>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Chương 20 - Thu Hà tuổi mười bảy
>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Chương 20 - Thu Hà tuổi mười bảy
Tháng sáu năm một nghìn chín trăm cín mươi sáu, người ta không còn thấy hai cô nữ sinh THPT Tây Thành hằng ngày véo von hò hẹn nhau trên những rẻo đường heo hắt của làng Nghĩa Đô, đang chuẩn bị chuyển mình thành trung tâm một quận mới sắp được thành lập. Một mùa hạ u ám, một mùa hạ suy nhược vì những búi mây gùn ghè quanh năm suốt tháng mà không chịu mưa lấy một cơn. Hai cô nữ sinh kia đang sửa soạn, mọi hẹn hò gặp gỡ cứ thưa thớt dần, vả chăng đám con trai ngu dốt các lớp chuyên Sử, Địa, cũng như mấy anh nghệ sỹ chuyên Toán cũng đã bị tước hết chí tang bồng bởi thông tin sẽ thay đổi cấu trúc đề thi đại học.
Nhưng hai cô nữ sinh ấy sửa soạn hai thứ khác nhau. Đặng Thu Hà, cái cô tóc bím chuyên Lý, mê bói toán, sắp sửa vào lớp mười hai. Còn Lã Minh Phương, chuyên Văn, tóc ngắn như con trai, đôi mắt nhung cuồng mộng, tay đầy những lắc những vòng... thì sửa soạn chuyển nhà vào Sài Gòn.
"Sài Gòn có gì? Sài Gòn xa lắm phải không? Chỉ có hai mùa thôi phải không?" – Thu Hà ngó bạn.
"Sài Gòn chẳng xa. Nhưng đầy thứ hay. Mẹ tao bảo thế." – Minh Phương nhún vai.
"Bố mày có đi cùng không?"
"Chia tay, theo vào làm quái gì?" – Minh Phương cười khùng khục, đoạn bỏ băng cát xét vào máy, tua đến bài Colors of wind và huýt sáo theo.
"Mày nhớ thường xuyên về chơi nếu có dịp nhé." - Giọng Thu Hà lạc giữa những nốt nhạc ỉ ôi.
"Biết vậy!"- Phương bĩu môi – "Nhưng tao sẽ viết thư cho mày thường xuyên".
Nhất định đấy. Thu Hà ngó cô bạn thân duy nhất của mình đang mải miết nhái giọng Vanessa Williams, mà cứ như là hát bè lệch tông.
Nó vẫn là Phương của mọi ngày, vẫn là Phương thủ lĩnh của mọi đứa con trai. Nhưng ngày mai nó sẽ là Phương của Sài Gòn hoa hội, nó sẽ nói giọng Nam, khó nghe như trong băng ca nhạc vọng cổ Ngọc Huyền – Vũ Linh. Với đôi giầy nhỏ, Phương tung tăng trong đời, ai giữ được Phương? Chẳng ai.
Thu Hà không buồn cho đến ngày tiễn Phương ra phi trường. Hôm đó mới chịu mưa cho, mưa dầm dề, kín lối. Đúng kiểu cải lương! Phương nhún vai. Cô vừa nói về mưa, vừa nói về con bạn bỗng dưng hai hàng nước mắt. Thôi nào! Phương ôm Thu Hà trong vòng tay, một xúc động chực trào trong cô nhưng đã kềm lại được. Cô nữ sinh lớp mười một lúc ấy mới nhận ra rằng mình sắp bỏ con bạn ngoan hiền và cả núi kỷ niệm yêu mến ở phía sau lưng.
"Mày cũng phải viết cho tao nhé. Nhớ viết cho hay nhé con này!"
"Sao mày không ở thêm một năm kèm tao môn Văn?" – Thu Hà sụt sịt.
"Quái gì phải kèm với cặp!" – Một cứng cỏi thường thấy về trong giọng của Minh Phương – "Viết lách, cũng như tất tật mọi thứ trên đời mà tao biết, chỉ là trò xảo thuật thôi. Mày hơn khối mấy thắng khoa văn. Mày cứ viết đi, viết cho tao nhé. Viết đi, mày đừng nhũn như bánh mỳ nhúng nước thế, khổ thôi con ạ!".
Không hiểu sao, Minh Phương nói tiếp: "Rồi sẽ có hôm nào đấy mày vào trong kia chơi với tao".
