Chuyển đến nội dung chính

[xa hiên nhỏ] chương 2 - những cô gái tuổi hoa


Tối hôm đó, Mai Hạnh về nhà trên đôi chân bồng bềnh. Cậu đã gặp lại nàng sau kỳ nghỉ Tết buồn tẻ đằng đẵng trong một buổi hẹn hò thân mật. Dường như nàng đã hướng đôi môi về phía cậu. Nàng đã dụi đầu vào vai cậu như một con mèo nhỏ, nàng khẽ xỏ tay vào túi áo của cậu. Đôi mắt nàng lúc nào cũng lơ đễnh, luôn nhìn sang góc dưới bên phải. Nó vừa đẹp, vừa buồn, vừa như đang mưu tính một thứ gì đó rất thông minh. Tóm lại, người ta sẽ cứ phải truy đuổi đôi mắt của nàng. tóm lại phát nữa, cậu đã không hôn nàng khi cả hai bước xuống cầu thang quán Cư Xá, lúc mà cậu thấy nàng đi thật chậm rãi muộn phiền. Cậu mê mẩn vẻ đẹp lung linh của cái khung cảnh đó, lúc ánh đèn đường lọt qua những khuông sáng trên thềm chiếu nghỉ. Nhưng cậu chỉ đong đưa theo bước chân của nàng mà thôi. Một nụ hôn là vô nghĩa trong phút giây tựa như cả hai cùng khiêu vũ trong điệu nhạc trần gian.

Trong bộ quần áo theo phong cách Bohemiens, trông nàng như công chúa nhỏ của một bộ tộc với những luật lệ đủ hà khắc để bao xiết dục vọng phụ nữ. 
Bây giờ cậu băng qua những con phố đêm chuếnh choáng, xuyên qua làn mưa nhỏ. Mưa là một loại rượu, chỉ khác là nó làm say khi tác động lên những thứ bên ngoài chủ thể tiếp nhận. Mai Hạnh ghét ẩm ướt, nhưng trong một số điều kiện về cảm xúc, vi mưa ngọt ngào vẫn làm cậu say đắm.
Mai Hạnh không có con đường nào khác. Cậu ta luôn chỉ phóng chiếc Classico Mio trên con đường ấy, con đường của mộng tưởng hư huyền, được nhào nặn lên bởi những nét nhòe của cảnh vật, những suy tưởng rối bù về những gì đã xảy ra và những giai điệu thường trực trong đầu. Mai Hạnh hát tình ca bằng dây thần kinh và tiểu não. Cậu tưởng như cuộc sống là MV ca nhạc, lúc nào bạn cũng ở trong một scene, và lúc nào trong khung hình của bạn cũng đầy rẫy biểu tượng nghệ thuật.
Xét cho cùng, quan niệm sống đó chẳng có gì là hại.
Ngôi nhà nằm trong cái ngõ nhỏ, khu dân cư của công nhân viên chức. Ban đêm, chỉ thấy lác đác vài bóng người đi lầm lũi dưới vũng sáng loang lổ, trông như tên sát nhân trong tiểu thuyết Jack The Ripper đang lẩn trốn. Nó không chỉ buồn, mà còn nhạt nhẽo. Thứ đẹp đẽ nhất là một ngôi nhà với giàn hoa tím biếc ở cuối ngõ. Có mưa thì đỡ hơn, người ta có thể hát bolero trong cảnh này, nếu chỉ nhìn xuôi về phía cuối ngõ, cố tình không biết đến con đường trung tâm của quận ở cách đấy chỉ vài trăm mét. Một người bạn của Mai Hạnh nhận xét rằng đó là sự hiu hắt giả tạo, hoặc có chọn lọc của một nhóm dân cư thiếu khỏe khoắn.
Mai Hạnh không cần phải đi khẽ. Ngược lại, cậu muốn nhắc nhở bố mẹ rằng anh cũng biết đi về muộn. Một hành động mà theo Mai Hạnh sẽ mang lại nhiều ý nghĩa phản biện. Một mặt với bố, Hạnh muốn khẳng định rằng cậu không phải đứa trẻ nhút nhát, luôn chỉ đắm chìm vào thế giới của tưởng tượng, hoặc một thanh niên trì độn luôn chốt chặt cửa phòng. Một mặt với mẹ, cậu muốn mẹ dần dần chấp nhận việc nới giờ đi về của con trai từng chút từng chút một, như thể người ta tập quen với tiếng kẻng khuya.
