Chuyển đến nội dung chính

Làn sóng Tào Đình và quá trình chu chuyển “hàng hóa” văn bản

Ngôn tình là gì và Ngôn tình có thể là những gì? Ngôn tình có đồng nghĩa với tiểu thuyết diễm tình? Nhưng trước tiên:

Điều gì đã khiến dịch giả Trang Hạ chọn Tào Đình, ngay khi bản thân cô cũng biết rằng Tào Đình vào thời điểm ra sách “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” chưa được xếp hạng trên thị trường Trung Quốc? Trong bài phỏng vấn của mình[1], Trang Hạ giải thích như sau: “Tôi muốn tạo ra thị trường và độc giả riêng. Tôi phải đọc những bài phê bình văn học trước, từ những tạp chí như Văn tín, Văn học Trung Quốc, Thanh niên văn học …, vào những bảng xếp hạng sách. Thêm nữa, bên cạnh từ khóa chính là “cảm động”, thì đi kèm còn phải là “tiểu thuyết”, có cống hiến, được độc giả bình chọn… Chúng đưa tôi đi khá là đúng đường.”


Vậy thì thị trường và độc giả riêng của Trang Hạ là gì? Trong bài phỏng vấn này, Trang Hạ giải thích quá trình mua bán tác quyền từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt cô phân biệt Tào Đình ở Trung Quốc và Tào Đình ở Việt Nam. Sự khác biệt là rất rõ ràng: ở Trung Quốc, Tào Đình là nhà văn mạng, và dòng tiểu thuyết ngôn tình của cô tuy không bị cấm, nhưng có những hạn chế nhất định. “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” buộc phải đổi tên thành “Em nấu tình yêu thành món canh” thì mới có thể xuất bản. Ngược lại, ở Việt Nam, cái tên đó khơi khơi xuất hiện trên thị trường, gây shock, gây ấn tượng. Sự chia rẽ của hai cái tên đã mang đến hai bối cảnh khác nhau của cùng một Tào Đình trên văn đàn hai nước: ở Trung Quốc, Tào Đình là một nhà văn trẻ của văn học mạng; còn ở Việt Nam, Tào Đình là chủ soái của dòng văn học ngôn tình.[2] Đây là hiện tượng phát sinh không có gì lạ trong quá trình dịch văn hóa (transculture).
Không thể bỏ qua sự lợi hại trong tầm nhìn của Trang Hạ về một thứ thị hiếu đang thay đổi nhờ sự xuất hiện của mạng Internet, dù chính dịch giả cũng bất ngờ về thành công của mình [3]. Khi cô nhập khẩu Tào Đình, một dòng văn học mới được tạo ra trong lãnh thổ Việt Nam, nó gần gũi với dòng “tiểu thuyết ba xu” hay “diễm tình” giống như thế hệ của Quỳnh Dao (Lưu ý: Chúng tôi chỉ so sánh Quỳnh Dao và Tào Đình trên phương diện thị trường). Tuy nhiên, nó không hẳn là một tiếp nối mà là một dòng văn học có đặc trưng riêng? Đặc trưng này là gì?
Có rất nhiều lý giải được đưa ra cho khái niệm ngôn tình. Cách lý giải phổ biến theo hướng triết tự: Ngôn (言) là lời nói, Tình (情) là tình yêu. Ngôn tình là những câu chuyện nói về tình yêu.
Đi sâu hơn vào hệ khái niệm, theo PGS TS Trần Lê Hoa Tranh thì “Gọi là tiểu thuyết ngôn tình vì đây là dòng tiểu thuyết bàn về chuyện tình yêu. Dù được chia làm nhiều thể loại như xuyên không (nhân vật vượt thời gian, không gian hiện tại để đến một thời gian, không gian khác), cổ đại (mang không khí cổ xưa), huyền huyễn (có yếu tố kì ảo), hắc đạo (xã hội đen), đam mĩ (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ), quân nhân (tình yêu của các cô gái và những người xuất thân trong quân đội), viễn tưởng…, nhưng nói chung, dòng tiểu thuyết này mô tả những chuyện tình yêu nam nữ đẹp đẽ, phản ánh đa diện xã hội hiện đại.”[4]
