ảnh tờ giấy nhắn lưu vào điện thoại. "Nếu tay Dũng Khải Linh, à không, Ninh này đúng là đã mua đủ bộ Quyên từ lão Sâm. Tớ sẽ phụ trách đàm phán qua email. Nói như Don Corleone là thế nào ấy nhỉ?" – Hùng gõ gõ ngón tay vào cằm, rồi chậc lưỡi – "Đưa ra một đề nghị mà hắn không thể từ chối".
"Ta chỉ còn 200USD thôi đấy nhé." – Hải Đường cảnh báo.
Hùng gập gọn tờ giấy, rồi đứng dậy, tiến về phía bàn làm việc: "Nếu tình huống đòi hỏi, tớ chấp nhận bỏ thêm tiền túi".
*******
Kết thúc cuộc họp ngắn chỉ còn mình Hùng Panô ở lại văn phòng. Hải Đường cáo mệt về trước. Thức cố sức mời cô đi xem triển lãm nhiếp ảnh tối hôm đó, nhưng cô một mực chối từ. Thức quyết định đi cùng Mai Hạnh và La Lan.
Mai Hạnh đón La Lan từ khá sớm. Chỉ cách nhà nhau một con ngõ, nhưng bao giờ Mai Hạnh cũng có cảm giác như bước chân đến một nơi chốn cũ mà quá lâu rồi không ghé thăm. Tại đây vào những buổi sáng học trò, những buổi chiều thơ ấu, cậu nhìn thấy trong đôi mắt cận thị ngai ngái của cô bạn thân cả một tinh cầu của mộng tưởng. Và hai đôi chân nhỏ mải miết chạy băng qua hàng cây Quyên rực phố phường thời ấy hãy còn thưa vắng, chạy không cần biết đích đến, hòng muốn khám phá ra nơi tận cùng của thành phố. Trên quảng trường lộng gió của tuổi dại, hai đứa trẻ say sưa tranh luận về những thứ siêu hình, về cái chết, bóng ma, những vị anh hùng trong phim ảnh, về một quốc đảo xa lạ vẫn còn chưa tìm thấy trên bản đồ... Mai Hạnh thường tự hỏi rằng có thể sống lại những giây phút đó không. Sau một hồi nghĩ ngợi, cậu luôn kết luận là có. Bởi cậu mới chỉ yêu qua một hai người đàn bà, tâm hồn cậu còn trong trẻo.
Và hình như, La Lan vẫn chưa yêu một ai.
Hồi nhỏ tuổi, vào ngày đầu tiên đi học cùng nhau, Mai Hạnh thầm thì với La Lan rằng: "Trông cậu giống như em trai của chị gái cậu". Sau đó, La Lan giận dỗi rất lâu, còn Mai Hạnh thì càng ngày càng bị thu hút bởi vẻ kỳ quặc của người bạn cùng bàn. Bây giờ Mai Hạnh hiểu rằng kỳ quặc phải là khi La Lan để tóc dài, mặc đầm cúp ngực. La Lan gần như không (và không nên) thay đổi vẻ bề ngoài, ngoại trừ độ cận thị của mắt kính ra. Cô luôn xuất hiện với một loại quần jean đính thắt lưng to bản cho phép bản thân có thể xỏ cả hai tay vào túi, nom như một công tử phim Đài Loan. Hôm nay, một chút khác biệt nhỏ, là có thêm một chút son môi bóng không màu.
"Hôm nay cậu cực kỳ xinh đẹp." – Mai Hạnh nói với La Lan như vậy trong lúc cô bạn lật đật leo lên xe. Điều này cậu học ở Thức mỗi khi Thức gặp mặt Hải Đường. Nhưng xem ra thiếu đi giọng điệu bông lơn, câu của Mai Hạnh có vẻ ngớ ngẩn hơn.
"Kỳ quái!" – La Lan khẽ đấm vào lưng cậu bạn – "Bố mẹ vẫn cho cậu đi chơi hả?".
"Chẳng ai cấm cả".
"Bố mẹ còn giận chuyện cậu trượt tốt nghiệp không?".
"Không. Họ hình như đang có chuyện gì đó khang khác để quan tâm. Với lại, bố mẹ tớ đều biết tớ chằng là gì hơn một thằng ngốc nghếch".
"Đừng nói thế. Bố mẹ cậu lúc nào cũng kỳ vọng vào cậu".
"Hồi nhỏ tớ học võ thất bại, học đàn cũng thất bại. Suýt thi trượt cả phổ thông. Không giao tiếp nổi bằng tiếng Anh. Tớ làm mẹ tớ tốn tiền".
"Nhưng cậu không thất bại trong việc làm một cậu con ngoan".
Mai Hạnh giảm ga, hơi quay đầu về phía sau: "Tớ lớn rồi. Tớ biết cách thừa nhận và thấy lành hơn khi ở yên trong cái suy nghĩ thẳng thắn đó".
Khi dừng xe trước cửa không gian nghệ thuật Al Fino, Mai Hạnh tự hỏi vì sao người ta có thể trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh tại một nơi không gợi lên bất cứ cảm hứng nào như vậy. Bề ngoài Al Fino trông giống như rất nhiều trung tâm tiếng Anh đã đua nhau mọc lên ở Hà Nội: một dạng nhà hai tầng lùn tịt, được bọc nguyên bằng các tấm cửa sổ Eurowindow, chỉ hơi trẹo chân nếu như lộn từ tầng hai xuống. Bước vào trong, một luồng khí lạnh ngắt cuốn lấy thân mình hai người khách trẻ tuổi – có lẽ do quan điểm về nhiệt độ của nhân viên quản lý điều hòa. Những bức tường sầm sập một màu nâu pha xanh lục, nom như nước sơn vẫn còn đang xuôi chảy dưới ánh sáng loang lổ của các ngọn đèn cụp bám vách. Một mùi sáp hương thơm nức nở, đặc đến mức có thể nhìn thấy chúng sền sệt bay qua lại trong không khí.
Chưa thấy Thức đến, nhưng phòng Gallery đã khá đông người. Phần lớn là những người lớn tuổi, đội mũ nồi lụp xụp, rậm rờ qua lại, bàn tán sôi nổi về một giai thoại nào đó liên quan đến quang phổ, cân bằng trắng... Phần còn lại là thanh niên trẻ tuổi với vẻ ngoài du đãng, trầm lặng và riêng tư hơn.
"Cậu vẫn theo dõi vụ tạp chí kia chứ?" – La Lan chợt hỏi.
"Nghe nói đã kiếm được người sở hữu, chỉ việc mua lại nữa thôi".
"Cậu có định ở lại Cú Vọ lâu nữa không?".
"Tớ chưa biết. Lúc này đang có vô số khó khăn, mọi người phải hợp sức rồi mới biết được tương lai như thế nào".
"Ý tớ là về...mọi thứ ấy, về công việc và tiền ".
Mai Hạnh lặng im một lúc. "Tớ thấy mình chẳng yêu thích công việc nào cả. Nhưng tớ đã quen với kiểu làm việc ở Cú Vọ, gần như là thứ duy nhất tớ làm được".
