Hiếm có ở tác phẩm nào mà thế giới phụ quyền, nam quyền bị lung lay dữ dội như ở Chí Phèo.
Chí Phèo vẫn là một tác phẩm lớn bởi hệ thống phức tạp giữa các nhân vật của nó, xuyên qua thời gian và vượt qua lãnh thổ quá hẹp của Vũ Đại: một truyện như Chí Phèo có thể xảy ra ở Boulogne, ở ngoại ô Melbourne, hay vùng đồng thảo Texas… Hồi tôi còn đi học, thầy chúng tôi cho tiếp cận tác phẩm này bằng một hệ hình quen thuộc: phân chia không gian làng Vũ Đại theo các mặt cắt tầng lớp xã hội, nơi Bá Kiến và Chí Phèo đối đầu nhau ở hai cực của quyền thế, một đỉnh và một đáy. Cách tiếp cận như vậy là một trong những phương án tối ưu. Tuy nhiên nó giới hạn tác phẩm theo trục tung. Câu chuyện trở thành một fiction noir (tiểu thuyết đen), trong đó hành trình đi đến tội ác của nhân vật chính cũng đồng thời là cách y giải quyết số phận. Vụ việc ở cuối truyện tích tụ tất cả những nếm trải của nhân vật trước đó, là một cơn bùng phát nhưng hoàn toàn có logic. Hành trình của Chí Phèo theo trục tung, đó là đi từ dưới lên: các lần đụng độ với cụ Bá, anh ta ở tư thế nằm hoặc quỳ, “ngước” nhìn lên cụ Bá. Nhưng ở vụ giết người, cụ Bá trong tư thế ngồi, còn anh ta thì đứng cao hơn (và xẻ thịt ông cụ). Đó là hành trình của nổi loạn, của sự chống lại áp bức, bất công… vân vân và vân vân…
Cách nhìn truyện theo trục thẳng này là một lối nhìn có bài bản và không có gì lạ: các tác phẩm văn học trong nhà trường hay bị đặt vào góc nhìn xã hội. Bi kịch của nhân vật chắc chắn phải đến từ xã hội, không thể khác được. Và anh ta phải giải quyết nó theo cách phá vỡ trật tự áp bức đó (xem Vợ Chồng A Phủ, Làng… chỉ đến sau 86, ở Chiếc Thuyền Ngoài Xa, công cuộc “cách mạng” này thất bại).
Nhưng nếu chuyển điểm nhìn sang trục hoành, chúng ta sẽ thấy câu chuyện có thể được khám phá theo lối rất thú vị. Ở đây, tôi muốn cắt nó theo chỉ hai mặt: NAM và NỮ. Nếu chuyển dịch hệ thống các mối quan hệ theo quy chiếu Nam Quyền và Nữ Quyền, ta sẽ thấy vai trò các nhân vật phụ quan trọng hơn nhiều và có thể giải thích được nhiều chi tiết. Ở phía NỮ, ta có các nhân vật: bà vợ ba, Thị Nở, cô Thị Nở, và hai nhân vật hơi mờ: me Chí Phèo và góa phụ mù (bà mẹ nuôi đầu tiên của Chí). Ở giới tuyến của NAM, là Bá Kiến và Chí Phèo, có thể cả Lí Cường, một nhân vật quan trọng không kém mà ít được phân tích: Rượu! Cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phái nữ.
Nếu phụ nữ có bị áp bức trong xã hội xưa, thì đó là ở bối cảnh rộng. Trong một không gian hẹp như một làng, với dân số ổn định, tình hình khác hơn nhiều. Bằng chứng là các chuyện kể dân gian về việc sợ vợ. Còn tùy vào sự chênh lệch nhân khẩu học về giới, mà phụ nữ có được thêm quyền năng hay không. (và tùy ti tỉ thứ khác nữa, trong đó có cả tôn giáo, xuất thân). Chính Pierre Gourou (Người Nông Dân Châu Thổ Bắc Kỳ) chỉ ra điều này.