Với cách định nghĩa như vậy ngôn tình và diễm tình là một: cùng để phân vùng những dòng văn chương nói về chủ đề tình yêu, phục vụ cái nhu cầu được đọc, bàn tán và mơ mộng về những câu chuyện tình yêu lý tưởng. Và nói chung đó là một khái niệm rộng: chính PGS TS Trần Lê Hoa Tranh đã kết nối dòng văn học này với lịch sử của người viết và người đọc của nó: “Tiểu thuyết ngôn tình không phải mới xuất hiện ở Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng, trái lại nó là một “mạch ngầm ngàn năm” trong dòng chảy văn học của quốc gia này. Chỉ dấu đầu tiên của thể loại này là Tư Mã Tương Như liệt truyện trong Sử kí Tư Mã Thiên. Truyện đề cập đến mối tình phong hoa tuyết nguyệt giữa Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như. Đến đời Đường, Trung Quốc nở rộ những truyện truyền kì tình yêu như Oanh Oanh truyện (Nguyên Chẩn), Li hồn kí (Trần Huyền Hựu), Lí Oa truyện (Bạch Hành Giản), Hoắc Tiểu Ngọc truyện (Tưởng Phòng)…”  Đối với người đọc thì: “Người đọc Việt Nam vốn hâm mộ tiểu thuyết tình yêu Trung Quốc, từ người đọc bình dân đến người đọc bác học. Nếu người đọc bình dân đọc Mạnh Lệ Quân thì người đọc bác học đọc Hồng lâu mộng. Trước năm 1975, biết bao người đọc Việt Nam thích đọc Quỳnh Dao đến độ thành một trào lưu. Việc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hấp dẫn độc giả Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc sâu xa như vậy.”[5]
Như vậy, theo Trần Lê Hoa Tranh, tiểu thuyết ngôn tình chiếm lĩnh thị trường nhờ vào gốc rễ sâu xa của một nhu cầu đọc thuộc về bản chất con người. Ngoài ra, nó còn gặp những điều kiện rất thuận lợi như: sự mở rộng thị trường sách dịch ở Việt Nam, và sự trống vắng những giá trị trong nước đủ để phục vụ nhu cầu của công chúng.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn bổ sung thêm những nét nghĩa khác hơn giúp phân biệt khái niệm ngôn tình và diễm tình. Cả ngôn tình và các tiểu thuyết diễm tình tiền thân của nó đều đến với người đọc trong sự đọc bình dân. Nhưng nếu như người đọc diễm tình chỉ đơn giản là tiêu thụ văn bản, tìm kiếm sự giải trí và “miền mơ tưởng” riêng mình. Thì người đọc ngôn tình tham gia vào khai thác và sử dụng văn bản cho những sinh hoạt thông tin của mình. Hay nói khác đi người đọc ngôn tình có thể quan niệm là những kẻ săn lùng văn bản và ngôn ngữ. [6]
Trong phần trước, chúng tôi đã đưa ra những ví dụ về việc sáng tạo văn bản hay trao đổi thông tin trong không gian đọc ngôn tình. Phần này chúng tôi nói về việc lưu chuyển các văn bản trong đời sống thông tin, trong đó sách ngôn tình là một “nguồn cấp dồi dào”.  
Việc săn lùng và sưu tập những câu trích dẫn hay trong tiểu thuyết ngôn tình là một trong những điển hình của sự khai thác văn bản. Ở Việt nam, cộng đồng mạng đã xây dựng thành công những fanpage như “Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình”[7] đạt số lượng người thích là 76591, hay “Thư viện ngôn tình[8]” đạt số lượng thích là 105771. Những trang này đóng vai trò như một trung tâm khai thác ngôn ngữ của truyện ngôn tình và trích xuất những câu nói hay, tách khỏi bối cảnh văn bản và đưa nó vào đời sống qua mạng lưới độc giả.
Hoặc một điển hình khác là sự xuất hiện của một số lượng lớn những bài tổng hợp những câu trích dẫn hay trong tiểu thuyết ngôn tình. Chẳng hạn như Tào Đình xuất hiện trong bài viết “Những trích dẫn hay trong tiểu thuyết ngôn tình”[9] trên Blog truyện tổng hợp, với câu “Cả em và tử thần đều muốn có anh, có điều em có lợi thế hơn ông ta vì em yêu anh, yêu anh sâu sắc” trong Yêu anh hơn cả tử thần.
Trào lưu Photoquotes lại là một hình thức “tái tạo” văn bản khác. Trong photoquotes (hình ảnh trích dẫn), người sáng tạo sẽ chọn lọc nguyên liệu văn bản ngôn tình rồi tách các câu văn ra khỏi ngữ cảnh. Sau đó chuyển hóa nó vào một dạng sản phẩm mới: một sản phẩm đồ họa, hoặc nhiếp ảnh làm nổi bật nên ý nghĩa của câu trích dẫn đó.