Mẹ của Hạnh có gương mặt chỉ toàn những nét ngây thơ hồn hậu như một Ma Seuir . Nó gợi lên một cảm giác mong manh tội nghiệp, mà luôn dấy lên trong Hạnh rất mạnh mẽ khi cậu đối diện với . Sau này Hạnh tin tưởng rằng thứ nữ tính tuyệt đối đó đã di truyền một ít sang mình. Năm hai mươi tuổi Hạnh thoáng nhận thấy rằng cái cung cách đon đả và chất giọng mật ngọt của mẹ thực tế chỉ là một lựa chọn về phong cách. Thậm chí là một lựa chọn tốt, khiến mẹ cậu hiếm khi thiệt thòi trong thế giới do bà góp phần xây dựng lên. Hạnh nhận thấy mẹ cậu đôi lúc nói những câu giống nhau với một số nhóm người nhất định. Với tư cách người cáng đáng và quyết định hầu hết mọi vấn đề của gia đình, mẹ của Hạnh chưa bao giờ tội nghiệp. Nhưng không hiểu sao, cảm giác của cậu về mẹ vẫn không bao giờ thay đổi: cậu sẽ gục ngã nếu thấy nước mắt giàn ra trên đôi mắt vô tư xinh đẹp của bà. 
Hạnh không bật đèn phòng. Cậu quăng ném tất cả những gì ẩm ướt ra gần cửa. Thoát khỏi chúng, buông mình trên đệm mát, Hạnh nhìn ngắm những giọt sáng lấm tấm trên trần nhà và góc tường. Đó là đặc ân của màn đêm. Dưới ánh sáng, cậu suy tư ít hơn, và ít hạnh phúc hơn. Trong ánh sáng ngày, khi mọi đồ vật trong thế gian lộ ra những chi tiết gớm ghiếc, Hạnh luống cuống một cách thảm hại, nếu không vì nước da sáng và vẻ bề ngoài công tử, trông cậucòn tệ hơn cả Khanh. Hải Đường nói rằng Hạnh là kem ốc quế chứ không phải một gã đàn ông.
Đúng rồi, Hải Đường….
Hạnh bắt đầu chat với Hải Đường, và cả La Lan nữa. Trong những buổi tối đặc biệt, cậu không thể ngừng kể chuyện với hai cô bạn thân nhất của mình.
"Phương pháp không bao giờ sai. Tớ từng bị mê hoặc bởi một thằng xếp bên ngoài nhóm mà mình coi là mẫu đàn ông. Nguyên tắc là bất cứ đàn ông nào cũng có thể chinh phục được bất cứ một người phụ nữ nào. Tin Hải Đường này  đi, đừng nhìn ra bên ngoài, cậu có hằng trăm lợi thế...".
Hải Đường nói vậy, và cô cho biết cô sẽ rất hào hứng nếu được gặp nhân vật chính trong bài Sơn nữ ca. Tất nhiên là Sơn nữ ca của Hạnh. Ở đây chúng ta khó lòng khẳng định rằng Hải Đường có xinh hơn nàng sơn nữ đó không. Trong trường hợp này, so sánh là ngu ngốc: Hải Đường không thể mặc đồ Bohemiens, bởi với vóc dáng cao, mảnh mai và khuôn mặt đài các, cô dễ tỏa sáng trong bộ sườn xám. Vì thế đó là hai vẻ đẹp khác nhau. Đóa quỳnh và đóa Hải đường. 
Nghĩ về Hải Đường xua tan nỗi cô đơn đeo đẳng Hạnh sau khi tiễn nàng thơ ra về. Thật tầm bậy nếu nói không có tình bạn khác giới. Có vô số chuyện bạn không thể kể với người cùng giới, và một số lượng tương đương chuyện như thế không thể nói cho người yêu. Hai đối tượng đó trong một vài khía cạnh phải được xếp bên kia phần sân dành cho đối thủ. Với Hải Đường, cậu là Don Fabricio bên cạnh người dì của mình. Với La Lan, cậuvẫn là thằng nhóc đội mũ nồi bảy màu ngày nào, luôn cố gắng tưởng tượng ra những hải trình trên lưng con cá mập để kể cho cô nghe.
"Tớ vẫn thích cậu kể lại mấy chuyện hồi đó. Thằng cha dũng sĩ của cậu lắm phép thuật quá, con cá mập gần như không phải làm gì cả".
