Chuyển đến nội dung chính

Thế mà là trinh thám ư? (2): El Club Dumas

Ta cần thấy những gì vốn tưởng là bản chất, thì lại không phải. Đã rất nhiều lầm tưởng xảy ra, rằng án mạng - thám tử - tình nghi là những gì quyết định văn học trinh thám. Việc đọc cũng đi tong cũng chỉ vì tưởng: rất không ít người đọc Việt Nam chỉ đi chăm chăm dán nhãn cho tác phẩm, bằng những tiêu chuẩn rất vớ vẩn - đa phần từ các nhà nghiên cứu mà ra. Nhưng các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhà nghiên cứu trinh thám, đặc biệt hơn nữa là từng làm luận văn thạc sỹ về văn học trinh thám, thì càng ít biết về trinh thám.

Tính hài hước, chính xác hơn là giễu cợt (parodie), là một yếu tố rất rất quan trọng của trinh thám, kể cả là trinh thám đen. 

Sự hài hước kín đáo diễn ra trong các tác phẩm của Doyle, cho đến quý bà Agatha Christie... sự hài hước chường mặt ra lần nữa trong rất nhiều những câu chuyện và văn phong của Dennis Lehane, J. Deaver, Carlos Ruiz-Zafon, Arturo Perez-Reverte... Chúng làm giảm thiểu tính nghiêm túc quá đáng của câu chuyện. Tuy nhiên phong cách hài hước của các nền tiểu thuyết lại khác nhau: có lẽ người Mỹ thiên về mỉa mai (Deaver hay trọc ngoáy chính phủ Mỹ), thì Pháp hay đùa bỡn với các nhân vật (các nữ thám tử thường bối rối với chuyện yêu đương) và Tây Ban Nha cũng như Mỹ La tin là một rừng diễn ngôn giễu nhại đời sống và xã hội. 

(“Cướp ngân hàng ư? Tôi nghĩ rằng ngân hàng mới là kẻ cướp tiền của chúng ta”). Nhìn chung, khác biệt của tiểu thuyết đen phương Tây là sự dí dỏm khá duyên dáng từ các nhân vật thông minh. Các cảnh sát đều chuyên nghiệp và biết đùa, đùa một cách thâm hiểm và hại não. 

“Câu Lạc Bộ Dumas” là cuốn sách không xuất sắc về trinh thám nhưng lại là một cuốn Gothic Thriller thú vị. Khá lâu sau Don Quixote, người đọc Việt Nam mới có dịp đón nhận một cuốn tiểu thuyết Tây Ban Nha thuộc hàng bán chạy trên khắp thế giới. Câu lạc bộ Dumas cũng là một chuyến hành tẩu kỳ tuyệt trong một thế giới mà những gã ưa phiêu lưu sẽ mơ ước hơn bao giờ hết với đủ lãng mạn, dao kiếm và âm mưu. 


Bản dịch Câu Lạc Bộ Dumas của Phạm Hồng Chi

Câu lạc bộ Dumas của Perez Reverte (nhà văn được New York Daily News ví với Umberto Eco) được biết đến rộng rãi nhờ việc trình bày cái thế giới uy quyền, đầy âm mưu và có phần cuồng tín của giới chơi sách cổ ở Châu Âu. Đi lang thang trong thế giới này, ta sẽ bắt gặp những tình yêu sách kiểu khác nhau, và không dạng nào ở mức độ “dạng vừa” như những người đọc khiêm tốn chúng ta. Gã Balkan kinh lịch và hài hước mê Dumas đến nỗi thành lập một Câu lạc bộ hoạt động như giáo hội. Hai anh em Ceniza, nghèo túng nhưng không khốn khổ, tôn thờ nghệ thuật làm sách. Lão Fargas tội nghiệp ôm ấp gia tài sách của lão như kẻ đồng hành duy nhất trên hành trình qua bờ địa ngục. Quý cô xinh đẹp Taillefer nắn đời mình thành nhân vật trong sách. Lão Varo Borja cuồng tín yêu sách bằng tình yêu độc ác theo kiểu Healthcliff: sẵn sàng sở hữu, sẵn sàng tiêu diệt. 


Từ trong đám người này là bản mặt lạc lõng của gã Lucas Corso: nhân vât chính kiếm chác bằng nghề môi giới sách cổ, một kẻ theo tôn giáo tiền. Chúng ta theo chân Corso trong một hành trình khác: hành trình trinh thám.

