Thế là nhà tôi được nằm trên con phố đặt tên đường. Tức là bỗng rất oách, có số ở phố Trần Thị Dung. Đây không phải là một sự bắt đầu, mà lại là một sự kết thúc. Kết thúc của một pha giãn nở đã diễn ra mấy chục năm nay.
Thế nhưng: Thị trấn Hưng Hà là gì? Ngày nay không còn nhiều người nắm được bản chất của nó. Tất cả mọi thứ được đặt tên, không phải vì nó đã được biết đến mà chính xác vì người ta không biết đó là cái gì. Tuy nhiên câu hỏi này sẽ rất lớn, vì nó dính dấp đến một đặc sản ở Việt Nam: Phố huyện. Trong khi các tỉnh lỵ đã tương đương với Town ở Tây, thì phố huyện (mặc dù rất có thể tương đương với county hay village) thì luôn giống như một vật chất rắn bỗng nhiên gồ lên giữa đồng lúa, với đặc trưng là những cuộc khủng hoảng liên miên về bản sắc: phố Huyện là một mặc cảm khổng lồ (ở Việt Nam nhà văn nào viết về phố Huyện hay nhất, tôi nghĩ không có nhiều, đừng nói Thạch Lam vì Thạch Lam viết rất dở, thậm chí như Trương Chính nói, không hề biết viết văn, nhưng trong đó có thể thấy Dương Thu Hương, rất tình cờ là nhà văn này lại sinh ở Hưng Hà town). Nhưng viết về Phố Huyện không nên viết truyện: đơn giản vì phố huyện không đủ, và không chịu đựng nổi sự hư cấu đâu.
Tết này mặc dù không muốn, nhưng tôi cũng đã mò vào chơi Tết mấy nhà phố Huyện. Giới tư bản ở Hưng Hà ăn Tết như thế nào? Tôi chợt nhận ra sự vắng lặng đến kinh người, nhưng cũng đúng thôi, họ học lỏm được cái thói tế nhị nhỏ nhẹ mấy chục năm nay rồi, nhưng dứt khoát là tivi vẫn phải mở rất to, và nhất định là uống rượu Chivas - tuy nhiên ăn kèm thịt lợn rang, (năm nay bỗng nhiên Netflix đã phổ biến). Ở phố huyện, người ta phóng to mọi thứ từ nhà cửa đến tivi, (một lần nữa đó chính xác là mặc cảm phố huyện), vì thế khi ta lớn lên phố huyện không bé đi bao nhiêu, ngược lại, không gian cứ giãn nở dần ra. Người phố huyện có nhu cầu cực kì mạnh mẽ về sự xa nhau, và tìm mọi cách nối mình với các đô thị lớn hơn, vì thế tương đối hí hửng với việc con cháu mình làm gì đó ở thủ đô. Người phố huyện cũng tuyệt đối điên cuồng và cực đoan trong việc phá tan những bụi rậm và khu nhà cũ, vì nơi đó ẩn chứa dấu vết của làng quê. (Làng quê nghĩa là gì? Nghĩa là những bí ẩn. Nguyễn Huy Thiệp lớn ở chỗ ông nhận ra rằng bản chất của làng quê chính là tầng luỹ những bí ẩn. Quý vị sẽ không bất ngờ khi biết rằng ở miên quê bắc bộ, người ta - tức những người họ hàng gần nhất - lại hoàn toàn không biết gì về nhau. Bởi người làng quê dành cả đời mình để xoá mờ dấu ấn cá nhân của họ). Chính vì thế phố Huyện không hề có bí mật: nó là nơi đặc biệt sáng, sáng loá và khiến người ta dễ bị chói mắt. Muốn nhận ra một người phố huyện rất dễ nhé. Bởi vì trông họ luôn luôn hốt hoảng, lúc nào cũng như muốn che mặt, vì mặc cảm quá lớn.
Người ta nói “đầu tỉnh cuối huyện” là bởi hai nơi mở ra những thế giới khác: đầu của tỉnh lị và cuối của huyện lị. Nhưng cũng có nghĩa rằng mặc dù chỉ đi đến đầu, người ta lập tức nhận ra tỉnh lị, nhưng huyện lị thì không đơn giản tí nào: phải đi đến cuối cùng của nó. Vì cuối huyện là nơi bí ẩn, nó nối phố huyện với thế giới của làng quê cũ. Đó là lí do họ sẽ không bao giờ nhìn thấy bản chất của phố huyện, vì họ có chịu đi đến đâu đâu. Nhưng cuối huyện lị Hưng Hà, tức khu Quảng trường, May 10, cái phía đó, kể từ khi nhà thơ Nguyễn Anh Quốc mất đi, thực ra đã hoàn toàn hoang tàn, không còn gì cả. Mặc dù chính cái nơi đó có uỷ ban xã, trụ sở Công an huyện (giới công an Huyện là một giới cực kì đáng khảo sát), đặc biệt có mấy ngôi trường cấp hai, nhưng cũng không khác đi được: vì sự thật là về mặt văn hoá, khu vực đó là một số 0 cực lớn.
