Nhã Nam giới thiệu bộ ba cuốn sách của Pierre Lemaitre, hai trong số đó "Alex" và "Ba ngày và một đời" được xếp vào trinh thám và bản thân tác giả cũng được giới thiệu là cây viết trinh thám hàng đầu nước Pháp (chúng ta sẽ thấy Trinh Thám của Nhã Nam luôn luôn đứng về phía của Văn học Hàn lâm, và nghĩa là kẹt giữa hai dòng. Một động tác “kéo chúng xích gần nhau”, theo như nhà văn Nguyễn Đình Tú).
Nhưng có vẻ các reviewer đọc trinh thám lâu năm không công nhận điều này. Về tính trinh thám ấy.
Tờ Guardian nhận xét lạnh lùng về Lemaitre: "Được giải đấy, nhưng còn xa mới vào hàng ngũ các nhà văn trinh thám" [1]. Bên Phía Nhà Z nói về "Ba Ngày và Một Đời": "Cái kết không sướng như trinh thám thông thường" (như vậy, Lemaitre có một trinh thám KHÁC) [2]. Blogger EMi Delicate: nhiều lỗi, non tay [3].
Khi đọc Alex, bạn sẽ thấy rằng, có rất nhiều điểm để chê: với ý tưởng tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết này, một cây trinh thám hạng trung có thể viết lại hay hơn, lôi cuốn hơn, khiến ta lật trang vội vã. Nhưng giống như Ba ngày và một đời: bạn không bao giờ có thể quên được nó. Một cuốn trinh thám dở, nhưng tồn tại được với tư cách một tác phẩm văn chương.
Ở Alex, có BỐN vụ án xảy ra theo thứ tự khám phá, nhưng không giống các Crime Fiction - chúng không phải là những án mạng đuổi nối nhau. Ngược lại, chúng loại trừ nhau: (1) Alex bị bắt cóc và tra tấn, (2) Alex đã giết người, (3) Alex giết người trong khi đang bị truy nã (4) Alex bị giết. Cứ mỗi vụ xảy ra thì vụ kia được giải quyết, bẻ gãy logic câu chuyện. Các vụ án KHÔNG bổ sung cho nhau. Thậm chí, chúng TIỄU TRỪ NHAU. CHúng không làm nên một phép cộng để tăng chất lôi cuốn hay độ khó cho một câu hỏi truyền thống của Trinh thám (Ai là thủ phạm? Động cơ? Bằng chứng?), mà lại tạo ra một câu hỏi mới: logic hành động của nhân vật là gì? Tại sao lại trình bày các vụ án mạng và sự giải quyết dễ dàng như vậy? Và đây rõ ràng là câu hỏi NẰM NGOÀI trinh thám đặt ra cho thám tử mà là một câu hỏi về mặt văn bản đặt ra cho tác giả.
Song song với cốt truyện Alex là hành trình của Camille. Vị thám tử không gặp nhiều trục trặc trong quá trình điều tra, bản thân ông cũng đặt ra rất ít câu hỏi: hầu như ông lạc lối trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với cú sốc chuyện gia đình cá nhân ông. Ông không bao giờ phải đi một mình và cũng chỉ phải lần theo những dấu vết dễ dàng, những nhân chứng còn xa mới đạt đến sự bướng bỉnh theo kiểu Agatha Christie. Đến cuối truyện ông mới lộ diện thám tử: Camille khám phá ra sự thật và có vẻ như ông giấu bạn đọc những suy tư của mình, hoặc nói đúng hơn, chúng tương đối khiếm diện so với chuyện tâm lý của ông.
Như vậy sát thủ, thay vì giết người thì lao đầu vào một chuỗi vụ án vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm; thay vì giấu mình, thì cô kể tuồn tuột ra lộ trình của mình. Còn thám tử, thay vì khám phá và tiết lộ đôi chút, thì đi khoe "cái tôi trữ tình", và lẽo đẽo đi theo kẻ tình nghi như một phù dâu.
Thay vì đặt ra những câu hỏi liên quan đến vụ án, độc giả sẽ hỏi: tác giả định lừa chúng ta cái gì đây?
Theo Tzvetan Todorov [4], trinh thám cổ điển thực tế là hai câu chuyện: câu chuyện vụ án và câu chuyện điều tra. Câu chuyện quan trọng hơn là vụ án thì lại khiếm khuyết, còn câu chuyện điều tra thì lại được kể lể. Trinh thám hiện đại phá vỡ cấu trúc này, chúng tập trung vào các khía cạnh của trinh thám: tâm lý tội phạm, thám tử nhập cuộc, bằng chứng, động cơ hoặc cách thức gây án. Ở khu vực này, Lemaitre tương đối giống với Ingrid Noll (tiện thể, có bác nào đọc Noll chưa? ) , một nữ hoàng trinh thám tâm lý - người luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao họ thành kẻ giết người? Nhưng có điều, Lemaitre có vẻ phá vỡ luôn cả nguyên tắc trinh thám hiện đại
Giống như Ba Ngày và Một Đời, toàn bộ tinh hoa của Alex nằm ở cuối sách: bạn sẽ không bao giờ quên được nó. Đặc biệt, nó cũng không hẳn là gây cú shock theo kiểu các cuốn thriller bán chạy. Tác giả chỉ tiết lộ mối liên quan giữa các vụ án và động cơ gây án. Nhưng chính ở cái động cơ - tưc là "vụ án thứ yếu" - lại là vụ án gây ám ảnh nhất. Nó phá vỡ vỏ bọc trinh thám để quay lại với vấn đề của thân phận, của trầm luân khổ ải. Động cơ gây án của Alex không phải là cái cớ để hợp thức hóa vụ án; ngược lại, chính vụ án là cái cớ, TRINH THÁM MỚI LÀ MỘT CÁI CỚ, để miêu tả bi kịch của trong ranh giới cực kỳ mờ nhạt của nạn nhân và thủ phạm.
Vụ án cuối cùng trong chuỗi án mạng của Alex là vụ án duy nhất được truy cứu. Nhưng lại là một vụ án không thật, và tòa án của nó, cũng không phải tòa án địa phương. Nhưng ai cũng thấy thỏa đáng!
Đọc Alex, chúng ta thấy rằng, nếu chúng ta là cô, chúng ta cũng sẽ không sớm thì muộn trở thành kẻ thủ ác, rồi trở thành nạn nhân. Và nếu chúng ta là Pierre Lemaitre, chúng ta cũng sẽ chọn một cách viết như thế!
CHÚ THÍCH
[4] T. Todorov, "Thi pháp văn xuôi", NXB ĐHSP, 2008
Đ.A (7/2017)
Nhận xét
Đăng nhận xét