Mai Hạnh nhẩn nha đi giữa dàn kệ ảnh trong cảm giác lâng lâng chuếnh choáng, từ khí lạnh, mùi hương cho đến các bức ảnh chụp ngược sáng một thành phố ở Đức bằng ống kính ẩn mình sau các cây cột, vách tường nhằm tóm lấy những luồng sáng rung rinh, đẫy đà. Nếu như tranh vẽ là để ngắm, thì ảnh chụp là để nghía. Đôi mắt là một cỗ máy sẵn sinh ra để săn lấy hình ảnh, luôn luôn mau mải chạy đến những điểm có độ tương phản cao nhất. Các nhiếp ảnh gia truy tầm những điều này, và đôi mắt của người xem làm phần còn lại, cùng nhau hoàn thành một thứ thủ pháp lạ hóa thuần túy. Các bức ảnh được sắp đặt theo một thứ tự ngẫu nhiên bởi suy cho cùng chúng không định tạo nên một câu chuyện tuyến tính, thay vào đó là những mảnh rời rạc trong chân dung của một thành phố Châu Âu, không có người, không có thắng cảnh, chỉ nhấn mạnh vào những cái bóng. Ở tấm thứ nhất, một căn nhà Penthouse gần như bị nhúng vào ánh sáng lênh láng buổi hoàng hôn, đến nỗi trông nó như sắp đổ sụp xuống đến nơi, một bóng phụ nữ di chuyển qua dãy các cửa kính tối, dường như bà bị gãy chân, đang đi tập tễnh. Có vẻ như bà đang cố gắng tìm chỗ nương mình trong khu vực bóng tối trước mặt, nhưng vẫn bị ánh sáng tóm được, xô nghiêng. Một tấm khác chụp đường lan can song song với đường ray rỉ sét, băng qua những khối nhà màu xanh đỏ, khá giống với khung cảnh cầu Long Biên. Nhưng ta sẽ không nhìn thấy điều đó: cũng là hoàng hôn, nó dường như rất tối tăm, hoang hoải với ánh nắng hè thảm hại rụng giọt lộp bộp xuống đường máng kim loại. Bức tiếp theo trong sáng hơn, dường như là chụp con phố đi bộ theo chiều dọc, cố ý chỉ lộ ra hàng dài những bờ vai người khuất mặt, bên kia là dãy biển hiệu chi chít xổ ra như để khoe thế lực quyền uy của màu sắc. Hai mảng này đối nhau qua một đường rãnh có vẻ sẽ dẫn đến mảng trời ở gần góc trên bên trái, và bầu trời chỉ giống như một dòng nước dãi xanh lơ rỉn ra từ cái miệng khổng lồ bạo chúa nào đó. Mọi điều đề mê hoặc, nhưng không trừu tượng, lại đầy cảm thức Châu Âu – nói như một phê bình gia tóc bạc ở gần Mai Hạnh. Một lần nữa, không hiểu sao, Mai Hạnh bồi hồi nhớ đến những bộ phim Mỹ mà cậu rất mê hồi nhỏ, trên sóng truyền hình Analog lúc nào cũng như muốn tăng độ phơi sáng cho mọi khung hình. Giờ đây khi cậu nghĩ về những kỷ niệm, những hình ảnh của chính mình trong căn phòng nhỏ, chúng cũng thường xuyên hiện về trong hình thức của một chuỗi hình ảnh ngẫu nhiên, không bao giờ là một câu chuyện rõ ràng, với viền trắng mờ, kiểu như được ghi lại bởi một máy quay bị rung tay: một viên đá vôi đang kẻ trên sân, cái chiếu trúc bị lật một góc, những vết hằn của quần lên bắp đùi non của cậu, cành xoan rung rinh trước cửa, con đồ chơi cá ngựa màu đỏ bị vỡ một phần ở đế chân, những tờ giấy nháp nhăn nheo thẫm mực tím lòi ra từ ngăn bàn, tiếng kéo lê thau nhôm trên sàn nhà tắm của mẹ....vân vân... Chúng tựa như một giấc mơ, và luôn hứa hẹn kéo đến cùng nhau trong một giấc mơ, như để trình bày một sự thật rằng những điều quan trọng nhất của cuộc sống nằm ở chính những chi tiết khiếm diện mà trí tuệ ấp ủ, giấu kín rồi bỏ quên.
Không biết từ khi nào mà Thức đã ở ngay bên cạnh và búng vào vai của Mai Hạnh một cái. Có lẽ không khí lạnh đột ngột giữa mùa hè làm mặt Thức hơi tím tái, đôi mắt không giấu vẻ ngái ngủ, chỉ có nguyên khuôn miệng lúc nào cũng cười châm biếm. Thế mà rất nhanh chóng, dòng máu tím trên mặt tan đi đâu hết khi Thức ngó sang bên tay trái của cậu bạn và bắt gặp cặp kính trắng bóng, ẩn dưới mái tóc ngắn che một bên mắt, mơ màng và nền nã của La Lan.
"Dân nhiếp ảnh là những nhà mỹ học hàng đầu. Họ bảo đẹp hay không nằm ở bố cục." – Thức nói, và nụ cười châm biếm đã chuyển qua một kiểu cười tán tỉnh, với biểu hiện là ánh mắt đổ về phía đối phương, thách thức và chờ đợi một phản hồi.
Đối phương khẽ gật đầu chào Thức kèm theo một nụ cười khác, kém tươi tắn hơn, nhưng duyên dáng và chân thành, tựa như các vai phụ phim hoạt hình. Hình như vì đôi mắt cận nặng đã thiếu sẵn thần thái, nên mọi chi tiết khác trên gương mặt tròn trịa của La Lan đã được tái thiết để phù hợp với nó: chúng phản ứng rất chậm, đâm ra qua đó cô tình cờ giữ được một sức hút vô cùng nữ tính. Với một số người nhất định chẳng hạn như Thức, nó mạnh đến mức chỉ trong một khoảnh khắc thiếu cân bằng không khí mà mùi sáp hương xộc lên mũi, Thức bỗng muốn nhảy bổ vào và hôn ngấu nghiến cô nàng. Cậu cảm thấy rất thú vị với những kiểu đam mê nhất thời như thế, mặc dù biết trước nó sẽ tan biến ngay trong một ngụm nước vỉa hè.
"Lâu rồi mới gặp cậu. Tớ quên mất cả tên." – La Lan nói, giọng không thanh, cũng chẳng trầm, chẳng trong một sắc thái nào hết, mờ nhạt như màu áo sơ mi của chính cô.
"Đường đời xa lắm nhé. Em không nhớ tôi sao..." – Thức đọc một câu trong nhạc Trịnh, rồi đong đưa – "Cách đây cũng phải ba năm rồi. Tớ không biết là La Lan cũng thích nhiếp ảnh".
"Do Hạnh rủ tớ đi thôi." – La Lan thực thà cười trừ. Lúc này Mai Hạnh lơ đễnh tiến về phía chùm ảnh bên cánh đối diện phòng Gallery.
"Cùng lý do rồi đấy." – Thức phởn phơ – "Cũng lạ là thằng Hạnh có bao giờ mò đến những chỗ hàn lâm đâu".
"Không phải đâu. Hạnh cũng rất mê nhiếp ảnh, lúc nào cũng trong tình trạng tiết kiệm tiền mua máy ảnh." – La Lan lơ đãng nhìn một tấm ảnh ở gần nhất, thực ra cô ngắm khung viền gỗ - "Tớ thì không có khiếu thưởng thức, dường như những thứ ảnh này đều có trên Flickr và Tumblr cả rồi".
"Tớ cũng chẳng biết nó đẹp ở đâu, nhưng Lan biết không..." – Thức giả bộ trịnh trọng – "Có một điều chắc chắn là công nghệ Retina của iPad không thể thể hiện tốt tất cả màu sắc với ánh sáng như loại giấy in ảnh này được. Và điều thứ hai nữa, chùm ảnh này là kết quả của một ý tưởng kỳ tài".
"Ý tưởng kỳ tài?".
Thức hít một hơi thật sâu, thoáng hy vọng động tác đó sẽ thu được cả mùi cơ thể của La Lan. "Ông nhiếp ảnh gia người Đức này đã đưa chúng ta đi thẳng đến Duersseldorf mà không cần mua vé. Album này không chụp toàn cảnh thành phố, mà mượn ánh sáng đặc tả những chi tiết cụ thể nhất, kiểu như khắc họa người đàn bà thông qua nốt ruồi trên cằm vậy".
Gương mặt La Lan ánh lên một biểu hiện tâm đắc: "Đúng rồi, sao tớ không để ý đến điều đó nhỉ?".
"Chẳng qua tớ đã đọc một bài phân tích về vụ này thôi".
"Sẽ ra sao nếu ông ấy chụp toàn thành phố?".
"Thế thì không gọi là nhiếp ảnh." – Thức nói như ngâm thơ – "Cách đây hơn một năm tớ mò đến quán cafe của một họa sỹ và hết sức ngạc nhiên với kiểu trang trí in lên vách tường một loạt những cái tên của các thành phố lớn. Tớ đã tò mò hỏi tại sao lại không dùng ảnh thay vì tên, chẳng hạn thay vì chữ Paris, ta nên lấy ảnh tháp Effeil trong đêm. Ông ấy nhún vai bảo rằng như thế thì có khác gì nhau. Lúc đó tớ hiểu ra rằng hình ảnh nếu chỉ để tượng trưng là một hình ảnh vứt đi, một sự thế vai thô thiển cho từ ngữ".
Nhưng La Lan không có vẻ gì là bị cuốn vào những phân tích thi vị của cậu bạn có mái tóc vuốt ngược. Thay vào đó, cô bụm miệng cười: "Mai Hạnh bảo là cậu hợp với nghề điều tra".