Nhưng để nhìn thấy thị trấn Hưng Hà rõ nhất, chỉ có một con đường duy nhất, là nhìn vào thế hệ 9x đời đầu. Nếu cố tình nhìn sang chỗ khác, người ta sẽ rơi vào vùng tuyệt mù, tức là không nhận ra quê hương mình: ngày nay phần lớn người phố huyện hoàn toàn không biết gì về quê hương mình, nhưng đó cũng lại là định mệnh của phố huyện, con người của phố huyện là con người nhớ nhung quê nhà, mặc dù ở ngay sát sạt quê hương. Nhưng chính 9x - tức thế hệ con của các nhà tư bản và viên chức đời đầu - là thế hệ rõ nhất của cuộc khủng hoảng bản sắc phố huyện. Không lạ khi thế giới của phố huyện, đặc biệt các nhà sát quốc lộ 39A, sinh ra cả một hội mờ mịt về bản sắc cá nhân, nhưng lại thi nhau kiến tạo và vay mượn đủ thứ, hội này rất hay học trường kinh tế (ngoại thương, KTQD) và thi thoảng rất hay làm ngân hàng. Vì những nghề nghiệp đó làm người ta chui được vào một chỗ và tạm quên bản sắc nhạt nhoà của mình. Thế nhưng, từ hồi đi học tôi đã nhận ra tất tật: 9x phố huyện đặc biệt khủng hoảng, không biết mình là ai và thuộc về đâu, trong khi cố gắng quên đi đồng quê xào xạc sau lưng và trong khi mang một mặc cảm quá lớn để có thể gia nhập đô thị, chính vì thế 9x phố huyện rất hay nghe nhạc Âu Mỹ và rất hay tỏ ra sang trọng nửa mùa. Và như một định mệnh, sẽ nhanh chóng chui vào ngân hàng. 9x phố huyện sẽ xem phim gì ạ? Chắc chắn là các phim của Marvel. Còn đọc gì ạ? Chắc chắn là không đọc gì vì đơn giản là họ được giáo dục toàn diện đến mức không hề biết đọc và viết một văn bản tử tế. 9x Phố huyện cũng như cha mẹ của họ - những nhà tư bản mặc cảm - cũng đặc biệt thích đi du lịch Hội An Đà Nẵng, nhưng họ không hề biết rằng Hội An cũng là nơi hoàn toàn không có bản sắc gì (9x phố huyện đặc biệt kém trong việc nhìn ra bản sắc của mọi vấn đề, vì thế có nguy cơ lớn sẽ nhầm lẫn suốt đời). Và Đà Nẵng chính là một thị trấn Hưng Hà phóng to lên, lắp thêm cái cầu rồng và chuyển ra ngoài bãi biển: Đà Nẵng đang khủng hoảng bản sắc, vì thế, Đà Nẵng lúc nào cũng gán mình về phía Hội An - Huế, những nơi “trông có vẻ giống như quá khứ”.
Người ta lấy tên Trần Thị Dung đặt cho phố nhà tôi là hoàn toàn chính xác. Nhân vật này, một mặt là Linh Từ Quốc Mẫu, nhưng cũng là một nhân vật mà gần như không một ai ở phố huyện đủ khả năng nhìn ra vị trí lịch sử. Không phải chỉ ở vấn đề chuyển ngôi Lý - Trần, mà ở chỗ, cả hai công chúa con bà đều lấy vua Trần Thái Tông (Tạ Chí Đại Trường là người duy nhất đặt câu hỏi, thế tại sao ông vua đó lấy một công chúa Chiêu Hoàng rồi, lại lấy thêm một công chúa triều Lý khác là Thuận Thiên, chỉ để đẻ con?). Nhưng trong cuộc khủng hoảng bản sắc, phố huyện bỗng nhận ra mình là đất phát tích của Nhà Trần. Đền Trần có mặt một phần bởi Người ta cần một cái gì đó tương tự như Thành hoàng làng, nhưng nhất quyết không được đặt ở phố huyện, và nói chung, nương nhờ vào tính thiêng của lịch sử. Trần Thị Dung đặc biệt xuất sắc trong vai trò này: là nữ, nghĩa là dễ gả đi (bản chất của phố Huyện chính là gán mình cho những gì ở ngoài nó), và họ Trần. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy trong bi kịch lớn của phố huyện, người ta vẫn còn làm được một thứ đúng bản chất: ăn.