image

Photoquotes câu ““Bầu trời thì vẫn xanh như thế. Người vẫn cô đơn đến đáng thương.”
(Thiên thần sa ngã - Tào Đình). Nguồn: Tumblr ¼/2015[10]



image

Photoquotes câu: “Rất lâu rất lâu sau đó tất cả lại trở về rất lâu rất lâu trước đó ai cũng không phải là ai của ai” (Phấn hoa lầu xanh - Tào Đình). Nguồn: Tumblr 19/1/2016[11]
Như vậy ở một góc độ khác, Tào Đình không phải là người sản xuất ra sản phẩm cuối trong quan niệm trước kia về văn học thị trường theo khái niệm mass literature [12] mà trở thành người cung cấp nguyên liệu đầu vào, đi qua những hệ thống “logistic” (vận chuyển trung gian, chẳng hạn các fanpage, hoặc những người dùng mạng xã hội) và rồi khi được đưa ra môi trường ngoài đời, các nguyên liệu này mới bắt đầu trở thành sản phẩm cuối. Sản phẩm này không gì khác chính là văn bản.
Mô hình của quy trình này là: Nhà văn (cung cấp nguyên liệu) - Thị trường trung gian (người khai thác và tái chế) - Tái tạo và sử dụng (người đọc) - Thị trường - Người đọc. Trong mô hình này, người đọc có thể tham gia bất cứ khâu nào, cả sản xuất lẫn sử dụng.
Và ở khâu cuối người đọc sử dụng sản phẩm để làm gì? Câu trả lời: những văn bản này được tái tạo để sinh ra những sản phẩm nghe nhìn mới (photoquotes), hay các bài viết mới (trích dẫn) hoặc dùng làm văn bản thay thế (alternative text) các trường hợp bày tỏ cảm xúc cá nhân trên các mạng xã hội.
[Có thể kể đến các trường hợp sử dụng các trích dẫn ngôn tình làm chú thích cho ảnh selfie trên mạng xã hội. Đây là tư liệu cá nhân, chúng tôi không khai thác và đưa vào nghiên cứu này, chỉ ghi nhận nó như một trường hợp quan sát được. Cụ thể như sau: những người dùng mạng xã hội thay vì tự viết, họ sẽ sử dụng trích dẫn ngôn tình cho mục đích nói của mình. Trong trường hợp này, văn bản thực chất là một siêu ngôn ngữ (metalanguage) nội dung ngôn tình đã bị rút ý nghĩa gốc, và thay vào đó một thông điệp mới, có liên quan đến người dùng, hoặc thậm chí chỉ để bổ sung nghĩa cho bức ảnh. Có thể coi đó là một trường hợp của “Huyền thoại hóa” trong Ký hiệu học của Roland Barthes. Tham khảo: Barthes, Roland, bản dịch tiếng Anh bởi Richard Howard. “The Eiffel Tower and Other Mythologies” New York, Hill and Wang, 1979.]
Khi những văn bản này được khai thác ở diện rộng hơn, nó có thể trở thành một trào lưuu mạng: cái tên tiểu thuyết “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” một thời gây chấn động ở Việt Nam đã trở thành một trào lưu trong chu trình như thế. “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, tách khỏi văn cảnh tác phẩm, là một câu nói mang tính thách thức, dè bỉu (nếu quan niệm “em” ở ngôi thứ hai) hoặc thừa nhận trong sự phũ phàng (nếu quan niệm “em” ở ngôi thứ nhất). Nhưng trong tâm trạng hậu hiện đại, với thủ pháp “cắt dán”, nó trở thành một mệnh đề gây cười. Cộng đồng mạng Việt Nam đã cắt dán nó như sau: thay “em” bằng chủ ngữ, thay “con đĩ” bằng một danh từ khác mang tính định tính đối tượng.
