Chuyển đến nội dung chính

[xa hiên nhỏ] chương 7 - cuộc họp đầu tiên



Cả Thức và Mai Hạnh đều không vượt qua được kỳ thi, suy cho cùng cũng là hệ quả tất yếu của cái gọi là sự tráo trở của phương pháp. Với Thức, màn suy luận thiên tài dựa trên những từ khóa học được và niềm tin vững chắc vào phương pháp chấm bài đánh giá cao những liên hệ thực tế đã không thể bù đắp cho anh đúng nửa điểm còn thiếu của cái môn anh đã hai lần thi trượt. “Cái trò chơi khăm dựa trên từ vựng này...” – Thức nói thế - "...đòi hỏi một kiểu trí năng ngoan ngoãn". Cái kiểu trí năng ngoan ngoãn đó thì muôn đời Thức không bao giờ có được. Nhưng chỉ mất ba ngày, cậu đã lấy lại được nét tươi tắn trên khuôn mặt. Thức nói rằng tình trạng của cậu suy cho cùng cũng là một lối ra cho cái mê cung tăm tối mà một bọn nghiệp dư nào đó tự bày ra và đày đọa nhau suốt hơn mười lăm năm qua, chỉ để tôn vinh một lũ bay bướm phù dung trong môn văn và một bọn khôn ngoan vặt vãnh trong môn toán và vật lý.
Nhưng cuối cùng thì Thức hiểu ra rằng mình đã áp dụng phương pháp nhầm nơi bởi một sự kiện xảy ra ngay sau đó: bài nghiên cứu của Khanh đã thành công với phương pháp y hệt. Mà chính Thức là người đã tư vấn. Trước hết, cậu giúp Khanh giải quyết tốt phần lý thuyết – phần mà đã khiến “nhà khoa học” trăn trở như một vụ làm ăn bán xới. “Thôi nào, đừng câu nệ, trông cậu như một cái quạt hỏng ấy. Bài tập cuối năm không đáng giá đến thế đâu”, Thức nói với Khanh trong lúc đang phe phẩy đuổi ruồi. Cần có sự kết hợp: một là các ông được nhắc đến trong sách, đây là những vị thánh, thường là bọn Nga. Sau đó là các ông liên quan đến từ khóa. Đừng lôi thuật ngữ vào tiêu đề, nó sẽ hành hạ chúng ta, chỉ cần thế này thôi: “Tính sáng tạo trong ngôn ngữ quảng cáo”. Ngôn ngữ học à, có ông Gilles Deleuze. Ông ta nói gì? Nói rất nhiều thứ, không cần quá quan tâm, nhưng chắc chắn là có thứ ta định nói, việc của ta là tóm tắt quyển liên quan nhất, dịch ra từ Goodread ấy, quyển A Thousand Plateaus. Sau đó khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là trường phái hàng đầu, rất rất cần thiết cho quá trình của chúng tôi, đảm bảo cho chúng tôi tính cập nhật về mặt lý thuyết. Tiếp theo, về sự đọc ta có ông Theo Aldorno. Được rồi, có thể ông ta là nhà triết học, cần quái gì: miễn là ông ta nói về sự tiếp nhận. Chả có lẽ người xem quảng cáo không là người tiếp nhận à? Làm tương tự như ông Deleuze. Phần nội dung, đưa vào đó một bảng khảo sát, thật nhiều con số phần trăm vào. Đây là điểm cộng về mặt thực tế: nêu luôn doanh số của các doanh nghiệp sau cái quảng cáo chết tiệt đó. Sẽ có ông thầy với chiếc kính to sụ, nói rằng có nhiều điểm chưa đạt trong công trình khoa học của em. Chúng ta rất mong chờ ông ấy, phải không nào? Thật đáng trân trọng. Vâng, em sẽ sửa đổi thêm, ngay sau mùa quýt năm nay, mùa chim làm tổ năm sau. Thôi nào, chúng ta chỉ cần 8 điểm thôi.
Chưa đến mươi ngày, công trình của Khanh Stein hoàn thành với bảy điểm rưỡi. Cậu chấp nhận phương pháp của Thức với một cái tặc lưỡi. Điều quan trọng là Cú Vọ đang cần nhân lực, hãy tiết kiệm thời gian.
