Chuyển đến nội dung chính

[xa hiên nhỏ] chương 5 và 6 - manh mối không ngờ


Chương 5 - Tài năng không đủ cho ham muốn

 Hùng Panô buông bàn phím. Đã không giờ đêm. Hai chậu cây nhỏ trên cửa sổ đã ngủ im lìm. Cuộc chạy đua với chữ đã đến hồi kết, hơn mười lăm tin bài được thanh toán trong một buổi tối xao động: một cuộc thi tình dục, bí mật của NASA, màn bôi tro chát trấu vào mặt Noam Chomsky, vụ ẩu đả bằng thái cực quyền giữa siêu thị, phát hiện bảng đánh giá mùi vị thịt người các chủng tộc, tiết lộ phương pháp tự sát gia truyền, vòng 3 đẹp nhất The Voice… Hùng Panô đặt lịch đăng tự động để có thể giãn thời gian ngủ sáng mai. Anh muốn chắc chắn rằng nỗ lực cá nhân của mình là đủ bù đắp cho thiếu hụt về nhân lực trong giai đoạn tháng tư này. Có thể những khó khăn không chỉ dừng lại ở chuyện nhân lực. Vả chăng, anh không muốn ngủ. Một người lính vừa thành công trong những pha chống trả đầu tiên không bao giờ muốn đi ngủ.

Hùng ngắm nhìn những nút bấm xanh đỏ, những dòng chữ sền sệt cô lại trên màn hình máy tính. Anh dừng lại ở cái hình mặt cười lè lưỡi, xoay đi xoay lại, biểu tượng mới thay của Tumblr, giống mặt lão Einstein trên bìa quyển sách của Khanh.  Anh tò mò bấm vào nút chọn biểu tượng, có chừng hơn ba mươi icon mới được cập nhật, mỗi cái mặt một biểu thị cảm xúc khác nhau, nhưng cùng ngúng nguẩy. Như một bầy ong trong đêm sâu.
Khung cửa sổ như một miếng gương dấp nước, hòa lẫn hai màu vàng đỏ của phố đêm thành một dải sáng lập lòe. In lên trên đó, bóng của chiếc máy xúc lờ đờ lại qua tựa như bóng của một tên què nhảy điệu Valse.
Hùng nhấp một ngụm café ngọt. Không có cần sa. Bây giờ anh muốn tỉnh táo. Hùng đã 26 tuổi, bằng người trẻ nhất của Thần Sáng năm đó. Rất lâu rồi anh không trở lại quê nhà. Quê nhà bây giờ ồn ào hơn cả thành thị. Bố mẹ anh đã thôi thất vọng về đứa con, nhưng họ vẫn nhận những khoản tiền bằng sự dè chừng pha lẫn nghi ngờ. Trong một khoảnh khắc êm đềm của mùa xuân năm nay, anh chợt thấy mình đã không còn thuộc về họ, về gia đình. Không phải hoàn toàn, nhưng có một vài phần quan trọng. Và cái phần này sống dưới một niềm đơn độc rất khó diễn tả.
Anh đã lên đường. Bây giờ thì phải thực sự quan niệm rằng cuộc đời là một con đường, dù không còn đông vui như hồi 22 tuổi, và dù Hùng rất ghét sự so sánh này. Sự so sánh đó là một mở màn quen thuộc của Minh Hải (cùng một loạt cộng sự có điệu cười và diễn ngôn tương tự anh ta ở Thần Sáng). Hùng đã quên hầu hết mọi chi tiết trong cái nhân ảnh mờ nhạt của Minh Hải, chỉ trừ đôi mắt sáng rực. Ẩn trong đó là một đam mê mà không thể miêu tả bằng từ nào tốt hơn là dục vọng: phô ra một nửa, một nửa còn lại giấu nhẹm ủ kín, tựa như người ta thủ sẵn một con dao. “Anh đừng nói về Phật pháp, đôi mắt anh chứa đầy ham muốn”, cô sinh viên tinh quái bảo. Và Minh Hải cười nhếch mép “Ham muốn của anh chính xác là xóa bỏ tất cả mọi ham muốn. Và giúp mọi người thoát khỏi vòng xoáy đó trên lộ trình của mình.”