Đó là mùa hạ đầu tiên Thu Hà một mình. Không có Minh Phương, cô cũng chẳng buồn ngó tới những ông Fermat, ông Foucault. Thu Hà để tóc xõa dài, chải đều sang hai bên, chẳng thèm đeo Băng đô. Quãng ấy, cô bắt đầu viết thư. Thư gửi đi, chẳng một hồi âm nhỏ. Minh Phương đã quên Hà rồi chăng? Hay nó đã mê mẩn đêm ngày trong bò viên hủ tiếu? Chẳng biết nữa, có lẽ là do Thu Hà viết thư chưa hay...
Nhưng Thu Hà chợt nhận ra rằng cô khuây khỏa đi biết bao nhiêu mỗi khi đặt bút và chứng kiến từng từ một được sinh sản dưới nền giấy kẻ ô trắng tinh. Khi cạn nỗi niềm với Phương, cô bắt đầu viết những tâm tình khác của mình. Thu Hà chưa bao giờ ghi nhật ký: chính Minh Phương – cô lớp trưởng chuyên Văn – là nhật ký của Thu Hà từ bé đến lớn. Mọi tâm sự cô đều gửi vào đôi tai nõn nà dưới mái tóc ngắn cũn kia. "Ồ, có gì đâu, chuyện đó có gì đâu" Phương hay phẩy tay và nói như vậy và lúc nào điều đó cũng mang đến cho Thu Hà một an ủi tuyệt đối. Ở Minh Phương luôn có một đôi mắt nhìn ra được những góc cạnh sáng nhất của vấn đề, qua đó cô luôn thấy mọi thứ đều bé nhỏ hơn mình. Mọi thứ, kể cả nỗi buồn.
Nhưng ngày hôm nay đôi mắt đó đã mất hút theo phi trường và quan trọng hơn Thu Hà nhận ra rằng không hẳn mọi nỗi lòng đều cần phải có một kích cỡ lớn lao, hoặc đều cần phải được giải quyết. Bản năng thông thái của nữ sinh chuyên Lý mách bảo cô rằng cái sự viết của cô không có nhiệm vụ phải hòa giải mâu thuẫn hay rửa trôi những khúc mắc, hay để xổ ra những rung động giấu kín. Chính những yêu thương của cô với đời sống có phần tẻ nhạt của mình, chính những buồn vui bé mọn, những suy tưởng tràn đầy... phải phục vụ cho sự viết. Viết chỉ là viết mà thôi. Và viết tự nó là một thăng hoa.
Thu Hà chưa bao giờ là học sinh giỏi môn Văn. Cô chưa bao giờ viết điều gì thật lòng mình trên giấy trắng, ngoại trừ những buổi tối mùa hạ năm đó.
Năm đó, cô đã ghi môn Văn vào đăng ký thi đại học của mình.
Dưới sạp báo cổng trường, Thu Hà để ý một cuốn tạp chí mới ra lò, với tấm bìa dày dặn, một màu tím nguyên bản xuyên suốt cả hai trang trước và sau trông ngộ nghĩnh như thể mới nhấc lên từ bình mực. Cô mua về một cuốn: cuốn tạp chí đầu tiên kể từ tháng tám năm 1995 khiến cô bỏ hai nghìn năm trăm đồng để rước về.
Khác với thế giới hân hoan của báo Hoa Học Trò – lúc đó đang tạo ra cơn nghiện giữa lũ bạn của cô – Quyên mang đến một màu u uẩn, một nụ cười mỉa mai cay đắng, một giọng văn bạo liệt với những câu dài lê thê, nhưng đầy nhịp điệu bởi các cụm bổ ngữ đối xứng, những hình ảnh, những ý tưởng và những dự án nghệ thuật cô chưa từng nghe đến bao giờ. Một thế giới người lớn lạ kỳ nhưng đầy hấp dẫn.
Tháng tám năm 1996, trả bù cho mùa hè khô hạn, mưa trút xuống tràn trề. Mưa vây bủa, giăng lưới, cầm tù. Với cây bút máy hiệu Aurora mà bố của Thu Hà gửi tặng từ bên Ý trở đầy niềm hy vọng cô con gái sẽ thi đỗ trường Đại Học Tổng Hợp như cô mong muốn, Thu Hà viết truyện ngắn đầu tiên của mình, thấp thoáng bóng dáng người bạn thiếu thời bên mái hiên nhỏ của khu chung cư, tựa đề Xa Hiên Nhỏ, mở đầu bằng: Sài Gòn có gì? Sài Gòn xa lắm phải không?
