Không nên giật tít vì giật tít là giả dối. (Tuy không giật tít, ở khía cạnh tỏ ra giản dị, cũng là giả dối).
Yêu đời? Đương nhiên, nên như thế. Nhưng trong một phút giây nào đấy, ta có căm ghét cuộc sống của mình không? Cái đó thường xảy ra, thậm chí xảy ra vào lúc hoàn toàn bình ổn (không phải lúc ta phát hiện ra người thân nào đó của mình chỉ là một kẻ nịnh bợ hoặc hóa ra ta chính là con ông chú ruột). Sự căm ghét không phải là với cái đáng để ghét, mà là với những cái ta vẫn ca tụng là điều bình thường giản dị. Ghét vợ, ghét người thân, ghét cái áo đang mặc, ghét cái tư thế ngồi xe của ông chú và ghét chính mình. Sự căm ghét cuộc sống không phải là một thái độ, nó là một thăng hoa: khi phát hiện ra cái khía cạnh đáng căm ghét của đời sống.
Trước hết, tôi vẫn thấy rằng (sau bao nhiêu trầy trật), một văn chương tốt (đặc biệt là tiểu thuyết) là một văn chương biết đến chừng mực của chính nó. Nói thẳng ra, nó phải biết kể chuyện, phải có quy tắc nhất định. Nhưng trên đời không chỉ có văn chương tốt và văn chương không tốt, có những văn chương phi thường, nó cứ thế tuôn trào không gì ngăn cản được. (Nhưng, lại nhưng, không phải bất cứ cái gì tuôn trào ra thì đều hay. Nên đừng có bắt chước). Vì văn chương rất nguy hiểm nên tốt nhất ta cứ đứng ngoài rìa để tỏ ra kính cẩn thì hơn: ấy là một thái độ đàng hoàng.
Những chừng mực, hay nói cách khác, những điểm dừng đều quan trọng, có một thưở người ta mê mẩn tiểu thuyết phiêu lưu: vì phiêu lưu là câu chuyện của chỗ, truyện phiêu lưu cho ta thấy rằng rồi đời sẽ có chỗ cho ta. Nhưng nếu cái chỗ ấy đã có trước tiểu thuyết thì câu chuyện trở nên hoàn toàn nguy hiểm: từ ấy văn chương trào vọt ra ngoài, và cực kì nguy hiểm. Ở trong Đốn Hạ, Thomas Bernhard lặp đi lặp lại câu "Ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng", đấy chính là việc chọn chỗ của Bernhard. Bernhard bao giờ cũng ngồi vững trước khi viết.
Trong Diệt Vong, không có bất cứ một đoạn xuống dòng nào, một tiểu thuyết gần 500 trang là một đoạn văn liền mạch, chỉ có mỉa mai, vạch trần, tố cáo và căm ghét cuộc sống giản dị ở quê nhà Wolfsegg nọ, như người ta nói liền một hơi. Nhưng nó không rởm đời như [ở đây ta sẽ không tiện nêu tên]. Việc viết liền mạch là một điều hết sức cần thiết cho tác phẩm này: nó duy trì không khí căm ghét đã tạo ra từ đầu; một cách bình dân là: nói một lần cho xong!
Cái sự “nói một lần cho xong” đó là trải nghiệm rất hay ho. Cứ ngỡ như rằng Bernhard vừa cáu tiết vì kẹt cửa, và chỉ từ một khơi ngòi nhỏ như thế, ông ta chạy một mạch để lao đến chỗ căm ghét MỌI THỨ. Tôi nghĩ rằng đó là điều đáng giá nhất trong tác phẩm. Không phải là sự phơi bày, lên án, tự bạch hay truy tầm bản ngã… chính trải nghiệm văn chương mới là điều cốt yếu của tác phẩm. Bernhard làm cái việc đơn giản: đưa tất tần tật cuộc sống vào thước đo chung của sự tử tế và đương nhiên cái phần gớm ghiếc giả dối của cuộc sống phải lộ diện. Cuối cùng, ông ta chi tiết hóa nó đến mức kỳ cùng, không cực đoan mà rất tỉnh táo và trí tuệ, sắc sảo. Một nghệ thuật của sự căm ghét.
Thomas Bernhard không căm thù đến vậy (ai đủ sức mạnh để căm thù nhiều thế?). Ông ta lao đầu vào sự căm thù thì đúng hơn. Lao đầu vào và say mê lạc thú với nó.
Và như tôi đã nói, và vẫn thường tin, văn chương là một cái gì đó ngoài hành tinh, một vẻ đẹp quỷ dữ, nó cho mọi giới hạn hít khói. Kẻ nào đó đã nói văn chương chỉ đơn giản là hay, đẹp, vỗ về tâm hồn thì chắc chắn gã đó có ngay một suất nhân vật trong “Diệt Vong”… Và tôi, một kẻ thần tượng văn chương trác tuyệt của Ivan Bunin, vẫn thấy ngay cái sự điên rồ kinh khủng của lão trong tình trạng rối loạn thơ văn: đang viết văn hay, không chịu được nữa, táng ngay thơ vào giữa tác phẩm (truyện ngắn Ở Một Phố Thân Quen). Đấy là một sự cựa quậy khỏi những chừng mực.
Kẻ nào đó đã nói văn chương chỉ đơn giản là hay, đẹp, vỗ về tâm hồn thì chắc chắn gã đó có ngay một suất nhân vật trong “Diệt Vong”… :)))) Đánh đá vãi :D
Trả lờiXóa