Người trong ảnh là Umberto Eco. Triết gia, nhà văn kiệt xuất, mất cách đây vài ngày. Đời người kể ra vậy là dài, ra đi như ông là thanh thản, và sướng: ông thậm chí còn đủ thời gian bình luận về những gì Roland Barthes chưa kịp làm trước khi chết. Sướng này còn cho cả người khác nữa, đặc biệt là người Việt Nam chúng tôi. Giờ đây ai hiểu biết gì về Eco cứ mặc sức tung ra, đáng hoan nghênh lắm. Và nữa, tràn trề hy vọng những quyển sách quan trọng nhất của Eco sẽ được dịch và in, như quyển Opera Aperta, chứ không phải chỉ đọc những tiểu thuyết ăn khách hay vài bài báo khoa học Nguyễn Văn Dân dịch trên VHNN nữa.
Ai yêu công nghệ từng biết đến đoạn văn bản "Lorem ipsum dolor....", một đoạn văn chạy theo một thuật toán có thể dài vô tận nếu muốn. Nó xuất hiện trên các website đang xây dựng dở, hoặc web mẫu. Nó hoàn toàn vô nghĩa (chính xác là mất nghĩa), có tác dụng làm nội dung giả vờ cho web. Nhưng ngoài côg nghệ ra, Văn bản giả, hay Lorem ipsum, xuất hiện trong hầu hết tất cả lĩnh vực khác trong cuộc sống bởi tình trạng mất nghĩa và lạm phát văn bản. Ngày nay ai đó mở Ti vi, kênh văn hoá, lập tức thấy một phóng sự trên rẻo cao, một giọng đọc chầm chậm trên nền nhạc dân tộc, ở đó người dẫn mô tả những hoạt động lạ, những món ăn lạ, những nghi lễ lạ... với đảm bảo "Người dân ở đây tin rằng, việc X đó đem lại một Y theo tín ngưỡng Z của họ". Dấu hiệu đó làm người xem TV biết ngay đó là một chương trình văn hoá dân tộc thiểu số, họ an tâm rằng đang được hấp thu kiến thức, đang được mở mang. Họ chắt lọc những cái lạ đó, mang ra kể cho bạn bè, mở màn: "Ở trên khu X, bọn dân tộc Y nó có....". Tất cả trình tự đó là một chu trình thu nhỏ của xã hội tiêu thụ thông tin: nguồn phát nói một "lorem ipsum" báo hiệu một chủ đề được cho sẵn, người nhận ghi nhớ và chuyển "lorem ipsum" đó cho người khác.
Đây là thời đại mà nỗi sợ hãi chủ yếu là giấy trắng bị bỏ trống. Bằng muôn vàn cách, phải có "lorem ipsum" điền vào cho chúng. Nguồn cấp là một ngân hàng từ vựng văn phong hợp với chủ đề mà giấy cần. Ở Việt Nam, có một yếu tố của XHCN đã được xây dựng xong là ngôn ngữ. Cái văn phong rề rà với hàng nghìn từ ngữ quen thuộc như "gắn với", "kết hợp", "phấn đấu", "thực hiện thắng lợi"... xuất hiện trên khắp báo đài, các văn bản hành chính, các báo cáo, tham luận không ai thèm nghe, giáo trình đại học vân vân là thành tựu của cả một thuật toán xây dựng một hệ thống Lorem Ipsum "chính thống", mà chỉ cần nghe hơi, người ta thấy sự trang trọng, quyền lực, an toàn, anti-đối thoại.
Ngược lại, thay chữ "nước ta" thành "nước mình" trong một báo cáo thì cả một văn bản thay đổi: trở thành giễu nhại, hoặc ít nhất gây ngơ ngác cho cử toạ: dù nội dung vẫn thế. Vì "nước mình" là ký hiệu thuộc một hệ thống khác, nó xen giữa và "giải lãnh thổ hoá" các từ còn lại (chữ của Deleuze).
Lorem ipsum, sự giả của văn bản, hay tính ký hiệu của văn bản là chủ đề xuyên suốt của Eco, bắt đầu từ Opera Aperta. Trong quyển này, Eco nói về việc viết các tác phẩm đa nghĩa để tạo không gian cho người đọc tham gia vào văn bản. Sự tham gia này mở ra hy vọng sẽ thay đổi một thời đại mà người đọc là kẻ tiêu thụ: tức là trước khi đọc một quyển sách, người ta đã sớm có ảo tưởng rằng quyển sách giống như cốc nước để mình hút cạn, hấp thụ vào người.
Tình trạng "lorem ipsum dolor" của xã hội hiện đại là đề tài chính của Deleuze, của Lyotard và huyền thoại học của Barthes. Trong khi Lyotard rất khó đọc, dễ bị đánh đồng với xuất xứ của trào lưu cắt dán postmodern, Barthes nghe có vẻ hàn lâm, còn Deleuze, xuất hiện trong quyển sách xanh vuông vức, in chữ Kafka to đùng - làm người ta tưởng ông này bình giải Kafka - thì Umberto Eco với những cuốn sách viết về ký hiệu học cho người đọc phổ thông, là điểm xuất phát mà người ta chờ đợi. Một người hiếm hoi, lạ kỳ, mà tác phẩm học thuật thì dễ đọc, còn tiểu thuyết thì lại khó nhai.
Nhận xét
Đăng nhận xét