“Xem này...” – Thức cầm công trình khoa học in bằng giấy xịn hươ hươ trước mặt Khanh – “Một tuyệt phẩm, một bài thơ hậu hiện đại”.
Sau đó, cậu nhìn Khanh nghiêm nghị: “Đừng tự chê bai mình, chúng ta khá hơn bọn xào lại luận văn từ trang tailieu.vn. Bây giờ nói  cho tớ nghe đi, cái bí quyết làm sao cậu có thể lên Bệnh viện Stonehearst một cách bình thản không hề ngại ngần lo lắng như vậy?”.
“Chả bí quyết gì hết. Tớ chỉ có hai nguyên tắc. Một là làm mọi cách để mình không phải lên đó.” – Nghĩ một lúc, Khanh đáp – “Hai là làm mọi cách để mình không phải lên đó lần nữa”.
*******
Đó là về Thức. Còn về Mai Hạnh, việc Mai Hạnh thi trượt khiến mẹ của cậu rất buồn. Dù đã có rất nhiều cơ hội nhưng bà không bao giờ thay đổi quan điểm: thất bại trong giáo dục là thất bại toàn diện. Nó liên hệ đến đạo đức, sự sát sao của gia đình, tương lai, thể diện và nhiều thứ lủng củng khác. Nhưng rồi ngay sau đó bà tự cho rằng mình đã vượt qua những cảm xúc nhất thời đó, bà nhìn cậu con trai với ánh mắt thương cảm, không nhắc lại chuyện cũ. Mai Hạnh thừa biết rằng vẫn có dây trói đang mọc lên trong đôi mắt của bà. Còn bố của Mai Hạnh thì hoàn toàn thản nhiên, ông chẳng cao thượng gì nhưng luôn giữ một kiểu khinh khỉnh lạ lùng với mọi chuyện xung quanh. Có lần ông nói đại loại rằng những cái tát đau của bạn bè và người thân khiến ông tin tưởng vào sự ngẫu nhiên và vị kỷ trong cuộc sống nhiều hơn. Ông là một thực tập sinh cực đoan của lý thuyết về sự buông bỏ (cần phải nói thêm: điều này được tài trợ bằng khả năng kiếm tiền thiên bẩm của bà vợ). Mai Hạnh rất sợ trở thành một người như vậy.
Và Mai Hạnh không muốn hít thở bầu không khí trong nhà của mình: nó không quá căng thẳng, nhưng nó ngớ ngẩn và màu mè tựa như một bộ phim truyền hình nhạt nhẽo. Thứ không khí đó chiếm lấy cả căn phòng riêng của cậu, khua khoắng vào cả những liên tưởng thơ mộng riêng tư của cậu.
Vào những ngày đó, chỗ dựa tinh thần của Hạnh không ai khác là Trần Vũ La Lan. Cô bạn tóc đã dài hơn, gạt sang một bên theo kiểu một mất một còn và hơi ngạc nhiên, đã chịu mặc đồ bó và sở hữu một chiếc bông tai riêng. Nhưng với kiểu nai nịt gọn gàng, ống tay áo phông xắn cuộn, trông cô vẫn như một tình nguyện viên trắng trẻo chuẩn bị đi Hà Giang. Máu phiêu lưu nổi lên, hai người bạn hết chui rúc trong những quán café ẩn thân nơi hẻm sâu phố cổ, rồi đạp xe đến miền đất không người ở hồ Tây. Sau đó, Mai Hạnh nói muốn về qua trường cũ. Đứng dưới tán bằng lăng, cậu chìm trong ảo vọng muốn tìm thấy lại mình trong một bài hát dịu dàng xa xưa. Nhưng thật là khó: mới chín giờ mà trời nóng như đốt lửa trại. Và không hiểu sao người ta lại quyết định quét sơn lại ngôi trường màu hồng chói, nhìn giả tạo như một ả điếm hết thời. Đôi mắt Hạnh mơ màng. Đôi mắt của La Lan, chắc cũng mơ màng, nhưng cô nàng cận 4,5 đi-ốp nên ta chưa thấy đó thôi. Họ kể lại chuyện đi học, về một thằng bạn bậc thầy của thói ba hoa, không bao giờ cài đủ bốn hàng cúc áo, không hiểu sao lại chơi thân với Hạnh. Đó là cơ duyên từ một lần Hạnh hỏng xe, thằng nhóc cao lêu nghêu đó đã nhảy xuống và đi bộ cùng Hạnh về nhà. Gần nửa đường Thụy Khuê. Với tài khoác lác thiên bẩm, nó đã rủ Hạnh vào thế giới của các diễn đàn trên internet – nơi mà nó khẳng định nó có rất nhiều huynh đệ thiết thân chưa một lần tao ngộ. Bây giờ, nó làm viêc trong đội Cảnh sát cơ động đã được hai năm. Cái mặt nó vẫn vậy, hăng hái như thợ mới, nhưng điều gì đó đã kềm lại lời ăn tiếng nói của nó từ trong cổ họng.