Chính cái thế giới trinh thám “dở khóc dở cười” của chàng thám tử bất đắc dĩ Lucas Corso mới tạo nên một cuốn sách trinh thám thú vị bậc nhất thập niên 90. Xuyên qua những trang giấy cuốn hút mà bạn đọc sẽ khó lòng ngưng lật trang, Corso trong hai phi vụ cùng thời điểm (về một cuốn sách ma thuật cổ và một bản thảo của Dumas) theo đơn đặt hàng đã gặp liên tiếp ba vụ án mạng. Hai trong số đó là những đối tác trực tiếp “mới gặp hôm qua” của Lucas khiến gã hoang mang.

Thế nhưng Lucas hình như không phải được “kẻ nào đó trong bóng tối” sắp xếp làm nạn nhân hay làm nhân chứng, mà để làm...thám tử. Gã "bị" làm thám tử. Hành trình trên những phi vụ ly kỳ qua các thành phố lớn ở Châu Âu, Lucas được bảo vệ bởi một bạn đồng hành xinh đẹp mang tên Irene Adler (nàng thơ của Sherlock Holmes) mà chính gã cũng...chẳng biết là ai. Chỉ biết rằng, hắn được âu yếm, che chở, được hành động, truy đuổi, được bắt gặp chứng cứ, được khoanh vùng nghi phạm và được (cũng bị nữa) dí súng y như điệp viên 007 thực thụ. Cuối cuốn sách, hắn đã bắt được hung thủ nhưng là để...đòi tiền công phiêu lưu. Và rồi hắn cảm thấy mọi chuyện đã qua như một vở hài kịch suồng sã.

Câu Lạc Bộ Dumas được Công ty Nhã Nam giới thiệu như một tác phẩm Trinh thám. Điều này đã đúng trên mức độ lý thuyết bởi lẽ tất cả những khía cạnh của trinh thám đều được xuất lộ: thám tử, nạn nhân, vụ giết người bí ẩn, bằng chứng. Nhưng tất cả những nhân vật đại diện cho khía cạnh này đều không thừa nhận tư cách trinh thám của mình. Không chỉ có thám tử Corso, mà nạn nhân cho đến thủ phạm đều hờ hững với cuộc điều tra: nạn nhân không kêu cứu, thủ phạm thì quan tâm đến sách hơn, còn cảnh sát thì chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là giúp Corso đi tiếp hành trình. Họ đều cựa quậy đòi ra khỏi tấm áo mà tác giả và người đọc phủ lên mình. Rõ ràng, đây là một tác phẩm mà trinh thám chỉ là thứ yếu đủ để có thể xếp Câu Lạc Bộ Dumas vào loại tiểu thuyết phiêu lưu.

Lucas Corso hay là phản Don-Quixote

Cả Don Quixote và Lucas Corso đều đi từ một xuất phát điểm: mê mẩn sách. Nhưng một người thì tin vào nội dung, nên tự dọn ra cuộc phiêu lưu. Còn một kẻ thì chỉ yêu bề ngoài của cuốn sách (chất lượng sách, độ hiếm, giai thoại), và bị những kẻ khác tống vào phiêu lưu. Một kẻ phiêu lưu đích thực đi trên con đường giả tưởng; còn bên kia, một kẻ thực dụng ghét chuyện giả tưởng đi trên con đường phiêu lưu đích thực.

Dường như chúng ta sẽ nhận ra một khía cạnh hài hước của triết học hiện sinh ở Lucas Corso: hiện hữu đi trước bản chất, con người là kẻ bị “quăng ném” vào thế giới,  bị liên lụy vào những bi kịch không đâu. Điều gì làm Lucas sợ sệt hơn? Chứng kiến các vụ giết người không rõ lý do ngay trước mắt? Có lẽ là không. Lucas chỉ quan tâm đến việc yên thân và ngậm miệng ăn tiền: không có gì quý giá hơn bán được lòng tin với giá cao. Chính việc “phải làm thám tử” mới làm hắn sợ: hai hợp đồng của hắn có liên quan đến nhau không, tại sao hắn cứ phải chủ động hành động, tại sao điều tra là đường thoát duy nhất…. Mộng mơ của Lucas đã chấm dứt ở trân Waterloo bằng mô hình đồ chơi - sở thích của gã, chứ cuộc đời thì phải thực tế chứ! Trang 354, Lucas tự nhủ ”Phải chăng có gã nhà văn nào mê kịch bản rẻ tiền, coi hắn là một nhân vật ảo trong thế giới ảo không có thực. Thế thì thật quá đáng”.