Người phố huyện, cũng giống như người miền quê, và đây chính là điểm mấu chốt duy nhất: có cảm hứng rất cao độ trong việc cho người khác ăn. Cho người khác ăn chính là một sự ti tiện lớn giấu trong một niềm vui nhỏ, bởi vì người ta đã rất yên tâm rằng mình đã được tặng ơn cho kẻ khác. Nhưng xa hơn, đó là một sự biểu dương cho thiết chế phố huyện: rằng tất cả những yếu tố của một cuộc đời của một công dân phố huyện đã được xếp ngăn nắp vào một format, giờ đây ta có thể cười đắc thắng. Tuy là một đắc thắng ngu xuẩn.
Nhưng trước tiên, trước khi mở cửa vào cái ngách của chủ đề này, bạn phải có một nguyên tắc, một nguyên tắc lớn có thể áp dụng cho cả đời bạn: không được sợ hãi, tuyệt đối không sợ hãi bất cứ cái gì.
Phố huyện không có may mắn được chứng kiến tuổi trẻ (suy cho cùng là) rực rỡ của tôi và đám bạn. Nhưng cũng đúng thôi, có một lần vào năm hai mươi tuổi, trong nỗi buồn quá sức lớn lao của một gã trai trẻ xách bao gạo lên thành phố, tôi nhìn về phía Hiệu sách nhân dân. Trời mờ sương, những cái biển màu đỏ trơ ra, và tôi nhận ra bốt điện thoại công cộng năm ấy chưa bị nhổ đi (cái bốt điện thoại ấy bao nhiêu năm vẫn là một vùng bí ẩn tuyệt vời - chắc chắn từng có rất nhiều đứa trẻ cảm thấy điều ấy, và cũng chỉ có trẻ con mới hiểu được, người lớn không còn cách nào nữa để hiểu được. Nhưng giờ đây họ đã bỏ một trong những cái bốt đó. Cuộc đời là sự mất nghĩa từng tí một, không ở đâu đúng như ở phố huyện), và tôi thử nặn ra trong mình một tình yêu quê hương nào đó, một lưu luyến mãnh liệt nào đó để thúc nỗi buồn của tôi đi xuống sâu hơn. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra, bỗng trong một linh cảm lạ lùng, tôi nhìn thấy đó chính là một dạng địa ngục. Nếu đứng từ phía bến xe cũ,, ngay chính giữa đường 39 (mà ngày nay đã trở thành trung tâm Karaoke – nhưng dân phố huyện không những tuyệt đối không biết gì về âm nhạc, mà thậm chí còn chỉ biết hát bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương), đứng ở đó và nhìn suốt (không phải nhìn suốt một mối tình) về cuối huyện, ta lập tức hiểu rằng đời mình như thế là thôi rồi, con đường ấy là tử lộ, rằng không có tương lai gì đâu và rằng cuộc đời với bao nhiêu ước mơ chưa kịp lớn đã già, bao nhiêu hoài bão rồi sẽ lùn đi theo năm tháng (Nhưng cũng làm gì có năm tháng: ở phố huyện, thời gian không hề trôi. Vấn đề chỉ là người ta cứ tưởng rằng nó đang trôi. Ở phố huyện, không có thời gian, chỉ có thời khóa biểu). Tất cả leo lét như đèn nháy nhựa Trung Quốc trong những quán giải khát ven đường quốc lộ, những quán mà không thể định nghĩa mình là gì, là cafe hay trà đá, chỉ biết luôn có một ông Thần tài to tướng dưới nền đá hoa cũ bẩn thỉu lúc nào cũng như muốn nói tất cả chỉ là giả dối. Nhưng như ta đã biết ở Phố Huyện, mọi thứ đều lộn trái lại: ánh đèn nhấp nháy ấy lại chính là không phải giả dối, chính nó mới là thực, thực hơn tất cả những thứ còn lại.
Con người đánh mất tuổi trẻ và đánh mất hoài bão, chính là những con người sẽ trở thành một thực thể phố huyện, hay nói đúng hơn, công dân dự bị của phố huyện.