. Một đoạn đối thoại dưới chiếc quạt trần màu gỗ mun khổng lồ ở văn phòng Thần Sáng. Vòng xoáy, lộ trình… Minh Hải rất giỏi dùng những hình ảnh đó. Anh ta vẽ lên một dòng sông cuồn cuộn và một chiếc xuồng có mái che. Điều quan trọng nhất là phải cải thiện máy móc, tốc độ của chiếc xuồng thì anh mới vượt qua thác và đến đích. Minh Hải nhấn mạnh nó như một chủ trương và xoa dịu cái ấn tượng dạy đời của chính câu nói bằng hành động vuốt cằm lơ đãng, hoặc đôi lúc kể một giai thoại hài hước tự trào về bản thân. Anh ta luôn bắt đầu câu chuyện thật chậm, tựa như một con rắn trườn, trước khi tung đòn mổ quyết định: một câu hỏi cá nhân trực diện, ngay giữa màn cao trào của đề tài Thuyết tiến hóa Darwin. Em gặp vấn đề gì vậy? Đừng nhìn đi đâu, nhìn vào mắt tôi. Cuộc sống là sự khác biệt của ngày hôm nay và ngày mai. Chỉ có độ chênh giữa các nốt mới làm nên âm nhạc. Cuộc sống không phải là những gì đã đọc và đã thấy, nó luôn là những điều khác để đi tìm…
Chính xác thì những chi tiết đó được củng cố trong trí nhớ của Hùng nhiều nhất là vào cái ngày Hùng quyết định cái việc mà Minh Hải gọi là “cuộc đào thoát”: bỏ học. Từng lời của anh ta vẫn còn văng vẳng bên tai “Giáo dục đã làm hỏng cậu. Và rồi cậu ngồi đó cũng lại làm hỏng nó. Giải phóng cho cả hai”.
Cái bóng máy xúc - hình nhân què quặt đã thôi nhảy múa. Người nghệ sỹ ngốc nghếch đó đứng lui về mép cửa, cúi đầu hôn những chậu cây ngủ khì.
Bây giờ thì phải thực sự quan niệm rằng cuộc đời là một con đường.
Phép so sánh có thể đần độn, nhưng nghiêm túc. Vả lại, cái cần phải xem xét là bạn đang đi trên con đường của mình bằng một chiếc xe bán rong. Hùng thấy mình giống một gã lái buôn chuyên làm ăn với bọn thợ xây lưu động, đến rồi không bao giờ trở lại. Kiếm tiền trên mạng là như thế, kêu như ếch, cười như khỉ và luận điệu như vẹt. Và chìm vào lãng quên như một bầy ong trong đêm sâu.
Anh nhớ nàng. Nàng vụng về vẫn thường lượn qua lượn lại, không phải trong căn phòng này, nhưng trong bóng đêm tương tự như thế này. Đôi chân trần, đi bình bịch trên sàn gỗ. Nàng có mùi oải hương. Nàng sáng ngời bên bục cửa, rồi gầy gò đi hòa giữa dòng người phờ phạc chen nhau. Ngón tay nàng như bông gòn, dò theo đường nét, phác họa lại gương mặt anh. Đôi mắt nàng mở to trong đêm câm lặng. Một tình yêu tràn đầy, vô vọng, nhấn chìm anh trong sợ hãi và mệt mỏi.
Bằng cách nào nàng đã ra đi? Nàng không để lại gì cả, thậm chí cả nỗi buồn cũng không, hụt hẫng cũng không. Chẳng gì hết. Một cái đầu rỗng rễnh và vòm ngực trống tuênh toang. Nhưng không phải là không có những giây phút mùi oải hương thoáng bay trở lại (Nhất là khi xung quanh anh có Hải Đường). Cũng có vài lúc, anh định viết gì đó về nàng, cho riêng anh. Nhưng cứ cất phím lên anh tưởng mình đang tiếp tục hoàn thành chỗ tin bài, trong mục Tâm sự tình yêu. Khỉ thật, quên cái bàn phím đi, nỗi thống khổ đương đại, chúng ta sẽ đi mua một quyển sổ và một cây bút. Hùng học cái cách tự xưng với mình là “chúng ta” từ Thức. Và chỉ một hai hôm sau không biết ai trong số “chúng ta” của Hùng bực mình quăng luôn cái cây bút mới tinh đó đi. Chưa phai một giọt mực nào. Có lẽ đám bản ngã đó không có tài năng viết, đã vậy lại còn bị chính nghề nghiệp của mình cướp đi ngôn từ.
Điều tệ nhất là tài năng không đủ cho ham muốn.
Hùng buồn ngủ rồi. Hôm nay hình như anh thấy trong đôi mắt Thức và Mai Hạnh – những người bạn tựa như em trai - có ánh nhìn của anh ngày xưa. Anh uể oải đứng dậy dọn bàn, quét một đường để đám vỏ bánh kẹo và cốc nhựa rơi gọn vào thùng rác. Ôi bánh kẹo vĩ đại, café cứu rỗi, cần sa muôn năm.