Câu chuyện của hai người bạn từ đó chuyển sang chủ đề truyện trinh thám. Trong khi Thức đề cao các loại hình trinh thám có tính chất giải đố như kiểu Sam Spade[2]thì La Lan mê những truyện trinh thám có tính tiểu thuyết hơn, giống như Pierre Lemaitre[3]. Tức phải là một cái gì đó soi rọi vào quá khứ và mở ra những lối đi vào số phận của từng người. Thức nhận thấy rằng La Lan rất khó khăn trong việc miêu tả ý tưởng của mình, và vì từ ngữ của cô yếu, nên cô đôi khi diễn giải hơi lệch so với các luận điểm mà Thức đưa ra. La Lan không hề sắc sảo. Nụ cười của cô là nụ cười cầu hòa của một thiếu nữ thị thành ưa cuộc đời bình lặng. Nó khác với nụ cười găm nhiều hàm ý khác nhau của Hải Đường, cũng khác với kiểu cười bộc trực, đầy nhiệt tâm của Mai Hạnh. Thức tự hỏi điều gì là quan trọng nhất trong thế giới của riêng cô. Hẳn đó phải là một trong những điều cô đang có và đang dành cho nó một tình yêu thầm lặng, giữ gìn bằng cách không bao giờ tháo nó xuống và bộc lộ nó ra bên ngoài. Đó cũng là một hình mẫu con gái hiện đại, một dạng tiểu vũ trụ khép kín, với hệ thống định luật vật lý và cả các phạm trù đạo đức, các hệ khái niệm xã hội riêng biệt, cố định, vĩnh cửu. Thức thoáng nhận ra người con gái đi cạnh mình đáng được khao khát hơn bất cứ hình mẫu nào, mặc dù khát vọng của đàn ông là điều phương hại cho cô ta. Người thiếu nữ tinh khiết của anh rồi cũng chửa đẻ và mọc mụn Hải Đường đã nói như vậy - một trong số những câu mà Thức nhớ nhất trong bộ sưu tập triết lý về phụ nữ của cô nàng. Tuy nhiên, không phải khi nào Thức cũng tin những lời đó. Ít nhất là ngay lúc này, khi tấm thân lụa trắng phía sau bộ quần áo con trai đang tha thẩn bên cạnh mình. Nàng đẹp nhất. Khoảnh khắc đang thắng Vĩnh cửu.
Toàn bộ những tác phẩm ảnh đã bay biến khỏi trí óc của ba người bạn trẻ. Có lẽ Thức và La Lan đang hướng về góc cửa sổ lớn bên không gian thư viện. Một buổi tối hứng khởi thế này có bún thang, một lon Trúc Bạch hoặc sữa chua mít thì hay hơn. Điểm yếu của việc tụ dồn quá nhiều những bức ảnh gần gũi về ý tưởng vào cùng một khung cảnh với nhau đó là chúng sẽ phai nhạt dần về cuối, đến một điểm ranh giới nào đó, người ta sẽ chăm chăm vào việc hoàn thành công cuộc nhìn ngắm nhiều hơn là tiếp tục hòa mình vào thế giới trong ảnh. Mai Hạnh đã vượt qua điểm này, và cậu đang tưởng tượng ra xem làm như thế nào để có thể có được một bức ảnh chụp tương tự nhiếp ảnh gia người Đức kia. Chẳng hạn, ở góc độ nào thì khuôn mặt của Hải Đường có được một tỷ lệ bóng tối phù hợp, cho phép diễn tả được một phần chân dung nội tâm của cô mà không cần cố ý diễn trình. Mai Hạnh không thông minh và cũng thiếu trải nghiệm để có thể tiếp cận được tâm can người khác, nhưng cậu mơ hồ cảm thấy rằng họ luôn có một góc khuất nào đấy không thể miêu tả hết bằng ngôn từ mà buộc phải trừu xuất bằng hình ảnh. Điều đáng chú ý là dường như gương mặt của mỗi một cá nhân đều có sẵn các đường nét tiềm ẩn làm nền tảng để thiên về một cách diễn đạt một loại cảm xúc hay nhân sinh quan nào đấy. Lấy đà từ ý tưởng đó, Mai Hạnh luôn trộm nhìn những người bạn của mình và ghép họ vào một không gian tách biệt, rọi vào mặt họ một loại đèn flash siêu hình.
Chỉ có Tưởng Như là đối tượng gần như Hạnh không bao giờ phải dụng công: ở mỗi khoảnh khắc nàng đều ngời lên cái vẻ rưng rưng đầy xung chấn như một hiện thân mê hoặc của thi họa và ca vũ. Vẻ đẹp gay cấn của nàng đôi khi vượt lên trên tình huống và bối cảnh thực tế mà nàng đang ở, thậm chí có thể vượt xa chính cả tâm hồn của nàng trong lúc đó. Nó cũng mâu thuẫn nốt với cái vẻ bướng bỉnh của nàng mỗi lần nàng lơ đễnh nói: Em không biết trong cái điệu bộ phá phách bất cần mà hình như nàng vẫn mong muốn có được. Cậu đã ôm nàng, dù thế trong vòng tay ngoan ngoãn, nàng vẫn không hề ngừng lại những diễn ngôn ngẫu hứng về mình. Phải, nàng nói nhiều, luôn có những câu chuyện xa vời về những thứ sách vở nàng bái vọng và trong những câu chuyện ấy, nàng như muốn kể về một con người khác mà không phải là chính nàng đang hiện diện. Nàng phân thân: một bên đi vào câu chuyện riêng của nàng, một bên thụ động đi vào ánh nhìn sầu não của Mai Hạnh. Con người thứ hai đó là một biểu tượng tôn thờ trong tâm tưởng của Hạnh, với mái tóc xoăn bồng bềnh, khuôn mặt tĩnh lặng u hoài và đôi mắt buồn khuynh đảo. Nhưng dù là con người nào thì chưa bao giờ Mai Hạnh soi thấy mình trong đôi mắt đó. Mãi mãi là một viễn tượng, mà Hạnh vừa muốn mơ mộng vừa muốn xua đi. Nó giống như... đây, nó giống như loạt những tấm ảnh ở hàng cuối này: vũ điệu của những tấm rèm khi bốn năm bức đều chụp các khung cửa sổ của các dạng căn hộ khác nhau. Một hình ảnh nửa muốn hiện ra dưới dạng hoạt ảnh, nửa muốn biến mất dưới dạng biểu tượng của suy tư. Đấy là hình ảnh "avatar" cho tâm hồn của Mai Hạnh, cậu vẫn tự nhận như thế. Nhưng Tưởng Như không phù hợp với khung cảnh đó. Thật khó hình dung ra cô nàng ngồi thẫn thờ bên vuông cửa hay làm một động tác có tính kịch nghệ nào đó - đọc sách hay tưới hoa. Nàng phải là một cái gì đó vút lên, hoặc một thân hình ngùn ngụt cắt ngang đường chân trời của một tranh nền màu nóng.
Vậy mà cuối cùng nàng vẫn xuất hiện trong hình hài yên ắng như vậy, lại vào trong tranh nền màu nâu lục. Một bức ảnh mà nàng không có tỷ lệ tốt nhất để trở thành điểm nhấn. Thay vào đó, nàng lẫn khuất giữa một bố cục tồi những người già cả chen nhau – những người mà bây giờ với Mai Hạnh hoàn toàn đã bị xóa màu, đã monochrome, bởi một đường cọ vẽ, đúng hơn là một đường sét đánh đầy kinh ngạc. Đấy không phải là tranh ảnh! Đấy là thực tại. Nàng ở kia! Tưởng Như với váy áo kiểu di gan Bohemian quen thuộc, dải băng quấn đầu sần như da rắn. Những gì hiện ra Mai Hạnh như màn hình máy tính bị chấn động, sau vài giây của đường kẻ sọc chập chờn, toàn bộ hình ảnh độ phân giải cao đã trở lại. Nàng cũng có mặt ở buổi triển lãm này. Bên cạnh nàng, rất gần sát đôi vai và hơi thở của nàng, với ngón tay út đặt trong nắm tay nàng như đang bị lôi đi, là Khanh Stein – chiếc kim đồng hồ chết.
Chuyện thứ nhất thật tình cờ. Chuyện thứ hai thì không.
Mai Hạnh thoáng run lên trong giây phút, cổ họng cậu bỗng khát khô như vừa uống hết ba ly vang đỏ. Khuôn mặt của nàng vừa mới đây thôi còn đang là những nét vẽ của mơ tưởng nhớ thương, thì đã hiện ra ngay sau một phút, thực đến mức không chịu nổi. Da nàng có xạm hơn và dẫu sao những môi son nét ngài cũng không hoàn mỹ như trong mộng ảnh, thế nhưng vẫn là điệu cười đó, niềm hân hoan đó và cái tình ý khó hiểu nàng luôn mang theo đó. Dường như phía trước mặt Mai Hạnh có một bức tường trong suốt khổng lồ, không tài nào vượt qua nổi, khu biệt hai thế giới. Và cậu phải đứng cách ly ở trong vùng đất xấu xí của mình, thuộc vào thế giới của lãng quên. Cậu không hề tồn tại ở phía bên kia.
Nhưng đó không phải là ý chính trong toàn bộ suy tư rối loạn của Hạnh. Ý chính là gì? Mai Hạnh bắt đầu truy đuổi, hay là trốn chạy cái hình ảnh đó: Khanh Stein? Trong khi cả lý trí và trái tim lưỡng lự, thì một cảm xúc đột ngột đẩy cậu bước về phía trước, tiến lại gần cặp đôi. Mọi tranh vẽ ở phía bên đường đi đều đã là xóa nhòe, tựa như ống kính bị phủ hơi nước. Mọi ngoại cảnh đều mất màu hoặc phai nét. Một cơn giận, hình như thế, dâng lên trong Hạnh, nhưng rút đi rất nhanh trong vài ba bước chân cuối cùng gần đích đến. Lắng cặn lại, chỉ còn một niềm sợ sệt khó hiểu, chạy một đường run qua bắp chân.