Bởi vì không có quá khứ, và cũng không có tương lai, nên phố huyện neo lại giữa một khoảng ngưng đọng, tựa như một ốc đảo lâu đời nhưng lại quay tròn trong không trung vô biên. Ở khía cạnh không có tương lai bộc lộ còn hơn cả khía cạnh không có quá khứ, bởi cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên cửa miệng của công dân phố huyện chính là "sắp lên thị xã". Đó là một hy vọng bọc trong một vô vọng, người ta không thể đến được với tương lai ấy, mà người ta còn phải chờ kẻ khác. Ở phố huyện, thứ xa nhất lại là thứ nằm ngay trung tâm của nó: chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện là điều gì đó rất xa, bên ngoài quỹ đạo của ốc đảo phố huyện (Chính bởi như đã nói, sự giãn nở). Bởi vì tình thế (không tương lai và không quá khứ) người phố huyện sống hai mặt: một mặt, họ tự hào bản thân là người phố huyện, nhưng mặt khác họ khinh bỉ bản thân cũng chính bởi là người phố huyện. Một mặt họ yêu đời sống phố huyện nhưng một mặt họ nằm mơ hằng đêm thoát khỏi kiếp phố huyện. Nhưng họ đâu thể biết được rằng thiết chế phố huyện – một đặc sản của Việt Nam – đã được ấn định cho đời họ, và án ngữ nó. Vì thế công dân phố huyện sống trọn một đời mơ hồ: như tôi từng viết, về sự mệt nhọc của việc đối diện nhau quá lâu, nên trong hội thoại, người ta dần sẽ đi đến chỗ nói những điều vu vơ ngớ ngẩn. Nhưng vì khía cạnh đặc biệt của thiết chế, ở phố huyện người ta làm thế ngay từ đầu: họ nói những lời vô nghĩa ngay từ phút đầu tiên nhìn thấy mặt nhau. Nhưng chính điều đó lại cần thiết để duy trì sức sống của phố huyện, tức tập hợp những cuộc đời buồn thảm.
Cuộc đời buồn thảm là bởi người ta không chắc chắn được nó có buồn thảm hay không.
Những bê tông biểu dương tinh thần phố huyện và cũng trói nghiến người phố huyện, một nửa thân dưới và làm một nửa thân trên trông giống như những hình nhân phất phơ trong gió. Vào một mùa hè, một khối bê tông như thế được dựng lên, cắt đôi khoảnh sân nhà tôi. Từ ấy, tôi đứng trong sân ngó ra không còn nhìn thấy mặt người ngoài đường đâu nữa (đặc biệt là những khuôn mặt của bạn bè năm cũ. Không, tôi không có ý định bi kịch hoá gì ở đây hết - mặc dù cái bẫy của sự viết lách rất tinh vi - nhưng quả thực có những điều đã biến mất vĩnh viễn trên mảnh đất của ta, bao gồm cả ta. Tôi sợ tất cả những đám, tức là những dòng người di chuyển theo một đám tang hay một đám cưới. Riêng ở phố huyện, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác, các đám ấy đi rất phô trương như thể cuộc đi ấy đang đưa tất cả đi lên. Có lúc tôi nghĩ rằng các đám đều chung một bản chất mà thôi. Vì từ những cuộc di chuyển ấy, ta dường như không còn thấy những gì cũ những gì đích thực là của ta quay trở lại.). Nhưng tại sao lại cứ phải là một mùa hè? Không có mùa hè, chúng ta không có gì hết: không quê hương, không kỷ niệm, sau cùng là không được sống. Mùa hè bắt ta không được nghĩ, không có tư tưởng gì hết, chính vì thế ta lại sống, mùa hè được ban cho mọi người hòng cứu chuộc lại những gì ghê tởm cặn bã mà ba mùa khác dội lên đầu ta (đặc biệt là mùa thu, con người đê tiện nhất vào mùa thu bởi vì con người phát lộ một dục vọng được làm thi sĩ, được tỏ ra bao dung với cuộc sống, được thấy mình hoá ra cũng sống ý nghĩa phết đấy chớ. Riêng ở khoản này thì thành phố đê tiện hơn phố huyện còn phố huyện bỗng lại văn minh hơn) Ký ức của ta luôn được chỉnh mặc định về mùa hè, trước khi vì những dữ kiện thời