Bắt đầu từ bộ phim “Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò” ra mắt đầu năm 2013 của Đạo diễn Phạm Lộc[13]. Tiêu đề phim được gợi ý từ “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, tuy hoàn toàn không liên quan đến nội dung tiểu thuyết. Không bàn đến nội dung, tiêu đề này đã nhắc lại một cái tựa gây shock trước kia của Tào Đình và kích hoạt một guồng tái chế ngôn ngữ, với cấu trúc “xin lỗi..chỉ là..” trở thành trào lưu mạng. Cộng đồng mạng cắt dán bắt cứ từ ngữ nào họ thích để điền vào chỗ trống này: qua đó, họ tạo ra văn bản mới với mục đích khác nhau để tạo không khí giễu nhại, ví dụ như: xin lỗi anh chỉ là sát thủ[14] (tiêu đề dịch của phim Luck-Key của Hàn Quốc), Xin lỗi anh chỉ là thằng cò đất[15] (bài viết quảng cáo trên trang Bất động sản Bestland.vn), hoặc ca sỹ Hoàng Lê Vy xuất bản MV ca khúc Xin lỗi em chỉ là….[16]
Dĩ nhiên, công cuộc đọc bình dân và khai thác văn bản có thể diễn ra với cứ một dạng văn bản và dòng văn học nào, kể cả văn học trinh thám. Lý do đơn giản là bởi ngôn ngữ văn bản, khi có đủ giá trị thẩm mĩ, sẽ trở thành một thứ hàng hóa hoặc nguyên liệu tốt trên thị trường. Tuy nhiên, ở văn học Ngôn tình, bởi đặc trưng và phong cách của nó, các tác giả hoặc dịch ra có xu hướng tạo ra “thị trường của riêng mình” một cách có ý thức. Hay nói dễ hiểu hơn, ngôn tình là một dạng văn học diễm tình có thêm tính năng cung cấp các mã văn bản để sử dụng trong sinh hoạt thông tin và ngôn ngữ đời thường.
Kết luận
Văn học không chỉ thực hiện chức năng thẩm mỹ mà còn là chức năng xã hội của nó nữa. Trường hợp Tào Đình ở Việt Nam cho thấy rõ khi được đưa vào một không gian văn hóa mới (ngoài Trung Quốc), Tào Đình trở thành một hiện tượng xã hội khác biệt mà ở đó người đọc Việt Nam đón nhận nhà văn này như một sự tiếp nối của dòng văn học diễm tình  nhưng cũng với tư cách của một người mở ra một không khí sinh hoạt văn hóa mới: không gian đọc, chia sẻ và khai thác văn bản truyện ngôn tình. Mặc dù dòng văn học Ngôn tình mà Tào Đình luôn được cho là chủ soái đã thể hiện những mặt tích cực lẫn tiêu cực đối với văn hóa đọc của giứoi trẻ Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận rằng cô đã mang đến một giá trị mới, chiếm được cảm tình của một số lượng rất lớn độc giả và giúp Việt Nam đánh giá lại thị trường và thị hiếu văn học của mình.