Chừa lại quyển Quyên mất bìa của Hạnh, nằm mơ mộng trên bàn.
Bỗng nhiên anh nghĩ nếu tìm ra được đám tạp chí ngớ ngẩn này, không chỉ một mà sẽ có vài phong bì. Chưa bao giờ anh hết tin vào phong bì trong buổi khó khăn.






Chương 6 - Manh mối không ngờ

Thức cảm thấy bất ngờ vì thời gian gần đây, mỗi lần cậu mở cửa văn phòng, đều thấy Hải Đường đã có mặt từ sớm. Nếu không phải là đang ngồi xem sách thì đang trò chuyện với Hùng, trong một chủ đề gì đó cần những lời thoại nhẹ nhàng dí dỏm. Trước đây ta luôn thấy Hùng Panô độc chiếm cái bàn to nhất, Khanh Stein hài lòng với chỗ bên cửa ngách, Mai Hạnh lóng ngóng trên chiếc salon, còn Hải Đường thì chỉ như nàng búp bê Barbie lơ đễnh đi lạc tới đây. Trừ Khanh Stein khổ hạnh, còn lại thì cái thứ tự thường hằng đó có vẻ như đang khác đi.
Tất nhiên Thức không thể kiềm chế được thói quen nhận xét những thay đổi xung quanh mình. Khi đó, cậu bắt gặp cái nhìn của Hải Đường, mắt mở to, đuôi mắt dài, vô cùng điện ảnh: “Tớ đang bị theo dõi, đến trú ngụ thôi”. Và đợi cho Thức rơi vào khoảnh khắc sững sờ hiếm hoi, Hải Đường lại bụm miệng cười. “Thực mà, có kẻ nào đó theo dõi tớ. Và tớ đến tìm Lê Phong[1] để giải quyết”.
“Lê Phong tùy từng lúc thôi” – Thức phẩy tay – “Với người đẹp Hải Đường, tôi thích làm Edmond Dantes[2] hơn”.
“Đẹp, dĩ nhiên, là công việc của tớ. Tớ là sứ giả thương hiệu cơ mà. Thế nên, tớ không đẹp cho cậu đâu”.
“Một cuốn sách uy tín bảo rằng một người bạn khác giới xinh đẹp chỉ cần xuất hiện trong tầm nhìn của ta là đủ để mang lại một cảm giác phấn chấn phi thường”.
“Cậu tín nhiệm sách của nhà khoa học Khanh Stein từ bao giờ thế?” – Hải Đường cười khúc khích…
Cứ như thế. Và rõ ràng nếu không bị cản lại bởi Hùng Panô, những chuyện phiếm của Thức và Hải Đường tưởng như có thể kéo dài và dựng thành ba bốn vở kịch phi lý được. Hải Đường bằng tuổi Hùng, nghĩa là đã trải đời hơn Thức. Cô là một đối tác lý tưởng để phát triển những diễn ngôn trọc ngoáy dí dỏm thành một cuộc rong chơi tưng bừng trên bề mặt của ngữ pháp sa đọa. Trong cái miền lãng du đó, Hải Đường có thể làm tổn thương bất cứ kẻ nào, bằng cách châm chọc tim đen của anh ta. Đôi lúc cô rất chú ý đến việc đó, đôi lúc thì không. Không phải là vì cô muốn tránh thói chua ngoa, mà chỉ đơn giản cô là một thợ săn ưu phiền và phóng khoáng trong cuộc chơi hội thoại.
Đôi lúc Thức cho rằng đó là một trong những nét ưu tú âm thầm nhưng sang trọng nhất của một người đàn bà. Cậu nhận thấy rằng thật khó để không nói rằng Hải Đường dễ thương hơn cái biệt danh bà cô già mà chính Thức gán cho Hải Đường và thật khó để phủ nhận rằng cậu rất vui khi cô có mặt ở đây. Trong tầm nhìn. Không biết Hải Đường có nghĩ như thế hay không?
Nhưng dù thế nào thì Hùng Panô cũng đã xuất hiện cắt ngang dòng suy nghĩ của Thức. Hùng Panô thông báo rằng anh cần sự có mặt thường xuyên hơn của mọi người trong nhóm để bàn bạc về hướng đi. Với tốc độ thay đổi của cư dân mạng hiện nay, có thể mỗi tháng lại phải đổi hướng đi một lần.