“Thời gian lấy đi bạn bè, bắt cóc những cậu trò nhỏ.” - Mai Hạnh dẫn một câu yêu thích và thở dài. La Lan hỏi: “Nếu có ước mơ cậu có muốn quay về thời đó không?”. Mai Hạnh gật đầu. Còn cô bạn tomboythì lắc đầu nguầy nguậy: “Tớ thì chịu. Có câu chuyện kể rằng một gã nọ đã mua thành công vé đi tuổi thơ. Về đến nơi thì chỉ hai ngày sau hắn gào toáng lên đòi quay lại vì hắn ghét phải làm quá nhiều bài tập môn Hóa học, còn mẹ hắn thì nói nhiều hơn cả ti vi”.
Mai Hạnh cười đùa rằng hình như hôm nay kiểu ăn nói của Hải Đường đã nhập vào La Lan. La Lan không nói gì thêm, cô nhìn lên những khóm hoa tím biếc rộn ràng trên cao đang nghênh tiếp một mùa hạ mới, mùa hạ đầu tiên không còn khái niệm nghỉ hè.
Đó là toàn bộ những gì diễn ra trong giai đoạn vắng mặt của Mai Hạnh. Khi đã bình tâm để trở về văn phòng, cậu được chào đón bởi những con số bốn: đầu tiên là một gã đậm người ở gần lán gửi xe, trong chiếc áo phông đen số bốn ở ngực, với ria mép xanh rì như thể bị hoãn dậy thì vô thời hạn, hỏi rằng ở đây có phải là văn phòng Cú Vọ và cậu làm việc trong đó không. Khi Hạnh xác nhận, gã gật gù rồi lập tức quay lưng bỏ đi, kèm một động tác giống như từ chối một điếu thuốc. Sau đó, là hai số bốn trên văn phòng: bốn người cộng sự và bốn cuốn tạp chí Quyên.
“Đừng bảo đây là những cuốn cậu đã bán đi cùng bộ Thế Giới Mới nhé.” – Hùng Panô, xếp bốn quyển tạp chí thành cái quạt nan, chìa ra trước đôi mắt mở to của Mai Hạnh.
“Không phải, mấy quyển tạp chí Quyên mà tớ sưu tầm được tớ không có bìa màu này. Cậu kiếm đâu ra vậy?”.
“Một thiên thần, không sa ngã, gửi tặng.” – Thức trên ghế salon khều khều chân Hạnh, rồi gẩy món quà xinh đẹp của Tưởng Như ra mép bàn và hất hàm về phía Mai Hạnh.
Như gặp một Déjà vu, Hạnh thoáng ngỡ ngàng trong vài giây. Sau đó gương mặt cậu dãn ra như người ta vừa ngửi hoa hồng.  
“Cô bé của Mai Hạnh trông như ca sỹ Shakira phiên bản Á Đông.” – Hải Đường nói, hôm nay cô bồng bềnh trong chiếc váy suông màu hồng nhạt, tôn vinh phần đùi non -  “Mà tớ nói đâu có sai, thuộc kiểu con gái thích nói về mình”.
“Tớ nhớ nó chỉ đặt câu hỏi thôi mà…” – Khanh nói, với chiếc quần bò màu bạc, nhìn cậu có vẻ tươm hơn.