Tháng mười một năm 1996, truyện ngắn đầu tiên của Thu Hà được đăng. Cô vui mừng như vừa được người bạn trai đầu đời hôn lên trán. Thu Hà biên thư cho Minh Phương, một bức thư nhiều tính từ, nhiều cảm thán, ngữ pháp lộn xộn, buông thả, nhưng phóng khoáng như một điệu Valse. Thư gửi đi, cũng không trả lời.
Thu Hà chỉ buồn đi hai ngày. Cô cũng quen dần, chuyện đó có gì đâu. Cô cứ xem như Minh Phương đã đọc được, đã hiểu cho nỗi hân hoan của Thu Hà. Cứ xem như, Minh Phương là tờ giấy, chứ không phải là địa chỉ, chữ viết ra đến đâu Minh Phương nhận đến đó.
Hình như văn chương làm thay đổi con người theo một kiểu bù đắp của riêng nó. Thu Hà cũng mạnh mẽ và cứng cỏi hơn, tuy cô vẫn ít quảng giao. Kỳ thi cuối kỳ năm đó, Thu Hà từ chối quay cóp bài thi trong khi giám thị buông lỏng mọi hành động của các học sinh trong lớp. Thu Hà nhận điểm kém nhất lớp các môn Sử, Địa và Sinh Học.
Đó cũng là thời gian trường Tây Thành bị tố giác vụ tống tiền giữa thầy Minh Trí môn Ngoại ngữ và thầy Hải Anh môn Hóa vì nghi ngờ đã thò những bàn tay bẩn ve vãn các nữ sinh phổng phao của mình. Một loạt các sai phạm khác của kỳ thi cũng bị lôi ra trên báo Hà Nội Phố. Và mãnh liệt nhất là trên phụ san của nó: Tạp chí Quyên. Những bài báo quyến rũ Thu Hà – Những Đứa Con Của Cá Mập. Và kể từ đây, cô cảm thấy mình nên là một phần của tờ tạp chí mà cô yêu thích.
Tòa soạn đó là nơi Thu Hà lần đầu tiên gặp gỡ Trần Vũ. Trần Vũ tách cô ra khỏi thế giới đơn độc, cô đơn ngay giữa lòng bạn bè mình.
"Một điều không mong muốn đã xảy đến. Nhưng cho đến bây giờ nghĩ lại, đấy là một đổ vỡ có nguyên cớ của nó." – Trần Vũ trầm ngâm – "Thu Hà đã trượt kỳ thi đại học năm đó. Lời tiên tri của cô bạn Minh Phương đã trở thành sự thực. Sau mùa hè 1997, gia đình Thu Hà chuyển vào Sài Gòn sống".
"Quá thất vọng nên chị ấy bỏ nghiệp viết lách?" – Mai Hạnh hỏi.
"Giá như cô ấy còn tiếp tục".
"Làm sao để anh nối dài tình cảm với Thu Hà?"
"Chúng tôi chưa yêu nhau từ ngày ấy." – Trần Vũ so vai – "Mãi đến bốn năm sau khi tình cờ gặp lại ở Sài Gòn, chúng tôi mới sánh đôi, sau đó đi đến một hôn nhân chóng vánh. Thu Hà thay đổi rất ít, ngoại trừ giọng nói".
Trần Vũ gặp lại cô trong thư viện. Thu Hà sáng bừng với một đầm suông, mái tóc vẫn suôn dài, chỉ là có thêm một chiếc băng đô. Nhưng cô không còn là một nữ sinh với những mộng mơ nhắng nhít. Cô đã chuốc thêm nhiều ưu phiền trong ánh mắt và nét mặt, một nét đẹp buồn bã không sao xóa đi và cũng không sao chiếm đoạt nổi, mãi mãi về sau này khi họ trở nên vợ chồng...