"Tưởng Như." – Mai Hạnh khẽ gọi, như để vời nàng trở lại tâm tưởng của cậu – chỗ ở đúng đắn của cô nàng.
Nhưng tất nhiên Tưởng Như hiểu đó là một lời chào. Nàng thoáng ngạc nhiên: nàng không bao giờ giấu được những gì đến nhất thời trong ánh mắt đôi mươi.
"Anh Mai Hạnh. Anh cũng đến đây à?" – Nàng khéo léo chuyển đổi sang một kiểu ngạc nhiên khác dễ hiểu hơn. Rồi sau đó một điệu cười, một chút tình ý mua chuộc để cân bằng với cảm giác xa lạ cô tạo ra từ câu nói vừa rồi.
"Sao em nói rằng em bận?" – Mai Hạnh hỏi lại, và với giọng nhẹ hều như thể nhận lỗi đó, cậu cũng không biết rằng cậu đang chất vấn bạn gái hay cầu xin nàng một giải thích khác với những gì cậu đang hiểu.
"Thì em bận đến đây. Tại anh không nói trước rằng anh cũng đến." – Tưởng Như phớt tỉnh, nàng biết chắc rằng có những ý thuyết phục nhất định trong các thông tin có vẻ khách quan.
"Anh đi cùng mấy người bạn." – Mai Hạnh đưa ra một thông tin thừa thãi và nói nhỏ đến mức cậu không nghe thấy chính mình. Cậu vỡ mộng với cái lý lẽ khách quan tăm tối của Tưởng Như.
"Tưởng Như không có xe. Nhờ tớ đưa tiện đường qua đây." – Khanh Stein gãi đầu. Cậu vẫn rối bời hệt như tất cả mọi lần xuất hiện trong quá khứ, không thể che giấu được điều gì đó không thật trong câu nói, và chính nó đang đẩy Mai Hạnh vào cảm xúc oái oăm.
"Anh ấy đón em." – Nàng ngắn gọn.
Các dấu hiệu của niềm bối rối đã lặn mất trên khuôn mặt Tưởng Như. Sự xuất hiện của nàng đã được hợp thức hóa với Mai Hạnh và nàng lại trở lại với bộ dạng "em hai mươi tuổi em là nắng". Nàng tiến sát gần Mai Hạnh kèm theo một tác động vào ngực cậu, trong một thái độ thân thiện vừa phải mà hai người vẫn thường có trong các cuộc hẹn riêng. Thôi nào, có gì đâu.
Mùi hương mà Hạnh vẫn nhận được từ sau tóc mai của nàng trở lại trong khứu giác, không rõ là qua đường trực tiếp hay lấy ra từ ký ức. Chỉ biết là kèm với nó là cái hình ảnh của ba phút trước. Sự thân mật của Tưởng Như và Khanh có ý nghĩa gì? Mai Hạnh đang ghen? Một cơn ghen không có đối tượng: Khanh Stein chưa bao giờ đáng ghét trong mắt Mai Hạnh. Điều đáng ghét là cái hình ảnh kia. Và điều đáng ghét nữa là cảm xúc của Hạnh lúc này làm cậu giống như một nhân vật trong truyện ba xu, sắp trào sôi trong đau khổ, hoặc sắp về viết confession chửi bới tất cả những dạng phụ nữ nước đôi. Không, cậu sẽ không là những thứ tầm thường thế. Đường nào thoát thân bây giờ nhỉ? Ôi, một cái vở kịch cũ của nhân loại bắt ta diễn đi diễn lại cả ngàn lần, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Một tình yêu mỏng manh, một cơn ghen tuông mẫu mực... Mai Hạnh nhìn quanh và cố gắng khôi phục lại nhịp thở đều đặn. Cậu cố gắng tiếp nhận câu chuyện mà Tưởng Như đang nói với mình, hình như nàng đang bình luận, hình như là về một bức ảnh nào gần đấy. Xem nào: về một tấm thảm lông cừu nhàu nát dưới bàn ăn người Do Thái thiểu số, vân vân... Nàng vẫn cố sức diễn từ để kịch tính hóa những sự nàng đã thu nhận. Câu chuyện ấy ở xa quá. Mai Hạnh muốn yêu mến chúng một lần nữa, nhưng không được. Bây giờ chỉ cần Tưởng Như quay lưng và nhích xa cậu hai bước chân, cũng đã đủ xa xôi lạc lõng.
Và nàng làm như thế thật trong cuộc dạo chơi của mình.
Thức đã để ý màn kịch từ nãy. Cậu kéo La Lan lại gần và chào Tưởng Như bằng một cái gật khẽ, theo kiểu nhã nhặn và vô can nhất có thể. "Đi cafe ngắm đường phố thật nào các thiên thần sa ngã!" – Thức hắng giọng.
Tưởng Như hào hứng, ngọt ngào: "Em thích ý kiến này. Em chưa bao giờ được tụ tập với mọi người". Chỉ đợi có thế, Thức liếc nhìn tất cả mọi người trong khung cảnh, hòng trấn áp vẻ uể oải giống nhau của hai chàng trai.
"Thôi, mọi người đi đi. Tớ chỉ ghé qua đây chút thôi, có việc bận rồi." – Khanh nặn ra một nụ cười hiền từ.
"Anh còn phải đưa em về." – Tưởng Như cương quyết, bằng cả giọng nói và ánh mắt hơi lườm.
"Em về với Mai Hạnh." – Khanh nói, hơi khan giọng.
"Anh phải đi về phía Thái Hà. Bây giờ không xuôi đường." – Âm lượng cao hơn một chút.
Tưởng Như lắc đầu và im lặng, nàng chỉ mất vài tích tắc để biết mình không có lỗi gì cả.
Vụ cafe đổ vỡ, cuối cùng Khanh đã chịu thua với một chút bực dọc được minh họa cố ý bằng hàng lông mày. Hai cái bóng tiến ra khỏi Al Fino như một cảnh chậm trong phim ca nhạc kiểu Anh. Một nàng sơn nữ điệu đà trau chuốt, một tên mọt sách gầy gò đen xạm như vừa nhoi ra khỏi lò luyện thi.
Mai Hạnh nán lại năm phút rồi cũng gắng sức nhấc chân ra về. Chỉ có điều Thức đã nhanh miệng nhận phần đón đưa La Lan. Mai Hạnh chỉ gật đầu. Cậu tung tung chiếc chìa khóa và bước đi với nhịp chân dồn dập. Như chạy trốn.
"Sao bé Tưởng Như đó lại về với ông bạn kia? Họ có gì với nhau không đấy?" – La Lan thắc mắc.
"Chắc đấy là nguyên tắc của con bé này, ai đến đón thì đưa về." – Thức khẽ ho hắng – "Một đức tính của phụ nữ".
La Lan lặng im một lúc, suy nghĩ gì đó rất xa xăm, rồi nén một hơi dài để thu cái suy tưởng phiêu lưu trong đầu lại. Rồi hỏi: "Sao Thức lại nhận đưa tớ về?".
"Nó cần về một mình, thằng Mai Hạnh ấy." – Và Thức nhìn xuyên qua cặp kính dày dặn của La Lan.
La Lan khẽ gật đầu: "Thế vụ cafe để sau nhé". Rồi rảo bước đi trước.
Thức nhìn theo bước đi dong dỏng, nhận ra những đường cong tách biệt hẳn với đường viền quần áo. Cậu biết rằng ngày mai kia nếu gặp lại, những cảm xúc mạnh mẽ này đã hoàn toàn tiêu tan, cậu không còn là cậu của cảm xúc hôm nay và La Lan khi ấy là La Lan của một ngày khác.
Chương 13 - Biến cố trên xe Buýt
"Bạn nào tên là Hùng ở đây?".
Dũng Khải Ninh nhìn ba cậu trai với ba khuôn diện khác nhau đang ngồi trước mặt: một tay cao to trông giống một thợ nề, một gã bạch diện công tử yếu ớt và buồn bã. Cuối cùng, chỉ có tên còn lại, mặc chiếc áo thun hiệu Aeropostale, với đôi khuyên ở vành tai và hình xăm mũi tên trên tóc là đứa duy nhất mang hơi thở thời đại.
Hùng Panô đứng ra giới thiệu.