“Tháng trước họ cười ngoác cả miệng ra vì bóc mẽ được một cơ quan chính thống.” – Hùng nói – “Thì tháng này họ phải thích trầm ngâm để moi ra những thông tin cận vấn đề hơn”.
Hùng quả quyết như vậy và anh đề xuất một loạt bài có tính phản biện nghiêm túc. Tự viết, hoặc góp nhặt rồi chuyển thể sang dạng Đa phương tiện. Gài thật nhiều từ khóa liên quan đến những lý thuyết về lập luận và ngụy biện vào.
Hải Đường không có ý kiến gì. Cô thường lặng im trước những phán đoán của người khác. Và cô chỉ tập trung vào điều mà cô luôn muốn thực hiện ngay: khôi phục lại kênh Youtube, chúng ta đã bỏ hoang nó khá lâu. Cô đã tìm được một nguồn nội dung nói về bệnh tật và cách chữa bằng rau củ quả, đất sét… Rau quả sạch đang là một đề tài nóng. Và cô khẳng định mình đang nắm giữ một nguồn nội dung độc đáo và thu hút. Chỉ ba tháng sau ta sẽ lại thấy hóa đơn thanh toán của Youtube.
Khanh đồng ý cả hai tay. Bằng phong cách rề rà quen thuộc, cậu lập luận rằng lẽ ra Cú Vọ phải tự xây dựng một vương quốc thông tin ngay từ đầu, thay vì lèo lái theo cơn bốc đồng tập thể trên Internet. Hơn nữa, làm như thế tạo ra nhiều giá trị đích thực hơn. Một thoáng im lặng. Suy cho cùng, thật khó để khẳng định ngay rằng có thể thành công hay không với một nội dung khi chưa hề biết đến thị hiếu của số đông. Đó là còn chưa nói đến việc những khái niệm liên quan đến xây dựng thông tin có chủ đích, có tính định hướng đều tương đối mập mờ. Báo mạng chính thống có khi còn lao đao…
Thức cũng đồng ý với ý tưởng của Hải Đường, nhưng trên một phương diện hoàn toàn khác. Cậu huých nhẹ cánh tay của Hải Đường và nháy mắt nói rằng trên đời chỉ có cô là mát lành hơn cả rau củ quả.
Thông thường cuộc hội thảo sẽ kết thúc như thế, trong sự hòa hoãn nhất thời. Tất cả đều ngầm hiểu rằng bây giờ chỉ cần may mắn kéo được một hợp đồng quảng cáo, những điều được bàn tán vừa rồi sẽ tan nhanh như khói thuốc lãng quên. Mọi người sẽ làm việc như cũ, đúng cái cách mà Cú Vọ vẫn thường vận hành, lầm lũi tiến lên, không soi gương, không thắc mắc. Nhưng cái hợp đồng đó chưa đến, có thể chẳng bao giờ đến nữa. Thậm chí, việc giữ những đối tác kiên nhẫn ở lại đã là một nan đề.
Chỉ có một tiếng chuông cửa thôi. Mụ Hoa béo chăng? Sắp phải đóng tiền nhà rồi. Hay Mai Hạnh bắt chước Thức giở trò nghệ thuật thể nghiệm? Khanh uể oải bước ra. Một khuôn mặt trái xoan xinh đẹp về giữa đôi kính cận thị thiếu độ của cậu. Mái tóc bồng bềnh uốn xoăn, chiếc đầm suông rộng thùng thình, rất nhiều vòng tay và cổ... Nàng như vừa trở về từ một lễ hội đường phố ở Bello Horizonte, còn mang theo nguyên hương say và đang đi phát tán những thông điệp phóng túng về mùa hè man dại.
"Em là Tưởng Như ạ." - Nàng giới thiệu, có phần tự tin - "Bạn của anh Mai Hạnh”.
Trong khi Khanh còn đang lúng túng, Thức đã nhanh miệng mời vị khách xinh xắn vào trong nhà. Cậu trưng ra cái điệu cười giễu nhại quen thuộc: “Thêm một người đẹp nữa. Nào, cô muốn đặt hàng chúng tôi truy tìm tạp chí nào?”.
Hùng Panô cố hết sức để không cười: “Mai Hạnh không có đây. Nó đang trong giai đoạn vắng mặt em ạ”.
“Em biết ạ. Hình như có chuyện gì với anh ấy.” – Nàng đảo mắt nhìn xung quanh căn hộ trước khi rụt rè đậu ánh mắt lần lượt lên Thức, Khanh và dừng lại ở Hải Đường – “Anh ấy cũng nói rằng sẽ gặp em sau. Em hơi lo lắng”.