Từ chối mộng tưởng, Lucas là một “phản-Don Quixote”. Hắn ước được đổi chỗ cho Don Quixote biết bao! Ở thời của Cervantes, thời của Don Quixote - kẻ suy cho cùng là vĩ đại -  người ta mơ đến một thế giới trắng đen rạch ròi, có kẻ ác hiện hình và hiệp sỹ lang thang. Nhưng ở thời của chúng ta, mộng mơ đó xếp vào những ngăn riêng tư thầm kín, khiếm diện của trí não: người ta còn phải căng mình lên đối phó với bọn người lắm chiêu và nguy cơ thua lỗ. Chính vì thế, Lucas giấu giếm với chính mình về tình yêu cả sách lẫn phụ nữ. Hắn không rõ căn cước người yêu mới đến trong đời, và đến cuối truyện, hắn được an thân trong nụ cười “như một con sói hung ác”, nhường sự vinh danh cho một tuyến nhân vật phụ.

Trò chơi tiểu thuyết và hệ quả.

Văn học trinh thám, từ khi được công nhận như một mảng văn học đại chúng với tên “tiểu thuyết đen”, đã trải qua nhiều bước phát triển so với trinh thám cổ điển. Điều dễ nhận biết nhất là từ Agatha Christie đến Patricia Cornwell, Alexandra Marinina…, các thám tử đã rũ bỏ vẻ lạnh lùng phi thực tế như Sherlock Holmes để có một diện mạo rõ ràng hơn, một thế giới tâm lý riêng, có thể cả đường nét quái quỷ trong tinh thần. Và đến Câu lạc bộ Dumas, thật hiếm dịp ta còn thấy một “thám tử phản thám tử”. Tác phẩm đã mang lại những thông điệp riêng biệt, cá tính đến với người đọc mê trinh thám hiện đại.

Ở đây chúng tôi không đề cập đến tác động của cuốn sách đến lịch sử trinh thám, mà chỉ nói đến cái cách cuốn sách sẽ đi vào sự đọc của chúng ta. Điều quý giá nhất mà Câu Lạc Bộ Dumas mang lại có lẽ là "trò chơi tiểu thuyết" của tác giả Perez-Reverte. Không ít người đã thất vọng vì cái kết: suy cho cùng các bí ẩn mà Corso gặp phải lại là từ hai câu chuyện không liên quan đến nhau (trong khi người đọc chờ đợi một âm mưu gì đó kết nối toàn bộ chi tiết bí ẩn vào một mối). Thật ra đây cũng là một thành công của Perez-Reverte: ông đã thắng cuộc trong trò chơi tiểu thuyết (nếu ai đã từng đọc các tác phẩm khác của ông như Bí ẩn quân hậu đen, The Fencing Master, ta đều thấy trò chơi này hiện diện). Điều quan trọng nhất của trò chơi tiểu thuyết là giữ người đọc tập trung vào những cái bí ẩn.

Trò chơi của Perez-Reverte là một trò chơi thông tin. Thực tế, Câu Lạc Bộ Dumas là hai cốt truyện giao nhau bởi nhân vật chính. Reverte giấu đi mắt xích thông tin quan trọng. Bởi ta nhìn ở góc độ của Corso, ta thấy những điều kỳ lạ dồn dập xảy đến (xác chết, kẻ theo dõi, người cộng sự) cứ như là một âm mưu thống nhất; và nếu chỉ cần yếu lòng một phút, ta có thể chuyển ngay tác phẩm sang thể loại truyền kỳ, chí dị. Tzvetan Todorov cho rằng cái vắng mặt của thông tin là điều cốt lõi làm nên truyện kể (*) , và đây chính là một case study kinh điển cho môn Tự sự học.