Thật ra trong tình huống này, bên căng thẳng hơn là ba người bạn trẻ: họ đang làm khách ở một căn nhà rất sâu trong ngõ hẻm. Nhà ngục chung thân của sách: chúng chất chồng từ ngoài hiên, không giá để, như một một đội quân chết trận vì mắc bẫy chiến thuật. Đường chạy của các chồng sách cho thấy căn nhà có thể có cả một kho ở phía sau, nơi đang hoàn toàn bị bóng tối lờ nhờ phủ kín. Một chiếc bàn máy tính hình chữ L nằm cô lập ở góc phòng khách như thể cắt một miếng phòng ra dựng pháo đài cá nhân. Chẳng có vợ và trẻ con nào hết. Cũng chỉ có một đèn huỳnh quang duy nhất, đủ để nhìn rõ khuôn mặt chủ nhân – một người đàn ông hạnh phúc.
"Em đoán rằng báo chí sẽ mò đến nhà ông anh đây hai lần một tuần." – Thức quan sát các tựa sách xếp trên tường. Dường như tất cả các sách giấy đen cuối thế kỷ trước đều tụ tập ở đây, một số mất gáy vì bị tháo băng dính một cách thô bạo.
"Có đấy. Nhưng họ chỉ đến đây nhậu nhẹt thôi." – Dũng Khải Ninh trả lời – "Tôi sợ đám phóng viên mảng văn hóa đọc như sợ mắm tôm. Tôi bảo họ là Tôi không phải là cái kho ".
"Anh cũng không phải nhà sưu tầm?".
"Ở thành phố này có đến vài ngàn người sở hữu một lượng sách tương đương. Nhưng không phải ai cũng là nhà sưu tầm. Cái cậu đang thấy không phải là sách, tất cả là công cụ." – Dũng Khải Ninh cười và lắc đầu, một kiểu cười mà người ta có thể chủ động điều chỉnh khi nào thì nó tắt – "Một số thứ khác là bằng chứng, là biên bản, là phế phẩm...vân vân, tùy trường hợp".
"Nhưng đối với tụi em thì đây là cả gia tài." – Mai Hạnh bày tỏ một vẻ ngưỡng mộ xã giao.
Đúng hơn là chuột và tụi em, Thức nghĩ trong lúc mò mẫm một số cuốn giáo trình luật và Việt văn của chế độ cũ, có vẻ được xếp gọn gàng và trang trọng hơn cả. Nhưng về tổng thể, sách ở đây không theo một thứ tự nào. Ngay cạnh chồng sách trước 1975 là một chồng sách khổ nhỏ của Kim Đồng thời quá vãng, cạnh đó, chẳng hề liên quan gì, lại là một tải sách mới, in màu trên giấy thuốc theo phong cách cúng cụ (chỉ phối tối đa ba màu, font chữ Times New Roman, tựa sách mạ vàng, không hình vẽ trừu tượng), một số trang được đánh dấu và một số đoạn được khoanh bút bi và chú thích gì đó, chữ rất tháu. Thức bắt đầu lờ mờ hiểu ra cái gì thực sự hiện diện phía sau núi tài liệu này. Sau đó, khi trở lại ghế ngồi, cậu hoàn toàn tin chắc rằng sách không phải là linh hồn của ngôi nhà. Mà linh hồn của nó phải là ở người chủ.
"Các cậu xem tôi có giống thằng cha nghiện sách không? Tôi chỉ muốn làm một người đọc tử tế." – Dũng Khải Ninh làm bộ nghiêm túc – "Công việc của tôi là nhặt sạn".
Hắn nói đúng, không hề giống một nhà sưu tầm sách chút nào. Ba nét mặt của một kẻ theo nghiệp cõng sách: hoặc âu sầu, hoặc thanh tao hoặc láu cá... không làm nên phong thái chủ đạo của Dũng Khải Ninh. Hắn có đôi mắt ướt át, đuôi dài, nhìn như đang thể hiện những ca từ ước lệ của nhạc quê hương Bắc bộ, kết hợp đẹp với vành tai rộng, có phần hơi nhọn, kèm theo đó một đôi môi mỏng, tươi tắn như môi phụ nữ. Một kiểu mặt như thế dường như thích hợp cho những pha châm chọc đanh đá phụ nữ hơn. Dường như khuôn mặt đó hoàn toàn được làm từ chất liệu tự nhiên, tức là như hắn vẫn có từ lúc mới trưởng thành đến tận khi tuổi đời quá tứ thập không thay đổi nhiều, không thấy nét bồi nào do bể dâu mang lại. Như thế, đó là một người khó đoán về nội tâm, thậm chí cả về suy nghĩ. Ai biết được hắn đã trải qua những gì.
Dũng Khải Ninh trở nên hào hứng hơn trong phần thuyết trình về những chiến tích của mình: những bai báo phanh phui sai lầm của các nhà xuất bản, các đơn vị biên tập sách, các tác giả đã phát hành trên thị trường, đặc biệt là ngành khoa học nhân văn... "Ở đây có nhiều kẻ hợm hĩnh vô học". Hắn kể ra nhiều ví dụ kèm với các động tác minh họa rất đa dạng: run giọng, lắc lư, khoa tay, co rúm người. Giọng nói lanh lảnh, với một kiểu lên xuống khác người, tăng gấp đôi mật độ điểm nhấn, như để vỗ nhẹ vào má người nghe cứ ba mươi giây một lần. "Nhưng tôi không quan tâm lắm. Ta không chấp trò chính tả, dù sao bắt bẻ câu chữ cũng là cách phản biện tồi nhất. Cái chính là đám người có trình độ cao rất hay lên cơn cẩu thả. Cả trăm tỷ đổ vào một serie sách chuyên luận, cuối cùng toàn là phế phẩm. Đây, sự kiện về Tướng Nguyễn Chí Thanh, không hề có cuộc gặp mặt này. Họ phải biết rằng cái đó nằm trong một đoạn hồi ký có khuynh hướng hằn học chính trị, nhưng được trích dẫn gián tiếp. Và ở dòng này, một lần nữa..." – Dũng Khải Ninh chỉ vào dòng bút đỏ trên trang sách - "Tự ý sửa tên một loạt cán bộ cách mạng do không nắm rõ bí danh. Nguồn gốc là từ một cuốn tham khảo gián tiếp khác, rồi chép lại của nhau".
"Đấy chẳng phải là cái anh mong muốn sao?" - Thức tủm tỉm cười, cậu nhớ đến sự kiện khóa luận của Khanh Stein, sau đó thừa nhận rằng bản mặt kẹo dẻo của vị thanh tra văn bản đang ngồi đối diện rất kích thích người khác chọc ngoáy.
"Cậu bảo sao?" – Dũng Khải Ninh với động tác của người điếc.
"Ở khía cạnh nào đó có thể hiểu rằng những cái scandal này mang lại...".
"....kẻ thù cho tôi!"
"Không, ý em là, bánh trái cho nghề của anh".
Dũng Khải Ninh cười khùng khục, hẳn là có một suối nguồn hài hước riêng tư trong nội tâm hắn, tuy nghi sử dụng: "Cậu em nói đúng. Một thời gian dài thay vì hóng sách mới ra, tôi đi săn lùng và chờ đợi lỗi sai của hết quyển này đến quyển khác. Một chứng nghiện, hậu quả của nghề nghiệp. Tôi chẳng phải tuýp người cố ý biên tập những thông tin về bản thân mình để ghi điểm với người khác. Nhờ có niềm yêu thích mà ta mới làm được một chuyên môn gì đó, phải không? Tôi ưa thích sự rõ ràng, riêng rẽ, có vật chứng, có luật chơi, có phán quyết. Cậu muốn hiểu cụm từ xuyên tạc lịch sử nghĩa là gì thì nó chẳng ở đâu xa, nằm ở ngay đây, chính từ những nhà biên soạn đáng kính nằm trong các cơ quan đoàn thể".
"Đối với cả sách cũ?".
"Cũ hay mới là do ta đã đọc nó hay chưa".
"Hy vọng anh không có kế hoạch gì với Quyên." – Thức tỏ ra bồn chồn. Đã đến giờ đi thẳng vào vấn đề.
"Không thể không được." – Dũng Khải Ninh nhún vai – "Cái quyển tạp chí đó nhẽ ra phải là một sự kiện của báo chí. Mà tôi cũng bất ngờ là đến nay các cậu vẫn biết về nó".
"Em tình cờ sưu tầm được vài cuốn." – Mai Hạnh lên tiếng.
"Hoặc có thể ai đó đã từng hoạt động trong Quyên nhờ mấy bạn trẻ đứng ra mua lại." – Dũng Khải Ninh nói, giọng thủng thẳng như đang thả một lưỡi câu kim khí – "Nguyên bộ Quyên bây giờ chỉ có một, và may ra còn bộ thứ hai trong Văn khố quốc gia".
"Thực ra tụi em đã viết một bài tổng hợp về các tạp chí cho giới trẻ thời 90. Trong đó có nói về Quyên, ảnh tư liệu là do em chụp.." – Mai Hạnh phân bua.