“Đừng nhầm lẫn nhé, về hình thức thì là câu hỏi thôi.” – Hải Đường mân mê chiếc vòng thạch anh trên cổ tay – “Có để ý lúc cô nàng ngắm giá sách của cậu không. Cô nàng muốn mình đẹp hơn những gì cô nàng đang chiêm ngưỡng. Ngày hôm đó những cuốn sách và bức tranh đã ngắm cô nàng, chứ không phải ngược lại”.
Giống như mọi lời phụ nữ nhận xét về nhau, câu nói của Hải Đường tan vào giữa im lặng của đám đàn ông.  Mai Hạnh cất món quà, rồi lật lật trang tạp chí. Thật ra chữ ký mềm mại và hình trái tim Tưởng Như vẽ ở đầu trang đã bôi nhòe tất cả chữ nghĩa tranh ảnh còn lại trong tâm trí cậu. Cậu đã nói gì đó trong mơ hồ, đại loại như cùng sở thích phim ảnh, âm nhạc cũ với Tưởng Như, rồi không hiểu tại sao nàng lại mua được những thứ này.
“Điều quan trọng là bạn gái cậu vừa thắp lên hy vọng không ngờ cho madame Thu Hà.” – Hùng Panô nhìn vào mắt Hạnh – “Tối hôm đó con bé nói chuyện skype với Khanh. Nó kể rằng nó mua ở chính chỗ lão Sâm Đường Láng”.
“Đấy là cửa hàng duy nhất mà tớ giới thiệu và đưa Tưởng Như đến”.
“Vậy thời gian vừa rồi cậu không qua tìm ở chỗ lão ấy à?” – Hùng Panô nhíu mày.
“Tớ không nghĩ là chỗ ông ấy lại có, vì tớ đã mua sạch hầu như những thứ hay ho in thời 90 ở đấy rồi.” – Mai Hạnh ấp úng.
“Không sao đâu. Tin mừng cả thôi.” – Thức, bây giờ nằm xộc xệch trên ghế salon, ngoạm một điếu Mond đã hết mùi thơm - “Thế này nhé. Bốn quyển tạp chí đầu tiên cậu mua được năm ngoái là từ lão Sâm. Sau đó cậu ký gửi cho một người khác, thông qua lão. Chỉ vài tháng sau không hiểu bằng ma thuật nào lão lại có bốn số tạp chí khác để em Tưởng Như bận lòng mua phải. Điều này cho thấy….”.
Thức bật dậy: “…lão có nguồn cung!”.
Cả ba con mắt nhìn Thức, trừ Mai Hạnh. Cậu khẽ lắc đầu: “Lão Sâm chưa bao giờ coi trọng tạp chí. Nếu có thì phải là tạp chí trước 75, hoặc cái gì đó độc bản. Tạp chí sau 75 lão vứt như mớ giẻ”.
“Đúng. Người ta chỉ thích tiền sau 75 thôi.” – Thức xoay chiếc gạt tàn, thầm rủa bao thuốc lá rởm – “Và lão đã nhìn thấy ba triệu đồngngọt ngào từ vụ mua bán năm ngoái của cậu, đương nhiên lão phải để mắt hơn đến cái tạp chí Quyên này rồi”.
“Thôi được.” – Hạnh nói, bằng giọng của người thua ván cờ - “Mai tớ sẽ ghé qua lão. Sao các bạn lại hy vọng nhiều vào vụ này như thế nhỉ?”.
“Có tiền giữa lúc đói kém mà Hạnh ơi.” – Giọng của Hải Đường như đang hát khẽ.
“Tiền bay về trong chập chùng cánh võng…” – Thức hắng giọng đọc một bài thơ chế trên mạng rồi phì cười.
“Thức và tớ ra trường muộn đấy nhé.” – Hạnh chép miệng.
“Cậu vẫn nghĩ tớ muốn quay lại Bệnh viện Stonehearst đấy à?” – Thức tỉnh bơ.
“Ý tớ là, chẳng có gì rõ ràng cả. Bà Thu Hà gì đó, rồi tất cả những chuyện khác. Quá nhiều câu hỏi”.