Trong Chí Phèo, các nhân vật nữ lần lượt đóng những vai trò tối quan trọng chi phối mọi chuyển động của Chí: bà mẹ vứt Chí đi, bà góa phụ mù bán anh ta, bà ba của bá Kiến là kẻ đã gieo sầu cho Chí thông qua hành vi quấy rối tình dục và nhắc nhở cho Chí về sự nhục nhã và sỹ diện của nam giới, góp phần lớn vào sự thù hận của Chí Phèo sau này; Thị Nở là kẻ đã ban phát tình yêu rồi ruồng bỏ Chí kèm với sự thao túng nhất định đến từ bà cô của con mụ này. Các nhân vật nữ xuất hiện theo tuyến tính, vì thế trong địa khu của Nữ Quyền, hệ thống các nhân vật nữ là một đường thẳng, ngang hàng với nhau về quyền lực, và cùng đưa bàn tay quyền lực để đẩy nhân vật nam vào bi kịch.
Trong thế giới của nhân vật Nam, đường thẳng đó không tồn tại: mối quan hệ giữa Bá Kiến và Chí Phèo mang tính chất phức tạp hơn nhiều một sự áp bức đơn thuần. Trò chơi giữa Bá kiến và CHí Phèo là một trò chơi rượt đuổi, thương lượng và đầy mặc cảm. Chí Phèo có thể nhìn từ điểm nào cũng hay nhưng Bá Kiến cần phải được nhìn từ trục hoành: ông ta là nạn nhân của nữ quyền.
Ở đầu tác phẩm, Nam Cao chỉ ra rõ điều này: các bà vợ ông ta gây sự, ông ta là kẻ bị chửi. Bá Kiến có phải là cha Chí Phèo? Rất có thể. Và nếu không thì nhân vật Bá Kiến sẽ không thể có giá trị.
Bá Kiến là kẻ đã phải gánh trách nhiệm nuôi nấng đứa con do người tình ông ta vứt đi ở lò gạch (đến bà góa còn không thèm nuôi), rồi cuối truyện, ông ta chết như một vật tế cho công cuộc “trở về làm người” của Chí phèo. Hành xử của Bá Kiến mang tính chất đàn ông rất rõ: ông ta ghen tuông, ông ta chịu đựng nhưng ông ta vẫn phải sống với trách nhiệm làm chồng và làm cha. Sự
ghen tuông đã khiến Bá Kiến đẩy Chí vào tù, hành vi đã lệch ra khỏi dự định ban đầu đó là cho Chí phèo một công ăn việc làm mà sau này ông ta không thể sửa được nữa.
Sự đứt gãy giữa Bá Kiến và Chí Phèo nằm ở nhân vật bà vợ trẻ của ông ta (không phải là tiền, không phải là địa vị mà là ĐÀN BÀ). Trong địa khu của đàn ông, Chí và Bá Kiến rượt nhau chạy lòng vòng để rồi cả hai cùng chết trong cái sân chơi mẫu hệ. Cả bốn nam tính của đàn ông đều được hội tụ trong mối quan hệ này: sự túc trí và quyền thế của Bá Kiến; sức mạnh cơ bắp và tính hành động của Chí Phèo. Nhưng chúng không giúp cả hai thoát được lời nguyền dành cho đàn ông. Họ đã chết vì nam tính của chính mình.
Rượu là một nhân vật quan trọng nhưng không bao giờ được phân tích. Tình dục cũng vậy. Rượu và Tình dục là hai ám ảnh của đàn ông, nó đã bám theo Chí Phèo suốt đời. Tôi tự hỏi sự hành xác cào mặt của Chí Phèo đến từ những cơn say hay là ức chế tình dục của anh ta, một kẻ chưa bao giờ đụng vào đàn bà đích thực sau ngần ấy năm tù? Rượu đã giải tỏa một phần tình dục cho Chí Phèo. Chí phèo mô tả Rượu như một dạng năng lượng: không có nó thì lấy máu đâu mà chảy khi rạch mặt. Ẩn dụ này rất phù hợp với tình hình thực tế của Chí bởi tình dục là một dạng động năng của con người. Chí đã thay đổi không phải vì bát cháo hành mà vì hành vi làm tình với Thị Nở. Bát Cháo hành sẽ có một ý nghĩa khác.
Bây giờ ta cùng xem xét cách mà thế giới Vũ Đại vận hành như thế nào dưới bàn tay thao túng của các nhân vật nữ.
- Tất cả các nhân vật nữ đều thoáng qua trong đời Chí nhưng để lại những hậu quả kinh khủng. Và tất cả họ đều tự do hành động, và thành công dễ dàng.