"Ba trong số tám bức ảnh trong bài đó là do tôi chụp, về tạp chí Áo Trắng, Ngày Nay và Điện Ảnh. Không đào đâu ra những thứ đó nữa. Các bạn lấy ảnh của tôi trên diễn đàn Sách Xưa".
Ba người bạn nhìn nhau. Dũng tái hiện điệu cười bất tử: "Tôi đùa thôi. Qua mail tôi biết các cậu là ai mà, chính tôi cũng là fan của Cú Vọ đấy. Ai có thiện chí mua lại sách vở tài liệu đến gặp tôi vẫn có thể mua được, dù tôi không nhất thiết phải bán. Tôi không phải dân sưu tầm, cũng không khó tính lắm đâu".
Đó không phải là một câu nói cởi mở, Hùng Panô và Thức hiểu điều đó.
"Cái thứ mà các cậu định mua có một tiểu sử đáng chú ý. Nguyên những thêu dệt xung quanh nó cũng đưa nó lên giá hàng triệu." – Dũng Khải Ninh tiếp lời – "Cậu Mai Hạnh này bao nhiêu tuổi rồi nhỉ, thời tôi làm việc ở đó tôi chỉ bằng tuổi cậu, trông còn ngây ngô hơn cậu. Tụi tôi đã bị cuốn vào đó như một con rối, kết quả là gần 6 năm sau tôi mới làm báo được".
"Em đã nghe về vụ kiện và mấy lần mâu thuẫn với giới văn nghệ sỹ, trường học trrong nước." – Giọng Mai Hạnh.
"Những thứ đó rất phổ biến trong báo giới, chỉ là ngày trước hiếm khi người ta chọc khuấy vào văn hóa với giáo dục".
"Vụ biến mất của anh trưởng nhóm Ngọc Tầm nữa!" – Thức bổ sung.
"Có hai vụ biến mất này còn đáng quan tâm hơn." – Dũng Khải Ninh châm thuốc, loại Capri dành cho nữ - "Thứ nhất là nhạc sỹ Minh Tâm và thứ hai là chính cái tạp chí này".
"Minh Tâm vẫn hoạt động đến sau năm 2000 kia mà anh".
"Nhưng sự nghiệp lẽ ra đã vô cùng lẫy lừng của ông này tan biến ngay sau vụ kiện đạo nhạc, mặc dù Minh Tâm thắng kiện. Tòa án chỉ thụ lý về mặt pháp lý, nghĩa là Tạp chí Quyên được đặt nghi vấn nhưng không được quyền vu vạ khi chưa có bằng chứng rõ ràng, họ vi phạm luật báo chí. Trong khi đó bên có thẩm quyền thực sự kết luận rằng có đạo nhạc hay không thì phải là các nhà thẩm định chuyên môn. Tuy là có phần tồi tệ và hời hợt trong giới phê bình âm nhạc, nhưng cứ mười người thì phải có đến ba bốn kẻ muốn đưa Minh Tâm xuống vực. Minh Tâm biến mất từ năm 1997, tôi nói không quá đâu".
"Miễn là hình phạt thích đáng." – Thức nhún vai.
"Theo tôi nhé..." – Dũng Khải Ninh ậm ừ trong cổ - "...Ông ta là người có đóng góp cho ca từ nhạc trẻ".
Mọi người đều ngầm đồng ý, ngoại trừ Hùng Panô, bởi anh chưa bao giờ nghe loại âm nhạc đang nói đến.
"Tôi phải nói thêm Minh Tâm là một nhà báo. Đấy, cứ ông nào làm ăn liên quan đến chữ nghĩa là y như rằng phải viết báo mới chịu được." – Dũng tiếp lời – "Ông ta là một trong những người đã lên tiếng về Quyên trước".
"Nghĩa là có ân oán giang hồ?" – Thức hiểu ra vấn đề.
"Hai vụ biến mất kia cộng lại thành ra vụ biến mất cuối cùng: tạp chí Quyên giải thể" – Dũng Khải Ninh ho húng hắng rồi tắt thuốc, tỏ ra tập trung như không muốn lỡ miệng nói ra điều gì thiếu căn cứ - "Minh Tâm, giao thiệp khá rộng trong giới văn nghệ sỹ, là người phát hiện ra rằng Quyên có xu hướng dung nạp văn hóa hải ngoại. Tôi nói phát hiện, nghĩa là đó là sự thật. Nhóm chủ trương Quyên nếu hoạt động ba năm nữa có thể hình thành thêm một vụ gián điệp N nữa giữa lòng thủ đô".
"Việt Nam Văn Bút Hải Ngoại." – Mai Hạnh buột miệng.
"Chính xác." – Dũng Khải Ninh tỏ vẻ hài lòng – "Chính tôi đã làm việc với Ngọc Tầm về chuyện này. Ban đầu họ hứa hẹn sẽ tạo ra một làn gió mới trong phong cách báo chí học đường, nhưng rồi mọi thứ cứ đi lệch. Bài đăng của các tác giả đi du học được chú trọng hơn, chiếm hết phần sân của nhóm Khải Ninh. Họ đăng lại truyện ngắn, tranh ảnh và quan điểm của nhóm trí thức về nước, với tham vọng tạo ra một vùng độc giả riêng, một quyền lực dựa trên bút chiến nặng nề và dành lấy thị phần tư tưởng của giới sinh viên. Họ đưa ra ý tưởng trình bày bìa y như tạp chí của Sài Gòn cũ. Các cậu cứ đọc phần điểm sách thì biết. Tôi không quan tâm đến việc họ đang làm cái gì, nhưng đối với ý tưởng ban đầu mà Quyên rót vào tai nhóm Khải Ninh, thi tụi này đã bị lừa. Đến vụ đăng truyện ngắn của Châu Diêm, trong cuốn số thứ 27, dưới dạng bài cộng tác, là chúng tôi đã muốn rút khỏi đó".
"Truyện Người Ngoài Cuộc hả anh?"- Mai Hạnh hỏi và nhận được cái gật đầu.
"Sao biết hay vậy?" – Thức quay sang Mai Hạnh.
"Lão Sâm suốt ngày kể. Truyện đó nằm trong một tập bị thu hồi và cấm tái bản năm 84".
"Cùng số phận với Quyên sau này?" – Thức hỏi, có ý giễu nhại.
"Cậu em nhầm rồi." – Dũng Khải Ninh cười bí hiểm – "Cái bị lãng quên giá trị hơn nhiều cái bị cấm. Quyên là một kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Một sản phẩm độc đáo nữa".
Đôi mắt của Dũng Khải Ninh chao lượn giữa ba người bạn trẻ, chờ đợi câu hỏi tiếp theo, mà tốt hơn nên là một câu đề nghị.
"Tụi em sẽ gửi đúng 200 USD như anh đề nghị trong mail." – Hùng Panô nói, mắt xoáy vào điểm chính giữa trên chiếc bàn loang lổ.
Dũng Khải Ninh lại nhắm mắt cười. Nhưng chỉ sau một động tác lắc đầu, nụ cười đã rớt rụng: "Tôi chỉ bảo là không dưới 200USD chứ không phải đúng cái mác giá đó".
Nói đoạn, hắn đứng lên lững thững đi vào vùng tối lờ nhờ bí mật phía sau bàn làm việc góc phòng, rồi đi ra với một chồng tạp chí mỏng, không có gáy cứng. Toàn bộ các số tạp chí này đều trông như mới, và nếu có chút gãy gập, có thoáng dây mực hay ít bụi bặm nào, hẳn chỉ có thể là do nhà sách số 771 gây ra. Dũng Khải Ninh lạnh lùng cắt sợi dây trói, những cuốn tạp chí bung ra như một xấp thẻ màu đồ chơi xinh đẹp bị xô đổ. Các sắc màu phủ trên bìa đều nguyên khối, cơ bản, tươi tắn. Chúng nhảy múa trong đầu ba người bạn trẻ. Không đến nỗi nào, Hùng và Mai Hạnh có cùng suy nghĩ, hóa ra những đường vẽ đơn nét trên những tờ bìa khi xếp lại với nhau lại tạo ra một bức tranh hoàn hảo: một đường phố dài vô tận, những thiếu nữ áo trắng bé nhỏ, những hàng cây thổi gió, những xe đạp gầy gò, vẽ từ cây bút duy nhất. Những xôn xao mà người họa sỹ giấu nhẹm sau từng mảnh im lìm toát lên đầy sinh động qua bố cục tài hoa, mỗi cuốn là một tác phẩm và nguyên cả bộ lại hợp thành một tác phẩm khác. Không chỉ là một tác phẩm mỹ thuật để thưởng thức, còn là một tác phẩm đáng để mua về và để trao lại cho người đàn bà bí ẩn.
Riêng Thức tập trung nhiều hơn vào một chi tiết khác. Sau một hồi đưa ngón tay thám cứu từng trang, như thể tra tìm một từ đã mất nghĩa, cậu cất tiếng hỏi Dũng Khải Ninh: "Tại sao ban điều hành không để nguyên màu tím đồng bộ cho tất cả các số?".