"Bố của Thu Hà đi biệt tăm tích kể từ năm 2000. Lúc mà cô ấy không có nơi nương tựa, và không muốn bỏ sĩ diện mà nhờ vả người chú ruột giàu có, chúng tôi lấy nhau rồi chuyển về Cần Thơ, mở một cửa hàng cá cảnh nhỏ." – Trần Vũ chậm rãi – "Nếu biết trước tôi có máu và duyên kinh doanh, tôi đã làm ngay từ đầu chứ không mất thời gian cho cái nghiệp phóng viên cùn mòn".
"Nghĩa là anh chị ăn nên làm ra?" – Giọng của Thức.
"Tôi không khiêm tốn ở điểm này. Nhưng..." – Trần Vũ ngó vào mắt người bạn trẻ – "...Số tiền mà Thu Hà có được không phải do công việc kinh doanh này. Cách đây ba năm, cô ấy nhận được khoản thừa kế lớn từ chú ruột".
"Ông ấy không có con?"
"Có một đứa con trai với đầy đủ những tính cách của bà chị Thu Hà, nhưng ở một mức độ cực đoan cao hơn. Cậu ta bỏ ngang sự nghiệp, ôm mộng viết kịch, tiểu thuyết gì đó. Hai năm trời đóng cửa tu hành, đọc đến mức thuộc từng trang của Haruki Murakami, tất cả sản phẩm cậu ta đẻ ra chỉ là một mớ giấy lộn với những kể lể không đầu đuôi về những kinh nghiệm tình, tiền rất tầm thường mà ai cũng trải qua. Cậu ta không nản chí quay sang thể loại trào phúng, cười cợt như một tên ngu xuẩn về mọi thứ: phương Đông, phương Tây, chính trị, đám đông, chuyện tu tập vân vân. Thất bại lần thứ hai. Cậu ta quay sang làm thơ nhăng nhít, kiểu như mặt trời, tinh cầu, ngón tay gì gì đó... và gửi cho Thu Hà đọc." – Trần Vũ hơi khan giọng – "Và tôi không hiểu tại sao Thu Hà lại đưa ra những chỉ trích nặng nề. Không phải với bản thân cậu em, mà là với thơ thẩn của cậu ta. Một tháng sau, khi nhận được lời từ chối của Nhà xuất bản, người ta phát hiện cậu ta treo cổ trong nhà".
Thức lè lưỡi: "Thế là ta mất một nhà văn đi trước thời đại dễ cả ngàn năm..."
"Không chết." – Trần Vũ xua tay – "Nhưng cậu ta có dấu hiệu thần kinh bất thường và sau đó bỏ nhà đi biệt, không về chịu tang bố. Ông bố chấm dứt sự nghiệp bảo kê và ôm bảng lô đề trong cô đơn, gia sản để lại sáu mươi phần trăm cho đứa cháu gái duy nhất và bốn mươi phần trăm cho thằng quý tử mà từ lâu coi Murakami mới là bố mình".
Số tiền lớn thay đổi cuộc sống của Thu Hà và Trần Vũ, tựa như một năng lượng tràn đầy rót vào chiếc xe đã cũ rỉ. Khi dụi mắt ngó con số dài ngoằng trong tài khoản, người ta nhìn thấy ngày dài tháng rộng trước mặt, thấy cả tuổi xuân bay về và một chân trời đầy hoa cúc. Thậm chí người ta còn ngộ ra cả một chân lý mà những kẻ còn chấp mê (và đặc biệt là nghèo) không thể nào hiểu ra nổi: chúng ta đã mất quá nhiều thời gian cho việc cung phụng cái thân xác ngục tù này, đến nỗi quên hỏi rằng mục đích thực sự của đời sống là gì? Triết học là một câu hỏi. Và trước khi suýt nữa thì đi đến chỗ lý luận theo chủ nghĩa hư vô, họ tạm đóng cửa hàng đi giải khuây ở The Deck Saigon và đặt một tour đảo Bali để tưởng nhớ người chú quá cố mà nghe đồn là có tổ tiên lâu đời gốc Indonesia di dân. Đối với những kẻ ngốc nghếch coi tiền là mục đích thay vì phương tiện, những tháng ngày rong chơi sẽ còn kéo dài đến khi phát hiện ung thư và trước đó họ đã tự biến mình thành một Zombie khật khưỡng đi khắp các bình nguyên, thung lũng, hải đảo để săn lạc thú – suy cho cùng lại quay về làm nô lệ cho xác thịt chính mình. Nhưng với những người minh mẫn hơn, họ nhắm đến hai thứ: một là những điều quá khứ còn nợ họ (một ân oán, một đam mê thưở tóc bồng), hai là nghệ thuật. Đối với Thu Hà, hai điều này lại tình cờ gộp làm một: đam mê văn chương sống lại nơi cô mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trước đây, những yêu đương ấy chỉ đến với cô trong các hình ảnh loáng thoáng của giấc mơ đêm. Nhưng bây giờ, cô đã có trợ thủ đắc lực trong việc chiếm đoạt niềm vọng tưởng của mình: tiền. Tiền không mua cỗ máy thời gian. Bởi chính nó, trong trăm ngàn chức năng của mình, là một cỗ máy thời gian.