Nhưng chất giọng thì không có vẻ gì lo lắng.
Hải Đường đưa mắt nhìn Hùng, cả hai đều hiểu lý do.
“Nó đang dùng khả năng y khoa giúp chúng tôi một vụ mất tích bí ẩn.” – Thức làm ra bộ nghiêm trọng – “Một cô gái biến mất sau khi nhận lời mời đến một bữa tiệc không người”.
“Khả năng y khoa gì cơ ạ?” – Tưởng Như hỏi, trong vẻ ngây thơ.
Thức làm bộ ho hắng: “Nó là bác sỹ Watson[3], Mai Hạnh chỉ là biệt danh thôi. Nó đề nghị chọn một cái mật danh nữ tính để ẩn thân”.
Hải Đường huých vào hông Thức, ra hiệu đừng đùa. Cô nói: “Hiệp sỹ không ngủ của em đang nổi máu giang hồ vặt, mấy hôm nữa anh ấy quay lại ngay thôi”.
“Em biết.” – Như tươi tỉnh – “Chính anh Mai Hạnh bảo em có gửi gì cho anh ấy thì qua đây. Chẳng là, hôm qua em nhắn rằng em có quà tặng anh ấy”. Nàng đặt túi đồ màu xanh lam lên bàn, trong một cử chỉ nhờ cậy.
“Này em gái. Anh ta kể gì về tụi này?” – Hải Đường ngó Tưởng Như bằng một ánh mắt công tử, trong một giây, cô bỗng muốn giả trai.
“Rất nhiều ạ.” – Tưởng Như biểu lộ sự hân hoan – “Anh ấy nói rằng nếu anh ấy là Ivan Bunin anh ấy sẽ chỉ viết sách về những người bạn ở Cú Vọ”.
“Tôi tưởng là phải Jerome Klapka Jerome mới viết về tụi này.” – Thức nhăn mặt – “Mai Hạnh lì lợm nhưng dễ tin trong tình cảm, ngưỡng mộ lung tung phèo hết cả. Tụi này cho gì nó cũng ăn, đưa cuốn gì là nó đọc bằng hết”.
“Đừng tiêu cực như thế.” – Hải Đường phẩy tay, tinh quái – “Mai Hạnh có đôi mắt thẩm mỹ thiên tài, đúng không Tưởng Như?”.
“Em nghĩ là anh ấy có những người bạn tốt để ngưỡng mộ thực sự, anh ấy rất chân thành”. Tưởng Như tươi tỉnh: “Chị là Hải Đường ạ? Còn anh là anh Thức?”. Và nàng thận trọng ngó hai người còn lại. “Ai là anh Khanh và anh Hùng ạ?”.
Hùng Panô giơ tay: “Tôi là Hùng, trưởng nhóm Cú Vọ, bạn trai em không nêu thêm biệt danh à?”. Còn Khanh thì gật đầu, theo kiểu thừa nhận rằng chính là tôi đây, thằng cha đó đây, Khanh Stein. 
Ánh mắt nàng lóe lên vẻ ngưỡng mộ: “Có vẻ em đến đúng ngày may mắn gặp một lúc bốn người bạn mà anh Mai Hạnh nhắc đến nhiều nhất. Văn phòng của anh chị cũng thật là đẹp nữa, bản hòa ca của màu trắng và màu lam ngọc”.
“Công sức của Hải Đường đấy.” – Thức hào hứng – “Em có thể dạo quanh mà thăm quan căn phòng. Tất nhiên là trừ cái bàn của Hùng Panô ra. Hải Đường tỉ mẩn từng chi tiết. Tụi này cũng phải nỗ lực từng chút một để không phá bĩnh bản hòa ca mà em nói”.
Biểu hiện của Tưởng Như cho thấy nàng bị cuốn hút thực sự vào những đường nét, hình khối của không gian căn phòng. Nàng đưa tay vuốt ve hàng gáy sách, chiêm ngưỡng bức họa treo tường. Nàng di chuyển nhẹ nhàng chậm rãi như một khúc âu sầu trong vở Ballet. “Rất nhiều sách triết học.” – Tưởng Như búng ngón tay, nàng bất ngờ quay mặt – “Của anh Khanh đúng không?”
Câu hỏi kéo Khanh ra khỏi cái bộ dạng trầm cảm của cậu. Khanh chỉ ừ một tiếng.