La Lan nhiều lần nói vậy và cười khúc khích. Hạnh nhớ lại rằng hồi đó cậu không biết kể những câu chuyện bịa đặt của mình với ai, những thằng con trai ngu ngốc đã hết mộng tưởng từ hồi lớp năm, khi chúng nó nhận thấy thay đổi trên cơ thể. Thật ra chính La Lan cũng không mấy quan tâm, nhưng kiểu của cô khác: lúc đó cô đang chúi mũi vào Harry Porter, Tứ quái TKKG… La Lan mê đọc từ rất sớm, cô luôn sợ trang cuối sắp đến. Khi Hạnh bắt đầu dấm dúi quyển sách trong ngăn bàn, và chép lại những đoạn hay (đương nhiên, cả phóng tác nó nữa) trong “Sông Đông Êm Đềm” vào quyển sổ bí mật thì La Lan đã kịp mang một cặp kính to dày. Khi Hạnh kịp nhìn ra cái thế giới La Lan đã mê mẩn thì cô đã đi ra khỏi đó. Và tuổi bướm sầu cũng vĩnh viễn trôi qua.
"Cư Xá thế nào?" - La Lan hỏi trong khung chat Skype.
"Rất gợi. Cảm ơn đã giới thiệu cho tớ".
"Mọi đứa con gái đều thích chỗ đấy. Bây giờ tớ không bị lừa bởi cảnh trí trong quán cafe, nhưng tớ vẫn thích đến đó. Bạn ấy tên gì?"
"Tưởng Như".
Khi quan sát nàng di chuyển thật nhẹ nhàng và buông mình xuống chiếc ghế đẩu của quán, Hạnh tưởng tượng ra Tưởng Như trên cánh võng chập chùng giữa bóng tối và ánh sáng khuôn mặt nàng giống như thiếu nữ trong những bức chân dung cổ điển của Morimoto[1]. Hạnh mơ màng nghĩ về những cuốn video cũ, nét đẹp u uẩn của thập niên 90.
"Cái tên gợi ra một sai lầm". - Hải Đường nhận xét, trong một khung chat khác.
"Chính Như cũng ghét cái tên đó. Cô ấy còn nói, ghét cả giới tính của mình".
"Nói chuyện gì với em ấy thế?"
"Vẫn như chuyện hôm trước. Âm nhạc thời trước, cô ấy hào hứng kể về một bộ phim cũ, có Naomi Watt[2]. Nhưng cô ấy nói chuyện hơi rườm rà. Bố cô ấy là họa sỹ, và Tưởng Như ghét đặc tông màu nóng của ông già. Cô ấy phải húp không dưới hai bát canh cua để giải độc".
"Em ấy giống cậu. Thích nói về mình. Cái này thì cậu giỏi lắm"
"Thôi nào, tớ đâu có như thế".
"Về chuyện thổi phồng cảm giác, tuổi 22 là sung sức nhất. Có lần cậu kể cậu đứng ngây ở nhà thờ đá vì tưởng mình lạc vào MV của Aerosmith[3]. Này nhé, với kiểu con gái cá tính, hãy chú ý lắng nghe họ. Họ sẽ đưa ra một mớ thông tin, có thể bằng lời hoặc không, bỏ qua quan điểm sống, nhưng hãy chú ý những câu chữ tiết lộ tiêu chí của họ".
"Ý Hải Đường là tớ sẽ phải vẽ một bức tranh toàn màu chân trời và cây cối tặng nàng?"
"Ngây thơ quá Hạnh ơi. Tình yêu là một trò thách đố, một buổi phỏng vấn xin Visa. Nó cũng có thể phụ thuộc vào tình huống và thời điểm".
Thời điểm? Hạnh nhớ đến cái vẫy tay tạm biệt của Tưởng Như, một kiểu chào của MC truyền hình. Tuồng như ngay sau khoảnh khắc đó khuôn mặt của nàng sẽ vụt trở lại vẻ lơ đãng lạnh lùng. Một buổi đi chơi đã xong. Nhưng với Hạnh, mọi khoảnh khắc bên nàng và cả khoảnh khắc xa nàng đều đáng giá, đều là những đặc ân từ Hóa công. Và nếu không có được nàng, thì chỉ việc được yêu nàng như một thi sỹ học trò mê mẩn một đóa hoa quỳnh nở muộn cũng đủ là hạnh phúc (Dĩ nhiên trong óc tưởng tượng của cậu, chàng “thi sỹ học trò” kia nhất định phải do Lê Công Tuấn Anh thủ vai).
"Nàng mới 20 tuổi đúng không? Đến đúng thời điểm cô gái ấy cần và mang lại cho nàng nhiều cảm xúc". - Dòng chữ trên khung chat của Trần Vũ La Lan. Hạnh tưởng tượng La Lan đang đắp chăn nửa người, đầu dựa vào thành giường và như mọi khi khuôn mặt tròn trịa khô cứng của cô bạn thoáng hiện nụ cười hiền hòa.