"Tiền làm cô ấy minh mẫn đến nỗi nhận ra rằng mục tiêu duy nhất và đích thực của mình trong đời sống là văn chương." – Trần Vũ nhấp một ngụm nước đá – "Cô ấy không quan tâm đến dự án mở rộng hệ thống cửa hàng của tôi. Thậm chí cô ấy còn dành ra hai tháng chỉ để lùng mua cả một bộ sưu tập búp bê Beanie Babes."
"Nói theo Người Phán Xử, văn chương là thứ tồn tại duy nhất, những cái khác không là gì cả." – Thức cười mỉa mai.
"Em nghĩ chị ấy sẽ qua cơn mê nhanh thôi." – Mai Hạnh giọng chân thành.
"Khổ cho tôi" – Trần Vũ nhăn nhó – "Đó không phải là cơn mê. Chỉ có cậu em con chú mới là kẻ mê cuồng. Ở Thu Hà, đấy lại là một tỉnh táo. Một tỉnh táo quá mức đến cực điểm".
Trần Vũ không thể quên được đôi mắt của người vợ lúc đó. Cái nhìn lạnh lẽo, xa cách như của một nữ luật sư. Chủ đề duy nhất và lặp đi lặp lại một cách mệt mỏi là sự giải phóng khỏi cuộc sống gia đình gò bó. Từ khóa với tần suất lớn nhất trong hội thoại ấy là từ "tự do" và "theo đuổi". Nó vang vọng, xen lẫn giữa hàng ngàn từ vựng khác nối đuôi, xô lệch nhau trong tờ đơn ly hôn được soạn thảo vụng về bằng phông chữ VN-Times cổ lỗ. Tất nhiên, Trần Vũ không bao giờ ký vào tờ đơn ấy. Chữ ký duy nhất của người đàn ông 44 tuổi này là ký nhận lên tờ giấy sang tên chiếc xe hơi và căn nhà chung cư – như một ân nghĩa cuối cùng của mười ba năm son sắt, theo góc nhìn của người vợ xinh đẹp.
"Thu Hà đoạn tuyệt với văn chương từ năm hai mươi tuổi, đốt sạch những gì cô ấy đã tạo ra trong vòng ba năm." – Trần Vũ ngậm ngùi.
"Quyên là nơi duy nhất còn lưu trữ các tác phẩm của chị Thu Hà. Nhưng cái tạp chí chỉ sống một tuổi đời duy nhất này chỉ còn rất hiếm, nên chị ấy đã dụng công đi tìm?" – Thức chau mày, cậu đang cố phá vỡ một vài khúc mắc nằm đâu đó trong câu chuyện này.
"Chính xác. Sau đó thì cô ấy trở thành đối tượng đi tìm của tôi".
"Chị ấy đã không tìm nhầm người. Nhóm tụi em đã kiếm được một bộ nguyên lành, đẹp là đằng khác." – Thức cao giọng – "Nhưng nó đã bị cướp giật một cách có chủ ý. Ông anh biết chuyện này chứ?"
Một thái độ khác biệt hiện ra trên khuôn mặt của người đàn ông tên Trần Vũ. Gã nhìn Thức bằng ánh mắt của một kẻ nắm giữ những thứ còn trên cả sự thật, và sắp không giữ được bí mật bao lâu nữa.
Trần Vũ lôi ra một bao thuốc lá Caster và chìa ra cho bốn người bạn. Khi khói xám bắt đầu tỏa lan, gã trầm giọng: "Đúng, tôi biết vụ này. Thậm chí còn là người biết rõ nhất".
>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Nhận xét
Đăng nhận xét