“Cậu cứ qua chỗ lão, ngay trong ngày mai.” – Hùng Panô lên tiếng, hướng về Mai Hạnh – “Dò hỏi xem lão nhập đám tạp chí ở đâu, ta có thể may mắn mua được không. Dĩ nhiên, còn nhiều câu hỏi. Nhưng vụ này chả còn cách nào khác đâu”.
Hùng đứng lên, bóng đổ xuống bàn. Anh lôi chiếc phong bì trắng toát từ dưới ngăn, hoặc có thể hiểu, từ trong thăm thẳm lãng quên của Hạnh. “Có những thứ cần gấp hơn trả lời các câu hỏi. Ba hợp đồng bị cắt ngay từ đầu xuân năm mới. Và hôm qua thì mụ Hoa béo đến gõ cửa. Lão Minh Hải nói đúng: đừng bao giờ đùa với tiền thuê máy chủ. Tớ không còn cách nào khác với số tiền này”.
Rồi, giống như nhà ảo thuật với chiếc mũ, anh mở chiếc phong bì và dốc xuống bàn.
Sáu trong số tám tờ dollar đã biến mất. 
Hải Đường quay sang Mai Hạnh, hiền lành: “Mai tớ đi với cậu”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện ngắn] Bạch Đàn - Đức Anh

  Bạch Đàn Truyện ngắn ĐỨC ANH Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Anh Quốc  (Đã đăng Viết và Đọc chuyên đề mùa hạ 2021 )   1.    Vào đầu tháng ba năm ấy, tôi mất đi Xuân, người vợ của mình. Đó là vì một vụ hoả hoạn.   Và mãi tận cuối tháng tám năm ấy, tôi mới cho phép nỗi đau của mình, cùng những gì giả vờ nhất và chân thực nhất của nó, lui gót. Tôi bắt đầu kết thúc trạng thái đối phó với những kẻ lăm le động viên, những kẻ lúc nào cũng mang ánh mắt thương cảm lạc quan đến và tạo cho tôi cảm giác tôi đang giả vờ tuyệt vọng. Khi tôi thức dậy thì đã tà chiều, tôi dỡ báo giấy bọc kính cửa, mặt tôi trong kính trông như được tạc trên một cái chuông. Ngoài kia có giông, cây cối nghiêng đi trong trận gió điếc. Và nhờ những tia nắng nhút nhát cuối cùng đậu lại, xuyên qua lớp băng dính đã hết chất keo, căn phòng ánh lên một màu cá kho bóng lưỡng. Khung cảnh ấy hút hồn tôi một lúc lâu, tôi kiếm chiếc ghế và đầu tôi chỉ còn hai ý nghĩ: hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi phải sống kh...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...

Ngõ Tạm Thương

Rồi máy hút bụi sẽ hút mọi kiếp nhân sinh, nhưng người đời nếu ai trót đến chốn Hàng Bông, vào một ngõ, chẳng may nhìn thấy một vết hằn vện lên trên mặt đường bóng của một trận mưa mù, thì đấy chính là cái dấu vết tuổi trẻ của tôi chì xuống. Hoặc cũng có thể là dấu vết của một ai khác tôi biết mặt. Và cái dấu vết dừng lại ở một quán rượu. Tôi đã uống rượu ở đó, rất lâu. Năm hai mươi ba tuổi, có một vĩ tuyến mười bảy chia linh hồn tôi làm đôi, trái tim tôi là lửa đỏ Mậu Thân còn trí não tôi trống rỗng như một mảnh đồi sau cuộc triệt thoái. Tôi từng ngồi đó, như nhiều người khác, nơi một khổ cửa sắt, đợi một kẻ vô hình không bao giờ đến.   Tôi chơi bời với những người lớn tuổi hơn, nuốt từng chén quá khứ của họ vào quá khứ của mình. Bắt được gì hay là tha lôi chúng về để xây một dĩ vãng đánh lừa. Tâm hồn bọn tôi là một sân ga những kẻ trốn vé. Vì có nhiều bạn bè nên có quá nhiều sân ga, chúng tôi xếp lại với nhau thành trảng đất rộng, khi dóng chén lên là có một chuyến tàu đi xuyên....