- Sự “thân thể hóa” tức ước lệ cơ thể phụ nữ theo cái nhìn nam quyền (lý thuyết của Pierre Bourdieu) không xảy ra ở Vũ Đại, ngược lại là đằng khác: phần cơ thể nam tính của Chí là vẻ đẹp giới tính duy nhất của truyện. Còn Nở xấu như thế nào thì ai cũng biết. Nở cần gì phải đẹp: cô ta đã thừa kế sẵn sự thống trị của nữ giới. Như thế, cảnh nóng thoáng qua của chuyện là dành cho khán giả nữ xem.
- Hành vi hiếp dâm bị thay đổi về tương quan: Thị Nở chỉ bị hiếp trong ý định của Chí. Thực tế, cô ta la to thì Chí còn la to hơn: tiếng la của Chí là một hành vi thuyết phục đối phương “ở đây vắng lắm, ta vui vẻ nhé em”. Thị Nở sau đó còn bật cười: cô ta đang phê chuẩn một đề nghị. Đây có lẽ là vụ hiếp dâm nhã nhặn nhất của lịch sử văn học.
- Tình dục của Thị Nở là sự ban phát. Nam Cao mô tả cách cô ta ngủ rất tự do và phơi bày cơ thể của mình ; chính ông đã nhấn mạnh vào sự phô trương của phụ nữ trong thế giới thoải mái của họ.
- Cuối cùng, nữ quyền lên đỉnh cao ở bát cháo hành. Sự kiện cháo hành đã “xốc” lại tinh thần truyện bị trao đảo trước đó khi Chí Phèo “dám” vùng lên và hiếp dâm kẻ thống trị. Người phụ nữ chăm sóc người tình theo cách cô ta muốn và CHí phải hiểu rằng đó là một ơn phúc vô lượng.
- Bà cô của Thị Nở được tả với hơi hướm của một lãnh chúa ở lãnh thổ riêng của con mụ. Con mụ không có chồng và đương nhiên ghen tuông với Nở. Nhưng vấn đề còn ở chỗ, mụ ta ghen và có đủ quyền hành để giải quyết cơn ghen: khuyên Nở bỏ Chí. Cách giải quyết cơn ghen của mụ đơn giản hơn rất nhiều so với sự loay hoay mù quáng của Bá Kiến. Đến lượt Thị Nở, cô ta vẫn xem lời này là một tham khảo và hành động bỏ Chí là quyết định tự do của cô, qua hình ảnh cái mông lắc.
Chí Phèo không biết phải trả thù ai. Đâm chết con Nở? Không dám. Nam Cao sẽ không cho gã làm điều đó. Nam Cao đã nguyền rủa gã bằng lời nguyền dành cho Adam. Chí phèo sinh ra ở một cái lò gạch - biểu tượng của bộ phận sinh dục nữ. Vâng, Vũ Đại là thế giới mà đàn ông không cai trị, ngược lại, đàn ông có thể bị mẹ vứt đi, bị bà chị quấy rối tình dục, bị con bồ đá. Thế giới ấy lại tiếp tục tuần hoàn. Tất cả các sách đều nói về chi tiết xoa bụng của Thị Nở và họ đặt ra câu hỏi: sẽ có thêm một Chí Phèo đời sau? Không, bản chất vấn đề phải là: sẽ có thêm một hành vi bỏ rơi con cái của phụ nữ tại ngôi làng địa ngục này! Nhưng tôi tin rằng nếu Nở đẻ con gái, cô ta sẽ không làm như thế.
Chí Phèo, nhìn qua lăng kính tương quan các lực lượng về giới, là một kiệt tác khó tin trong bối cảnh chung của Nam Cao. Nhưng nếu nhìn rộng ra thì “ám ảnh nam tính” đã hành hạ rất nhiều các nhân vật của Nam Cao, ví dụ như Lão hạc hay Văn Sĩ Hộ. Cái sỹ diện đàn ông không chỉ là sỹ diện, nó là nguồn cơn của bi kịch nếu rơi vào đúng hoàn cảnh. VÌ thế, Nam Cao từ lâu đã ra khỏi cái khung của không gian văn học trước 45.
Vấn đề của thời đại ngày nay không chỉ là nữ quyền hay đồng tính; mà sâu xa hơn là sự tái giới hạn tương quan giữa các giới tính. Chí phèo vẫn có giá trị đến ngày nay, và lâu về sau, chắc chắn!
ĐỨC ANH
Nhận xét
Đăng nhận xét