"Như các cậu em thấy, hầu hết các cuốn đều có màu tím." – Dũng Khải Ninh quẹt diêm, trong dáng điệu bình thản của một người vừa bốc được ba quân hai.
"Chỉ có khoảng một nửa..."
"Tất cả các số cuối tháng đều có màu tím, còn lại thì chọn màu ngẫu nhiên. Ở đây gần như đủ bộ và tất cả mọi thứ từ cao lương hảo hạng đến bánh mốc bốn ngày của Quyên đều nằm ở đây." – Dũng Khải Ninh nói – "Vì lòng nhiệt thành từ những người bạn trẻ, tôi chấp nhận hy sinh dùng bản scan".
Hùng Panô, trong một động tác dứt điểm, gom lại hai mươi tám số tạp chí Quyên, xếp chồng như cũ, thu gọn vào lòng. Một cảm giác mịn màng lan qua đường vân tay làm anh ngỡ như mình vừa sống lại thoáng chốc cái hân hoan vừa được tặng một bộ truyện tranh mới thời thơ. "Bọn em sẽ giữ cẩn thận, không để rách một miếng giấy nào".
"Thế này nhé, trừ bốn cuốn đã thất lạc." - Dũng Khải Ninh nhả khói, không lưỡng lự, không nhìn vào mắt ai - "Các cậu chỉ phải trả năm triệu hai trăm ngàn đồng".
***
"Năm trăm hai mươi nghìn..." - Thức đá tung viên sỏi dưới chân - "...chắc là cái giá mà hắn mua từ lão Sâm, sau đó nhân lên với cơ số mười".
"Đến chậm chân thì phải chịu thôi." - Hùng Panô chép miệng.
Bước ra khỏi con ngõ là nắng triền miên trên lối. Nắng xua mất cả niềm vui trên mặt. Những tán cây xòe tay đổ bóng đen sậm. Những dãy nhà tập thể san sát, toàn bộ cửa sổ gỗ đóng im lìm, như những hàm răng nghiến két. Quần áo trên dây phơi không một chuyển động. Còn một đoạn nữa mới ra phố Nguyên Hồng. Bỏ tất cả các số tạp chí vào ba lô đeo lưng, Hùng Panô đi giữa bọn trông như một tên trộm khổ sở.
"Vấn đề là đen đỏ chứ không phải là muộn hay không. Nếu mấy hôm trước đó ta không bỏ qua nhà lão Sâm. Hoặc bé Tưởng Như, trong cơn mê shopping mà lẽ ra cần phải dềnh lên đúng lúc, mua hết chỗ tạp chí đó thì ta đã có một buổi massage ngon lành với các em ở Cyndy, sau khi đã làm một tăng trên Núi Trúc." - Thức vuốt chỏm tóc mồ hôi và đá xéo sang Mai Hạnh.
"Cậu nhận xét sao về chuyện mà Dũng Khải Ninh kể?" - Hùng xốc lại chiếc ba lô.
"Có mấy ý. Toàn là sự thật một nửa".
Hùng ngẫm nghĩ một lúc, trước khi sức nóng lại trùm lên mi mắt anh: "Chẳng sao, ta cũng có được cái ta cần rồi."
"Cái mà bà Thu Hà cần." - Thức sửa lại.
Khi lấy xe từ bãi gửi bên ngoài, Thức chợt nhớ ra một chuyện. Cậu kéo Hùng Panô đi theo. Balô giao lại cho Mai Hạnh - người ra về bằng xe bus. Cũng vừa hay Mai Hạnh đổi ý định bắt chuyến đi thẳng lên quận Thanh Xuân, cậu muốn ăn ở quán cơm yêu thích gần văn phòng Cú Vọ. Quan trọng hơn, cậu muốn ở văn phòng cả ngày, muốn đắm mình giữa những náo động bè bạn trong ngày thiếu vắng Tưởng Như. Những phiền muộn chưa được dẹp yên này cần có người chứng kiến, chia sẻ thậm chí bàn tán về nó, để giữa những bàn tán đó, có thể tìm ra một câu chuyện phiếm nào liên đới, thâu nạp chút lạc quan vay mượn. Có tiền và các em trắng nõn ở Cyndy cũng không tồi. Yên ắng bây giờ là chết, tâm hồn Hạnh sẽ như chiếc cốc rạn. Nhưng rồi cậu chợt nghĩ đến Khanh Stein. Khanh sẽ tỏ thái độ như thế nào? Hai tên đàn ông nhút nhát trong cuộc chơi của một người con gái ngồi quắp co ở hai phía một căn phòng, một hoạt ảnh nhục nhã. Đôi khi Mai Hạnh ngờ ngợ rằng vì cậu tỏ tường được sự yếu đuối của chính mình, cậu đã quyết liệt chối bỏ nó. Đó có thể là phần nam tính sơ khai và bản năng nhất trong con người cậu, hoặc đó chính là định nghĩa về nam tính. Không chối bỏ được cũng phải trốn đi... dẫu sao... Mai Hạnh mò trong túi, cậu không mang tai nghe. Thế là không có âm nhạc cho một trưa vàng buồn suông!
May sao còn có lao xao tiếng động từ người đi kẻ đến đông đúc ở bến chờ, dù không phải là tiếng nói. Có khuôn mặt nào quen không? Mai Hạnh dự định quan sát những người dưng và thử phỏng đoán và phiên giải phía sau các sắc thái giống nhau họ đang cho thấy, họ thực sự là ai, họ nghĩ gì, mưu cầu những điều gì; và về ta, ta thực sự có nên và có cần nghĩ về họ, tại sao ta lại phải nghĩ về họ, phải mong muốn tìm ra lối vào thế giới kín mít của họ, những người khác, vân vân... Khi cửa xe mở, Mai Hạnh bước lên trước tiên và nghe tiếng đề giày vỗ uỳnh vào sàn xe, thầm nghĩ rằng trông có vẻ phía sau cậu đầy những người nối đuôi đi theo cậu, cùng hành trình, nhưng thực tế chẳng có ai cả.
Cậu buông trôi tâm trí vào những dòng suy nghĩ tiếp theo cái ý tưởng gốc từ nhận định đó. Đôi mắt chuyển động cùng chân đi và cậu thấy mình như đang đi theo một vùng sáng di động chiếu ra từ ánh đèn follow dội vào sàn xe sùi lên như lưng con nhím sắt khổng lồ, cậu thấy một đôi giày cao gót bóng đỏ, một túi ni lông lớn mờ đục hiệu Acecook, một cái làn xanh lục nhiễu nhương những thứ đồ, một đôi sneaker dính bùn, có mưa đâu nhỉ? Rồi chúng lắc lư theo những ô sáng in hình. Rồi mắt cậu hành trình qua những mái đầu tóc xoăn, tóc thẳng, những môi xinh - chắc thế - dưới khẩu trang caro, những khung cột xe mới sơn lại, chiếc nút bấm đỏ son dễ mến như nút nhạc í eo trên cây đàn guitar bass nhựa đồ chơi tuổi nhỏ... Mai Hạnh cứ thế chìm đắm trong thứ âm nhạc riêng tư an ủi của trí não, thứ âm nhạc của một tập trung cao độ, một hòa lẫn linh hồn của hai tư cách người chơi nhạc lẫn người nghe; cho đến khi người phu xe gõ vào vai cậu và cằn nhằn tiền vé, rồi lẩm bẩm rủa tên thư sinh nghễnh ngãng khi hắn chìa ra đồng hai trăm nghìn chẵn - đồng tiền duy nhất của cậu.
Không, Tưởng Như không hề giấu Mai Hạnh điều gì cả, nhất là với đôi mắt đẹp luôn long lanh một niềm đam mê khấp khởi dường như sắp siêu vượt khỏi thân thể chính nàng. Chỉ là Mai Hạnh đã bỏ qua yếu tố chân dung đó và cậu đã cố tình ví Tưởng Như với một bài thơ dịu trong. Nàng đã kể chuyện và cậu không nghe nội dung nào cả. Cậu chỉ nghe giọng nàng êm ái như tiếng mưa nhỏ, cậu đón nhận câu chuyện cũng như đón nhận cái nhân ảnh của nàng vào vòng tay âu yếm. Từng phút bên nàng trôi qua rất chậm cứ như là có thể giơ tay ra và sờ vào thời gian: nàng hiện ra đó, tồn tại ở đó, sững sờ, cực thực. Rồi Mai Hạnh như không thể tiếp nhận được điều gì thuộc về ngôn ngữ nữa cả, khi nàng lọt thỏm trong vòng ngực của cậu, tóc nàng gại vào cổ cậu và vùng môi má nàng trắng ngần mịn màng. Nàng vừa được sinh ra bởi một thiên thần góa bụa xinh đẹp nhất. "Em đã đọc xong hầu hết các cuốn ông ấy dịch ở Việt nam" , nhảy sang một hình ảnh khác về nàng, nhí nhảnh, du dương, "Em mê mẩn mất mấy ngày. Nếu ngoại ngữ tốt, em sẽ còn kiếm thêm tài liệu. Có lẽ em sẽ chọn ông ấy...". Ông ấy là ông nào? Anh không biết đâu, "Cứ hiểu thế này nhé..." - nàng giải thích cho Mai Hạnh, ngắn gọn. Rồi nàng hỏi "Khoa học là gì thế? Nó không phải là một lão già đi lý giải hết cái này cái khác. Nó là một cộng tác viên của đấng tạo sinh, nó là thú chơi bời tạo ra văn bản mới, tranh luận mới, cái để đọc mới... Em nghĩ thế." Nàng luôn nói những câu chuyện đó, và dù với Mai Hạnh, đó là những câu chuyện đáng nghe nhất trên thế giới này, cậu không hiểu gì hết, cậu vẫn luôn ngoài cuộc. Phải, với đôi mắt đam mê của nàng, Mai Hạnh luôn ngoài cuộc.