“Anh đọc sách triết?”
“Em giỏi thật, có cuốn nào in chữ triết đâu mà em nói sách triết” – Khanh cười nhạt, cậu hình dung nàng sẽ hỏi những câu ngớ ngẩn đại loại như “Anh đã đọc hết chỗ này chưa?”.
 “Thầy em bảo rằng cuốn nào cũng có thể là sách triết, trừ những cuốn in chữ Triết Học”.
“Thầy em là ai?” – Đôi mắt của Khanh có hồn trở lại.
“Thầy Tuấn Uy. Lê Hoàng Tuấn Uy, khoa Sử.” – Tưởng Như vuốt tóc, những chiếc lắc tay va vào nhau kêu leng keng.
“Em thật may mắn.” – Khanh bật ngón tay, như một nút Like – “Tôi rất mê sách của thầy. Mặc dù nó khá điên rồ và phiêu lưu”.
“Em học khoa Sử ở trường Đại học Văn hóa á?” – Thức tò mò.
“Em học năm thứ hai ở đó”.
Thức gật gù: “Hay đấy. Anh thích câu chuyện của sinh viên năm thứ hai. Lẽ sống, tình yêu, son dưỡng, Sigmund Freud, Samsung Galaxy Note, Trần Đức Thảo…vân vân…”
“Nhưng em vẫn không hiểu...” – Tưởng Như thắc mắc, nâng tone giọng thêm nửa cung – “Vậy những bộ như Lịch sử triết học Châu Âu trước XIX không phải là triết học ạ? Hay cuốn Triết học Hiện sinh của Trần Thái Đỉnh?”.
“Cái đó anh nghĩ là tùy người đọc thôi.” – Khanh Stein khoanh tay trước ngực, đầu hơi cúi, như đang xưng tội với chính mình – “Có lẽ quan điểm của thầy Tuấn Uy, đó chỉ là những khảo luận về triết học, tức thuộc một bộ môn khoa học nghiên cứu Lịch sử tư tưởng. Còn những tác phẩm triết học nghiêm túc, nó vượt qua khoa học và thường nói về những thứ rất khó nhằn”.
Tưởng Như cầm ngẫu nhiên một cuốn sách. Nàng hạ mình xuống ghế salon, trong một động tác của miêu nữ. Nàng tỏ ý chăm chú lắng nghe Khanh nói. Đôi chân của nàng mỡ màng, trắng trẻo nhưng không nõn. Một kiểu chân mà Khanh Stein lâu rồi chưa gặp. Cậu không hào hứng lắm đôi chân của Hải Đường, nó quá người mẫu, quá ma nơ canh: không thể hôn lên đó để thấy môi mình ngập trong thịt. Đôi chân của Thu Hà, với phần xương ống bóng loáng, thì lại quá phô trương.
“Nhưng mấy cuốn khảo luận cũng là tóm tắt, nhắc lại luận điểm các cuốn sách triết học. Vì thế bản thân nó phải mang triết tính.” – Tưởng Như cố gắng đưa ra một phản biện nhẹ nhàng.
“Em nói không sai.” – Khanh Stein lắc lắc đầu, đẩy cặp kính trên sống mũi, tay có phần run run – “Có rất nhiều người hát cùng một bài hát. Nhưng chỉ có rất ít trong số đó là ca sỹ. Tính chất triết học là một kiểu như thế. Những cuốn khảo luận chỉ là thứ nói ra, nhại lại. Trong khi đó, những tác phẩm đích thực mới là tiếng nói ban đầu. Nó mở ra một thế giới, truy đuổi các vấn đề, cũng có thể đâm đầu vào ngõ cụt, bóng tối. Còn những cuốn khảo luận thì lúc nào cũng đứng trong ánh sáng và nói oang oang như loa phường Nghĩa Tân”.
Rồi Khanh hơi rướn mình, nhìn trân trân vào một vũng tối tưởng tượng trước mặt, có một chút xúc động, dường như vậy, trong giọng của cậu: “Triết học là một câu hỏi, không phải là câu trả lời”.
Tưởng Như ngẫm nghĩ điều gì đó. Một thoáng sau, nàng đưa ánh mắt hút hồn về phía Thức: “Vậy những câu chuyện của sinh viên năm cuối là như thế nào hả anh?”.