Hạnh đã không cầm tay và không hôn Tưởng Như. Khi bàn tay nhỏ nhắn của nàng luồn vào túi cậu, cậu chết trân như khi nhận một lời khen quá mức.
 "Đè ngửa nó ra, nếu đúng lúc". - Hải Đường nhắn, và dường như có thể nghe thấy tiếng nện phím xuyên qua không gian mạng.
"Đừng đùa nhé".
"Tùy theo tình hình thôi, có lúc chỉ để hôn và dừng lại. Có lúc phải tiến xa hơn. Miễn là cứ đúng thời điểm. Rồi cậu sẽ tự nhận thấy thời điểm. Con bé sẽ đánh giá cao cậu".
"Như thế là sỗ sàng và thiếu tôn trọng". - Hạnh quả quyết
"Hì hì. Đánh giá cao chỉ trái nghĩa với đánh giá thấp thôi, nó không liên quan đến chuyện tôn trọng. Cậu không thể trở thành cái mà đàn bà dễ dàng nắm bắt. Để như thế cậu phải thay đổi hình ảnh một cách quyết liệt".
"Về điểm này thì tớ giống Khanh Stein. Cậu ta bảo tình yêu là sự gieo trồng, nó có trình tự".
"Câu thứ hai thì cậu ta đúng. Chính tớ đang xui bạn làm theo trình tự. Còn Khanh khác cậu, theo kiểu thầy tu khác với một cậu nhóc".
Hạnh gập máy tính. Và cậu nằm ngửa ra giường, tận hưởng cảm giác mát rượi từ chăn và đệm khi chưa có hơi người phủ lên da thịt. Phòng của Hạnh vẫn giữ khung cửa sổ theo lối Pháp, với nhiều khe thông gió. Căn phòng đã nhiều lần được bài trí lại (kết quả của niềm cảm hứng được tổ chức một vương quốc ngăn nắp, chặt chẽ hoặc một pháo đài Brest ngay trong phòng mình), nhưng cuối cùng Hạnh nhận ra rằng cậu không bao giờ lưu giữ hoàn toàn chính xác hình ảnh căn phòng và thứ tự đồ vật, và suy cho cùng sự chính xác kiểu đó thật vô nghĩa. Hạnh chỉ cần nhớ căn phòng là đủ. Vào những trưa hè, ánh sáng rót qua những khe cửa này tạo lên một cái lược quang trải vào không gian phòng, trước khi nó được khuấy  lên bởi cánh quạt trần lờ đờ. Những buồn vui trên hành trình đầu đời, Hạnh chia sẻ với những người bạn vô ảnh đó. Ngăn bàn gỗ kia cầm giữ biết bao tâm sự u hoài của Hạnh, cùng những bí mật mà cậu phát hiện ra về thế giới này. Cũng có thể là những bí mật cuối cùng, từ đây...
Có vẻ như Hạnh vừa thiếp đi, trong những hình ảnh đầu tiên của trạng thái mơ tỉnh, Hạnh thấy chiếc ghế dài, những chiếc gối màu, những quả chuông dịu dàng và bàn tay của Như đặt lên đầu gối khum. Tiếng chuông điện thoại lôi cậu khỏi giấc mơ.
"Làm phiền quá, ngày mai lên văn phòng nhé". - Giọng của Hùng Panô
"Có việc gì thế? Hôm nay tớ đã xử lý xong cái video…"
"Video thì đăng rồi. Có chuyện này, liên quan đến cái tạp chí Quyên mà cậu sưu tập đó. Có người nhờ cậu nhượng lại chúng".
Trong một giây Hạnh liếc nhìn cái tủ phía góc phải gian nhà. Một thánh đường của những bộ sưu tập: băng từ, cassette, máy nghe nhạc, một số ấn phẩm về giới trẻ giai đoạn 1990 - 2004. Máu sưu tập Hạnh được di truyền từ bố. Cả hai bố con cậu đã đổ rất nhiều tiền vào công việc mà mẹ Hạnh quan niệm là “sự phù phiếm cuối cùng được phép”.
Hùng Panô cúp máy, trước khi Hạnh sực nhớ ra và định nói rằng cậu không hề có bộ sưu tập tạp chí Quyên.



[1]Danh họa người Nhật Bản, sinh năm 1943, nổi tiếng với tranh chân dung theo phong cách cổ điển Tây phương
[2]Naomi Watt: Minh tinh màn bạc Mỹ nhưng năm 1990
[3]Ban nhạc Rock nổi tiếng của Mỹ, hoạt động từ những năm 1970

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...