Xe bus đi qua nút thắt cổ chai và chậm dần, nghe rõ tiếng máy nổ hòa lẫn vào tiếng còi xe. Một vài tình huống giật gân...vặt khi mấy chiếc xe máy tạt qua rất gần đầu xe bus, khiến cho Mai Hạnh tự hỏi tại sao trong công cuộc lộn đi lộn lại cùng một hành trình đằng đẵng tháng ngày, với một phương tiện có thể chứa cả dăm chục người, mà người lái xe có thể tránh được chuyện giết người trên đường đi của mình. Tới điểm gần trường học, một đoàn người kéo xuống khiến cho không gian xe giãn hẳn ra. Người thiếu nữ Hàn Quốc xinh đẹp bước lên, đi sau là chàng tóc xoăn mệt mỏi luôn miệng nói gì đó, có lẽ là hướng dẫn viên du lịch cá nhân, tay lăm lăm một cuốn sổ bìa nâu sần. Mai Hạnh thu chiếc ba lô về gần chân, nhường chỗ cho mớ đồ lỉnh kỉnh của cô ta.
Tưởng Như cũng có một cuốn sổ độc một màu nâu như vậy, nàng đặc biệt ghét đồ màu mè, thứ tượng trưng cho tính cách điệu đà của phụ nữ. "Phương pháp này anh Khanh đã chỉ cho em." Tưởng Như nói "Có chút hiệu quả, nhưng cần sửa lại. Anh ấy vẫn có một số tiền định. Em nghĩ thế". Nàng chỉ vào mớ ghi chú loằng ngoằng trong cuốn sổ. Gần như cuốn sổ đã được viết hết, nàng rất chăm chỉ và mê thích cái sự ghi chú đó. Nó làm trang trọng thêm công việc nghiên cứu mà nàng cho rằng mình đang tập sự để trở thành kẻ chuyên nghiệp hạng nhất trong tương lai.
Chẳng được nổi năm phút, xe lại đông hơn. Một tấm lưng đẫm ướt cọ vào Mai Hạnh, gió từ điều hòa xoáy vào thái dương cậu.
Tưởng Như có một người bạn rất thân là Bảo Ngọc - một nhan sắc mặn mà trước tuổi, họ đã đi với nhau trong vài lần gặp Mai Hạnh. Tưởng Như tuy nhiên chỉ trích khá thẳng thắn về thói quỵ lụy của cô bạn, và thói ăn mặc đỏm dáng quá mức, quá mức không phải là so với môi trường mà so với giới hạn sắc đẹp của cô. Bảo Ngọc biến mất trong câu chuyện của Như cho đến khi Mai Hạnh hỏi thăm cô bạn một lần sau đó, trong tinh thần xã giao, nhưng Tưởng Như không trả lời. Nàng nói rõ là không trả lời, bởi lẽ nàng không muốn mình gắn với chuyện của một người khác, nhất là với người có lẽ nàng không đánh giá cao, như thế hình ảnh nàng sẽ đôi phần trở nên cố định.
Chiếc xe phanh gấp làm hàng người đứng bổ nhào về phía trước. Mai Hạnh bám rất chặt vào cột, với lòng bàn tay đỏ au. Cậu như sắp vẽ ra một đường tròn quanh chiếc trục xoay đó. Những hình ảnh về Tưởng Như cũng phập phùng, liêu xiêu trong tâm trí cậu. Cậu sắp gọi tên nàng đến nơi. Còn điều gì thuộc về thế giới của nàng mà Mai Hạnh chưa biết? Nàng yêu nghệ thuật, thích khám phá phim ảnh, thích truy cứu những chuyện ly kỳ của sử liệu, thích tìm cho ra bản ngã của những nhân vật trong đời sống...
Thế giới của nàng cũng chính là thế giới của Khanh Stein, họ chung một địa đàng. Nhưng vẫn còn điều gì nữa về nàng, rất khó nói, đôi mắt nàng nữa, và cái tựa đầu khẽ khàng đêm nhạc hôm ấy mà nàng dành cho Mai Hạnh với sự chân thành hiếm hoi mà Mai Hạnh thấy - bây giờ buộc phải thừa nhận... Nghĩa là gì? Tưởng Như ơi...
Đến điểm dừng, một hàng người lèn qua chỗ Mai Hạnh gần cửa ra vào, chen nhau xuống xe. Một hình ảnh kỳ lạ thúc Mai Hạnh ngã nhào ra khỏi miền tâm sự: chiếc quai ba lô của cậu đang trượt dần xuống theo cửa. Bằng lực kéo từ một cánh tay lạ.
Ba Lô dần khuất sau hàng chân người di chuyển. "Ơ kìa!" Mai Hạnh kêu lên bằng thứ âm thanh đã bị chôn vùi quá lâu trong suy tưởng tĩnh lặng. Thoáng thấy gáy một người đàn ông qua chiếc áo chống nắng lấp ló của người phụ nữ vô duyên chen phía trước. "Ơ này anh ơi!", Mai Hạnh nóng bừng mặt và bằng hết sức lực chen ra khỏi đám người. Nhưng cửa xe đã đóng, suýt nữa cho cậu ăn một kẹp. Mai Hạnh hoảng loạn gọi người tài xế. Một cú phanh không mấy gọn gàng. Cậu lao xuống cửa xe.
Có ai đó đã kéo nhầm chiếc ba lô của cậu. Một kết luận hoặc là một hy vọng: bởi trong ba lô đó có chiếc máy tính bảng Acer One. Mai Hạnh choáng váng chạy trở lại điểm xe buýt kiếm tìm. Vẫn là những con người xôn xao hồi nãy chưa kịp tản đi hết. Nhưng hình như không có người đàn ông nào với chiếc ba lô nặng trĩu.
"Có đấy. Một ông đeo ba lô vừa chạy vào trong ngõ này." - Thông báo của anh chàng tóc xoăn hướng dẫn viên như một cơn gió mạnh đẩy Mai Hạnh băng mình vào lối nhỏ phía sau bến dừng xe.
Bất kể là lý do gì và chuyện gì, phải theo. Thật nhanh.
Nhưng con ngõ trống trơn, ngó hai phía trong hơi thở dập dồn, chỉ toàn nắng triền miên trên lối.
Giữa một giây bối rối, bỗng Mai Hạnh thấy chiếc ba lô nằm móp bẹp cạnh thùng rác đầu con ngách số một. Cậu nhặt nó lên và bất chấp mọi bụi bẩn, lục tung các thứ đồ trong đó. Nguyên vẹn số tiền thối từ đồng hai trăm ngàn vừa rồi, nguyên vẹn cả chiếc máy tính bảng Acer One mỏng dẹt, máy ảnh du lịch và cáp điện thoại.
Chỉ mất đi một thứ duy nhất: hai mươi tám cuốn tạp chí Quyên đóng gói!
Mai Hạnh thấy mồ hôi mình toát ra từ mọi lỗ chân lông trên cơ thể, không phải do trời quá nóng. Đế giày mỏng làm bàn chân cậu nhức buốt. Mai Hạnh run run bấm điện thoại gọi cho Hùng Panô. Nghe hồi chuông dài xen giữa tiếng tim thình thịch loạn nhịp, cậu nhận ra rằng khi nãy mình đã nhầm: giữa cái đám người dưng lên xe cùng mình vừa rồi, không phải là không có ai thực sự muốn đi theo cậu.
>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
[1]Jennifer Aniston: Nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ
[2]Nhân vật thám tử lừng danh trong tiểu thuyết của Dashiell Hammett.
[3]Pierre Lemaitre (sinh 1951, Pháp): Nhà văn trinh thám đạt giải Goncourt năm 2013.
Nhận xét
Đăng nhận xét