Thức hơi bất ngờ vì cô bé vẫn nhớ câu đùa hồi nãy. Đương nhiên trong mọi tình huống, cậu luôn có một lá chắn vững vàng: “Nhiều thứ để quan tâm lắm. Anh quan tâm nhất đến công lý. Có những tên tội phạm nguy hiểm, trong vụ Roger Ackroyd[4] chẳng hạn. Lại có những tên thám tử sa đọa, đến cuối cùng mới tiết lộ danh tính, như Thanh tra Carelli[5]”.
Hải Đường nhún vai: “Họ không phải là sinh viên năm cuối, mà là năm thứ nhất. Năm thứ nhất trường đời”.
“Anh Mai Hạnh bảo rằng anh là chuyên gia hiếm có về truyện trinh thám?” – Tưởng Như nghiêng nghiêng đầu, khuôn mặt trái xoan sáng bừng như trong thơ Lorca.
“Nó chỉ bảo anh mê trinh thám thôi.” – Thức hấp háy mắt – “Còn chữ chuyên gia hiếm có là của em”.
“Anh đang chứng tỏ mình là thám tử đấy thôi?” – Nàng cười tinh quái.
“Triết học còn là những lời khen khéo nữa hay sao ấy.” – Thức gãi má – “Nhưng bộ óc sáng giá nhất của tụi này là Hải Đường. Anh không đại diện cho nữ quyền luận đâu. Tuy thế ai cũng biết là không nên xem phim điều tra với Hải Đường vì đến nửa phim, chị ấy sẽ tiết lộ thủ phạm trước kịch bản”.
“Em cũng thích truyện trinh thám. Nhưng em thích văn học cổ điển hơn.” – Tưởng Như nói, ta phải hiểu rằng nàng không hứng thú gì với những vụ án tưởng tượng – “Điều duy nhất em suy luận được là chị Hải Đường có tài năng của một họa sỹ”.
“Chị có học một chút về bày trí không gian. Chị từng làm café rồi.” – Hải Đường nói.
“Không. Ý em là bức tranh treo tường”.
Cảnh biển hoàng hôn, nhưng lại tạo cảm giác sâu hút nhờ đặt mặt trời ở trung tâm xa thẳm. Một cậu bé đứng quay lưng về phía biển, khuôn mặt gần như khiếp đảm. Một nỗi sợ hãi huy hoàng đặt giữa không gian chói rực của những gam màu cơ bản, ít đổ bóng và tạo ấn tượng như một cảnh phim hoạt họa Châu Âu.
“Đấy là một kỷ niệm thời chị mê học vẽ.” – Hải Đường cười trừ - “Chị bắt chước Paul Gauguin, nhưng nó lại thành ra như thế”.
“Bố em là một họa sỹ.” – Tưởng Như hạ tông giọng – “Ông ấy luôn nói rằng hội họa là một loại ngôn ngữ đáng mơ ước. Trong nó có cả văn học lẫn âm nhạc. Tiếc là em không có khả năng thưởng tranh, mặc dù vậy, bức tranh đó cho em ấn tượng mạnh mẽ hơn cả tranh của bố em”.
“Nếu em để ý...” – Khanh Stein thình lình lên tiếng – “Thì tất cả mọi môn nghệ thuật đều muốn được so sánh với nhau. Văn học thì muốn làm điện ảnh, điện ảnh thì muốn thành một bài thơ, một bài thơ thì lại đẹp tựa bức tranh… vân vân. Nhưng mỗi thứ đều có ngôn ngữ riêng, và chỉ nói được duy nhất thứ ngôn ngữ của nó”.
“Như vậy nghĩa là tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều là biểu hiện cho thông điệp của tác giả.” – Tưởng Như gật gù, theo cách một cô bé vừa khám phá ra tiêu chí tặng quà của ông già Noel sau đêm Giáng sinh.
“Không hẳn là như thế, có những khoảng trống nhất định để chúng tự nói thứ tiếng của chúng.” – Lần này là Thức, anh nhìn Khanh – “Chẳng riêng gì tranh vẽ. Mọi thứ xung quanh đều giống gái già lắm mồm. Chúng luôn hỏi, yêu cầu, kể lể, bày tỏ hoặc ra lệnh”.
“Em không hiểu?”.
“Lấy ví dụ nhé,” – Thức gõ ngón tay vào cằm – “Son môi của Hải Đường. Trước hết nó bảo rằng tôi cũng biết trang điểm, giống như mọi cô gái khác. Sau cùng nó gợi ý hãy tưởng tượng một nụ hôn. Và một cơ số thông điệp khác liên quan đến màu đỏ, sự chín mọng, sự ướt át…”.
“Nó chỉ bảo rằng nó hợp với cái mặt trắng bệch của tôi.” – Hải Đường vuốt một lọn tóc – “Còn lại là cậu tự suy diễn”.