gian khác, ta mới điều chỉnh lại. Mùa hè ấy tôi cởi trần ngồi sau những khối bê tông, trên một cái ghế nhựa đỏ tía, đầy ghét bẩn của cơ thể mình bám lại, lần mò đọc “Tu viện thành Parma”. Bỗng nhiên tôi hiểu rằng một điều gì đó rất quyết liệt đã xảy đến, vì bỗng nhiên người cậu phương xa của tôi không về nữa (vì ông ấy đã chính thức ở đây), bỗng nhiên tôi hiểu rằng tôi có thể hiểu được về một cuốn tiểu thuyết và bỗng nhiên em gái bé bỏng của tôi vừa bước về từ một lò luyện thi với khăn mũ trùm kín khuôn mặt. Tôi kinh hoàng nhận ra sự ấy, rằng mọi thứ đã biến mất, và nếu không nhanh lên, ta chẳng còn giữ được gì. (Và mùa hè ấy tôi còn đọc Đào Bá Đoàn. Chắc chắn đấy là văn chương rất hiếm hoi mô tả khoảnh khắc lơ lửng của những đổi thay kinh khủng, ẩn sau sự “không có gì thay đổi” - mà trong một cơn bàng hoàng nhất định, rất tự nhiên như số phận, ta thấy được nó). Kể từ ấy tôi cố gắng yêu mến gia đình mình, tôi cố gắng một nửa lắng nghe họ và một nửa thì không, tức là ừ qua loa, vậy nhé, đời thì thế nào cũng được, miễn chúng ta vẫn còn ở đây (nhưng đương nhiên họ không khoan dung như thế với tôi - cũng là vì dục vọng phố huyện). Phố huyện - với bản chất như thế - không có tác dụng gì, ngược lại còn ra sức xoá bằng được những gì ta yêu dấu. Cũng trong mùa hè ấy, tôi bắt đầu có những đêm khó ngủ vì rất chán. Đấy là những đêm mà mọi tư thế nằm đều mỏi, ta chỉ ước được chui ngay vào thế giới của một quyển sách, hoặc được viết lách linh tinh gì đó rồi giấu biệt đi (Trong đời các cô cậu bé, tài sản lớn nhất lại là quyển giấy nháp viết và vẽ những thứ vớ vẩn tột độ, nhưng lại là một tự do vô biên, và chính là hình hài của một khát khao đã đạt được. Sau này tôi hiểu - cũng vì có một nhà văn nói - cuộc đời người ta cũng chỉ có lần ấy là thành công. Ngày nay tôi vẫn còn giữ chúng, và mỗi lần nhìn vào tôi bỗng bị dẫn đến một ý nghĩ rằng phải chống lại cuộc đời này, phải căm ghét nó tột cùng, từng giây từng phút một, phải đạp bỏ hết tất cả những gì có thể đạp bỏ, miễn ở trong tầm chân. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ hãy dẹp ngay quả suy nghĩ ấy đi. Tuy nhiên một người yêu đời thì phải biết chống lại cuộc đời, bằng trí tuệ, phải chứng minh rằng nó là thất bại và nó là báng bổ vô nghĩa, còn những kẻ yêu đời cho lắm cũng rặt một hội đê tiện).
Mùa hè ấy tôi bắt đầu thấy những nhúc nhích rất khẽ và tinh vi của phố huyện. Những dục tình, khát khao và loạn luân hừng hực, những đòi được sống và đòi được chống lại thiết chế vĩnh cửu đã bắt đầu tồn tại trên phố huyện. Định mệnh của phố huyện đó là khi hoàn thiện phiên bản của nó xong, thì nó bắt đầu bị bệnh, bắt đầu tạo điều kiện cho những sục sôi, sục sôi vừa đủ để không sụp đổ, để tạo thêm một thế cân bằng khác với những đẹp đẽ giả tạo. Thiết chế phố huyện dọn luôn một chỗ cho những điều ấy. Đấy là lúc ra nhìn thấy điểm chốt bắt đầu của tâm thức ly khai đặc trưng của phố huyện, như đã miêu tả ngay từ đầu - điều này sẽ di truyền nhiều đời. Một nhà báo sẽ rất oách ở nông thôn hoặc thị xã, nhưng sẽ rất khó làm được gì ở phố huyện, trừ khi phố huyện hậu thuẫn. Bởi để thấy được phố huyện, tựa như một con ruồi vô tình bị hoá thạch vào thuỷ tinh, tức phải đứng trong ấy mà nhìn ra, phải wiederholung (trùng phục thu hồi?) theo kiểu Husserl. Cho nên một hôm nọ tôi gặp lại người phụ nữ quá ư nổi tiếng của quê hương yêu dấu ấy, lúc này cô ấy đã
<Còn tiếp>
Nhận xét
Đăng nhận xét