Đ.A 
S.P
Chú thích / trích dẫn
[1] Hồ Hương Giang, “Phỏng vấn Trang Hạ: Vì sao Xin lỗi em chỉ là con đĩ bị đổi tên” http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/vi-sao-xin-loi-em-chi-la-con-di-bi-doi-ten-96438.html
[2] Dịch giả văn học Trung Quốc Nguyễn Lệ Chi cũng xác nhận điều này: “Sách ngôn tình cũng tràn ngập ở thị trường xuất bản Trung Quốc với rất nhiều tác giả mới, thậm chí vô danh. Tuy nhiên nó cũng không có vị trí lớn trong đời sống văn học nước này, vì bản thân thị trường sách Trung Quốc là mênh mông, đa dạng rất nhiều chủng loại kể cả sách nội địa lẫn sách dịch nước ngoài.”. Xem Nguyễn nguyên Thảo,  “Trao đổi với dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Mê truyện ngôn tình dễ đổ vỡ thực tế”, báo Sài Gòn Tiếp Thị  ngày 22-8-2012
[3] Trong bài phỏng vấn trên Trang Hạ nhận định “Bản thân internet là một kênh thông tin mì ăn liền, nó sản sinh ra một thế hệ tiêu thụ văn hóa mì ăn liền. Đây là câu chuyện thời thế, bởi xã hội có nhu cầu phát triển thông tin! Nhưng mỗi người có biến mình thành một cỗ máy tiêu thụ văn hóa mì ăn liền hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ.”. Tuy nhiên, trong một bài khác trên Thể Thao Văn Hóa, Trang Hạ cho biết: “Khi đó, tôi chủ trương những tác phẩm này chỉ là một phần trong kế hoạch truyền thông mà tôi muốn làm, nói lên thông điệp nhân văn mà tôi muốn đưa đến cho độc giả. Tôi khẳng định mình hoàn toàn không có ý định đưa cả dòng văn học ngôn tình vào Việt Nam”
[4] Trần Lê Hoa Tranh, TIỂU THUYẾT NGÔN TÌNH TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG, Tài liệu đã dẫn.
[5] Trần Lê Hoa Tranh, Bài đã dẫn
[6] Henry Jenkins, 1988, “Star Trek Return, Reread, Rewritten: Fan Writing as Textual Poaching”, Critical Studies in Mass Communication, Vol.5, No.2.
Dẫn theo Hoàng Phong Tuấn, sđd: 343, “Từ kinh nghiệm đời sống xã hội của riêng mình, người đọc đến với văn bản để tuyển lựa những chất liệu, sử dụng và tái tạo nó cho mối quan tâm của mình trong đời sống hiện thực”
[7] Địa chỉ: https://www.facebook.com/NhungTrichDanNgonTinh/ . Truy cập lần cuối 19/12/2016
[8] Địa chỉ: https://www.facebook.com/ThuVienNgonTinh/  Truy cập lần cuối 19/12/2016
Một số bài sưu tầm tương tự khác có trích dẫn Tào Đình
Những câu nói hay trong văn học . Địa chỉ: http://www.vietduc.org/threads/17536/ Truy cập lần cuối: 12/12/2016
Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình và phim. Địa chỉ: http://tanggiap.vn/threads/nhung-cau-noi-hay-trong-tieu-thuyet-va-phim.637/ Truy cập lần cuối: 12/12/2016
[10] Địa chỉ: http://concanho.tumblr.com/post/115189832953/ . Truy cập lần cuối 19/12/2016
[11] Địa chỉ http://atenatany.tumblr.com/post/137627138187/ Truy cập lần cuối 16/12/2016
[12] Tham khảo Nguyễn Đăng Điệp, “Kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng và văn học đại chúng”, Tạp chí Nghiên cứu văn học 11-2016: 7. Trong bài viết có tính khái luận này, Nguyễn Đăng Điệp cho rằng sự vận động cuar văn học đại chúng theo mô hình nhà văn (người sản xuất) - tác phẩm và truyền bá (thị trường) - người đọc (tiêu dùng)
[13] Báo VTCNews nhận định: “Cái có khả năng gây sốt nhất của ‘Xin lỗi, anh chỉ là thằng bán bánh giò’, có lẽ chỉ là cái tựa đề của phim/truyện, cái tựa đề hay hay khiến người ta dễ nhại theo, biến nó thành một câu cửa miệng của nhiều người. Nhưng chính cái tựa này cũng chỉ là sự ăn theo cách đặt 'Xin lỗi em chỉ là con đĩ’, truyện dịch của Trang Hạ.”. Xem An My, Loạn tác giả ‘Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò’, 22/3/2013 http://www.vtc.vn/loan-tac-gia-xin-loi-anh-chi-la-thang-ban-banh-gio-d110504.html Truy cập lần cuối 19/12/2016
[14] Tham khảo trang phim: http://hdonline.vn/phim-luckkey-2016-13112.html . Truy cập lần cuối 20/12/2016
[15] Tham khảo https://bestland.vn/nghe-chuyen-vien-tu-van-bat-dong-san/ . Truy cập lần cuối 19/12/2016
[16] Xem MV Hoàng Lê Vy, Xin lỗi em chỉ là, địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=sk0eIKFLRJs . Truy cập lần cuối 18/12/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...