“Chính là ở chỗ đó.” – Thức bật ngón tay, hào hứng – “Quan trọng là đọc được thông điệp. Đôi lúc tớ còn vẩn vơ nghĩ rằng son môi tự nó chẳng đẹp, chẳng qua vì phụ nữ đều dùng nó. Cũng như tất cả những thứ khác đều chỉ là hội thoại, kể cả phim sex”.
“Cũng thật khó nói. Còn phải xem lại khái niệm ngôn ngữ hay thông điệp.” – Khanh nói, như thể kể từ đây, cậu sẽ nói mãi – “Chúng đến từ hệ thống nào, và từ bao giờ? Lý thuyết nào chống lưng, che dù cho nó”.
“Và ai đã xúi bẩy chúng ta nghĩ như vậy…” – Thức cười tủm tỉm, đá mắt sang Hải Đường.
Nhưng Tưởng Như không để ý đến lời đùa của Thức. Trên khuôn mặt nàng: một nét sững sờ đến muộn, khiến người ta liên tưởng đến khoảng ngừng giữa nốt nhạc cuối cùng và tiếng vỗ tay trong một buổi trình diễn. Có lẽ nàng đang nhìn Khanh, còn Khanh thì đang ngắm một đóa hoa tưởng tượng trên bàn.
Hải Đường vuốt phẳng phiu váy áo, cô xua tay đẩy Thức dịch ra ngoài. Trong đầu cô thoáng hiện hình ảnh của bức tranh, mặc dù nó được treo ngay trên bức tường sau lưng. Hùng Panô ngồi yên ả ở vị trí ngoài cuộc trong câu chuyện của những ông cụ non, à không, những người bạn vẫn còn thật là trẻ. Anh thầm nghĩ tại sao cô bé kia không biến đi nhanh để anh còn châm điếu thuốc mới.
Nhưng không lâu sau đó, Tưởng Như ra về kèm theo lời cảm ơn về cuộc tán gẫu. Đó là một lời khen, hoặc đơn giản là một câu kết, tùy theo cách hiểu. Nàng không quên dặn gửi món quà cho Mai Hạnh, món quà mà nàng khẳng định là độc đáo, và đúng đề tài hai người luôn trò chuyện với nhau: một serie bài viết và phỏng vấn về sự du nhập nhạc Canto Pop (nhạc Hoa) vào nhạc trẻ Việt Nam từ những năm 1990.
“Bị em ấy hút hồn rồi à?” - Hải Đường véo Thức một cái, nghiêm nghị – “Nó là bồ của Mai Hạnh đấy nhé”.
“Con bé không khẳng định điều đó.” – Thức nhún vai.
Rồi cậu tò mò mở cái túi giấy màu xanh trên bàn. Mùi hoa hồng thơm lừng thoát ra từ miệng túi, hoặc của một cửa hàng quà tặng sành sỏi, hoặc từ sự chu đáo cẩn trọng của người tặng quà. Một hộp quà nhỏ, màu xanh lam, in hình những con bạch tuộc với đôi mắt cười cầu tài.
Và bên cạnh hộp quà nhỏ là bốn cuốn tạp chí cũ, tương đối mỏng, in đầu năm 1997 với ba màu khác nhau: tím, hồng và xanh lá cây. Trên bìa là những hình vẽ tay sân trường, ban công, lá rụng và cây đàn guitar.
Phía trên, phần tiêu đề: dòng chữ màu trắng dịu dàng ở font chữ Open Sans, in nghiêng: QUYÊN



[1]Lê Phong: nhân vật thám tử trong các truyện trinh thám của nhà văn Thế Lữ.
[2]Edmond Dantes: tên gốc của Bá tước Monte Cristo trong cuốn tiểu thuyết của Alexander Dumas. Dantes là một người hấp dẫn với phái nữ.
[3]Bác sỹ Watson: Cộng sự cho thám tử Sherlock Holmes trong các tác phẩm trinh thám lừng danh của Sir Arthur Conan Doyle (1839 – 1930, Anh).
[4]Một trong những tiểu thuyết kinh điển của thể loại trinh thám, trong đó chính nhân vật kể chuyện (bác sỹ James Sheppard) là thủ phạm.
[5]Nhân vật điều tra và cũng là thủ phạm trong tiểu thuyết Rigor Mortis của nữ nhà văn Brigitte Aubert (1956), chỉ lộ danh tính ở chữ cái cuối cùng trong cuốn sách.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...