Thi thoảng thủ pháp vắng mặt này vẫn được sử dụng ở các câu truyện trinh thám, nhưng thường là để tăng độ ly kỳ trong một số tình tiết đòi hỏi (bởi lẽ hầu hết các tác phẩm này đều để lại bằng chứng người đọc cùng suy luận). Còn ở đây, nó là viên gạch chính dựng lên tiểu thuyết: một cú lừa của tác giả không hơn không kém. Sau đó, khi câu chuyện hiện diện đầy đủ, "không còn gì để kể nữa" (Todorov), thì lại là một câu chuyện hết sức bình thường. Thậm chí thông tục đến mức có thể gây thất vọng cho các fan ruột của thể loại ly kỳ. Hơn nữa, vì phục vụ cốt truyện, nên còn rất nhiều điều chưa được giải quyết triệt để: công lý, án mạng, nhân vật phụ. Đây chính là điểm yếu của cuốn sách, như một hệ quả mà tác giả phải gánh chịu.




Johnny Depp vai Daniel Corso, điểm cộng của phim chuyển thể Câu lạc bộ Dumas. 

Để khép lại bài viết, tôi liên tưởng đến hình ảnh tài tử Johnny Depp vào vai xuất sắc Corso từ tác phẩm phim chuyển thể từ tiểu thuyết này (Cửa địa ngục thứ chín, cuốn phim đã loại bỏ hẳn một trong hai phần cốt truyện để đi đến một cái kết có tính thỏa đáng hơn). 

Đức Anh

Chú thích: (*) Tzvetan Todorov, Thi pháp văn xuôi, NXB Đại Học Sư Phạm 2011, trang 110.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[Truyện ngắn] Bạch Đàn - Đức Anh

  Bạch Đàn Truyện ngắn ĐỨC ANH Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Anh Quốc  (Đã đăng Viết và Đọc chuyên đề mùa hạ 2021 )   1.    Vào đầu tháng ba năm ấy, tôi mất đi Xuân, người vợ của mình. Đó là vì một vụ hoả hoạn.   Và mãi tận cuối tháng tám năm ấy, tôi mới cho phép nỗi đau của mình, cùng những gì giả vờ nhất và chân thực nhất của nó, lui gót. Tôi bắt đầu kết thúc trạng thái đối phó với những kẻ lăm le động viên, những kẻ lúc nào cũng mang ánh mắt thương cảm lạc quan đến và tạo cho tôi cảm giác tôi đang giả vờ tuyệt vọng. Khi tôi thức dậy thì đã tà chiều, tôi dỡ báo giấy bọc kính cửa, mặt tôi trong kính trông như được tạc trên một cái chuông. Ngoài kia có giông, cây cối nghiêng đi trong trận gió điếc. Và nhờ những tia nắng nhút nhát cuối cùng đậu lại, xuyên qua lớp băng dính đã hết chất keo, căn phòng ánh lên một màu cá kho bóng lưỡng. Khung cảnh ấy hút hồn tôi một lúc lâu, tôi kiếm chiếc ghế và đầu tôi chỉ còn hai ý nghĩ: hoặc tôi sẽ chết, hoặc tôi phải sống kh...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...

Ngõ Tạm Thương

Rồi máy hút bụi sẽ hút mọi kiếp nhân sinh, nhưng người đời nếu ai trót đến chốn Hàng Bông, vào một ngõ, chẳng may nhìn thấy một vết hằn vện lên trên mặt đường bóng của một trận mưa mù, thì đấy chính là cái dấu vết tuổi trẻ của tôi chì xuống. Hoặc cũng có thể là dấu vết của một ai khác tôi biết mặt. Và cái dấu vết dừng lại ở một quán rượu. Tôi đã uống rượu ở đó, rất lâu. Năm hai mươi ba tuổi, có một vĩ tuyến mười bảy chia linh hồn tôi làm đôi, trái tim tôi là lửa đỏ Mậu Thân còn trí não tôi trống rỗng như một mảnh đồi sau cuộc triệt thoái. Tôi từng ngồi đó, như nhiều người khác, nơi một khổ cửa sắt, đợi một kẻ vô hình không bao giờ đến.   Tôi chơi bời với những người lớn tuổi hơn, nuốt từng chén quá khứ của họ vào quá khứ của mình. Bắt được gì hay là tha lôi chúng về để xây một dĩ vãng đánh lừa. Tâm hồn bọn tôi là một sân ga những kẻ trốn vé. Vì có nhiều bạn bè nên có quá nhiều sân ga, chúng tôi xếp lại với nhau thành trảng đất rộng, khi dóng chén lên là có một chuyến tàu đi xuyên....